Điểm báo ngày 21/8/2019

(CDC Hà Nam)
Bệnh nhi 5 tuổi tử vong do bệnh viêm não diễn tiến quá nhanh; Bắt đầu điều chỉnh tăng viện phí bệnh viện công; Giả mạo Bệnh viện 108 để bán thuốc chống rụng tóc, thẩm mỹ nhũ hoa…; Cứu bệnh nhân bị gãy đốt sống cổ dạng hiếm gặp; …

Bệnh nhi 5 tuổi tử vong do bệnh viêm não diễn tiến quá nhanh

Ngày 20/8, bà Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai xác nhận, Bệnh viện đã họp Hội đồng chuyên môn và đưa ra kết luận nguyên nhân khiến bệnh nhi T.T.B.H. (5 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) tử vong vào ngày 16/8, là do bệnh viêm não diễn tiến quá nhanh.

Theo bà Nguyễn Lê Đa Hà, Bệnh viện không lấy được dịch não tủy của bệnh nhi T.T.B.H. để đi xét nghiệm, do vậy không thể tìm ra tác nhân gây viêm não.

Trước đó, sáng 16/8, người nhà thấy bé T.T.B.H. bị sốt cao nên đưa bé vào khám tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Qua thăm khám, kết hợp với kết quả xét nghiệm, siêu âm, các bác sỹ kết luận, bệnh nhi T.T.B.H. bị nhiều phân cứng dọc khung đại tràng. Các bác sỹ đã kê đơn thuốc và cho bé ra về điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, gia đình thấy bé T.T.B.H. tiếp tục sốt cao, mệt nên đưa bé quay lại Bệnh viện để kiểm tra. Trên đường tới bệnh viện, bé có triệu chứng co gồng người, khi vào Phòng Cấp cứu, bé vẫn đang cơn gồng, tím toàn thân và sau đó suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Lúc này, các bác sỹ nhận định bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa và có nghĩ đến bị viêm não nên điều trị song song cả sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa và viêm não. Thời điểm này, tĩnh mạch xẹp rất khó lấy ven, các bác sỹ tập trung lấy ven không được, phải xẻ ven và hồi sức cho bé nguyên đêm. Tuy nhiên, do diễn tiến bệnh quá nhanh, bệnh nhi sau đó không qua khỏi.

Bà Nguyễn Lê Đa Hà cho biết, đây là một trường hợp rất đáng tiếc. Tập thể các bác sỹ của Bệnh viện đã rất nỗ lực cứu chữa nhưng không thành công do diễn tiến bệnh quá nhanh khiến bệnh nhi suy sụp.

Ngày 18/8, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã cử đoàn đến viếng đám tang và chia buồn cùng gia đình bệnh nhi T.T.B.H. Trong ngày 20/8, Bệnh viện sẽ mời gia đình bệnh nhi đến để giải thích cho người nhà hiểu hơn về tình hình diễn tiến bệnh của bé T.T.B.H. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Bắt đầu điều chỉnh tăng viện phí bệnh viện công

Bắt đầu từ hôm nay, 20-8, giá dịch vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập, bao gồm cả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và không có BHYT chính thức được điều chỉnh theo quy định mới. Như Báo ANTĐ đã đưa tin, Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT vừa được Bộ Y tế ban hành đầu tháng 8 vừa qua để thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện, bao gồm giá khám chữa bệnh có BHYT và ngoài phạm vi BHYT, chính thức có hiệu lực từ ngày 20-8-2019.

Theo đó, từ ngày 20-8-2019, giá khám bệnh BHYT áp dụng theo Thông tư 13 sẽ tăng nhẹ tại tất cả các tuyến bệnh viện. Mức giá điều chỉnh tăng bình quân như sau: Giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.

Cụ thể: giá khám tại Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 38.700 đồng/ lượt (tăng 1.700 đồng); Bệnh viện hạng II: 34.500 đồng/ lượt (tăng 1.500 đồng); Bệnh viện hạng III: 30.500 đồng/ lượt (tăng 1.500 đồng); Bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng/ lượt (tăng 1.500 đồng).

Đồng thời, giá dịch vụ ngày giường bệnh và giá một số dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác cũng sẽ được điều chỉnh tăng. Theo đó, tại bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh là 782.000 đồng/ngày/ bệnh nhân (tăng 29.000 đồng); Đối với bệnh viện hạng I, mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tối đa là 705.000 đồng/ngày, bệnh viện hạng II là 602.000 đồng/ngày…

Tiếp đó, bắt đầu từ 1-10-2019, giá phòng dịch vụ tại các bệnh viện (áp theo thông tư 14) có sự điều chỉnh. Về giá ngày giường điều trị theo yêu cầu, giá tối đa tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 là 4 triệu đồng/ngày với loại phòng 1 giường/phòng; loại 2 giường/phòng có giá 2,5 triệu đồng/ngày; loại 3 giường có giá 1,5 triệu đồng; loại 4 giường có giá 1,3 triệu đồng/ngày.

Giá ngày giường bệnh các cơ sở y tế khác tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được thu từ 900.000 đồng đến 3 triệu đồng/ngày cho loại phòng từ 4 giường đến 1 giường/phòng. Các cơ sở y tế còn lại tại các tỉnh khác được thu từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng/ngày.

Theo Bộ Y tế, so với Thông tư 37 và Thông tư 39 thì ở Thông tư 13, 14 không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ  1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019).

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế cho rằng, mức tăng viện phí theo 2 Thông tư mới áp dụng từ ngày 20-8-2019 không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội khác vì được BHYT thanh toán 100%.

Còn đối với các cơ sở khám chữa bệnh, việc điều chỉnh giá lần này vẫn chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá cũng góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở y tế; các bệnh viện có nguồn kinh phí để trả lương cho cán bộ nhân viên theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Giả mạo Bệnh viện 108 để bán thuốc chống rụng tóc, thẩm mỹ nhũ hoa…

Gần đây, xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo về việc Bệnh viện trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) có bán, kiểm nghiệm thuốc điều trị bạc tóc, chống rụng tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp da, thẩm mỹ nhũ hoa… Đây đều là những thông tin không chính xác.

Trước phản ánh của nhiều người dân về tình trạng trên, Bệnh viện 108 vừa đưa thông báo khẳng định, bệnh viện này chưa triển khai kiểm nghiệm, sản xuất các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

“Vì vậy, thông tin quảng cáo của các nhà sản xuất, các cá nhân quảng cáo dược phẩm điều trị bệnh hay mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp (thuốc trị bạc tóc, rụng tóc, làm đẹp da, thẩm mỹ nhũ hoa, thuốc trị nám…) được sản xuất hay kiểm nghiệm tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đều là những thông tin không chính xác” – thông báo của bệnh viện nêu rõ.

Về việc trên một số trang mạng quảng cáo các cơ sở khám, chữa bệnh mang danh viện 108 ở một số địa chỉ khác nhau, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 khẳng định, bệnh viện có địa chỉ duy nhất tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Vì thế, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh mang tên “viện 108”, “viện quân đội 108”… ở các địa chỉ khác đều là giả mạo. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Bệnh nhân mang khối u gan khổng lồ đường kính 30 cm

Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tụy (Bệnh viện T.Ư quân đội 108) vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u gan khổng lồ của bệnh nhân 63 tuổi. Bệnh nhân là nam giới, sống tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), nhập viện trước phẫu thuật với chẩn đoán khối u nang gặp phải.

Gia đình ông N. cho biết, trước lần điều trị này, ông N. đã từng điều trị chọc hút nang và đặt dẫn lưu dịch tại cơ sở y tế khác, nhưng tình trạng bệnh không đỡ, khối u vẫn phát triển to, nên gia đình đã đưa ông đến khám tại Bệnh viện T.Ư quân đội 108.

Tại Bệnh viện T.Ư quân đội108, sau chụp chẩn đoán và thăm khám, các bác sĩ đánh giá khối u gan phải là nang ung thư hóa, có kích thước rất lớn với đường kính trên 30 cm, đã choán gần hết ổ bụng bệnh nhân, nên chỉ định phẫu thuật. (An ninh Thủ đô, trang 2; Công an nhân dân, trang 2).

 

Cứu bệnh nhân bị gãy đốt sống cổ dạng hiếm gặp

Sau ca tai nạn giao thông, bà Đỗ Thị G. đi 2 bệnh viện điều trị mới phát hiện được tình trạng gãy mỏm nha đốt sống cổ C2 – một loại tổn thương hiếm gặp và rất khó chẩn đoán. Nếu chậm phát hiện, bệnh nhân có nguy cơ yếu liệt dần, thậm chí đột tử…

Chiều nay, 20-8, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công ca bệnh gãy mỏm nha đốt sống cổ nguy hiểm, hiếm gặp.

Bệnh nhân là bà Đỗ Thị G. (66 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội), bị tai nạn giao thông, đã điều trị cấp cứu tại một bệnh viện khác rồi chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Lúc này, bệnh nhân có dập não vùng trán, xuất huyết dưới nhện lan tỏa nhiều chỗ. Các bác sĩ đã điều trị ổn định sọ não cho bệnh nhân, tuy nhiên những dấu hiệu đau cột sống cổ lại không giảm.

Vì thế, các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân đi chụp Xquang cột sống cổ, CT Scanner, Cộng hưởng từ cột sống cổ và phát hiện được hình ảnh gãy mỏm nha đốt sống cổ C2. Theo bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, đây là 1 loại tổn thương hiếm gặp và khó chẩn đoán do rất ít dấu hiệu lâm sàng. Nếu không phát hiện kịp thời bệnh nhân có nguy cơ yếu liệt dần, thậm chí có thể đột tử do chèn ép hành tuỷ gây suy hô hấp.

“Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, sự mất vững khớp C1-C2 có thể có tỷ lệ tử vong cao, thay đổi từ 13% đến 60%, tùy từng nghiên cứu. Vì vậy, bất kể bệnh nhân nào có tổn thương gãy ở vùng này đều cần được kiểm tra và can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay” – bác sĩ Kiên cho biết.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp mổ cố định đốt sống cổ C1-C2 bằng nẹp vít cho bệnh nhân G.. Xác định đây là một trong những vùng phẫu thuật khó khăn nhất của cột sống, tỷ lệ tai biến khi phẫu thuật khá cao, kíp phẫu thuật đã thực hiện rất tỉ mỉ, cặn kẽ và sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện tại bệnh nhân đang phục hồi tốt. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Ca ghép gan thần kỳ giữa ông và cháu

Ca ghép gan kéo dài từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm với nhiều diễn biến phức tạp để lá gan của người ông thích ứng với cơ thể bé nhỏ của người cháu.

Bệnh nhân là bé DCM (sinh tháng 2-2018, ngụ quận 3, TP.HCM) sinh non khi mới ngoài sáu tháng tuổi do vỡ ối sớm. Ngoài bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, bé còn bị bệnh teo đường mật bẩm sinh. Dù đã được phẫu thuật thay đường mật mới nhưng tình trạng diễn biến xấu nên bé được chuyển đến BV Nhi đồng 2 điều trị.

15 giờ căng thẳng

Ngày 3-6-2019, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận bé trong tình trạng bị viêm phổi nặng, suy gan giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong sớm nếu không được ghép gan. Người cha sẵn sàng cho gan bé nhưng gan bị nhiễm mỡ, không phù hợp nên ông nội bé (56 tuổi, ngụ Tây Ninh) đã không ngần ngại cho gan để cứu sống cháu mình.

Ca ghép gan diễn ra vào ngày 18-6-2019, kéo dài 15 tiếng, từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm với nhiều diễn biến phức tạp từ việc bóc tách thùy gan của người cho đến khi ghép vào cơ thể của người cháu. Khi ghép phần gan mới cho bé M., tĩnh mạch cửa của bé lại không tương thích tĩnh mạch cửa của người ông nên êkíp phẫu thuật phải lấy tĩnh mạch cảnh trái của bệnh nhi làm cầu nối. Nhờ vậy mạch máu không bị gập, mạch máu lưu thông tốt.

Tuy nhiên, vấn đề gây trở ngại tiếp theo là bụng của em bé quá nhỏ do sinh non tháng nên êkíp phẫu thuật phải nong ổ bụng của em bé rộng ra để thích ứng với lá gan mới bằng tấm plaque – một vật liệu không gây phản ứng cho cơ thể, được mang từ nước ngoài về phục vụ ca phẫu thuật.

Hiện tại, sau ghép hai tháng, bệnh nhi hồi phục tốt, bé tăng cân, vui vẻ, linh hoạt, da dẻ trắng trẻo, không còn đen sạm do tình trạng ứ mật như trước. Bé có thể tự ngồi, đi xe đẩy hay đùa giỡn với mọi người. Sức khỏe người cho tạng, ông nội bé, cũng ổn định và có sự tăng cân sau phẫu thuật.

Một tuần hồi sinh 15 bệnh nhân

Chiều 19-8, BV Hữu nghị Việt Đức tổ chức buổi cung cấp thông tin về ca ghép phổi thứ hai và “tuần ghép tạng” tại BV Hữu nghị Việt Đức.

GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, cho biết cách đây hơn tám tháng, vào ngày 12-12-2018, ca ghép hai phổi từ người cho đa tạng chết não đầu tiên của BV Hữu nghị Việt Đức cho một bệnh nhân 17 tuổi đã thành công với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của BV. Sự kiện được Bộ Y tế vinh danh là một trong chín sự kiện y tế nổi bật năm 2018.

Với một sự trùng lặp ngẫu nhiên, cũng vào ngày 12-8-2019, đúng tám tháng sau ca ghép thứ nhất, BV Hữu nghị Việt Đức lại thực hiện thành công ca ghép hai phổi thứ hai từ người cho đa tạng chết não.

Ca mổ lấy ghép hai phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4 giờ chiều 12-8 tới 6 giờ 30 ngày 13-8. Ghép hai phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng. Tuy nhiên, sau mổ 6 giờ bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt.

Theo lãnh đạo BV Hữu nghị Việt Đức, thời gian này còn diễn ra một điểm đặc biệt nữa là lần đầu tiên BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy và ghép cùng lúc sáu tạng cho năm bệnh nhân, gồm hai phổi, một tim, một gan, hai thận.

Chưa hết, từ ngày 12 đến 18-8, trong gần một tuần, được sự hỗ trợ và phối hợp rất nhịp nhàng của Trung tâm Điều phối – Ghép tạng Quốc gia, BV Chợ Rẫy, hãng hàng không Vietnam Airlines, các bác sĩ BV Hữu Nghị Việt Đức đã thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não (một phổi, hai tim, ba gan, bốn thận) với nguồn hiến đa tạng từ BV Hữu nghị Việt Đức và BV Chợ Rẫy.

“Như vậy có tới 16 ca ghép tạng trong sáu ngày. Chưa bao giờ hoạt động ghép tạng tại BV Hữu nghị Việt Đức lại căng thẳng nhưng hiệu quả như vậy. Đến nay kết quả ghép rất tốt” – GS.TS. Trần Bình Giang cho biết.

Khẩn thiết hỗ trợ bệnh nhi nghèo ghép tạng

Từ thành công của các ca ghép tạng nhi tại BV, nhân dịp này BS CK2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết hơn 10 năm qua, BV đã thực hiện thành công 17 ca ghép thận, 12 ca ghép gan, tuy nhiên số ca ghép tạng còn rất “khiêm tốn” so với nhu cầu cần ghép thật sự của các bệnh nhi bị suy gan, suy thận. Lý do là các bệnh nhi và gia đình không đủ khả năng tài chính để theo đuổi việc ghép tạng. Chi phí cho một ca ghép tạng có thể tốn kém từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. BS Tùng kêu gọi các cá nhân, tổ chức chung tay thành lập quỹ hỗ trợ ghép tạng cho bệnh nhân nghèo để có thêm nhiều bệnh nhi có cơ hội được cứu sống và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. “Mong rằng quỹ này sẽ hỗ trợ cho gia đình các bé những vấn đề liên quan đến tài chính để gia đình có thể an tâm “chiến đấu” cùng con, không chỉ là trong quá trình ghép tạng mà còn chặng đường dài chống thải ghép, hồi phục… sau đó” – BS Tùng nói.  (Sài Gòn giải phóng, trang 13; Tuổi trẻ, trang 14; Công an nhân dân, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 9/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/7/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận