Điểm báo ngày 21/1/2022

(CDC Hà Nam)
Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa xuân; TPHCM khoanh vùng, truy vết Omicron; Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị đề nghị 5-6 năm tù; Việt Á nhập khẩu 3 triệu test Trung Quốc với giá 21.560đ/test; Omicron lây lan nhanh trong nhóm chưa tiêm đủ vắc xin Covid-19

 

Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa xuân

Sáng 20.1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức.

Theo Thủ tướng, TP.HCM là tâm dịch lớn nhất cả nước năm 2021, công tác phòng chống dịch gặp khó khăn lớn bởi đây là TP đông dân nhất của đất nước. Bộ Chính trị, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên cho TP.HCM, đặc biệt là vắc xin Covid-19, trang thiết bị để TP chống dịch. Bởi vậy, nhân dân cả nước cũng chia sẻ và TP.HCM cũng có “trách nhiệm cao cả” là phải ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

TP.HCM cơ bản mở cửa, từ chỗ “đỏ” về cấp độ dịch đến nay đã “xanh” toàn bộ. Từ kinh nghiệm chống dịch ở TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu tất cả địa phương thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vắc xin Covid-19 để có cơ sở mở cửa an toàn, phục hồi và phát triển KT-XH. Thủ tướng cho biết đến hết ngày 18.1, cả nước đã tiêm được 172 triệu liều vắc xin, trở thành một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin lớn trên thế giới. Tiến độ tiêm chủng cần đẩy nhanh hơn nữa để cả nước an toàn mở cửa.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa xuân, từ ngày 1 – 28.2, và phát động phong trào tiêm vắc xin xuyên Tết. Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta vừa nghỉ tết, vừa đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong 9 ngày tết; vẫn phải khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế”. Thủ tướng cũng đề nghị nhanh chóng công nhận vắc xin sản xuất trong nước theo hướng giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn tiêm chủng

 

TPHCM khoanh vùng, truy vết Omicron

Cơ quan chức năng xác định có 11 trường hợp là F1 của chùm ca bệnh nhiễm Omicron. Kết quả xét nghiệm cho thấy có thêm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, mẫu bệnh phẩm đang được khẩn trương giải mã trình tự gien truy tìm biến thể. Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết chiều 20/1 tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Sau khi phát hiện 3 trường hợp nhiễm Omicron trong cộng đồng liên quan bệnh nhân là người nhập cảnh, ngành y tế thành phố đã khẩn trương khoanh vùng, truy vết.

Nữ bệnh nhân nhập cảnh là bà N.P. (41 tuổi) đã tuân thủ các quy định về cách ly tập trung sau khi về Việt Nam. Tuy nhiên, bà N.P. đã không tuân thủ quy định tự cách ly tại nhà mà đi ăn đi uống nhiều nơi. Đã xác định được 11 trường hợp F1 có tiếp xúc với chùm ca bệnh nhiễm Omicron ngoài cộng đồng, trong đó có 3 ca dương tính với SARS-CoV-2, nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận bệnh nhân có nhiễm Omicron hay không. Ngành y tế đang giải mã trình tự gen của 3 ca dương tính mới và sẽ sớm có thông tin đến cộng đồng.

Dịp Tết Nguyên đán, hoạt động phòng chống dịch vẫn được duy trì và tăng cường tại các điểm tổ chức lễ hội. Các hệ thống y tế dự phòng và điều trị luôn trong tư thế sẵn sàng kích hoạt ngay khi cần trong vòng 24 giờ. Ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ đợt 3 để rà soát và chích ngừa bổ sung. Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, nói: “Đến nay cả nước đã có 108 ca mắc biến chủng mới, trong đó thành phố có 68 ca Omicron. Người dân không nên quá lo lắng, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với biến chủng. Thành phố đề nghị người dân bình tĩnh thực hiện tốt khuyến cáo 5K và vắc xin. Ý thức của từng người dân sẽ giúp thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh”.

Ông Hải khẳng định, mọi hoạt động đường hoa, hội hoa xuân chưa có gì thay đổi; các giải pháp đưa người dân về quê đón Tết bằng đường sắt, đường hàng không vẫn sẽ tiếp tục diễn ra (Tiền phong, trang 4).

 

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị đề nghị 5-6 năm tù

Chiều 20.1, kết thúc thẩm vấn, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã đề nghị mức án với 8 bị cáo trong vụ nâng khống giá thiết bị robot xảy ra tại BV BM, Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS.

Viện Kiểm sát đã đề nghị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Anh mức án 5-6 năm; Nguyễn Ngọc Hiền – cựu Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai 4-5 năm; Trịnh Thị Thuận – cựu Kế toán trưởng 30-36 tháng tù treo và Lý Thị Ngọc Thủy – Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán 24-30 tháng tù treo.

Phạm Đức Tuấn – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS bị đề nghị 30-36 tháng tù treo, Ngô Thị Thu Huyền – Cựu phó Giám đốc Công ty BMS 24-30 tháng tù treo, Trần Lê Hoàng – cựu thẩm định viên Công ty VFS 30-36 tháng tù và Phan Minh Dung – Cựu Tổng giám đốc Công ty VFS 24-30 tháng tù.

Cả 8 bị cáo bị cáo buộc tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong vụ án, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Quốc Anh giữ vai trò chính, các bị cáo Hiền, Thuỷ, Thuận thực hiện theo chỉ đạo. Các bị cáo ở công ty BMS, VFS giúp sức trong vụ án.

Việc đề nghị mức án trên, Viện Kiểm sát cũng xem xét đến các bị cáo thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong ngành y…

Đại diện Viện Kiểm sát cho hay, quá trình thẩm vấn tại toà, lời khai tại cơ quan điều tra, có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của các bị cáo.

Theo đó, năm 2012, Bệnh viện Bạch Mai triển khai đề án sử dụng các trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa. Biết điều này, tháng 5.2016, Tuấn gặp ông Quốc Anh, đề nghị bán 2 robot Rosa và Mako, hỗ trợ phẫu thuật do công ty BMS nhập khẩu, giá 39 tỉ đồng và 44 tỉ đồng.

Ông Quốc Anh từ chối mua, song cho hay, Tuấn có thể làm đề án liên kết đặt máy tại bệnh viện. Thủ tục, thẩm quyền khi đó sẽ do Bệnh viện Bạch Mai tự quyết định, chỉ cần có Chứng thư thẩm định giá. Hai bên thoả thuận giá thiết bị và đơn vị thẩm định sẽ do Tuấn quyết định.

Giám đốc bệnh viện Bạch Mai sau đó không thảo luận bàn bạc công khai, tự ý chủ trì cuộc họp, thông qua đề án liên kết đặt robot phẫu thuật tại viện song không công bố giá máy và đơn vị cung cấp máy.

Cuối năm 2016, theo chỉ đạo của ông Quốc Anh, ba thuộc cấp tại bệnh viện Bạch Mai liên hệ với Tuấn và thẩm định viên về giá robot đã được Tuấn sắp xếp trước để làm khống Chứng thư thẩm định.

Dù không có hồ sơ, tài liệu làm căn cứ xác định giá và 2 hệ thống robot chưa được nhập về, thẩm định viên VFS vẫn cấp chứng thư nêu giá của 2 robot là 39 tỉ đồng và 44 tỷ đồng, theo yêu cầu của Tuấn và gửi Bệnh viện Bạch Mai.

Cáo trạng xác định, robot Rosa trị giá 7,4 tỉ đồng được Tuấn nâng khống giá gấp 5, thành 39 tỷ đồng.

Cuối tháng 2.2017, ông Quốc Anh ký văn bản giá dịch vụ robot Rosa là 36 triệu đồng/ca, trong đó, Công ty BMS được hưởng tổng 27 triệu đồng các khoản chi phí không đúng quy định. Giá này đồng nghĩa, mỗi bệnh nhân phải trả thêm hơn 16 triệu đồng so với thực tế cho mỗi ca phẫu thuật sử dụng robot, cáo trạng xác định.

Đến tháng 5.2020, tổng cộng 637 người bệnh tại Bạch Mai trả tiền sử dụng robot Rosa. Hậu quả của vụ án là số tiền 637 người này đã trả, hơn 10 tỉ đồng. Toàn bộ thiệt hại đã được bị cáo Tuấn khắc phục.

Với cáo buộc trên, Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại quyền lợi ích của người bệnh.

Các bị cáo đều có chức vụ, quyền hạn, có nghiệp vụ chuyên sâu, đáng lẽ phải là người tiên phong đi đầu trong lĩnh vực mình công tác….

Tuy nhiên, các bị cáo đã làm trái công vụ, dẫn đến việc thiệt hại tăng chi phí khám chữa bệnh, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của BV.

Việc truy tố, đưa ra xét xử với các bị cáo là để củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Song Viện Kiểm sát cho rằng, cần xem xét bối cảnh, nguyên nhân phạm tội của các bị cáo.

Ngoài mức án trên, Viện Kiểm sát cũng đề nghị HĐXX chấp nhận lời khai tại toà của bị cáo Nguyễn Quốc Anh là chỉ nhận 100 triệu đồng và 10.000 USD, thay vì lời khai của Tuấn trước đó cho rằng đã biếu cho bị cáo 400 triệu đồng và 10.000 USD (Lao động, trang 2; Sài gòn giải phóng, trang 7).

 

Việt Á nhập khẩu 3 triệu test Trung Quốc với giá 21.560đ/test

Tối 20/1, Tổng cục Hải quan thông tin về số liệu nhập khẩu của Công ty CP Công nghệ Việt Á liên quan vụ kit xét nghiệm COVID-19.

Theo Tổng cục Hải quan, Phan Quốc Việt là giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ Việt Á (có 5 chi nhánh) và đứng tên Giám đốc trên 11 công ty, trong đó chỉ có Công ty CP Công nghệ Việt Á hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm…

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Công ty CP Công nghệ Việt Á trong 5 năm (từ 2017-2021) gồm: bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 và nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm.

Đối với bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2, từ tháng 9-12/2021, Việt Á nhập khẩu sản phẩm chủng loại: Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% từ Trung Quốc với số lượng 3 triệu test, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560đ/test), tổng trị giá 64,7 tỷ đồng.

Về nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm, Việt Á nhập từ nhiều nước khác nhau.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 năm (2017-2021),  Công ty có tổng kim ngạch nhập khẩu 286 tỷ đồng.

Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm 162 tỷ đồng (gồm 64,7 tỷ đồng que thử thành phẩm, 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm) và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 công ty có liên quan đến Công ty bao gồm: Công ty CP xuất nhập khẩu Kỹ thuật – Technimex, Công ty CP vật tư khoa học Biomedic, Công ty CP kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty CP công nghệ TBR (Tiền phong, trang 2; Sài gòn giải phóng, trang 1).

 

Omicron lây lan nhanh trong nhóm chưa tiêm đủ vắc xin Covid-19

BYT cảnh báo tốc độ lây nhiễm của biến chủng Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng vắc xin Covid- 19 và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ. Các chuyên gia cũng lý giải vì sao phải truy vết để giám sát Omicron.

Chưa phát hiện Omicron có độc lực mạnh

Ngày 20.1, theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, vừa qua các nhà khoa học của viện này đã giải trình tự gien mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính để xác định chủng gây bệnh, qua đó đã phát hiện các ca nhiễm Omicron đều là những trường hợp nhập cảnh.

“Kết quả giải trình tự gien, ngoài việc xác định chủng gây dịch, còn đánh giá xu hướng, diễn biến dịch – là một trong những yếu tố để chúng ta có giải pháp phòng chống dịch phù hợp. Ví dụ, hiện chưa phát hiện Omicron có độc lực mạnh, tuy nhiên khả năng lây lan mạnh hơn. Khi các ca mắc tăng nhanh cũng có thể gia tăng các ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế”, một chuyên gia cho biết.

Kể từ khi ca nhiễm Omicron tại VN được công bố ngày 28.12.2021, đến ngày 19.1, VN ghi nhận 108 ca nhiễm biến chủng này, hầu hết là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay. Riêng tại TP.HCM, đến thời điểm hiện tại đã có 68 ca nhiễm Omicron, trong đó có 3 ca nhiễm tại cộng đồng có liên quan 1 ca nhập cảnh. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã ra thông báo truy tìm người trên chuyến bay từ Hàn Quốc về Cam Ranh (Khánh Hòa) và từ Cam Ranh về TP.HCM. HCDC cũng truy vết F1 của các ca này tại TP.HCM để cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm.

Có cần thiết truy vết?

Nhiều ý kiến đặt vấn đề: Hiện nay “sống chung với dịch” thì có cần truy vết? Lý giải điều này, một chuyên gia dịch tễ học cho rằng với Omicron, hiện nay truy vết có thể không kịp với sự lây truyền của chủng này mà Mỹ, Anh là những ví dụ. Tuy nhiên PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thì cho rằng với Omicron phải truy vết đến khi không còn truy vết được nữa. VN cần truy vết để ca bệnh không gia tăng nhanh và kiểm soát được, vì nếu không sẽ dẫn đến quá tải và gây tổn thất nhân mạng, kèm theo hậu Covid-19 và gây ra các biến chủng mới.

“Rút kinh nghiệm từ đợt dịch thứ 4, việc truy vết hiện nay phải có trọng tâm với nhóm người nếu bị bệnh sẽ lây cho nhiều người khác (bác sĩ, nhân viên y tế, trại dưỡng lão…); tiếp xúc người già; người có triệu chứng…”, PGS-TS Dũng nói.

Bộ Y tế cho hay vẫn tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch do Omicron gây ra tại VN; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế  TG (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về biến chủng này. Bộ Y tế cảnh báo tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ, dẫn đến tăng rất nhanh số ca mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng, chống dịch. Theo Bộ Y tế, WHO tiếp tục đưa ra cảnh báo mới về Omicron đặc biệt nguy hiểm với người chưa tiêm vắc xin. WHO khẳng định làn sóng lây nhiễm gia tăng hiện nay là do Omicron có thể dần thay thế Delta, trở thành biến chủng lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước.

Theo WHO, đến ngày 6.1, Omicron đã xuất hiện tại 149 quốc gia và vùng lãnh thổ. WHO nhấn mạnh các nước không nên chủ quan trước biến chủng này, đồng thời bác bỏ những quan điểm cho rằng Omicron có thể là nhân tố tích cực chấm dứt đại dịch. Nhóm Tư vấn kỹ thuật về các thành phần của vắc xin Covid-19 thuộc WHO (TAG-CO-VAC) cho rằng các vắc xin Covid-19 hiện nay cần được bổ sung thành phần để bảo đảm hiệu quả phòng ngừa Omicron và các biến chủng trong tương lai; cần tiếp tục phát triển các vắc xin có tác dụng ngăn chặn tiến trình nhiễm và lây lan Covid-19; ngăn chặn tình trạng bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển biến nặng và tử vong.

Đa số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc nhẹ

Về triệu chứng của Omicron, theo lãnh đạo  BV dã chiến số 12 (TP.HCM) – nơi điều trị bệnh nhân mắc Omicron, đa số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc nhẹ. Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Omicron khác Delta ở chỗ lây lan nhanh hơn, thời gian ủ bệnh ngắn hơn, triệu chứng nhẹ hơn, kể cả trẻ em, nhất là người đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin Covid-19. Người mắc Omicron phát tán vi rút khi mắc bệnh ngắn hơn và chỉ 5 – 7 ngày gần như hết lây; còn biến chủng Delta là 10 – 14, thậm chí đến 21 ngày vẫn còn lây. “Tiêm ngừa đủ (nhất là người nguy cơ), khẩu trang và rửa tay nhiều nhất có thể. Người dân bình tĩnh đón nhận và đừng để mất nhân sự lao động nhiều vì cách ly”, bác sĩ Khanh khuyến cáo (Thanh niên, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/01/2019

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 30/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/4/2019

Ngọc Nga