Điểm báo ngày 20/7/2021

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng yêu cầu các địa phương thống kê nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Các tỉnh thành phía nam căng mình chống dịch

Thủ tướng yêu cầu các địa phương thống kê nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Hơn một năm rưỡi sau khi được phát hiện, vi-rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã gây ra bốn đợt dịch trên toàn cầu và với mỗi đợt dịch đều có một loại biến chủng chiếm đa số. Với hàng nghìn biến chủng được ghi nhận, các nhà khoa học đang chịu áp lực rất lớn trong việc phân tích biến chủng và chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi vi-rút ngày càng biến đổi phức tạp.

Một vi-rút có thể gây đại dịch toàn cầu phải lây một cách dễ dàng từ người sang người. Vi-rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 giai đoạn đầu được xác nhận là lây lan chậm và chỉ lây qua giọt bắn hoặc các tiếp xúc gần hay gián tiếp qua bề mặt. Ðể có thể gây đại dịch, vi-rút cần phải đột biến tới mức có thể lây dễ dàng từ người sang người trong cộng đồng rộng lớn cũng như lây được ngay ở giai đoạn chưa có triệu chứng, điều này SARS-CoV-2 đã cho thấy mức độ lây lan nguy hiểm hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu.

Các biến chủng hiện có của loài vi-rút này gồm: chủng B.1.1.7 (Alpha), được phát hiện đầu tiên tại Anh, sau đó lan khắp các quốc gia; hiện tại đây vẫn là chủng phổ biến nhất nhưng với sự xuất hiện chủng Delta, chủng Alpha dần bị thay thế. Chủng B.1.351 (Beta), được phát hiện tại Nam Phi vào tháng 12/2020, được cho là làm giảm hiệu quả bảo vệ của vắc-xin. Chủng P.1 (Gamma), được phát hiện vào đầu tháng 1 năm nay, tại Brazil chủng này lưu hành mạnh và làm mất tác dụng của các vắc-xin thế hệ cũ. Chủng B.1.617.2 (Delta), được phát hiện tại Ấn Ðộ vào cuối năm 2020, nhanh chóng chiếm ưu thế và lây lan toàn cầu, đe dọa xóa đi những nỗ lực phòng, chống dịch tại nhiều quốc gia; chủng này hiện chiếm hầu hết các trường hợp nhiễm tại Việt Nam. Chủng C.37 (Lambda), được phát hiện tháng 12/2020 tại Peru và chiếm tới 82% các trường hợp mắc mới tại đây, rồi lan ra khoảng 24 quốc gia, trong đó phổ biến tại Nam Mỹ. Trong hai tháng gần đây, chủng này lan rộng với tốc độ cao và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo như một biến chủng đáng quan ngại.

Sự tăng tốc độ lây nhiễm không có nghĩa là bệnh nguy hiểm hơn. Hiện tại, các vắc-xin có vẻ giảm khả năng phòng lây nhiễm của vi-rút nhưng khả năng bảo vệ trước thể nặng và nhập viện vẫn rất tốt. Tuy nhiên, những biến chủng này khi xuất hiện đã nhanh chóng chiếm đa số và gạt những biến chủng khác sang một bên. Số lượng ca bệnh tăng vọt làm quá tải hệ thống y tế và gián tiếp dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong.

Giống như các vi-rút RNA khác, vi-rút SARS-CoV-2 không có cơ chế kiểm soát lỗi mỗi khi nó nhân lên. Chính bởi lý do đó, cứ khoảng 1.000 lần nhân bản sẽ có một vị trí trên đoạn mã di truyền của vi-rút bị sai/hỏng. Nếu sai sót đó có ý nghĩa, nó sẽ tạo ra một phiên bản mới của vi-rút và nếu đột biến đó đem lại khả năng lây lan dễ dàng hơn, nó sẽ nhanh chóng được phổ biến và thay thế cho phiên bản cũ, một biến chủng mới sẽ được hình thành.

Sự gia tăng của các biến chủng mới đòi hỏi các nhà khoa học cần nghiên cứu một cách thận trọng các biến chủng để hiểu biết hơn về chúng cũng như sớm phát hiện những biến chủng mới. Một biến chủng mới cần phải được đánh giá xem: Có lây dễ dàng hơn hay không; gây bệnh nhẹ hơn hay nặng hơn; có thể được phát hiện với các xét nghiệm hiện tại không; đáp ứng thế nào với các phương thức điều trị hiện tại; có làm thay đổi hiệu quả bảo vệ của vắc-xin không. Tại Nhật Bản, các xét nghiệm giải trình tự vi-rút được làm thường xuyên và các báo cáo về sự thay đổi của vi-rút được đăng tải hằng tuần nhằm cảnh báo sớm.

Những quốc gia khống chế dịch kém chính là môi trường tốt cho các biến thể vi-rút, vi-rút có cơ hội để biến đổi và những biến chủng thông minh hơn ra đời. Ðây là lý do hàng loạt quốc gia bị cấm bay đi/đến sau khi các biến chủng tại đó được báo cáo như Anh, Nam Phi, Brazil, Ấn Ðộ. Thế nhưng, việc cấm tiếp nhận này thường là muộn khi mà các biến chủng mới đã kịp thâm nhập vào những quốc gia đích. Ðây là lý do mà toàn cầu phải chung tay kiểm soát dịch chứ không có quốc gia nào độc lập với vi-rút được. Việt Nam suốt một thời gian dài được thế giới đề cao chính là nhờ những hành động quyết liệt nhằm khống chế dịch. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ cũng được biểu dương khác như Ðài Loan (Trung Quốc) với chiến lược cách ly và truy vết hiệu quả; Singapore với hệ thống quản lý thông minh, truy vết và vắc-xin, Hàn Quốc với xét nghiệm tổng lực, truy vết và theo dõi ca bệnh; New Zealand với quản lý cách ly và đóng băng vùng nguy cơ; Australia với đóng cửa và phong tỏa ngắn ngày có giới hạn.

