Điểm báo ngày 23/8/2019

(CDC Hà Nam)
Trường học, bệnh viện được yêu cầu thanh toán không tiền mặt; Phát động cuộc thi viết về phong trào hiến ghép mô, tạng; Mang hạnh phúc đến những gia đình hiếm muộn…

 

Kết quả bước đầu chương trình Sữa học đường

Tính đến hết năm học 2018 – 2019, Hà Nội đã có 1.039.458 trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia chương trình Sữa học đường, đạt tỷ lệ 87,7%. Kết quả này cho thấy số lượng học sinh tham gia chương trình tăng khá mạnh chỉ sau thời gian ngắn triển khai.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, chương trình Sữa học đường chính thức được triển khai đến tất cả cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố từ ngày 2-1-2019, trên tinh thần cha mẹ học sinh tự nguyện đăng ký cho con tham gia. Đồng loạt triển khai trên tất cả 30 quận, huyện toàn thành phố, đến nay, có 16 quận, huyện được ghi nhận hoàn thành tốt công tác tổ chức chương trình, với số trẻ đăng ký tham gia đạt hơn 90%, gồm: Mỹ Đức, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất, Sóc Sơn, Ba Vì, Hoàn Kiếm, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Oai, Gia Lâm, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì và Chương Mỹ. Trong đó, huyện Mỹ Đức là đơn vị có tỷ lệ học sinh tham gia cao nhất, với 100% cơ sở giáo dục và 99,4% học sinh tham gia.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai chương trình, Trưởng Phòng GD và ĐT huyện Mỹ Đức Phan Văn Viện cho biết: “Những ngày đầu trước khi thực hiện Đề án, chúng tôi phát phiếu tham khảo ba lần mà chỉ có đạt 56% số học sinh tham gia, tỷ lệ khá thấp so với nhiều quận, huyện khác. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy cha mẹ học sinh băn khoăn do chưa biết đơn vị nào cung cấp, chất lượng sữa ra sao. Tuy nhiên kết quả thực tế đã khác, chỉ sau một tuần triển khai, tỷ lệ học sinh tham gia tăng lên đến 80%, sau ba tuần đã đạt tỷ lệ 99,4% và duy trì cho đến hết năm học”.

Trong khi đó, ở một số quận nội thành, tỷ lệ học sinh tham gia chương trình Sữa học đường khá thấp, trong đó có quận Cầu Giấy. Chia sẻ nguyên nhân này, Trưởng phòng GD và ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, trên địa bàn quận có tỷ lệ các trường ngoài công lập cao xấp xỉ khối công lập. Việc tham gia chương trình Sữa học đường là không bắt buộc, trong khi các trường này đều có những khoản đóng trọn gói về khẩu phần ăn các bữa ở trường, bảo đảm dinh dưỡng, nhiều bậc cha mẹ thấy chưa thật sự cần thiết phải có hỗ trợ của Nhà nước trong việc uống sữa hằng ngày, cho nên tỷ lệ đăng ký cho con tham gia chương trình Sữa học đường còn thấp.

Để tiếp tục đẩy mạnh chương trình Sữa học đường trong năm học 2019-2020, nhiều ý kiến kiến nghị thành phố sớm có đánh giá khoa học về hiệu quả của việc uống sữa học đường với học sinh, để từ đó có thông số thuyết phục cha mẹ học sinh quan tâm, cho con em tham gia chương trình. Bên cạnh đó, các trường học, cha mẹ học sinh mong muốn Bộ Y tế sớm ban hành bộ quy chuẩn về sữa học đường. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế mới đưa ra quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường (ban hành năm 2017). Quy định này cũng chưa cụ thể về hàm lượng các vi-ta-min, khoáng chất bổ sung vào sữa.

Trước thềm năm học mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung huy động các trường ngoài công lập tích cực tham gia chương trình. Các quận, huyện cần bố trí đủ kinh phí, kịp thời theo tiến độ cung cấp sữa nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh. Đồng thời, cần tăng cường duy trì kiểm tra an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của ngành y tế, không để sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố. (Nhân dân, trang Hà Nội)

 

Phát động cuộc thi viết về phong trào hiến ghép mô, tạng

Ngày 22-8, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết về đề tài hiến ghép mô/tạng “Trao tặng yêu thương – Nối dài sự sống”.

Đối tượng tham gia cuộc thi là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư tại nước ngoài, các cán bộ nhân viên công tác trong ngành y tế, các nhà báo; các tác phẩm tham gia không quá 1.500 chữ với ngôn ngữ thể hiện là tiếng Việt. Tác phẩm dự thi phải là những sáng tác chưa gửi tham gia các cuộc thi khác, chưa được phổ biến dưới bất cứ hình thức nào. Mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi một hoặc nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi. Ban tổ chức sẽ trao một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba, năm giải khuyến khích và một giải phong trào cho đơn vị vận động được nhiều tác giả, tác phẩm có chất lượng tốt tham dự cuộc thi.

Thời gian nhận bài thi từ ngày 25-8-2019 đến ngày 31-10-2019. Các tác giả có tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ: Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, địa chỉ: Phòng 230, Nhà C2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, số 40 Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc qua địa chỉ email: gheptang@vncchot.com.

Trong những năm qua, phong trào hiến mô, tạng tại Việt Nam đã thu hút được hơn 25.000 người tham gia. Đây là phong trào mang ý nghĩa cao đẹp, lan tỏa tình yêu thương trong cuộc sống. Từ phong trào này, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời nhờ được ghép mô, tạng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng nghìn người bệnh đang chờ đợi nguồn tạng hiến. Do vậy, công tác tuyên truyền về việc hiến tạng cần được lan tỏa hơn nữa trong quần chúng nhân dân để mỗi người dân đều thấu hiểu nghĩa cử cao đẹp của hành động “cho đi là còn mãi” này. (Nhân dân, trang 5)

 

Mang hạnh phúc đến những gia đình hiếm muộn

Với hơn 34 năm công tác trong ngành sản khoa, trong đó hơn 10 năm nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) đã mang lại hạnh phúc cho hàng nghìn người bị vô sinh, hiếm muộn. Mỗi khi nhắc đến, nhiều đồng nghiệp và người bệnh đều có chung nhận xét bác sĩ Nhã là người có trình độ chuyên môn cao và luôn hết lòng trong công việc.

Bác sĩ Nhã chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội và về nhận công tác tại Khoa Sản Bệnh viện Bưu điện, chị đã chứng kiến nỗi buồn đau của những phụ nữ không thể làm mẹ. Đôi khi chị tự đặt ra các câu hỏi như: Mình phải làm gì để giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn này? Tại sao là bác sĩ sản khoa mà không thể giúp họ được làm mẹ?… Những câu hỏi đó luôn phảng phất trong suy nghĩ khiến chị day dứt, trăn trở đi tìm câu trả lời. Thấu hiểu được nỗi lòng của chị, lãnh đạo Bệnh viện đã tạo mọi điều kiện để chị đi học tập về hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Đồng thời tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm tích lũy thông qua các khóa tập huấn, hội thảo điều trị vô sinh tại Pháp, Mỹ, Ô-xtrây-li-a… Không phụ sự mong mỏi của lãnh đạo Bệnh viện, chị và các đồng nghiệp đã liên tiếp gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn. Cụ thể, hằng tháng tỷ lệ thành công các ca đạt từ 60 đến 67%, tỷ lệ có thai lâm sàng (có tim thai) đạt từ 52 đến 55% và thai diễn tiến (có thai trên 12 tuần) là 47 đến 50%. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật hiện đại trên thế giới như tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA), hỗ trợ thoát màng, chuyển phôi đông lạnh… cũng được bác sĩ Nhã và các đồng nghiệp thực hiện thành công. Từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ có thai sinh hóa, thai lâm sàng của người bệnh điều trị tại Bệnh viện lên ngang tầm các trung tâm lớn trên thế giới.

Một trong những người bệnh mà chị Nhã luôn nhớ mãi là chị Trần Thị Ph, cả vợ và chồng đều ở độ tuổi hơn 52 và có thâm niên khoảng 20 năm chữa trị vô sinh. Nhưng khi được bác sĩ Nhã trực tiếp điều trị theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng và đã thành công. Sau khoảng chín tháng, cả gia đình chị Ph vui mừng khôn xiết bởi chị đã sinh được một bé gái xinh đẹp, khỏe mạnh. Gần đây nhất là trường hợp một đôi vợ chồng ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam) lấy nhau được 5 năm nhưng không có con. Kết quả thăm khám cho thấy chồng tinh trùng yếu, vợ bị đa nang buồng trứng. Hai vợ chồng đã điều trị cả đông y và tây y ở nhiều nơi nhưng đều thất vọng. Khi tới Bệnh viện Bưu điện khám, được bác sĩ Nhã tư vấn và điều trị theo phương pháp đông trứng kết hợp lấy tinh trùng của chồng để thụ tinh. Quá trình thực hiện thành công tốt đẹp, hết thời gian mang thai, hai vợ chồng đã hạnh phúc vỡ òa khi được đón con gái đầu lòng chào đời khỏe mạnh…

Để giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn, chị đã bàn với Ban Giám đốc Bệnh viện thường xuyên tổ chức các đợt hỗ trợ kinh phí điều trị. Mỗi cặp vợ chồng được xét chọn, sẽ được hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng khi làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Chia tay bác sĩ Nhã, chúng tôi không sao quên được câu nói chứa chan tình cảm của chị: “Với tôi, thêm 1% thành công là có thêm một gia đình hạnh phúc. Phải luôn coi người bệnh là trung tâm để tạo chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần, giúp họ dễ dàng vượt qua những mặc cảm, tự ti, kiên trì điều trị tiến đến đích hạnh phúc…”. (Nhân dân, trang 8)

 

Đồ nhựa “3 không” đựng thực phẩm: Tác hại khôn lường

Việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần để đựng thực phẩm đã trở thành thói quen của phần lớn người tiêu dùng. Thế nhưng, nếu sử dụng túi ni lông, các loại hộp nhựa không nguồn gốc, xuất xứ hoặc sử dụng không đúng chức năng để bao, gói, chứa đựng thực phẩm về lâu dài sẽ gây ra hiểm họa khôn lường với sức khỏe con người.

Tràn lan đồ nhựa “3 không” đựng thực phẩm

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại phố Hàng Chiếu, phố Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân…, mặt hàng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với giá rất rẻ. Cụ thể, hộp xốp đựng cơm có giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/100 chiếc; thìa nhựa có giá từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/gói 50 cái; cốc nhựa có giá từ 17.000 đồng đến 25.000 đồng/50 chiếc, ống hút nhựa có giá từ 8.000 đồng đến 12.000 đồng/túi 20 chiếc, túi ni lông có giá từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg…

Điều đáng nói, tất cả những sản phẩm đồ nhựa dùng một lần này đều chung đặc điểm “3 không”: Không có thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và hướng dẫn cách sử dụng an toàn. Thế nhưng, với giá thành rẻ, tiện ích, các sản phẩm này vẫn đang được sử dụng phổ biến để đựng đồ ăn thức uống tại khắp các chợ hay quán ăn trên địa bàn Hà Nội.

Tại chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), không khó để bắt gặp những quán hàng bày bán nước đậu, tào phớ, canh nóng… đựng trong túi ni lông. Thậm chí, tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), vịt nướng, cháo, cơm, đồ ăn vặt như xôi nóng, chè… cũng được các tiểu thương cho vào hộp nhựa, hộp xốp để bán cho thực khách.

Anh Trần Văn Tâm (ở phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Mỗi lần mua cơm, chủ quán đựng cả cơm nóng, canh nóng trong hộp xốp, hộp nhựa, túi ni lông. Biết là không an toàn, nhưng vì tiện lợi nên vẫn cứ tặc lưỡi cho qua…”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo, theo quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng trong ăn uống nói chung và đồ nhựa dùng một lần nói riêng thuộc diện phải kiểm soát chặt về độ an toàn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện những loại đồ nhựa dùng cho thực phẩm lại chưa có ký hiệu riêng, hay có nhãn mác và bao bì riêng được công nhận sử dụng cho thực phẩm để người dân phân biệt. Những túi ni lông mua ngoài chợ, nhất là những loại có màu sắc: Vàng, xanh, đỏ…, thực chất là loại túi không được dùng để đựng thực phẩm vì chúng được làm từ nhựa tái chế, không nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, với những loại nhựa kém chất lượng, quá trình sử dụng sẽ sản sinh chất BPA – chất độc gây ra một số bệnh như: Vô sinh, tiểu đường, ung thư…

Thế nhưng, những chiếc túi này vẫn được cả người bán lẫn người mua dùng để bao, gói thực phẩm. Do vậy, khả năng thôi nhiễm chất độc, khiến chúng ngấm vào thực phẩm là chuyện không tránh khỏi. Nếu thực phẩm ở dạng chín, ướt, có muối, hay mỡ đựng trong những loại túi này, rồi cho vào tủ lạnh, thì nguy cơ càng cao…

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, về nguyên tắc, những vật dụng bằng nhựa chỉ dùng để đựng thức ăn nguội, song nhiều người lại dùng đựng thức ăn nóng, đó là điều tối kỵ. Bởi, khi đựng đồ nóng, hàm lượng monostyren (một chất độc) trong loại nhựa này giải phóng ra càng nhiều sẽ gây tổn hại đến gan và gây ra nhiều bệnh khác. Không chỉ nhiệt độ cao, loại nhựa này khi gặp dầu mỡ, muối mặn, axít… sẽ gây độc tố có hại cho con người.

Hãy hành động ngay

Đề cập đến những ảnh hưởng đối với sức khỏe khi tùy tiện dùng đồ nhựa đựng thực phẩm, bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn, vệ sinh thực phẩm quốc gia khuyến cáo, nguy cơ có thể gây hại khi người dùng sử dụng không đúng chức năng của sản phẩm. Chẳng hạn như dùng chai đựng dầu ăn cỡ lớn để muối dưa, hoặc nhiều người tận dụng cả thùng nhựa đựng sơn để đựng gạo, muối dưa, cà, trong khi đó, đây là thùng nhựa đựng hóa chất, rất nguy hiểm.

Ngoài ra, việc dùng hộp xốp, hộp nhựa đựng thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, sa lát, dưa muối, hoặc đựng đồ ăn nóng cũng rất nguy hiểm bởi nguy cơ thôi nhiễm, có thể sản sinh ra các chất độc hại cho cơ thể…

Theo bà Lê Thị Hồng Hảo, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có hướng dẫn, các cơ sở dịch vụ, nhà hàng chỉ nên sử dụng các hộp nhựa hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đựng thức ăn. Không dùng hộp xốp, hộp nhựa để đựng các loại thức ăn, đồ uống nóng trên 100 độ C, nhất là các loại thức ăn rán có nhiều dầu mỡ còn đang nóng.

Ngoài ra, không hâm nóng thức ăn trong hộp xốp, hộp nhựa bằng lò vi sóng. Những loại đồ nhựa sử dụng một lần không được tái sử dụng. Riêng với thức ăn, đồ uống chua, có độ axít cao như: Dưa muối, cà muối, sa lát trộn dấm, nước chanh… không nên đựng bằng hộp xốp.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế đang triển khai thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Tại nhiều cơ sở y tế đã tổ chức tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy. Bên cạnh đó, khuyến khích các đơn vị, cá nhân sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

“Chất thải nhựa là vấn đề có tính toàn cầu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và sức khỏe của mỗi con người. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức chính trị – xã hội và cả cộng đồng. Chúng ta hãy hành động ngay từ hôm nay, vì mục tiêu lâu dài”, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Chất chồng nỗi lo tăng giá dịch vụ y tế

Từ ngày 20-8, giá nhiều loại dịch vụ y tế tại bệnh viện công được điều chỉnh tăng lên. Việc tăng viện phí được lý giải do mức lương cơ sở tăng lên, đã nằm trong lộ trình tăng giá của Bộ Y tế. Tuy nhiên, sau 2 ngày triển khai, điều khiến người dân quan ngại, giá dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng phục vụ có tăng tương xứng?

Gánh nặng đè lên người bệnh

Theo quy định của Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa các BV (bao gồm giá khám chữa bệnh có BHYT và ngoài phạm vi BHYT), giá khám chữa bệnh sẽ tăng đồng loạt từ ngày 20-8.

Cụ thể, giá dịch vụ khám bệnh BHYT tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 38.700 đồng (hiện là 37.000 đồng); bệnh viện hạng II là 34.500 đồng (hiện là 33.000 đồng); bệnh viện hạng III là 30.500 đồng (hiện là 29.000 đồng). Cùng với đó, giá dịch vụ giường bệnh BHYT cũng tăng lên mức tối đa là 782.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng đặc biệt (quy định cũ là 753.000 đồng/ngày)… Giá dịch vụ y tế tăng đã trở thành gánh nặng đè lên người bệnh.

Cầm trên tay hàng chục biên lai với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng là khoản viện phí mà chị Trần Thị Kim Dung (quận 9, TPHCM) phải đóng để phẫu thuật ung thư gan cho chồng tại BV Chợ Rẫy. Chị Dung cho biết, số tiền tích góp sau nhiều năm làm công nhân chỉ đủ chi trả đợt đầu điều trị bệnh cho chồng.

“Mỗi lần giá dịch vụ y tế tăng là nỗi lo thêm chất chồng. Đợt trước tăng giá thuốc, nay lại tăng viện phí, mỗi đợt điều trị tốn cả chục triệu đồng nhưng cố gắng được đến đâu thì hay đến đó”, chị Dung nói.

“Đối với bệnh nhân có BHYT lo một, những người không mua BHYT lại lo mười. Vợ chồng đều làm tự do nên không mua BHYT. Anh Lâm làm thợ hồ, không may bị tai nạn. Chỉ hơn 1 tháng nằm viện, gia đình đã tốn gần 100 triệu đồng nhưng vẫn chưa khỏi hẳn. Thời gian điều trị còn dài mà viện phí lại tăng, khó khăn chồng chất thêm”, chị Giang, vợ anh Nguyễn Xuân Lâm (ở Long An) đang điều trị tại BV Nhân dân 115, cho biết.

Giám sát dịch vụ

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế),  2 thông tư trên không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018) sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng. Với việc điều chỉnh này, giá khám bệnh, ngày giường sẽ tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.

Về tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế đến người dân, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, đối với các đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội… khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% sẽ không bị ảnh hưởng.

Đối với người cận nghèo tỷ lệ đồng chi trả là 5%, mức độ tác động không đáng kể. Còn các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều.

Điều băn khoăn hiện nay của nhiều người bệnh, trong khi giá dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh của nhiều cơ sở y tế vẫn… giậm chân tại chỗ, chưa tương xứng, thậm chí thụt lùi.

Nhiều bệnh viện vẫn chăm chú khám chữa bệnh theo yêu cầu, còn xem nhẹ, phân biệt đối xử khám chữa bệnh bằng BHYT. TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho rằng tăng giá viện phí lần này là điều chỉnh tăng theo bậc lương tối thiểu, không ảnh hưởng nhiều tới người có thẻ BHYT.

Để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, bệnh viện cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian chờ đợi, phiền hà cho người bệnh.

“Dù viện phí có tăng hay không thì mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh luôn là vấn đề sống còn trong hoạt động của bệnh viện”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn khẳng định. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Ghép quả tim hiến tặng cho bệnh nhân 36 tuổi

Sáng 22-8, tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Lê Hồng H. (36 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) đã dần bình phục sau khi được ghép tim. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể vận động nhẹ tại giường.

Trước đó, bệnh nhân được ghép tim từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, quả tim hiến tặng từ người cho chết não được lấy ra khỏi lồng ngực bệnh nhân lúc 13 giờ 45 ngày 15-8-2019 và được chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế lúc 16 giờ 15 phút cùng ngày bằng đường hàng không.

Tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Huế, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, các nhóm trong ê kíp ghép tim của bệnh viện đã tiến hành lấy bỏ quả tim của bệnh nhân và ghép quả tim của người hiến tặng vào lồng ngực của bệnh nhân H.,. Quả tim được ghép đập lại lúc 17 giờ. Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Như Hiệp cho biết, đây là ca thứ 5 ghép tim xuyên Việt thực hiện thành công tại bệnh viện. Đồng thời, gửi lời cảm ơn đến thân nhân người hiến tạng, lãnh đạo, đồng nghiệp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã giúp đỡ, phối hợp trong việc thực hiện ca ghép tim xuyên Việt thứ 5 này thành công. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

 

Trường học, bệnh viện được yêu cầu thanh toán không tiền mặt

Các trường học, bệnh viện… sẽ lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR, cho phép phụ huynh, học sinh, người bệnh, người dân,.. sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán, tương tự như việc mua hàng trong siêu thị.

Đây là một trong những yêu cầu mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi đến các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nhằm triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục.

Theo văn bản này, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn như cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan Bảo hiểm xã hội, công ty nước sạch, điện lực, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính…  xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng có khả năng kết nối với phần mềm ứng dụng của các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Ngoài ra, các trường học, bệnh viện và các đơn vị cung ứng dịch vụ công được yêu cầu thông báo số tài khoản của đơn vị mình mở tại ngân hàng để tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán dịch vụ công bằng các dịch vụ thanh toán mà ngân hàng đang cung ứng như chuyển tiền qua mobile, thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử…

Các trường học, bệnh viện và đơn vị cung ứng dịch vụ công lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR để cho phép phụ huynh, học sinh, người bệnh, người dân,.. sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán, tương tự như việc thanh toán tiền mua hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị.

Các cơ quan cung cấp dịch vụ công cũng phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép ghi nhận thông tin cần thanh toán như số tiền, mã hồ sơ/khách hàng..  để người sử dụng có thể truy cập các ứng dụng trên internet, mobile và thực hiện trả tiền thông qua các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng gồm thanh toán qua thiết bị di động, thanh toán qua internet, ví điện tử, dịch vụ thanh toán hóa đơn… tương tự như việc thanh toán hóa đơn tiền điện, cước viễn thông… hiện nay. (Tuổi trẻ, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 14/10/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/01/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/10/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận