Điểm báo ngày 23/7/2021

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế yêu cầu rà soát các đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng quy định; Bộ trưởng Bộ Y tế: Không để hệ thống y tế quá tải, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong

Bộ Y tế yêu cầu rà soát các đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng quy định

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký liên tiếp 2 công văn công văn hoả tốc gửi UBND và Sở Y tế các tỉnh, thành phố về thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn hoả tốc số 5868 /BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Văn bản của Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 và Quyết định số 3355/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022, trong thời gian qua Bộ Y tế đã phân bổ nhiểu loại vắc xin phòng COVID-19 khác nhau như Astra Zeneca, Pfizer, Moderna cho các địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai tiêm chủng.

Để tiếp tục thực hiện công tác tiêm chủng đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên đặc biệt là các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định các đối tượng tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo việc rà soát các đối tượng tiêm theo đúng quy định và chỉ đạo thực hiện tiêm chủng tối đa số vắc xin được cấp, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ tiêm chủng.

Đôn đốc các cơ sở tiêm chủng xây dựng kế hoạch, tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay các loại vắc xin phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế phân bổ. Thực hiện tư vấn cho người được tiêm chủng lợi ích, tác dụng của các loại vắc xin và thực hiện tiêm sớm, đúng lịch, không để xảy ra tình trạng lựa chọn hoặc chờ đợi để được tiêm loại vắc xin khác.

Đẩy nhanh, tăng tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng bao gồm xây dựng kế hoạch, tổ chức đăng ký tiêm, thực hiện sàng lọc, tổ chức tiêm chủng… và báo cáo theo quy định. Yêu cầu sử dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi đối tượng tiêm chủng.

Trước đó, ngày 20/7, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đã gửi văn bản hoả tốc đến UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Văn bản của Bộ Y tế cho biết, thực hiện chi đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã ưu tiên cấp vắc xin cho các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, tổ chức tiêm chủng chống dịch. Để đẩy nhanh việc thực hiện tiêm chủng trong mọi tình huống chống dịch của các địa phương, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh, tăng tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp, ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tể; tổ chức tiêm ưu tiên cho lực lượng tuyển đầu, người có bệnh lý nền, người cao tuổi.  Chủ tịch UBDN tỉnh, thành phố quyết định các đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tế.

Tổ chức tiêm tại các cơ sở tiêm chủng cố định và bố trí nhiều điểm tiêm lưu động tại các khu vực đông dân cư, nhà máy, khu công nghiệp… đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh chống dịch trước, trong và sau buổi tiêm chủng; lập kế hoạch buổi tiêm chủng phù hợp, thông báo cho các đối tượng đến tiêm chủng theo các khung giờ khác nhau để tránh tập trung đông người, phân luồng và hướng dẫn cho các đối tượng tiêm chủng; tổ chức khám sàng lọc trước tiêm để tránh tập trung đông người.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, thành phố để triển khai các hoạt động tiêm chủng các vắc xin khác tại địa phương đảm bảo phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, đề nghị các địa phương sử dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để quản lý và theo dõi tiêm chủng.

Các địa phương cũng cần tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và sự cần thiết của tiêm chủng trong giai đoạn hiện nay để người dân tham gia tiêm chủng đẩy đủ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Không để hệ thống y tế quá tải, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong

Tại cuộc họp với với các lực lượng của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 cuối giờ chiều 21/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: song song với việc giảm số ca mắc thì việc giảm tỷ lệ tử vong được coi là nhiệm vụ ưu tiên.

Cuối giờ chiều ngày 21/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với các lực lượng của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An để triển khai công tác phòng chống dịch.

Tại đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo các Cục/Vụ/Văn phòng.

Tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn- Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo các Cục/Vụ/ Viện/Trường của Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành cùng ngành y tế TP Hồ Chí Minh chống dịch tại 24 quận, huyện, TP Thủ Đức.

Cùng tham dự có các đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại một số tỉnh phía Nam.

Cuộc họp đã trao đổi, đánh giá, nhận định tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp đã triển khai thời gian qua. Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca bệnh sẽ gia tăng, và đặc biệt có thể xuất hiện bệnh nhân nặng trong thời gian tới đây.

Do đó song song với việc giảm số ca mắc thì việc giảm tỷ lệ tử vong được coi là nhiệm vụ ưu tiên.

Cụ thể, đối với trường hợp nghi nhiễm khi xét nghiệm bằng test nhanh dương tính thì được quản lý tại nhà hoặc vùng đệm – cơ sở cách ly tạm thời dựa vào cộng đồng do chính quyền địa phương thiết lập.

Khi xét nghiệm bằng PCR cho kết quả dương tính nếu nồng độ virus ở mức độ thấp (CT> 30) thì được quản lý và theo dõi y tế tại nhà.

Đối với trường hợp có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, bệnh nhân sẽ chuyển vào cơ sở quản lý, chăm sóc người nhiễm COVID-19 ban đầu. Cơ sở này được hình thành từ các khu ký túc xá, nơi lưu trú, bệnh viện dã chiến… mức độ ban đầu.

Đối với bệnh nhân có triệu chứng tiến triển, được theo dõi điều trị tại các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương.

Đối với bệnh nhân có tiến triển nặng, nặng hoặc nguy kịch thì đưa ngay đến các cơ sở điều trị có khu hồi sức tích cực hoặc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của TP Hồ Chí Minh do TS Nguyễn Tri Thức- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy điều hành.

Việc hình thành các tầng điều trị sẽ giúp cho các cơ sở y tế tuyến trên không bị quá tải để điều trị bệnh nhân nặng tốt hơn. Thực tế những ngày gần đây đã có nhiều bệnh nhân ra viện, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nặng”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Từ đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời động viên, đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng cán bộ của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch.

Cũng trong ngày 21/7, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có văn bản số 5838/BYT-KCB gửi  Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đảm bảo sẵn sàng thu dung, điều trị COVID-19 khi dịch bệnh lan rộng tại địa phương.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế  đề nghị các địa phương khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động…, với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu…

Các địa phương phải chuẩn bị ngay phương án huy động toàn bộ các bệnh viện tuyến quận, huyện; bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tỉnh; bệnh viện tư nhân, bệnh viện của các bộ, ngành, trường đại học… để thu dung và điều trị cho nhóm bệnh nhân vừa và nặng. Phải lắp bổ sung đủ hệ thống cấp oxy, có sẵn sàng các bồn chứa ô xy lỏng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này.

Chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực; danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, oxy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu; thiết bị, kít xét nghiệm; và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch gia tăng tại các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Bộ Y tế đã có kế hoạch thiết lập trung tâm hồi sức cấp vùng để sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi cần. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Giữa năm 2022 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng

Trong ngày 22/7, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Nội dung bao trùm và được thể hiện nổi bật trong các báo cáo là công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía Bắc và nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là TPHCM. Điều này khiến cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân “lên trên hết, trước hết”. Chính phủ sẽ quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng. Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Cùng với đó chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư.

Về thực hiện chiến lược vắc – xin, Chính phủ sẽ phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022. Chính phủ ủng hộ việc huy động rộng rãi các nguồn lực hợp pháp, nhất là hợp tác công tư trong phòng, chống dịch; đẩy nhanh nhập khẩu vắc-xin; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, tiến tới tự chủ vắc-xin nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) nhận định, kế hoạch miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 là mục tiêu “tương đối thách thức”. Theo ông Việt, trong bối cảnh diễn biến dịch còn phức tạp, nhiều chủng mới xuất hiện, nên việc kiểm soát, đạt miễn dịch cộng đồng như kế hoạch đề ra là khó, vì các nước tiêm chủng đạt tỷ lệ cao như châu Âu mà còn lây nhiễm nhiều. Chính vì vậy, để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, đòi hỏi cần có sự vào cuộc, quyết tâm rất cao. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng cho rằng, tiêm chủng rộng rãi cho cộng đồng là chìa khoá thoát khỏi dịch bệnh nên Chính phủ cần đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm vắc-xin. “Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch… nhưng với biến chủng Delta bây giờ, liệu đó có còn là những biện pháp căn bản hay không”, bà Lan nêu câu hỏi.

Yêu cầu cao về đẩy nhanh phục hồi doanh nghiệp

Về tình hình kinh tế, mặc dù kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng, song Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Nguy cơ dịch lan rộng ở nhiều địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu. Vì thế, thời gian tới cần có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, song ưu tiên trước mắt là công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ sẽ có các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Tập trung nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, có tính kết nối, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục triển khai, mở rộng cách làm sáng tạo, sản xuất, lưu trú, cách ly ngay tại nhà máy, xí nghiệp đã thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, xây dựng các kịch bản, thích nghi với điều kiện mới “vừa sản xuất, vừa chống dịch ngay tại nhà máy, xí nghiệp” bảo đảm nguồn lao động cho sản xuất liên tục, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Góp ý vào vấn đề kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tỷ lệ giải ngân thấp các gói hỗ trợ này còn thấp , chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nếu không đẩy nhanh phục hồi doanh nghiệp thì nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu. (Tiền phong, trang 3; Thanh niên, trang 2)

 

TP.HCM tiêm vắc xin đợt 5: Ưu tiên người cao tuổi, người nghèo

Hôm qua 22-7, 15 nhóm ưu tiên tại TP.HCM bắt đầu được tiêm vắc xin đợt 5 với 930.000 liều. Rút kinh nghiệm từ đợt tiêm trước, đợt này TP tổ chức tiêm với khoảng 120 – 200 người/ngày/điểm tiêm.

Tình hình tiêm vắc xin ngày đầu tại nhiều điểm tiêm diễn ra trong trật tự, an toàn, khoa học hơn. Theo kế hoạch, TP.HCM có hơn 600 điểm tiêm vắc xin và dự kiến trong 2-3 tuần sẽ tiêm xong số vắc xin được phân bổ, ưu tiên cho người cao tuổi, có bệnh nền và người nghèo.

Tiêm ngừa ở tuổi 102

“Khi biết mình sẽ được tiêm vắc xin đợt này, tôi vui quá! Trưa nay quyết định không ngủ để chờ đến giờ đi tiêm. Nhiều người trong xóm tôi bất kể trước kia làm ngành nghề gì cũng được phường gọi đi tiêm cùng. Tôi mong sẽ có nhiều người hơn nữa được tiêm vắc xin ngừa bệnh trong những ngày tới” – bà Hà Thị Nhu (83 tuổi, quận Gò Vấp) nói.

Cùng chung cảm xúc, ông Trần Văn Đợi (70 tuổi, TP Thủ Đức) cho hay rất phấn khởi khi được tiêm vắc xin dù sức khỏe của ông yếu, đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người thân và nhân viên y tế. Khi khám sàng lọc, huyết áp ông liên tục ở mức cao, các bác sĩ phải dặn dò hít thở sâu, nghỉ ngơi và cho uống thuốc. “Ở nhà huyết áp 160/100 mmHg. Khi đến đây tiêm thì lên 182/100 mmHg. Tôi lo nhưng vui nhiều hơn khi được tiêm vắc xin” – ông Đợi nói.

Dù 102 tuổi, cụ bà Đào Thị Kim Cúc – người cao tuổi nhất phường 10, quận Phú Nhuận – vẫn minh mẫn và có sức khỏe ổn định nên được gia đình đăng ký tiêm vắc xin đợt này. Khi được chở đến điểm tiêm, bà có thể một mình di chuyển không cần đến sự hỗ trợ từ người con trai đi cùng. Bà cho biết bản thân rất vui. Với chỉ số huyết áp lần đầu khá cao nên bà được các bác sĩ hướng dẫn đến phòng cấp cứu để theo dõi thêm. Khoảng 1 tiếng sau, khi huyết áp đã ổn định, bà được tiêm bình thường.

“Tôi không thấy lo lắng vì tiêm vắc xin sẽ giúp bản thân mình an toàn hơn trước dịch bệnh. Tôi rất biết ơn cơ quan y tế đã đặc biệt quan tâm đến những người cao tuổi như chúng tôi” – bà Cúc vui vẻ nói.

Hẹn người dân trước

Theo kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5 tại TP.HCM, việc lập danh sách người tiêm do các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc nhóm ưu tiên tiêm vắc xin thực hiện. Danh sách được nhập vào hệ thống đăng ký tiêm thống nhất (địa chỉ: https://form.tphcm.gov.vn) và được chuyển về từng địa phương để tổ chức tiêm.

Bà Võ Thị Xuân Mai – đại diện UBND phường 3, quận Gò Vấp – cho biết ngày 23-7 quận Gò Vấp dự kiến tiêm cho 500 người tại 4 phường, mỗi phường 120 người. Người dân được thông báo qua tin nhắn hoặc cuộc gọi từ cán bộ phường thời gian tiêm cụ thể để tránh tập trung đông người.

Trong đợt tiêm lần thứ 5, Bệnh viện quận Phú Nhuận là điểm tiêm duy nhất trên địa bàn quận dành cho người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền. Ngoài ra quận còn tổ chức 4 điểm tiêm cộng đồng dành cho các nhóm khác.

Bà Trần Thị Huê – chủ tịch UBND phường 10, quận Phú Nhuận – cho biết trong ngày 22-7 ưu tiên tiêm cho người từ 70 tuổi trở lên, những ngày sau sẽ tiếp tục tiêm cho người từ 65 tuổi. Người tiêm lần này là người cao tuổi có các bệnh nền nên phường và đội ngũ y bác sĩ tại điểm tiêm đặc biệt quan tâm công tác sàng lọc và theo dõi sau tiêm.

“Phần lớn những cụ lớn tuổi hoặc các cụ có bệnh lý nền thì sau khi tiêm xong bên phường đều liên hệ lại để hỏi thăm tình hình sức khỏe các cụ” – bà Huê cho biết.

Test nhanh, cấp giấy xác nhận tiêm tại chỗ

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 22-7 tại các quận 11, Phú Nhuận, Gò Vấp… và TP Thủ Đức, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 diễn ra trật tự, an toàn, đảm bảo giãn cách. Những người được tiêm trong ngày đầu chủ yếu là người trên 65 tuổi, có bệnh nền.

Tuy sáng 22-7 mưa to nhưng tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (quận 11), lực lượng chức năng tất bật triển khai tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi. Người dân khi đến cửa ra vào được đo thân nhiệt và hướng dẫn đảm bảo giãn cách đi vào khu vực khai báo y tế.

Còn tại điểm tiêm Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), nhiều cán bộ hưu trí trên 65 tuổi đã có mặt đúng lịch hẹn. Đặc biệt, tại đây người dân được test nhanh COVID-19 trước khi vào khu vực sàng lọc và tiêm. Khi mẫu test cho kết quả âm tính mới tiếp tục khám sàng lọc và tiêm vắc xin. Nhân viên y tế cấp giấy xác nhận cho người dân đã tiêm vắc xin tại điểm tiêm.

Chiều cùng ngày, tại điểm tiêm số 786B Nguyễn Kiệm (phường 3, quận Gò Vấp), đội ngũ bác sĩ thuộc Bệnh viện Quân y 175 đã tiêm cho khoảng 200 người. Nhiều người tuy tuổi đã cao nhưng sức khỏe vẫn tốt nên chủ động đi lại để nhường sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên cho những người có sức khỏe yếu hơn mình.

Còn tại điểm tiêm Bệnh viện quận Phú Nhuận, người được tiêm là những người cao tuổi và người có bệnh nền. Do khu vực thực hiện tiêm ngừa có diện tích nhỏ nên nhân viên y tế luôn phải nhắc nhở người dân tuân thủ đúng quy tắc 5K. Điểm tiêm chia làm 3 phòng tách biệt: phòng khám sàng lọc, phòng đo huyết áp, phòng tiêm vắc xin.

Ngoài ra, bệnh viện còn chuẩn bị sẵn một phòng trống với các giường bệnh để người dân theo dõi sức khỏe sau tiêm hoặc cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp. Đến 13h chiều cùng ngày, số lượng người dân đến tiêm cũng ít hơn. (Tuổi trẻ, trang 2+3; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Lao động, trang 1)

 

‘Tháp 4 tầng’ cứu nhiều bệnh nhân nặng

Từ mô hình tháp điều trị 3 tầng được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Giang, ngành y tế TP.HCM đã cải tiến thành tháp 4 tầng, qua đó kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng.

Theo Bộ Y tế, chiến lược “tháp 3 tầng” (điều trị cho bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, bệnh nhân có triệu chứng và bệnh nhân nặng) được áp dụng đầu tiên tại Bắc Giang. Khi đó số lượng bệnh nhân (BN) tăng nhanh trong thời gian ngắn đã tạo áp lực rất lớn cho việc tiếp nhận và điều trị cho các ca bệnh, cũng như đáp ứng điều trị cho cả ca bệnh diễn biến nặng.

Điều chỉnh kịp thời, phù hợp thực tế

Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, tại TP.HCM ban đầu cũng áp dụng “tháp 3 tầng”, nhưng ở thời điểm hiện tại đã nâng lên “tháp 4 tầng”. Cụ thể, tầng 1 là BN không triệu chứng, triệu chứng nhẹ; tầng 2 là BN thở ô xy; tầng 3 là BN thở ô xy dòng cao (HFNC) và tầng 4 là BN thở máy xâm nhập, ECMO và lọc máu liên tục. Các BN nặng chủ yếu được điều trị tại Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường.

Chỉ sau 5 – 6 ngày đưa BV Hồi sức Covid-19 vào hoạt động, đã có 106 BN Covid-19 nặng chuyển về mức độ trung bình, nhẹ và 39 BN đã chuyển về BV tuyến dưới. Điều này cho thấy việc đầu tư tập trung vào BV hồi sức cùng với mô hình tháp điều trị 4 tầng là chiến lược phù hợp thực tiễn chống dịch tại TP.HCM để điều trị BN nặng, tăng quy mô tiếp nhận bệnh nặng và giảm tải cho các BV hiện hữu.

Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19, dựa trên mô hình “tháp 4 tầng” trong điều trị Covid-19 cùng các kinh nghiệm thực tiễn, ngành y tế đã tiến xa hơn một bước trong cuộc chiến chống dịch với chiến lược “đánh chặn từ xa”, ngăn BN chuyển nặng đổ về BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới hay BV Covid-19.

“Đánh chặn từ xa là phát hiện sớm BN chuyển nặng để điều trị sớm. Nếu ngồi chờ BN nặng đến thở máy, ECMO là thất bại do thụ động”, TS-BS Nguyễn Tri Thức giải thích và cho biết để làm được việc này BV Chợ Rẫy vừa thiết lập hệ thống hội chẩn online với BV tầng 2, BV quận; tổ chức đường dây nóng; ban hành tiêu chí nhận bệnh. Điều đặc biệt là BV Chợ Rẫy chia bác sĩ (BS) hồi sức của BV ra nhiều BV khác.

Cụ thể, 4 BS chuyên khoa hồi sức từ BV Chợ Rẫy trực tiếp cắm chốt tại 4 BV ở tầng 2 (BV điều trị Covid-19 Thủ Đức, BV Covid-19 Củ Chi, BV Covid-19 Bình Chánh và BV Covid-19 Cần Giờ), cùng các BS tại chỗ theo dõi, đánh giá tình trạng, mức độ nặng của các BN. Nếu BN có dấu hiệu chuyển nặng sẽ cho chuyển viện sớm chứ không đợi thở máy mới chuyển viện. Chuyển sớm sẽ an toàn cho BN; can thiệp sớm bằng thở máy dòng cao, lọc máu sớm để chặn BN từ độ 3 không chuyển sang độ 4 mà trở về độ 2.

Hiện BV Hồi sức Covid-19 có các chuyên gia hồi sức hàng đầu phụ trách như BS Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy), TS-BS Nguyễn Hoàng Hải (BV Nhân dân Gia Định), TS-BS Đỗ Quốc Huy (BV Nhân dân 115); thành lập một tổ hội chẩn online, cho ý kiến 24/24 để hỗ trợ các tầng khác… “Để đưa vào hoạt động ngay một BV hồi sức với quy mô 1.000 giường là điều không thể, do đó BV sẽ tiến hành nâng cao khả năng tiếp nhận và điều trị cho BN Covid-19 nặng, nguy kịch theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, bên cạnh hơn 650 nhân sự đang phục vụ tại BV (đến từ 10 BV, địa phương khác nhau), chúng tôi đã yêu cầu hỗ trợ nhân lực từ Sở Y tế TP.HCM. Giai đoạn tiếp theo BV đã có công văn đề nghị Bộ Y tế chi viện nhân lực”, TS-BS Thức nói.

Sẽ có “tháp 5 tầng”

Hiện nay, TP.HCM đang điều trị cho 35.000 BN. Ngành y tế dự kiến sẽ có 5 tầng tiếp nhận BN và đang trình UBND TP mô hình này. Theo đó, tầng 1 là khu cách ly quận, huyện tiếp nhận BN cộng đồng, BN không có triệu chứng; tầng 2 là các bệnh viện dã chiến (BVDC) điều trị BN có triệu chứng; tầng 3 là các BV quận, huyện điều trị BN có triệu chứng trung bình; tầng 4 là các BV điều trị Covid-19 nặng; tầng 5 gồm BV Hồi sức Covid-19 (1.000 giường), BV Bệnh nhiệt đới (200 giường), BV Chợ Rẫy (200 giường) điều trị BN nặng, nguy kịch. Mới đây, BV Quân y 175 cũng đã chuẩn bị 200 giường hồi sức để bổ sung cho tầng 5. Việc điều trị BN khi cần sẽ huy động các BV đa khoa, BV tư có năng lực tốt.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP tập trung để cứu sống các BN nặng, nhưng cũng cần phải giảm BN nặng chuyển lên “tầng 5”. Do đó, TP đầu tư cho các tầng còn lại phù hợp, như chỉ đạo của UBND TP.HCM. Theo đó, ngay ở tầng 1 phải bố trí phòng sơ cấp cứu với các trang thiết bị cấp cứu cơ bản, có bình ô xy và trang thiết bị y tế như: dụng cụ cấp cứu cơ bản; các dụng cụ theo dõi sức khỏe như: nhiệt kế, huyết áp, ống nghe, thiết bị đo độ bão hòa ô xy trong máu qua da (SpO2); phương tiện phòng hộ cá nhân, khẩu trang; thuốc hạ sốt và vitamin. Trong đó, bình ô xy cần ít nhất từ 5 – 10 bình để có thể cho nhiều người bệnh cùng thở một lúc trong khi chờ chuyển người bệnh đến BV.

Sở Y tế cũng vừa yêu cầu các BVDC thu dung, điều trị BN Covid-19 chuẩn bị thực hiện chiến lược điều trị trong tình hình mới bằng cách “nâng cấp” (từ tầng 1 lên tầng 2), trang bị ô xy lỏng, điều trị thuốc cho BN có triệu chứng nhẹ, trung bình. Các BVDC phân công 1 phó giám đốc phụ trách chuyên môn triển khai thực hiện và giám sát tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán điều trị Covid-19; phối hợp đông tây y trong điều trị; tham gia tập huấn sử dụng thuốc chống đông; sử dụng máy thở không xâm lấn… “Để giảm bệnh nặng chuyển lên tầng 5, năng lực của các tầng dưới phải được đảm bảo; BVDC phải nâng lên thành điều trị, chứ không chỉ cách ly. Trong trận chiến, phải rải quân đánh chặn từng chỗ”, PGS-TS Thượng nói.

Trước tín hiệu khả quan từ mô hình tháp điều trị 4 tầng ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đúc kết, ở tầng quận, huyện, Bộ Y tế đã hỗ trợ nhân lực từ các BV các tỉnh, T.Ư và đã có hiệu quả. Nói về việc 106 BN nặng được BV hồi sức Covid-19 điều trị trở về mức độ trung bình, nhẹ, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá đây là sự thành công đáng mừng của ngành y tế TP.HCM dưới sự giúp đỡ của BV tuyến T.Ư. Tại đây đã tập trung lực lượng hồi sức ở tuyến cao nhất, trang thiết bị y tế cũng đã được bố trí tạm ổn. Cùng với đó, việc theo dõi, điều trị sát sao đã giúp các BN chuyển về tình trạng nhẹ hơn.

“Nhưng phải nói đến vai trò hết sức quan trọng của chính quyền địa phương, dưới sự đề xuất của ngành y tế, đã chuẩn bị 1 cơ sở hiện đại. Sự hỗ trợ trang thiết bị y tế, vật tư của Bộ Y tế cũng rất kịp thời. Ngoài ra, nguồn nhân lực, đặc biệt là các chuyên gia có kinh nghiệm điều trị Covid-19 trước đây, đều được tập trung về BV Hồi sức Covid-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định trong thời gian tới, BN nặng sẽ tăng lên, vì sau giai đoạn dịch tăng lên cao nhất, thu dung BN nhiều thì diễn tiến ngày càng nặng. “Phương châm hiện giờ là đánh chặn từ xa. Tất cả cơ sở thu dung ở quận, huyện đều trang bị đầy đủ, đặc biệt là ô xy để BN thở; chuẩn bị một số loại thuốc, trong đó có thuốc y học cổ truyền, áp dụng điều trị sớm ở quận, huyện và các thuốc thiết yếu cho tầng 1. Một số trang thiết bị máy thở chức năng thấp sẽ chia về cho quận, huyện”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói. (Thanh niên, trang 4)

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: Cách ly nghiêm ngặt, tránh “bên ngoài giăng dây, bên trong lỏng lẻo”

Trước tình hình chưa tách F0 ra khỏi cộng đồng và nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly, phong tỏa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, quận 10 phải làm kỹ lưỡng, quản lý nghiêm ngặt, tránh tình trạng bên ngoài giăng dây nghiêm, bên trong vẫn đi lại, giao lưu.

Sáng 22-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương có buổi làm việc tại UBND quận 10 (TPHCM) về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận cụ thể tình hình công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là tình hình tại các điểm cách ly, phong tỏa, công tác xét nghiệm, thu dung, điều trị người mắc Covid-19…

“Nhiệm vụ của tôi và các đồng chí là tìm ra các biện pháp phù hợp với thực tiễn nhất và hiệu quả nhất để phòng chống dịch Covid-19. Nắm bắt các vấn đề thực tiễn để có quyết sách rất mới đối với TPHCM”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn quận 10 ngày gần đây diễn biến phức tạp. Số ca F0 phát sinh từ ngày 9-7 đến nay là 1.745 trường hợp, tổng lũy kế từ ngày 28-6 đến nay là 1.861 trường hợp.

Quận đang có 122 điểm phong tỏa và 3 khu vực đang phong tỏa tạm thời, cách ly y tế. Quận đang thí điểm cách ly tại nhà đối với 156 trường hợp F1.

Về lấy mẫu, quận đã tổ chức lấy mẫu tập trung tại các khu vực phong tỏa, khu vực có nguy cơ rất cao, khu vực có nguy cơ cao, khu vực tập trung đông người như chung cư, trạm xe, bãi đậu xe…

Quận triển khai đến 14 phường thực hiện tầm soát cộng đồng với gần 145.000 lượt lấy mẫu, qua đó phát hiện hơn 1.200 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Đối với công tác lấy mẫu, tầm soát tại khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện, quận đã thực hiện hơn 63.000 lượt lấy  mẫu, qua đó phát hiện 536 trường hợp dương tính.

Về tiêm chủng, dự kiến trong ngày 22 và 23-7, quận tổ chức tiêm chủng tại 11 điểm tại các phường với số lượng dự kiến được tiêm là 2.640 người.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, tình hình diễn biến dịch vẫn đang có chiều hướng gia tăng, số người bệnh F0 lây nhanh. Trung bình hàng ngày ghi nhận khoảng 200 trường hợp bệnh mới và khoảng 100 trường hợp test nhanh dương tính, thường tập trung tại các khu phong tỏa, các khu vực nguy cơ cao.

Khó khăn quận đang gặp là về nhân sự và cơ sở vật chất, sẽ rất khó nếu tổ chức thêm các khu cách ly. Nhân sự tham gia công tác chống dịch Covid-19 không đủ, ảnh hưởng đến việc bố trí nhân sự tham gia các hoạt động truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi sức khỏe người dân tại các khu cách ly, phong tỏa. Nhân sự thực hiện truy vết cũng gặp khó khăn do lực lượng tăng cường không ổn định.

Đặc biệt, số ca bệnh ngày càng tăng nhưng việc chuyển F0 đến các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 của TPHCM còn hạn chế, dẫn tới tình trạng F0 bị ứ lại các khu cách ly tạm thời của quận và có trường hợp F0 cũng như test nhanh dương tính vẫn chưa được tách ra khỏi cộng đồng. Từ đó, ảnh hưởng đến tâm lý của F0 và những người xung quanh.

Do không tách được các F0 và các trường hợp nghi mắc Covid-19 ra khỏi cộng đồng trong khi vẫn tiếp tục thực hiện xét nghiệm tầm soát dẫn đến tình trạng tiêu hao về vật chất cũng như sức lực của lực lượng y tế nhưng vẫn chưa giải quyết được ổ dịch trong cộng đồng.

Trong khi đó, các ca bệnh có diễn tiến lâm sàng nặng ngày càng nhiều. Việc liên hệ chuyển tuyến trên đối với các trường hợp bệnh nguy kịch gặp nhiều khó khăn do nhiều bất cập trong thủ tục.

Quận 10 đề nghị TPHCM hỗ trợ, bố trí cho quận từ 300-400 chỗ tại Bệnh viện dã chiến (Thuận Kiều Plaza) để đưa người mắc bệnh tới điều trị sớm, nhất là các trường hợp có bệnh nền, chuyển biến nặng. Từ đó, quận có thể tiếp tục thực hiện công tác truy vết, đưa các F0 ra khỏi địa bàn dân cư, tạo điều kiện để “xanh hóa” địa bàn.

Trước tình hình chưa tách F0 ra khỏi cộng đồng và nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly, phong tỏa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, quận 10 phải làm kỹ lưỡng, quản lý nghiêm ngặt, tránh tình trạng bên ngoài giăng dây nghiêm, bên trong vẫn đi lại, giao lưu.

Đồng chí chỉ rõ, bản chất của Chỉ thị 16 là cách ly người với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường… Khu phố đã “vây” rồi, nhưng bên trong khu cách ly, nhà lại không cách ly được nhà với nhà thì vẫn có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Theo đồng chí Vũ Đức Đam, cách ly người với người trong một gia đình thì khó nhưng nhà với nhà là dứt khoát phải cách ly. Vì thế, phải thực hiện quản lý nghiêm, phải phát huy vai trò Tổ Covid-19 cộng đồng và thậm chí, đối với các khu có nguy cơ rất cao, thì bố trí lực lượng đi tuần tra nghiêm ngặt. “Trong vùng nguy cơ rất cao, các nhà tuyệt đối không tiếp xúc với nhau”, đồng chí lưu ý.

Cuối buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã tới thăm, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Khu phong tỏa tạm thời ở chung cư Ấn Quang, phường 9, quận 10. Khu vực này xuất hiện một số ca dương tính Covid-19, được phong tỏa từ 18 giờ ngày 4-7 đến nay.

Phó Thủ tướng cũng thăm cơ sở thu dung F0 của quận 10 tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố. Tại đây, đồng chí Vũ Đức Đam lưu ý đây là nơi “trung chuyển”, nếu F0 có triệu chứng thì chuyển đi điều trị, còn không có triệu chứng, xét nghiệm chỉ số CT >=30, gia đình có đủ điều kiện và có nguyện vọng được cách ly ở nhà thì cho về.

Được báo cáo khu này chỉ có thuốc cấp cứu cơ bản và bình oxy, Phó Thủ tướng gợi mở TPHCM triển khai việc đưa các thuốc bổ, thuốc Đông y vào để hỗ trợ thêm. Ngoài ra, các F0 cũng cần được tạo điều kiện để đi lại, sinh hoạt thoải mái để có tinh thần, sức khỏe tốt hơn. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Nâng mức nguy cơ trong kịch bản chống dịch, diễn tập ngay cơ chế vận hành

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý 3 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân từ thành phố xuống cơ sở tập trung thực hiện trong những ngày tới. Trong đó, đồng chí yêu cầu phải nâng mức nguy cơ trong kịch bản chống dịch toàn thành phố và tổ chức diễn tập ngay cơ chế vận hành không để bị động trong mọi tình huống. Đây là nội dung trao đổi của đồng chí với báo chí ngày 22-7.

3 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng thành phố tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Kết luận số 07-KL/TƯ, ngày 11-6-2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội và gần đây nhất là Điện ngày 21-7 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện tinh thần gương mẫu, đi đầu của Hà Nội, Thủ đô, trái tim của cả nước bằng việc làm cụ thể. Tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, xác định nhiệm vụ ưu tiên số một là phòng, chống dịch Covid-19, coi bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng người dân là trên hết, trước hết; phát huy tối đa ý chí tự lực, tự cường, “chống dịch như chống giặc”; quyết tâm bảo vệ Thủ đô không để dịch diễn biến xấu, bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, thành phố, các khu công nghiệp, cơ sở y tế… giữ an toàn từng cá nhân, cơ quan, gia đình, ngõ phố, khu dân cư, thôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Trực tiếp Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải chỉ đạo sát sao, hiệu quả toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ, trọng tâm, trọng điểm trước mắt, đó là:

1- Lấy tấn công để phòng thủ; truy vết bằng được, bóc tách bằng được các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, không để lan rộng.

2- Sẵn sàng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cụ thể tới từng điểm tiêm, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng tiêm, đúng nguyên tắc, đúng quy định và đặt công tác an toàn, hiệu quả tiêm chủng lên hàng đầu; thực hiện tốt, bảo đảm công bằng một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô.

3- Nâng mức nguy cơ trong tất cả các kịch bản chống dịch, ở tất cả các cấp độ, bắt tay vào chuẩn bị ngay, xong kịch bản nào phải tổ chức diễn tập cơ chế vận hành ngay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường vào thành phố gồm hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; duy trì nghiêm 22 chốt kiểm dịch hiện tại và các chốt do các địa phương thiết lập bảo đảm đủ lực lượng trực 24/24h và 7/7 ngày trong tuần; kiểm soát 100% người và phương tiện vào thành phố.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm và hiệu quả việc tổ chức cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn thành phố đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch và công tác công vụ đã được cấp thẩm quyền cho phép. Các lực lượng theo chức năng, nhiệm vụ và phân công phải nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động phối hợp với Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục phát huy tối đa các tổ Covid-19 cộng đồng và huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch, trước mắt quản lý chặt chẽ, hiệu quả người về từ vùng dịch đang thực hiện giãn cách xã hội, người đang trong quá trình phải cách ly y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Ban Dân vận Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể các cấp thành phố làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; tiếp tục khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; có giải pháp thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, yếu thế. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Hà Nội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trung ương chủ động tuyên truyền định hướng dư luận xã hội, trọng tâm là xây dựng niềm tin, thái độ bình tĩnh, không hoang mang lo sợ, nhưng cũng không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, tin tưởng vào các giải pháp phòng chống dịch mà thành phố đã và đang triển khai thực hiện.

Trưng dụng chung cư chưa bàn giao để làm bệnh viện dã chiến

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, những ngày qua diễn biến dịch tại Hà Nội và các địa phương phức tạp; chủng Delta lây nhiễm rất nhanh; nên toàn thành phố phải có kế hoạch chuẩn bị để chủ động trước những diễn biến xấu, không để bị động, bất ngờ. Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu nâng mức nguy cơ trong các kịch bản phòng, chống dịch từ thành phố xuống cơ sở; ưu tiên tập trung chuẩn bị phương án điều trị khi số lượng F0 tăng cao, nhất là điều trị bệnh nhân nặng; coi hạn chế rủi ro, bảo vệ tính mạng người dân là nhiệm vụ ưu tiên số 1.

Để làm được điều đó, Bí thư Thành ủy giao cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Thay vì kịch bản bố trí 5.000 giường bệnh điều trị F0 hiện tại, phải chuẩn bị phương án bố trí 10.000 giường, 20.000 giường và khi cần thiết có thể tăng mức cao hơn. Đi kèm với mỗi kịch bản phải bảo đảm chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và con người; có phương án dự trữ hoặc huy động tương ứng, không để bị thiếu giường bệnh, thiếu máy thở, thiếu thuốc men, thiếu y bác sĩ, điều dưỡng…

Trước mắt, nâng số giường bệnh dự phòng tại các cơ sở y tế thành phố quản lý bao gồm cả hệ thống công lập và tư nhân. UBND thành phố làm việc ngay với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý trên địa bàn để phối hợp thực hiện công tác chuẩn bị điều trị F0; triển khai củng cố, mở rộng các khoa hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Nâng cao năng lực điều trị phải được chuẩn bị đồng bộ với giải pháp phân luồng, phân loại bệnh nhân để tiếp nhận kịp thời, cấp cứu nhanh, điều trị hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro tính mạng cho người dân.

Yêu cầu chuẩn bị ngay việc thiết lập các bệnh viện dã chiến, Bí thư Thành ủy nêu rõ nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này là các lực lượng quân đội, công an vận hành bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn; ngành y tế chịu trách nhiệm chuyên môn, điều trị. Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, trước hết phải chuẩn bị ngay về địa điểm, rà soát để trưng dụng một số nhà chung cư chưa bàn giao, nhà thi đấu, trung tâm văn hóa thể thao… phục vụ thiết lập bệnh viện dã chiến.

Ngành Y tế phải có phương án bố trí đủ số lượng cán bộ y bác sĩ, huy động sinh viên các trường y, dược tham gia vào hệ thống điều trị của thành phố, huy động hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố khác. Số lượng bảo đảm phù hợp với các kịch bản giường bệnh, bệnh viện dã chiến; được đánh giá cụ thể về chất lượng để có phương án đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện ngay. Đồng thời, phải tăng cường năng lực xét nghiệm, có phương án xét nghiệm diện rộng cho kết quả nhanh.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo bố trí các khu cách ly trên địa bàn, bảo đảm phương án sẵn sàng cách ly cho từ 30-50 nghìn người. Địa điểm cách ly ưu tiên ở ngoại thành nơi có không gian thoáng rộng, tách biệt với dân cư; giao cho các đơn vị quân đội lên phương án sử dụng trường học, ký túc xá, khu quân sự thành cơ sở cách ly, điều trị tập trung cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ.

Đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của cơ chế vận hành đi kèm mỗi phương án, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Phải coi cơ chế vận hành là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác chuẩn bị; vì đầy đủ “4 tại chỗ” mà lúng túng trong vận hành, chậm trễ trong triển khai thì lợi bất cập hại. Nên ngay khi có kịch bản, phương án tôi đề nghị phải nhanh chóng tổ chức diễn tập để khi có “động lệnh” là thực hiện được ngay”. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Về cơ chế, hình thức thực hiện mua sắm, việc triển khai ngay gói thầu để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng dân cư và mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để phòng, chống dịch Covid-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu.

Chính phủ đồng ý để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch mua trực tiếp của nhà sản xuất, cung ứng ở nước ngoài, mua qua các đơn vị mua sắm của Liên hợp quốc và một số mặt hàng đặc thù sản xuất trong nước trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong trường hợp đấu thầu rộng rãi qua mạng để mua hàng hóa phục vụ việc phòng, chống dịch, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 10 ngày.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động mua sắm phục vụ phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch.

Bộ Y tế căn cứ phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh, Bộ Y tế xác định số lượng, chủng loại một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện cần mua ngay tại Trung ương để phòng, chống dịch tại một số vùng, khu vực bị ảnh hưởng nặng của dịch và hỗ trợ cho một số địa phương, đơn vị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định… (Hà Nội mới, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Ưu tiên số 1 của Hà Nội là công tác phòng, chống dịch Covid-19

Sáng 22-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng các đại biểu HĐND thành phố Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri quận Đống Đa trước kỳ họp thứ hai HĐND thành phố khoá XVI. Cùng dự có đại diện các sở, ngành của thành phố.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu UBND quận Đống Đa tới điểm cầu UBND các phường trên địa bàn quận.

Cử tri nêu nhiều vấn đề dân sinh

Sau khi nghe dự kiến nội dung, thời gian diễn ra kỳ họp thứ hai HĐND thành phố; báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của thành phố; báo cáo trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ mười tám HĐND thành phố khóa XV, đã có 8 cử tri phát biểu kiến nghị các vấn đề quan tâm.

Trong đó, cử tri Bùi Ngọc Thanh (phường Trung Liệt) phản ánh, dự án khu quy hoạch Công viên văn hóa – thể thao – vui chơi trên địa bàn nhiều năm chưa được triển khai, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, quản lý đô thị, đề nghị thành phố kiến nghị Thủ tướng phê duyệt hủy quy hoạch đã duyệt để bảo đảm quyền lợi cho người dân sinh sống ở khu vực này hoặc sớm cho triển khai dự án.

Cử tri Phan Thế Bình (phường Phương Mai) cho rằng, việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là rất cần thiết nhưng đề nghị cần có kế hoạch truyền thông rõ ràng và cụ thể về chiến lược bảo đảm 70% dân số sẽ được tiêm vắc xin; việc mở rộng tiêm vắc xin cho công dân từ 12 đến 18 tuổi và trên 65 tuổi sẽ được triển khai như thế nào…

Trong khi đó, đại diện cử tri phường Quốc Tử Giám đề nghị thành phố bố trí xây dựng trường tiểu học trên địa bàn; quan tâm đầu tư bố trí trụ sở làm việc của phường tập trung, khang trang hơn. Đại diện cử tri phường Phương Mai đề nghị thành phố xem xét tạm dừng giải phóng mặt bằng dự án mở đường thông tuyến Phương Mai – Sông Lừ ở phía bên trái phố Phương Mai. Lý do là về vị trí địa lý, đoạn phố này phía bên trái thuộc địa phận phường Phương Mai, bên phải thuộc địa phận phường Kim Liên, lượng phương tiện lưu thông qua đoạn phố này đi về phía sông Lừ rất thấp so với toàn tuyến phố Phương Mai.

Cử tri cũng đề nghị thành phố nghiên cứu quy định độ tuổi trong công tác nhân sự của các hội, đoàn thể. Hiện nay, quy định độ tuổi tham gia các vị trí chủ chốt của các hội là dưới 65 tuổi, gây khó khăn trong việc tìm nhân sự các vị trí chủ chốt, điển hình như Hội Người cao tuổi.

Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”

Phát biểu tiếp thu và trả lời các vấn đề cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, ngày 19-7, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với thành phố Hà Nội về một số vấn đề trọng tâm, cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của thành phố. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo thành phố xác định nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là công tác phòng, chống dịch Covid-19, quyết tâm bảo vệ bằng được Thủ đô, bảo vệ sự an toàn, an ninh cho nhân dân.

Đồng chí Chu Ngọc Anh cũng thông tin, trong đợt dịch thứ tư, đến sáng 22-7, thành phố đã ghi nhận tổng cộng gần 600 ca mắc, trong đó có nhiều ca bệnh thuộc địa bàn quận Đống Đa. Liên quan đến các ca F0, nhờ có sự trách nhiệm cộng đồng, thành phố đã giảm điểm phong tỏa, chỉ còn 66 điểm tại 19 quận, huyện.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, nguy cơ cao lây nhiễm và bùng phát dịch trong cộng đồng, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành 2 công điện trong vài ngày trở lại đây, áp dụng nhiều biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch. Thành phố đã có kế hoạch khung về tiêm vắc xin ngừa Covid-19, có thể vận hành đồng loạt 1.200 dây chuyền tiêm khi được Trung ương phân bổ đủ vắc xin.

Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định, bên cạnh việc tập trung phòng, chống dịch, Hà Nội cũng khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và đạt kết quả tốt. Nhờ kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm khởi sắc khá rõ nét so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II-2021 của Hà Nội cao hơn trung bình cả nước.

Thành phố đã kịp thời triển khai thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, bước đầu đạt kết quả tốt và đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Đối với việc xây dựng chung cư cũ, thành phố cũng đang tích cực triển khai theo hướng dẫn mới của Chính phủ.

Về những ý kiến, kiến nghị của cử tri quận Đống Đa, thay mặt tổ đại biểu HĐND thành phố, đồng chí Chu Ngọc Anh tiếp thu toàn bộ các ý kiến, đề nghị Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố tổng hợp, chuyển đến các cơ quan liên quan của thành phố giải quyết theo thẩm quyền.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các sở, ban, ngành thành phố tiếp thu, ghi nhận và khẩn trương tham mưu UBND thành phố hướng xử lý, giải quyết đúng quy định và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. (Hà Nội mới, trang 2).

CDC Hà Nam tổng hợp

Bài viết liên quan

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 13 Giờ 30, ngày 31/01/202031/01/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 08/8/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 28/6/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận