Điểm báo ngày 22/3/2021

(CDC Hà Nam)
Hơn 32.000 người đã được tiêm vaccine C0VID-19; Quảng Ninh tạm dừng các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19; Tiêm vắc xin COVID-19 đến đâu, an toàn đến đó: Cần thực hiện thế nào?

Hơn 32.000 người đã được tiêm vaccine C0VID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, cả nước đã có 32.361 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường, điều đó cho biết cơ thể người tiêm đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vaccine để phòng bệnh.

Bộ Y tế cho biết, tính đến 16 giờ ngày 20/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 32.361 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.

Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường, điều đó cho biết cơ thể người tiêm đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vaccine để phòng bệnh.

Theo Bộ Y tế các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm là hiếm gặp nhưng người đi tiêm chủng cần nắm được các dấu hiệu bất thường và các bệnh viện cần đến theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trong trường gặp phản ứng thông thường nhưng diễn biến nặng lên cũng cần đến cơ sở y tế sớm.

Trong thời gian từ nay đến cuối tháng 3/2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho 44 tỉnh còn lại để sẵn sàng cho triển khai khi đợt vaccine COVID-19 tiếp theo về đến nước ta.

Về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h ngày 20/3 đến 6h ngày 21/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Cả nước hiện vẫn có 2.572 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.

Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 908 ca, trong đó, riêng Hải Dương có 724 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố đã 36 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội, đã tròn qua 33 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.

Hải Phòng, đã qua 26 ngày thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.

Về công tác điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.198 bệnh nhân COVID-19/ 2.571 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước có 118 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 37 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 18 ca; số ca âm tính lần 3 là 63 ca.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, hiện có 3 trường hợp bệnh nhân nặng, gồm 2 bệnh nhân đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh; 1 bệnh nhân điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng. Các trường hợp này đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 3-5 lần, tuy nhiên các bệnh nhân này có một số bệnh lý nền và đang tập tự thở nên vẫn đang tiếp tục theo dõi sát trong quá trình điều trị.

Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế./. (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Quảng Ninh tạm dừng các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19

Ngày 21/3, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, cho biết vừa ban hành Công văn về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái mới…

Theo đó, từ 0h, ngày 22/3, các địa phương bao gồm: Quảng Yên, Uông Bí, Tiên Yên, Hạ Long, tạm dừng hoạt động của các chốt kiểm soát COVID-19 đối với phương tiện, người ra vào tỉnh Quảng Ninh và được mở lại các hoạt động kinh doanh có điều kiện trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chú trọng việc nâng cao ý thức tự giác, tự quản, tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế trung thực, đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng của nhân dân và khuyến khích việc xét nghiệm COVID-19 tự nguyện; gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm.

Riêng đối với thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh giao cho Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã căn cứ tình hình của từng địa bàn giáp ranh để quyết định cụ thể, phù hợp và chịu trách nhiệm đối với việc quyết định các nội dung nêu trên. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Tiêm vắc xin COVID-19 đến đâu, an toàn đến đó: Cần thực hiện thế nào?

Kỳ 1: Hạn chế thấp nhất phản ứng sau tiêm qua khám sàng lọc

Đã hơn 10 ngày sau khi triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19, với trên 25 ngàn trường hợp đã hoàn thành mũi tiêm đầu tiên, số lượng các trường hợp phản ứng thông thường ở mức ngang bằng với khuyến cáo của nhà sản xuất, có một số trường hợp phản vệ độ 1, 2 được xử lý ngay, một trường hợp mức độ nặng hơn phải nhập viện. Đến thời điểm hiện tại các trường hợp đều ổn định. Để thực hiện chủ trương của Bộ Y tế “Tiêm đến đâu, an toàn đến đó” những điều chỉnh cần có trong thời gian tới cần thực hiện là gì?

Phân loại thật kỹ

Với một loại vắc xin dùng công nghệ mới nhất, những gì xảy ra trong cơ thể chúng ta sau khi tiêm chủng vẫn còn chưa được hiểu biết một cách toàn diện. Đặc biệt là khi công nghệ mới này cho đáp ứng miễn dịch rất mạnh và khả năng tạo kháng thể tốt nhưng đi kèm với nó là phản ứng sau tiêm chủng cũng sẽ mạnh mẽ hơn.

Việc cẩn trọng đầu tiên chính là giới hạn nhóm chỉ định tiêm nhằm loại bỏ những trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên và những người có cơ địa dị ứng. Có bốn nhóm đối tượng được xác định trong quá trình khám phân loại này bao gồm:

Đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng: Là những người trên 18 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh và không có tiền sử dị ứng, quá mẫn với bất kỳ tá dược nào được liệt kê trong thành phần của vắc xin.

Đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng: Là những đối tượng hiện mắc bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, người bị suy giảm miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao có dùng chế phẩm miễn dịch trong vòng 90 ngày hoặc đã bị COVID-19 trong vòng 6 tháng. Những người có tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước cũng nằm trong nhóm này. Giai đoạn này cần thận trọng nên nhóm phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người trên 65 tuổi và người có bệnh lý giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu cũng cần tạm hoãn.

Đối tượng cần thận trọng tiêm chủng: Là những người có tiền sử dị ứng,  người có bệnh lý nền hoặc bệnh mạn tính cần giám sát sức khỏe, người mất tri giác và mất năng lực hành vi. Người có bệnh mạn tính kèm thêm bất thường dấu hiệu sống.

Và đối tượng chống chỉ định: Là người có phản ứng mạnh với liều tiêm trước, phản ứng với các thành phần có trong vắc xin hoặc dị ứng mạnh với nhiều loại tác nhân khác nhau.

Làm thế nào để phân loại được?

Sẽ không thể phân loại được các nhóm đối tượng như trên nếu như công tác khám sàng lọc không được làm chặt chẽ và cẩn trọng. Với phần lớn các trường hợp, việc hỏi tiền sử cũng như đánh giá tình trạng hiện tại sẽ giúp phát hiện những trường hợp bất thường cần lưu ý trước khi quyết định tiêm chủng. Thông qua việc hỏi đã có thể ghi nhận tình trạng các bệnh cấp tính đang mắc phải, đặc biệt là những dấu hiệu có thể nghi ngờ COVID-19. Tiền sử dị ứng thì cần khai thác tỉ mỉ hơn mới có thể xác định được. Tiền sử dị ứng có thể liên quan đến các thành viên khác trong gia đình (bố, mẹ, con, anh chị em ruột…) và các loại dị nguyên  gây dị ứng như côn trùng, thực phẩm, phấn hoa, bụi nhà, hóa chất, mỹ phẩm…đặc biệt là tiền sử dị ứng với vắc xin và bất kỳ thành phần nào của vắc xin, tiền sử dị ứng nặng, bao gồm phản vệ cần phải được liệt kê.

Bên cạnh đó, tiền sử tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày qua mà quan trọng là các vắc xin phòng COVID-19 không thay thế được cho nhau nên cần khai thác chính xác loại vắc xin và thời gian đã tiêm vắc xin COVID – 19 của các đối tượng đến tiêm lần thứ 2. Ngoài ra, tiền sử bệnh lý và điều trị cũng cần được ghi nhận đầy đủ và rõ ràng như tiền sử mắc COVID-19 hoặc điều trị huyết tương từ người đã được điều trị khỏi COVID-19, tiền sử bệnh nền, suy giảm miễn dịch, ung thư, đang dùng thuốc corticoid, ức chế miễn dịch, tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông hay đối với phụ nữ cần hõi rõ thông tin có thai, tình trạng thai kỳ hiện tại, hoặc có đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Sau đó, việc khám cần thực hiện đúng theo trình tự.

Phát hiện các bất thường về dấu hiệu sống:

– Đo thân nhiệt, huyết áp, đếm mạch tất cả những người đến tiêm.

– Đếm nhịp thở và/hoặc SpO2 (nếu có) ở những người có bệnh nền hô hấp.

Quan sát toàn trạng:

– Đánh giá mức độ tri giác bằng cách hỏi những câu hỏi về bản thân người đến tiêm. Lưu ý những người có bệnh nền nặng nằm liệt giường, mất tri giác, mất năng lực hành vi.

– Ghi nhận bất kỳ biểu hiện bất thường nào quan sát thấy ở người đến tiêm để hỏi lại về tiền sử sức khỏe. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 24/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/7/2019

CDC Hà Nam

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 ĐẾN 06 Giờ 00, ngày 09/3/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận