Điểm báo ngày 24/6/2020

(CDC Hà Nam)
Bệnh bạch hầu lan rộng ở Ðắk Nông: Do không tiêm vắc-xin đầy đủ; 5 giờ cân não sửa chữa tim bé 15 giờ tuổi; Bé trai 1 tuổi mắc Covid-19 đã khỏi bệnh; Bộ Y tế cấp số lưu hành cho máy thở của Vingroup…

 

Chống dịch Covid-19 là thành quả chung của cả dân tộc

Ngày 23-6, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương đã thay mặt đoàn báo cáo tóm tắt kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV. Theo đó, tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật.

Một số luật vừa được thông qua như: luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án… Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua một số nghị quyết quan trọng như: phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (ILO), Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31-12-2025…

Tại buổi làm việc, cử tri quận Cái Răng, TP Cần Thơ bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những thành công to lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của nước ta trong thời gian vừa qua. Cử tri cho rằng, thành công trên là nhờ vào những chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, cử tri cũng hoan nghênh tinh thần nhân đạo được thể hiện trong các chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Đảng và Nhà nước ta. Cụ thể như, việc chăm lo đời sống của người dân trong đại dịch, sự hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, lao động thất nghiệp, chính sách bảo trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài, chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp, giảm giá điện, nước…

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị cần xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, tham nhũng từ việc mua sắm thiết bị y tế đến việc triển khai thực hiện các gói chính sách hỗ trợ.

Tiếp nhận ý kiến của các cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự cảm ơn trước sự tin tưởng, ủng hộ của người dân trong việc cùng Đảng, Nhà nước đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh dân tộc, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Những thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của nước ta là thành quả chung của cả dân tộc”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: Chúng ta tự hào với thế giới về tinh thần Việt Nam, về lòng nhân ái của nhân dân Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19. Từ những “cây ATM gạo”, những “siêu thị 0 đồng” đã thể hiện rõ nét truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.

Đối với các hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, nhũng nhiễu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ bắt và xử lý nghiêm minh các đối tượng này theo các quy định của pháp luật. Riêng  tội này sẽ không có tình tiết giảm nhẹ, mà chỉ có tình tiết tăng nặng, bởi vì đó là sức khỏe, mạng sống của nhân dân.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, cũng như những tác động rất lớn đến nền kinh tế của nước ta, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi cử tri tiếp tục đồng hành, tin tưởng, ủng hộ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế – xã hội. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Bé trai 1 tuổi mắc Covid-19 đã khỏi bệnh

Bệnh nhân 328 (bé trai 1 tuổi), điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương, đã khỏi bệnh.

Chiều 23.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) thông báo, thêm 1 ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, là bệnh nhân 328 (bé trai 1 tuổi), điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương.

Như vậy, hiện đã có 329 bệnh nhân (BN) Covid-19 tại Việt Nam được điều trị khỏi, 68 ngày liên tiếp cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng; 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, Việt Nam có 349 ca mắc Covid-19, không có ca tử vong.

Liên quan sức khỏe BN 91 (nam phi công người Anh) đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), Ban chỉ đạo cho hay BN có sức cơ hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ 2 chân, phổi cải thiện trên 85%, đã thở khí phòng hoàn toàn.

BN đang trong giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và cần 2 – 3 tuần để phục hồi thể trạng, đi lại an toàn. Ban chỉ đạo cũng đề nghị BV Chợ Rẫy cử đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ BV đa khoa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quản lý, điều trị các BN Covid-19 là công dân Việt Nam từ Kuwait về. (Thanh niên, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Thêm một người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh”; Hà Nội mới, trang 7: “Việt Nam đã điều trị khỏi cho 329 bệnh nhân mắc Covid-19”; An ninh Thủ đô, trang 2: “Không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, chỉ còn 15 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2”.

 

Bộ Y tế cấp số lưu hành cho máy thở của Vingroup

Ngày 20.6 qua, Bộ Y tế ra Quyết định số 2591/QĐ-BYT, chính thức cấp số đăng ký lưu hành cho máy thở Vsmart VFS-510, do Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất Vinsmart, thuộc Tập đoàn Vingroup, phát triển.

Vsmart VFS-510 là mẫu máy thở “made in Vietnam” đầu tiên được công nhận chính thức bởi Bộ Y tế. Sản phẩm đã trải qua các bài đo kiểm chất lượng độc lập, được tiến hành đánh giá lâm sàng thông qua việc sử dụng thực tế tại nhiều bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai, Quân y 103, Vinmec… với sự theo dõi, đánh giá sát sao của các bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia đầu ngành.

Kết quả cho thấy VFS-510 hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, độ an toàn và chức năng vận hành của Bộ Y tế, cũng như đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Vsmart VFS-510 được phát triển dựa trên mẫu PB560 của Hãng Medtronic đã được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Trong đó, 70% các cụm linh kiện là do Vingroup chủ động nghiên cứu để tự sản xuất hoặc nội địa hóa, bao gồm cả các cụm linh kiện cốt lõi và phức tạp như quạt thổi khí (blower), các bo mạch (PCBA điều khiển, nguồn…), song song với tự chủ sản xuất bàn phím, màn hình hiển thị, vỏ máy, pin…

Toàn bộ quá trình phát triển Vsmart VFS-510 đều có sự phối hợp chặt chẽ của Medtronic. Đặc biệt, các kỹ sư của Medtronic tham gia cùng Vsmart hiệu chỉnh lại phần mềm của máy nhằm đảm bảo các tính năng của VFS-510 hoàn toàn tương đương với máy gốc PB560. Bên cạnh đó, Vingroup cũng phối hợp với Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm kỹ thuật 1 Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Viện Trang thiết bị y tế tiến hành nhiều bài đo kiểm khác nhau nhằm kiểm soát tốt các chỉ tiêu an toàn điện và thông số kỹ thuật của máy thở. Trên cơ sở đo kiểm, Vsmart đã chỉnh thông số kỹ thuật trên dây chuyền công nghệ, nhằm đảm bảo VFS-510 đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn quốc tế.

Dự kiến, lô sản phẩm đầu tiên xuất xưởng vào ngày 26.6 và sẽ được chuyển giao ngay cho Đại sứ quán Nga và Ukraine theo thỏa thuận trao tặng máy thở ký ngày 6.5. Trước đó, Vingroup đã gửi mẫu máy thở cho nước bạn thực hiện các thủ tục kiểm định chất lượng theo quy định. (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Máy thở của VinGroup được cấp số lưu hành”.

 

Cảnh báo đại dịch Covid-19 đang tăng tốc

Tình hình Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi đẩy mạnh sản xuất thuốc dexamethasone kèm khuyến cáo thận trọng.

Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến do Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tổ chức hôm 22.6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi thế giới đoàn kết và có sự lãnh đạo toàn cầu trong việc đối phó đại dịch Covid-19, sau khi số ca mắc vượt ngưỡng 9 triệu vào hôm qua. “Mối đe dọa lớn nhất của thế giới không phải là vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19. Chúng ta không thể đánh bại đại dịch với thế giới chia rẽ. Việc chính trị hóa đại dịch khiến nó càng trầm trọng thêm”, AFP dẫn lời ông nhấn mạnh.

Trong khi các nước châu Âu tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, các ca mắc Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Bắc và Nam Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua dự báo số ca tử vong tại nước này có thể lên đến 150.000, đồng thời nhấn mạnh con số này có thể đã lên đến 4 triệu nếu không có biện pháp đối phó.

Trong khi đó, nhiều nơi đang lo ngại về các cụm lây nhiễm mới như Melbourne (Úc), Lisbon (Bồ Đào Nha) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Hãng AP dẫn lời chuyên gia Michael Ryan phụ trách chương trình y tế khẩn cấp của WHO nhận định việc ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục cho thấy một số nước đông dân đang tiến tới đỉnh dịch. Trước thông tin cho rằng số ca mắc Covid-19 tăng do xét nghiệm nhiều, ông Ryan bác bỏ nguyên nhân này và nêu rõ rằng tình hình dịch đang phức tạp vì số ca nhập viện và tử vong đều tăng.

Trước tình hình trên, ông Tedros kêu gọi các nước đẩy mạnh sản xuất dexamethasone, loại thuốc chống viêm giá rẻ giúp giảm tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân nặng. Khoảng 2.000 bệnh nhân Covid-19 sử dụng thuốc này trong nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) và tỷ lệ tử vong giảm 35% trong số những bệnh nhân nặng.

WHO nhấn mạnh thuốc này chỉ nên sử dụng cho bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch và dưới sự theo dõi sát sao tại bệnh viện. “Không có bằng chứng nào cho thấy thuốc này có hiệu quả đối với bệnh nhân Covid-19 nhẹ hay có tác dụng phòng ngừa, thậm chí nó có thể gây hại”, ông Tedros cảnh báo và kêu gọi các nhà cung cấp cần đảm bảo chất lượng vì có nguy cơ cao các sản phẩm giả hoặc kém chất lượng được tuồn ra thị trường. (Thanh niên, trang 24).

 

Bệnh bạch hầu lan rộng ở Ðắk Nông: Do không tiêm vắc-xin đầy đủ

Ngày 23/6, ông Hà Văn Hùng- Phó giám đốc Sở Y tế Ðắk Nông cho biết, tính đến nay trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận có 12 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong.

Nguồn lực yếu

Theo ông Hùng, trong số 12 ca nói trên có 4 ca ở huyện Krông Nô đã phục hồi sức khỏe. Những ca còn lại ở xã Quảng Hòa (4 ca) và xã Đắk R’măng (3 ca, đều ở huyện Đắk Glong). “Hiện nay có khoảng 700 khẩu được điều trị cách ly dự phòng 7 ngày theo quy định ở 2 xã thuộc huyện Đắk Glong. Còn ở huyện Krông Nô, 435 khẩu đã hoàn thành việc cách ly điều trị. Ngoài điều trị dự phòng, ngành y tế còn phun hóa chất khử trùng tại các khu dân cư, khu vực công cộng tại các ổ dịch” – ông Hùng nói.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, từ ngày 20/6, tiếp nhận 14 người (trong đó có 13 trẻ và 1 người lớn) đến từ 3 ổ dịch bạch hầu ở Đắk Nông, gồm: 2 ổ dịch ở huyện Đắk Glong và 1 ổ dịch (huyện Krông Nô). Trong đó, có 2 ca mắc bệnh bạch hầu ác tính viêm cơ tim cấp tính rất nặng là em N.V.T (9 tuổi) và ông G.A.P (65 tuổi). Các trường hợp còn lại đang được lấy mẫu xét nghiệm theo dõi tại 1 khu cách ly riêng biệt để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, qua khám sàng lọc tại cộng đồng vào ngày 19/6/2020, em N.V.T xuất hiện viêm amidan cấp có giả mạc hầu họng, trắng đục ít và được điều trị cách ly tạm thời tại Trạm Y tế xã Quảng Hòa. Bệnh nhân T sống gần nhà, có tiếp xúc gần và thường xuyên qua nhà bệnh nhân S.T.H (9 tuổi) dương tính với bệnh bạch hầu và đã tử vong vào ngày 20/6/2020, với chẩn đoán bị “bạch hầu ác tính biến chứng tim”. Trước khi phát bệnh một tuần, T đi học bình thường và tiếp xúc với 32 học sinh, lớp 1C, trường Tiểu học B.V.Đ, xã Quảng Hòa (trong đó có 29 em trú tại xã Quảng Hòa; 3 em ở thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô).

Ngành Y tế Đắk Nông đã điều tra đánh giá, truy vết các đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính, đồng thời lấy 104 mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm. Hiện, vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh. Nhiều tuần trước đó, Đắk Nông còn ghi nhận 4 ca mắc bệnh bạch hầu đều đang theo học tại Trung tâm bảo trợ xã hội nhà May Mắn (tại Thôn Đức Lập, xã Đăk Sor, huyện Krông Nô), gồm: Ng.T.L.A (SN 2008); L.T.A.V (SN 2005); Q.H.B (SN 2011) và một ca lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Nói về việc để dịch bệnh bạch hầu bùng phát, ông Hà Văn Hùng nói: “Có những trường hợp chúng tôi mang vắc-xin đến nơi, nhưng họ (người dân tộc thiểu số – PV) không đưa con đến tiêm. Ở đây cũng có 1 phần trách nhiệm của anh em Y tế. Do nguồn lực của mình tới đó, nên không làm đạt được tới đích. Nếu có nguồn lực sẽ làm tốt hơn nữa”, ông Hùng cho biết.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh bạch hầu xuất hiện ở Đắk Nông, đã chuyển 10.000 liều vắc-xin Td (vắc-xin uốn ván – bạch hầu) và cử cán bộ đến địa phương cùng chống dịch. “Qua kiểm tra thực tế, cụm dân cư nơi dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở xã Quảng Hòa có tỷ lệ tiêm chủng cực thấp. Như trường hợp bé gái tử vong vừa rồi, chỉ tiêm chủng đúng 1 mũi vắc-xin 5 trong 1 vào năm 2011”, ông Chiến nói.

Nói về biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch lâu dài, theo ông Chiến, cần tăng cường công tác tiêm chủng, đặc biệt đối với đồng bào vùng khó khăn; Kết hợp tiêm vắc-xin Td bổ sung cho lứa tuổi lớn của chương trình tiêm chủng quốc gia. Cần quan tâm đào tạo cho cán bộ y tế cơ sở đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa về lâm sàng bệnh bạch hầu để phát hiện điều trị kịp thời, tránh tử vong.

Vẫn trong tầm kiểm soát

Ngày 23/6, ông Ðặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đã chỉ đạo y tế tỉnh Ðắk Nông xác định đối tượng và độ tuổi để tiêm phòng vắc-xin ngừa bạch hầu cho người dân nơi đây. Hiện nay Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đang phối hợp với y tế địa phương ngăn chặn dịch bệnh và điều trị cho các bệnh nhân. Do tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát của y tế địa phương và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nên hiện Cục Y tế dự phòng chưa cần can thiệp. Dự kiến, tuần tới có thể Cục sẽ cử cán bộ vào hỗ trợ nếu diễn biến dịch theo chiều hướng xấu đi.

Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Các triệu chứng chính của bệnh là: Ớn lạnh, chảy nước dãi, ho nhiều, sưng các tuyến ở cổ, khó thở, khó nuốt… cùng với việc cảnh giác phòng bệnh thì khi có các triệu chứng, người dân cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị. (Tiền phong, trang 10).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 7: “Vì sao dịch bạch hầu trở lại? ”; Khoa học & Đời sống, trang 8: “Đăk Nông: Cách ly một khu vực do trẻ tử vong vì bạch hầu”.

 

Phấn đấu đến hết năm 2020, hơn 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế

Theo Bộ Y tế, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chỉ đạo UBND các tỉnh thực hiện nghiêm Quyết định số 1167/QĐ-BYT của Thủ tướng.

Kết quả, đến hết năm 2019 có 85,945 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 89% dân số; ước tính đến tháng 6/2020 có 85,428 triệu người tham gia BHYT, tăng 828.000 người so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 517.000 người so với thời điểm hết năm 2019 (nguyên nhân là do dịch bệnh COVID người lao động tại một số doanh nghiệp không có việc làm), đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số, hoàn thành chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao (Đảng, Quốc hội giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 là trên 80%), đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 (năm 2019 Thủ tưởng giao 88,1%), trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.

Bộ Y tế cho biết, với kết quả này, mục tiêu đến hết năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là có khả năng thực hiện được và phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% dân số tham gia BHYT theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra. (Công an Nhân dân, trang 1).

 

Người già nhập viện tăng vọt do nắng nóng

Theo bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Lão khoa trung ương, những ngày gần đây, lượng bệnh nhân là người cao tuổi nhập viện điều trị nội trú tại bệnh viện tăng cao.

Đặc biệt, bệnh nhân mắc các bệnh lý viêm phổi, rối loạn điện giải tăng gấp 150% so với những ngày bình thường. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng gay gắt, trong khi ở người cao tuổi khả năng chống chịu với sự thay đổi của thời tiết kém, nhất là khi nắng nóng kéo dài.

Tương tự, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị tiếp nhận trung bình 1.200 bệnh nhân/ngày. Số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi họng, thanh quản, viêm xoang… tăng cao ở các đợt nắng nóng kéo dài.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến người già có các bệnh lý tim mạch mãn tính dễ biến chứng nặng như suy tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ…

Theo các bác sĩ, một trong những lý do thường gặp khiến người già đổ bệnh trong ngày nắng nóng là do người bệnh chăm sóc sức khỏe không đúng cách, thay đổi thân nhiệt đột ngột do để điều hòa nhiệt độ trong phòng với bên ngoài chênh lệch lớn, mất nước…

Cũng liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa hè nắng nóng, vừa qua Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội xây dựng Kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho cán bộ dân số, y tế tuyến cơ sở, cán bộ khoa lão các bệnh viện và cộng tác viên dân số.

Đặc biệt, đầu tháng 6 này, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã tổ chức đợt truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho khoảng 3.000 cộng tác viên dân số, người cao tuổi sinh sống tại các xã, phường của 6 quận, huyện (Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh, Thạch Thất, Quốc Oai).Qua đó, các chuyên gia đã tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là phòng bệnh thường gặp ở người cao tuổi; hướng dẫn dinh dưỡng đúng cách, cung cấp một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe đơn giản, dễ thực hiện cho người cao tuổi. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

5 giờ cân não sửa chữa tim bé 15 giờ tuổi

Chiều tối 23/6, Bệnh viện Nhi T.Ư công bố điều trị thành công ca tim bẩm sinh đặc biệt nặng cho trẻ mới 15 giờ tuổi. Ðây là 1 trong những bệnh nhi được phẫu thuật sửa chữa tim ngay khi mới chào đời được ít giờ. Ðáng chú ý, phải mất gần 2 giờ đồng hồ các bác sĩ mới có thể gây mê được cho trẻ.

Bệnh nhi Nguyễn Minh H (sinh ngày 13/5/2020, địa chỉ Nam Từ Liêm, Hà Nội) mắc bệnh Tứ chứng Fallot phức tạp. Kết quả này đánh dấu cột mốc là bệnh nhân sơ sinh nhỏ tuổi nhất ngay sau khi ra đời có tổn thương nặng nề được điều trị thành công tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

Bệnh nhi Nguyễn Minh H được chẩn đoán trước sinh tại Bệnh viện Phụ Sản T.Ư, chào đời tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và ngay sau đẻ được vận chuyển cấp cứu sang Bệnh viện Nhi T.Ư cùng ngày 13/5/2020, khi được 2 giờ tuổi trong tình trạng nguy kịch phải thở máy, liên tục xuất hiện các cơn tím tái; liên tục tụt huyết áp và mạch chậm. Các bác sĩ thường xuyên phải cấp cứu tình trạng ngừng tuần hoàn, sử dụng phối hợp nhiều thuốc vận mạch liều cao nhưng tình trạng không cải thiện.

Trẻ được chẩn đoán dị tật tim bẩm sinh là Tứ chứng Fallot có kèm theo tình trạng tăng áp lực động mạch phổi và ống động mạch đã đóng. Với diễn biến của trẻ không giống với những trường hợp được chẩn đoán là Tứ chứng Fallot thông thường, ban lãnh đạo Trung tâm đã tiến hành hội chẩn cấp cứu cho bệnh nhân.

Ngay sau đó quyết định mổ cấp cứu được đưa ra nhằm sửa chữa và đưa giải phẫu trái tim của bệnh nhân trở về bình thường, kèm theo phải điều trị tình trạng tăng áp động mạch phổi vô căn từ thời kỳ bào thai hiếm gặp.

Qua 5 giờ phẫu thuật liên tục, với nhiều diễn biến phức tạp trong mổ, bệnh nhân đã được TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm trực tiếp phẫu thuật sửa chữa để tim có thể hoạt động giống với tim bình thường.

Tuy nhiên diễn biến sau mổ của trẻ xấu dần đi theo từng giờ từng phút do tình trạng tăng áp lực động mạch phổi. Trẻ được các bác sĩ hồi sức tích cực, cho thở máy với khí NO để giảm áp lực động mạch phổi nhưng không hiệu quả.

TS Cao Việt Tùng – Trưởng khoa Điều trị tích cực Tim mạch ngoại khoa cùng ê kíp hội chẩn đã đưa ra quyết định sử dụng biện pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) nhằm hỗ trợ cho tuần hoàn và hô hấp cho bệnh nhân. Đồng thời tiến hành thông tim chẩn đoán đánh giá giải phẫu động mạch phổi và loại trừ các căn nguyên gây tăng áp lực động mạch phổi khác.

Sau 4 ngày liên tục sử dụng ECMO, tình trạng trẻ cải thiện rõ rệt, đã được cai và rút ECMO nhưng vẫn phải để hở ngực do huyết động chưa thực sự ổn định, kèm theo tình trạng phù toàn thân và thoát dịch qua mô kẽ.

Sau 8 ngày sau phẫu thuật, trẻ được đóng ngực và được tiếp tục hồi sức tích cực trong 18 ngày sau đó do tình trạng suy thận, suy tim… Sau quá trình hồi sức tích cực và trải qua rất nhiều khó khăn vất vả, hiện cháu bé đã được rút máy thở, tự thở tốt với tình trạng ổn định và chuẩn bị được ra viện. Kết quả siêu âm tim của cháu trước khi ra viện cho thấy tim của cháu H hoạt động giống tim bình thường.

TS Trường cho biết, Tứ chứng Fallot là một khuyết tật nghiêm trọng của quả tim, xuất hiện ngay từ thời kỳ bào thai. Phần lớn các trường hợp mắc tổn thương tim bẩm sinh này sẽ cần phẫu thuật khi trẻ được 6-9 tháng tuổi, rất hiếm khi cần phải phẫu thuật từ trong thời kỳ sơ sinh.

Đối với những trường hợp Tứ chứng Fallot có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi (vô căn hoặc tăng áp động mạch phổi từ trong bào thai) ngay sau sinh là rất hiếm gặp, đe dọa tính mạng ngay sau khi ra đời, cần phải phẫu thuật và can thiệp hồi sức khẩn cấp. Kể cả khi phẫu thuật thành công thì tỷ lệ tử vong cũng rất cao do quá trình hồi sức rất phức tạp và nặng nề. (Tiền phong, trang 10).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Phẫu thuật tim cho bệnh nhi vừa trào đời được 15 giờ”.

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 20/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/1/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/6/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận