Điểm báo ngày 22/7/2020

(CDC Hà Nam)
Hà Nội triển khai phong trào thi đua ”An toàn thực phẩm”: ”Xây” sạch, ”chống” bẩn; Bạch hầu bùng phát, Thứ trưởng Bộ Y tế: Đổ lỗi cho dân là chưa thỏa đáng; Việt Nam ghi nhận 396 ca mắc Covid-19…

 

Số ca tử vong do mắc bệnh dại và bạch hầu gia tăng

Ngày 21-7, tại hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm và triển khai chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu khu vực Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 6 tháng qua, nhiều bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Nguyên giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, song cũng có một số dịch bệnh nguy hiểm gia tăng cả về số ca mắc lẫn tử vong.

Trong đó, các dịch bệnh đáng lưu ý như uốn ván sơ sinh tăng 2 ca, bệnh dại tăng cao với 14 ca mắc và cả 14 ca đều tử vong so với 5 ca mắc và tử vong năm 2019. Đặc biệt, bệnh bạch hầu vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng vọt so với năm 2019 và đã có 3 ca tử vong. Chỉ tính từ ngày 6-6 đến ngày 17-7 đã ghi nhận 16 ổ dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk với 114 ca dương tính, trong đó 67 ca có biểu hiện lâm sàng và 37 ca là người lành mang trùng, trong khi cùng kỳ năm 2019 chỉ có 23 ca mắc.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên chú trọng chỉ đạo công tác tiêm chủng mở rộng các cấp, rà soát và đưa chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với đại diện ngành y tế các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum về công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao công tác phòng chống dịch của các địa phương đồng thời lưu ý phải tập trung sức lực, nhân lực, vật chất để khống chế bệnh bạch hầu.

Bộ Y tế sẽ có những chỉ đạo khẩn cấp nhằm khắc phục, giải quyết các khó khăn về trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, các phương thức mua sắm, hình thức áp dụng đối với bệnh nhân cách ly y tế. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 8: “14 người tử vong do chó dại cắn, đã có 16 ổ dịch bạch hầu ở Tây Nguyên”.

 

Làm rõ nguyên nhân bé trai tử vong do mổ lấy đinh ở tay

Ngày 21-7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã phát đi công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế Bình Phước về việc xử lý sự cố y khoa nghiêm trọng.

Công văn nêu rõ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã nhận được báo cáo nhanh (qua đường dây nóng) của Sở Y tế Bình Phước về sự cố y khoa nghiêm trọng gây tử vong cho người bệnh vào ngày 19-7.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Bình Phước  phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh động viên, chia sẻ sự mất mát của gia đình nạn nhân và sớm tiến hành kiểm thảo tử vong, thành lập Hội đồng chuyên môn để nhận định nguyên nhân, phối hợp với cơ quan, đơn vị cung ứng dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh; rà soát tất cả các quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình chăm sóc đã thực hiện trên người bệnh từ lúc nhập viện đến khi xảy ra diễn biến xấu và gây tử vong. Chỉ định một đầu mối phát ngôn của Sở Y tế để cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ cho cơ quan báo chí, truyền thông và sớm thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn và kết quả giám định pháp y đến gia đình nạn nhân.

Như Báo SGGG đưa tin,  đầu tháng 4-2020, bệnh nhi P.C (7 tuổi, ngụ huyện Bù Đốp) bị gãy tay trái nên được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước chẩn đoán bị gãy kín trên, lồi xương cánh tay trái, vỡ hố khuỷu trái. Sau đó, cháu C. được phẫu thuật nắn chỉnh bằng 3 cây đinh. Đến ngày 8-4, cháu C. được xuất viện, sức khỏe bình thường. Sáng 14-7, C. được đưa đến bệnh viện để tiến hành phẫu thuật tháo đinh nẹp tay. Khoảng 15 giờ cùng ngày, gia đình cháu C. được bác sĩ cho biết bé C. đang hôn mê.  Lúc 19 giờ cùng ngày, gia đình yêu cầu bệnh viện chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM để điều trị nhưng đến ngày 19-7 thì cháu tử vong. (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Hà Nội triển khai phong trào thi đua ”An toàn thực phẩm”: ”Xây” sạch, ”chống” bẩn

Trong 5 năm triển khai phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã xây dựng và tổ chức hiệu quả nhiều mô hình hay trong quản lý an toàn thực phẩm. Những mô hình này đã góp phần đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm dần đi vào quỹ đạo, hướng đến “xây” thực phẩm sạch và “chống” thực phẩm bẩn.

Nhiều mô hình hay, cách làm tốt

Có mặt tại buổi tập huấn hướng dẫn giám sát bữa cỗ tập trung đông người cho hơn 100 giám sát viên được tổ chức ngày 20-7, tại Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, không khí làm việc nghiêm túc, sôi nổi giữa giảng viên và học viên. Những kiến thức về an toàn thực phẩm, phương pháp giám sát, quy trình giám sát các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại bữa cỗ, thực hành test nhanh kiểm tra thực phẩm… được giảng viên truyền tải rất cụ thể đến học viên.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên Tiêu Ngọc Chiến chia sẻ, năm 2016, Phú Xuyên là một trong hai huyện đầu tiên của Hà Nội được chọn để triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người. Từ 5 xã đầu tiên, đến nay trên địa bàn huyện đã có 20/27 xã, thị trấn triển khai mô hình này. “Trước đây, Phú Xuyên từng xảy ra các vụ ngộ độc tập thể tại bữa cỗ tập trung đông người. Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào. Tới đây, huyện sẽ nhân rộng mô hình này”, ông Tiêu Ngọc Chiến cho biết.

Theo Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội) Lê Thị Hằng, từ năm 2007 đến năm 2019, Hà Nội đã ghi nhận 44 vụ ngộ độc thực phẩm, với 1.199 người mắc, trong đó có 13 vụ ngộ độc liên quan đến bữa cỗ tập trung đông người (chiếm 29,5%). Do đó, việc triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người là rất cần thiết nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng. “Qua hiệu quả của mô hình, từ 2 địa phương triển khai điểm là Phú Xuyên và Thanh Oai, đến hết năm 2019, thành phố đã nhân rộng đến 15 quận, huyện, thị xã với 155 xã, phường, thị trấn. Hiện, mô hình này đã được nhiều địa phương trên cả nước học tập và làm theo”, bà Lê Thị Hằng thông tin.

Cùng với đó, hơn 2 năm qua, Hà Nội đã xây dựng thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 14 tuyến phố của 12 quận, huyện. Từ khi được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, diện mạo của những tuyến phố như Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); phố Nguyễn Sơn, chợ ẩm thực Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên); phố Hàm Nghi (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm)… đã thay đổi rõ rệt, các nhà hàng ăn uống đều khang trang, lịch sự.

Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tất cả 48 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố Hàm Nghi đều được gắn biển nhận diện “Nhà hàng (cửa hàng) an toàn thực phẩm có kiểm soát”. “Chúng tôi yêu cầu các cơ sở ở đây phải công khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm, như: Mua gì, ở đâu, số điện thoại, hợp đồng. Khi kiểm tra, nếu các cơ sở không đáp ứng các yêu cầu này, chúng tôi xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Khắc Tuấn (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) cho biết, khi bước chân vào những quán ăn có gắn biển nhận diện, ngoài sự thay đổi về diện mạo, cơ sở vật chất, thái độ phục vụ, việc các cơ sở kinh doanh công khai nguồn gốc thực phẩm đã giúp khách hàng yên tâm hơn.

Không chỉ dừng ở phong trào

Cùng với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, các cơ quan chức năng của thành phố còn tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố kiểm tra được hơn 514.345 lượt cơ sở kinh doanh thực phẩm, đã xử phạt 28.614 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 476 tỷ đồng và nhắc nhở 38.467 cơ sở. Đặc biệt, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 4 vụ, 7 đối tượng sản xuất kinh doanh thực phẩm giả nhãn mác, kém chất lượng… Qua đó giúp các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thấy rõ hơn trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Trần Ngọc Tụ cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc nhân rộng các mô hình hay về vệ sinh, an toàn thực phẩm còn gặp khó khăn. Đơn cử như, có những cơ sở kinh doanh nằm trong “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, nhưng không muốn thay đổi cơ sở vật chất cho phù hợp với tiêu chí. Không ít gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người chưa hợp tác với lực lượng chức năng trong việc ký cam kết, tuân thủ các tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm…

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá những mô hình kể trên đã góp phần đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm dần đi vào quỹ đạo, hướng đến “xây” thực phẩm sạch và “chống” thực phẩm bẩn. Thực tế, lãnh đạo chính quyền địa phương và cán bộ thanh tra về thực phẩm là người nắm rõ nhất nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt để có biện pháp nhân rộng mô hình hay, đồng thời chấn chỉnh kịp thời vi phạm. “Để những mô hình hay về an toàn thực phẩm không chỉ dừng lại ở phong trào thi đua, thực sự đi vào cuộc sống, cần sự tham gia tích cực hơn nữa của chính quyền các địa phương và mỗi người dân”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Việt Nam ghi nhận 396 ca mắc Covid-19

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 6h ngày 21-7, nước ta ghi nhận thêm 12 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Các trường hợp này đều được cách ly ngay sau nhập cảnh, liên quan đến chuyến bay VN5062 từ Liên bang Nga (quá cảnh Belarus) về sân bay Vân Đồn ngày 17-7.

Bệnh nhân (BN) 385 là nữ, 51 tuổi, có địa chỉ tại Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý, Hà Nam. BN 386 là nam, 53 tuổi, có địa chỉ tại Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý, Hà Nam. BN 387 là nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định. BN 388 là nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại Cửa Lò, Nghệ An.

Cả 4 trường hợp này sau nhập cảnh được cách ly ngay tại Nam Định, được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 19-7 nghi ngờ dương tính với vi rút SARS-CoV-2, mẫu được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xét nghiệm tham chiếu, kết quả xét nghiệm ngày 20-7 có 4 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả 4 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.

BN 389 là nam, 34 tuổi, có địa chỉ tại Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. BN 390 là nam, 41 tuổi, có địa chỉ tại phường Phước Hải, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. BN 391 là nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. BN 392 là nữ, 24 tuổi, có địa chỉ tại Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình. BN 393 là nam, 26 tuổi, có địa chỉ tại Trung An, Vũ Thư, Thái Bình. BN 394 là nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. BN 395 là nam, 26 tuổi, có địa chỉ tại xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. BN 396 là nam, 38 tuổi, có địa chỉ tại Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hòa.

Cả 8 trường hợp này sau nhập cảnh được cách ly ngay tại Ninh Bình, được lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh này. Kết quả xét nghiệm ngày 19-7 có 8 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả 8 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Như vậy, tính đến 6h ngày 21-7, Việt Nam đã ghi nhận 396 ca mắc Covid-19, trong đó có 256 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta đã điều trị khỏi cho 360 ca mắc Covid-19. Trong số các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế có 5 ca có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần trở lên với vi rút SARS-CoV-2. (Hà Nội mới, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 8: “”Việt Nam ghi nhận ca bệnh Covid-19 thứ 396”.

 

12 người nhập cảnh từ Nga mắc Covid-19

Chiều 21.7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) thông báo 12 ca mắc Covid-19 mới, đều là người Việt Nam nhập cảnh từ Nga.

Các ca mắc này liên quan chuyến bay 5062 đến sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) ngày 11.7. Đây là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 385 – 396 tại Việt Nam, đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Nam Định và Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên (H.Hoa Lư, Ninh Bình). Cùng ngày, 5 BN Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội), gồm: BN thứ 358 (nam, 56 tuổi), BN 361 (nam, 32 tuổi), BN 365 (nam, 36 tuổi), BN 366 (nam, 45 tuổi) và BN 369 (nữ, 30 tuổi).

Cùng ngày, Bộ Y tế cho biết từ ngày 6.6 – 17.7, khu vực Tây nguyên ghi nhận 16 ổ dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk, với 104 ca dương tính, trong đó 67 ca có biểu hiện lâm sàng và 37 ca người lành mang trùng; 3 ca tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1 ca). Theo giám sát của hệ thống y tế, từ năm 2013, bệnh bạch hầu đã tái xuất hiện tại khu vực Tây nguyên, có xu hướng tăng dần và trải rộng. Để ngăn chặn và khống chế dịch bệnh bạch hầu tái xuất hiện, chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh nói trên đang được triển khai. Lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm Bộ Y tế kiểm định sớm vắc xin bạch hầu đưa vào sử dụng, kịp thời cung ứng vắc xin phòng chống dịch bạch hầu cho 4 tỉnh này.

Ngày 21.7, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết Trung tâm y tế H.Vĩnh Linh đang cách ly, điều trị bệnh nhân H.T.T.M (9 tuổi, trú tại xã Vĩnh Hà, H.Vĩnh Linh) được xác định dương tính với bệnh bạch hầu. Bệnh nhân M. khởi bệnh ngày 10.7, đến 15.7 được đưa đến Trung tâm y tế H.Vĩnh Linh thăm khám. Ngày 16.7, M. bị sốt, ho, đau rát họng, họng có nhiều giả mạc màu trắng dính ở amidan. Đến ngày 20.7, Viện Pasteur Nha Trang có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, M. dương tính với bệnh bạch hầu. Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, hiện vẫn chưa tìm được nguồn lây bệnh. Khu vực nhà M. và xung quanh đã được ngành y tế khử khuẩn, vệ sinh môi trường. (Thanh niên, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 5: “Thêm 12 ca mắc Covid-19, đều từ nước ngoài về”; An ninh Thủ đô, trang 8: “12 người Việt trên chuyến bay từ Nga về nước nhiễm Covid-19, cách ly tại Nam Định và Ninh Bình”; Nhân dân, trang 8: “12 người từ nước ngoài về nhiễm Covid-19”.

 

Hành trình Đỏ lần thứ VIII – năm 2020 đã tiếp nhận được gần 33.000 đơn vị máu

Sau 45 ngày tổ chức (từ 6-6 đến 20-7), chiến dịch hiến máu tình nguyện Hành trình Đỏ lần thứ VIII – năm 2020 đã diễn ra tại 31 tỉnh, thành phố và tiếp nhận được gần 33.000 đơn vị máu.

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, chặng đường của Hành trình Đỏ sẽ tiếp tục diễn ra tại 10 địa phương là TP.HCM, Tây Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, An Giang, Thanh Hóa, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc trước khi hội quân tại Hà Nội.

Hầu hết các địa phương này đều tham gia Hành trình Đỏ xuyên suốt nhiều kỳ với số lượng máu tiếp nhận được lớn. Đây sẽ là chặng nước rút để Hành trình Đỏ năm nay tăng tốc về đích, đạt mục tiêu như dự kiến ban đầu. Ban Tổ chức ước tính sẽ có khoảng 1.000 tình nguyện viên cả nước tham dự các sự kiện Hội quân Hành trình Đỏ năm 2020 diễn ra trong các ngày 1 và 2-8 tại Hà Nội.

Hành trình Đỏ lần thứ VIII – năm 2020 kéo dài từ 6-6 đến 2-8 tại 42 tỉnh, thành phố. Đây là năm tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay với thời gian dài nhất, nhiều địa phương tham gia nhất. Năm địa phương tham gia xuyên suốt cả 8 kỳ Hành trình Đỏ là Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng. Lần đầu tiên các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh tổ chức sự kiện này.

31 tỉnh, thành phố đã hoàn thành chiến dịch là Cao Bằng, Kiên Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hậu Giang, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bến Tre, Sóc Trăng, Gia Lai, Cần Thơ, Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Kon Tum, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Quảng Trị, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Nghệ An. Nhiều địa phương có số lượng máu hiến tặng cao như Cần Thơ, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sơn La, Kiên Giang, Nghệ An, Lạng Sơn… (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Bạch hầu bùng phát, Thứ trưởng Bộ Y tế: Đổ lỗi cho dân là chưa thỏa đáng

Ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (BVĐK Tây Nguyên) ở tỉnh Đắk Lắk. “Dịch bệnh bùng phát không chỉ có trách nhiệm của cả cộng đồng mà của cả những đơn vị có trách nhiệm”, ông nói.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao công tác phòng chống dịch bạch hầu của ngành y tế Đắk Lắk, trong đó có Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. “Chúng tôi nhận thấy dịch bạch hầu ở Tây Nguyên là mối quan ngại rất lớn, khi đánh giá tỷ lệ miễn dịch rất thấp trong cộng đồng ở khu vực đang lây nhiễm. Trong đó có tâm lý không muốn chích ngừa từ người dân, hoặc từ cán bộ y tế”, ông Sơn nói.

Trước câu hỏi của phóng viên Tiền Phong, có phải “để dịch bạch hầu bùng phát, lỗi do người dân” (theo lời của ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông), Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trả lời rằng, nói vậy là chưa thỏa đáng. “Dịch bệnh bùng phát không chỉ có trách nhiệm của cộng đồng mà của cả những đơn vị có trách nhiệm. Đặc biệt là ngành y tế, có vai trò đưa ra các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Còn trách nhiệm của ngành y tế tới mức nào cần đánh giá lại. Qua công tác kiểm tra dịch bệnh, việc đầu tiên cần phải tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức về tiêm chủng. Muốn làm được điều này, cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp”, ông Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ rất quan tâm công tác phòng ngừa dịch bệnh bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên. Bộ chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế… cử cán bộ tập huấn cho cán bộ y tế ở Tây Nguyên trong phòng chống dịch bệnh.

Dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. “Thông qua báo cáo của anh em Sở Y tế Đắk Lắk, cho thấy đều có sự quan tâm của các cấp chính quyền. Với các điều kiện tổ chức, các phương pháp đã tổ chức, tôi tin chắc chắn việc khống chế và giảm bớt dịch bệnh trong thời gian tới có thể đạt được”, ông Sơn nói.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế  có buổi làm việc với lãnh đạo các Sở Y tế Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông không đến dự. Đến nay, Tây Nguyên có 108 ca bạch hầu, trong đó Đắk Nông – 33, Đắk Lắk – 18, Kon Tum – 32 ca, Gia Lai – 25. (Tiền phong, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/03/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận