Không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, sẽ hội chẩn quốc gia trước khi phục hồi chức năng cho bệnh nhân 91
Chiều 21-6, theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tính từ 6h ngày 16-4 đến 18h ngày 21-6 là 66 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 18h ngày 21-6, Việt Nam có tổng cộng 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính từ 6h đến 18h ngày 21-6, không có ca mắc mới. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 5.724 trường hợp, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 95 trường hợp, cách ly tập trung tại cơ sở khác 5.347 trường hợp, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 282 trường hợp.
Còn theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 2 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 4 ca (An ninh Thủ đô, trang 2).
Đắk Nông: Ẩn họa tiềm tàng ổ dịch bệnh bạch hầu
Đắk Nông vừa ghi nhận một ca bệnh nhi tử vong sau khi dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long. Tình hình ổ dịch càng diễn biến nguy hiểm bởi tại khu vực nhiễm bệnh, tỉ lệ tiêm chủng của trẻ em đồng bào dân tộc ít người là cực thấp và đến nay, nguồn lây bệnh chưa được xác định rõ. Báo động dịch bệnh hoành hành
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông vừa phát đi thông báo, trên địa bàn xã Quảng Hòa ghi nhận hai trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có một bệnh nhân nhỏ tuổi đã tử vong là Sùng Thị H (9 tuổi).
Theo báo cáo nhanh của ngành Y tế địa phương, ngày 19.6, bệnh nhân H được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở. Bệnh nhân sau đó tiếp tục chuyển biến nặng và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh. Đến sáng 20.6, bệnh nhân H tử vong với nguyên nhân được xác định nhiễm bạch hầu ác tính biến chứng tim.
Trước đó, 4 trường hợp bệnh nhân tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô cũng dương tính với vi khuẩn bạch hầu. May mắn đến nay, sức khỏe các bệnh nhân đều đã ổn định và dịch bệnh tại đây cơ bản được kiểm soát.
Ngay khi phát hiện trường hợp bé gái tử vong do nhiễm bệnh bạch hầu, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật phối hợp cùng chính quyền địa phương xác định có 7 trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp dương tính do nhiễm vi khuẩn bạch hầu tại xã Quảng Hòa. Cụ thể, 3 trường hợp có dấu hiệu lâm sàng đang được cách ly, theo dõi tại Trạm y tế xã Quảng Hòa; 4 trường hợp đang tự cách ly, theo dõi tại nhà.
Chưa xác định nguồn lây bệnh
Theo ghi nhận, từ năm 2004 đến nay (thời điểm chia tách tỉnh – PV), Đắk Nông lần đầu tiên ghi nhận 2 ổ bệnh dịch bạch hầu tại huyện Đắk G’long và Krông Nô. Ngành Y tế Đắk Nông hiện tiến hành khử khuẩn 100% hộ gia đình tại đội 2 (xã Quảng Hòa), tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn và Trạm y tế xã. Đồng thời, ngành Y tế tỉnh đã tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiếp nhận, chuẩn bị tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh bạch hầu cho nhóm đối tượng từ 7 đến dưới 40 tuổi.
Sau khi nắm thông tin về tình hình bệnh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hỗ trợ y tế tuyến cơ sở tiêm 140 liều vaccine phòng, chống bạch hầu – uốn ván cho học viên, cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nhà May Mắn đang có mặt.
Ông Đặng Thành – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông – nhận định, phần lớn đồng bào H’Mông tại các khu vực xuất hiện bệnh dịch có tỉ lệ tiêm chủng cực thấp. Chưa kể, việc xác định nguồn lây bệnh đang gặp khó vì các trường hợp mắc bệnh đều không di chuyển khỏi địa phương (14 ngày theo quy định).
“Trước đây, ngành Y tế chúng tôi đã tuyên truyền nhưng nhiều bậc phụ huynh không đồng ý cho con em đến tiêm chủng. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình phòng bệnh” – ông Thành nói.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông, để bảo vệ bản thân và hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh bạch hầu, người dân cần tiêm đầy đủ vaccine phòng chống bệnh bạch hầu; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh; khi thấy cơ thể có các triệu chứng lạ như ho sốt, mất tiếng, khàn giọng, đau họng hay nổi hạch dưới hàm cần khẩn trương đi khám và làm xét nghiệm cần thiết (Lao động, trang 4).
Có được “giờ vàng” vơi bớt nguy nan
Nếu như trước đây bệnh đột quỵ thường nằm trong độ tuổi 50-60 trở lên, thì nay đang có xu hướng trẻ hóa xuống 40-50 tuổi, thậm chí gặp ở độ tuổi 20-30. Thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng các kỹ thuật điều trị ngang bằng với chuẩn của các trung tâm đột quỵ trên thế giới để điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, bệnh nhân bị đột quỵ cần được đưa đến bệnh viện trong “giờ vàng” hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Xu hướng người bị đột quỵ trẻ hơn.
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu kịp thời một nam giới 40 tuổi (quê ở Hưng Yên) bị đột quỵ. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người, hôn mê, rối loạn ý thức, không nói được. May mắn, bệnh nhân đã được các y, bác sĩ can thiệp rất kịp thời và chỉ sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã nói, vận động chân tay được…
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới. Những năm qua ở nước ta, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ tăng từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới mỗi năm. Tỷ lệ nam giới mắc gấp 4 lần so với nữ giới. Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị cho rằng, thời tiết nắng nóng gay gắt là yếu tố làm tăng số người bị đột quỵ, nhất là những người có tiền sử bị tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội – Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, ở những người bị đái tháo đường, nguy cơ bị đột quỵ gấp 4 lần, người tăng huyết áp nguy cơ gấp 3 lần, tim mạch nguy cơ gấp 6 lần so với người bình thường. Đặc biệt, đột quỵ ở người trẻ có xu hướng tăng nhanh, tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Nếu như trước đây, đột quỵ thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi, nhất là với những người lạm dụng rượu, bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện…
Trung bình mỗi năm, Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Quân y 103) tiếp nhận từ 1.600 đến 1.800 bệnh nhân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ của bệnh viện cho biết, đột quỵ có 2 thể chính, đó là nhồi máu não (hay tắc mạch máu não) và xuất huyết não (hay còn gọi là chảy máu não, vỡ mạch máu não). Hiện tất cả các kỹ thuật cao trên thế giới về điều trị đột quỵ đều được bác sĩ của khoa triển khai và thực hiện thành công. Nếu đến bệnh viện kịp thời trong “giờ vàng”, thì cơ hội điều trị hiệu quả cao, ít để lại di chứng.
Thế nhưng, theo bác sĩ Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, hiện bệnh nhân đột quỵ đưa vào cấp cứu nằm trong “giờ vàng” chỉ chiếm 1,5%. Ở Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ này cũng chỉ 5%-7%. Do thiếu kiến thức về phát hiện sớm bệnh đột quỵ, nên có những gia đình tự xử trí người bệnh tại nhà và khi nhập viện đã trong tình trạng muộn.
Không tự ý uống thuốc điều trị
Nhiều người truyền tai nhau việc dùng thuốc đông y và các biện pháp dân gian để điều trị đột quỵ. Tuy nhiên, bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho rằng, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc dùng thuốc đông y sẽ giải quyết ngay được tình trạng đột quỵ. Đơn cử như bệnh nhân đột quỵ mà cho uống An cung ngưu hoàng hoàn dễ gây ra tình trạng ngộ độc thuốc hoặc khiến bệnh nặng thêm, bởi loại thuốc này được chỉ định dùng cho thể tắc mạch. Nếu không may bệnh nhân rơi vào thể chảy máu mà người nhà lại cho uống An cung ngưu hoàng hoàn sẽ làm bệnh thêm trầm trọng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), trong quá trình cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp hôn mê, xuất huyết nặng, thậm chí tử vong sau khi người nhà cho uống An cung ngưu hoàng hoàn rồi mới đưa đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không được cho bệnh nhân đột quỵ ăn, uống bất kỳ thuốc gì, cũng không xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu ở đầu ngón tay, sau tai vì đây là những biện pháp không có tác dụng. Bởi lúc này, bệnh nhân thường rơi vào trạng thái mê man, uống nước hay thuốc đều dễ bị sặc, làm tắc đường thở.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, việc quan trọng nhất đề phòng đột quỵ là kiểm soát tốt huyết áp, phát hiện kịp thời các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường và sử dụng thuốc kết hợp theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát các bệnh này. Đặc biệt, người dân nên bỏ các thói quen không tốt cho sức khỏe như: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, giữ chế độ ăn uống đúng mực để tránh béo phì, tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút/ngày)… Dưới 4-5 giờ sau khi bị đột quỵ được coi là “giờ vàng” trong điều trị. Do đó, khi thấy có biểu hiện: Gương mặt mất cân đối, méo xệ một bên miệng; yếu hoặc liệt tay, chân; ngôn ngữ bất thường…, thì cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm, càng tốt (Hà Nội mới, trang 5).
Nhiều bệnh nhân được trả bảo hiểm y tế chục tỉ đồng
Mỗi năm đóng bảo hiểm y tế khoảng 800.000 đồng, nhưng nếu không may mắc bệnh hiểm nghèo, người bệnh được chi trả lên đến hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng.
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết trong 2 năm 2018, 2019 có 45 trường hợp được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả từ 1 tỉ đồng trở lên, với tổng số tiền trên 80 tỉ đồng. Các bệnh nhân được hưởng BHYT trên 1 tỉ đồng nhiều nhất là tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, tiếp theo là BV Ung bướu, BV Thống Nhất, BV Nhân dân 115. Các bệnh lý gặp nhiều nhất là thiếu yếu tố VIII di truyền, ung thư, tim mạch, viêm phổi nặng…
Nếu tự trả thì đã… “đầu hàng”
Bệnh nhân D.V (30 tuổi, ngụ Kiên Giang) được phát hiện bị bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền (Hemophilia A có chất ức chế) vào năm 2002. Mỗi năm anh đến BV Truyền máu huyết học TP.HCM điều trị 1 – 2 lần, trung bình mỗi lần tốn 1 – 2 triệu tiền khám, thuốc. Tháng 11.2019, anh V. bị gãy chân và nhiễm khuẩn nên tình trạng bệnh rất nặng, phải đến BV Chợ Rẫy để phẫu thuật, cắt lọc mô hoại tử, tiêm yếu tố VIII, thuốc ức chế miễn dịch, truyền máu, kháng sinh… hết 7,5 tỉ đồng và được BHYT chi trả. Sau đợt điều trị đó, tháng 5.2020 anh V. trở lại BV Chợ Rẫy điều trị tiếp với số tiền hơn 2 tỉ đồng. Hiện nay, anh V. đang nằm viện, số tiền ước tính cũng hơn 2 tỉ đồng (tổng chi phí khoảng hơn 11,5 tỉ đồng). Nhờ tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên nên anh V. được BHYT chi trả 100% theo quy định.
“Chi phí lớn các đợt điều trị ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nếu tự trả thì gia đình tôi đã “đầu hàng”. Cũng may là tôi tham gia BHYT thường xuyên”, anh V. chia sẻ với PV Thanh Niên ngày 18.6.
Một trường hợp khác mắc bệnh về máu (ngụ Bình Định) điều trị tại BV Chợ Rẫy năm 2019 được BHYT thanh toán 11,1 tỉ đồng. Cá biệt, có trường hợp bệnh nhân P.H.N (ngụ Vĩnh Long) cũng bị bệnh Hemophilia thể nặng, hông trái, tụ máu hông và được BHYT thanh toán chi phí điều trị hơn 14 tỉ đồng trong 2 năm 2018, 2019…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng phòng Chế độ BHYT – BHXH VN, sở dĩ số tiền điều trị bệnh được quỹ BHYT chi trả lớn như vậy, ngoài lý do tiền thuốc đắt tiền phải nhập từ nước ngoài, còn có nguyên nhân người bệnh phải điều trị trong thời gian dài; thường xuyên phải nhập viện, thậm chí phải sống chung với bệnh đến hết đời.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Chợ Rẫy), cho biết đa số ca bệnh tại BV được BHYT thanh toán mức cao thường gặp ở bệnh nhân mắc các bệnh lý huyết học. Đây là bệnh mãn tính và gần như lệ thuộc vào thuốc đắt tiền (yếu tố VIII có giá 3 – 7 triệu đồng/lọ). Nếu bệnh nhân không điều trị thì xuất huyết, chảy máu gây ra nhiều biến chứng và dẫn đến tử vong. Còn điều trị là suốt đời và chi phí tăng liên tục…
Kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư
“Với bệnh nhân ung thư thì việc điều trị rất tốn kém. Nếu dùng PET CT (kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cao cấp nhất hiện nay) thì giá 19 triệu đồng/lần chụp. Phẫu thuật nội soi robot ung thư đường tiêu hóa, tiết niệu, gan mật khoảng 90 triệu đồng/lần. Nếu bệnh nhân có BHYT thì sẽ được BHYT chi trả từ 80 – 100% tùy theo đối tượng. Một lọ thuốc nhắm trúng đích thế hệ mới là 62 triệu đồng/lọ, mỗi đợt vào thuốc là 1 – 2 lọ. Do vậy, có nhiều bệnh nhân tại BV Ung bướu được BHYT chi trả hơn 1 tỉ đồng/năm”, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết.
Theo bác sĩ Tuấn, Thông tư 30/2019 của BYT quy định danh mục thuốc và tỷ lệ thanh toán từ 50%, 70%, 100% tùy trường hợp. Về điều kiện thanh toán BHYT căn cứ vào hướng dẫn điều trị của nhà sản xuất trên từng loại bệnh và theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Đặc biệt, nếu bệnh nhân nào tham gia BHYT trên 5 năm liên tục, chi phí đồng chi trả (người bệnh và phía BHYT) trong 1 năm bằng 6 tháng lương cơ bản (tương đương 8,94 triệu đồng), thì lần tái khám sau đúng tuyến, người bệnh sẽ được miễn đồng chi trả, BHYT thanh toán 100% theo quy định.
“Hiện nay, trong lĩnh vực điều trị ung thư có nhiều thuốc mới, có thuốc giúp kéo dài sự sống bệnh nhân gấp 3 lần so với phác đồ cũ. Nhưng sẽ kéo theo hậu quả rất lớn, đó là chi phí điều trị tăng cao do phải dùng thuốc đắt tiền, ngay cả người có tiền cũng là một thách thức lớn, nên nhờ quỹ BHYT mới trả nổi. Qua theo dõi của BV Ung bướu, người có BHYT thì thời gian sống cao hơn vì họ có thêm điều kiện theo đuổi hết liệu trình điều trị”, bác sĩ Tuấn nói thêm.
Sẽ có thay đổi về cách chi trả BHYT
Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, nguyên tắc của BHXH là có đóng BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT; lấy số đông bù số ít, người có tham gia BHYT nhưng không có bệnh bù cho người có bệnh, người mắc bệnh nhẹ hưởng ít và người mắc bệnh nặng thì hưởng nhiều. Đây là tính nhân văn trong chính sách BHYT. “Quan niệm đóng BHYT ít thì hưởng ít là chưa đúng. Điển hình 45 trường hợp có mức đóng BHYT thấp (đóng theo mức lương cơ sở) nhưng hưởng BHYT ở mức cao, vì BHYT thanh toán theo thời gian tham gia, đối tượng tham gia. Cả 45 trường hợp mà BHXH TP.HCM thanh toán trên 1 tỉ đồng đều có thời gian tham gia BHYT trên 5 năm. Đây là điểm khác biệt giữa chính sách BHYT của nhà nước với các bảo hiểm thương mại khác”, ông Mến nói.
Cũng theo ông Mến, hiện nay thanh toán BHYT là theo chi phí dịch vụ, tình trạng bệnh. Tới đây, Bộ Y tế được giao nghiên cứu về cơ chế thanh toán, đề xuất thanh toán theo gói dịch vụ. “Tức là đóng bao nhiêu sẽ được hưởng quyền lợi tương ứng bấy nhiêu; thanh toán theo tình trạng bệnh, bị bệnh gì thì được hưởng chi phí thanh toán theo tình trạng bệnh đó… Quy định này sẽ triển khai thí điểm dần dần khi luật BHYT sửa đổi được Quốc hội thông qua”, ông Mến cho biết thêm (Thanh niên, trang 22).
Phi công người Anh ‘vật tay’ gay cấn với bác sĩ Trần Thanh Linh
Trong phòng hồi sức đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy, viên phi công người Anh với bàn tay to bản nắm chặt bàn tay bác sĩ Trần Thanh Linh – phó khoa hồi sức tích cực. Họ chuẩn bị một màn đọ sức “vật tay” gay cấn. Căn phòng nơi viên phi công người Anh nằm điều trị che kính trong suốt, ông có thể thỏa sức nhìn ra không gian bên ngoài. Ở đó có cây cối, xe cộ và cả bầu trời xanh trong.
Đây là thời gian yên ổn nhất của ông kể từ ngày ông được chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới qua Bệnh viện Chợ Rẫy (22-5) và hơn 3 tháng kể từ ngày ông biết mình nhiễm “virus lịch sử” – COVID-19.
Đọ sức “vật tay”
Trong phòng hồi sức đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy, viên phi công người Anh với bàn tay to bản nắm chặt bàn tay bác sĩ Trần Thanh Linh – phó khoa hồi sức tích cực. Họ chuẩn bị một màn đọ sức “vật tay” gay cấn.
“1, 2, 3 cố lên, cố lên nào”. Cứ sau mỗi lần chiến thắng hoặc thất thủ, cả hai lại nhìn nhau với ánh mắt động viên rồi cười nói rổn rảng…
Tròn một tháng được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ như trút được tâm trạng thấp thỏm âu lo khi sức khỏe bệnh nhân tiến triển ngoạn mục. Trên giường bệnh, ông đã có thể thực hiện được các cử động tập đi đứng, đánh răng, cười nói…
Bác sĩ Phan Thị Xuân, trưởng khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Chợ Rẫy) – nơi đang điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh, nói rằng mục đích chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Chợ Rẫy là để ghép phổi nhưng trong thâm tâm chị vẫn hi vọng điều ấy không xảy ra.
“Thực sự giữ lại được phổi vẫn tốt hơn rất nhiều phổi được ghép. Bởi bệnh nhân có thể chết ngay sau khi ghép do dùng rất nhiều thuốc ức chế miễn dịch. Thành ra lúc ấy chúng tôi cố gắng hết sức để giữ lại phổi. Từ chỉ 1 loại thuốc ban đầu, êkip quyết định dùng cùng lúc 3 loại thuốc liều cao triệt vi khuẩn gây nhiễm trùng phổi. Song song với “tổng tấn công” vi khuẩn, chúng tôi ngưng dần các thuốc an thần, giãn gân gây nghiện. Và quyết định ấy đã dần phát huy tác dụng” – bác sĩ Xuân kể.
Nhìn lại một hành trình đi qua, bác sĩ Xuân nói đó là dấu ấn đậm nét trong suốt thời gian làm nghề. Đó là những ngày mà khi cảm xúc của chị cùng êkip như “trôi” theo diễn biến sức khỏe của bệnh nhân. Chị vui khi nhìn thấy sức khỏe bệnh nhân tiến triển, và không ít phen mất ăn mất ngủ khi bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch.
Hoàn thành sứ mệnh
Từng là người bệnh COVID-19 nặng nhất, thời gian điều trị dài nhất và để neo sự sống cho ông, cả ngành y tế Việt Nam phải dồn một lực lượng chuyên gia đông đảo nhất. Chỉ với những “cái nhất” này, chắc chắn ông là một bệnh nhân đặc biệt. Sự đặc biệt còn thể hiện ở cái cách mà người đàn ông này vượt qua “vòng tử sinh”.
“Quả thật phải nói đây là ca bệnh vô cùng đặc biệt, sự phục hồi vô cùng ngoạn mục” – bác sĩ Phan Thị Xuân thốt lên đầy ngạc nhiên.
Hành trình điều trị cho bệnh nhân này là câu chuyện dài chưa kể. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, diễn biến bệnh của bệnh nhân ngày một xấu đi, có lúc mất kiểm soát.
Trước một bệnh nhân đặc biệt, ngành y tế huy động nhiều trang bị máy móc hiện đại cùng một đội ngũ nhân viên y tế chưa từng có. Có tất cả 12 bác sĩ giỏi và hơn 20 điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được điều động thay ca liên tục chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới còn được Bệnh viện Chợ Rẫy “chi viện” lực lượng, khi biệt phái 4 bác sĩ giỏi về chạy ECMO (thiết bị hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể) qua túc trực cùng neo giữ sự sống cho bệnh nhân.
Và lúc tưởng chừng như hết hi vọng thì các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới lại nhen nhóm niềm tin. Kết quả chụp CT-scan cho thấy phổi phục hồi 20 – 30% và bệnh nhân trải qua 5 lần xét nghiệm đều âm tính. Đó cũng là lúc “sứ mệnh lịch sử” của bệnh viện kết thúc, bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị cho một ca ghép phổi, vốn là lựa chọn bất đắc dĩ, là hi vọng mong manh cuối cùng giúp người bệnh duy trì sự sống.
Điều kỳ diệu đã đến
Từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, lẫn khi qua Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 được các bác sĩ nhận xét khá “cứng đầu”. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, có những ngày ông không chịu ăn uống, không chịu đánh răng và chơi điện thoại… quá nhiều. Và chỉ có bác sĩ Trần Thanh Linh mới có thể “trị” được.
Bước ra từ phòng hồi sức, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, bác sĩ Linh nói: “Cả êkip, người lạc quan nhất cũng không nghĩ bệnh nhân có thể hồi phục. Thế nhưng sau 4 ngày chuyển qua bệnh viện, bệnh nhân ngưng được thuốc ngủ và bắt đầu hồi tỉnh. Lúc ấy tôi và các đồng nghiệp rất vui, xem đó là động lực thúc đẩy mọi người càng phải quyết tâm đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch”.
Trong những ngày ấy, bác sĩ Linh bảo từ bác sĩ, điều dưỡng thay nhau túc trực 24/24 giờ bên cạnh bệnh nhân. “Bệnh nhân nằm im lìm, còn chúng tôi nhiều ngày trời phải chăm chút từng tí một, phải thức ngồi bên canh từng thông số oxy, huyết động trên máy monitor. Từ kết quả chụp CT và sự cải thiện mỗi ngày của bệnh nhân khi tự đánh răng, ăn uống, nói chuyện được giúp êkip bác sĩ điều trị thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
Hội chẩn đưa ra phương án cuối cùng
Bộ Y tế cho hay đầu tuần tới tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia sẽ tổ chức hội chẩn trước khi chuyển bệnh nhân sang khu vực phục hồi chức năng, bên cạnh các thủ tục đưa bệnh nhân phi công người Anh về quê hương.
Hiện tại, bệnh nhân đã hít thở bình thường không cần sự trợ giúp, sức cơ tay đã trở lại như cũ, sức cơ chân đã phục hồi được 4/5, bệnh nhân tự ăn uống, tự ngồi dậy được, tự đứng trên khung tập… Bệnh nhân đã đủ sức rời khỏi khu vực hồi sức tích cực, bước tiếp theo một mặt phục hồi sức cơ chân, hỗ trợ để bệnh nhân có thể đi lại được, một mặt xúc tiến các thủ tục để đưa bệnh nhân về quê hương.
Trước đó xuất phát từ nguyện vọng của bệnh nhân 91 sớm được về quê hương Scotland, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tính toán, đề xuất bệnh nhân có thể mua vé ngồi hạng thương gia kèm theo nhân viên y tế hộ tống, chi phí không nhiều.
“Với thể trạng hiện tại bệnh nhân có thể xuất viện và đây cũng là nguyện vọng của bệnh nhân sớm được về nước, vì vậy đơn vị đề nghị Bộ Y tế sớm có giải pháp cho bệnh nhân về quê hương để tránh nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện (sức đề kháng kém, tổn thương phổi). Đơn vị chỉ lo vấn đề chuyên môn, còn việc xuất viện lúc nào cần có sự trao đổi thống nhất từ Ban chỉ đạo với Đại sứ quán Anh, từ đó mới có phương án cụ thể cuối cùng” – ông Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.
Ông Phạm Huy Bình, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết đơn vị sẵn sàng tham gia cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ để sớm thực hiện mong muốn của bệnh nhân 91 người Anh là trở về nước. Theo đó, dựa trên tư vấn của bác sĩ điều trị, Saigontourist Group sẽ hỗ trợ các chi phí liên quan đưa bệnh nhân phi công người Anh về quê hương.
Mệnh lệnh từ trái tim
Ông Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết quá trình điều trị bệnh nhân 91 cho đến nay, Việt Nam được bạn bè trong nước và trên thế giới công nhận, đánh giá rất thành công. Trong đó, có nhiều thầy cô, chuyên gia người nước ngoài gửi thư khen các bác sĩ của bệnh viện.
“Từ những ngày đầu điều trị, các cuộc hội chẩn chuyên môn cấp quốc gia được tổ chức liên tục, qua đó tận dụng được trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành, cũng như các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Theo tôi, đây là điều quan trọng nhất để mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân” – bác sĩ Thức nói.
Ngoài ra, để đạt được kết quả đáng khích lệ như ngày hôm nay, bác sĩ Thức cho biết đơn vị còn lập nhóm hội chẩn online 24/24 giờ. Khi bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào, nhóm lập tức được “kích hoạt” bất kể ngày đêm, giờ giấc để đưa ra các phương án tối ưu. “Duy trì sự sống cho bệnh nhân 91 như là mệnh lệnh trái tim của tất cả các nhân viên y tế” – bác sĩ Thức khẳng định (Tuổi trẻ, trang 18).