Chăm sóc người cao tuổi thông qua chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội
Theo thống kê, cả nước hiện có gần 13 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 12% số dân, trong đó gần hai triệu người hơn 80 tuổi trở lên. Dự báo đến năm 2035, NCT chiếm tỷ lệ 20% số dân, lúc đó Việt Nam là quốc gia dân số già. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đang đặt ra những thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí…, đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT ở nước ta.
Quyết tâm bao phủ 100% bảo hiểm y tế cho NCT
Năm 2016, Bộ Y tế đã xây dựng Ðề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025, theo đó phấn đấu đến năm 2025 đạt chỉ tiêu 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Ðến hết năm 2020, cả nước đã có khoảng 12,1 triệu NCT có thẻ BHYT, chiếm 95% tổng số NCT và còn khoảng 5% người già thuộc diện hộ nghèo chưa có BHYT. Ðồng thời, cả nước có 97 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có Khoa Lão khoa, 918 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT; có hơn 8.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT. Hiện có gần 3,4 triệu NCT được khám tư vấn chăm sóc sức khỏe ban đầu; được lập hồ sơ quản lý sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ…
Theo thống kê, hiện còn khoảng 5% NCT chưa có thẻ BHYT, song trên thực tế con số này có thể cao hơn. Có thể thấy, phần lớn NCT Việt Nam vẫn chủ yếu sống ở nông thôn, sống cùng con cháu, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. NCT đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”, thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi NCT có ba bệnh, có chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng với việc già hóa dân số nhanh của nước ta. Thực trạng vẫn còn nhiều địa phương chưa bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện lập sổ theo dõi sức khỏe, khám, chữa bệnh định kỳ cho NCT… Ðiều này, đòi hỏi phải sớm triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng và chính sách an sinh xã hội để bảo đảm NCT được chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Tại hội nghị tổng kết công tác NCT năm 2020 và triển khai, nhiệm vụ năm 2021 được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam yêu cầu, trong năm 2021, quyết tâm triển khai hỗ trợ BHYT cho 5% số NCT (hơn 500 nghìn người) thuộc diện nghèo chưa có thẻ BHYT. Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam thống nhất giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội NCT Việt Nam, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021.
Thu hút NCT tham gia BHXH tự nguyện
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2020, cả nước có gần 13 triệu NCT, chiếm 12% số dân; trong đó, khoảng 1,98 triệu người hơn 80 tuổi; gần 4,8 triệu NCT là nam giới. Gần 7,7 triệu NCT sống ở nông thôn; tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước. Ðến nay, cả nước có 3,1 triệu NCT hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; 12,1 triệu NCT có thẻ BHYT; 1,8 triệu NCT nhận trợ cấp hằng tháng và hơn 1,4 triệu NCT hưởng trợ cấp người có công với cách mạng.
Liên quan việc thực hiện chính sách BHYT, BHXH cho NCT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho biết, triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, BHXH Việt Nam đã cấp thẻ BHYT cho gần 13 triệu NCT, từ 60 tuổi trở lên. Năm 2020, cả nước có thêm gần 1,1 triệu người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó, tỷ lệ NCT tham gia lớn, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên. Việc NCT tham gia chính sách BHXH, nhất là BHXH tự nguyện sẽ tạo nền tảng an sinh xã hội lâu dài và bền vững. Ðề xuất xây dựng đề án và lộ trình cụ thể để thu hút NCT tham gia BHXH tự nguyện, Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu cho rằng, trước mắt, khi Luật BHXH chưa được sửa đổi, có thể nâng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện theo từng nhóm. Ðối với nhóm NCT, số tiền hỗ trợ không lớn, dự kiến chưa đến 200 tỷ đồng/năm. “Nếu có đề án, mục tiêu thực hiện theo lộ trình, Việt Nam có thể đạt và vượt kế hoạch về chính sách BHXH, BHYT cho người dân, đặc biệt NCT. Mục tiêu đến năm 2021, BHXH Việt Nam cũng quyết tâm thực hiện bao phủ BHYT hết 5% số NCT thuộc diện hộ nghèo còn lại”.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các chính sách liên quan đến NCT, gắn chặt với xóa nghèo đa chiều. Trước thực tế còn khoảng hơn 500 nghìn NCT thuộc diện hộ nghèo chưa có BHYT, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch giao nhiệm vụ cho từng địa phương, nâng cao mức hỗ trợ, tập trung hỗ trợ theo nhóm đối tượng, đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng NCT. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tổng hợp các nguồn lực của Nhà nước dành cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, trong đó có NCT, trên tinh thần phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng đối tượng, giảm dần hỗ trợ trực tiếp mà chuyển sang hỗ trợ NCT có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, đồng thời từng bước kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ thông qua chính sách bảo hiểm cho NCT có hoàn cảnh khó khăn (Nhân dân, trang 4).
Thế giới có gần 100 triệu ca nhiễm Covid-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 24-1, toàn thế giới ghi nhận 99,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2,13 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là hơn 71,45 triệu người.
* Theo tin nước ngoài và TTXVN, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ Ph.Cô-lin cho biết, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ biến thể mới của Covid-19 được phát hiện tại Anh, sau khi các quan chức Anh cảnh báo biến thể này có thể làm tăng tỷ lệ tử vong. Giới chức y tế Mỹ cũng lo ngại về biến thể mới tại Nam Phi, dù Mỹ chưa ghi nhận trường hợp nào. Mỹ có tổng cộng 25,5 triệu ca nhiễm Covid-19.
* Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn chuẩn bị yêu cầu những người tới từ các quốc gia có nguy cơ cao về Covid-19 phải cách ly trong 10 ngày sau khi đến Anh. Chính phủ Anh đã gia hạn các quy định phong tỏa đến ngày 17-7 tới, để bảo đảm các chính quyền địa phương tại vùng Inh-lân có quyền đóng cửa các quán rượu, nhà hàng, cửa hàng và địa điểm công cộng.
* Sáng 24-1, cảnh sát liên bang Ðức bắt đầu tiến hành siết chặt kiểm soát biên giới trong bối cảnh Chính phủ liên bang vừa đưa hàng chục quốc gia vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm cao đối với dịch Covid-19. Tại thủ đô Béc-lin, bệnh viện Humboldt đã phải cách ly toàn bộ sau khi phát hiện 20 ca, gồm 14 bệnh nhân và sáu nhân viên y tế, nhiễm biến thể phát hiện ở Anh.
* Giới chức y tế Niu Di-lân đang điều tra khả năng có ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong nhiều tháng. Trường hợp này là một phụ nữ 56 tuổi, trở về Niu Di-lân ngày 30-12-2020. Giới chức y tế Niu Di-lân đang điều tra theo hướng đây là ca có khả năng nhiễm biến thể mới của Covid-19.
* Số ca mắc Covid-19 phải điều trị tích cực tại Pháp đã giảm 16 người xuống 2.896 người trong ngày 23-1. Ðây là đợt giảm đầu tiên trong hai tuần sau một giai đoạn tăng mạnh. Chính phủ Pháp muốn con số này ổn định trước khi cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế.
* Thủ tướng I-ta-li-a chỉ trích hai hãng dược sản xuất vắc-xin là Pfizer và AstraZeneca vì sự chậm trễ trong chuyển giao theo hợp đồng, đồng thời để ngỏ khả năng kiện các nhà sản xuất. Kế hoạch tiêm phòng Covid-19 tại I-ta-li-a được xây dựng dựa trên cơ sở các cam kết tự do giữa các công ty dược với Ủy ban châu Âu (EC).
* Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo đã ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc sản xuất vắc-xin Sputnik V ngừa Covid-19. Trước đó, RDIF cũng ký hợp đồng sản xuất Sputnik V với các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Bra-xin, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan.
* Tại châu Á, Ma-lai-xi-a ghi nhận thêm 350 ổ Covid-19 mới, trong đó có 225 ổ dịch tại nơi làm việc, chiếm tỷ lệ 64,3%, từ ngày 1-12-2020 tới nay. Riêng trong ngày 23-1 vừa qua, Ma-lai-xi-a đã có thêm 11 ổ dịch mới. Giới chức y tế nước này cảnh báo các chủ lao động phải bảo đảm tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch.
* Tại châu Phi, Ai Cập bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vắc-xin phòng Covid-19 do hãng Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất, với nhóm đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế, tiếp đó là những người mắc bệnh mãn tính và người cao tuổi.
* 16 quốc gia thành viên Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) quyết định phí xét nghiệm PCR để phát hiện Covid-19 ở mức 50 USD, nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi trong khu vực. Hiện một số quốc gia tính phí xét nghiệm PCR lên tới 150 USD, làm nản lòng nhiều du khách vốn phải kiểm tra PCR nhiều lần khi nhập cảnh và xuất cảnh (Nhân dân, trang 8).
Kinh hoàng thực phẩm tắm hóa chất
Những món ăn vặt bắt mắt, hấp dẫn khách hàng, đặc biệt là người trẻ bày bán la liệt ở mọi nẻo đường, vỉa hè Sài Gòn. Ăn ngon miệng nhưng thực phẩm ấy được chế biến như thế nào, có an toàn không thì chỉ… người bán mới biết.
Tay trần… bốc đồ ăn
Trưa 24/1, chúng tôi đến một tiệm ốc trên đường Phan Văn Khỏe (Q.6, TPHCM) “mục sở thị” nhân viên nơi đây dùng tay trần nhặt ốc, chế biến… bán cho hàng trăm khách ăn mỗi ngày. Bày đủ các loại ốc trên bàn, một người đàn ông liên tục dùng đôi tay trần cầm con ốc đã lấy khỏi vỏ, cắt nhỏ từng phần rồi đưa nhân viên chế biến. Nhân viên này cũng dùng tay trần bốc mì gói đã nhúng nước sôi, rau muống… chiên xào khói nghi ngút.
Cũng đôi tay trần ấy, nhân viên quán ốc cũng vô tư nhận tiền, thối tiền cho khách. Không một ai trang bị găng tay, khẩu trang… cảnh bán buôn nhộn nhịp từ trưa đến chiều. Có khách thắc mắc, nhân viên xua tay: “Lên lò nướng thì con gì cũng chết, kể cả virus”.
Từ đường vào chung cư Lê Thành (P. An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM) chưa đầy 500m nhưng có hơn 5 quán ốc kê bàn ra đường kinh doanh. Mùi ốc sống tanh tanh, mùi dầu mỡ xào nướng quyện vào nhau khiến tôi muốn… tắt thở. Tại quán D.T, trên chiếc bàn nhỏ bày chừng chục loại ốc để khách chọn lựa, người bán không lấy ốc từ bàn mà có sẵn trong nhà để chế biến. “Ở đây chỉ làm mẫu cho khách gọi món thôi, chứ vài ký này thì bán được mấy người. Ốc quán em tươi ngon, giá chỉ 25.000 đồng/dĩa, hàng lấy trong ngày nên chị yên tâm” – nhân viên vừa nói vừa nhanh tay chế đủ các loại bơ, sốt đựng trong các chai nhựa không nhãn mác vào mẻ hàu trên lò nướng…
Tại chợ lề đường An Dương Vương (Q.6, TPHCM), tiểu thương chào mời khách mua ốc bươu đã nhể sẵn, giá chỉ 50.000 đồng/kg. Những thau ốc đã chuyển màu tái nhợt, chảy nước nhưng lại chẳng hề có con ruồi bu quanh. “Ốc này giòn, thịt nhiều lắm. Mỗi ngày, tôi bán cả chục ký cho những người bán bún riêu, bún ốc. Nhiều quán nhậu làm món ốc bươu nhồi thịt cũng thường lấy hàng ở đây cho ngợi” – người bán nói.
Họa khôn lường
Ngày 21/1 vừa qua, Đội 5 Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.HCM đã ập vào một cơ sở chế biến thịt ốc tại Khu dân cư Bến Lức (P.7, Q.8, TPHCM) do người đàn ông tên Huân làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện ông Huân cùng các công nhân đang dùng hóa chất công nghiệp để ngâm thịt ốc. Hóa chất này sẽ được pha chế với nước rồi dùng để ngâm ốc trong vòng 7 tiếng.
Sau khi ngâm hóa chất, ốc sẽ sạch, tươi bóng và tăng ký ốc trước khi giao cho các chợ và tiệm ăn trên địa bàn TPHCM. Được biết, đây là cơ sở chế biến ốc lớn nhất ngay khu vực chợ đầu mối nông sản Bình Điền. Nhiều tiệm ăn, xí nghiệp và chợ trên địa bàn TPHCM lấy sản phẩm ốc do cơ sở ông Huân cung cấp. Công an đã niêm phong gần 500 kg hóa chất và hơn 1,3 tấn ốc để phục vụ công tác xử lý, điều tra.
Cùng thời điểm, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa cũng phát hiện bắt giữ một ô tô tải chở 25 thùng (2,5 tạ) cá khoai đi tiêu thụ. Toàn bộ sản phẩm sau khi được lực lượng chức năng test nhanh đều cho kết quả dương tính với phoocmon – hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm do gây ung thư cho người dùng nếu đưa vào cơ thể liên tục.
Cận tết, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Chỉ tính riêng trong tháng 12/2020, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã ban hành 30 quyết định xử phạt vi phạm ATTP với tổng số tiền phạt gần nửa tỷ đồng. Trong đó, thống kê cho thấy, các hành vi vi phạm tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm là để côn trùng (ruồi, gián…) lẫn vào trong nguyên liệu chế biến. Thậm chí, có nơi có cả… phân mèo “dạo chơi” ngay trong khu vực chế biến thức ăn. Các khu vực nhà kho chứa hàng đông lạnh bám bẩn, lâu ngày không được vệ sinh hoặc các quầy kệ đựng nguyên liệu chế biến đều gỉ sét bong tróc… Thậm chí, ngay cả khi quy định cho các cơ sở sản xuất chế biến tự công bố ATTP thì nhiều cơ sở cũng không có hồ sơ này.
Nguy cơ ung thư
Theo các chuyên gia ATTP, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất là hành vi gian lận thương mại. Làm như vậy, người bán mới có lãi cao. Bởi lẽ, thực phẩm ngâm hóa chất sẽ ngon hơn, nặng cân hơn, thời gian bảo quản cũng được lâu hơn. Nếu dùng không hết, thực phẩm ngâm hóa chất chỉ cần bỏ tủ lạnh hoặc cấp đông dùng kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm chẳng sợ hư hỏng.
TS Phan Thế Đồng, Giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng trường Đại học Hoa Sen cho biết, hóa chất công nghiệp không được dùng trong thực phẩm. Mỗi hóa chất gây ảnh hưởng khác nhau tới sức khỏe con người. Có hóa chất làm cho người dùng đau dạ dày, xuất huyết dạ dày, viêm ruột, gây biến chứng, hấp thụ trong máu làm cho dễ mắc xơ gan, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể…
BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam lưu ý: “Thực phẩm ngâm hóa chất dễ làm cho người ăn phải bị ngộ độc cấp tính, gây dị ứng, có thể làm ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng đến các cơ quan chuyển hóa của cơ thể như gan, thận, ruột… Lâu dài có thể gây nguy cơ ung thư” (Tiền phong, trang 4).
Xử nặng những kẻ vì tiền rước họa về đất nước !
Việc một số người vì tiền đưa người nhập cảnh ‘lậu’ bằng đường biển, bất chấp nguy cơ đất nước phải đối mặt thật đáng lên án!
Lực lượng chức năng đang phải căng mình ứng phó nạn nhập cảnh trái phép từ các đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới, đường bộ; nay lại phải vất vả xử lý việc một số người vì tiền đưa người nhập cảnh “lậu” bằng đường biển, bất chấp nguy cơ đất nước phải đối mặt.
Malaysia đang là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng ở Đông Nam Á. Do vậy, thông tin phương tiện chở 38 người từ tàu Malaysia nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không khỏi khiến nhiều bạn đọc (BĐ) “giật thót”. Theo tin Thanh Niên đã đưa, khoảng 4 giờ 30 ngày 22.1, Trạm kiểm soát biên phòng Sông Đốc (Bộ đội biên phòng Cà Mau) phát hiện một phương tiện đường thủy đang chở một nhóm người chạy từ hướng biển vào nội địa. Từ lời khai của những người liên quan, bước đầu cơ quan chức năng xác định thuyền trưởng tàu cá CM 99323 TS Lê Văn Thảo đã cho tàu cặp mạn một tàu đánh cá của Malaysia để nhận chở 38 người Việt (xuất cảnh qua Malaysia lao động phổ thông) với giá 25 triệu đồng. Khi vào gần đất liền, Thảo gọi Quốc đưa tàu ra chở 38 người cập bờ.
“Mù mắt” vì tiền
Hành vi “rước họa vào nhà” của nhóm người nêu trên đã khiến BĐ rất bức xúc. BĐ Nguyễn Thanh đã bình luận: “Đây là những người “mù mắt” vì tiền mà vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Yêu cầu cơ quan chức năng sở tại phạt thật nặng để họ được “sáng mắt” trở lại!”.
BĐ Dương Văn Tuấn phân tích: “Tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép nói chung, đặc biệt trong thời gian cả nước căng mình phòng chống dịch Covid-19 nói riêng, chỉ vì tiền, bất chấp sự an bình của xã hội là hành vi quá nguy hiểm. Ngoài việc xử lý hình sự, xem xét tịch thu phương tiện”.
BĐ Trần Nam chia sẻ: “Đọc tin tức những vụ giúp sức cho người khác nhập cảnh “chui” mà phẫn nộ quá sức! Chỉ vì tiền mà những kẻ tệ hại này có thể gây họa cho đất nước giữa cơn dịch Covid-19. Các cơ quan tố tụng phải điều tra, xử mức án thật nặng thì họa may bọn tổ chức cho người vượt biên trái phép mới run sợ”.
Không dung thứ
BĐ Đào Đào đề nghị: “Cần xử lý hình sự chủ tàu này ngay! Chủ tàu đã coi thường các quy định về phòng chống dịch, đưa người từ Malaysia nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Malaysia đang là ổ dịch và dịch bệnh ở nước này đang diễn biến rất phức tạp. Đưa người từ Malaysia về, trốn tránh cơ quan chức năng, nếu phát tán dịch Covid-19 ra cộng đồng thì thật là hiểm họa cho cộng đồng trong dịp Tết Nguyên đán này. Phải xử lý nghiêm thuyền trưởng để làm gương”. “Hành vi này rất nghiêm trọng. Cần truy tố người cầm đầu và người trốn về nước qua đường biển”, BĐ Võ Trác viết.
Còn theo BĐ Đỗ Văn Nông: “Đây có lẽ là lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện đường dây đưa người nhập cảnh trái phép từ các nước có dịch Covid-19 vào Việt Nam bằng đường biển. Điều này cho thấy, nếu chỉ triển khai lực lượng kiểm soát biên giới trên đường bộ, cửa khẩu mà ít chú ý đến đường biển, đường thủy thì hệ quả thật khó lường. Kiểm soát biên giới, đường mòn, lối mở đã khó, nhưng kiểm soát vùng mênh mông, rộng lớn như trên biển lại càng khó khăn hơn. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, đặc biệt là cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, các ngư dân, tàu cá hoạt động trên biển cũng nên góp sức mình bằng cách báo cho lực lượng chức năng những tàu, thuyền có dấu hiệu khả nghi. Trong cuộc chiến chống Covid-19 này rất cần sự chung tay của mọi người” (Thanh niên, trang 9).
54 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng
Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ngày 24-1, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng. Như vậy, Việt Nam đã có 54 ngày liên tiếp không có ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng.
Tính đến 18h ngày 24-1, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.548 ca, trong đó có 693 ca lây nhiễm trong nước. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 20.536 người, trong đó có 128 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 19.202 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca Covid-19 được điều trị khỏi là 1.411 ca, 35 ca tử vong. Trong số các trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế, 31 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 từ 1 đến 3 lần.
Dù tình hình dịch Covid-19 tại nước ta đang được kiểm soát, song ngành Y tế khuyến cáo mọi người dân không được chủ quan, lơ là mà vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo “thông điệp 5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế). Đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế, nhưng rất hiệu quả (Hà Nội mới, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Đã 54 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 tại cộng đồng”.
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2: Chưa ảnh hưởng đến vaccine COVID-19 của Việt Nam
Trong khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện và lan rộng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, không ít ý kiến lo ngại vaccine COVID-19 các nước đang nghiên cứu, sản xuất, trong đó có Việt Nam sẽ bị chủng virus này vô hiệu hóa. Bộ Y tế khẳng định: Việt Nam đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu và Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện Trung ương tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm đặc biệt khu vực Châu Âu và ở các nước có biến chủng mới để xem khả năng lây truyền hay khả năng xâm nhập vào Việt Nam. “Trong thời điểm hiện nay, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ, cho thấy rằng hiện chưa có tác động ảnh hưởng đến vaccine hay không. Mặc dù quan ngại, nhưng chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó chủng này” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Virus SARS-CoV-2 biến chủng lan rộng
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh đã lây lan ra 60 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 nước và vùng lãnh thổ. Các nước bao gồm Panama, Bồ Đào Nha, Bulgaria, Cuba trong tuần qua đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều nghiên cứu chỉ ra các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây nguy cơ tái nhiễm cao và có tiềm năng kháng các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện hành.
Trong khi đó, bên cạnh việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19, trên toàn thế giới có 46 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine với khoảng 28 triệu liều vaccine được sử dụng.
Tại Việt Nam, các đơn vị sản xuất vaccine COVID-19 đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu, tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng; trong đó có 2 vaccine COVID-19 của Cty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen và Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) đang được thử nghiệm.
Biến thể SARS-CoV-2 chưa ảnh hưởng đến vaccine COVID-19
Những ngày đầu năm 2021, Bộ Y tế đã phát hiện biến thể của SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Theo đó, ngày 22.12.2020, sân bay Cần Thơ tiếp nhận chuyến bay VN50 từ Anh tới Việt Nam có 305 hành khách, chuyển cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh và lấy mẫu xét nghiệm.
Viện Pasteur TPHCM đã đánh giá, phân loại và giải trình tự gene. Kết quả đã ghi nhận 1 trường hợp – BN1435 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 – biến thể VOC 202012/01 – là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời chủng gây bệnh cho BN 1435, cũng có đột biến D614G vốn là chủng được cho làm lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: Biến chủng đột biến trên vùng gene N501Y của virus corona này làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Tuy nhiên, không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh. Đợt dịch COVID-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7-8.2020 đã phát hiện ra đột biến gene của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng lây nhiễm nhưng không như đợt này ở Anh.
Hiện nay, ngành y tế Việt Nam đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu và Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện Trung ương tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm đặc biệt khu vực Châu Âu và ở các nước có biến chủng này để xem khả năng lây truyền hay khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Bộ Y tế cũng yêu cầu giám sát, theo dõi chặt chẽ người từ các quốc gia xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2.
“Trong thời điểm hiện nay, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ, cho thấy rằng hiện chưa có tác động ảnh hưởng đến vaccine hay không. Mặc dù quan ngại, nhưng chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó chủng này” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
GS.TS Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phân tích: Biến chủng SARS-CoV-2 chỉ đột biến trên một số điểm nên không ảnh hưởng đến vaccine COVID-19.
Hiện vaccine Covivac do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất phối hợp cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (đơn vị thực hiện thử nghiệm vaccine Covivac) sản xuất bằng công nghệ virus vector trên môi trường trứng gà có phôi được chính thức thử nghiệm trên người tình nguyện có gắn gene biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học sử dụng protein S của virus này làm kháng nguyên.
“Hiện thế giới ghi nhận đột biến trên một số chủng virus ở Anh, Nam Phi; trong đó ghi nhận một số điểm trên gene mã hóa S. Tuy nhiên, đoạn protein S khá dài trong khi đột biến chỉ trên một số điểm, không phải toàn bộ nên nhìn chung biến chủng của SARS-CoV-2 sẽ không ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19”, GS.TS Đặng Đức Anh nói.
Trên thế giới, các loại vaccine COVID-19 đang nghiên cứu cũng không bị ảnh hưởng tới kháng nguyên và tính sinh miễn dịch. Hiện các nhà sản xuất trên thế giới vẫn dùng chủng này để sản xuất vaccine và cho thấy vaccine vẫn có đáp ứng miễn dịch tốt.
Song song với việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19, hiện Việt Nam đang đàm phán với 4 nước gồm: Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tất cả các phía đều yêu cầu Việt Nam ký một biên bản bảo mật thông tin. Tuy nhiên, có một số thông tin được công khai. Với Anh, Việt Nam đàm phán mua vaccine AstraZeneca; với Mỹ, Việt Nam đàm phán mua Pfizer; với Nga đàm phán mua vaccine Sputnik V. Trong khi đó, thông tin về vaccine của Trung Quốc không được đề cập.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện Việt Nam đang có kết quả gần nhất với công ty của Anh để mua vaccine AstraZenec: “Chúng ta đã ký với họ đảm bảo vaccine cho 15 triệu dân, nghĩa là khoảng 30 triệu liều. Theo lộ trình quý I đến quý IV/2021 đều có vaccine”. Phía Cty Pfizer cũng đặt ra lộ trình đến quý IV.2021 sẽ giao vaccine cho Việt Nam. Với vaccine của Nga, Việt Nam đang đàm phán theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất cho một công ty trực thuộc của Bộ Y tế.
Ngoài vaccine thương mại, trên thế giới còn có Liên minh toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI), mua vaccine của một số công ty, để cung cấp cho 90 nước trong đó có Việt Nam. Vaccine này sẽ cung cấp cho khoảng 16% dân số thế giới, với giá rẻ nhất có thể được. Trong quý I/2021, Bộ Y tế sẽ có đầy đủ thông tin lên kế hoạch về vấn đề này (Lao động, trang 1).
Ngành Y tế sẵn sàng các phương án phục vụ Đại hội Đảng
Đến nay ngành y tế đã sẵn sàng các phương án y tế để đảm bảo Đại hội lần thứ XIII của Đảng được thành công tốt đẹp.
Đảm bảo y tế ở mức độ cao nhất, an toàn nhất
Sáng 23/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trực tiếp đi kiểm tra công tác y tế phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII ở Văn phòng Trung ương Đảng và 4 địa điểm là nơi lưu trú, ăn nghỉ của các đại biểu tham dự Đại hội.
Tại các địa điểm này, Bộ trưởng đã kiểm tra công tác lấy mẫu xét lần 2 của các cán bộ, nhân viên… phục vụ Đại hội; kiểm tra việc đảm bảo công tác phòng chống dịch (đo thân nhiệt , khử khuẩn…) tại khu vực ra/vào; kiểm tra việc chuẩn bị y tế (thuốc, giường bệnh, trang thiết bị…) tại các phòng y tế, phòng cách ly đã được thiết lập để phục vụ đại biểu dự Đại hội; kiểm tra bếp ăn phục vụ đại biểu…
Riêng đối với các địa điểm lưu trú của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu bộ phận y tế trực đo thân nhiệt phải thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp, nhanh chóng và có bất kỳ tình huống gì phát sinh với đại biểu phải xử lý hoặc báo cáo xin ý kiến xử lý ngay tại chỗ. Đối với bộ phận được phân công đảm nhiệm về an toàn thực phẩm phải thường trực ở khu vực bếp ăn, kiểm tra giám sát việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến.
Báo cáo với Bộ trưởng, cán bộ phụ trách về công tác y tế tại các địa điểm lưu trú cho biết, công tác y tế đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, theo đúng hướng dẫn; Việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 những người liên quan đều đã được thực hiện, việc lấy mẫu tay bộ phận chế biến thực phẩm ở bếp ăn cũng đã được tiến hành theo quy định.
Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị được phân công nhiệm vụ đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội.
Sẵn sàng mọi phương án
Theo chỉ đạo của Ban Tổ chức Đại hội, từ nhiều tháng nay, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội.
Với Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, công tác y tế được đặt ở mức độ cao nhất so với các kỳ đại hội trước đây. Các phương án y tế được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, gồm 5 hợp phần quan trọng.
Về công tác phòng chống dịch bệnh, đến nay Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp phòng chống dịch trên toàn quốc cũng như với Đại hội. Công tác phòng chống dịch bệnh được chuẩn bị đồng bộ trên tất cả các khâu và tại tất cả địa điểm nơi tổ chức Đại hội cũng như các nơi lưu trú, ăn nghỉ của đại biểu tham dự Đại hội và các tổ phục vụ.
Theo yêu cầu của Ban Tổ chức Đại hội, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 của các đại biểu, tổ phục vụ và các thành phần liên quan. Đến nay hơn 10.000 mẫu đã cho kết quả âm tính lần 1. Đội ngũ nhân viên các khách sạn nơi đại biểu lưu trú đều đã được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần theo đúng hướng dẫn, từ bảo vệ, nhân viên bàn, buồng, lễ tân, lái xe. Có khách sạn đã lấy mẫu gần 800 người để xét nghiệm, tất cả đều âm tính.
“Điều này nhằm đảm bảo an toàn mức độ cao nhất trong công tác phòng chống dịch COVID-19”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Tại các khách sạn lưu trú của đại biểu, theo yêu cầu của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội và các bệnh viện liên quan đã bố trí các phòng y tế, các cụm cách ly khi có đại biểu nghi ngờ mắc COVID-19, tiến hành các phương án thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cũng như chuẩn bị các phương án dự Đại hội trong tình huống có dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay tất cả quy trình về cách ly được tuân thủ chặt chẽ.
Về công tác y tế phục vụ Đại hội, GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định đều được đặt cảnh báo ở mức độ rất cao. Theo đó, Bộ Y tế đã thiết lập 3 đơn nguyên y tế gồm các chuyên gia, giáo sư đầu ngành của các bệnh viện lớn đặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.
Ở các khách sạn đều có phòng y tế (mỗi địa điểm có 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng, 1 xe cấp cứu túc trực 24/24h) với cơ số thuốc đầy đủ, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho các đại biểu tham dự Đại hội tốt nhất. Bộ Y tế yêu cầu bộ phận y tế tại các địa điểm đại biểu lưu trú phải kịp thời cấp phát tất cả các loại thuốc theo yêu cầu của đại biểu.
Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã làm việc với tất cả các nơi, chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm soát tất cả các khâu của thực phẩm từ nơi nuôi trồng, chế biến cho đến bếp ăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Đại hội sẽ giám sát chặt tất cả các bếp ăn hàng ngày, chuẩn bị mọi phương án nếu xảy ra tình huống đột xuất.
Với các tình huống y tế khác, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ đã phối hợp với Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng chức năng để chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng.
Khoảng 500 cán bộ y tế được huy động phục vụ Đại hội, trong đó có gần 300 cán bộ túc trực tại các địa điểm diễn ra Đại hội và các nơi lưu trú với mục đích phục vụ Đại hội một cách tốt nhất, an toàn nhất. Các bệnh viện lớn tại Hà Nội cũng sẵn sàng công tác thu dung, điều trị.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo Bộ Y tế đã nhiều lần chủ trì các cuộc họp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan về công tác đảm bảo y tế phục vụ Đại hội. Bộ Y tế và các bộ liên quan đã tiến hành diễn tập các nhiệm vụ y tế cũng như ứng phó với các tình huống có thể xảy ra (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
WHO đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam!
Ngày 24-1, sau 1 năm Việt Nam chiến đấu với dịch Covid-19, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã đánh giá cao về hiệu quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
TS Kidong Park nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đông dân, có chung biên giới đường bộ với nhiều quốc gia; tổng số ca xác định mắc Covid-19 trên 1 triệu dân ở Việt Nam giữ ở con số 16 và tổng số ca tử vong trên 1 triệu dân là 0,4. Đây là những con số thấp nhất về tỷ lệ người mắc và tử vong do Covid-19 trong số 15 quốc gia có trên 90 triệu dân.
Chiều tối cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước không ghi nhận thêm người mắc mới dịch Covid -19. Hiện nay, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 1.548 người, trong đó có 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước, còn lại đều là người nhập cảnh. Về tình hình điều trị, cả nước đã có 1.411 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Trong số bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị có 31 người đã âm tính với virus SARS-CoV-2.
mNgày 24-1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước phối hợp cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã bàn giao 3 công dân quốc tịch Trung Quốc đã hoàn thành thời gian cách ly y tế 14 ngày cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Trước đó, ngày 9-1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước nhận được tin báo về 3 công dân quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vào Việt Nam từ ngày 5-1 và di chuyển đến địa bàn huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước bằng xe khách thì bị Công an huyện Bù Đăng phát hiện, đưa vào cách y tế bắt buộc tại khu cách ly y tế tập trung thuộc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Phước. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh ra quyết định khởi tố vụ án tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Thanh Huyền tổng hợp