Điểm báo ngày 25/1/2022

(CDC Hà Nam)
Đồng hành cùng F0 chiến thắng dịch Covid-19; Những người tình nguyện “bỏ Tết” chống dịch; Cả nước có 33 tỉnh, thành phố là vùng xanh; Hà Nội chuẩn bị cho học sinh quay lại trường: Ứng phó với COVID-19…

 

Đồng hành cùng F0 chiến thắng dịch Covid-19

Hàng nghìn F0 được tư vấn, hỗ trợ thuốc điều trị miễn phí khi TP Hồ Chí Minh ở giai đoạn cam go nhất của cuộc chiến chống Covid-19. Ðến nay, chương trình “Ðồng hành cùng F0 chiến thắng dịch Covid-19” của Câu lạc bộ (CLB) “Không gian xưa” vẫn đang tiếp tục công việc thiện nguyện đầy ý nghĩa này.

Trong những ngày cao điểm của đợt dịch Covid-19 thứ tư năm 2021, ngành y tế TP Hồ Chí Minh từng rơi vào cảnh quá tải, gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, thăm khám, theo dõi và điều trị bệnh nhân Covid-19 khi số ca nhiễm liên tục tăng cao. Trước thực trạng đó, từ giữa tháng 7/2021, các thành viên của CLB “Không gian xưa” đã họp bàn trực tuyến, quyết định triển khai chương trình “Ðồng hành cùng F0 chiến thắng Covid-19”. Ðầu tháng 8/2021, chương trình đi vào hoạt động với ba nhóm nhiệm vụ: Tổ tham vấn chuyên môn y tế gồm sáu bác sĩ; Tổ điều phối thuốc điều trị F0 và Ðội thiện nguyện phát thuốc tận nhà cho F0.

CLB thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/7. Sau khi nhận thông tin, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn liên hệ qua Zalo với thành viên của CLB là các bác sĩ đầu ngành của thành phố để được tư vấn, thăm khám, hướng dẫn kiểm tra sức khỏe, tình trạng và diễn tiến bệnh trong bảy ngày. Tiếp đó, các toa thuốc theo liệu trình của từng bệnh nhân được chuyển đến các thành viên của CLB phụ trách phát thuốc chuyển đến tận nhà cho bệnh nhân. Sau bảy ngày, bệnh nhân khỏi bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn khai báo dịch tễ cho trạm y tế địa phương để được lấy mẫu kiểm tra, xác nhận và cấp giấy hoàn thành cách ly.

Chương trình còn liên kết chặt chẽ với chương trình ATM Oxy của Công ty PHG Lock thông qua đoàn thanh niên của 22 quận, huyện, thành phố Thủ Ðức để kịp thời hỗ trợ oxy cho bệnh nhân diễn biến nặng được chỉ định thở oxy tại nhà. Các bệnh nhân khỏi bệnh tiếp tục được bác sĩ tham vấn, hướng dẫn phục hồi sau Covid-19.

Tiêu chí được chương trình hỗ trợ và nhận thuốc là người từ 18 tuổi trở lên mắc bệnh Covid-19 (trừ phụ nữ có thai và đang cho con bú) có các triệu chứng Covid-19 đang cách ly tại nhà và không tiếp cận được y tế địa phương. Túi thuốc gửi đến bệnh nhân có thông tin hướng dẫn liều lượng sử dụng và số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại bác sĩ của chương trình để bệnh nhân liên hệ khi cần hỗ trợ trong quá trình điều trị. Các bệnh nhân Covid-19 của chương trình được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thiên Tài, Bệnh viện Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khi dịch tại thành phố bùng phát mạnh, người dân mắc Covid-19 có tâm lý hoang mang và muốn chia sẻ trực tiếp với bác sĩ những triệu chứng và cách thức điều trị. Sáu bác sĩ trong tổ tham vấn chuyên môn của chương trình có nhiệm vụ trấn an tinh thần F0, hướng dẫn điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tôi từng nhận những cuộc gọi vào lúc nửa đêm, có trường hợp cả gia đình bảy người đều là F0. Tôi đã tư vấn kỹ lưỡng cách điều trị cho bệnh nhân và tất cả mọi người đều chiến thắng Covid-19. Ðó là niềm vui rất lớn của chúng tôi khi tham gia chương trình hỗ trợ F0 này…”.

Từ thành công ban đầu, chương trình “Ðồng hành cùng F0 chiến thắng dịch Covid-19” tại TP Hồ Chí Minh đã lan tỏa rộng đến một số tỉnh khác như: Gia Lai, Tiền Giang, An Giang, Ðắk Lắk, Ðồng Nai… với phương thức chuyển thuốc cho người thân của bệnh nhân đang cư trú tại TP Hồ Chí Minh. Tất cả bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh được chương trình hỗ trợ đều khỏi bệnh, hoàn toàn bình phục, chưa có trường hợp nào chuyển biến nặng, tử vong hoặc để lại di chứng.

Ðặc biệt, trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm soát thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ với yêu cầu “Ai ở đâu ở yên đó”, các thành viên của CLB vẫn cố gắng hỗ trợ thuốc, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) và lương thực, thực phẩm cho nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền các thành viên đóng góp thực hiện chương trình đến nay đã hơn 1,5 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Công Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, thành viên ban Chủ nhiệm CLB “Không gian xưa” cho biết: “Nhờ sự chung tay đầy trách nhiệm, tận tâm của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, các cộng tác viên và doanh nghiệp ủng hộ, chương trình đã hỗ trợ được hơn 3.000 bệnh nhân Covid-19. Hiện nay, cao điểm của dịch đã tạm lắng xuống, thành phố đã trở lại trạng thái “bình thường mới” nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự chủ quan phòng dịch của một bộ phận người dân. Vì vậy, các thành viên CLB quyết định vẫn tiếp tục thực hiện chương trình “Ðồng hành cùng F0 chiến thắng Covid-19”. Ðồng thời, thống nhất cam kết “Khi nào TP Hồ Chí Minh hết F0, hết người bệnh Covid-19 thì chương trình mới ngưng hoạt động”. Chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì lan tỏa được tình thương yêu con người, đùm bọc, tương trợ nhau trong thời điểm khó khăn nhất…”. (Nhân dân, trang TPHCM)

 

Cả nước có 33 tỉnh, thành phố là vùng xanh

Ngày 24/1, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.362 ca nhiễm mới, trong đó 55 ca nhập cảnh và 14.307 ca ghi nhận trong nước (giảm 627 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 9.534 ca trong cộng đồng.

Ðáng chú ý, trong ngày tại Việt Nam đã ghi nhận thêm 28 trường hợp nhiễm Covid-19 với biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới này trong cả nước lên 163 trường hợp. Số ca mắc mới được ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh (tăng thêm 24 trường hợp) và ba địa phương lần đầu ghi nhận biến thể mới là Bà Rịa-Vũng Tàu (1 ca), Kiên Giang (2 ca), Bình Dương (1 ca). Trong ngày 24/1, cả nước có 36.331 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 165 ca tử vong.

Bộ Y tế đang tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới. Mặt khác, tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến thể Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về biến chủng này; chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Theo cập nhật cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế, cả nước vẫn có 33 tỉnh, thành phố là vùng xanh; 24 tỉnh, thành phố vùng vàng (tăng một địa phương so với tuần trước); số địa phương vùng cam giảm từ 7 xuống 6 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế đề nghị các địa phương căn cứ diễn biến tình hình dịch thực hiện đánh giá cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Quyết định số 4800/QÐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Cả nước có 33 tỉnh “vùng xanh”, 131 xã, huyện “vùng đỏ” ”

 

Hà Nội chuẩn bị cho học sinh quay lại trường: Ứng phó với COVID-19

Các trường học tại Hà Nội đang hối hả chuẩn bị cơ sở, mua thêm test nhanh, máy đo nồng độ ô xy… để ứng phó với các tình huống bất thường khi cho học sinh quay lại trường.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn đi học trực tiếp từ ngày 8/2.

Giáo viên chưa tiêm đủ không được dạy trực tiếp

Sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các địa phương quyết liệt, nhanh chóng mở cửa trường học cho học sinh từ lớp 7 đến lớp12 quay trở lại trường học, TP Hà Nội đã thống nhất với đề xuất mở cửa trường THCS – THPT từ ngày 8/2. Theo đó, Hà Nội cho phép học sinh lớp từ 7 đến lớp 12 tới trường học trực tiếp. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học trực tuyến, trẻ mầm non tiếp tục nghỉ ở nhà.

Tuy nhiên, theo phương án được phê duyệt, học sinh chỉ trở lại trường học trực tiếp ở địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Các địa bàn mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến.

Hà Nội cũng yêu cầu giáo viên chưa tiêm đủ vắc xin phòng chống COVID-19 theo quy định chỉ dạy học trực tuyến, không được đến lớp dạy trực tiếp; các trường học không tổ chức bán trú, căng tin ăn uống trong trường, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày. Hà Nội giao các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình, diễn biến dịch tại các địa phương để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn.

Không cách li tập trung F1

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, đến nay tỉ lệ tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên học sinh cả mũi 1 và mũi 2 đạt tỉ lệ rất cao (trên 97%). Để các trường chuẩn bị kỹ các phương án, điều kiện đón học sinh đi học sau Tết Nguyên đán, các trường học đều diễn tập tình huống như: phân luồng đón học sinh giãn cách; đo thân nhiệt; xử lý khi phát hiện F0; nghi ngờ có F0…

Chiều qua (24/1), tại các trường THCS Lê Qúy Đôn (Hà Đông); THCS Đại Vương (Mê Linh); THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm); THPT Đan Phượng (Đan Phượng)… các Phòng GD&ĐT diễn tập xử lý các tình huống phát sinh khi học sinh đi học.

Theo hướng dẫn mới nhất của ngành Y tế trong việc đón học sinh tới trường, khi phát hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt, mỏi mệt, mất vị giác, khứu giác nghi nhiễm COVID-19, giáo viên tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly học sinh tại chỗ và báo cáo BGH nhà trường. BGH chỉ đạo cán bộ Y tế trường đưa học sinh về phòng cách ly tạm thời được bố trí sẵn lấy mẫu xét nghiệm xác định đối tượng F (hoặc điều tra dịch tễ nếu đã xác định thông tin học sinh là F0). Thực hiện xác định các đối tượng có tiếp xúc gần với F0 trong lớp học để đánh giá nguy cơ. Tổ chức thực hiện khử khuẩn lớp học và những nơi học sinh có tiếp xúc theo quy định. Tuy nhiên, học sinh F1 liên quan sẽ không phải cách li tập trung.

Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết giáo viên được cắt cử đến trường tổng vệ sinh lại các phòng học, kiểm tra hệ thống máy chiếu, đèn điện, quạt trần… đảm bảo lớp học, sân trường sạch đẹp trước khi nghỉ Tết. Các phòng học sau khi khử khuẩn, làm sạch được niêm phong.

Nhà trường được yêu cầu chuẩn bị 2 phòng y tế, trong đó 1 phòng dành cho những học sinh cần chăm sóc y tế mà không có dấu hiệu dịch và phòng cách ly y tế tạm thời dành cho những học sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, nghi nhiễm bệnh. Trường cũng sẽ chuẩn bị một số phòng học lắp thiết bị để có thể kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp trong trường hợp lớp có học sinh F1, F0 . “Nhà trường lo lắng sau một thời gian dài nghỉ học, một số em sẽ có tâm lý ngại đến trường. Do đó, từ các giờ học trực tuyến cuối năm, giáo viên đã thông báo, làm công tác tư tưởng để học sinh sẵn sàng đi học cũng như đảm bảo an toàn giao thông.”, bà Hiền nói.

Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết các trường đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất để đón học sinh. Lần này, phòng Y tế được yêu cầu bổ sung thêm test nhanh, máy đo nồng độ ô xy… Khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm, phòng y tế sẽ test nhanh để có biện pháp xử lý nhanh nhất.

Cũng theo bà Hằng, phương án cho học sinh ở vùng có dịch cấp độ 1-2 đi học, cấp độ 3-4 học trực tuyến có thể là tạm thời để đánh giá tình hình dịch. Đến nay, các trường đã sẵn sàng “đóng – mở” cửa bất cứ khi nào nên không quá gây xáo trộn. Thậm chí, các trường được yêu cầu chuẩn bị các tình huống như: tuần này học trực tiếp, tuần sau chuyển trực tuyến; trong một trường chỉ có một số lớp học trực tiếp, một số lớp trực tuyến, thậm chí trong 1 lớp học sinh F1, F0 học trực tuyến các bạn vẫn học trực tiếp.

Theo bà Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, phương án cho học sinh ở vùng có dịch cấp độ 1-2 đi học, cấp độ 3-4 học trực tuyến có thể là tạm thời để đánh giá tình hình dịch. Đến nay, các trường đã sẵn sàng “đóng – mở” cửa bất cứ khi nào nên không quá gây xáo trộn. (Tiền phong, trang 6)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 10: “Đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường”; Thanh niên, trang 17: “Dự kiến có 49 tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại vào ngày 7.2”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Mở cửa trường học, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ đến trường an toàn”

 

Nhiều tỉnh, thành mua qua trung gian kit xét nghiệm của Việt Á

Liên quan đến việc nhiều tỉnh, thành tuyên bố không mua kit xét nghiệm của Việt Á nhưng sản phẩm của công ty này lại có mặt trong danh sách vật tư y tế mua sắm, sử dụng chống dịch dư luận đặt câu hỏi, Việt Á dùng chiêu thức nào để cung cấp kit xét nghiệm rộng khắp?

Như Tiền Phong thông tin, ngày 21/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt giam Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn cùng đồng phạm liên quan đến vụ kit xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Cty Việt Á). Dù công bố không ký hợp đồng trực tiếp với Việt Á nhưng trong hai năm 2020, 2021, CDC Bắc Giang thực hiện nhiều hợp đồng mua kit xét nghiệm do Cty Việt Á sản xuất thông qua đơn vị thứ 3 là Cty Phan Anh (có trụ sở tại thành phố Bắc Giang).

Ngoài CDC Bắc Giang, nhiều tỉnh mua kit xét nghiệm của Việt Á thông qua Cty thứ 3 như Cần Thơ, Thừa Thiên – Huế, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Khánh Hòa…

Tại Bắc Ninh, trong tháng 5 và 6/2021, CDC tỉnh này 3 lần mua sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 của Cty Việt Á. Hai đơn vị cùng trúng thầu cung cấp kit xét nghiệm của Việt Á cho ba gói thầu này là Cty TNHH thiết bị An Việt và Cty cổ phần thiết bị y tế Thành An với tổng giá trị của 3 gói thầu khoảng 18 tỷ đồng. Ngày 28/5, CDC tỉnh Bắc Ninh lựa chọn nhà thầu cho gói thầu mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm SARS-CoV-2 thuộc dự án mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ hoạt động phòng chống dịch chủ động, dịch COVID-19 năm 2021 (đợt 3). Trong gói này, Cty TNHH thiết bị An Việt trúng thầu bộ sinh phẩm Realtime RT- PCR phát hiện SARS-CoV-2 của hãng Việt Á, số lượng 7.500 kit, với tổng giá trị 3,525 tỷ đồng. Cty cổ phần thiết bị y tế Thành An cũng trúng thầu bộ sinh phẩm Realtime RT- PCR phát hiện SARS-CoV-2 của hãng Việt Á, số lượng 7.500 kit, với tổng giá trị 3,525 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2021, CDC Quảng Trị thông báo công khai trên báo chí: Trong 2 năm 2020 và 2021, cơ quan này đã mua 21 gói thầu kit xét nghiệm COVID-19 do Cty Việt Á sản xuất thông qua một doanh nghiệp ở Huế trị giá hơn 30 tỷ đồng. Tài liệu Tiền Phong có được cho thấy, riêng trong năm 2021, CDC Quảng Trị có ít nhất hai hợp đồng mua hàng của Việt Á qua Cty cổ phần Thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên Huế vào ngày 24/3 và 15/5 với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng.

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, sáng 21/12/2021, ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC thông tin, đơn vị này có mua kit xét nghiệm của Cty Việt Á thông qua Cty cổ phần thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên – Huế nêu trên. Hiện chưa có thông tin chi tiết về số lượng, chi phí cũng như có sai phạm khi mua hay không nhưng trả lời Tiền Phong hôm 21/12/2021, ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế còn cho biết, hồ sơ, quy trình mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 đều được các đơn vị thực hiện một cách minh bạch, công khai, bảo đảm quy định pháp luật.

Theo báo cáo của CDC thành phố Cần Thơ, trong năm 2020, đơn vị này đã mua sắm 1 gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch thông qua Cty TNHH Khoa học Hợp Nhất (Cty Hợp Nhất) với 6.000 kit của Việt Á trị giá hơn 3 tỷ đồng. Năm 2021, CDC Cần Thơ 3 gói thầu cũng thông qua Cty Hợp Nhất gồm 69.280 kit của Việt Á trị giá hơn 31,8 tỷ đồng. Trong đó, đã thanh toán hơn 17,3 tỷ đồng, số còn lại chưa thanh toán.

Chiều 24/1, trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, ông Đinh Văn Thiệu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh thanh tra, rà soát việc mua kit xét nghiệm của Cty Việt Á. “Lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh giao thanh tra đơn vị này rà soát, thanh tra việc mua kit xét nghiệm của Cty Việt Á trong năm 2020 và 2021. Qua báo cáo sơ bộ của Sở Y tế tỉnh, hiện các đơn vị trong tỉnh đã chi hơn 26 tỷ đồng để mua kit xét nghiệm Cty Việt Á”, ông Thiệu cho hay.

Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hoà, trong năm 2020 và 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa (CDC Khánh Hòa) và đơn vị liên quan đã mua hơn 63.000 kit xét nghiệm do Cty Việt Á sản xuất với số tiền hơn 26 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm 2020 đã mua 4.700 kit xét nghiệm với số tiền 2,392 tỷ đồng; năm 2021 mua 58.580 kit xét nghiệm với số tiền 23,823 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, CDC Khánh Hòa không thực hiện việc mua sắm trực tiếp từ Cty Việt Á mà thông qua Cty TNHH Khoa học Hợp Nhất bằng hình thức đấu thầu qua mạng và chào hàng cạnh tranh. Việc mua sắm này được chia thành nhiều đợt, với nhiều mức giá khác nhau từ 367.500 đến 509.250 đồng/kit. Đáng chú ý, tháng 7/2021, CDC Khánh Hòa không thực hiện đấu thầu qua mạng mà sử dụng hình thức chào hàng cạnh tranh để mua kit xét nghiệm Cty Việt Á với giá 470.000 đồng/kit. Còn Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã trực tiếp mua kit xét nghiệm từ Cty Việt Á với mức giá lên đến 525.000 đồng/kit.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Dõng – Giám đốc CDC Khánh Hoà, khẳng định đã thực hiện việc mua sắm kit xét nghiệm đúng quy định, công khai, minh bạch và không có việc nhận, chi quà tặng từ các đơn vị trúng thầu.

Tại Hà Tĩnh lại xuất hiện hình thức liên danh giữa Việt Á với nhiều Cty khác để bán kit xét nghiệm Việt Á. Cụ thể, tài liệu Tiền Phong có được, ngày 25/5/2021, liên danh nhà thầu Việt Á – Vật tư y tế Việt Nam- Thiên Phúc do Cty Việt Á đứng đầu cũng trúng gói thầu: Mua sắm test nhanh, sinh phẩm vật tư tiêu hao phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Tĩnh. Tổng giá trị gói thầu là 5,98 tỷ đồng. Cty TNHH Việt Nam Thiên Mỹ là đơn vị thẩm định kết quả đấu thầu. (Tiền phong, trang 10)

 

Biến thể Omicron có thể gây quá tải hệ thống y tế

Thông tin của Bộ Y tế cho biết ngày 24/1 có 165 ca tử vong do COVID-19, đồng thời cảnh báo, cuộc chiến phòng COVID-19 vẫn còn kéo dài, nhất là sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Nếu biến thể mới này lây lan rộng sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

163 ca nhiễm biến thể Omicron

Hiện Việt Nam đã ghi nhận 163 ca nhiễm biến thể Omicron. Địa phương có nhiều ca nặng nhất vẫn là TPHCM, tiếp theo là Hà Nội, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bến Tre. Ba địa phương, TPHCM, Quảng Nam, Hà Nội là những nơi có ca mắc biến thể mới cao nhất. Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan do biến chủng Omicron, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương trong thời gian tới vẫn cần tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực điều trị, giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp. Bộ Y tế cũng nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lí, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao; nhất là việc hoàn thành tiêm phủ mũi 3.

Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phần lớn bệnh nhân trẻ tuổi là các sản phụ chưa tiêm vắc xin COVID-19, tiến triển nặng từ khoảng ngày thứ 7 và tình trạng bệnh nặng diễn biến rất nhanh.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết phụ nữ mang thai lại là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc COVID-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định. Quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế khi mắc COVID-19 nguy cơ bệnh diễn biến nặng tăng nhanh.

Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi hoặc trên 35 tuổi mới mang thai sẽ dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ, TS Cường phân tích. Cùng với những yếu tố trên, nếu thêm mắc COVID-19 thì nguy cơ biến chứng thể nặng của phụ nữ mang thai càng cao. Khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, ECMO… với tỉ lệ cao, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi. Do đó các bác sĩ khuyến cáo các sản phụ đủ điều kiện tiêm vắc xin cần tiếp cận tiêm vắc xin sớm nhất có thể.

Nguyên nhân tiêm vắc xin nhiều vẫn tử vong cao

Hiện nay, tỉ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc xin trên cả nước là 100% và 48/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng với tỉ lệ tiêm vắc xin cao, đa số ca bệnh của Hà Nội cũng như nhiều địa phương sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này “không phải 100% người dân tiêm đủ liều vắc xin sẽ diễn biến nhẹ khi mắc COVID-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vắc xin, số lượng này không lớn nhưng có”.

Ông Phu nhìn nhận khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu. “Nếu như trước khi tiêm vắc xin 10 ca mắc có một ca nặng, thì nay 100 ca mắc có một ca nặng. Như vậy có thể so sánh tỉ lệ chuyển nặng giảm đi 10 lần nhưng số ca nhiễm lại tăng cao gấp 10 lần. Nếu cứ để số mắc tăng cao không kiểm soát thì tỉ lệ bệnh nặng sẽ tăng cao, kéo theo đó là tỉ lệ tử vong. Khi số mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ, vấn đề quá tải ảo xảy ra do điều tiết y tế không kịp, không chính xác nên hậu quả nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỉ lệ bệnh nhân tử vong cũng sẽ tăng cao”, TS Phu phân tích.

Xem xét tiêm cho người từng chống chỉ định với vắc xin

Ông Phu cũng lưu ý cần soát xét lại những trường hợp hiện nay chưa được tiêm chủng mà chủ yếu nguyên nhân là những người già, những người do chống chỉ định không tiêm chủng trước đây để có thể tiêm nếu có thể được. “Hiện nay số người nhiễm trong cộng đồng tăng cao, yếu tố lây nhiễm theo gia đình đang tăng lên nên những người này dễ nhiễm bệnh hơn trước đây, nên cần tính toán, xem xét để tiêm cho họ”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Về vấn đề này, TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Người đã tiêm vắc xin vẫn có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu thể nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh không có vắc xin nào hiệu quả 100% nên vẫn có một tỉ lệ nhất định chuyển biến nặng, thậm chí tử vong. Ngoài ra cần phải xem xét yếu tố cơ địa bệnh nền vì bệnh nhân có thể không chết vì COVID-19 mà chết vì bệnh nền tăng nặng lên”.

Các chuyên gia y tế tiếp tục khẳng định người dân cần thực hiện nghiêm túc 5K trong bất cứ thời điểm nào nếu không sẽ làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em. (Tiền phong, trang 15)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Việt Nam đã ghi nhận 163 ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron tại 13 tỉnh, thành phố”; Tuổi trẻ, trang 1: “Omicron kết thúc đại dịch? Đừng chủ quan!”

 

Ca tử vong do Covid-19 ở TP.HCM thấp nhất gần nửa năm qua

Số ca mắc Covid-19 mới ở TP.HCM ngày 23.1 là 138 ca, số ca tử vong ngày 22.1 và 23.1 được kéo giảm xuống còn 6 ca.

Chiều 24.1, tại cuộc họp báo định kỳ, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho biết số ca mắc mới và số ca tử vong những ngày gần đây tiếp tục giảm sâu. Cụ thể, số ca mắc mới ngày 23.1 là 138 ca, số ca tử vong ngày 22.1 và 23.1 được kéo giảm xuống còn 6 ca. Như vậy, số ca tử vong trong 2 ngày qua được kéo giảm xuống mức thấp nhất gần nửa năm qua.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho hay hiện TP.HCM có 88 ca mắc biến chủng Omicron, trong đó có 5 ca cộng đồng, cùng chung nguồn lây từ ca nhập cảnh từ Mỹ xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) rồi vào TP.HCM. Về triệu chứng chung, trong 88 ca mắc thì chỉ 7 ca có triệu chứng, đa số là nhẹ với các triệu chứng thoáng qua như sốt nhẹ, ớn lạnh, đau họng. “Số ngày dương tính khoảng 6 – 7 ngày rồi khỏi bệnh”, ông Tâm cho hay. (Thanh niên, trang 5)

 

Những người tình nguyện “bỏ Tết” chống dịch

Tại nơi mỗi ngày điều trị cho hơn 500 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch, những nhân viên y tế trẻ như chị H Mớt Mie hay nữ sinh viên Bảo Anh đã sẵn sàng “bỏ Tết”…

“Là nhân viên y tế, mình không đi ai sẽ là người đi”

Tình nguyện tham gia chống dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhiều ngày nay, chị H Mớt Mie (25 tuổi, dân tộc Ê Đê, quê Đắk Lắk) cho biết, chị đang là bác sĩ khoa Hồi sức Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hoà. Dịch bệnh tại Hà Nội phức tạp, chị Mie được bệnh viện cử tình nguyện tham gia chống dịch cũng như học tăng cường hồi sức tích cực cho bệnh nhân suy hô hấp.

Trên khuôn mặt mướt mồ hôi, chị Mie cho biết: “Lúc đầu đi chống dịch mẹ khuyên ngăn. Nhưng tôi nói với mẹ mình là nhân viên y tế, nếu mình không đi ai sẽ là người đi. Thấy tôi quyết tâm, mẹ đã đồng lòng. Có vào đây, chúng tôi mới thấy sức nóng căng thẳng khi điều trị cho những bệnh nhân rất nặng. Họ có thể tử vong bất cứ lúc nào. Tại bệnh viện, tôi tham gia hỗ trợ các bác sĩ theo dõi bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân cũng như trực tiếp tham gia điều trị cùng bác sĩ. Nếu so với tuyến dưới, khối lượng công việc tại đây áp lực hơn rất nhiều, toàn ca rất nặng, giám sát mới điều trị được”, Mie nói.

Chị Mie cho biết sẽ hỗ trợ công việc tại đây đến cận Tết, sau đó tiếp tục về bệnh viện nơi mình công tác tham gia chống dịch.

“Năm nay, tôi sẽ không đón Tết bên gia đình ở quê. Gia đình luôn động viên cố gắng. Mình đã lựa chọn con đường này thì phải hy sinh so với người khác hơn một xíu, tất cả vì người bệnh”, chị Mie chia sẻ.

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, nữ nhân viên này chia sẻ, khi điều trị tại bệnh viện, chị đặc biệt chú ý tới các ca sản phụ. Mie từng trực tiếp chứng kiến có bệnh nhân vượt qua được về cùng gia đình, nhưng có những người không thể qua khỏi.

“Có trường hợp hai đứa con được cứu sống nhưng mẹ không qua được. Tôi trực tiếp tham gia hỗ trợ trường hợp đó. Là bác sĩ đã không ít lần nhìn thấy sinh ly từ biệt nhưng chứng kiến hình ảnh đó, chúng tôi đã khóc. Lúc đó, các bác sĩ thực sự thấy mình bất lực”, chị xúc động nhớ lại.

Nữ sinh viên và những trải nghiệm “không có trên sách vở”

Đang là sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, Ngô Thị Bảo Anh (21 tuổi, quê Phú Thọ) tình nguyện tham gia chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán này. Bảo Anh chia sẻ, những ngày vừa qua, khi làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực, cô mới thấm hiểu hết những điều mà các y, bác sĩ làm việc tại đây. Mọi người như “cái máy” cứu chữa cho bệnh nhân.

Đang là sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, Ngô Thị Bảo Anh có trải nghiệm khó quên khi trực tiếp tham gia chống dịch tại nơi nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch. Ảnh: Gia Khiêm

“Thực sự làm việc ở đây, cảm xúc của tôi thật đặc biệt, khác nhiều so với học trên sách vở. Thời gian đầu, tôi cảm thấy chưa quen, nhưng sau một thời gian, tôi đã thích nghi được. Năm nay tôi ăn Tết tại bệnh viện, là năm đầu tiên đón Tết xa nhà nhưng đây cũng là trải nghiệm khó quên của một sinh viên ngành y như tôi”, Bảo Anh bày tỏ.

Công việc chăm sóc bệnh nhân gần như luôn tay luôn chân nên khi bước vào ca trực, Bảo Anh gần như không có phút nghỉ ngơi. Trong ca trực, khi có dấu hiệu gì bất thường, nữ sinh viên lập tức báo cho các bác sĩ cũng như nhân viên điều dưỡng kịp thời can thiệp, điều trị.

“Qua việc tham gia chống dịch thế này, tôi học hỏi được nhiều điều. Tôi mong sao số lượng bệnh nhân nặng sẽ giảm, từ đó sẽ giảm tải cho nhân viên y tế. Công việc mệt nhọc là vậy nhưng tôi quyết tâm sẽ theo đuổi nghề y. Nghề mà tôi yêu và đặt niềm tin sẽ chữa trị được cho nhiều bệnh nhân, để sự sống được nảy nở”, Bảo Anh nói.

“Chúng tôi mong Covid-19 sẽ sớm được ngăn chặn, người dân cùng phòng chống dịch, hạn chế tình trạng ca nặng. Hy vọng bệnh nhân sớm khoẻ mạnh để về đón Tết cùng gia đình”, cả chị Mie và Bảo Anh đều cùng bày tỏ. (Nông thôn ngày nay, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 20/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/3/2022

CDC Hà Nam