Điểm báo ngày 22/12/2020

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng: Tạo điều kiện tối đa thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin COVID-19 trong nước; Bộ trưởng Bộ Y tế: Các bệnh viện tuyến tỉnh phải có giải pháp tránh quá tải khi thông tuyến khám chữa bệnh BHYT

Thủ tướng: Tạo điều kiện tối đa thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin COVID-19 trong nước

Chiều 21/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các phương án nghiên cứu, sản xuất, mua vắc xin phòng COVID-19. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu cùng với các hình thức động viên, khuyến khích đơn vị sản xuất vắc xin trong nước, các đơn vị nghiên cứu vắc xin có biện pháp mạnh mẽ, phương thức phù hợp, sáng tạo nhằm thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắc xin trong nước…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, cả nước cần tập trung phòng, chống dịch COVID-19 một cách chủ động, có trách nhiệm, cụ thể, dù có hay chưa có vắc xin ngừa bệnh; trước hết cần thực hiện tốt thông điệp 5K do Bộ Y tế đưa ra, đồng thời nâng cao tinh thần kiểm soát dịch bệnh tại biên giới.

Đối với công tác sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước, Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện tối đa, khuyến khích, động viên, hỗ trợ các đơn vị trong nước nghiên cứu. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu cần sử dụng kinh phí thử nghiệm lâm sàng đúng mục đích, hiệu quả.  Bộ Y tế tìm hiểu kinh nghiệm thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 của các nước trên thế giới để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax của NANOGEN, nhằm sớm có vắc xin sản xuất trong nước; tìm kiếm đối tác nước ngoài trong việc hợp tác, thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax giai đoạn 3.

Dưới sự chỉ đạo, quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), các cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển trung tâm nghiên cứu phát triển vắc xin phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm ở người, bao gồm việc đầu tư xây dựng phòng nghiên cứu đạt an toàn sinh học cấp 3 hoặc cấp 4. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng tạo điều kiện, ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai đề án này.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vắc xin thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắc xin, làm sao có thể rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức phù hợp, sáng tạo. Bộ Y tế lắng nghe các kênh thông tin khác nhau để chọn phương án tốt nhất, hoàn thiện, trình Chính phủ.

Về vấn đề tiếp cận, mua vắc xin phòng COVID-19 của các nước trên thế giới, Thủ tướng khẳng định, cần sớm có một cơ số vắc xin cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế sớm hoàn chỉnh đề án xác định mua vắc xin của quốc gia phù hợp, dự kiến số lượng mua, đối tượng, thời gian, tính an toàn, tính miễn dịch, hiệu lực của vắc xin…; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp, hình thức hợp tác, mua sắm phù hợp. Nhà nước có trách nhiệm với nhân dân, đồng thời huy động các phương thức xã hội hóa để thực hiện trên tinh thần sẻ chia nhân ái, lá lành đùm lá rách.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý dự toán ngân sách nhà nước có mục mua vắc xin căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế lắng nghe, nắm bắt thông tin từ các kênh khác nhau để có phương án tốt nhất, hoàn thiện, trình Chính phủ trong thời gian tới.

Báo cáo tại cuộc họp về phương án vắc xin phòng COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 như hiện nay để ngăn chặn dịch xâm nhập và bùng phát.  Tuy nhiên, về lâu dài, các bệnh truyền nhiễm như COVID-19, vắc xin vẫn là giải pháp quan trọng để thực hiện mục kiêu kép, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ước khoảng trên 70% dân số phải tiêm vắc xin phòng bệnh. Hiện nay, các vắc xin phòng COVID-19 đang nghiên cứu được chỉ định cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, số người ước khoảng 75 triệu người, tương ứng với khoảng 150 triệu liều vắc xin.

Việt Nam đang tích cực tiếp cận với vắc xin của một số nước và tổ chức trên thế giới như Sputnik V (Nga); AstraZeneca (Anh); Pfizer, Moderna (Hoa Kỳ), Trung Quốc…

Nano Covax là vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam được cấp phép tiêm thử nghiệm trên người (bắt đầu tiêm từ ngày 17/12/2020). Quá trình thử nghiệm sẽ trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tiêm trên 60 người được chia làm 3 nhóm với 3 liều tiêm khác nhau (25 mcg- 50 mcg-75 mcg). Mục tiêu của giai đoạn 1 là đánh giá tính an toàn của vắc xin. Giai đoạn 2 sẽ tiêm sau khi giai đoạn 1 tiến hành an toàn, thành công, tiêm trên 400-600 người để xác định liều tiêm tối ưu. Giai đoạn 3 sẽ tiêm trên ít nhất 1.500-3.000 người, có thể mở rộng ra 10.000 đến 30.000 người. Giai đoạn 3 mục tiêu phải đánh giá được tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực của vắc xin. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 14; Hà nội mới, trang 1).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Các bệnh viện tuyến tỉnh phải có giải pháp tránh quá tải khi thông tuyến khám chữa bệnh BHYT

Tại Chỉ thị số 25 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến.

Ngày 21/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-BYT về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT)

Từ ngày 1/1/2020 người điều trị nội trú không đúng tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ được Quỹ BHYT chi trả

Chi thị của Bộ Y tế cho biết theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến.

Để triển khai thực hiện quy định trên, bảo đảm cho cơ quan quản lý, cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) chủ động trong quản lý, trong tổ chức khám chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan BHXH và người tham gia BHYT; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, đồng thời sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả, thực hiện đúng chủ trương về cơ chế tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành: Tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh và BHYT.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện; xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện tối thiểu 80% các mã bệnh phổ biến mà bệnh viện đang khám chữa bệnh, không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết;

Chỉ đạo sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở khám chữa bệnh;

Tổ chức đặt lịch hẹn khám đối với người đến khám chữa bệnh bằng các hình thức: qua điện thoại, qua trang tin điện tử của bệnh viện hoặc các phần mềm kết nối với bệnh viện để bảo đảm phục vụ chất lượng, hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi, tránh quá tải;

Tăng cường vai trò và hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong việc xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, giám sát các hoạt động chuyên môn, kiểm soát các chỉ định nhập viện nội trú;

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế các địa phương và Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành chỉ đaọ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, chuyển một số bệnh mạn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến huyện và xã quản lý;

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, chú ý tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT và giảm thiểu tình trạng người bệnh tự đi khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Rà soát, quy định cụ thể tuyến của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời phối hợp với BHXH cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức kiểm tra công tác khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã, chú trọng kiểm tra việc chỉ định điều trị nội trú.

Chỉ đạo việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định.

Tăng cường công tác thông tin, công khai năng lực, chuyên môn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.

Phải bổ sung nhân lực kịp thời trong trường hợp kê thêm giường bệnh

Đối với Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở khám chữa bệnh các tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu tổ chức phổ biến, tập huấn về chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh và BHYT; các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh và BHYT theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Chủ động xây dựng kế hoạch và kiểm tra việc tổ chức bàn khám bệnh, thực hiện tiếp đón người bệnh, thực hiện cải tiến quy trình khám chữa bệnh theo hướng dẫn tại Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện; cách thức phối hợp giữa khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng trong tiếp nhận người bệnh điều trị nội trú, đảm bảo đúng yêu cầu chuyên môn, chất lượng và an toàn cho người bệnh.

Đồng thời xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng giường bệnh nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở.

“Trường hợp tăng số giường bệnh thực kê nhiều hơn so với số giường kế hoạch được phê duyệt để giảm tình trạng nằm ghép, bệnh viện phải bổ sung số lượng nhân lực kịp thời tương ứng”- Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định.

Chủ động báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp để đề xuất giải pháp phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh khác khi có tình trạng quá tải; thực hiện hình thức chuyển người bệnh về tuyến dưới khi tình trạng bệnh ổn định theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo dõi, tổng hợp, đánh giá hằng tháng, hằng quý việc khám chữa bệnh, điều trị nội trú các trường hợp tự đến khám chữa bệnh tại cơ sở. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Tuổi trẻ, trang 14; An ninh thủ đô, trang 7).

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần chú trọng ngay các biện pháp phòng chống dịch Covid-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định khi chưa có vaccine, việc cần làm ngay bây giờ là hết sức chú trọng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như chúng ta đã làm từ trước đến nay.

Chiều 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã tới Học viện Quân y thăm các tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 do Việt Nam sản xuất.

Vaccine vừa được tiêm thử nghiệm có tên Nano Covax, do Công ty Nanogen sản xuất. 3 người tiêm đầu tiên gồm 2 nữ, 1 nam, trong đó có 2 thanh niên 20 tuổi (đều là sinh viên), một nữ tình nguyện viên 40 tuổi làm giáo viên ở Hà Nội. Sáng 17/12, họ được tiêm 3 mũi đầu tiên vaccine Nano Covax, liều 25mcg, tiêm bắp. Hiện nay sức khoẻ của 3 tình nguyện viên đều hoàn toàn bình thường, tinh thần thoải mái.

Thăm hỏi, động viên các tình nguyện viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn các tình nguyện viên về hành động nhân văn, dũng cảm của những bạn trẻ đã tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine mới để góp phần ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Nam thanh niên 20 tuổi – người đầu tiên tiêm thử nghiệm – cho hay sau tiêm, anh chỉ có cảm giác hồi hộp, còn lại không có phản ứng bất thường.

Chia sẻ cảm xúc là một trong những người đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 do Việt Nam sản xuất, nữ giáo viên ở Hà Nội cho hay hàng triệu người dân Việt Nam đang mong mỏi từng ngày có được vaccine COVID-19. Khi nghe tin Học viện Quân y tuyển tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, chị đã tìm hiểu thông tin trên mạng rồi đăng ký ngay, chờ từng ngày để được “gọi tên”.

Với tinh thần “Đóng góp cho khoa học có nghĩa là đóng góp cho cộng đồng”, nữ giáo viên chia sẻ sau tiêm thử nghiệm, chị xác định cống hiến cho xã hội, niềm vui của mọi người là của mình.

Tại cuộc họp ngay sau đó, đánh giá cao Học viện Quân y và Công ty Nanogen đã tích cực nghiên cứu, sản xuất, triển khai thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện việc nghiên cứu, tiêm thử nghiệm trên tinh thần tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ Y tế về yêu cầu an toàn, hiệu quả nhưng khẩn trương. Theo Phó Thủ tướng, vaccine thành công không chỉ là niềm tự hào của giới khoa học, của ngành Y tế Việt Nam mà đây thực sự là công cụ chống dịch COVID-19 hữu hiệu.

Lưu ý phải luôn tính đến trường hợp tốt và xấu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tinh thần là chúng ta đồng thời khẩn trương thúc đẩy quá trình thử nghiệm giai đoạn 1, 2, 3 song song đó cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho các bước tiếp theo sau khi thử nghiệm lâm sàng thành công“.

Thông tin từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trên thế giới, hiện có 56 loại vaccine COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, có những loại vaccine đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 3 như Pfizer, Moderna, Astrazeneca và loại vaccine của Nga…

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế tiếp tục liên hệ với các đối tác để có vaccine phòng COVID-19 sớm nhất theo phương án hoặc mua hoặc sản xuất trong nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết hiện nay giá bán vaccine trên thế giới rất cao, nguồn cung còn hạn chế, vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước là rất cần thiết.

Theo Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, khi chưa có vaccine, việc cần làm ngay bây giờ là hết sức chú trọng các biện pháp phòng chống dịch như chúng ta đã làm từ trước đến nay.

Với những nỗ lực của toàn thể nhân dân, toàn xã hội, cả lực lượng y tế và các lực lượng chức năng, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính quyền các cấp đến bây giờ, chúng ta phải duy trì, bảo vệ thành quả chống dịch COVID-19.

Về đề nghị của Học viện Quân y, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ KH&CN chủ trì, Học viện Quân y phối hợp với Viện Công nghệ sinh học của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam lập đề án xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển vaccine phòng, chống các bệnh mới nổi và tối nguy hiểm, trong đó có phòng An toàn sinh học cấp 3 trở lên. Trung tâm này sẽ cùng với các trung tâm nghiên cứu của Bộ Y tế hình thành mạng lưới sẵn sàng cho các điều kiện dịch bệnh, thảm hoạ liên quan đến sức khoẻ con người trong tương lai. (Gia đình & Xã hội, trang 3).

 

Cần đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine Nano Covax

Thủ tướng giao Bộ Y tế tìm hiểu kinh nghiệm thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của các nước trên thế giới để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax nhằm sớm có vaccine trong nước…

Chiều 21-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về vaccine phòng Covid-19.

Tại cuộc họp, về sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng cho rằng, cần khuyến khích, động viên, hỗ trợ các đơn vị trong nước nghiên cứu, triển khai trên tinh thần tạo điều kiện tối đa.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan chức năng xác định khả năng sản xuất vaccine của các doanh nghiệp trong nước để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Bộ Y tế tìm hiểu kinh nghiệm thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của các nước trên thế giới để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax nhằm sớm có vaccine trong nước; hỗ trợ Công ty Nanogen, đặc biệt là tìm kiếm đối tác nước ngoài trong việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax giai đoạn 3.

Thủ tướng giao Học viện Quân y chủ trì phối hợp với Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các đơn vị có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine phòng bệnh truyền nhiễm ở người, bao gồm việc đầu tư xây dựng phòng nghiên cứu đạt an toàn sinh học cấp 3 hoặc 4; Chính phủ ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai đề án này.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vaccine thúc đẩy quá trình thử nghiệm vaccine để có thể rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, với phương thức phù hợp, sáng tạo. Bộ Y tế lắng nghe các kênh thông tin khác nhau để chọn phương án tốt nhất, hoàn thiện, trình Chính phủ.

Về vấn đề mua vaccine của nước ngoài, Thủ tướng khẳng định, cần sớm có một cơ số vaccine cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế hoàn thiện đề án cụ thể về số lượng, đơn giá, đối tượng tiêm, phương thức, hiệu lực vaccine, xác định mua của nước nào là phù hợp nhất. Bên cạnh ngân sách nhà nước, cần xã hội hóa để có các nguồn lực cần thiết cho việc này. Bộ Y tế cần tìm kiếm thêm các nhà cung cấp, hình thức hợp tác mua vaccine, thậm chí cả đóng gói ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cả nước cần tập trung phòng chống dịch Covid-19 một cách trách nhiệm, cụ thể trong lúc chưa có vaccine; kể cả có vaccine thì cũng phải phòng chống Covid-19 chủ động, trách nhiệm, đặc biệt là thực hiện “thông điệp 5K” mà Bộ Y tế đưa ra. Các trung tâm, thành phố lớn phải có chương trình kiểm tra, đôn đốc nghiêm túc, không để lặp lại việc vi phạm các quy định, quy chế cách ly.

Nano Covax là vaccine phòng Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được cấp phép tiêm thử nghiệm trên người (bắt đầu tiêm từ ngày 17-12).

Ngày 21-12, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP Đà Nẵng) phối hợp với Công an phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tiến hành lấy lời khai 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Theo đó, rạng sáng cùng ngày, tổ công tác của Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thì phát hiện một ô tô 7 chỗ 17A-110.69 chạy trên tuyến quốc lộ 1A (đoạn qua hầm Hải Vân) có nhiều biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra, phát hiện trên xe có 6 nam giới người nước ngoài và 2 người Việt Nam (tính cả tài xế). Bước đầu, tài xế khai nhận chở 6 người Trung Quốc từ Hà Nội vào Quảng Ngãi với giá 6 triệu đồng mỗi người. Cơ quan chức năng đã xác định 6 người này không có thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.

Chiều tối cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19 (ca bệnh thứ 1.414) là thuyền viên người Việt. Bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Lấp khoảng trống trong tiêm chủng

Sự gián đoạn tiêm chủng vaccine đang là vấn đề y tế đáng báo động, nhất là trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19, khiến nhiều gia đình trì hoãn việc đưa trẻ đi tiêm ngừa các loại bệnh. Các chuyên gia y tế cho biết, điều này có thể làm gia tăng số người mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác và có khả năng làm tăng nguy cơ bùng phát thành làn sóng dịch bệnh trong cộng đồng.

Thành quả tiêm chủng bị đe dọa

PGS-TS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động lên hệ thống y tế các quốc gia và làm giảm nhu cầu tiêm ngừa do yêu cầu hạn chế tiếp xúc gần trong cộng đồng.

“Cả thế giới quay cuồng trong vòng xoáy đại dịch. Phần lớn nguồn lực xã hội, Nhà nước đều dồn cho phòng chống Covid-19, khiến nguồn lực cho tiêm chủng bị hạn chế. Cùng với đó, việc trì hoãn tiêm chủng phần lớn còn xuất phát từ phụ huynh, họ lo ngại lây nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế, không đưa con đi tiêm chủng đúng lịch. Nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm vaccine để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, tỷ lệ tiêm chủng năm nay giảm khoảng 10% so với năm ngoái, có nguy cơ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hệ thống y tế”, PGS-TS Trần Ngọc Hữu thông tin.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cảnh báo, việc gián đoạn tiêm ngừa là nguy cơ làm gia tăng số trẻ mắc các loại bệnh, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác (bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, thủy đậu, rubella…), gây ra gánh nặng kép bên cạnh dịch Covid-19.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, báo cáo mới nhất từ Liên minh toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho thấy, tối thiểu 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi ở 68 quốc gia đang có nguy cơ mắc các bệnh như bạch hầu, sởi và bại liệt do các chương trình tiêm chủng đang bị gián đoạn vì Covid-19. Nếu không được tiêm chủng, tiêm thiếu mũi hoặc tiêm muộn so với lịch khuyến cáo, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Điều này đe dọa đến thành tựu của toàn nhân loại, trong nhiều năm nỗ lực chống lại các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Cần tuân thủ lịch tiêm vaccine

Theo PGS-TS Trần Ngọc Hữu, nhiều năm qua, nhờ có vaccine, nhiều bệnh truyền nhiễm đã bị xóa sổ. Cụ thể, năm 1980, thế giới đã xóa sổ hoàn toàn được bệnh đậu mùa nhờ chương trình tiêm chủng toàn cầu. Miễn dịch cộng đồng được thiết lập thành công. Đến nay, thế hệ trẻ không còn ai phải mang vết sẹo lớn trên vai vì tiêm vaccine đậu mùa. Thành tựu hơn 30 năm thanh toán bại liệt cũng có công lớn của vaccine. Năm 1988, 125 quốc gia xuất hiện dịch bại liệt và mỗi năm hơn 350.000 trẻ bị liệt suốt đời, khi chưa có vaccine. Sau 32 năm có vaccine ngừa bệnh, hiện chỉ còn 2 quốc gia xuất hiện virus bại liệt hoang dại là Pakistan và Afghanistan. Số ca bại liệt toàn cầu giảm đến 99,9%. Riêng Việt Nam đã thanh toán bại liệt từ năm 2000.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ lịch tiêm vaccine để tiêm đủ mũi, đủ liều và đúng lịch trình. Đặc biệt, cần lưu ý các mốc tiêm chủng quan trọng cho các đối tượng đặc biệt nhạy cảm như trẻ em, bao gồm: 12 tháng đầu đời là giai đoạn quan trọng khi trẻ được tiêm hầu hết các mũi vaccine cơ bản cần thiết; năm tuổi thứ 2 đến trước 4 tuổi là giai đoạn hoàn tất các mũi tiêm cơ bản cần thiết và những mũi tiêm nhắc đầu tiên để củng cố miễn dịch; tuổi tiền học đường là giai đoạn quan trọng tiếp theo củng cố miễn dịch, nhằm bảo vệ cho trẻ trước khi bước vào môi trường mới. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng, do không có miễn dịch bảo vệ.

“Trong quá trình thực hiện tiêm chủng, thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ. Điều này càng cho thấy, nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin.

Đồng thời lưu ý, người lớn và người già vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe từ các bệnh lây nhiễm nếu không được tiêm phòng các bệnh cần thiết như cúm mùa, thủy đậu, bệnh do phế cầu… Một số bệnh như cúm mùa, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và các hệ lụy không ngờ đến là đau tim và đột quỵ. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Điện Biên thu hồi toàn bộ vaccine ComBE five

Chiều  21-12, trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên, xác nhận Sở đã ban hành Văn bản 1879/SYT-NVY yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phải thông báo ngay đến tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh tạm dừng sử dụng vaccine ComBE five lô 220110218B, hạn sử dụng 31-3-2021 do Công ty Biological E.Limited, Ấn Độ sản xuất.

