Điểm báo ngày 22/9/2021

(CDC Hà Nam)
Cần điều chỉnh chiến lược ứng phó Covid -19; Ngày đầu thực hiện Chỉ thị 19, Phú Quốc phát hiện ổ dịch Covid-19 tại P.An Thới; Bác sĩ trẻ kể chuyện cấp cứu F0 hiện trường; Rao bán tràn lan thuốc đặc trị COVID-19 đang thử nghiệm; Điều trị COVID-19, Thủ tướng chỉ đạo: Nghiên cứu 2 phương pháp vừa được đề xuất; Đã chi hơn 4.506 tỷ đồng để mua vắc-xin phòng Covid-19…
Cần điều chỉnh chiến lược ứng phó Covid -19
Trong bản báo cáo tập hợp ý kiến chuyên gia về công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế mà UBND TP.HCM vừa gửi Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ tại TP.HCM và Bộ Y tế, hàng loạt đề xuất tâm huyết được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn và cả hiệu quả về kinh tế.

Bối cảnh mới, cần chiến lược mới

Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, các chuyên gia nhận định dịch Covid-19 đã thâm nhập sâu vào cộng đồng và có xu hướng trở thành dịch lưu hành. Mặt khác, bối cảnh TP.HCM hiện nay cũng rất khác so với 1 năm trước như: đã tiêm vắc xin, biến thể Delta cũng như các biến thể trong tương lai có khả năng lây nhiễm rất cao, đã có hệ thống điều trị F0 từ nhà đến các cơ sở với các thuốc điều trị. Hiện số ca mắc mỗi ngày tại TP.HCM vẫn cao, nhưng số ca nặng nhập viện và số ca tử vong liên tục giảm (chỉ còn 50% so với lúc đỉnh điểm) chứng tỏ hệ thống điều trị đã được nâng cấp, hoạt động tốt…

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định những cách chống dịch được thiết kế năm 2020 về trước trong bối cảnh chưa có vắc xin và tách F0 khỏi cộng đồng (chủ trương “zero Covid-19”) không còn phù hợp với TP.HCM trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cần có sự đánh giá một cách cơ bản để ứng phó phù hợp, thích nghi với điều kiện mới.

“Nếu TP.HCM tiếp tục con đường cũ trong cuộc chiến chống Covid-19 thì nguồn lực không đủ đáp ứng cũng như rất khó đạt được tiêu chí kiểm soát dịch để mở cửa trở lại”, theo TS Vũ Thành Tự Anh.

Nếu TP.HCM tiếp tục con đường cũ trong cuộc chiến chống Covid-19 thì nguồn lực không đủ đáp ứng cũng như rất khó đạt được tiêu chí kiểm soát dịch để mở cửa trở lại

Từ đó, các chuyên gia đề xuất chuyển chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng” sang “đánh chắc, thắng chắc”, xác định đây là “cuộc chiến” lâu dài và không tốn quá nhiều sức lực vào một “trận đánh” dẫn đến kiệt quệ về kinh tế, an sinh xã hội. Hơn nữa, việc sống trong môi trường có Covid-19 là điều tất yếu. Quan điểm “sống chung với dịch Covid-19” đã được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực chấp nhận, nhất là khi tỷ lệ tiêm vắc xin bao phủ đến đa số người dân.

Theo chuyên gia, trong bối cảnh cần thiết phải mở cửa để phục hồi nền kinh tế, ngành y tế nên dựa trên 3 phòng tuyến mà TP.HCM đang đạt được để đánh giá kiểm soát dịch, bao gồm: tập trung giúp người dân tự điều trị tại nhà, giảm áp lực bệnh viện (BV), giảm tử vong. Đáng chú ý nhất là hoạt động của doanh nghiệp (DN), chuyên gia đồng tình với việc cách ly ca nhiễm mới phát hiện tại DN nhưng không nên cách ly tập trung toàn bộ F1 và đóng cửa DN như trước đây. Thay vào đó, các trường hợp còn lại chỉ cần xét nghiệm (XN) để xác định ca lây nhiễm và có biện pháp xử lý phù hợp.

Xét nghiệm có trọng tâm

Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm SARS -CoV -2 đã thâm nhập sâu vào cộng đồng, nên cần XN có trọng tâm. Bên cạnh đó, ngành y tế nên chấp nhận kết quả XN nhanh kháng nguyên mà không cần phải khẳng định lại bằng phương pháp RT-PCR.

PGS-TS Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, đề nghị nên tập trung XN cho những người có triệu chứng, những người F1 thuộc đối tượng có nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền), người hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu như nhân viên y tế, shipper, nhân viên sân bay, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất…).

Theo một chuyên gia về dịch tễ tại TP.HCM: “XN phải đúng thời điểm, đúng phương pháp, đúng nơi và phải chứng minh có hiệu quả. XN phát hiện F0 để có giải pháp giảm để không làm quá tải BV chứ không phải hướng đến zero Covid”.

Củng cố hệ thống đánh giá dịch

Chuyên gia trên cũng cho rằng muốn mở cửa kinh tế thì phải kiểm soát được dịch, nếu không kiểm soát dịch sẽ dễ dẫn đến thảm họa. Do đó, phải bàn cả 2 hướng: chống dịch và phát triển kinh tế, bởi chủng Delta lây lan không phanh nên mới dẫn đến ngày hôm nay. Nếu bàn mở cửa kinh tế nhưng không bàn chuyện khóa, hãm dịch thì sẽ khó khăn. Tỷ lệ tử vong do dịch còn rất lớn. Giai đoạn vừa qua TP.HCM làm triệt để nên hãm được dịch.

Theo vị này: “TP.HCM hiện phải hài hòa về phát triển kinh tế và y tế, không thể thiên về 1 hướng. Do đó, cần những chuyên gia giỏi về chuyên môn. Thảm họa chỉ xảy ra khi hệ thống y tế không đáp ứng được tình hình lây nhiễm nhiều, tử vong cao. Việc giảm tử vong hàng đầu là đúng, nhưng không phải chỉ dựa vào điều trị mà là giảm nguồn lây, đó là giảm tử vong một cách bền vững. Nếu TP.HCM gỡ giãn cách theo Chỉ thị 16 mà không khéo thì 1 tháng sau nguy cơ sẽ phải đóng cửa gấp”.

“Mở cửa thì phải kìm hãm được dịch, kiểm soát lây nhiễm và tử vong. Phải luôn luôn cảnh giác với dịch, không để tác động lớn đến cuộc sống. Như phải bảo vệ đối tượng nguy cơ, không chỉ là tiêm phủ vắc xin mà còn các biện pháp phòng chống dịch. Ngăn lây nhiễm là yếu tố số 1, bởi khi thả nổi dịch thì nhiều nước đã trở thành thảm họa vì quá nhiều người chết. Nếu không hãm được tử vong thì kinh tế sẽ phải gián đoạn. Mở cửa kinh tế và xem vắc xin là chìa khóa vàng thì nếu mở một cách không kiểm soát thì sẽ dẫn đến hệ lụy”, chuyên gia cho biết thêm.

Vị này cũng đề nghị: TP.HCM phải củng cố mạnh hệ thống đánh giá dịch, từ đó mới mở hoạt động kinh tế một cách tốt đẹp. Khi nắm chắc tình hình dịch, TP cần đóng thì đóng ở cửa nào, giống như xả lũ là xả ở cửa nào. Phải hướng đến nhà an toàn, cơ quan an toàn, tổ chức an toàn. Với các DN, phải tự đưa ra các giải pháp tốt, an toàn trong DN đừng để xảy ra dịch bệnh, vừa đảm bảo sức khỏe vừa phát triển kinh tế. Dự báo tương lai sẽ có các đại dịch xuất hiện, DN tái cấu trúc phân xưởng, tách phân xưởng 1, 2, 3, khi có dịch bệnh khu nào thì giải quyết khu đó, các khu còn lại vẫn hoạt động được, đó cũng là cách “sống chung với dịch”.

Xác định lại tiêu chí phân loại vùng xanh, vùng đỏ

Đáng chú ý, trong phần đóng góp ý kiến cho TP.HCM, chuyên gia cũng cho rằng cần xác định lại tiêu chí phân loại vùng xanh, vùng đỏ phù hợp với đặc điểm đô thị và biến chủng mới. Do biến chủng Delta lây lan rất nhanh nên khi phát hiện một ca nhiễm thì hầu như mọi người trong gia đình đều nhiễm, như vậy có thể coi đây là một ổ dịch. Vùng đỏ nên được định nghĩa lại là nhiều hộ gia đình trên một địa bàn như trong hẻm nhỏ, giao tiếp nhiều, nhiều hộ sống trong một môi trường chật chội, không đảm bảo thông thoáng và giãn cách, khi đó cần phải khoanh vùng lại để dập dịch. Cũng không cần cách ly mà chỉ cần chăm sóc tốt cho hộ gia đình này, đặc biệt là người trong diện nguy cơ.

Các chuyên gia đề nghị Trung ương cần ưu tiên vắc xin cho khu vực đô thị và nhóm nguy cơ cao (nghĩa là có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải) cũng như đánh giá việc cần thiết phải tiêm mũi 3 và tiêm ngừa cho trẻ em… (Thanh niên, trang 1).

Ngày đầu thực hiện Chỉ thị 19, Phú Quốc phát hiện ổ dịch Covid-19 tại P.An Thới

TP.Phú Quốc (Kiên Giang) phát hiện ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng ngay trong ngày đầu nới lỏng giãn cách, chuyển từ thực hiện Chỉ thị 15 sang Chỉ thị 19. Hôm nay 21.9, là ngày đầu tiên TP.Phú Quốc cùng với 9 huyện khác được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho nới lỏng giãn cách, chuyển từ thực hiện Chỉ thị 15 sang thực hiện Chỉ thị 19. Tuy nhiên, trong sáng cùng ngày, Phú Quốc lại phát hiện một ổ dịch lớn tại P.An Thới. Đây là ổ dịch cộng đồng đầu tiên được phát hiện tại Phú Quốc kể từ khi có dịch Covid-19 tới nay.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.Phú Quốc, đã có 10 trường hợp cho kết quả PCR dương tính với Covid-19 liên quan đến ca nhiễm là bà H. (45 tuổi, ngụ khu phố 1, P.An Thới). Bà H. có biểu hiện ho, sốt kéo dài nên đến Trạm y tế P.An Thới test nhanh thì phát hiện dương tính. Kết quả xét nghiệm PCR sáng 21.9 khẳng định bà H. nhiễm Covid-19. Chồng bà H. là ông N., làm nghề bốc vác hàng tại cảng Vịnh Đầm, qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19.

Qua công tác truy vết, đã xác định được 44 trường hợp F1 tiếp xúc gần với các ca nghi nhiễm này và đã đưa đi cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế TP.Phú Quốc. Qua test nhanh, có 37 trường hợp âm tính, 8 trường hợp dương tính.

Cơ quan chức năng TP.Phú Quốc đã tiến hành phong tỏa khẩn cấp khu vực F0 sinh sống và lấy 505 mẫu test nhanh trong cộng đồng (mẫu gộp) đối với 1.200 người ở P.An Thới, kết quả âm tính Covid-19. Hiện đang tiếp tục truy vết thêm F1, F2 và lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng trên toàn địa bàn P.An Thới.

Liên quan đến ổ dịch Covid-19 này, chiều nay 21.9, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ họp khẩn với lãnh đạo TP.Phú Quốc. (Thanh niên, trang 4; Tuổi trẻ, trang 4).

Bác sĩ trẻ kể chuyện cấp cứu F0 hiện trường

Làm ở đội hình cấp cứu cho bệnh nhân F0, nên những tân bác sĩ lúc nào cũng như được lập trình sẵn là trong tâm thế làm việc và sẵn sàng chạy đi hiện trường, đến cả lúc ngủ cũng mơ màng như đang làm việc…Trong mô hình theo dõi F0 điều trị tại nhà do Khoa Y Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức có 2 đội hình, một đội hình theo dõi sức khỏe và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân F0 từ xa (gọi là đội 1), trong trường hợp bệnh nhân trở nặng thì đội 1 sẽ báo cho đội 2, là đội hình cấp cứu hiện trường đến tận nhà bệnh nhân để đánh giá tình hình, xử trí và cấp cứu hiện trường trước khi đưa đi bệnh viện.

Vì là cấp cứu, nên công việc của những bác sĩ trong đội 2 bất chấp giờ giấc, sáng sớm hay đêm khuya, dù trời nắng hay mưa xối xả cũng chạy thật nhanh đến hiện trường để giành giật sự sống cho bệnh nhân F0.

Có những ngày kiệt sức…

Bác sĩ Trần Quang Huy, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP.HCM, là 1 trong 8 tân bác sĩ tham gia đội hình cấp cứu hiện trường, cho biết mô hình theo dõi F0 điều trị tại nhà của trường đầu tiên được tổ chức ở Q.10. Lúc này đội 2 chỉ hoạt động như một trung tâm cấp cứu ngoại viện, nhưng khi nhân rộng qua Q.8 thì mô hình được xây dựng thành bệnh viện dã chiến và đội hình gồm các bác sĩ nội trú, giảng viên và tân bác sĩ của trường đảm nhận nhiệm vụ ở khoa cấp cứu gồm 20 giường bệnh. Tại đây, đội hình sẽ vừa điều trị cho bệnh nhân Covid-19, vừa làm nhiệm vụ cấp cứu hiện trường cho F0.

Cứ ngủ chập chờn 1 – 2 tiếng, lại mơ màng như bệnh nhân đang gọi, đồng nghiệp đang gọi… thế là tỉnh giấc. Cảm giác ngủ mà cứ như đang làm trực tiếp vậy

Bác sĩ Huy cũng giống như 7 tân bác sĩ khác trong đội hình, chỉ vừa thi xong tốt nghiệp hôm nay là ngày mai đã nhận được sự huy động cần lực lượng bác sĩ tham gia chống dịch, thế là các bạn không một phút ngần ngại và lên đường nhận công việc.

“Những ngày đầu, 8 đứa về ai cũng nhìn nhau mà cảm giác mệt nhòa như không còn chút sức lực nào. Đi cấp cứu hiện trường thì tụi mình phải thay phiên nhau đi, vì cứ đi liên tục là không chịu thấu”, Huy nhớ lại những ngày đầu khi nhận nhiệm vụ.

Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Hoa, thành viên nữ duy nhất trong nhóm 8 tân bác sĩ tham gia ở đội hình này, cho biết những ngày đầu có lúc đã tưởng tượng mình không thể cố hơn được nữa.

“Ngày đầu tiên mặc đồ bảo hộ 7 – 8 tiếng đồng hồ mà tụi mình vừa làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân tại khoa cấp cứu, vừa đi cấp cứu hiện trường, vừa chuyển bệnh… cứ luôn tay luôn chân không nghỉ. Ngày đó, làm được khoảng 5 tiếng thì khi đang ngồi trên xe cấp cứu đi hiện trường, mình cảm thấy kiệt sức và dường như không thể cố được nữa, cảm thấy như rất ngợp trong chiếc xe cấp cứu đó”, bác sĩ Hoa nhớ lại.

Nhưng rồi sau đó, bác sĩ Hoa nghĩ nếu mình thấy mệt như thế này rồi không giúp được gì, không phụ được cho các anh chị thì lượng công việc của mọi người sẽ tăng lên. Nghĩ thế, nên mỗi ngày cứ cố gắng hơn một chút, rồi công việc cũng quen dần, Hoa cũng như các tân bác sĩ trong đội hình đều dần quen với áp lực và mệt mỏi.

Đi ngủ cũng mơ màng như đang làm việc

Bác sĩ Huy kể vào thời gian cao điểm từ giữa đến cuối tháng 8, mỗi ngày các bạn nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi từ đội 1 báo về, cần đến cấp cứu hiện trường cho bệnh nhân F0.

“Cứ nhận được cuộc gọi, đánh giá tình hình bệnh nhân cần phải được cấp cứu gấp, tụi mình chạy đi như bay. Đa phần bệnh nhân ở trong hẻm, mà hẻm nhỏ ngoằn ngoèo xe cấp cứu không thể vào được nên có những hôm vác bình ô xy gần 100 kg vào nhà bệnh nhân, rồi sau đó khiêng bệnh nhân ra xe. Lúc đó trong đầu chỉ nghĩ đến việc làm sao giành giật được sự sống cho bệnh nhân là trên hết nên dù có vác bình ô xy cả tạ trên người mà vẫn lao như bay đến để cứu bệnh nhân, chứ chẳng còn suy nghĩ mệt hay vất vả, nặng nhọc gì nữa cả”, bác sĩ Huy chia sẻ.

Công việc mỗi ngày mà các bác sĩ trong đội hình phải đảm trách là không kể hết. Ngoài 3 nhiệm vụ chính là điều trị bệnh nhân, cấp cứu hiện trường và chuyển viện thì các công việc của hộ lý, tiêm thuốc, lấy máu, đưa bệnh nhân đi vệ sinh… các bác sĩ cũng phải làm. Bác sĩ Huy kể nhiều lúc không có điều dưỡng hoặc công việc nhiều mà lực lượng không đủ nên mỗi người sẽ luôn cố làm thật nhiều nhất có thể.

Không những thế, bác sĩ Hoa còn kể: “Bệnh này chuyển nặng rất đột ngột, không phải là bệnh mãn tính kéo dài, người nhà đa phần là chưa chuẩn bị được tinh thần nên rất hoảng loạn khi bệnh nhân chuyển nặng. Họ không giữ được bình tĩnh và cứ cầu cứu. Do đó, khi tụi mình đến nhà thì không chỉ cấp cứu bệnh nhân mà còn phải trấn an tinh thần người nhà”.

Công việc nhiều, lại làm ở khâu cấp cứu nên lúc nào các bác sĩ trẻ này cũng đặt bản thân trong trạng thái sẵn sàng, cứ nhận được cuộc là lại chạy ngay đến hiện trường. “Thậm chí trong cả lúc ngủ mà mình vẫn cứ có cảm giác đang làm việc. Nên lúc nào cũng mơ mơ màng màng, chưa bao giờ được ngủ trọn giấc. Cứ ngủ chập chờn 1 – 2 tiếng, lại mơ màng như bệnh nhân đang gọi, đồng nghiệp đang gọi… thế là tỉnh giấc. Cảm giác ngủ mà cứ như đang làm trực tiếp vậy”, bác sĩ Hoa tâm sự.

Mặc dù công việc có vất vả nhưng niềm vui nhận lại của tất cả mọi người là khi tiễn bệnh nhân lành bệnh xuất viện. “Dẫu các cô, các chú bệnh nhân không hề biết mặt mũi tụi mình như thế nào, vì lúc nào tụi mình cũng mặc đồ bảo hộ kín mít, nhưng các cô, các chú mỗi lần xuất viện là hứa hẹn gả dâu, gả rể. Nhìn các cô chú vui mừng và hạnh phúc khi khỏi bệnh, tụi mình như quên hết mệt mỏi và thấy công việc mình làm mỗi ngày ý nghĩa như thế nào”, bác sĩ Hoa bày tỏ. (Thanh niên, trang 10).

Rao bán tràn lan thuốc đặc trị COVID-19 đang thử nghiệm

Nhiều loại thuốc kháng virus đang được thử nghiệm lâm sàng và chưa được cấp phép tại Việt Nam nhưng đã rao bán tràn lan trên mạng xã hội và nhiều nơi. Phóng viên Tiền Phong thâm nhập các “chợ” thuốc, phát hiện nhiều loại được bán với giá… trên trời!

Cứ “alo” sẽ giao tận nơi!

Tiếp cận các gia đình có bệnh nhân mắc COVID-19, chúng tôi có số điện thoại một nhân viên y tế công tác tại một bệnh viện công ở TPHCM. Ngày 21/9, chúng tôi liên hệ mua thuốc kháng virus SARS-CoV-2, người tên P.T, ở quận 10, giới thiệu đang có 2 loại thuốc điều trị cho F0 là Favipiravir và Molnupiravir.

“Loại Favipivavir 400mg có nguồn gốc từ Ấn Độ đang điều trị F0 rất hiệu quả. Liệu trình uống 7 ngày liên tiếp sẽ có kết quả âm tính ngay. Hiện thuốc này được người dân Nhật sử dụng rất nhiều”- T. thông tin. Còn Molnupiravir do Việt Nam sản xuất nếu đặt sẽ có hàng sau một ngày. Theo người này, thuốc Favipiravir giá 4,2 triệu đồng/hộp, còn Molnupiravir là 6,6 triệu đồng/hộp. Sau khi đồng ý mua, người bán nhắn số tài khoản cho chúng tôi và yêu cầu chuyển tiền trước, 15 phút sau khi nhận được tiền sẽ có người giao hàng tận nơi.

Chạy xe đến giao hàng, T. mặc trang phục của nhân viên y tế có gắn logo một bệnh viện. Sau khi yêu cầu giữ khoảng cách, T. tư vấn: “Em bảo người nhà uống đúng giờ. Trong ngày đầu mắc COVID-19 sáng uống 2 viên, chiều 2 viên. Các ngày sau thì giảm xuống còn sáng 1 viên, chiều 1 viên. Nếu có vấn đề gì khi dùng thuốc thì gọi cho anh”.

Thông qua một nhóm trên facebook có tên “Hội nhà thuốc TPHCM”, chúng tôi được giới thiệu nếu người nhà là F0 thì nên mua thuốc kháng virus Molnupiravir 400mg, uống vào 5 ngày sẽ âm tính. Thông qua một người quen trên nhóm, chiều 21/9, chúng tôi gọi cho một người có tên N, số điện thoại 0914621…Người này cho biết, đây là thuốc điều trị F0 hữu hiệu nhất hiện nay tại Việt Nam? “Giá hơi chát em nhé, bên chị bán 7,3 triệu đồng/hộp. Hiện trên thị trường bán giá 6,5 triệu nhưng hàng trôi nổi, còn bên chị hàng từ công ty”- N. nói.

Khi chúng tôi hỏi thuốc Molnupiravir đang thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân F0 tại TPHCM và chưa được Bộ Y tế cấp phép sao chị có hàng? N. nói: “Sau khi công ty sản xuất thuốc này cung cấp cho Sở Y tế TPHCM, Sở cấp về cho các trạm y tế. Và lúc đó mới có người ta đưa ra bán”.

“Em yên tâm, đây là hàng công ty, không phải hàng xách tay nên giá này không cao đâu”- N cho biết, nếu mua thì chuyển tiền trước 50% và nhắn địa chỉ để giao hàng. Khi thuốc giao tận tay thì thanh toán 50% còn lại.

Trên một hội nhóm “điều trị F0 tại nhà”, chúng tôi cũng được mời chào mua thuốc Molnupiravir 400mg với giá 6,5 triệu đồng/hộp. Người bán có tên Đặng Nh. đăng công khai: “Anh chị cần hàng Molnupiravir thì cứ inbox với em nhé”. Chúng tôi nhắn hỏi có hàng không thì được nhắn lại: “Có hàng anh nhé, giá 6,5 triệu đồng/hộp, giao tận nhà. Tụi em giao toàn quốc”, Nh. thông tin.

Không chỉ đầu nậu bán thuốc trên mạng, một người tự giới thiệu là nhân viên y tế ở quận T.P tên Trần T.Nh. còn chào mời khi chúng tôi đặt mua thuốc này. “Nếu gia đình em có người mắc COVID-19 thì gọi phường để được cung cấp gói thuốc A,B,C. Riêng gói thuốc C có thuốc kháng virus Molnupiravir thì giá 5 triệu đồng/hộp điều trị 5 ngày. Vào trang zalo của bác sĩ để xem hàng nhé”, người có tên Trần T.Nh. nhắn tin.

Trục lợi trên người bệnh

Trước khi thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir đưa vào thử nghiệm điều trị F0 tại nhà vào ngày 27/8, tại một cuộc họp với lãnh đạo phòng y tế quận huyện và TP Thủ Đức, PGS-BS Tăng Chí Thượng- Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định cơ sở nào để thuốc kháng virus Molnupiravir bị tuồn ra thị trường thì nơi đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tại cuộc họp này, lãnh đạo 22 phòng y tế quận huyện và TP Thủ Đức cam kết không để thuốc Molnupiravir tuồn ra thị trường.

Trao đổi với Tiền Phong, BS Tăng Chí Thượng cho biết ngày 25/8, các trung tâm y tế quận huyện đã đến Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn nhận thuốc theo sự phân bổ của Sở Y tế. “Tất cả thuốc đã được các trung tâm y tế nhận về với số lượng phân bổ 16 nghìn liều. Đến ngày 31/8, Sở Y tế tiếp tục bổ sung thêm 34 nghìn liều”- BS Thượng cho biết.

Theo BS Thượng, đây là thuốc đặc biệt, đang được Bộ Y tế triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở cộng đồng cho các F0 điều trị tại nhà, vì vậy Sở đã quán triệt tuyệt đối không được thất thoát thuốc, đặc biệt không được tuồn ra thị trường. “Thuốc này được kiểm soát đặc biệt, chưa có trên thị trường, chúng ta phải quản lý chặt để thuốc đến tay người bệnh. Nếu không quản lý chặt, để thuốc này tuồn ra thị trường buôn bán thì chúng tôi sẽ điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”- BS Thượng cảnh báo, đồng thời yêu cầu các phòng y tế, trạm y tế phải yêu cầu người nhà F0 ký cam kết khi sử dụng thuốc này. Vậy nhưng, những ngày qua, thuốc Molnupiravir vẫn công khai rao bán tràn lan trên mạng và ở các cơ sở y tế.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thuốc kháng virus Molnupiravir đang được hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức nghiên cứu phát triển, nhằm điều trị COVID-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình, đang trong giai đoạn thử nghiệm giai đoạn 3 trên thế giới. Hiện viên nang Molnupiravir 400mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất và cung cấp thử nghiệm cho F0 ở TPHCM. Đại diện công ty này khẳng định, thuốc vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và chờ Hội đồng thẩm định cấp phép của Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp. Tuy nhiên, không hiểu sao thuốc Molnupiravir được bán ngoài thị trường?

Theo đại diện công ty, họ chỉ cung cấp theo thử nghiệm của Sở Y tế TPHCM nhưng không hiểu sao thuốc vẫn bị “lọt” ra ngoài. “Nếu được cấp phép thuốc Molnupiravir có giá chưa tới 1 triệu đồng/hộp nhưng trên thị trường nhiều nơi bán 6-10 triệu đồng/hộp. Đây là một kiểu trục lợi trên người bệnh”, đại diện công ty cho biết.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, sẽ có công văn gửi Công an TPHCM để vào cuộc điều tra vì sao quy trình quản lý nghiêm như vậy nhưng thuốc Molnupiravir vẫn tuồn ra thị trường. Ngoài ra, nhiều loại thuốc kháng virus khác điều trị F0 chưa được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam nhưng hiện vẫn bán tràn lan, trong đó có thuốc Molnupiravir, Favipiravir và Avigan. (Tiền phong, trang 1).

Điều trị COVID-19, Thủ tướng chỉ đạo: Nghiên cứu 2 phương pháp vừa được đề xuất

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư vừa đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 2 phương pháp điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngày 20/9, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu 2 phương pháp điều trị của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm.

Hai phương pháp điều trị, gồm: truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người vừa khỏi COVID-19 cho các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng và truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão cytokine – nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp.

Truyền huyết tương

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, người đã bị nhiễm COVID bao giờ cũng sinh ra kháng thể tiêu diệt virus. Sau khi khỏi bệnh, kháng thể chống virus có thể tồn tại nhiều tháng trong máu của người đã bị nhiễm. Lấy huyết tương trong máu của người bị bệnh đã hồi phục truyền cho bệnh nhân khác là phương pháp đã được sử dụng từ rất lâu.

Y văn thế giới ghi nhận trong vụ dịch cúm ở Tây Ban Nha (1918-1920), phương pháp này đã được sử dụng. Phân tích hồi cứu 1.703 bệnh nhân được sử dụng cho thấy tỉ lệ tử vong đã giảm. Huyết tương của người hồi phục cũng đã được sử dụng trong nhiều vụ dịch khác như: Ebola, Mer-Covi, H1N1…

Một nghiên cứu tổng quan xuất bản năm 2015 cho thấy truyền huyết tương của người hồi phục có thể giảm 70 % tỉ lệ tử vong. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào truyền sớm hay muộn, hiệu giá kháng thể cao hay thấp. Nghiên cứu truyền sớm huyết tương của người hồi phục có hiệu giá kháng thể cao để ngăn chặn diễn biến nặng của bệnh COVID 19 ở người cao tuổi của Linbsster và cộng sự đăng trên tạp chí Y học danh tiếng nhất – The New England Journal of Medicine, tháng 6 năm 2021 cho kết quả rất đáng chú ý.

Cụ thể, 160 bệnh nhân được chia làm 2 nhóm: 80 bệnh nhân được truyền 250ml huyết tương, 80 bệnh nhân được truyền 250ml huyết thanh mặn. Kết quả cho thấy truyền plasma đã giảm được 48% số bệnh nhân chuyển nặng. Các tác giả đã truyền huyết tương có hiệu giá kháng thể cao và truyền sớm trong vòng 72 giờ từ khi có biểu hiện bệnh. Mặc dù đối tượng được truyền là người cao tuổi nhưng không có bất cứ biến chứng nghiêm trọng nào xảy ra. Chi phí 1 lần truyền huyết tương ở Brazil là 185 USD.

Tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Vinmec phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiến hành lấy huyết tương và dự trữ nhưng chưa thực hiện truyền cho người bệnh.

Truyền tế bào gốc tấn công bão cytokine

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân nặng (Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) cho biết: “Khi bệnh nhân đã suy hô hấp do cơn bão cytokine đến nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả”. Tỉ lệ tử vong cao, theo một số báo cáo lên đến 70%. Cho đến nay đã có 7 báo cáo về truyền tế bào gốc trung mô, 4 nghiên cứu ở pha I và 3 nghiên cứu ở pha II có so sánh với nhóm không truyền. Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Stem Cell Translational Medicine cho thấy, truyền tế bào gốc đã tăng tỉ lệ sống chung lên 2,5 lần so với nhóm không truyền. Khi phân tích sâu thêm cho nhóm có bệnh nền, tỉ lệ sống đã tăng lên 4 lần.

Chuyên gia cho biết, tế bào gốc trung mô điều hòa phản ứng miễn dịch làm dịu bớt cơn bão cytokine, giảm việc giải phóng các cytokine độc hại, chống xơ phổi, tái tạo nhu mô phổi, giảm quá trình chết tế bào…

Đồng tình với hai phương pháp điều trị được GS.TS Nguyễn Thanh Liêm đề xuất, một chuyên gia y tế cho biết nên vận động người vừa khỏi COVID-19 hiến huyết tương. Không phải ai khỏi bệnh cũng đủ điều kiện hiến huyết tương. Trước khi lấy các thầy thuốc sẽ phải xét nghiệm để đánh giá nồng độ kháng thể ở ngưỡng đạt yêu cầu. Hiến huyết tương đơn giản hơn hiến hồng cầu, ít ảnh hưởng đến sức khỏe hơn.

Chia sẻ thêm về 2 phương pháp điều trị trên, chuyên gia này cho rằng truyền huyết tương và truyền tế bào gốc là hai vũ khí dùng ở 2 giai đoạn điều trị bệnh nhân COVID-19 khác nhau. Việc truyền huyết tương là ở giai đoạn đầu, khi người mắc COVID-19 có dấu hiệu trở nặng. Theo ông, không phải truyền huyết tương cho tất cả người mắc COVID-19 mà truyền cho những người có nguy cơ bị nặng như người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, bị bệnh nền như béo phì, đái tháo đường… nhằm mục đích chủ yếu là diệt virus, ngăn chặn bệnh trở nặng ở các bệnh nhân nguy cơ. Còn giai đoạn sau, khi bệnh nhân đã suy hô hấp và có cơn bão cytokine thì sẽ truyền tế bào gốc.

Một số bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 cho rằng cần phải tính toán rất chặt chẽ, cụ thể bởi việc vận động người khỏi COVID-19 hiến huyết tương, lấy huyết tương, xét nghiệm xem huyết tương có kháng thể hay không cần không ít nhân lực y tế. Chưa kể phương pháp truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão cytokine có chi phí khá đắt, khoảng 600-800 triệu đồng/ca ghép, trong khi hiệu quả điều trị của một số nghiên cứu trên thế giới cũng chưa rõ ràng. (Tiền phong, trang 3; Sức khỏe & Đời sống,trang 2).   

Đã chi hơn 4.506 tỷ đồng để mua vắc-xin phòng Covid-19

Theo thông tin mới nhất từ Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, tính đến 17h00 ngày 20/9/2021, tổng số huy động cho quỹ là 8.691,8 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 13,5 tỷ đồng). Đây là số tiền ủng hộ của 549.128 lượt tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Cũng theo thông tin từ Ban Quản lý Quỹ, đến thời điểm này quỹ đã chi 4.506,8 tỷ đồng. Trong đó, chi mua vắc-xin 4.498 tỷ đồng và chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin 8,8 tỷ đồng.

Như vậy, hiện số dư cuối ngày của quỹ còn là 4.185 tỷ đồng.

Hiện vẫn còn 13 nhà tài trợ cam kết ủng hộ nhưng chưa chuyển tiền tới Quỹ với tổng số tiền gần 36 tỷ đồng như: Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, Công ty TNHH Qisda Việt Nam, Tập đoàn Texhong… Ban Quản lý Quỹ đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị sớm chuyển tiền vào Quỹ.

Tính đến thời điểm hiện tại, quỹ đã mở tài khoản cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Quân đội. Các cá nhân tổ chức có thể nộp vào tài khoản nêu trên hoặc nhắn tin ủng hộ qua Tổng đài 1408 của Bộ Thông tin truyền thông.

Đối với việc bảo toàn và phát triển vốn cho quỹ, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ kế hoạch chi quý III/2021 của Bộ Y tế gửi Ban Quản lý Quỹ tại Công văn số 4957/BYT-KHTC ngày 21/6/2021, Ban Quản lý Quỹ đã xây dựng phương án gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại theo phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Lãi tiền gửi của quỹ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại được tính vào nguồn thu của quỹ, được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. (Công an nhân dân, trang 1).

Nỗ lực nâng cao hiệu quả điều trị F0

Trong những ngày gần đây, số ca tử vong do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đều dưới 200 ca/ngày. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chiến lược điều trị F0 trên địa bàn thành phố đang đi đúng hướng và đạt kết quả khả quan.

Trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát với biến chủng Delta, số ca mới mắc tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn đã gây quá tải hệ thống điều trị của thành phố, do đó số ca nặng và tử vong tăng cao. Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh đã có những điều chỉnh kịp thời trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có những mô hình mới lần đầu được triển khai đã mang lại những dấu hiệu tích cực trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Từ ngày 16/8, thành phố đã triển khai thí điểm chăm sóc F0 tại nhà. Số F0 đang cách ly tại nhà tăng dần, nhất là từ ngày 26/8 và đã có nhiều trường hợp hồi phục, hoàn thành cách ly tại nhà. Sở Y tế thành phố cũng đã xây dựng, ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0; trong đó có việc xây dựng các gói thuốc điều trị mẫu. Giải pháp này đã giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến; đồng thời giúp giảm sang chấn tâm lý, người bệnh hồi phục nhanh.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đã xây dựng đội ngũ bác sĩ tư vấn F0 tại nhà, giúp các F0 ổn định về tâm lý, không còn cảm giác hoang mang, lo sợ và biết cách chăm sóc sức khỏe trong thời gian cách ly.

Bên cạnh đó, từ trung tuần tháng 8, 428 trạm y tế lưu động do Bộ Quốc phòng hỗ trợ nhân lực đã đi vào hoạt động, giúp công tác chăm sóc và quản lý F0 tại nhà tốt hơn, nhất là hoạt động thăm khám và cấp cứu. Lực lượng này đã góp phần “chia lửa” với hệ thống y tế cơ sở để chăm lo F0 tại nhà đang ngày càng nhiều hơn. Khi phát hiện các trường hợp dương tính qua test nhanh, các bác sĩ tại trạm y tế lưu động sẽ cấp túi thuốc ngay cho F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà. Người bệnh được tiếp cận thuốc sớm, được chăm sóc thường xuyên đã giảm chuyển biến nặng.

Điều chỉnh quan trọng dẫn đến giảm số ca tử vong là thành phố đã hoàn thiện hệ thống điều trị tháp ba tầng. Hiện nay, thành phố đã có 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức cấp cứu với quy mô khoảng 4.600 giường hồi sức và 81 bệnh viện tầng 2 với 60.400 giường bệnh. Đồng thời, đã cập nhật nhiều thuốc điều trị mới vào phác đồ điều trị cho F0 như thuốc kháng vi-rút (Molnupiravir, remdesivir), thuốc kháng viêm, kháng đông.

Bác sĩ CKII Phạm Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 7, phường An Khánh, TP Thủ Đức cho biết: Số lượng các ca chuyển nặng tại bệnh viện đã giảm nhiều so với thời gian đầu, một phần nhờ sự liên thông tốt hơn giữa các tầng điều trị, những ca chuyển nặng được chuyển kịp thời lên tầng trên. Bên cạnh đó, việc đưa vào phác đồ các loại thuốc điều trị mới đã góp phần ngăn chặn bệnh tiến triển nặng. Thời gian qua, thành phố đã đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, với hơn 90% số người dân 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, và hơn 20% mũi 2, góp phần hạn chế số ca nhiễm mới, giảm ca chuyển nặng, tử vong.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: giảm tỷ lệ tử vong là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Thành phố sẽ củng cố hệ thống y tế cơ sở để bảo đảm chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng, làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị tại các cơ sở điều trị để giảm tỷ lệ tử vong.

Cùng với đó, thành phố sẽ củng cố chất lượng điều trị của các cơ sở y tế trong hệ thống ba tầng điều trị Covid-19, bảo đảm nguồn nhân lực y tế có đủ về số lượng và kiến thức chuyên môn cần thiết, cung cấp đầy đủ thiết bị hồi sức tối thiểu theo phân tầng điều trị, đồng thời bảo đảm chuyển tuyến hai chiều thông suốt kịp thời. Ngoài ra, ngành y tế thành phố tiếp tục giám sát dịch tễ, đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin theo đúng kế hoạch đề ra. (Nhân dân, trang 8).

Chuẩn bị sống ‘bình thường mới’: Đỉnh căng thẳng đã qua
TP.HCM đang bắt đầu có những chính sách để chuẩn bị cho trạng thái ‘bình thường mới’. Rất nhiều vui mừng, chờ đợi và cũng rất nhiều lo lắng.

Các bác sĩ, những người đang “thực chiến” trên trận chiến với COVID-19, nếu đầu dịch đã tha thiết “ai ở đâu ở yên đó để chúng tôi mau được về nhà” thì nay ủng hộ mọi người được quay về với cuộc sống ngày thường.

Tuổi Trẻ đã trò chuyện với hai trong số họ để hiểu được chuyên môn y khoa về những thay đổi này. (Chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 1).

Xem xét phản ánh về thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội xem xét thông tin phản ánh về việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19. Văn phòng Chính phủ nhận được thông tin phản ánh: Theo quy định các chi phí xét nghiệm, điều trị COVID-19 đều do ngân sách Nhà nước chi trả nhưng hiện vẫn có không ít trường hợp bệnh nhân (chưa biết có nhiễm COVID-19 hay không) khi tới một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội để điều trị phải xét nghiệm COVID-19 theo chỉ định và phải thanh toán chi phí xét nghiệm.

Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội xem xét, có thông tin rõ ràng, minh bạch về các quy định của pháp luật; đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Giám đốc điều hành Chương trình COVAX: Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng rất thông minh, khoa học, minh bạch, kịp thời và hiệu quả

Tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Giám đốc điều hành Chương trình COVAX đánh giá cao việc Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng rất thông minh, khoa học, minh bạch, kịp thời và hiệu quả, Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình trong triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng và phòng chống dịch. Trước đề nghị của Thủ tướng, đại diện COVAX cho biết sẽ tiếp tục quan tâm, phân bổ vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới, cố gắng hết sức thực hiện các cam kết với Việt Nam. (Chi tiết xem báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Đinh Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/8/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/9/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận