Điểm báo ngày 24/01/2019
Chung tay làm vơi bớt nỗi đau của các gia đình có con em, người thân bị ung thư; Những giọt máu ân tình và nồng ấm; Thêm một trường hợp trẻ bị chó nhà tấn công phải nhập viện…
Ngành công an, y tế phối hợp, siết chặt an ninh bệnh viện
Ngày 23-1, tại Hà Nội, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện chủ động phối hợp với cơ quan công an thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình quốc gia phòng chống tội phạm; hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe và danh dự của nhân viên y tế; chủ động thông báo cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an cấp huyện, cấp xã và chính quyền địa phương tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh. Khi xảy ra vụ việc có tính chất khẩn cấp, phức tạp về an ninh trật tự tại cơ sở khám chữa bệnh, thông báo ngay cho lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh qua số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của công an địa phương để được ngăn chặn, giải quyết kịp thời.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội các cấp thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý và giải quyết ban đầu các vụ, việc liên quan đến an ninh trật tự báo đến số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của công an địa phương; bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên bảo đảm an ninh, trật tự; tăng cường cho các cơ sở khám chữa bệnh là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc trung ương, các tỉnh, thành phố và quận, huyện, thị xã.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, gần đây tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là một số bệnh viện lớn xuất hiện tình trạng bất ổn về an ninh trật tự. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo lực xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. (Sài Gòn giải phóng, trang 9)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 5: “Ký kết quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện”; An ninh Thủ đô trang 4: “Phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện”
Những giọt máu ân tình và nồng ấm
Sáng 23/1, tại Đại học Hải Phòng, hàng trăm đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện trong khuôn khổ Ngày hội xuân hồng – Chủ nhật đỏ 2019.
Trong trang phục học quân sự, Nguyễn Thị Thùy Linh cùng hàng chục sinh viên khác tham gia hiến máu tình nguyện. Linh sinh năm 2000. Đây là lần đầu tiên Linh hiến máu. Cô gái học ngành kế toán cho biết, hiến máu sớm để còn học quân sự nội dung bắn súng. Trần Tuấn Anh, sinh năm 2000, học cùng khoa với Linh cũng tham gia hiến máu trong trang phục đi học quân sự.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Cao Thị Phượng, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ thành phố Hải Phòng cho biết, máu là thuốc chữa bệnh, nên sự kiện hiến máu tình nguyện có ý nghĩa cao đẹp, khởi đầu cho một năm tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động hiến máu tình nguyện cứu người. Bà Phượng cũng cảm ơn báo Tiền Phong, ĐH Hải Phòng, các bạn trẻ đã tạo nên một sự kiện giàu ý nghĩa.
Nhà báo Hồ Sỹ Lực, phụ trách Ban Bạn đọc và Công tác xã hội báo Tiền Phong, đại diện báo Tiền Phong cho biết, cách đây 11 năm, Chủ nhật đỏ khởi đầu với ý nghĩa cứu giúp người bệnh dịp cuối năm. Sự kiện đang ngày càng mở rộng, hiện đã có quy mô trên 40 tỉnh, thành trên cả nước, tiếp nhận hơn 40 nghìn đơn vị máu…
Nhà báo Hồ Sỹ Lực (phải) đại diện báo Tiền Phong tặng kỷ niệm chương cho đại diện đoàn trường ĐH Hải Phòng và sinh viên có thành tích trong công tác hiến máu tình nguyện
Đi thăm và động viên các sinh viên hiến máu tình nguyện, PGS.TS Nguyễn Thị Hiên, Hiệu trưởng ĐH Hải Phòng cũng đăng ký hiến máu. Bà Hiên từng làm công tác đoàn, phụ trách công tác sinh viên của trường, đã gần chục lần đồng hành, hiến máu với sinh viên.
Theo bà Hiên, hiện trường ĐH Hải Phòng trung bình mỗi năm phối hợp 3 sự kiện hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, có một số sinh viên đã ra trường, nhưng là thành viên của CLB hiến máu, lại mang dòng máu hiếm, khi có trường hợp cần máu, nhà trường liên lạc là lại quay về hiến máu cứu người bệnh.
“Hiến máu quan trọng nhất là làm công tác vận động, tuyên truyền, nêu gương”, bà Hiền nói. (Tiền phong, trang 15)
“Cứu tinh” cho các bệnh nhân mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo
Sinh ra những đứa con khỏe mạnh là mong mỏi của tất cả những người làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được niềm hạnh phúc trọn vẹn đó. Theo thống kê, cứ khoảng 1.000 trẻ chào đời thì có một trẻ mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Điều đáng nói, ở nước ta, nhóm bệnh này đa số được phát hiện muộn, tỷ lệ tử vong và tàn tật cao…
Sự hối hận muộn màng
Giữa năm 2018, vợ chồng chị Vũ Thị Phượng (ở Quang Lộc, Thanh Hóa) vui mừng chào đón cậu con trai thứ 2 chào đời. Thế nhưng, hạnh phúc đến với đôi vợ chồng trẻ chẳng được bao lâu khi anh chị phát hiện con bỏ bú, hay nôn trớ, li bì. Vội ôm con lên Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra, chị Phượng sững người khi được bác sĩ thông báo, bé nhà chị mắc MSUD – một trong những bệnh thuộc nhóm các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
Sáu tháng qua, nếu những đứa trẻ bình thường khác sẽ được mẹ ôm ấp, được bú dòng sữa của mẹ thì bé Dũng, con trai chị lại không được hưởng niềm hạnh phúc ấy. Bé phải sống chung với bông băng, tiêm truyền trong bệnh viện, phải “cách ly” với sữa mẹ và ăn sữa công thức riêng biệt được chuyển từ nước ngoài về. Chứng kiến đứa con tội nghiệp chân tay thâm tím vì kim châm, đầu loét vì phải nằm bất động nhiều, rồi hàng đêm quấy khóc vì đau đớn, chị Phượng như đứt từng khúc ruột.
Cũng có con mắc bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng với chị Nguyễn Thị Mơ (ở Thủy Nguyên, Hải Phòng), đây là lần thứ 2 vợ chồng chị phải đối diện với thực tế này. Theo lời chị Mơ, cậu con trai đầu của vợ chồng anh chị khi sinh ra thường ngủ li bì gần như cả ngày. Khi ấy, gia đình chị nghĩ đơn giản rằng trẻ con mới sinh thường như vậy nên chủ quan không đưa con đi khám. Về sau, thấy con bị sụt cân, vợ chồng chị cũng cho bé lên viện tỉnh kiểm tra nhưng chỉ nhận được kết quả bé bị sụt cân sinh lý. Đến khi bé được gần một tháng, có dấu hiệu bỏ ăn, người xanh, gia đình quyết định đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương thì nhận được tin bé bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh nhưng đã ở giai đoạn muộn. Sau 6 ngày nằm điều trị tại viện, bé đã qua đời.
Năm 2017, khi mang thai bé thứ 2, gia đình chị Mơ cũng chủ động tìm hiểu về bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, nhưng do đường sá xa xôi cùng với một số lý do nên vợ chồng chị đã không tiến hành làm xét nghiệm để sàng lọc gene bệnh. Giờ đây, nhìn đứa con tội nghiệp phải chịu nhiều đau đớn, sống chung với thuốc men, bệnh tật, đôi vợ chồng trẻ mới thấy sự hối hận muộn màng…
Nhiều trẻ tử vong vì phát hiện muộn
Câu chuyện của gia đình chị Phượng hay chị Mơ chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp mắc bệnh lý rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hiếm gặp được phát hiện. Là người đã có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về các loại bệnh hiếm, nhất là nhóm các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, TS.BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di Truyền, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc sơ sinh và quản lý các bệnh hiếm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, bản thân ông đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh thương tâm của các gia đình phải mất con do trẻ mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh nhưng không được phát hiện kịp thời.
Theo TS.BS Vũ Chí Dũng, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là một nhóm các bệnh rối loạn di truyền đơn gene. Trong đó, con đường chuyển hóa của cơ thể bị khiếm khuyết một phần hoặc hoàn toàn do thiếu hụt các enzim tham gia chuyển hóa trong cơ thể. Đây là nhóm các bệnh phổ biến nhất trong các loại bệnh hiếm và được coi là bệnh hiểm nghèo do quá trình điều trị rất khó khăn và kéo dài đến suốt đời.
BS Vũ Chí Dũng cho biết, nhiều bệnh thuộc nhóm rối loạn chuyển hóa bẩm sinh có diễn tiến rất nhanh. Đôi khi có những trẻ chỉ nôn 1 – 2 lần sau đó đã rơi vào tình trạng hôn mê. Hoặc có những bệnh trẻ có các biểu hiện như li bì, nôn, bỏ bú… lại dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh thông thường khác, khiến việc phát hiện và điều trị kịp thời cũng gặp khó khăn.
“Nếu như phát hiện bệnh trước khi xuất hiện các biểu hiện bệnh thì tỷ lệ điều trị rất khả quan, lên tới 90%. Ngược lại, nếu để tình trạng xuất hiện bệnh mới điều trị thì việc phát triển bình thường chỉ đạt 20%, di chứng tàn tật và khả năng tử vong cao”, BS Vũ Chí Dũng nhấn mạnh.
Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, TS.BS Vũ Chí Dũng cho biết, ở người bình thường vẫn tiềm ẩn từ 7-10 gene khuyết tật. Theo đó, khi những người mang gene khuyết tật hiếm ngẫu nhiên kết hôn với nhau thì nguy cơ sinh ra con bị khuyết tật bẩm sinh tương ứng là 1/4, tức là 25%. Đây là xác suất ngẫu nhiên trên một lần sinh. Do đó, có nhiều trường hợp, cùng bố mẹ sinh ra nhưng có người mắc bệnh, có người lại khỏe mạnh bình thường.
Phương pháp đem lại sự sống “kỳ diệu” cho các bệnh nhi
Để đánh giá một cách chính xác về nhóm các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh cũng như đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, trong nhiều năm qua, BS Vũ Chí Dũng cùng các cộng sự đã miệt mài tiến hành nhiều công trình nghiên cứu và thử nghiệm, đem lại kết quả rất đáng mừng. Theo đó, trong 12 năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã triển khai nghiên cứu thí điểm về phân bố của các nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh trên phạm vi cả nước. Từ đó, có những đánh giá trên phương diện dịch tễ về sự lưu hành của bệnh. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu về việc chẩn đoán bệnh. Một trong những nhóm nghiên cứu về chẩn đoán là sử dụng các kỹ thuật hóa sinh và kỹ thuật di truyền phân tử hiện đại để phát hiện bệnh. Vì vậy, đã có rất nhiều ca bệnh được chẩn đoán kịp thời.
Một nhóm nghiên cứu khác mà BS Vũ Chí Dũng đang tiến hành là tham gia các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng về các loại thuốc mới và đặc biệt là enzim thay thế của thế giới. Chẳng hạn, từ năm 2017, với vai trò là nghiên cứu viên chính, đại diện cho Bệnh viện Nhi Trung ương, BS Vũ Chí Dũng đã tham gia vào thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm của quốc tế về enzim thay thế cho bệnh Hunter (một trong các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh). Nghiên cứu này có 10 nước tham gia trong đó Việt Nam đóng góp một nửa số bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm này.
Để minh chứng cho hiệu quả của các công trình nghiên cứu góp phần vào việc điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, BS Vũ Chí Dũng đã đưa ra những con số “biết nói” trong việc giảm thiểu số bệnh nhi mắc bệnh cũng như số trẻ tử vong do các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Ví dụ về bệnh Siro niệu (MSUD). Trên thế giới, trong số 185.000 người mới có một người mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta có khoảng 60 trẻ được phát hiện mắc căn bệnh này. Số lượng bệnh nhân của Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ và Philippines. Tuy nhiên, điều đáng nói, khi điều tra tiểu sử trong gia đình của 60 trẻ này, trước đó đã có ít nhất 70 anh chị em ruột đã tử vong mà không được khẳng định bệnh.
Theo BS Vũ Chí Dũng, trước năm 2014, hầu hết trẻ được chẩn đoán muộn dẫn đến tử vong hoặc tàn tật suốt đời. Từ năm 2014 đến nay, nhờ áp dụng phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, số trẻ mắc bệnh này khi được cấp cứu vào viện đã được chỉ định lọc máu kịp thời, hầu hết được cứu sống và có phát triển tốt lên rất nhiều.
Một ví dụ khác được BS Vũ Chí Dũng đưa ra là bệnh Pompe. Đây cũng là bệnh hiếm với tỷ lệ 1/40.000. Từ năm 2017 đến nay, có 18 trẻ được phát hiện mắc bệnh này. Biểu hiện của bệnh là trẻ bị khó thở, tím tái, cơ tim phì đại, giảm trương lực cơ, mềm nhão, lưỡi dày. Nếu trẻ không được phát hiện sớm, hầu hết là tử vong trước 12 tháng trong tình trạng suy tim và suy hô hấp. Với những đối tượng bệnh nhi được phát hiện bệnh, sẽ được truyền enzim thay thế, 2 tuần một lần. Theo BS Dũng, trong số 18 bệnh nhi được truyền enzim thì có 14 bé đang sống và có tiến triển bệnh tốt. 2/3 trong số đó, chức năng vận động cải thiện rõ rệt, không phải thở oxy.
Để đạt được những kết quả khả quan trên, BS Vũ Chí Dũng luôn nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là phải phát hiện bệnh sớm”. Theo đó, với những gia đình đã có tiền sử mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, nên đi xét nghiệm để sàng lọc gene bệnh. Đặc biệt, khi trẻ sinh ra, cần được lấy máu gót chân từ 24 – 48 giờ đầu sau sinh để làm xét nghiệm. Từ đó, các bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh, giảm tỷ lệ tử vong cũng như nguy cơ tàn tật ở trẻ em, góp phần sinh ra những đứa con khỏe mạnh, nâng cao chất lượng giống nòi. (Gia đình & Xã hội, trang 6)
Thêm một trường hợp trẻ bị chó nhà tấn công phải nhập viện
Ngày 23.1, bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang (Khoa Phẫu thuật hàm mặt – tạo hình – thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội) cho biết các bác sĩ vừa tiếp nhận điều trị một bé gái 6 tuổi ở Nam Định, vào viện với tình trạng bị đa vết thương phức tạp vùng mặt.
Đáng lưu ý, bé gái bị một vết thương gò má trái lóc da rộng khoảng 6 cm sát với đường đi thần kinh và ống tuyến nước bọt, nếu đứt dây thần kinh có nguy cơ liệt mặt.
Gia đình cho biết, bệnh nhi bị chó nhà nuôi cắn trong lúc đang chơi ở nhà.
Chiều 23.1, hai ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi tỉnh táo, được tư vấn tiêm phòng dại sau phẫu thuật, các vết thương mổ khô, dự kiến có thể ra viện sau 1 – 2 ngày tới.
Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận các bệnh nhân là người lớn và trẻ em bị chó tấn công gây thương tích nặng, thậm chí tử vong… (Thanh niên, trang 3)
Chung tay làm vơi bớt nỗi đau của các gia đình có con em, người thân bị ung thư
Chiều tối 22-1, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự “Chương trình Xuân yêu thương – Tết cho bệnh nhi ung thư nghèo” do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng và Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức.
Theo báo cáo từ ngành y tế, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Theo ghi nhận ung thư, mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mới mắc, trong đó có 1,5% là trẻ em và 114.871 ca tử vong do ung thư.
Trong những năm qua, ngành Y tế đã có rất nhiều nỗ lực và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như toàn xã hội trong công tác phòng chống ung thư. Tới năm 2018 trên toàn quốc đã có 8 bệnh viện chuyên ngành, 69 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu hiện đại, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân…
Trò chuyện với các y bác sĩ và trực tiếp thăm, tặng quà cho các bệnh nhi ung thư nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bà rất xúc động khi mỗi lần đến bệnh viện thăm các bệnh nhân vào những ngày cuối năm cũ, chuẩn bị đón năm mới bởi trong khi các cháu thiếu nhi cả nước đang háo hức chờ đón Tết cổ truyền thì còn biết bao bệnh nhi đang phải chống chọi từng ngày, từng giờ với bệnh hiểm nghèo…
Cũng vì thế, những món quà gửi đến các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhi chính là những liều thuốc tinh thần vô giá, giúp xã hội thấy ấm lòng, giúp những người bệnh nghèo hy vọng về tương lai.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng trăn trở vì trên 70% người bị bệnh ung thư thường tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn, rất nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt các trường hợp không có thẻ BHYT cần được giúp đỡ; có những người dù biết mình mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo nhưng vẫn phải canh cánh nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền cho gia đình; thời gian điều trị bệnh ung thư kéo dài, số tiền điều trị quá lớn không có khả năng chi trả…
“Chúng ta rất xót xa, thương tâm khi chứng kiến nhiều em nhỏ mặc dù đã được BHYT chi trả phần lớn nhưng do phải điều trị kéo dài phải vĩnh viễn rời xa việc học tập, vui chơi cùng bạn bè và không thể tiếp tục chạy chữa do gia cảnh quá khó khăn.
Trong hoàn cảnh này, những quỹ như Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng như cái “phao” để nhiều gia đình, nhiều bệnh nhân nương tựa” – Chủ tịch Quốc hội nói.
“Tôi rất xúc động khi các bệnh viện và Quỹ hỗ trợ bênh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng đang chung tay làm vơi bớt nỗi đau của các gia đình có con em, người thân bị ung thư. Quỹ này ra đời từ tình cảm của cán bộ ngành Y tế dành cho bệnh nhân ung thư nghèo và vì bệnh nhân ung thư nghèo.
Qua 7 năm hoạt động đã có hơn 24.000 bệnh nhân, bệnh nhi được hỗ trợ bằng tiền mặt, thuốc điều trị ung thư… trị giá hơn 400 tỷ đồng, là những con số rất ấn tượng” – Chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Sau khi đến từng gường bệnh, ân cần hỏi thăm và tặng quà cho các bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng gửi lời tri ân sâu sắc tới những thầy thuốc và các bệnh viện đang ngày đêm điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân ung thư, nhất là trẻ em. (An ninh Thủ đô, trang 2)