Để bệnh viện toàn tâm cứu người
Khi tình trạng thiếu thuốc tại nhiều cơ sở y tế đang từng bước được khắc phục thì việc thiếu trang thiết bị y tế vẫn gặp không ít khó khăn; thậm chí nhiều bệnh viện đang loay hoay trong việc đấu thầu, mua sắm, liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế.
Hiện việc xác định đơn giá dự toán mua sắm thuốc, vật tư y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, các bệnh viện đang gặp khó khăn trong quá trình lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch theo quy định tại khoản 2 điều 11 Thông tư 58-2016 của Bộ Tài chính.
Trên thực tế, hàng hóa phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm thì sẽ khó có hàng hóa tốt, phù hợp phục vụ người bệnh. Vì vậy, giá hàng hóa mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, mà cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, chuyên khoa, hạng bệnh viện và quy định rõ các bước, hội đồng có thẩm quyền xác định nhu cầu điều trị thực tế phù hợp với đơn vị.
Để làm được điều đó, cần thay đổi, cho phép các bệnh viện từ hạng I trở lên được lựa chọn “thương hiệu” trong việc mua sắm các thiết bị điều trị kỹ thuật cao có tính chuyên sâu, phù hợp với mô hình bệnh tật và nhân lực được đào tạo của cơ sở y tế đó. Bên cạnh đó, cần quy định chi tiết như thế nào là tình huống cấp bách trong y khoa, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người bệnh; từ đó cho phép các cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật định để kịp thời có thuốc phục vụ người bệnh; đồng thời, quy định rõ tổ chức nào trong cơ sở y tế có thẩm quyền xác định tình huống cấp bách, để tránh lạm dụng chỉ định thầu và đồng thời bảo vệ đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý.
Một thực trạng nữa cũng không thể không đề cập khi hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn quy định về xây dựng tiêu chí kỹ thuật trong đấu thầu dịch vụ sửa chữa, bảo trì trang thiết bị y tế. Cần xem xét bổ sung văn bản quy pháp phạm luật công tác đấu thầu cho phép được mời thầu đúng chủng loại vật tư y tế cần sửa chữa thay thế, như vậy mới đảm bảo được tính tương thích với hệ thống. Đơn cử, về đặc thù trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như thiết bị chẩn đoán điều trị chuyên sâu bệnh lý ung thư (Cyclotron/PET-CT/PET-MRI, Hệ thống xạ trị điều trị ung thư, CT Scanner) có rất ít nhà cung cấp và phân phối ở Việt Nam nên việc tham chiếu giá để xây dựng kế hoạch đấu thầu sửa chữa bảo trì khó khăn, việc xác định cơ cấu giá dịch vụ sửa chữa còn mập mờ.
Tham khảo giá trên cổng thông tin thì giá dịch vụ không thống nhất, cũng như trong gói dịch vụ sửa chữa được đăng tải cũng không đầy đủ, mặt khác việc thu thập báo giá cũng không thực hiện được, nhiều bệnh viện không đủ cơ sở để xây dựng giá gói thầu. Ngoài ra, đặc thù vật tư linh kiện thay thế phải cùng chủng loại, tương thích với hệ thống, với trang thiết bị y tế cũ nên bệnh viện gặp khó trong xây dựng yêu cầu kỹ thuật. Nếu ghi cụ thể loại trang thiết bị thì vi phạm tiêu chí kỹ thuật mời thầu theo định hướng chỉ định thầu, còn nếu không ghi rõ tên trang thiết bị thì đấu thầu xong linh kiện không tương thích cũng không sử dụng được…
Vì tính chất tương thích với hệ thống máy xét nghiệm nên hóa chất sử dụng thông thường là hóa chất đóng và các hệ thống xét nghiệm có hóa chất đóng này là những thiết bị hiện đại, có độ chính xác cao, thực hiện được nhiều kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu điều trị mang tính chuyên sâu, kỹ thuật cao phù hợp với các bệnh viện tuyến cuối. Nếu dùng hóa chất không tương thích với hệ thống sẽ dẫn đến kết quả không chính xác, ảnh hưởng đến chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
Trước thực trạng này, các bệnh viện rất cần được cho phép tiếp tục thực hiện đấu thầu vật tư, hóa chất theo quy trình hiện tại và đơn vị trúng thầu được phép cho mượn, đặt máy để sử dụng hóa chất trúng thầu như hiện nay trong thời gian chờ giải pháp hiệu quả thay thế. Song song đó, cần điều chỉnh bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 151/NĐ-CP thêm hình thức sử dụng máy mượn, máy đặt phù hợp với thực tiễn của ngành y hiện nay.
Hiện nay, việc liên doanh liên kết, xã hội hóa trong y tế được thực hiện theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP, nhưng còn nhiều điểm chưa phù hợp với ngành y trong khi đây là ngành đặc thù rất cần thiết có quy định chi tiết riêng. Cùng với đó, do ảnh hưởng của “hậu Covid-19”, có một số gói thầu chậm triển khai khiến bệnh viện gặp nhiều khó khăn, không đủ cơ sở để tiến hành xây dựng đơn giá gói thầu. Do đó, rất cần quy định cụ thể hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, như: cho phép gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đối với các gói thầu dịch vụ phi tư vấn để đảm bảo cho công tác phục vụ hậu cần của bệnh viện đồng hành với công tác chuyên môn điều trị cho người bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Siết trách nhiệm người nhà bệnh nhân khi vào viện
Hàng loạt vấn đề được ngành y tế TP.HCM đề xuất bổ sung khi góp ý dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó có việc luật hóa quyền và nghĩa vụ thân nhân bệnh nhân khi vào viện, nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho nhân viên y tế cứu người.
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM về việc góp ý dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo đề nghị của Bộ Y tế và Đoàn ĐBQH TP.
Theo đó, Sở Y tế TP đánh giá cao dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (gọi tắt là luật KCB) sửa đổi lần thứ 4 (ngày 25.7.2022) đã được soạn thảo công phu, bổ sung nhiều điều, khoản theo ý kiến góp ý của các địa phương, nhất là các góp ý của TP.HCM như bổ sung chức danh nghề nghiệp: cấp cứu viên ngoại viện, phân cấp hệ thống khám chữa bệnh (KCB), bác sĩ (BS) người nước ngoài khi KCB tại VN cho người VN phải sử dụng tiếng Việt…
Kiến nghị xuất phát từ thực tiễn
Tuy nhiên, thực tế hoạt động KCB tại TP trong thời gian qua, nhất là sau đại dịch Covid-19 đã phát sinh nhiều vấn đề mới, Sở Y tế TP đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật KCB (điều 1), Sở đề xuất bổ sung “Quyền và nghĩa vụ thân nhân của bệnh nhân (BN)” trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Lý do, thực tiễn trong thời gian qua, nhiều vụ gây mất an ninh trật tự ở các cơ sở KCB, gây mất an toàn cho BN và nhân viên y tế (NVYT) là do thân nhân BN gây ra. Do đó, dự thảo luật KCB cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của BN và thân nhân BN.
Về quyền và nghĩa vụ của BN (chương 2), Sở Y tế đề xuất bổ sung quyền và nghĩa vụ thân nhân của BN trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật KCB, nên cần thay đổi tên chương 2 thành “Quyền và nghĩa vụ của BN và thân nhân của người bệnh”.
Tại khoản 3, điều 16 bổ sung, điều chỉnh thành “BN và thân nhân người bệnh phải chấp hành nội quy của cơ sở KCB, quy định của pháp luật về KCB”. Bởi tình trạng tấn công, hành hung NVYT là một thực trạng đáng báo động. Mới đây, đêm 27.7, thân nhân BN không hài lòng với cách giải thích và xử lý của BS khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM) nên đã có hành vi hành hung BS. 10 ngày sau, cũng tại BV này, một thân nhân BN khác dùng vật nhọn tấn công BS khoa cấp cứu chỉ vì không hài lòng với cách xử trí của BS.
Luật hóa để bệnh viện an toàn hơn
TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho rằng NVYT rất mong có được những bộ luật giúp bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của mình khi thực hiện công việc cứu người. NVYT mong nhận được môi trường làm việc an toàn hơn và nếu chẳng may có chuyện không hay xảy ra thì các thủ tục báo cáo sự cố được đơn giản hóa nhằm được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Đồng ý với đề xuất của Sở Y tế, TS-BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV Q.11 (TP.HCM), cho biết: Mỗi ngày BV này có khoảng 2.300 – 2.400 BN khám ngoại trú và 230 – 240 BN nội trú. Như vậy, tổng số người ra vào BV mỗi ngày khoảng 3.000 người (tính cả BN và thân nhân). Theo TS-BS Dũng, lâu nay, quyền và nghĩa vụ của thân nhân BN chỉ nằm trong quy chế, quy định của BV chứ chưa có luật quy định, nên luật hóa vấn đề này thì BV sẽ dễ xử lý hơn, đặc biệt là bảo vệ NVYT. Chẳng hạn, với người bệnh chăm sóc cấp 1 trong tình huống đặc biệt thì cấm thân nhân BN vào (khu cấp cứu, hồi sức), chỉ khi nào BN ổn định ra phòng bệnh bình thường thì thân nhân được vào chăm sóc và hỗ trợ BN, nhưng thực tế có khi thân nhân vẫn vào. Ngoài ra, ở khu nội trú, yêu cầu thân nhân BN phải đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, giúp BN tuân thủ điều trị hướng dẫn của BS; không được làm gì khác như mời người khác vào phòng bệnh, cho uống thuốc ngoài chỉ định. “Tựu trung lại cần quy định để thân nhân BN đảm bảo an toàn BV, an toàn cho NVYT, cho BN…”, BS Dũng nói.
BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy, thông tin: Mỗi ngày ở BV Chợ Rẫy có tối thiểu 28.000 người. BS Việt tính toán, trung bình có 3.000 BN nội trú, kèm theo đó là 3.000 người nuôi bệnh và có tối thiểu 3.000 người bên ngoài phòng bệnh để thay phiên cho 3.000 người trong phòng bệnh; như vậy, đã có 9.000 người. Đối với BN ngoại trú là 6.000 người, trung bình có khoảng 9.000 người đi cùng, tức trong BV đã có thêm 15.000 người. Như vậy, chỉ tính riêng BN và thân nhân đã có 24.000 người và còn có 4.000 NVYT của BV. Thân nhân BN ở trong BV đông như vậy đã làm ảnh hưởng rất nhiều, kẻ gian trà trộn vào móc túi, sử dụng điện nước, ảnh hưởng môi trường vệ sinh…
“Luật KCB hiện chưa đề cập đến thân nhân BN, nhưng thân nhân BN – người nuôi bệnh là một hiện hữu trong BV và luật có quy định người nhà BN ký một số giấy tờ. Bên cạnh đó, do phong tục tập quán của người VN, khi bệnh là phải có người nhà kế bên nhằm ổn định tâm lý, hỗ trợ BN, thực hiện các thủ tục pháp lý cho BN. Do đó, đề nghị luật cần có chương quy định về “Quyền và nghĩa vụ của thân nhân BN”, BS Việt nói.
Đồng quan điểm, giám đốc một BV thuộc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, khi bệnh tật, ai cũng lo lắng, nhất là thân nhân luôn muốn được bên cạnh chăm sóc, chia sẻ với BN nặng, là điều chính đáng. Tại BV đã có quy định thân nhân BN, như tại khoa cấp cứu quy định rõ 9 điều, trong đó thân nhân BN phải tuân thủ đến 7 điều: cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan KCB cho BN; ngồi chờ trước phòng cấp cứu, khi cần NVYT sẽ mời vào; không mang vật dụng, tư trang, túi xách vào phòng cấp cứu; thân nhân BN trong phòng cấp cứu không nói chuyện lớn tiếng, không nói chuyện qua ĐTDĐ, không ngồi trên giường bệnh; giữ gìn vệ sinh trật tự, không ăn uống, vứt rác bừa bãi trong phòng cấp cứu; khi có thắc mắc vấn đề gì xin vui lòng liên hệ NVYT; hợp tác với NVYT khi di chuyển người bệnh vào khoa…
Tuy nhiên, theo vị này, lâu lâu cũng xảy ra “đại náo” BV, việc luật hóa “quyền và nghĩa vụ thân nhân BN” là để dễ điều chỉnh, dễ chế tài. Do đó, đánh giá, phân loại BN để ưu tiên cấp cứu là vấn đề cốt lõi. Không chỉ ở BV, ở bất cứ đâu người dân cũng phải tôn trọng người thi hành công vụ…
Phải xem tấn công y bác sĩ là chống người thi hành công vụ
Theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM), trong bối cảnh các BV không đủ tiền để hợp đồng trả lương cho nhiều điều dưỡng, NVYT, nên tỷ lệ điều dưỡng/BS/BN không bao giờ đủ, dẫn đến mới chấp nhận để người nhà BN vào chăm sóc. Người nhà BN vừa không có chuyên môn, vừa ẩn chứa rất nhiều vấn đề về an ninh trật tự. Có nhiều thân nhân BN vào BV đi khắp BV, có trường hợp còn gây gổ với người khác, với NVYT.
Theo ĐB Lan: “Luật hóa hành vi vào BV tấn công NVYT là chống người thi hành công vụ, vì hành vi này vừa sai về mặt đạo đức vừa ảnh hưởng chất lượng KCB, tính mạng người khác nên phải bị xử phạt một cách thích đáng, chứ không để tình trạng vào BV là rượt NVYT chạy… Cũng giống như đi máy bay mà chống tiếp viên, phi công thì bị cấm bay. Luật hóa để môi trường BV an toàn hơn, văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, sạch sẽ cho BV…”.
Bà Lan cũng đặt vấn đề: Thân nhân BN là ai? Ở VN thường một BN thì cả gia đình vào thăm, chăm sóc, ai cũng đòi quyền coi bệnh án, chỉ đạo KCB này kia, khiếu nại… nên NVYT rất ngại thân nhân BN. “Đòi hỏi của thân nhân BN rất nhiều, theo tôi, luật cần quy định thân nhân phải ở cấp độ nào, bản thân người bệnh có đồng ý không? Bởi vào BV khi nào mổ thì người nhà phải ký cam đoan, ngay cả luật KCB cũng chưa nói rõ người nhà BN là ai, ràng buộc ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm với BN?”.
Đặt vấn đề để đảm bảo an ninh tại BV, an toàn cho NVYT, cho BN tại BV, có nên giảm mật độ thân nhân BN vào BV, chẳng hạn 1 BN kèm 1 người nuôi như thời điểm Covid-19, tại 1 số khoa mà BN tự chăm sóc được thì không cho thân nhân vào… PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), cho rằng không cho thân nhân BN vào BV là lý tưởng nhất, điều này ai cũng muốn, nhưng thực tiễn tại VN thì chưa thể được. Vì NVYT chăm sóc chuyên môn cho BN còn chưa xuể, huống gì nói đến tắm rửa, cho BN ăn uống… Mặt khác, chi phí chăm sóc y tế còn chưa tính đủ mà BN đã gánh nhiều, nếu tính thêm chi phí chăm sóc nữa thì BN lo không xuể. “Vẫn cho người nhà BN vào BV nhưng có nội quy, có kỷ luật và nhất là khi vi phạm thì phải nghiêm trị để có tính răn đe. Cấm người nhà vào nuôi bệnh là khó vì văn hóa, kinh tế…”, PGS-TS Diễm Tuyết nói.
Còn theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để người nhà BN không vào BV thì đòi hỏi nhân lực y tế phải đủ mạnh về số lượng, cần thêm loại hình trợ lý điều dưỡng và cần tính chi phí chăm sóc… Muốn thực hiện được, đòi hỏi sự đồng bộ về thể chế: tự chủ tài chính, giá, đánh giá chất lượng BV và kết quả đánh giá chất lượng gắn liền giá thu…
Điều dưỡng, bác sĩ bị tấn công nhiều nhất
TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, thông tin: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), NVYT là đối tượng có nguy cơ bị tấn công bạo lực với tỷ lệ ghi nhận từ 8 – 38%. Việc tấn công bạo lực với NVYT tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe, thể chất; làm giảm động lực của NVYT; ảnh hưởng chất lượng chăm sóc BN; gặp rủi ro trong cung cấp dịch vụ và chăm sóc sức khỏe; gây tổn thất tài chính lớn trong y tế.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, điều dưỡng có nguy cơ bị tấn công cao nhất với 39% – bị chửi mắng hoặc bị tấn công bạo lực khi ở BV. 46% điều dưỡng ghi nhận họ bị tấn công trong vòng 5 đêm trực gần nhất (thời điểm nghiên cứu) và 1/3 trong số đó bị tấn công bạo lực. Điều dưỡng tại phòng cấp cứu thì tỷ lệ bị tấn công cao hơn, gần như 100% họ bị chửi mắng và hơn 82% bị tấn công bằng vũ lực. Bên cạnh đó, 50% BS bị tấn công bạo lực khi làm ở cấp cứu. Đại học Michigan (Mỹ) ghi nhận: 89% đối tượng tấn công BS là BN; 9% là thân nhân BN; 2% là bạn bè BN. 78% BS làm việc tại khu cấp cứu là mục tiêu của các trường hợp tấn công. Trong đó, 75% là bị chửi mắng, 21% bị tấn công bằng vũ lực, 5% bị chặn đường bên ngoài BV và 2% bị theo dõi.
Về nguyên nhân NVYT bị tấn công, đó là do BN có thời gian chờ đợi lâu; môi trường đông đúc; chất lượng món ăn không được tốt; nhận được thông tin xấu về người thân; trình độ văn hóa kém, thu nhập thấp; tiền sử từng có hành vi tấn công người khác đặc biệt là NVYT; có mang theo vũ khí (Thanh niên, trang 2).
Số ca mắc covid 19 trên cả nước tăng lên hơn 3.200 ca
Chiều 23-8, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 3.252 ca mắc Covid-19 (tăng 1.055 ca so với ngày hôm qua), trong đó có 3.195 ca trong nước và 57 ca nhập cảnh. Đây cũng là ngày có số ca nhập cảnh cao nhất trong thời gian qua.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.389.268 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.801 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 9.367 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.090.048 ca.
Ngoài ra, hiện có 119 bệnh nhân đang thở ô xy (giảm 9 ca so với ngày hôm qua), trong đó có 102 ca thở ô xy qua mặt nạ, 8 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 2 ca thở máy không xâm lấn và 7 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.106 ca, chiếm 0,4% tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 24/227, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Về tình hình tiêm chủng, theo Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 254.786.196 liều, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 218.075.283; tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là 22.015.018 liều; tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 14.695.895 liều (Hà Nội mới, trang 7).
Khủng hoảng trong ngành Y: Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt
Biến động nhân sự vì các lý do khác nhau là vấn đề thường xuyên xảy ra ở bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào. Tuy nhiên, tình trạng nghỉ việc hàng loạt của cán bộ, viên chức đặc biệt là nhân viên y tế thời gian qua đã tác động không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, giải quyết an sinh xã hội.
Số liệu thống kê từ Công đoàn ngành Y tế Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Nhân viên y tế đồng loạt nghỉ việc chỉ trong thời gian ngắn là việc chưa từng có trong lịch sử ngành y tế.
Làn sóng nghỉ việc có xu hướng tiếp tục tăng cao tại nhiều địa phương đang gây khó khăn và áp lực rất lớn lên hệ thống y tế công lập.
TPHCM là một trong những địa phương có hệ thống y tế công lập phát triển hàng đầu của cả nước. Tại đây tập trung các bệnh viện từ tuyến trung ương đến hệ thống trạm y tế phường, xã, đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu người dân sống trên địa bàn, đồng thời tiếp nhận, điều trị cho người bệnh đến từ các khu vực miền Đông Nam bộ, miền Tây, khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, năm 2021, ngành y tế thành phố có gần 43.000 nhân sự. Tuy nhiên, gần đây dưới tác động của đại dịch COVID-19, nhiều khó khăn phát sinh khiến số lượng nhân viên y tế nghỉ việc gia tăng.
Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, TPHCM có 1.154 cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc, xin chuyển công tác hoặc bỏ việc vì không chịu nổi những áp lực. Tuy nhiên, sau khi thành phố đã kiểm soát được đại dịch, nhân viên y tế vẫn tiếp tục nghỉ việc ồ ạt với số lượng có thể còn cao hơn so với năm trước.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, toàn thành phố có 891 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Hầu hết người xin nghỉ việc đều có trình độ chuyên môn, nhiều kinh nghiệm trong hoạt động khám chữa bệnh và công tác quản lý.
Để bù vào số người nghỉ việc, ngành y tế thành phố tuyển nhiều nhân sự mới. Tuy nhiên, hầu hết người mới là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm và cần đào tạo thêm về chuyên môn.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở các địa phương khác trên cả nước. Tại Bình Dương, thống kê cho thấy, toàn tỉnh có 3 bệnh viện công lập tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến huyện, 19 phòng khám đa khoa khu vực, 91 trạm y tế, 2 bệnh viện theo hệ thống y tế ngành. Ngành y tế tỉnh hiện có 8.880 nhân viên y tế.
BS Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết, Bình Dương đang thiếu hơn 800 nhân viên y tế. Tính từ năm 2021 đến hết tháng 7/2022, tỉnh có hơn 320 nhân viên y tế nghỉ việc với nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân lương thấp, áp lực công việc.
Để bù đắp số lượng nhân viên nghỉ việc, tỉnh thực hiện 2 hình thức, mời gọi trực tiếp và tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức ngoài tỉnh, tuyển dụng theo yêu cầu vị trí làm việc và theo chỉ tiêu biên chế, nhưng khó thu hút nhân sự.
Những chia sẻ đắng lòng
Chia sẻ với phóng viên về nguyên nhân xin nghỉ việc trong hệ thống y tế công lập, BS L.K.H, nguyên trưởng khoa Gây mê Hồi sức của một bệnh viện lớn trực thuộc Sở Y tế TPHCM, hiện giữ chức trưởng khoa tại một bệnh viện tư, nói rằng, áp lực công việc ở hệ thống bệnh viện công lập là rất lớn nhưng cơ sở vật chất không được đầu tư tương xứng. Có những máy móc đã sử dụng 25 năm trong phòng mổ, đến nay vẫn còn dùng.
“Thiết bị thì thiếu trước hụt sau. Điều đó giống như bắt chúng tôi ra chiến trường mà không có súng hoặc phát cho cây súng thì không cung cấp đạn”, BS K.H nói.
“Trang thiết bị không đảm bảo, nhiều bệnh nhân chết oan, nhân viên y tế phải che giấu nhưng lương tâm chúng tôi vô cùng cắn rứt, cảm thấy có lỗi. Đây chính là những góc khuất không ai dám nói. Người trong cuộc thì biết nhưng không có giải pháp xử lý vì không có kinh phí.
Tôi quyết định thôi việc tại bệnh viện công và chuyển sang bệnh viện tư một phần là do không đồng quan điểm với cách quản lý của ban giám đốc bệnh viện, phần khác là muốn tìm đến môi trường làm việc tốt hơn với hy vọng phát huy được năng lực của mình để phục vụ người bệnh”, BS K.H nói.
BS N.M.B vừa quyết định nghỉ việc tại một bệnh viện ở thành phố Thủ Đức (TPHCM) để chuyển sang hoạt động kinh doanh. Theo BS M.B, môi trường làm việc trong hệ thống y tế công lập có rất nhiều ràng buộc, gò bó, nhưng vấn đề đãi ngộ quá bèo bọt. Đợt dịch vừa qua, nhân viên y tế đã làm việc quá cực khổ và nguy hiểm nhưng được đối đãi không tương xứng.
Ngay cả khoản khen thưởng cho những người tham gia chống dịch, các bên liên quan cũng đùn qua, đẩy lại. Trong thời điểm dịch bùng phát, bệnh viện không có bệnh nhân (các bệnh khác) thì thu nhập của nhân viên y tế bị cắt giảm. Sau dịch, lượng bệnh chưa phục hồi, thu nhập của nhân viên y tế cũng chẳng khá hơn.
“Trước dịch, bác sĩ ngoại khoa mỗi tháng có thể nhận được từ 25 đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, sau dịch, lượng bệnh giảm, nhiều khoản bị cắt giảm nên có bác sĩ thu nhập chưa được 10 triệu đồng mỗi tháng. Bác sĩ nội khoa bình thường thu nhập đã thấp thì nay còn thấp hơn. Mỗi bác sĩ mới ra trường, bậc lương được hưởng khoảng 6,5 triệu đồng, cộng với phúc lợi hàng tháng khoảng hơn 2 triệu và tiền ăn 600 nghìn đồng thì tổng thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng. Khoản tiền trên làm sao sống được ở Sài Gòn trong cơn bão giá như hiện nay”, BS M.B nói.
Y sĩ Đ.H.K, nguyên Phó trưởng Trạm y tế xã An Điền (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), cho biết, đầu năm 2022 anh viết đơn xin nghỉ vì áp lực công việc. “An Điền là địa bàn rộng, dân số đông, công việc của nhân viên trạm y tế rất nhiều, như phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, quản lý thai phụ, kế hoạch hóa gia đình, quản lý người bệnh tâm thần…
“Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khối lượng công việc tăng cao, nhân viên y tế dốc sức làm việc gấp 2-3 lần ngày thường nhưng lương thì không tăng. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã giảm nhưng nhân viên lại đối mặt với áp lực tuyên truyền, giám sát ca bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, tay chân miệng…”, y sĩ Đ.H.K cho hay.
Vòng luẩn quẩn
Bệnh viện huyện Củ Chi, TPHCM thời gian qua có hơn 10 nhân viên y tế xin nghỉ việc, hầu hết là người có thâm niên trong công việc. BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi, chia sẻ: “Anh em nghỉ việc, nguyên nhân hàng đầu là do thu nhập chưa tương xứng, tiếp đến là áp lực công việc, khó khăn trong đào tạo phát triển năng lực bản thân và cơ hội tiến thân”.
Theo BS Chánh Xuân, hiện nay, hầu hết bệnh viện trên địa bàn thành phố đã thực hiện cơ chế tự chủ nhưng không đủ lượng bệnh nên thu nhập của nhân viên y tế không cao, không thu hút được nhân lực.
“Chúng tôi đang trong vòng luẩn quẩn bởi nguồn thu hạn chế không thể nâng cao thu nhập cho anh em. Thu nhập thấp thì không thu hút được người về làm. Không đủ người làm thì nhân viên y tế phải gánh nhiều việc, tạo ra áp lực công việc. Áp lực công việc nhiều khiến nhân viên y tế muốn nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Những người cố gắng gắn bó thì bị quá tải, không còn thời gian để được đào tạo và mất đi cơ hội tiến thân”.
Để giữ chân được nhân viên y tế đã khó, thu hút được nhân sự có nhiều kinh nghiệm về công tác tại khu vực vùng sâu, vùng xa của thành phố như Bệnh viện huyện Củ Chi càng nan giải hơn.
“Chúng tôi đang xây dựng cơ chế để thu hút bác sĩ trẻ mới ra trường về công tác, tạo điều kiện cho họ có thể được đào tạo cùng môi trường làm việc tốt nhất để họ an tâm công tác. Khi bác sĩ đã vững tay nghề, thu nhập ổn định và được biên chế thì sẽ tạo được niềm tin cho người bệnh.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kế hoạch. Giải pháp trước mắt của bệnh viện là phải tập trung giữ chân lực lượng nhân viên y tế đang làm việc để ổn định nhân sự”, BS Chánh Xuân chia sẻ (Tiền phong, trang 4).
Mối nguy rượu độc bủa vây: Hôn mê, tử vong vì rượu
Theo các chuyên gia, ngộ độc rượu là do uống rượu chứa methanol, rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc, hoặc uống quá nhiều…
Ngày 16.8, bệnh nhân (BN) sau cùng trong 2 vụ ngộ độc methanol điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, TP.HCM, đã xuất viện nhưng BN này đã bị di chứng sau tổn thương não.
Chỉ trong 2 ngày (3.8 và 5.8), tại TP.HCM đã xảy ra 2 vụ uống rượu sau đó bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) khiến 13 người nhập viện và 2 người tử vong.
Nhiều người chết vì rượu độc
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, trong năm 2021, TP.HCM xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do rượu tại Q.8, Tân Bình và Bình Tân với 22 người ăn uống, trong đó có 7 người tử vong.
Ngoài ra, năm 2021 Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã xác minh, điều tra các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu xảy ra tại các quận: 1, 8, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình và H.Bình Chánh với 34 người ăn uống, trong đó có 24 người nhập viện và 14 người tử vong. Một số vụ chưa đủ cơ sở kết luận là NĐTP xảy ra tại Q.1, Tân Bình và H.Bình Chánh có 9 người nhập viện và 7 người tử vong.
Trả lời PV Thanh Niên về việc ngộ độc rượu chứa methanol gây tử vong, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban ATTP TP.HCM, khẳng định thực tế là do rượu giả mạo mới dễ bị ngộ độc, vì người ta dùng cồn methanol làm rượu nên uống vào sẽ gây chết người.
Vì sao dùng cồn methanol làm rượu ? Theo PGS-TS Phong Lan là vì lợi nhuận, do cồn công nghiệp rẻ hơn nhiều so với gạo nấu thành rượu, do “người bán tham”. “Vừa qua, sau giãn cách có một số trường hợp tử vong sau uống rượu mua vài ngàn đồng/xị. Người nghiện rượu thì uống bằng mọi giá nên uống rượu rẻ, rượu trôi nổi dẫn tới ngộ độc rượu. Nhưng xử lý khó vì chủ yếu người mua không chịu khai. Có người vào cấp cứu mà vẫn không chịu khai mua rượu ở đâu. Mời công an vào cuộc thì mới thú thật nơi mua, nhưng tới nơi thì người bán đã dẹp rồi!”, PGS-TS Phong Lan nói.
Gây tổn thương đa tạng
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, kiêm Trưởng Đơn vị hồi sức chống độc, BV Chợ Rẫy, cho biết trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại rượu, như: Isopropanol, ethanol, methanol, ethylen glycon… Nhưng chỉ có rượu ethanol để uống, còn lại các loại khác dùng trong công nghiệp hay mục đích khác. Uống rượu, dù là rượu ethanol, nếu quá liều lượng thì vẫn bị ngộ độc.
“Mỗi năm BV Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 50 ca ngộ độc rượu khác nhau, trong đó do methanol khoảng 20 ca, tử vong không quá 5 ca do vào viện trễ. Ngộ độc rượu khó chẩn đoán nếu ở cơ sở không đầy đủ xét nghiệm. Mặt khác, bản thân người bị ngộ độc rượu cũng được nhận diện hơi trễ, điều này lý giải tại sao trong một nhóm người uống rượu có 1 người tử vong hay 1 người nhập viện thì những người khác mới tới BV”, TS-BS Hùng thông tin.
Theo TS-BS Hùng, methanol là cồn công nghiệp không dùng để uống mà làm dung môi sản xuất các dung dịch khác như sơn móng tay, rửa máy móc, phun sơn… được sử dụng rộng rãi. Methanol còn được gọi là methyl alcohol hay rượu gỗ. Methanol không màu, dễ bay hơi, dễ cháy và hòa tan tốt trong nước. Methanol có mùi nhẹ và khác biệt rõ với ethanol. Theo ông, có 2 dạng ngộ độc methanol, đó là uống trực tiếp (tự vẫn) chỉ trong 30 phút thì tất cả triệu chứng ngộ độc xảy ra. Dạng thứ 2 là uống phải loại rượu người bán pha thêm rượu methanol vào để tăng độ “phê”. Trong một bàn rượu có người uống nhiều, người uống ít, người uống nhiều sẽ có biểu hiện ngộ độc sớm hơn.
“Ở trường hợp thứ 2, khi uống rượu ethanol pha methanol, giai đoạn đầu cơ thể say rượu ethanol. Khi hết ethanol thì cơ thể sẽ chuyển hóa methanol và lúc này mới bắt đầu ngộ độc methanol, tức khoảng 12 giờ sau uống rượu. Methanol hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa vào máu. Nồng độ đỉnh đạt được từ 30 đến 240 phút, chủ yếu chuyển hóa qua gan hơn 85%, còn số ít đào thải nguyên vẹn qua thận 3% và hơi thở là dưới 10%. Bản thân methanol có độc tính nhẹ nhưng chất chuyển hóa nó lại có độc tính rất cao. Nghĩa là khi methanol vào cơ thể và chuyển hóa thành formaldehyde và chất formic acid – chất rất độc gây tổn thương đa tạng”, TS-BS Hùng nói.
Ở giai đoạn ngộ độc methanol, người bệnh giảm thị giác, sung huyết đĩa thị, phù gai thị, giật nhãn cầu theo chiều thẳng đứng và xoay. Ở giai đoạn sau, đĩa thị nhợt và giảm đáp ứng của đồng tử đối với ánh sáng là những dấu hiệu tiên lượng xấu. BN có thể bị mù hoặc mất thị lực vĩnh viễn. Về hô hấp, BN thở nhanh. Về tiêu hóa, BN đau bụng dữ dội, chán ăn, buồn nôn và nôn ói. Ở thần kinh, BN biểu hiện đa dạng từ cảm giác đau đầu nhiều, lơ lửng, hưng cảm, bồn chồn cho đến lẫn lộn, ngủ lịm, co giật, hôn mê.
Ngoài ra còn có thể gặp triệu chứng cổ cứng, có thể liên quan đến nhồi máu não, xuất huyết não hay tụt não… Ở tim mạch, nhịp tim chậm, suy tim và tụt huyết áp khi ngộ độc nặng. Ở tiết niệu, BN biểu hiện suy thận cấp với thiểu niệu hay vô niệu, nước tiểu đỏ hay sẫm màu.
Uống bao nhiêu rượu có thể ngộ độc ?
Theo Ban Quản lý ATTP TP, methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, ô xy hóa thành formaldehyd và axit formic. Chỉ cần uống 5 – 15 ml có thể gây ngộ độc nặng, 15 ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong.
Do vậy, để phòng chống ngộ độc rượu, bên cạnh kinh doanh, sản xuất, sử dụng rượu hợp pháp, Ban Quản lý ATTP TP kêu gọi người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol hơn 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30 ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không được công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (1 đơn vị rượu chứa 10 gr cồn), tương đương: 30 ml rượu mạnh (40 – 43 độ); 100 ml rượu vang (13,5 độ); 330 ml bia hơi (5 độ); 2/3 chai 500 ml hoặc lon bia 330 ml (5 độ).
Còn theo khuyến cáo của TS-BS Lê Quốc Hùng, kể cả rượu ethanol cũng có thể gây chết người, nếu uống trên 200 mg/dL thì có khả năng hôn mê, trên 400 mg/dL là có thể chết. Do đó, vấn đề là không uống nhiều. TS-BS Hùng cảnh báo: Với người sau uống rượu bị mờ mắt, ói mửa, li bì là dấu hiệu ngộ độc rượu và nên đưa đi BV sớm. Vì ngộ độc rượu nào cũng nguy hiểm đến tính mạng nếu không theo dõi (Thanh niên, trang 22).
Ngọc Nga