Thời gian qua, nhiều người đã nhắc đến hội chứng viêm phổi cấp nặng (SARS) – dịch bệnh đã quét qua toàn thế giới năm 2003 và MERS năm 2012. Mặc dù đã bị kiểm soát và biến mất nhưng rõ ràng nó cho thấy vi-rút corona gây SARS đã biến đổi và có khả năng lây dễ dàng từ người sang người. SARS-CoV-2 trở thành vi-rút gây đại dịch chính bởi vi-rút rất khó dự đoán. Một công tác được tiến hành thường xuyên trong các đợt dịch là theo dõi sự biến đổi gien của vi-rút bằng phương pháp giải trình tự gien. Và với những kết quả hiện tại, rất khó đoán định lúc nào thì vi-rút này trở thành như cúm mùa để con người có thể sống chung với nó. Và vì đến giờ điều này (vi-rút trở nên hiền hơn) vẫn chưa xảy ra, ta vẫn phải dùng hết khả năng để khống chế nó.

Một số ý kiến từ nước ngoài cho rằng biến chủng Delta xuất hiện sẽ đặt dấu chấm hết cho sự may mắn của Việt Nam. Thực ra, nói Việt Nam may mắn với các đợt dịch trước đây là không hoàn toàn chính xác. Ðể có được những thành công đó Ðảng, Nhà nước, Chính phủ đã vào cuộc hết sức kịp thời, quyết liệt, có những cam kết rất mạnh liên quan việc sẵn sàng ứng phó dịch. Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương hiện đang triển khai nhiều biện pháp để ứng phó dịch. Khi dịch xảy ra, các biện pháp quyết liệt đã được thực hiện như thành lập tổ truy vết trung ương hợp nhất hành động với hàng chục nghìn cán bộ truy vết các cấp trong cả nước. Ngoài ra, điểm đặc sắc nhất là sự tham gia tích cực của các tổ Covid cộng đồng. Với hàng chục nghìn tổ Covid cộng đồng, đây chính là chân rết, cánh tay nối dài của lực lượng phòng, chống dịch để từ đó phát hiện sớm nhất các trường hợp xâm nhập cũng như các trường hợp có triệu chứng tại cộng đồng, từ đó can thiệp đúng trọng điểm.

Bên cạnh tăng cường giám sát cộng đồng, giám sát dựa vào xét nghiệm là không thể thiếu. Việc liên tục theo dõi và phát hiện các biến chủng mới cũng được giao cho các viện nghiên cứu thực hiện để bất cứ sự xâm nhập hay đột biến đáng kể nào xuất hiện cũng sẽ được kiểm soát và theo dõi, từ đó góp phần quan trọng vào thành công chung của chiến lược kiểm soát vi-rút tại Việt Nam.

TS, BS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư)

(Nhân dân, trang 5)

 

Các tỉnh thành phía nam căng mình chống dịch

Hôm qua (19.7), 16 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ thực hiện giãn cách trên toàn địa bàn theo Chỉ thị 16 đã tăng cường kiểm soát nhằm phòng ngừa dịch bệnh.

Trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, PV Thanh Niên ghi nhận lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân, để phòng, chống dịch trong 14 ngày sắp tới.

Xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm

Đồng Tháp đang là “điểm nóng” về dịch Covid-19 tại ĐBSCL, tính đến chiều 19.7, tỉnh có 1.405 ca mắc. Ghi nhận thực tế ngày 19.7, tại TP.Cao Lãnh, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên đường Nguyễn Huệ (P.Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh giáp ranh với H.Cao Lãnh), lực lượng kiểm soát buộc nhiều người dân và phương tiện quay đầu xe trở lại, không cho vào TP.Cao Lãnh với lý do không hợp lý như “mua thuốc nhức đầu”, hoặc từ H.Cao Lãnh đến TP.Cao Lãnh chỉ “để đi chợ”…

Ngoài ra, trong nội ô TP.Cao Lãnh, từng phường đều có lực lượng chốt chặn, ai đi ra ngoài mà không có lý do chính đáng đều bị xử lý. Trong ngày 19.7, cơ quan chức năng xử phạt 87 trường hợp vi phạm Chỉ thị 16, với số tiền hơn 300 triệu đồng, trong đó có 73 trường hợp đi ra ngoài khi không cần thiết.

Tương tự, tỉnh Vĩnh Long đã lập 9 chốt kiểm soát cấp tỉnh, 43 chốt kiểm soát cấp huyện và các tổ tuần tra lưu động với gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ luân phiên trực 24/24, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó, TP.Cần Thơ xử lý nghiêm nhất. Ngày 19.7, riêng lực lượng chức năng Q.Ninh Kiều xử phạt 164 trường hợp vi phạm với số tiền 350 triệu đồng; nhắc nhở hơn 400 trường hợp vi phạm. Còn mấy ngày qua, Q.Ninh Kiều (đã thực hiện Chỉ thị 16 trước đó) xử phạt 388 trường hợp, với số tiền gần 1,6 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại một số tỉnh Đông Nam bộ, người dân chấp hành Chỉ thị 16 nghiêm hơn. Từ 0 giờ ngày 19.7, các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đồng loạt ra quân nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm Chỉ thị 16. Ghi nhận trưa 19.7, tại ngã tư Điện Biên Phủ và Nguyễn Tất Thành (TP.Bà Rịa), tổ tuần tra xử phạt một thanh niên làm nghề tiếp thị lưu thông trên đường Điện Biên Phủ do ra đường không có lý do chính đáng. Trong ngày đầu, người dân TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ và nhiều huyện đa số đều chấp hành tốt quy định ở nhà, các tuyến đường vắng người và phương tiện so với ngày thường.

Tương tự, tại Bình Phước, hầu hết người dân đều chấp hành nghiêm theo quy định. Ghi nhận của PV tại TP.Đồng Xoài, trên đường, hầu hết các phương tiện xe tải, shipper chở hàng hóa giao cho khách. Các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng Bách Hóa Xanh, siêu thị… số lượng người đến mua hàng giảm mạnh so với ngày bình thường. Việc xử phạt cũng được thực hiện nghiêm đối với một số trường hợp không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng ở TP.Đồng Xoài.

Chợ truyền thống vẫn hoạt động

Cũng vào hôm qua, người dân Kiên Giang thực hiện rất nghiêm túc. Các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều rất vắng vẻ, người dân đi mua sắm rất ít.

Tại TP.Phú Quốc, trong sáng 19.7, Đội kiểm tra trật tự đô thị TP.Phú Quốc phối hợp Công an P.Dương Đông… giăng dây làm ranh giới giữa người bán hàng và người mua, hỗ trợ tiểu thương di dời các gian hàng vào bên trong, tạo sự thông thoáng cho chợ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (58 tuổi, kinh doanh hải sản chợ Dương Đông) chia sẻ: “Chúng ta phải cùng nhau thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của các cấp. Tất cả cũng vì bảo vệ sức khỏe cho chúng ta, chỉ 14 ngày thôi, không lâu lắm. Mong rằng sau 14 ngày giãn cách này, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi”.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị, hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân. Do vậy, người dân không nên mua hàng với số lượng lớn, gây khan hiếm cục bộ, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

“Chúng tôi đã chỉ đạo Sở Công thương có bước chuẩn bị về nguồn cung đảm bảo yêu cầu của người dân. Kênh phân phối vẫn quyết tâm duy trì hoạt động của hệ thống siêu thị, chợ truyền thống. Chúng tôi đã phân cấp cho chủ tịch UBND cấp huyện, khả năng tới cấp xã nếu chợ truyền thống, chợ tự phát ở cấp xã đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì vẫn duy trì hoạt động để kênh phân phối phong phú. Đồng thời siết chặt nếu siêu thị, chợ truyền thống nào không đảm bảo về an toàn phòng chống dịch thì bắt buộc phải dừng”, ông Trung nói.

Tại Đồng Tháp, theo bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công thương, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo. Sức mua có giảm, tình trạng tập trung mua hàng hóa đông người không còn. Cơ bản người dân mua tại chợ truyền thống vẫn 70%, mua sắm trực tuyến khoảng 30%. Qua kiểm tra, giám sát, đến chiều 19.7, tỉnh đã cho 49/182 chợ ngưng hoạt động do không đảm bảo công tác phòng, chống dịch; 7/52 cửa hàng bán lẻ phải tạm thời đóng cửa. Kể cả các chợ truyền thống, siêu thị tại Vĩnh Long cũng hoạt động, lượng hàng hóa dồi dào nhưng rất vắng người mua.

Lên phương án ứng phó dịch

Chiều 19.7, trả lời Thanh Niên, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ, cho biết thành phố đã có văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị 16 đến tất cả quận, huyện. Riêng với các địa phương đã thực hiện Chỉ thị 16 trước đó là Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng sẽ tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 đến ngày 2.8 như 6 địa phương kể trên.

Về công tác cách ly tập trung, điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19, TP.Cần Thơ vừa có quyết định thành lập thêm 2 khu cách ly tập trung tại ký túc xá Trường ĐH Cần Thơ và ký túc xá Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ, có thể đảm bảo cách ly 850 người. Trước đó, để ứng phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca mắc Covid-19 tăng mỗi ngày, UBND TP.Cần Thơ đã kích hoạt bệnh viện dã chiến (BVDC) quy mô 100 giường. Ngoài ra, BVDC khác quy mô 800 giường đang hoàn thiện nhân sự, cơ sở vật chất và một đơn vị hồi sức tích cực 200 giường đang được lên kế hoạch xây dựng.

Theo ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, hiện tại 6 khu cách ly tập trung của tỉnh và các khu cách ly tập trung cấp huyện có sức chứa hơn 5.000 người. Tỉnh đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực thêm để nâng công suất và bố trí các khu cách ly có thể chứa được 10.000 người, đề phòng cho các tình huống xấu.

“Tỉnh đang kích hoạt thêm 3 BVDC điều trị BN Covid-19 và chuyển đổi một số cơ sở y tế thành BV điều trị BN Covid-19. Hiện công suất điều trị của tỉnh đạt đến 1.000 BN”, ông Minh thông tin và cũng kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh thêm trang thiết bị, nhân lực, năng lực xét nghiệm và nguồn ô xy điều trị BN Covid-19.

Đối với công tác phòng chống dịch, tỉnh Đồng Tháp đã cơ bản chuẩn bị đảm bảo các trang thiết bị, sinh phẩm hóa chất và cơ số thuốc điều trị bệnh Covid-19… Đến chiều 19.7, toàn tỉnh đã có 6 máy PCR xét nghiệm 3.000 mẫu đơn/ngày. Sáng cùng ngày, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đã đến kiểm tra việc chuẩn bị khu điều trị dã chiến F0 tại Nhà tập võ (Sở VH-TT-DL Đồng Tháp) có sức chứa 170 giường và khu điều trị F0 tại Khu du lịch Mỹ Trà (TP.Cao Lãnh) có sức chứa hơn 200 giường. Đây là một trong những khu điều trị F0 được tỉnh Đồng Tháp sẵn sàng cho công tác điều trị F0 có thể lên đến hàng ngàn ca như dự báo của đoàn công tác Bộ Y tế. (Thanh niên, trang 3)

 

Lập trung tâm hồi sức tích cực tại khu vực miền Nam

Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực vùng, tại các khu vực miền Nam (tại TP.HCM, Cần Thơ) và cả miền Bắc, miền Trung, cứ 3 – 4 tỉnh có 1 trung tâm vùng, tập trung nhân lực, thiết bị,

Theo Bộ Y tế, các địa phương cần chủ động phương án 4 tại chỗ trong phòng chống dịch: chỉ huy tại chỗ, điều trị tại chỗ, nhân lực tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Bộ Y tế huy động nhân lực, điều phối trang thiết bị hỗ trợ địa phương.

Thông tin về điều trị, trước diễn biến các ca bệnh tăng cao những ngày gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá tỷ lệ tử vong do Covid-19 của cả nước khoảng 0,55%, tại TP.HCM có khả năng tăng lên 0,6%. Vì thế, các địa phương lưu ý, những trường hợp bệnh nhân (BN) trở nặng bắt buộc sử dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ. Các bệnh viện (BV) phải chú ý các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến tình hình ô xy, máy thở… hạn chế thấp nhất BN tử vong. Tất cả các khu vực điều trị đều cần sẵn sàng ô xy, khu vực điều trị BN cũng phải chuẩn bị sẵn ô xy phòng trường hợp BN nhẹ nhưng có bệnh nền dễ chuyển nặng.

PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng các địa phương đang giãn cách chủ động trong điều trị về cơ sở thu dung, nhân lực y tế. Các BV tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu, hồi sức tích cực để điều trị BN nặng theo phân tầng điều trị; các BV hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) phải thiết lập hệ thống ô xy trung tâm, kiểm soát lại toàn bộ quá trình thiết lập, chuẩn bị các giường hồi sức tại mỗi BV. Các tỉnh thiết lập BV chuyên điều trị Covid-19 (chuyển đổi từ BV sẵn có). Giường bệnh cho khu vực điều trị BN nặng cần chiếm khoảng 10%.

Ngoài ra, PGS Khuê cho biết Bộ Y tế cũng thành lập các trung tâm hồi sức tích cực vùng, tại các khu vực miền Nam (tại TP.HCM, Cần Thơ) và cả miền Bắc, miền Trung, cứ 3 – 4 tỉnh có 1 trung tâm vùng, tập trung nhân lực, thiết bị, do Bộ Y tế sẽ trực tiếp chỉ đạo để kịp thời hỗ trợ tiếp nhận các ca nặng từ địa phương chuyển về, cũng như điều phối máy móc.

Với diễn biến số ca mắc Covid-19 tăng cao, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khuyến nghị, các địa phương cần nâng cao năng lực cách ly tập trung, tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khu phong tỏa. “Vừa rồi, liên tục ghi nhận các ca mới trong khu phong tỏa, là con số biết nói về việc lây nhiễm ngay trong khu phong tỏa”, ông Tuyên nói và đặc biệt lưu ý các địa phương, khi thực hiện cách ly F1 tại nhà cần rất chặt, không để lây lan trong cộng đồng. (Thanh niên, trang 2+3)

TP.HCM huy động toàn bộ xe cấp cứu vận chuyển F0

Chủ tịch UBND TP.HCM giao Trung tâm cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối các ca nhiễm F0 không triệu chứng đến bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng và bệnh nhân nguy kịch đến bệnh viện điều trị Covid-19.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Trung tâm cấp cứu 115 (TTCC 115) chịu trách nhiệm điều phối các ca nhiễm F0 không triệu chứng đến bệnh viện (BV) dã chiến thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng và bệnh nhân nguy kịch đến BV điều trị Covid-19. Có thẩm quyền yêu cầu, đề nghị các đơn vị chức năng có liên quan phối hợp, hỗ trợ thực hiện tốt nhất công tác điều phối, vận chuyển F0; trường hợp có vấn đề phát sinh, báo cáo Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

UBND TP giao Thành đoàn và Sở Y tế khẩn trương bàn giao số lượng nhân sự tham gia các đội hình tình nguyện theo yêu cầu của TTCC 115 để phân công, huấn luyện, bố trí công tác. Giao Sở Y tế, Sở TT-TT hỗ trợ TTCC 115 nâng cấp hệ thống điều hành tổng đài 115 để đáp ứng tốt nhất cho công tác điều phối, vận chuyển F0. Sở GD-ĐT khẩn trương phối hợp cho TTCC 115 sử dụng màn hình giám sát cỡ lớn của sở để phục vụ công tác điều phối, vận chuyển F0.

Đồng thời, UBND TP giao Sở GTVT làm việc với các doanh nghiệp vận tải, đáp ứng yêu cầu vận chuyển F0 bằng phương tiện xe khách (30 chỗ, 45 chỗ, có gắn hệ thống GPS) cho ngành y tế TP. Còn Sở Y tế và TTCC 115 huy động toàn bộ nguồn lực xe cứu thương của cơ sở y tế công lập; vận động cơ sở y tế ngoài công lập cho sử dụng tạm thời xe cứu thương (bao gồm lái xe); lắp đặt hệ thống GPS và sẵn sàng chịu sự điều phối của TTCC 115 khi có yêu cầu.

UBND TP chỉ đạo Công an TP khẩn trương xét duyệt thủ tục cấp biển số xe và giấy phép sử dụng tín hiệu ưu tiên cho xe cứu thương do MTTQ VN TP.HCM bàn giao cho TTCC 115 tiếp nhận…

Chiều 19.7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin công tác phòng chống dịch trên địa bàn. BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin TP đang triển khai các khu tiếp nhận điều trị F0, hiện điều trị khoảng 30.000 trường hợp; đồng thời dự trù cho kịch bản 60.000 ca bệnh, 2 bệnh viện dã chiến (BVDC) mới tại Q.7 và H.Bình Chánh đang được xây dựng.