Cũng trong nội dung Công văn 1879/SYT-NVY, Sở Y tế Điện Biên yêu cầu thu hồi toàn bộ vaccine ComBE five lô 220110218B về kho vaccine của trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố để bảo quản, biệt trữ. Trước ngày 24-12-2020, các đơn vị phải có báo cáo tổng hợp số lượng vaccine ComBE five lô 220110218B đã được thu hồi, gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Liên quan việc thu hồi vaccine ComBE five lô 220110218B, theo báo cáo của Sở Y tế Điện Biên thì trước đó, ngày 12-12-2020, tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã ghi nhận một trường hợp là bé gái 4 tháng tuổi bị tai biến nặng dẫn đến tử vong sau khi tiêm vaccine ComBE five lô 220110218B. Do vậy, để bảo đảm an toàn tiêm chủng, Sở Y tế Điện Biên đã quyết định thu hồi và tạm dùng loại vaccine ComBE five lô 220110218B. (Nhân dân, trang 5).

 

Ứng phó biến thể mới của vi-rút gây dịch Covid-19

Theo Roi-tơ và TTXVN, trong bối cảnh phát hiện một biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 tại Anh, đại diện các nước Liên hiệp châu Âu (EU) nhóm họp khẩn cấp vào ngày 21-12 để thảo luận về cách phản ứng chung với mối đe dọa mới. Thủ tướng Ðức A.Méc-ken cũng điện đàm với Tổng thống Pháp E.Ma-crông, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en để thảo luận về biến thể mới của vi-rút.

* Phát biểu ý kiến trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế liên bang Ðức G.Xpan nhấn mạnh tính hiệu quả của các loại vắc-xin hiện có trong việc chống lại biến thể mới của vi-rút gây dịch Covid-19. Theo ông G.Xpan, điều quan trọng lúc này là cần ngăn chặn biến thể mới xâm nhập vào Ðức; nhanh chóng xác định rõ về biến thể này để có hành động kịp thời.

* Nhiều nước quyết định đóng cửa đường bay với Anh do lo ngại biến thể mới của vi-rút gây dịch Covid-19. Pháp thông báo tạm ngừng mọi hoạt động đi lại với Anh, trong khi Ai-len áp đặt hạn chế đối với các chuyến bay và phà đến từ Anh, có hiệu lực từ nửa đêm 20-12. I-xra-en, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, Cô-oét… cũng tạm ngừng các chuyến bay với Anh.

* Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, ngày 21-12, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn chủ trì một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về hoạt động đi lại quốc tế, nhất là về vấn đề hàng hóa đến và đi từ Anh. Việc các nước hạn chế đi lại với Anh do lo ngại biến thể mới của vi-rút diễn ra đúng vào thời điểm khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp Anh, khi giai đoạn chuyển tiếp giữa Anh và EU sắp kết thúc và các quy định hải quan mới sẽ có hiệu lực.

* Các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết đang xem xét rất thận trọng biến thể mới của vi-rút gây dịch Covid-19. Trong khi đó, Ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến nghị, những người từ 75 tuổi trở lên và một số nhân viên ở tuyến đầu nên là những đối tượng tiếp theo được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

* Bộ Y tế Séc kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch và nên ở nhà trong kỳ nghỉ Giáng sinh. Theo cơ quan này, trong ba ngày qua, Séc luôn trong tình trạng cảnh báo cao nhất theo hệ thống cảnh báo gồm năm cấp độ về dịch Covid-19 trên toàn quốc.

* Ðại diện Cục Phòng chống dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh, kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và tuân thủ giãn cách xã hội là những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Trước đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho những người có nguy cơ mắc bệnh.

* Tổng thống An-giê-ri A.Tép-bun yêu cầu Thủ tướng A.Giê-rát lập tức chủ trì một cuộc họp với Ủy ban Khoa học theo dõi đại dịch Covid-19 để lựa chọn một loại vắc-xin thích hợp nhằm khởi động chương trình tiêm chủng từ tháng 1-2021. An-giê-ri nằm trong số 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất ở châu Phi.

* Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 21-12 thông báo ghi nhận thêm 926 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 892 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ðây là lần đầu trong sáu ngày qua số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc ở dưới mức 1.000 ca, chủ yếu do số lượng xét nghiệm ít hơn vào cuối tuần.

* Bộ Y tế I-ta-li-a ghi nhận một ca nhiễm biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh mẽ tại Anh. Bệnh nhân và người cộng sự đã bay từ Anh tới sân bay ở thủ đô Rô-ma của I-ta-li-a vài ngày trước. Hiện những người này đang được cách ly để theo dõi. (Nhân dân, trang 5.).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/10/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/8/2018

admin

Để lại bình luận