Nâng cao chất lượng điều trị ung bướu cho tuyến dưới
Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020, với vai trò là hạt nhân, Bệnh viện K (Bộ Y tế) đã tổ chức các khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, hiện đại lĩnh vực ung bướu cho các bệnh viện vệ tinh trên cả nước. Vì vậy, người dân đã được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương mình.
Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, mỗi năm có gần 165 nghìn người mới mắc, hơn 115 nghìn người chết do bệnh ung thư. Hiện có khoảng hơn 300 nghìn người đang sống chung với bệnh ung thư. Đáng chú ý, vì người bệnh được tiếp cận với những phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến hơn; áp dụng các xét nghiệm hiện đại, phẫu thuật cập nhật kỹ thuật mới, hóa trị cũng sử dụng những loại thuốc mới để đạt hiệu quả tốt hơn cho nên chi phí điều trị ngày càng cao đã trở thành gánh nặng cho gia đình người bệnh và toàn xã hội hiện nay. Theo tính toán của các chuyên gia, cứ sau 10 năm chi phí điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam lại tăng từ 1,5 đến hai lần.
GS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Trong những năm 2000, cả nước mới có ba bệnh viện chuyên ngành, 14 khoa ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh và đáp ứng được 30% nhu cầu khám bệnh ung thư cho người dân. Trong khi đó, nhiều bệnh viện chưa có khoa ung thư, người bệnh thường phải nằm rải rác tại các khoa điều trị trong bệnh viện như ngoại khoa, nội khoa. Lực lượng cán bộ làm công tác trong chuyên ngành ung bướu còn thiếu, chưa đáp ứng về số lượng và trình độ chuyên môn, dẫn đến tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên… Trước thực trạng nêu trên, ngày 11- 3- 2013, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định số 774/QĐ-BYT phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020, trong đó ung bướu là một trong năm chuyên khoa được lựa chọn đầu tiên để thực hiện. Bệnh viện K, là một trong những cơ sở y tế hạt nhân được Bộ Y tế chọn triển khai đề án nhằm nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tỉnh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế. Từ đó, giảm tải áp lực cho bệnh viện tuyến trên, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương, giảm bớt chi phí điều trị, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.
Thực hiện đề án, tính đến nay Bệnh viện K đã có 17 bệnh viện vệ tinh gồm các bệnh viện đa khoa Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hùng Vương, Phú Thọ, Bắc Ninh, Điện Biên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Bãi Cháy, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, đa khoa Trung ương Quảng Nam; các bệnh viện ung bướu Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An; chỉ đạo tuyến cho 30 bệnh viện trên cả nước… Bệnh viện K đã tiến hành đào tạo 2.972 lượt học viên; chuyển giao 291 lượt kỹ thuật; biên soạn 12 cuốn sách chuyên môn phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… Một số kỹ thuật được đào tạo, chuyển giao giảm tỷ lệ chuyển tuyến đến 100% như: phẫu thuật ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư tử cung, xạ trị ung thư vú, cổ tử cung…
Là một trong những bệnh viện tham gia đề án, từ năm 2014 đến nay Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã được các chuyên gia của Bệnh viện K chuyển giao 10 gói kỹ thuật phẫu trị, hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư, giải phẫu bệnh – tế bào học và y học hạt nhân. Thông qua phương thức “cầm tay chỉ việc”, đến nay các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy đã nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, phương pháp điều trị bệnh ung thư như: phẫu thuật dạ dày, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật cắt đại trực tràng, phẫu thuật ung thư tuyến giáp có vét hạch, xạ trị điều biến liều bệnh lý ung thư vú, ung thư vòm, lồng ngực, ung thư thận… Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện đón hơn 150 người đến khám, điều trị các bệnh ung thư. Người đến khám bệnh, chữa bệnh ung thư đã được thụ hưởng, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của cả nước; đồng thời được chăm sóc tốt hơn, tiết kiệm được chi phí, cũng như góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Từ năm 2013 đến năm 2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã cử gần 70 lượt bác sĩ, kỹ sư, điều dưỡng tham gia các lớp đào tạo do Bệnh viện K tổ chức; tiếp nhận, chuyển giao thành công 19 kỹ thuật chuyên ngành ung bướu từ Bệnh viện K. Nhờ các kỹ thuật được chuyển giao, giảm được tỷ lệ chuyển viện ngành ung bướu lên tuyến trên từ 80% (giai đoạn trước khi triển khai đề án) xuống còn 10% như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: Đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu đã khẳng định hướng đi đúng, hiệu quả của Bộ Y tế và có ý nghĩa nhân văn. Các bệnh viện tuyến dưới được nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời các bệnh viện tuyến trên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đề án hơn nữa, thời gian tới các bệnh viện hạt nhân cần tăng cường triển khai hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ. Các bệnh viện vệ tinh tiếp tục đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh; năng động trong quản lý, chặt chẽ trong tổ chức để bảo đảm nâng cao chất lượng bệnh viện, tạo uy tín để thu hút người dân, người bệnh đến bệnh viện. Cán bộ, bác sĩ cần xem người, bệnh là trung tâm và lấy hiệu quả điều trị là thước đo, mục tiêu phấn đấu của đơn vị mình… (Nhân dân, trang 5).