Các khu điều trị F0 tại khu tái định cư vẫn còn rộng, năng lực tiếp nhận F0 vẫn dư khả năng của TP. Về số lượng máy thở và ECMO, ông Nam khẳng định, cơ bản đáp ứng cho công tác điều trị; các BV lớn như BV Nhi đồng TP, BV Ung bướu cơ sở 2 đều được đầu tư thêm trang thiết bị. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tài trợ cho công tác điều trị với số lượng lớn máy thở.

Phó giám đốc Sở Y tế cũng cho biết đã chuẩn bị các kịch bản và mở rộng nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19. Nhiều BV áp dụng mô hình chia đôi BV vừa chăm sóc BN theo chuyên khoa vừa điều trị BN Covid-19.

Giải đáp câu hỏi vì sao BVDC không có máy thở, ông Nam cho rằng, BVDC là nơi điều trị F0 không có triệu chứng và sẽ được trang bị bình ô xy, không cần đến máy thở; máy thở cần được tập trung ở các BV gần như tuyến cuối. Đối với BVDC, ngành y tế đang lắp đặt hệ thống ô xy cao áp, mỗi BV có 4 bình, mỗi bình 2 tấn và tiếp tục bổ sung.

Trả lời câu hỏi về chủ trương mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế bằng hình thức chỉ định thầu, ông Nam thông tin, luật Đấu thầu cho phép trong tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể. Ông Nam cho hay biết hình thức này nằm trong luật, vấn đề quan trọng là khi mua sắm “làm sao cho đúng quy định, xác định giá đúng” trên cơ sở tham khảo nhiều kênh như kết quả của một đơn vị đấu thầu trong thời gian gần nhất, giá tham chiếu của Bộ Y tế công bố… “Chỉ định thầu cũng là một hình thức đấu thầu, chỉ là rút ngắn thời gian thực hiện, ngành y tế phải thực hiện đầy đủ quy định”, ông Nam nói.

* Trong một diễn biến khác, Sở Y tế đã cho phép các BV điều trị Covid-19 sử dụng thêm xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh) vào ngày thứ 10 quyết định cho F0 không triệu chứng xuất viện nếu âm tính với SARS-CoV-2 hoặc có nồng độ vi rút thấp (giá trị CT lớn hơn hoặc bằng 30). Trước đó, Sở yêu cầu xét nghiệm bằng RT-PCR 2 lần liên tiếp, cách nhau ít nhất 24 giờ. (Thanh niên, trang 3)

 

TPHCM: Xây dựng thêm bệnh viện dã chiến, không có tình trạng thiếu máy thở

Chiều 19-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Sở TT-TT tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Đồng chí Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM chủ trì cuộc họp.

Sẵn sàng kịch bản 60.000 ca

Thông tin tại cuộc họp báo, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện TP có khoảng 30.000 ca F0 và đang triển khai các khu điều trị với số giường dự kiến là 60.000. Nhiều bệnh viện dã chiến đang xây dựng mới được doanh nghiệp hỗ trợ hoàn toàn, đang từng bước hoàn thiện đưa vào sử dụng. Các khu tái định cư vẫn còn rộng, còn năng lực tiếp nhận, năng lực tiếp nhận F0 vẫn còn nhiều, tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường nên vẫn cần có chuẩn bị.

“Đến thời điểm hiện tại, số lượng máy thở đến nay đủ cho công tác điều trị, không có tình trạng thiếu máy thở, phải trang bị khẩn cấp”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam khẳng định và cho biết, hiện TPHCM có 30.000 ca mắc Covid-19, nhưng ngành y tế cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản 60.000 ca. Thậm chí cả bệnh viện Từ Dũ cũng có kế hoạch chia đôi để một nửa điều trị Covid-19, một nửa vẫn làm công tác khám chữa bệnh như bình thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, bệnh viện dã chiến là nơi điều trị F0 không triệu chứng, khi chuyển sang có triệu chứng thì chỉ cần dùng bình oxy và chuyển đi điều trị tại các bệnh viện. Do đó, tại bệnh viện dã chiến, ngành y tế có trang bị bình oxy, chứ không cần thiết có máy thở. Các bình oxy được trang bị đầy đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Thông tin về tình trạng F0 chờ nhập viện, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong giai đoạn đầu, ngành y tế xác nhận là chưa có sự đồng bộ, nên đã có sự điều chỉnh. Sau đó đã giao Trung tâm cấp cứu 115 điều phối tất cả các trường hợp F0 về điều trị. TPHCM đã có kế hoạch tiêm vaccine, người trên 65 tuổi và có bệnh nền sẽ tiêm ở bệnh viện chứ không tiêm ở các điểm tiêm phường, xã, thị trấn.

Áp lực lên các kênh phân phối đã tạm ổn

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua, ngành công thương lo lắng vào thời điểm công bố giãn cách theo Chỉ thị 16 ở 19 tỉnh thành, sẽ xảy ra tình trạng người tập trung đông người để mua sắm. Sở đã tính toán chuẩn bị nguồn hàng, nhưng qua theo dõi thì không có tình trạng này, thậm chí tại các chợ truyền thống, lượng người tới mua và lượng hàng mua về cũng giảm. Có trường hợp hàng bán lưu động không bán hết, phải mang về. Do vậy áp lực lên các kênh phân phối những ngày qua đã tạm ổn.

Chiều 19-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã ký văn bản xem xét mở cửa trở lại hoạt động của một số chợ truyền thống. Trong đó yêu cầu là phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, tập trung thí điểm cho mặt hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu, từ đó rút kinh nghiệm và mở rộng.

Tới sáng 19-7, toàn TPHCM chỉ còn 40 chợ truyền thống hoạt động, tới chiều cùng ngày tăng lên 44 chợ. Trong đó tích cực nhất là Bình Tân đã mở lại 5 chợ. “Thời gian tới, tiến độ mở lại chợ sẽ nhanh hơn. Nhờ áp lực mua sắm vài ngày qua có giảm xuống nên ngành công thương có thời gian ngồi lại để sắp xếp, nâng cao năng lực cung ứng hàng hóa. Trong đó ưu tiên phương thức bán hàng theo gói, combo để giảm thời gian chuẩn bị, giảm thời gian mua sắm”, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, sáng 19-7 hai chuyến tàu đầu tiên từ miền Tây đã tháo bỏ ghế vận chuyển hành khách để vận chuyển hàng hóa lên TPHCM. Tới đây, sẽ triển khai thêm việc này. Sở Công thương cũng vận động được nhiều đơn vị logistics có năng lực hiện chưa sử dụng tới tích cực tham gia việc kết nối, đưa hàng hóa về TPHCM.

Trả lời câu hỏi về việc hai tàu chở hàng hóa từ miền Tây lên có chậm, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết nguyên nhân là công tác logistics của đơn vị còn chậm do chưa có kinh nghiệm. Tàu này tuy là tàu cao tốc, nhưng tuyến đường thủy từ miền Tây lên TPHCM có nhiều tàu thuyền nhỏ, khiến tàu này không thể chạy nhanh được.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, mấy ngày vừa qua, tăng giá là do khó khăn của hệ thống phân phối trục trặc trong điều kiện dịch bệnh. Các chuỗi chợ truyền thống dừng hoạt động nhiều. Trong khi các hệ thống phân phối hiện đại vẫn thực hiện đúng cam kết bình ổn thị trường. Từ đó dẫn đến tình trạng “hai giá” – giá thị trường và giá trong siêu thị, người dân vào siêu thị mua hàng mang ra ngoài bán. Ngày mai sẽ làm việc với quản lý thị trường TP tới đây tăng cường kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đưa hàng ra ngoài bán. Tới đây khi các chợ hoạt động trở lại, nguồn cung tăng lên thì giá cả sẽ không còn cao như mấy ngày vừa qua. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

 

Thủ tướng: Ưu tiên số 1 là bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu bởi dịch bệnh

“Trong lúc này, thời điểm này, tôi đề nghị ưu tiên số một là chúng ta quyết tâm bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu. Những chỗ nào an toàn trong phòng, chống dịch thì chúng ta tổ chức sản xuất kinh doanh cho tốt nhưng mà ưu tiên số 1 vẫn là phòng, chống dịch”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.

Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về công tác phòng chống dịch COVID-19; tình hình phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.

Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và sức khỏe, tính mạng của nhân dân, thành phố đang rà soát các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các giải pháp trong Chỉ thị số 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ để quyết liệt tổ chức thực hiện với quyết tâm kiềm chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh,

Đồng thời thành phố đã xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế của thành phố, và sẽ nỗ lực, cố gắng để đạt được mức tăng trưởng cao nhất. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, bước đầu, Thành phố đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đợt dịch thứ 4 này, Hà Nội đã ghi nhận 681 ca mắc COVID-19, tại 24 quận, huyện của thành phố. Trong đó, từ ngày 5/7 đến nay đã ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt xuất hiện 6 chùm ca bệnh có số ca mắc nhiều.

Dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh đang ở mức cao và khó lường, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh, chùm ca bệnh ngoài cộng đồng. Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với số ca mắc lớn. Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh.

Về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, 6 tháng đầu năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 5.91%, cao hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm 2020 là 2,92%. Đặc biệt, duy trì không đứt gẫy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Căn cứ tình hình hiện tại và phân tích những thuận lợi, khó khăn, thành phố Hà Nội xây dựng 02 kịch bản phát triển kinh tế năm 2021 là 7,5% và 6,5- 7%.

Tại buổi làm việc, thành phố Hà Nội cũng đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành 9 nội dung về: định hướng phát triển Thủ đô; việc tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu, phân chia ngân sách Trung ương và thành phố Hà Nội và định mức phân bổ chi ngân sách Nhà nước cho Thành phố; hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án trọng điểm; đầu tư xây dựng đường vành đai 4, vành đai 5-vùng Thủ đô, các tuyến đường sắt đô thị; về công tác quy hoạch; việc lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và Thành Cổ Loa.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội, kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Thành phố tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, trong đó nhiệm vụ ưu tiên cấp bách số một hiện nay là phải phòng chống dịch quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Mục tiêu chính là bảo vệ chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết trước hết.

“Trong lúc này, thời điểm này, tôi đề nghị ưu tiên số một là chúng ta quyết tâm bảo vệ thủ đô không bị diễn biến xấu. Những chỗ nào an toàn trong phòng, chống dịch thì chúng ta tổ chức sản xuất kinh doanh cho tốt nhưng mà ưu tiên số 1 vẫn là phòng, chống dịch. Chúng ta quyết tâm bảo vệ bằng được sự an toàn, an ninh cho nhân dân và chúng ta đặt mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết trước hết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị thành phố phải quyết tâm hơn, mạnh mẽ quyết liệt hơn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm trong phòng chống dịch. Thực hiện chỉ thị 15, 16 phải rất nghiêm túc, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện bởi bài học kinh nghiệm ở một số nơi cho thấy, những ngày đầu thì thực hiện nghiêm nhưng những ngày sau lơ là, chủ quan, khiến dịch bùng phát mạnh. Trong lúc này cần phải huy động tối đa sức mạnh hệ thống cơ sở, lấy con người là trung tâm.

“Phải chống dịch như chống giặc và chuyển trạng thái phòng ngự sang tấn công khi mà tình hình diễn biến phức tạp như thế này. Huy động tối đa, phát huy tối đa sức mạnh hệ thống cơ sở mà cấp ủy tổ chức đảng là hạt nhân chính trị. Ở đây phải lãnh đạo chỉ đạo bằng được. Các cấp chính quyền phải cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đối với sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong phòng chống dịch, bảo vệ người dân và chăm sóc sức khỏe của nhân dân lúc này là trên hết”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng yêu cầu thành phố cố gắng nhiều hơn để tương xứng với truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, truyền thống thủ đô ngàn năm văn hiến, phát triển văn hóa phải hài hòa hợp lý, hiệu quả với phát triển kinh tế; huy động mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển; đảm bảo môi trường sống, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng chiến lược…

Thủ tướng nhấn mạnh: Tinh thần là Chính phủ luôn sẵn sàng, đồng hành cùng Thành phố để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề tồn đọng vì sự phát triển của Thủ đô. (Tiền phong, trang 1; Lao động, trang 3; Gia đình & Xã hội, trang 3; An ninh thủ đô, trang 2; Hà Nội mới, trang 1)

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập trung lực lượng kiểm soát dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam

Tại cuộc họp đột xuất Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về công tác phòng, chống dịch cấp bách, sáng 19-7 – ngày đầu tiên thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lực lượng để phòng, chống dịch, đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên tinh thần “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19”.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã thống nhất ban hành nghị quyết về mua sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng chỉ đạo thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức điều hành phòng, chống dịch. Theo đó, Tổ công tác đặc biệt đặt tại thành phố Hồ Chí Minh được thành lập do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương làm Tổ trưởng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Cuộc họp đã thống nhất cao nhiệm vụ tập trung lực lượng phòng, chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương về thực hiện giãn cách xã hội để giảm tốc độ lây nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì cùng với các bộ, ngành, địa phương có liên quan đánh giá lại toàn bộ thông tin về chủng vi rút, xác định rõ nguy cơ của chủng này để có đối sách phù hợp với tình hình thực tế; tập trung phân loại các ca F0, trường hợp F1, mức độ nguy cơ nặng và rất nặng để có nguồn lực tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia tiếp tục phát huy vai trò tư vấn, tăng cường năng lực để cùng các lực lượng đánh giá, nhận định tình hình dịch.

Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong việc chấp hành các quy định của người dân; kêu gọi người dân hưởng ứng, tham gia và chấp hành với tinh thần “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19”. “Người dân là trung tâm để chúng ta phục vụ nhưng cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân”, Thủ tướng khẳng định.

Về nguồn nhân lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tỉnh, thành phố có dịch đề xuất cụ thể yêu cầu chi viện; các tỉnh, thành phố đang kiểm soát được dịch báo cáo về số lượng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có thể tham gia chi viện để có sự điều hành linh hoạt, chính xác. Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ tập hợp lại để Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia trực tiếp điều hành nguồn nhân lực này trên tinh thần “không để thiếu, không chồng chéo, không lãng phí, đảm bảo theo nhu cầu thực tế”.

Tương tự, các địa phương đánh giá năng lực, khả năng, nhu cầu về trang thiết bị y tế chống dịch Covid-19. Bộ Y tế làm đầu mối mua sắm trang thiết bị tập trung để phân phối phù hợp; đồng thời phát huy tính sáng tạo, tính chủ động của các địa phương để thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về đấu thầu, đấu giá để triển khai nhiệm vụ chống dịch.

Đối với hoạt động sản xuất, Thủ tướng nêu rõ, những cơ sơ sản xuất thực sự an toàn mới cho hoạt động trên tinh thần “3 tại chỗ” (ăn ở tại chỗ, làm việc tại chỗ và cách ly tại chỗ) hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra, phân bổ vắc xin phòng Covid-19 hợp lý, nhanh chóng, tổ chức tiêm kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả và linh hoạt các đối tượng phù hợp với chiến lược đã đề ra.

Thủ tướng nêu rõ, với chức năng, nhiệm vụ của “đội quân công tác, chiến đấu và sản xuất”, Bộ Quốc phòng tích cực tham gia bảo vệ trật tự an toàn xã hội, tham gia cung ứng, sản xuất; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 trong nước.

Cùng với hệ thống chính trị cơ sở, Bộ Công an đang trực tiếp triển khai đảm bảo an ninh trật tự, kỷ luật cách ly tập trung tại 19 địa phương khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và trên toàn quốc.

Thủ tướng nêu rõ cần phải đảm bảo lưu thông, thông suốt trong cung ứng vật tư, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải không để ách tắc giao thông, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các tỉnh, thành phố phải tuân thủ hướng dẫn của Trung ương, không ban hành “giấy phép con”. Bộ Công Thương phải đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân và phải tập trung nắm tình hình và xử lý ngay các vướng mắc.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm hướng dẫn chặt chẽ, rõ ràng hơn liên quan đến các quy định về tài chính; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc vay, trả nợ ngân hàng đảm bảo phù hợp, sản xuất lưu thông, cân đối vĩ mô, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Do dịch bệnh tấn công vào các đô thị lớn, khu công nghiệp – những nơi tập trung đông người, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện tốt, nghiêm công tác an sinh xã hội, triển khai linh hoạt, thường xuyên bổ sung đối tượng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và các chính sách khác phù hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm chắc tình hình, đảm bảo sản phẩm nông nghiệp như rau củ quả, thực phẩm… cho người dân.

Bộ Ngoại giao tập trung triển khai “ngoại giao vắc xin”, “ngoại giao công nghệ”, tham gia mua sắm vật tư phòng, chống dịch Covid-19. 

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hoàn thiện công nghệ; quyết liệt trong quản lý nhà nước về truyền thông; công tác tuyên truyền thực hiện kịp thời, thông suốt, chính xác, hiệu quả, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”, truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho nhân dân; tránh các thông tin xuyên tạc; tăng cường phân tích và làm rõ các thông tin nhằm huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Hiện nay, cả hệ thống chính trị, Chính phủ đang nỗ lực tập trung hằng ngày, hằng giờ vào công tác phòng, chống dịch vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân”; đồng thời đề nghị các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng, trước nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chuyển giao công nghệ, công nhận các sản phẩm sản xuất trong nước. Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ tập trung thúc đẩy sản xuất sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan để giải quyết các vấn đề về rác thải, bảo vệ môi trường sống cho người dân, đặc biệt rác thải y tế, rác thải dân cư, rác ở các khu cách ly tập trung… trong lúc thực hiện các biện pháp mạnh mẽ phòng, chống dịch.

Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao, Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ cần hạn chế nhiều hơn nữa việc tiếp xúc giữa người với người, không tập trung đông người, không ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết; đảm bảo phối hợp chặt chẽ, thông suốt giữa các bộ, ngành, địa phương; nghiêm túc, quyết liệt giãn cách xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm… Các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.

Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị tại cơ sở vào cuộc, đặc biệt huy động nguồn lực bằng hợp tác công tư để cộng đồng, nhân dân, doanh nghiệp cùng tham gia tích cực. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các quy định, thủ tục, vấn đề có thể phát sinh từ thực tiễn chưa dự phòng hết được trong công tác phòng, chống dịch.

Hạn chế thấp nhất số ca tử vong

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh tại các địa phương khu vực phía Nam diễn biến phức tạp (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đồng Tháp…), ngành Y tế đã tích cực hỗ trợ cho các địa phương khu vực này, tăng cường công tác điều trị các bệnh nhân nặng, nhằm giảm tối đa tử vong.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17-7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, trong đó tập kết khoảng 2.000 máy thở các loại và giao Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại đây quản lý, cấp phát cho các đơn vị, địa phương.

Ngoài ra, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục; hệ thống thở oxy dòng cao; máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo oxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy phun khử khuẩn, khẩu trang N95… cho các địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển một số vật tư, trang thiết bị điều trị cho các tỉnh, thành phía Nam trên cơ sở đề xuất, đề nghị của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế.

Đến nay, Bộ Y tế đã hỗ trợ 6.844 người cho các địa phương khu vực phía Nam. Ngoài ra, còn hơn 9.000 người sẵn sàng chi viện thêm, tùy theo nhu cầu của các địa phương sẽ sắp xếp. Bộ đã ban hành và huy động các trang thiết bị, thuốc, vật tư, thiết bị phòng hộ, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp khí oxy… cho công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chủ động hậu cần, trang thiết bị, đặc biệt trang thiết bị xét nghiệm, điều trị (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) trong tình huống dịch có mức nguy cơ cao hơn để sẵn sàng đáp ứng.

Dựa trên phân loại độ nặng, bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ được thu dung, điều trị bởi các bệnh viện theo chiến lược “tháp 3 tầng”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Không để tình trạng thiếu hụt xảy ra, không để bệnh nhân thiếu máy thở, tăng cường năng lực điều trị cho các khoa hồi sức cấp cứu nhằm hạn chế thấp nhất số ca tử vong”.

Hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu, đảm bảo lưu thông hàng hóa

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, với việc thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, Bộ Quốc phòng huy động lực lượng quân đội đóng trên địa bàn bảo đảm vận chuyển hàng hóa và hỗ trợ người dân thu hoạch rau củ quả, nông sản. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng huy động trên 2.000 bác sĩ, điều dưỡng; 3.000 lái xe (trong đó có 1.500 lái xe chở vắc xin phòng Covid-19), bảo đảm vận chuyển cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng nhằm vận chuyển vắc xin cũng như hỗ trợ phòng, chống dịch tại các điểm đảo xa, các vùng có điều kiện giao thông khó khăn. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Y tế thành lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng; sẵn sàng huy động các bệnh viện khác của quân đội trong trường hợp dịch xuất hiện.

Liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất với ý kiến của Bộ Y tế trong việc không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc xếp, dỡ hàng hóa đi theo xe…) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện Chỉ thị 16 hoặc bổ sung biện pháp ở mức cao hơn. Trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng, chống dịch thấp hơn, cần có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh) được thực hiện trong vòng 72 giờ.

Nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa trong việc thực hiện xét nghiệm định kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra ý kiến: “Nên thống nhất quy định, chỉ kiểm tra một chặng, một lần, giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 72 giờ. Các địa phương không đặt ra quy định, điều kiện khác, tránh hiện tượng ách tắc hàng do các “giấy phép con” khi di chuyển giữa các địa phương”.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt hoạt động tại khu vực phía Nam; tăng cường việc thực hiện “luồng xanh” quốc gia và địa phương tại một số tỉnh, thành phố; thành lập 4 tổ y tế, hỗ trợ các địa phương thực hiện test nhanh cho lái xe… Để đảm bảo giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố “luồng xanh” quốc gia trên hệ thống quốc lộ cho các phương tiện ưu tiên lưu thông quá cảnh, nội vùng qua các tỉnh, thành trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

“Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án dự phòng kế hoạch “luồng xanh” cho các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 kết nối với “luồng xanh” quốc gia để vận hành thống nhất hoạt động toàn quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị 16, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu với những địa phương này. (Hà Nội mới, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 06/5/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận