Điểm báo ngày 23/9/2021

(CDC Hà Nam)

TP.HCM chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai; Siết chặt việc quản lý phiếu xét nghiệm COVID-19; Thuốc đặc trị COVID-19 đang thử nghiệm rao bán tràn lan: Người bán là nhân viên y tế; Nhiều thuốc mới được bổ sung vào phác đồ điều trị Covid-19.

TP.HCM chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai

Theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai từ 13 tuần tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin Covid-19. Chiều 22.9, tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai đã thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai. Bà Mai cho biết trước đây phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng được đưa vào nhóm thận trọng khi tiêm ngừa, trong đợt 3 – 4 thì nhóm này không tham gia tiêm vì Bộ Y tế khuyến cáo kiểm soát kỹ. Đến nay, Bộ Y tế có văn bản mới hướng dẫn phụ nữ có thai từ 13 tuần tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin. Hiện nhiều phụ nữ đã đăng ký tiêm và Sở Y tế TP.HCM đã phân bổ hơn 100.000 liều vắc xin theo nhu cầu các bệnh viện có khoa sản trên địa bàn để tiêm cho phụ nữ có thai.

Trả lời câu hỏi vì sao số lượng người tiêm vắc xin những ngày gần đây giảm mạnh, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho hay TP đã tiêm 6,9 triệu liều mũi 1, nếu so với 7,2 triệu người được thống kê thì đã đạt 96%, mức độ bao phủ khá lớn.

Hiện nhiều người hoãn tiêm như F0 khỏi bệnh, chống chỉ định, đang cách ly nên số lượng những ngày gần đây thấp hơn năng lực tiêm cao nhất (đạt khoảng 320.000 liều/ngày). Ông Tâm khẳng định TP.HCM chưa thiếu vắc xin, trên kho của HCDC vẫn cấp phát về các địa phương theo số lượng được Sở Y tế duyệt. (Thanh niên, trang 2).

Siết chặt việc quản lý phiếu xét nghiệm COVID-19

Từ thông tin về việc một cá nhân được lấy mẫu test COVID-19 ngay trên xe ôtô và nhận được kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Kiểm định vaccine và Sinh phẩm y tế (thuộc Bộ Y tế), vào những ngày cuối tháng 9/2021, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) vào cuộc điều tra, đã làm rõ danh tính của hai nhân viên y tế. Khi tình hình dịch, bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; việc cấp, sử dụng giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 là một trong các biện pháp quan trọng để kiểm soáttình hình. Lợi dụng việc này, một cá nhân đã làm giả hoặc sửa chữa các phiếu xét nghiệm COVID-19 để qua chốt kiểm dịch. Gần đây nhất là việc hai nhân viên y tế tổ chức xét nghiệm cho người có nhu cầu trên xe ôtô, một lần nữa cảnh báo về việc quản lý đối với các phiếu xét nghiệm COVID-19; quản lý nhân viên y tế…

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 trên xe ôtô

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an phường Đại Kim và Đội Cảnh sát hình sự, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cóthông tin về trường hợp có dấu hiệu “cò mồi” xét nghiệm COVID- 19 (xét nghiệm PCR) liên quan đến Trung tâm Kiểm định vaccine và Sinh phẩm Y tế (thuộc Bộ Y tế), địa chỉ số 1 đường Nghiêm Xuân Yêm, phường Đại Kim. Đi sâu vào nắm tình hình, các trinh sát của hai đơn vị nắm được thông tin, một cá nhân có nhu cầu test PCR để đi Nhật Bản, thông qua sự môi giới, đã được lấy mẫu xét nghiệm ngay trên xe ôtô, rồi cùng ngày đã nhận được kết quả từ Trung tâm Kiểm định vaccine và Sinh phẩm y tế.

Ban Chỉ huy Công an quận Hoàng Mai đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp cùng Công an phường Đại Kim, khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin. Cơ quan Công an đã xác định và triệu tập những người có liên quan đến vụ việc để làm rõ gồm: Người đã chia sẻ thông tin về “đường dây cò mồi” (là phóng viên của 1 cơ quan báo chí tại Hà Nội); người môi giới là ông U.T.H (SN 1981, trú ở phường Đại Kim); người tiến hành lấy mẫu xét nghiệm là bà N.T.H  (SN 1983, trú tại phường Đại Kim, là cộng tác viên Bệnh viện Đa khoa Tràng An); người xét nghiệm mẫu phẩm là bà N.T.P, cán bộ Viện Kiểm định vaccine Quốc gia và Sinh phẩm y tế…

Quá trình điều tra bước đầu xác định: Hồi 8h30 ngày 31/8, U.T.H nhận được điện thoại của một người đàn ông tên Nghĩa (chưa xác định nhân thân, lại lịch) nói có người tên Lan Anh muốn làm test PCR đề xuất cảnh sang Nhật Bản. Sau khi U.T.H đồng ý thì có một người tên là Lan Anh chủ động liên hệ với U.T.H, hẹn gặp nhau ở số 1 Nghiêm Xuân Yêm, phường Đại Kim.

Qua mối quan hệ quen biết với T.A.T (SN 1987, cộng tác viên của Bệnh viện Đa khoa Tràng An), U.T.H đã xin được số điện thoại và chủ động liên lạc với N.T.H (SN 1983, cộng tác viên của Bệnh viện Đa khoa Tràng An) nhờ lấy mẫu xét nghiệm cho Lan Anh. Sau khi N.T.H đồng ý, U.T.H đã hướng dẫn Lan Anh sang 32 Đại Từ và liên lạc với N.T.H để được lấy mẫu…

Khoảng 9h30 cùng ngày, sau khi được lấy mẫu, Lan Anh quay lại số 1 Nghiêm Xuân Yêm đưa lại mẫu cho U.T.H và U.T.H đã mang mẫu của Lan Anh đi vào Viện Kiểm định vaccine Quốc gia và Sinh phẩm y tế đưa cho N.T.P, cán bộ Viện Kiểm định vaccine Quốc gia và Sinh phẩm làm trong viện để lấy kết quả. Đến buổi tối cùng ngày, sau khi nhận được kết quả, người đàn ông tên Nghĩa đã chuyển số tiền 600.000 đồng bằng Internet banking cho U.T.H. Sau khi nộp thanh toán số tiền 320.000 đồng cho Viện Kiểm định vaccine Quốc gia và Sinh phẩm và chuyển khoản 100.000 đồng cho N.T.H là tiền công lấy mẫu, Hà được hưởng 180 nghìn đồng.

Xác minh tại Viện Kiểm định vaccine Quốc gia và Sinh phẩm y tế người được cấp giấy test PCR ngày 31/8 là Trần Thị Lan Anh mã cấp là DHHH 13… Hành vi của U.T.H đã vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên Công an phường Đại Kim phối hợp UBND phường xử lý hành chính đối tượng U.T.H theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực y tế.

Trong sự việc này, hai nhân viên y tế đã vi phạm quy định về việc giãn cách xã hội và quy chế quản lý nhân viên y tế của bệnh viện; tự ý đi lấy mẫu xét nghiệm PCR mà không được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị; việc lấy mẫu xét nghiệm ngẫu hứng, ngay trên xe ôtô… tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.

Xử  lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Đây chỉ là một trong những vụ việc được phát hiện và ngăn chặn trong thời gian qua. Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đồng thời củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng Nguyễn Văn Công (trú tại phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn).

Theo kết quả điều tra thì Công đã làm hơn 100 giấy xét nghiệm giả bán cho các lái xe, người buôn bán và công nhân. Khám xét chỗ ở và kiểm tra máy tính của đối tượng, Công an đã phát hiện nhiều tài liệu, hơn 200 mẫu dấu tròn của các cơ quan tổ chức, chữ ký, dấu chức danh của các cá nhân có liên quan để phục vụ việc làm giả giấy tờ. Trong vụ án này, đối tượng thu gom giấy xét nghiệm thật hoặc hết hạn sử dụng rồi scan vào máy tính.

Sau khi thỏa thuận với người có nhu cầu, các đối tượng sẽ dùng máy tính, máy in để làm giả giấy xét nghiệm. Với các giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng đã có thể mua được giấy xét nghiệm hoặc giấy đi đường giả nên nhiều người đã đặt mua để đi qua các chốt kiểm dịch; thậm chí để có giấy xét nghiệm PCR nhanh nhất, nhiều người còn đi cửa sau, với sự “giúp đỡ” nhiệt tình của nhân viên y tế…

Một số đối tượng còn sửa chữa giấy xét nghiệm để thông chốt. Vụ việc xảy ra vào hồi 8h ngày 20/9, tại chốt kiểm soát dịch A08 (Km50+700 quốc lộ 5 lối cầu Hàn đi Nam Sách thuộc TP Hải Dương) là một ví dụ. Khi kiểm tra xe ôtô tải BKS 29H – 276.36 thuộc diện xe luồng xanh do lái xe Nguyễn Văn Mai (SN1981, ở Dược Hạ, xã Tiên Dược) điều khiển đi từ Sóc Sơn (Hà Nội)… tổ công tác đã phát hiện phiếu kết quả xét nghiệm test nhanh COVID-19 của anh Nguyễn Văn Mai có dấu hiệu bị sửa chữa, thay đổi ngày làm xét nghiệm và ngày trả kết quả xét nghiệm.

Khi phiếu xét nghiệm COVID-19 trở thành giấy tờ bắt buộc để tham gia giao thông thì các đối tượng nắm bắt được cơ hội đã không từ phương thức nào để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài các vụ làm giả, còn có việc sửa chữa để thông chốt… và còn làm tắt, qua “cò mồi” như trên. Những hành vi trên không chỉ là hành vi tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật, mà còn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường khi cả nước đang gồng mình chống dịch. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý, khởi tố cả những đối tượng sử dụng giấy xét nghiệm giả. (Tuổi trẻ, trang 5).        

Thuốc đặc trị COVID-19 đang thử nghiệm rao bán tràn lan: Người bán là nhân viên y tế

Lần theo dấu vết đối tượng bán thuốc kháng virus để lại, phóng viên đã nhanh chóng xác minh. Qua những hình ảnh và thông tin cá nhân của người này, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương khẳng định: “Đây là điều dưỡng đang công tác tại bệnh viện”. Báo Tiền Phong đã chuyển thông tin vụ việc đến Công an TPHCM đề xuất phối hợp làm rõ các vấn đề liên quan.

Nhân viên bệnh viện bán thuốc

Thuốc kháng virus hiện trong giai đoạn thử nghiệm, được quản lý nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế về đối tượng sử dụng phục vụ mục đích điều trị. Từ cuối tháng 8, thuốc đã chính thức được thí điểm dùng cho các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà. Ngay sau khi thuốc kháng virus Favipivavir xuất hiện tại Việt Nam, trên “chợ đen” tấp nập mua bán bất hợp pháp.

Trước tình trạng mua bán thuốc kháng virus diễn ra công khai trên mạng xã hội, thông qua các đầu mối, phóng viên Tiền Phong đã dễ dàng tiếp cận đối tượng bán thuốc. Ngày 21/9, sau khi nhận chuyển khoản 4,2 triệu đồng theo thỏa thuận miệng, người đàn ông có tên Phạm Duy Th đã di chuyển bằng xe gắn máy đến điểm hẹn giao cho phóng viên hộp thuốc Favipivavir 400mg có nguồn gốc Ấn Độ.

Sau khi giao thuốc và hướng dẫn sử dụng, ông Th khẳng định: “Thuốc này đang điều trị F0 rất hiệu quả. Liệu trình uống 7 ngày liên tiếp sẽ có kết quả âm tính ngay. Hiện thuốc này được dân Nhật sử dụng rất nhiều. Em an tâm đi, anh là người trong nghề, đây là thuốc thật, quá trình sử dụng có vấn đề gì thì gọi cho anh”.

Qua nhận diện ban đầu, phóng viên xác định, thông tin cá nhân từ tài khoản ngân hàng tiếp nhận chuyển khoản chi phí mua thuốc và tên trên bộ đồng phục người đàn ông mặc trùng khớp với nhau. Mặt khác, trên đồng phục có in logo của bệnh viện. Phóng viên nhận định, người bán thuốc kháng virus nêu trên có thể là nhân viên y tế tại Bệnh viện Trưng Vương. Phóng viên đã liên hệ với TS.BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, đề nghị phối hợp xác minh. Qua thông tin, hình ảnh, số điện thoại, danh tính của người bán thuốc, BS Chiến khẳng định: “Đây là ông Phạm Duy Th hiện đang là điều dưỡng chuyên khoa Mắt tại bệnh viện. Tôi đã làm việc trực tiếp với điều dưỡng này, bước đầu ông Th thừa nhận có sự việc xảy ra. Tuy nhiên, ông Th cho biết do có người nhờ nên chỉ mua giùm thôi chứ không buôn bán gì”.

BS Chiến nói: “Tôi đã làm việc với đương sự và khuyên không tiếp tục các hành động tương tự và ông Th cũng đã cam kết không tái diễn. Mặc dù đây là nhân viên của bệnh viện nhưng sự việc diễn ra nằm ngoài phạm vi quản lý của bệnh viện. Thuốc người này mua bán (nếu có) không phải thuốc từ trong bệnh viện tuồn ra ngoài. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm quyền vào cuộc điều tra, chúng tôi cũng mong sớm làm rõ thông tin”.

Công an sẽ làm rõ

BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định: “Về nguyên tắc, túi thuốc C (thuốc kháng virus) dù được sử dụng ở cộng đồng hay tại các bệnh viện dã chiến đều phải quản lý chặt chẽ, đầy đủ danh sách. Trường hợp thuốc không sử dụng hết, phải trả trở về cho Sở Y tế. Mọi hành vi mua bán đều trái quy định của pháp luật hiện hành”.

Đại diện Tiền Phong đã chuyển thông tin đến cơ quan chức năng đề nghị phối hợp điều tra làm rõ. Sau khi tiếp nhận thông tin, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói: “Tôi đã chuyển thông tin đề nghị Thanh tra Sở Y tế vào cuộc”.

Phóng viên đã trực tiếp trao đổi thông tin liên quan vụ việc trên với thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM, và đề nghị phối hợp điều tra làm rõ. Thượng tá Tuyến nói: “Chúng tôi rất cảm ơn các thông tin báo Tiền Phong đã kịp thời phản ánh và cung cấp. Đây là nhiệm vụ của Công an thành phố, chúng tôi tiếp nhận thông tin vụ việc này và sẽ khẩn trương xác minh làm rõ các vấn đề liên quan”.

Sau chỉ đạo của Công an TPHCM, ngày 22/9, lực lượng trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế đã liên hệ với đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM để tiếp nhận cụ thể các vấn đề liên quan đến nội dung được báo phản ánh qua bài viết: “Thuốc điều trị COVID-19: Cấm vẫn bán”. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.

PGS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM kiêm thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố cho biết: “Hiện nay, túi thuốc C là thuốc kháng virus đang đáp ứng đủ số lượng và nhu cầu cho bệnh nhân trong diện được điều trị. Loại thuốc này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm vì chưa được cấp phép của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế nên chưa được bán trên thị trường. Đây là loại thuốc rất đặc biệt, do một doanh nghiệp dược tại TPHCM được nhượng quyền để sản xuất tại Việt Nam. Đến ngày 22/9 đã có khoảng hơn 10.000 trường hợp F0 đang điều trị tại nhà trong diện đủ tiêu chí đáp ứng với điều trị đã ký cam kết được tiếp cận, sử dụng túi thuốc C”. (Tiền phong, trang 5).

Nhiều thuốc mới được bổ sung vào phác đồ điều trị Covid-19

Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, Bộ Y tế đã bổ sung thêm thuốc kháng virus nhằm ức chế sự sao chép của virus và  thuốc kháng thể đơn dòng chỉ định điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên.

Bộ Y tế vừa có quyết định sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng virus corona mới (SARS-CoV-2).

Theo hướng dẫn này, Bộ Y tế bổ sung thuốc kháng virus trong điều trị Covid-19 nhằm ức chế sự sao chép của virus. Thuốc kháng virus đường uống được chỉ định được dùng cho tất cả những trường hợp xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 giai đoạn sớm. Thuốc kháng virus đường tiêm, truyền được dùng cho bệnh nhân nội trú.

Hướng dẫn cũng chỉ rõ, đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới thì việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Còn đối với thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì cho phép sử dụng theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất kèm theo khi nhập khẩu, như thuốc Remdesivir, Favipiravir.

Đặc biệt, trong hướng dẫn mới nhất này, Bộ Y tế cũng bổ sung các loại thuốc kháng thể đơn dòng (là thuốc ức chế Interleukine 6 hoặc trung hòa virus). Thuốc này được chỉ định điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên ở mức độ nhẹ đến vừa và có nguy cơ tiến triển nặng như: người cao tuổi, béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2, bệnh thận mạn tính, bao gồm cả các bệnh nhân đang lọc máu, bệnh gan mạn tính, suy giảm miễn dịch đang được điều trị ung thư, bệnh nhân ghép tủy xương hoặc ghép tạng, suy giảm miễn dịch…

Bộ Y tế nêu rõ, với các thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì cho phép sử dụng theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất kèm theo khi nhập khẩu, như: thuốc Tocilizumab, Sarilumab, Casirivimab 600mg + Imdevimab 600mg, Bamlanivimab 700mg + Estesevimab 1400mg và Strovimab. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 05/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/8/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/12/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận