TPHCM ra mắt Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại Bệnh viện quận Phú Nhuận
Sáng 20-10, Bệnh viện Quận Phú Nhuận đã ra mắt trạm cấp cứu vệ tinh 115. Đây là trạm cấp cứu vệ tinh thứ 34 của TPHCM và là trạm thứ 3 phục vụ hoạt động cấp cứu trên địa bàn quận Phú Nhuận. Bác sĩ Võ Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện quận Phú Nhuận cho biết, nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh, củng cố hoàn thiện mạng lưới cấp cứu ngoại viện, thời gian qua bệnh viện đã cử bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo ở bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng mời các bác sĩ bệnh viện tuyến trên về tập huấn, hướng dẫn cho các bác sĩ ở bệnh viện; đầu tư trang thiết bị y tế,… phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, cấp cứu ngoài bệnh viện đã được ngành y tế xác định là nhóm hoạt động quan trọng – là chân thứ ba trong thế kiềng 3 chân của các hoạt động khám, chữa bệnh của hệ thống y tế TP.
Cụ thể, phát triển năng lực tuyến đầu của các bệnh viện quận, huyện và năng lực chuyên sâu tuyến cuối của các bệnh viện thành phố; Phát triển y tế cơ sở, chuyển đổi hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý Y học gia đình; Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp (Paramedic).
PGS.TS Tăng Chí Thượng yêu cầu Bệnh viện quận Phú Nhuận cần củng cố về năng lực, có kế hoạch bố trí đội ngũ sẵn sàng trực 24/7 và sớm triển khai thêm loại hình cấp cứu xe 2 bánh.
Trước mắt, Sở Y tế sẽ cho Bệnh viện quận Phú Nhuận mượn 1 xe cấp cứu 2 bánh đã được trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ để phục vụ nhu cầu cấp cứu trước mắt trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Y tế giao Trung tâm Cấp cứu 115 hỗ trợ năng lực cấp cứu ngoài bệnh viện đối với trạm Cấp cứu vệ tinh thứ 34 đặt tại bệnh viện quận Phú Nhuận và hỗ trợ xe cứu thương túc trực tại bệnh viện (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Bệnh trẻ em đang vào ‘đỉnh’
Ngày 20.10, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết bệnh trẻ em đang vào đỉnh hằng năm. Theo đó, vào thứ hai tuần trước (12.10), bệnh viện (BV) tiếp nhận 8.050 ca khám và thứ hai tuần này (19.10) là 8.194 ca khám, gần bằng ngày cao điểm tháng 9.2019 (hơn 8.400 ca).
Trong khi đó, vào thứ hai tuần trước, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận 8.075 ca và thứ hai tuần này tiếp nhận 8.237 ca, gần bằng ngày cao điểm nhất của tháng 9 năm 2019 (hơn 8.300 ca). BV Nhi đồng TP cũng cho biết lượng bệnh nhi đến khám bệnh cũng bắt đầu gia tăng trong 2 tuần qua. Thứ hai tuần trước BV tiếp nhận 2.523 ca và thứ hai tuần này tiếp nhận 2.649 ca.
Trong khi thời điểm này năm 2019, BV tiếp nhận 2.000 ca. Các bệnh khiến trẻ đi khám nhiều nhất là: viêm mũi họng, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, viêm phổi… Dự báo bệnh có thể sẽ ở mức cao trong vài tuần nữa.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2, cho biết năm nay do ảnh hưởng mưa nhiều và liên tục nên các bệnh tăng sớm. Thời điểm này đến cuối năm, các bệnh đường hô hấp gia tăng theo quy luật tự nhiên. Càng về cuối năm, hanh khô tạo môi trường thuận lợi cho các chủng vi rút gây bệnh hô hấp phát triển.
Để phòng bệnh, bác sĩ Minh Thu khuyến cáo mọi người, nhất là trẻ em cần mang khẩu trang khi ra đường, rửa tay thường xuyên, tránh tập trung nơi đông người. Với trẻ có cơ địa dị ứng thì cần chuẩn bị thuốc phòng ngừa; hạn chế tiếp xúc các chất có thể gây dị ứng như: tạo cho nhà cửa thông thoáng; hút bụi, lau nhà thường xuyên; không nuôi chim, chó mèo…; giặt đồ bằng nước nóng để diệt nấm mốc. Tránh cho trẻ vận động quá sức và tiêm ngừa cúm. Ngoài ra, cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, lưu ý bổ sung các vitamin và khoáng chất có khả năng tăng sức đề kháng và hỗ trợ miễn dịch, như: vitamin C, D, kẽm, omega 3 (Thanh niên, trang 12).
48 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhân ca mắc covid 19 tại cộng đồng
Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h đến 18h ngày 20-10, nước ta ghi nhận 1 ca mắc mới, là ca nhập cảnh, được cách ly ngay.
Đó là ca bệnh 1.141 (BN 1.141), nữ, 29 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, là vợ của BN 1.125, chuyên gia người Ấn Độ. Ngày 6-10, bệnh nhân từ Ấn Độ nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay 6E9471, được chuyển đến cách ly tại thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 19-10 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.537, trong đó có 148 người cách ly tập trung tại bệnh viện và 12.277 người cách ly tập trung tại cơ sở khác, số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Như vậy, đã 48 ngày liên tiếp (tính từ ngày 3-9 đến nay), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.141 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến thời điểm hiện tại, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.046 ca, ghi nhận 35 ca tử vong. Ngoài ra, trong số các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 16 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1-3 lần âm tính với SARS-CoV-2 (Hà Nội mới, trang 7).
Cách chức giám đốc Bệnh viện Sản nhi Phú Yên
Ngày 20-10, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết UBND tỉnh Phú Yên vừa ra quyết định kỷ luật cách chức giám đốc Bệnh viện Sản nhi Phú Yên đối với ông Hồ Văn Thanh.
Trước đó, cuối tháng 7-2020, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đã kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Thanh, khi đó là bí thư Đảng ủy, giám đốc Bệnh viện Sản nhi Phú Yên.
Lý do là trong quá trình công tác giai đoạn 2017-2018, ông Thanh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, cố ý vi phạm nguyên tắc tài chính, kế toán, gây thất thoát và lãng phí tài sản của Nhà nước.
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên cũng vừa có quyết định phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND huyện Tuy An nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Phạm Ngọc Thanh kể từ ngày 19-10-2020. Như Tuổi Trẻ đã thông tin, trong tháng 7-2020, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên kết luận trong thời gian 1996-1997, ông Thanh thiếu trung thực, không gương mẫu khi kê khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên là có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đại học tài chính – kế toán trong khi ông chưa được cấp bằng đại học.
Dù biết bản thân không đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định, nhưng từ đó cho đến năm 2012, ông Thanh vẫn tham gia ứng cử, nhận đề cử để được bầu giữ các chức vụ chủ chốt của tổ chức đoàn thể, cấp ủy, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo chính quyền, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên thi hành kỷ luật cảnh cáo về đảng đối với ông Thanh. Vào ngày 13-10-2020, UBND tỉnh Phú Yên đã kỷ luật hành chính với mức cảnh cáo đối với ông Thanh (Tuổi trẻ, trang 6).
Người được ghép gan đầu tiên ở Việt Nam hi vọng được ghép gan lần 2
16 năm trước, năm 2004, cô bé Nguyễn Thị Diệp ở Hải Hậu, Nam Định, khi ấy 9 tuổi và đang học lớp 3 đã trở thành người đầu tiên được ghép gan tại Việt Nam, trong một ca ghép lịch sử thực hiện tại Viện Bỏng quốc gia, ê kíp y bác sĩ tham gia ca ghép đến từ Học viện Quân y, Bệnh viện 103, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và cá chuyên gia Nhật Bản… Người hiến tặng gan cho Diệp là bố đẻ của em.
“Diệp được ghép gan và được cứu sống, cả gia đình chúng tôi hạnh phúc, Diệp cũng hạnh phúc lắm, dù không được khỏe như các bạn, nhưng Diệp cũng cố học hành để bằng các bạn bè, sau khi học xong phổ thông, Bệnh viện 103 lại hỗ trợ để Diệp được đi học hệ trung cấp ngành dược cổ truyền và vào làm việc tại Bệnh viện”- bà Thoa chia sẻ.
Diệp đã đi làm được hơn 1 năm, đây là lúc cô gái trẻ có cuộc sống tự lập, có công việc và đồng nghiệp. Nhưng từ tháng 11-2019 Diệp bắt đầu yếu, lá gan được ghép sau 15 năm đã bị xơ nhiều, kéo các chỉ số sức khỏe xuống. Khoảng 2 tháng trước, đại diện Bệnh viện đã trao đổi với gia đình là có dự án ghép gan lần 2 cho Diệp.
“Giờ đây khó khăn nhiều thứ: gan hiến tặng, tài chính cho ca ghép, chưa kể là Diệp đang bị động kinh nên càng khó khăn hơn. Vì sức khỏe Diệp yếu nên số cơn động kinh xuất hiện có tăng lên, một tuần trước cháu lên cơn động kinh 7-8 lần/ngày, đêm 19-10 cháu cũng lên cơn động kinh 2 lần. Nhưng giờ gia đình chúng tôi vẫn đang hy vọng một phép màu, Diệp được ghép gan lần 2 và được sinh ra lần thứ 3” – bà Thoa nói.
Theo PGS.TS Bùi Văn Mạnh (giám đốc Trung tâm Hồi sức và Chống độc Bệnh viện 103, thành viên ca ghép gan cho Nguyễn Thị Diệp), sau ca ghép 2-3 năm, người từng gặp cháu Diệp có dịp gặp lại cháu đều không nhận ra, cháu đã thay đổi rất nhiều. Năm 2018-2019 cháu trưởng thành, đến làm việc tại bệnh viện chúng tôi, tất cả mọi người đều vui mừng.
Tính từ ca ghép gan cho cô bé Diệp, sau 16 năm đến nay đã có 244 ca ghép gan được thực hiện, các Bệnh viện 103, 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy… đều đã ghép được gan và nhiều mô tạng khác. Trên thế giới, đã có người ghép gan sống được trên 30 năm. Tại Việt Nam, Diệp là bệnh nhân được ghép gan đầu tiên và đến nay đã trải qua 16 năm sống bằng lá gan mới (Tuổi trẻ, trang 14).