Bệnh hô hấp vào mùa
Thời tiết thay đổi, chuyển từ nắng sang mưa, đồng thời vào mùa nhập học là thời điểm thuận lợi cho các bệnh lý hô hấp gia tăng ở trẻ em.
Tại các bệnh viện (BV) nhi ở TP.HCM hiện nay, số lượng bệnh nhi khám bệnh hô hấp đang có dấu hiệu tăng dần đều. Dự báo số lượng bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp sẽ ngày càng gia tăng khi bước vào những tháng sắp tới, đặc biệt là tháng 9, tháng 10.
Bệnh có xu hướng tăng
Tại BV Nhi đồng 1, chăm sóc bé Phạm Hồng Ngọc (hai tuổi, ngụ Tiền Giang) tại khoa hô hấp, chị Nguyễn Hồng Trinh (28 tuổi) cho biết bé ho nhiều, có đàm nhưng trị ở địa phương không đỡ nên lên TP.
“Mấy hôm nay thời tiết cứ thay đổi thất thường, ngày hôm trước thì nắng nóng, qua hôm sau chuyển lạnh và có mưa, người lớn cũng muốn đổ bệnh, huống gì là con nít. Ở nhà tôi, ngoài bé này ra thì ông bà bé cũng mắc cảm, ho. Xung quanh hàng xóm mấy bé nhỏ cũng bị như vậy” – chị Trinh kể.
Nằm khoa nội tổng hợp đã được một tuần nhưng bé Nguyễn Tuấn Khải (2,5 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) vẫn còn thỉnh thoảng ho. Bà Trương Thị Kim Thoa (56 tuổi, bà nội bé) cho biết bé sinh non nên thời tiết thay đổi là hay bị viêm họng, cảm, sốt, đợt này bé bị bệnh nặng nhất. “Bác sĩ cho biết cháu tôi bị viêm phổi, cha mẹ thằng nhỏ không nghỉ được lâu nên tôi phải vào ở BV phụ chăm sóc cháu” – bà Thoa kể.
Theo số liệu thống kê của BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), kể từ tháng 6 đến nay, số lượng bệnh nhi khám bệnh và nằm viện do đường hô hấp có xu hướng tăng. Từ đầu tháng 8 đến nay BV ghi nhận hơn 30.000 lượt khám bệnh hô hấp, hiện tại có 1.300 ca nằm viện. BV dự báo theo diễn tiến mọi năm, số ca mắc bệnh hô hấp sẽ nhích dần và cao điểm sẽ rơi vào tuần thứ 38, 39 trong năm, tức tầm tháng 9, tháng 10.
Tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), gần cửa ngõ các tỉnh miền Đông Nam bộ, số lượt khám bệnh lý hô hấp cũng chiếm chủ yếu trong tổng số lượt khám bệnh trong ngày. Các bệnh lý hô hấp trẻ thường gặp là ho, sốt, sổ mũi, viêm mũi, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản.
Không phải ho nhiều là bệnh nặng
TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp BV Nhi đồng 1, nhận xét thời tiết giao mùa chuyển từ nắng gắt sang mưa là thời điểm thuận lợi cho nhiều mầm bệnh phát sinh.
Ngoài ra, cơ thể trẻ em, nhất là dưới năm tuổi, khả năng đề kháng và chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài hạn chế nên trẻ rất dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh liên quan đường hô hấp. Với thời tiết thay đổi đột ngột và thời gian trẻ bắt đầu nhập học tiếp xúc trong môi trường tập thể, các bậc phụ huynh cần quan tâm phòng bệnh cho con.
Đối với trẻ nhỏ còn đang bú mẹ, nhất là dưới sáu tháng tuổi, nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn và kéo dài càng lâu càng tốt để tăng sức đề kháng cho bé.
Ngoài ra, phụ huynh nên lưu ý chủng ngừa phòng bệnh viêm phổi cho con. Khi thời tiết trở mưa, lưu ý cho trẻ ăn mặc đủ ấm, tránh nơi gió lùa. Bên cạnh đó, biện pháp rửa tay đơn giản nhưng hiệu quả được khuyến khích.
Tiếp theo đó, cần tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người khác đang mắc bệnh cảm, ho thông thường. Đặc biệt, các bé sơ sinh, sinh non, có bệnh mạn tính càng cần được chú ý bảo vệ vì khi mắc các bệnh lý hô hấp, bệnh dễ diễn tiến nặng hơn ở các đối tượng này.
Theo BS Tuấn, mắc các bệnh đường hô hấp đa phần sẽ tự khỏi sau 10 ngày, tuy nhiên có một số tình huống cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay như bé ngủ li bì, không thể lay gọi, ăn được bao nhiêu nôn hết bấy nhiêu, không bú được, co giật, thở lõm ngực, khó thở, thở nhanh, sốt cao liên tục trên 39 độ kéo dài trên hai ngày, ho ra máu, ho ra đàm đục… Với những dấu hiệu này có khả năng trẻ không chỉ mắc bệnh lý hô hấp mà còn mắc các bệnh nguy hiểm khác.
Ngoài ra, theo BS Tuấn, có một hiểu lầm khá phổ biến là bệnh hô hấp có liên quan đến việc ho ít hay ho nhiều, ho ít là bệnh nhẹ, còn ho nhiều là bệnh nặng. “Trên thực tế, bé ho ít hay ho nhiều không phản ánh mức độ bệnh nặng mà quan trọng là bé thở ra sao. Bởi lẽ các trường hợp bệnh đường hô hấp dưới là bệnh nặng nhưng bé ho rất ít. Đối với bệnh đường hô hấp trên, bé ho nhiều hơn nhưng đa phần bệnh nhẹ do các thụ thể làm khởi phát phản xạ hô hấp đa phần nằm ở đường hô hấp trên. Khi ho không có dấu hiệu nguy hiểm, nhịp thở của bé sẽ còn nếu bé khó thở, thở nhanh hơn bình thường thở co rút lồng ngực là bệnh đang có dấu hiệu nặng, cần lưu tâm hơn” – BS Tuấn khuyến cáo. (Pháp luật TP.HCM, ngày 21/8, trang 1).
Khảo sát công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất tại các trạm y tế
Ngày 21/8, Tổ Đại biểu số 12 HĐND TP Hà Nội ứng cử tại quận Nam Từ Liêm đã có buổi khảo sát công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất (CSVC) các trạm y tế phường trên địa bàn quận. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Thu Trang, đến năm 2018, Trung tâm Y tế quận được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dân số-KHHGĐ quận trực thuộc UBND quận và Trung tâm Y tế quận trực thuộc Sở Y tế, trong đó gồm 10 trạm y tế phường.
Qua khảo sát thực tế và lắng nghe các ý kiến, Tổ đại biểu số 12 HĐND TP ghi nhận, cơ bản các trạm y tế phường được khảo sát đều đều có CSVC đáp ứng quy định và nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu. Nhân lực theo quy định cũng đáp ứng, nhưng quy định này được ban hành trước kia khi dân số ít, mà hiện nhiều phường như Cổ Nhuế 40-50 nghìn người, nên nếu chỉ có 10 cán bộ y tế phường thì không thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu. Về hiệu quả sử dụng, với khám chữa bệnh dự phòng thì CSVC và nhân lực đủ đáp ứng, nhưng với điều trị thì chưa đáp ứng được. (Hà nội mới, trang 5).