Điểm báo ngày 22/8/2022

(CDC Hà Nam)
Quyền Bộ trưởng Y tế kiến nghị 10 vấn đề lớn, Thủ tướng chỉ đạo phải tháo gỡ ngay cho ngành Y; Bệnh đường hô hấp ‘tấn công’ trẻ, tăng miễn dịch sao?; Hé lộ động cơ của người phụ nữ bắt cóc bé sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ; Đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch; Đi chống dịch đến lúc ngã quỵ…

 

Quyền Bộ trưởng Y tế kiến nghị 10 vấn đề lớn, Thủ tướng chỉ đạo phải tháo gỡ ngay cho ngành Y

Sáng 21-8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo 10 vấn đề lớn của ngành Y tế, trong đó có 4 nội dung về nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế.

Cụ thể: Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở như chính sách với sinh viên sư phạm.

Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/CP năm 2011 của Chính phủ, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; đề xuất chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản;…

Bộ Y tế kiến nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất với viên chức ngành Y tế. Theo Bộ Y tế, chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế; chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo và với các ngành, lĩnh vực khác. Thực tế, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, có gần 9.500 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề xuất công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc Covid-19 trong khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ, tri ân đội ngũ cán bộ, y – bác sĩ, nhân viên y tế – những chiến sĩ áo trắng đã vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh khi đối mặt với dịch Covid-19 trong hơn 2 năm vừa qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong ngành Y và gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, Thủ tướng đề nghị phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Trước mắt phải triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo các Nghị quyết của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân; không phân biệt công lập hay ngoài công lập.

Đặc biệt, cần tiếp tục quan tâm kiện toàn lãnh đạo Bộ và lãnh đạo y tế các cấp. Khuyến khích, bảo vệ và phát huy vai trò của những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Về cơ chế chính sách, Thủ tướng chỉ rõ ngành Y tế cần bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp dưới và các cơ sở y tế, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đồng thời, các cấp, ngành cần quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế, với quan điểm quan điểm “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Nếu vướng mắc cơ chế, Chính phủ sẽ họp liên ngành để tháo gỡ và xử lý để dứt khoát việc này không ảnh hưởng đến việc khám và điều trị sức khỏe của nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện đổi mới mạnh mẽ tài chính, bảo hiểm y tế. Đồng thời, sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế (An ninh thủ đô, trang 2; Hà Nội mới, trang 2; Nhân dân, trang 1; Lao động, trang 2).

 

Bệnh đường hô hấp ‘tấn công’ trẻ, tăng miễn dịch sao?

Ngày tựu trường sắp đến nhưng có nhiều loại bệnh hoành hành trẻ nhỏ. Các bệnh viện đang điều trị nhiều bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp, song song đó trẻ nhiễm COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại, trong khi tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ còn thấp.
Vậy làm sao tăng cường miễn dịch cho trẻ để “né” các bệnh đang lưu hành khi trẻ sắp đến trường học trở lại?

Tăng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp

Hai ngày qua, bé T.A. (9 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) thường xuyên bị chảy nước mũi, kèm sốt, hắt hơi, đau họng, ho, uể oải. Gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán bé bị cúm, cho thuốc về nhà uống.

Dù bé T.A. mắc bệnh không quá nặng nhưng khiến cơ thể bé mệt mỏi kéo dài, ăn kém. Chị Nguyệt – mẹ bé – cho biết chị rất lo lắng khi T.A. sắp đến trường đi học lại. “Tôi đang cố gắng chăm sóc bé để mau khỏe để trở lại trường lớp, bạn bè”, chị Nguyệt chia sẻ.

Ngoài cúm, chị Nguyệt còn lo ngại dịch COVID-19 khi có dấu hiệu tăng trở lại. Chị cho biết cả nhà đã tiêm đủ vắc xin, cách đây khoảng một tháng có một thành viên trong gia đình đã tái nhiễm.

Các bệnh viện Nhi đồng trên địa bàn TP.HCM những ngày qua tiếp nhận nhiều trẻ đến khám do mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.

Các bác sĩ dự kiến số ca bệnh tiếp tục tăng vì tháng 8, 9 thường có thời tiết thất thường nên trẻ em dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn.

Một trong những bệnh hô hấp nguy hiểm mà trẻ còn đối diện đó là dịch COVID-19. Hiện số ca mắc mới trên địa bàn TP.HCM có dấu hiệu tăng trở lại. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 16-8, TP.HCM có 1.429 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà, 216 ca điều trị tại bệnh viện, trong đó 11 ca thở máy xâm lấn, 1 ca lọc máu.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – cho biết lượng bệnh nhi thăm khám và nhập viện điều trị vì mắc các bệnh lý đường hô hấp tại bệnh viện gia tăng. Đáng chú ý nhất là số trẻ mắc COVID-19 đang có dấu hiệu “nhỉnh hơn”.

“Nếu như những tháng trước không ghi nhận ca nào nhập viện, hoặc có thời điểm 1-2 ca thì hiện nay bệnh viện đang điều trị 5 trẻ mắc COVID-19, trong đó có 1 trẻ bị suy hô hấp, phải thở HFNC (đưa oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi). Những trẻ này đều dưới 12 tuổi và ghi nhận chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm nước ta vẫn ghi nhận từ 600.000 đến 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A độc lực thấp.

Theo Sở Y tế TP.HCM, vắc xin vẫn là biện pháp phòng COVID-19 hữu hiệu nhất, nhưng sau hơn hai tuần triển khai tháng cao điểm tiêm vắc xin cho trẻ thì TP.HCM vẫn là địa phương nằm trong danh sách các địa phương có tỉ lệ trẻ tiêm vắc xin thấp nhất so với trung bình cả nước. Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do nhận thức về tầm quan trọng của vắc xin cho trẻ em của một số phụ huynh chưa cao.

Không tự ý điều trị, tăng cường tiêm vắc xin COVID-19

Bác sĩ Minh Tiến cho hay hiện thời tiết đang vào thời điểm giao mùa (mùa mưa ẩm sang thu đông) nên rất thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển và gây bệnh. Đặc biệt khi trẻ trở lại trường đi học, trẻ có thể đối diện nhiều bệnh đường hô hấp (COVID-19, cúm, hen phế quản, viêm hô hấp trên, viêm phổi, hen suyễn…), sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Ông lưu ý phụ huynh cần hướng dẫn, chăm sóc con trẻ phòng bệnh trong thời điểm “nhạy cảm” dịch bệnh bằng cách che miệng và mũi khi hắt hơi, đeo khẩu trang chốn đông người, rửa tay thường xuyên, giữ đồ chơi sạch, treo mùng khi ngủ, giữ ấm cơ thể…

Khi trẻ có những biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, mệt mỏi… cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về tự điều trị cho trẻ hoặc cho trẻ uống theo đơn thuốc cũ.

Riêng bệnh cúm mùa, bác sĩ Tiến cho hay các bệnh viện ở TP.HCM không đặt nặng việc xét nghiệm tìm nguyên nhân vì chưa phát hiện những chùm ca bệnh liên quan nhau, thay vào đó tập trung điều trị ngoại trú, khuyến cáo cách ly và nhập viện khi trẻ chuyển nặng.

Ngoài ra, để phòng bệnh ngay từ đầu và tăng miễn dịch cho trẻ, phụ huynh cần đưa trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, đặc biệt là vắc xin phòng COVID-19.

Hiện ngành y tế TP.HCM trong thời gian triển khai tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, do đó phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm đủ liều và đúng lịch, hạn chế nguy cơ trẻ nhiễm COVID-19 khi tình hình dịch đang có dấu hiệu tăng trở lại (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Hé lộ động cơ của người phụ nữ bắt cóc bé sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ

Chiều 21-8, CQĐT Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã thông tin với PV ANTĐ về kết quả đấu tranh ban đầu đối với Nguyễn Thị Tuyến (SN 1989), trú tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, về hành vi “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ.
Tuyến đang làm công nhân một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Thời gian gần đây, do cả tin nên Tuyến đã mắc bẫy kẻ lừa đảo trên mạng, bị chiếm đoạt số tiền hơn 10 triệu đồng. Đang lúc túng quẫn, Tuyến biết được tâm nguyện của một đồng nghiệp, là muốn tìm trẻ sơ sinh để nhận làm con nuôi. Ý đồ phạm tội bột phát nổi lên. Tuyến tin rằng nếu “giúp” được đồng nghiệp, chắc chắn sẽ được cảm ơn, bù đắp khoản tiền bị lừa. Thực hiện tội phạm, khoảng 20h ngày 19-8, Tuyến tìm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, cách chỗ làm khoảng 2 km. Đến nơi, đối tượng kiếm được áo đồng phục nhân viên bệnh viện rồi lẻn vào khoa Sản, giả làm nhân viên để tăm tia “con mồi”. Do đây là khoảng thời gian thăm nom trẻ nên Tuyến đã dễ dàng di chuyển, quan sát, và tìm “bắt” được 1 bé sơ sinh mời chào đời hôm 18-8, lập tức bế ra ngoài.

Khi di chuyển xuống một tầng, Tuyến bị 1 bác sĩ phát hiện, giữ lại do biểu hiện nghi vấn, mặc trang phục của nhân viên y tế không có logo bệnh viện và…hoàn toàn lạ mặt, nên đã giữ lại. Sự việc ngay sau đó được trình báo đến cơ quan Công an.

Căn cứ tài liệu thu thập, CQĐT Công an huyện Chương Mỹ đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Tuyến về hành vi “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” (An ninh thủ đô, trang 15; Tiền phong, trang 2).

 

Đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch

Bộ Y tế cho biết, sau hơn bốn tháng triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đến nay cả nước đã tiêm được tổng số 14.635.155 liều, trong đó mũi một là 8.963.969 trẻ (đạt tỷ lệ 80,3%); mũi hai là 5.671.186 trẻ (đạt tỷ lệ 50,8%).Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có tỷ lệ tiêm mũi một thấp so mức trung bình cả nước như: Đà Nẵng (52,3%); Quảng Nam (50,8%); Bình Thuận (61,8%); Thành phố Hồ Chí Minh (53,5%); Bình Dương (60,6%). Địa phương có tỷ lệ tiêm mũi hai thấp là Đà Nẵng (20,0%), Quảng Nam (17,1%), Khánh Hòa (28,6%), Thành phố Hồ Chí Minh (30,8%), Bình Dương (27,3%).

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho nhóm tuổi nêu trên, nhất là khi năm học mới 2022-2023 đến gần, Bộ Y tế đề nghị ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ hơn với ngành y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực và tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học hoặc các địa điểm phù hợp khác, bảo đảm tiêm chủng an toàn, khoa học và hoàn thành tiêm hai liều trong tháng 8/2022 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, người chăm sóc trẻ đưa con em mình đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, kịp thời và đúng lịch.

Ngày 21/8, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.561 ca nhiễm mới (giảm 1.143 ca so với ngày 20/8). Trong ngày, 9.872 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh và ghi nhận một ca tử vong tại Hà Nội. Trong số ca nhiễm, có 131 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước phải thở ô-xy, tăng 18 bệnh nhân so với ngày 20/8 (Nhân dân, trang 8; Hà Nội mới, trang 7; Tiền phong, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Đi chống dịch đến lúc ngã quỵ…

Đó là trường hợp anh Trịnh Đình Hùng (31 tuổi), kỹ thuật viên xét nghiệm của Khoa Kiểm soát bệnh tật/HIV-AIDS, Trung tâm y tế Q.Thanh Khê (Đà Nẵng).

Qua lời kể của BS CKI Dương Thái Thu Hải, Phó giám đốc Trung tâm y tế Q.Thanh Khê, anh Trịnh Đình Hùng trong hơn 2 năm chống dịch Covid-19 đã luôn xung phong làm việc ở tuyến đầu, các điểm nóng. Anh có mặt ở khu vực phong tỏa, kiểm soát các F, tình nguyện trực chiến nhiều tháng liền ở các khu cách ly.

Dịch Covid- 19 chưa qua thì dịch sốt xuất huyết ập đến, anh Hùng lại là người chịu trách nhiệm chính trong công tác xử lý môi trường các ổ dịch… “Trước khi lên cơn nhồi máu não diện rộng và hôn mê, Hùng vẫn làm việc tích cực ở các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn mình phụ trách. Khi Hùng bắt đầu sốt vẫn giấu mọi người để đi xử lý triệt để ổ dịch. Đến khi về tới đơn vị thì Hùng ngã quỵ, tri giác lơ mơ…”, BS Hải xúc động nhớ lại.

Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng), nơi anh Hùng điều trị hơn 20 ngày qua (từ ngày 30.7), BS Hoàng Hữu Hiếu, Phó trưởng khoa, cho biết anh hiện đang được hồi sức và điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh đặc trị chống bội nhiễm sau sốt xuất huyết thể não. Theo BS Hiếu, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, Bệnh viện Đà Nẵng đã làm các xét nghiệm, chụp chiếu, xác định nguyên nhân sốt xuất huyết nặng biến chứng, tổn thương thần kinh trung ương, dẫn đến nhồi máu não diện rộng, phù não. Ngay lập tức, ê kíp y bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mở sọ não giảm áp lực chèn ép nội sọ, tuy nhiên bệnh nhân vẫn đối diện nguy cơ liệt nửa người. Hiện ngoài các chi phí thuốc men được bảo hiểm y tế thanh toán, anh Hùng cần thêm một số thuốc và dinh dưỡng đặc biệt lên đến hơn 3,5 triệu đồng/ngày. Anh Trịnh Đình Hòa (anh trai anh Hùng) cho biết hoàn cảnh hiện tại của Hùng hết sức khó khăn khi bố mẹ làm nông ở quê (Thanh Hóa) vừa già yếu, vừa bệnh tật. “Bố tôi bị biến chứng tiểu đường phải cắt chi nên mất sức lao động. Tôi kinh tế cũng hạn hẹp và còn nuôi 2 con nhỏ, chỉ biết giấu bố mẹ vay mượn quanh ở Đà Nẵng để nộp viện phí cho em. Hiện đã vay mượn đến hơn 140 triệu đồng nhưng chưa biết những ngày tới sẽ ra sao khi em vẫn nằm một chỗ…”, anh Hòa lo lắng.

Theo BS CKI Dương Thái Thu Hải, gần 3 năm qua, anh Hùng lấy đơn vị công tác làm nhà, hễ làm việc ở đâu thì anh nghỉ lại tại đó, vừa tiện cho công việc vừa tiết kiệm chi phí thuê phòng trọ để dành dụm tiền gửi về cho bố mẹ. Hết chống dịch Covid-19 đến chống dịch sốt xuất huyết, khi thì Hùng lấy Trạm y tế phường Tân Chính (Q.Thanh Khê) làm nhà, khi thì ở lại tại Khoa Kiểm soát bệnh tật/HIV-AIDS, khi thì dọn vào ở hẳn nhiều tháng liền trong khu cách ly kiểm soát dịch Covid-19. “Hùng là đoàn viên nhiệt huyết, gương mẫu và tích cực của đơn vị, luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp lúc khó khăn nên ai cũng thương quý. Dù mọi người đã chung tay giúp đỡ nhưng số tiền điều trị hiện tại cho Hùng quá lớn, lại kéo dài chưa biết đến khi nào… Mong sao Hùng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các bạn đồng nghiệp gần xa và cộng đồng để qua cơn ngặt nghèo”, BS Hải tâm sự (Thanh niên, trang 12).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 14/2/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/5/2020

CDC Hà Nam

Thủ tướng chỉ thị tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

CDC Hà Nam