Điểm báo ngày 25/11/2019

(CDC Hà Nam)
 “Loạn” trường y dược tại Hà Nội: Trăm nẻo “trèo tường quy định”; Kiểm soát chặt tình trạng buôn lậu, vi phạm an toàn thực phẩm dịp cuối năm; Báo động xu hướng bệnh tật trẻ hóa…

 

Hà Nội: Bình quân mỗi tuần vẫn có thêm 600-700 ca mắc sốt xuất huyết

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, tính đến ngày 23-11, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 11.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Nếu như trong tháng 10, trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận hơn 800 ca sốt xuất huyết thì từ đầu tháng 11 đến nay đã giảm xuống còn 600-700 ca/tuần. Tuy đã được khống chế nhưng hiện số ca mắc SXH vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, thông tin từ một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng cho thấy, dù số bệnh nhân SXH vào điều trị 3 tuần gần đây đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ bất thường.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai, trong vụ dịch SXH năm nay, tỷ lệ người cao tuổi, phụ nữ có thai mắc bệnh nhiều hơn, nhiều bệnh nhân có biểu hiện nặng, như: Sốc, chảy máu, viêm não – màng não, viêm tủy, viêm cơ tim, tổn thương gan, thận…

Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đặt mục tiêu hết tháng 11-2019 khống chế xong dịch bệnh SXH. Tuy vậy, không có nghĩa khi số mắc SXH đã giảm thì được phép chủ quan. Vì thế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tiếp tục kiểm tra vệ sinh môi trường phòng bệnh SXH tại các công trường xây dựng, chợ, trường học, khu công cộng, khu thuê trọ…; tuyên truyền biện pháp phòng bệnh. Cùng đó, cần tiếp tục duy trì cảnh báo nguy cơ dịch hằng tuần. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Kiểm soát chặt tình trạng buôn lậu, vi phạm an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Càng về cuối năm, nhiều chuyến hàng lậu được chủ hàng “chơi tất tay” hay nhiều loại hàng hóa như thực phẩm bẩn, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được tuồn ra thị trường bán người tiêu dùng…

Thu giữ nhiều hàng hóa nhập lậu

Theo tài liệu của cơ quan điều tra Công an huyện (CAH) Mê Linh, khoảng đầu tháng 10-2019, qua công tác trinh sát, nắm tình hình địa bàn, CAH Mê Linh phát hiện một số đối tượng hoạt động buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất nhập lậu vào nội địa, trong số đó nổi lên Lê Văn Cường (sinh năm 1979, ở thôn Hoàng Kim, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, TP Hà Nội).

Quá trình theo dõi, các trinh sát phát hiện các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi địa điểm, thời gian giao nhận hàng và luôn cảnh giác cao. Xác định đây là đường dây buôn bán thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất nhập lậu có quy mô lớn, tập trung nhiều đối tượng trong và ngoài địa bàn hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Ban chỉ huy CAH Mê Linh đã chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh với đối tượng có hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với các đối tượng này.

Đến 16h40 phút ngày 14-11, Đội Cảnh sát kinh tế CAH Mê Linh tổ chức mật phục, bắt quả tang các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Quỳnh (sinh năm 1966, ở thôn Quán Hô, xã Hoàng Đông, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cùng Lê Văn Cường; Hoàng Ngọc Anh (SN 1990, ở thôn Đại Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Lê Văn Vũ (sinh năm 1983, em trai của Cường, là lái xe) đang có hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu, nhãn hiệu BLEND NO 555 GOLD, do nước ngoài sản xuất.

Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ 1.932 cây thuốc lá điếu 555 (tương đương với 19.320 bao thuốc lá điếu) nhãn hiệu BLEND No 555 GOLD do nước ngoài sản xuất, không hóa đơn chứng từ, không tem nhập khẩu; 1 xe ô tô hiệu Mercedes, BKS: 30P – 6705, do Lê Văn Cường điều khiển; 1 xe ô tô tải, nhãn hiệu KIA K3000S, mang BKS: 88C – 032.32 do Lê Văn Vũ điều khiển.

Qua điều tra ban đầu, CAH Mê Linh xác định, Nguyễn Thị Quỳnh, Lê Văn Cường, Hoàng Ngọc Anh đã có hành vi buôn bán 19.320 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh vào ngày 14/11/2019, có dấu hiệu phạm vào tội “Buôn bán hàng cấm” quy định tại khoản 3, Điều 190, Bộ luật hình sự.

Trong một diễn biến khác, vào khoảng 10h ngày 13-11, tổ công tác đội Phòng chống tội phạm về Y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm (Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho hàng trong khu đô thị Thanh Hà (thuộc địa bàn xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) của Công ty TNHH Thương mại Onefood Việt Nam, do ông Jung Tae Geon (quốc tịch Hàn Quốc) là người đại diện pháp luật.

Tại kho hàng có diện tích hàng trăm mét vuông của công ty này, lực lượng chức năng ghi nhận đang tập kết nhiều mặt hàng nguyên liệu pha chế trà sữa, soda, nước giải khát các loại, đường, hóa mỹ phẩm (dầu gội đầu, mặt nạ dưỡng da, nước rửa bát…) gắn mác của Hàn Quốc.

Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện thu giữ số lượng lớn (3 xe ôtô) với hàng nghìn sản phẩm trong đó có những mặt hàng như: thuốc chống say tàu xe, sữa hộp XO Royal Class 800g… in trên bao bì, sản phẩm đều mang chữ Hàn Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty khi làm việc với lực lượng chức năng chưa xuất trình đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa này.

Còn mới đây nhất, chiều 20-11-2019, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan đã tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ số 6, Q23, ngõ 136 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Bên ngoài địa chỉ này thể hiện là trụ sở Cty TNHH Vuvucorp.

Lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn sản phẩm quần áo có chữ Trung Quốc “lẫn” cùng các hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Luis Vuiton, Gucci… và nhiều nhãn mác, bao bì của những thương hiệu nổi tiếng này.

Cho đến ngày 23-11, tức ba ngày sau khi kiểm tra cơ sở thuộc công ty TNHH Vuvucorp, lực lượng chức năng vẫn chưa thể hoàn tất quá trình kiểm đếm số hàng hóa, bao bì, nhãn mác bị tạm giữ. Theo tìm hiểu của phóng viên ANTĐ, công ty TNHH Vuvucorp do ông Nguyễn Văn Vũ (SN 1990, quê quán Bắc Giang) làm Giám đốc, quản lý. Công ty này thuê ngôi nhà ở địa chỉ Q23, ngõ 136 phố Nguyễn An Ninh, với hợp đồng từ 1/3/2018, mức giá thể hiện 12 triệu đồng/ tháng.

Bám sát địa bàn, làm tốt công tác trinh sát

Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực tế hiện nay, không chỉ riêng dịp cuối năm mà hoạt động tội phạm, vi phạm về lĩnh vực môi trường diễn ra thường xuyên, liên tục. Dịp cuối năm, thị trường hàng hóa sôi động hơn và đây chính là lúc tình trạng gian lận thương mại gia tăng.

“Nắm được quy luật này, Phòng Cảnh sát môi trường ngoài việc thực hiện các chuyên đề, kế hoạch thường xuyên thì còn chủ động xây dựng kế hoạch để “lên dây cót”, tăng cường phối hợp tuần tra kiểm soát, sớm phát hiện, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm cũng như chống buôn lậu, gian lận thương mại”, Đại tá Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Cũng theo Đại tá Trần Anh Tuấn, để “đánh đúng, đánh trúng” hoạt động của tội phạm về môi trường và tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, Ban chỉ huy đơn vị đã luôn bám sát các kế hoạch của Công an thành phố, Bộ Công an và các cấp, ngành trong đó có sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Công an thành phố. Phòng Cảnh sát môi trường chỉ đạo, quán triệt từng cán bộ chiến sĩ của đơn vị luôn đi sâu, bám sát địa bàn, làm tốt công tác trinh sát. Mọi di biến động của các đối tượng luôn nằm trong “tầm ngắm” của các trinh sát.

Thượng tá Đỗ Sỹ Dũng, Phó trưởng CAH Mê Linh nhận định, từ nay đến cuối năm (Tết Nguyên đán Canh Tý 2020) là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quản lý của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta, hoặc hàng hoá đã được đưa vào trong nước từ trước rồi “găm” lại chờ thời cơ tung ra thị trường. (An ninh Thủ đô, trang 19).

 

Báo động xu hướng bệnh tật trẻ hóa

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô cho thấy, lối sống công nghiệp, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học… đang khiến mô hình bệnh tật ở nước ta thay đổi, trong đó, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 73% trường hợp tử vong. Đáng báo động, nhiều căn bệnh trước đây chỉ gặp ở người cao tuổi thì hiện nay có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Nhiều bệnh từ miệng mà ra…

Tháng 10-2019, các bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết trung ương đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhi N.Q.D. (3 tuổi ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bị ung thư tuyến giáp thể tủy di căn. PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện – người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện phẫu thuật ung thư tuyến giáp cho bệnh nhi nhỏ tuổi như vậy. Trước đó, bệnh viện cũng phát hiện và phẫu thuật cho những trường hợp có độ tuổi từ 6 đến 9 mắc ung thư tuyến giáp.

Việc những người trẻ mắc ung thư là điều rất đáng lo ngại. GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, bệnh ung thư chủ yếu được ghi nhận ở người cao tuổi. Số người mắc ung thư cao nhất trên thế giới vẫn ở độ tuổi từ 50 đến 60. Thế nhưng, ở Việt Nam đang ghi nhận tình trạng một số bệnh ung thư trẻ hóa hơn trên thế giới. Điển hình là bệnh nhân ung thư vú được ghi nhận trẻ hơn so với thế giới 5-10 tuổi.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho rằng, theo một nghiên cứu tại nước ta, sau khoảng 10 năm, số người mắc ung thư vú tăng lên gần gấp đôi, từ 18 trường hợp tăng lên tới 30 trường hợp được phát hiện bệnh trong số 100.000 phụ nữ. Tại Bệnh viện K trung ương đã điều trị cho không ít bệnh nhân bị ung thư vú khi mới ở độ tuổi 20, 21. Còn tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh cho biết, tại đây cũng đã khám và điều trị cho những phụ nữ bị ung thư vú khi ở độ tuổi 27-29 tuổi.

Ngoài ung thư vú, còn có một số bệnh ung thư ở nước ta có tỷ lệ người mắc trẻ hơn so với thế giới, đó là ung thư phổi, dạ dày, trực tràng, gan… Làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, hằng ngày, bác sĩ Trần Quốc Khánh chứng kiến không ít những ca bệnh hiểm nghèo ở độ tuổi còn rất trẻ. Đó là trường hợp một thanh niên 35 tuổi (tỉnh Quảng Ninh) làm việc ở một doanh nghiệp lớn, thường xuyên phải uống rượu, hút thuốc, thức khuya và hầu như không tập thể thao. Khi thấy cơ thể mệt mỏi, người này đi khám bệnh và phát hiện một khối u gan ác tính rất lớn. “Rất nhiều bệnh từ miệng vào nhưng nhiều người chỉ quan tâm đến ý thích, thấy ngon miệng là ăn. Chính lối suy nghĩ đó khiến họ phải trả giá bằng sức khỏe, bằng mạng sống”, bác sĩ Trần Quốc Khánh nêu quan điểm.

Tại Khoa Phẫu thuật gan – mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức đang điều trị cho một bệnh nhi 13 tuổi (ở Hà Nội), phát hiện bị sỏi mật từ năm lên 9. Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật gan – mật cho biết, mỗi năm, tại khoa khám cho khoảng 3.000 người mắc các bệnh lý về gan, mật, thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật, trong đó có hơn 1.000 ca liên quan đến bệnh lý sỏi mật. Trước đây, sỏi mật là bệnh lý thường gặp ở tuổi trung niên trở lên nhưng gần đây có xu hướng xuất hiện ở người trẻ, thậm chí cả trẻ em. Nguyên nhân gây sỏi mật ở trẻ em chủ yếu liên quan đến rối loạn chuyển hóa do ăn uống không cân đối, ăn quá nhiều chất, ăn uống không bảo đảm vệ sinh…

Ăn uống thừa chất, béo phì, dành quá nhiều thời gian xem ti vi, sử dụng điện thoại, máy tính… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng bệnh đái tháo đường, tim mạch ở trẻ. Tại Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2. Theo PGS.TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường của bệnh viện, nếu các năm trước, đái tháo đường type 2 ít gặp ở độ tuổi trước 40, thì nay đã xuất hiện ở người dưới 18 tuổi…

Không vận động là tự giết mình

Ngày 23-11, tại chương trình Ngày hội vì cộng đồng năm 2019, các bác sĩ Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội… đã tổ chức khám tầm soát miễn phí 4 bệnh: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư vú cho người trong độ tuổi từ 20 đến 69. Tại đây, ngành Y tế kêu gọi người dân chung tay hưởng ứng chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó chủ động giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm và các bệnh lý khác bằng chế độ ăn uống, vận động khoa học, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, chủ động khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra. Thông qua chương trình này, Bộ Y tế cũng mong muốn người dân tăng cường vận động thể lực bằng cách đẩy mạnh phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày, khuyến khích đi bộ hằng ngày.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho thấy, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn. Ngoài ra, nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cũng cho thấy, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10.000 bước.

Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những căn nguyên góp phần khiến bệnh tật trẻ hóa, như: Lối sống, ăn uống, lười vận động, nghiện rượu, thuốc lá… đều có thể thay đổi được. Do đó, ngay từ bây giờ, mọi người hãy từ bỏ những thói quen gây hại, đặc biệt chú trọng việc vận động hằng ngày; bởi nếu không tập thể dục, thể thao là chúng ta đang tự giết mình. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong ngày, mọi người nên tập trung dinh dưỡng vào bữa ăn sáng, bữa trưa ăn nhẹ và bữa tối ăn rất hạn chế. Trong chế độ ăn uống cần bảo đảm vệ sinh, cân bằng chất béo và chất xơ, hạn chế ăn mặn, ăn nhiều rau xanh… (Hà Nội mới, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Lao Động, trang 7: “Trẻ hóa các bệnh tim mạch: Giới trẻ đang tự làm hại mình”.

 

Cơ sở thẩm mỹ coi trời bằng vung

Không ít cơ sở làm đẹp, viện thẩm mỹ tại TPHCM làm chết người, bị Sở Y tế tuýt còi đóng cửa… thế nhưng vẫn ngang nhiên đón khách, hoạt động nhộn nhịp ngay tại cơ sở cũng như trên mạng xã hội.

Tự tung tự tác

Mặc dù Thẩm mỹ viện (TMV) Sophie International (253A Hoàng Sa, P.Tân Định, Q.1) đang bị Sở Y tế TPHCM đình chỉ hoạt động do chưa có giấy phép thế nhưng nhân viên ở đây vẫn ngang nhiên đón khách đến tư vấn làm đẹp như chưa có chuyện gì xảy ra.

Ngày 24/11, trong vai khách hàng, chúng tôi liên lạc với TMV này để đặt lịch, nhân viên ngay lập tức hẹn khách đến viện để tư vấn. “Bên em hoạt động bình thường các ngày trong tuần, chị cứ qua để được chăm sóc nhé” – nhân viên chào mời. Chị Thủy (36 tuổi, ngụ Q.3) cho hay, ngày nào chị cũng đi ngang cơ sở này, thấy vẫn hoạt động bình thường, bảo vệ vẫn đứng ở cửa đón khách.

Không giấy phép, đã bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM yêu cầu đóng cửa nhưng hộ kinh doanh có tên Viện thẩm mỹ Đại học Y (368/7 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh) vẫn hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. Chiều 22/11, chúng tôi đến cơ sở này thấy bảng hiệu quảng báo vẫn như cũ, đèn led nhấp nháy, 2-3 cô nhân viên ngồi sẵn ở sảnh đón khách. Trò chuyện với bảo vệ, người này bảo vào đây làm đẹp thì cứ yên tâm.

Trên fanpage của Viện thẩm mỹ Đại học Y chạy dòng chữ xanh “luôn mở cửa”, liên tục có hình ảnh, clip khách hàng làm đẹp; trưng bảng báo giá như cắt mí treo cung mày nội soi với chi phí 4 triệu đồng, căng da mặt xóa nhăn 6 triệu đồng, tiêm filer Hàn Quốc 2,5 triệu đồng/1cc… Khách có nhu cầu chỉ cần comment, nhân viên hỗ trợ đặt lịch và làm ngay.

Trước đó, ngày 11/11/2019, Sở Y tế TPHCM kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ Đại học Y tiêm filler, botox không phép. Ông Nguyễn Tiến Thuận, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Thanh tra Sở Y tế TP yêu cầu ông Thuận ngưng ngay hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tháo gỡ các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các trang mạng xã hội; che chắn biển hiệu Viện thẩm mỹ Đại học Y khi cơ sở chưa được cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Viện thẩm mỹ Latin (số 204, đường 3/2, P.12, Q.10) dù chỉ được làm các dịch vụ ngoài da như phun xăm chân mày, tắm trắng, trị mụn… thế nhưng khi chúng tôi muốn tiêm nâng mũi thì nhân viên lại tư vấn nên nâng mũi cấu trúc hoặc bọc sụn thì sẽ đẹp hơn. Nhân viên ở đây còn tư vấn nâng ngực. Tỏ ra bất ngờ khi nơi này có thêm nâng ngực, nhân viên nói: Ở đây làm hết, từ mặt, ngực, mông… nhưng không quảng cáo trên web thôi, Fanpage của bác sĩ Trịnh Quang Đại giới thiệu đầy đủ các dịch vụ. Bác Đại mát tay lắm, mũi và ngực làm đẹp khỏi chê. Nhân viên tiết lộ, nâng ngực sẽ làm tại Bệnh viện Tân Hưng (Q.7).

Viện thẩm mỹ Latin trong năm 2019 bị Sở Y tế phạt 2 lần với số tiền 43,7 triệu đồng về 5 hành vi: Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Hoạt động không có biển hiệu; Không lập hồ sơ bệnh án theo quy định của pháp luật; Không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động.

TMV của Bác sĩ Ngô Mộng Hùng (115 Trương Định, P.7, Q.3) cũng vừa bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM phạt 25 triệu đồng về việc quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động. Tuy chỉ mới được cấp phép là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được thực hiện các ca tiểu phẫu, nhưng TMV này vẫn nhận nâng ngực, gọt mặt, cắt hàm.

Ai chống lưng?

Liên quan đến TMV Sophie International, không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn đưa bệnh nhân đang mang thai 4 tuần đến Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas, quận 10 để hút mỡ bụng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM khẳng định, nơi này chưa được cấp giấy phép hoạt động nên đình chỉ các hoạt động chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Ngày 24/11, nhân viên Sophie International nói: “Bên em hoạt động bình thường, có giấy phép hẳn hoi”!?

Còn Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS, sau sự cố khi hút mỡ bụng cho người mang thai do TMV Sophie International đưa sang, còn làm chết một nữ bệnh nhân đặt túi nâng ngực. Bác sĩ thực hiện nâng ngực Đinh Viết Hưng (49 tuổi, ngụ Q.9) được Emcas thông tin có chứng chỉ hành nghề của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẳng định giấy phép cấp cho BS Đinh Viết Hưng là giả mạo.

“Phải chăng Emcas được “chống lưng”? là câu hỏi dư luận đặt ra với Sở Y tế TPHCM về bệnh viện này. Ngày 22/11, mục sở thị tại Emcas, xe hơi vẫn ra vào tấp nập, nhiều người vẫn đem tiền đến đây nộp để làm đẹp.

Theo BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, tai biến, biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để xảy ra tai biến không đáng có là lỗi không chỉ của cá nhân bác sĩ mà còn là lỗi quy trình của cơ sở thẩm mỹ. “Ngoài chuyên môn y khoa, lĩnh vực thẩm mỹ bị chi phối nhiều bởi yếu tố kinh tế. Do đó trước nhu cầu thực tế, nhiều bác sĩ hành nghề đã đi “chệch” hướng” – BS Lê Hành nhìn nhận.

Thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy, đến nay thành phố có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa hoặc đơn vị thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và khoảng 1.398 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chăm sóc da, spa. Trong đó gây “đau đầu” nhất là công tác quản lý đối với các cơ sở thẩm mỹ chăm sóc da, spa, bởi thực tế nhiều cơ sở này đã “lén lút” thực hiện các dịch vụ phun, xăm, thêu thẩm mỹ dù không được phép.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thừa nhận, để xảy ra tai biến thẩm mỹ là do chủ quan của các cơ sở thẩm mỹ. Đây cũng chính là thách thức cho các nhà quản lý, từ phòng y tế quận, huyện đến Sở Y tế TPHCM. Theo ông Thượng, những tai biến thẩm mỹ xảy ra trong thời quan qua đòi hỏi cần có những giải pháp mới trong công tác quản lý. “Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát, thanh kiểm tra thường xuyên, liên tục các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, thậm chí lực lượng Thanh tra Sở Y tế sẽ “đóng giả” người dân để tiếp cận các cơ sở thẩm mỹ vi phạm các quy định pháp luật” lạnh đạo Sở Y tế TPHCM cam kết.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý dịch vụ y tế Sở Y tế TPHCM cho biết: “Hiện chỉ mới có 8 cơ sở thẩm mỹ chăm sóc da, spa có văn bản báo cáo Sở Y tế và được thẩm định đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật phun, thêu, xăm thẩm mỹ hợp lệ, còn lại 1.390 cơ sở không thể kiểm soát được có thực hiện phun, xăm, thêu thẩm mỹ hay không”. (Tiền phong, trang 15).

 

Số người mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức rất cao

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến ngày 25-11, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 11.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Hiện nay, số ca mắc SXH trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu có chiều hướng giảm dần (600-700 ca/tuần) nhưng vẫn ở mức cao. Giám sát cho thấy dịch SXH ở Hà Nội năm nay xảy ra muộn hơn, số lượng bệnh nhân nhập viện không nhiều bằng nhưng có những thay đổi bất thường.

Dịch bệnh SXH gia tăng ở các huyện ngoại thành sau đó lan sang các quận nội thành. Tỷ lệ người cao tuổi, phụ nữ có thai mắc bệnh nhiều hơn, trong đó có nhiều bệnh nhân có biểu hiện nặng, như: sốc, viêm não, viêm tủy, viêm cơ tim.

Trước tình hình dịch SXH ở Hà Nội vẫn diễn ra phức tạp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, để thực hiện được mục tiêu hết tháng 11 khống chế được dịch bệnh SXH, thành phố đang tập trung thực hiện các biện pháp dập dịch.

Các quận huyện tiếp tục kiểm tra các công trường xây dựng, chợ, trường học, khu công cộng, khu thuê trọ… tuyên truyền biện pháp phòng bệnh và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời duy trì cảnh báo nguy cơ dịch hàng tuần và giám sát chặt chẽ các địa phương có nhiều bệnh nhân, ổ dịch kéo dài. Trong khi đó, thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế tính đến cuối tháng 11, cả nước đã ghi nhận trên 250.000 người mắc SXH và 49 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số người mắc SXH năm nay tăng hơn 300%, tử vong tăng 26 trường hợp.

Theo ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng, để phòng chống dịch SXH, việc phun hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy/lăng quăng hàng ngày, loại bỏ các vật liệu phế thải chứa nước để không cho muỗi sinh sản, mắc màn khi đi ngủ… vẫn là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả và lâu dài để kiểm soát ngăn ngừa SXH lây lan.

Dự kiến từ tháng 6-2021, Việt Nam triển khai hệ thống cảnh báo dịch SXH sớm trước 6 tháng tại Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk nhờ tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Bác sĩ bị mạo danh để bán thuốc

Liên tục trên mạng xã hội hay một số website, tên tuổi của không ít giáo sư, bác sĩ đầu ngành, thậm chí cả thương hiệu bệnh viện lớn đã bị một số cơ sở, cá nhân giả mạo với mục đích quảng cáo bán thuốc, sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng, chữa bệnh…

Bác sĩ bị mạo danh tràn lan

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã lên tiếng về việc hình ảnh và tên tuổi của mình bị một số cơ sở thẩm mỹ mạo danh dưới hình thức hợp tác. Cụ thể,  trang Facebook quảng cáo về một cơ sở thẩm mỹ viện có trụ sở tại Hải Phòng cho biết, cơ sở này đã mời GS.TS Trần Thiết Sơn về phẫu thuật. Trong khi thực tế, GS.TS Trần Thiết Sơn không hợp tác với thẩm mỹ viện nào như vậy. Không chỉ Facebook mà có những website còn lợi dụng hình ảnh và danh tiếng của ông để quảng cáo, tư vấn về bệnh nam khoa…

BS Nguyễn Thị Nhã, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện Hà Nội) bức xúc cho biết: “Họ ngang nhiên sử dụng hình ảnh, tên tuổi của tôi để quảng cáo, có lúc họ khoác cho tôi danh hiệu bác sĩ Đông y, lúc lại là bác sĩ sản khoa, rồi bán cả thuốc chữa rụng tóc… Điều này ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân tôi và uy tín của bệnh viện. Nguy hại hơn, có những người dân cả tin nghe theo những lời quảng cáo đó, khiến họ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang”…

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Nhi đồng 1) cũng bức xúc: “Hình ảnh của tôi lúc thì được người ta sử dụng để bán thuốc đau lưng, khi thì thuốc nam khoa, thuốc tăng trưởng chiều cao. Ngay cả Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” mà tôi lập ra để tư vấn cho phụ huynh cũng được nhân bản rất nhiều”. Theo BS Trương Hữu Khanh, việc mạo danh khiến nhiều phụ huynh, người bệnh sử dụng nhầm những sản phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc, gây hậu quả rất khó lường.

Xử lý rất khó, vẫn chủ yếu là cảnh báo

Mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk ban hành Văn bản số 2514/SYT – VP gửi các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh thông báo các hành vi mạo danh, giả danh y, bác sĩ, tổ chức của ngành y tế để lừa đảo một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, Sở Y tế đã nhận được một số phản ánh của đơn vị và người dân trong tỉnh về tình trạng mạo danh, giả danh y, bác sĩ, các tổ chức của ngành y tế để quyên góp, kêu gọi, ủng hộ, bán sách chuyên ngành về y tế, phòng, chống bệnh ung thư, đồng thời, tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cấp phép.

Sở Y tế Đắk Lắk cũng đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh tuyên truyền đến các tổ chức, người dân nhằm cảnh giác các hành vi trên. Các đơn vị, cơ quan, người dân trên địa bàn tỉnh khi phát hiện các đối tượng, tổ chức mạo danh, giả danh y, bác sĩ, tổ chức của ngành y tế để lừa đảo thì kịp thời thông tin cho ngành y tế và các ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, quy định của Bộ Y tế nêu rõ các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng là giả mạo. Ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.

Còn theo PGS.TS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc mạo danh bác sĩ, người nổi tiếng chữa bệnh bán thuốc hiện đang là một thực trạng nhức nhối. Hiện Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với Thanh tra Sở TT-TT tăng cường kiểm tra xử lý trong lĩnh vực này. Nếu phát hiện sai phạm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý. Để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình, người dân cần nâng cao cảnh giác để không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ hay bệnh viện điều trị, kê đơn, bán thuốc… (Khoa học & Đời sống, trang 20).

 

“Loạn” trường y dược tại Hà Nội: Trăm nẻo “trèo tường quy định”

Trước những thách thức về quy định để được cấp phép đào tạo hoặc đào tạo chuyên sâu ngành Chăm sóc sức khỏe (Y dược), các trường đã áp dụng không ít các cách thức “lách” luật.

Luật chặt, nhưng “lách” không khó

Khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, điều kiện để nâng cấp, hay thành lập mới có khá nhiều thay đổi theo hướng yêu cầu cao hơn. Các trường đào tạo không dễ đáp ứng các điều kiện về nhân sự, về cơ sở vật chất, năng lực tài chính…

Dẫu thế, với các nhà đầu tư giáo dục đầy năng động, luật chưa bao giờ chặt chẽ, vì luôn có cách “lách” qua. Có thể chỉ ra một số cách để sở hữu trường Cao đẳng Y dược, hay mã ngành Y dược.

Nghị định 143/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu các trường quy mô đào tạo lớn phải đảm bảo diện tích tối thiểu 50.000m2. Tuy vậy, yêu cầu này đã điều chỉnh giảm tại Nghị định số 4986/VBHN-BLĐTBXH ngày 23/11/2018 của Bộ LĐTBXH. Theo đó diện tích được yêu cầu chỉ 20.000m2 với khu vực nội thành, và 40.000m2 với khu vực ngoại thành. Đây là cách đầu tiên giảm áp lực đầu tư cho các trường đào tạo.

Cách nữa là “y dược hóa” các trường đa ngành. Đây là cách nhanh và đơn giản nhất khi muốn sở hữu tên trường đầy “màu sắc” y dược. Ở trường hợp này, về diện tích, về số tiền đảm bảo (100 tỷ đồng)… các cơ quan quản lý dường như đã… bỏ qua cho các trường. Có thể chỉ ra 2 điển hình chuyển đổi khá sớm theo “phương án” này là trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội – Bắc Ninh và Cao đẳng Dược Hà Nội ở Hưng Yên. Cần nhấn mạnh là, cả 2 trường này đã được đổi tên khi Thông tư hướng dẫn đặt tên trường chưa kịp ban hành.

Sau đó, hàng loạt các trường y dược cũng được “ra lò” theo kiểu chuyển đổi từ đa ngành sang y dược. Chẳng hạn như Cao đẳng Y dược Pasteur – Yên Bái, Cao Đẳng Công nghệ Y dược Việt Nam – Đà Nẵng, Cao đẳng Y dược Sài Gòn – Hưng Yên, Cao Đẳng Y Sài Gòn – Đà Lạt, Cao đẳng Y Hà Nội…

Sau chuyển đổi sang y dược, với tên gọi mới, ngẫu nhiên tên các trường thể hiện như là cơ sở đào tạo chuyên sâu khối ngành chăm sóc sức khỏe, dù hoạt động trước đó của các trường chủ yếu là kỹ thuật.

Một cách nữa để đạt mục đích là mở mã ngành Chăm sóc sức khỏe trong trường đào tạo đa ngành. Theo đó, nếu là trường đã sở hữu các mã ngành Y dược trước đó, thì chỉ làm thủ tục chuyển đổi sang giáo dục nghề nghiệp. Còn lại các trường gốc là cao đẳng nghề được chuyển đổi sang giáo dục nghề nghiệp và làm thủ tục mở mã ngành Y dược (chăm sóc sức khỏe).

Cách này cũng giúp các trường bỏ qua được quy định về diện tích (5ha) và 100 tỷ đồng vốn pháp định nếu như thành lập trường cao đẳng chuyên ngành về khối chăm sóc sức khỏe. Điển hình cho áp dụng cách này là các trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội, Cao đẳng Asean…

Giải pháp “tốn kém” nhất là nâng cấp từ trường Trung cấp Y dược (Chăm sóc sức khỏe) lên cao đẳng, vì phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện theo quy định. Hầu hết các trường Trung cấp Y dược hiện đều chưa thực hiện đúng cam kết đảm bảo về cơ sở vất chất sau 5 năm thành lập.

Nhưng với những trường này, nếu không có đủ hạ tầng theo quy định, thì có thể đi “thuê”. Có thể dẫn một số trường đã chọn cách này, như Cao đẳng Dược Hà Nội I (nay là cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh), Cao đẳng Y dược Cộng đồng – Bắc Ninh, Cao đẳng Y dược Thăng Long – Thanh Hóa, Cao đẳng Y Hà Nội, Cao đẳng Y Hà Nội I…

Cách nữa là đặt cơ sở đào tạo hoặc cơ sở thực hành. Đây là cách lách khá phổ biến. Theo đó, các trường Cao đẳng tỉnh ngoài có thể vào được Hà Nội mà không tốn quá nhiều công sức. Chỉ cần đi thuê cơ sở là có một “trường con” với đầy đủ các mã ngành, và vô tư tuyển sinh đào tạo. Ví dụ như các trường Cao đẳng Y dược Pasteur, Cao đẳng Y dược Hà Nội, Cao đẳng Công nghệ Y dược Việt Nam…

Cuối cùng là phương án sát nhập với trường trung cấp nội thành để nâng cấp lên thành cao đẳng. Đây là cách “chẳng giống ai” mà trường Cao đẳng công nghệ Bách khoa Hà Nội áp dụng. Trường này tiền thân là Cao đẳng nghề Bắc Nam, trụ sở tại Hải Phòng. Tuy nhiên, sau khi sát nhập với trường Trung cấp Bách khoa Hà Nội, trường mới lại được mang danh Cao đẳng và tiến thẳng vào Hà Nội, và cũng kịp sở hữu cho mình mã ngành chăm sóc sức khỏe (ngành điều dưỡng).

Dấu hỏi lớn về điều kiện cần và đủ?

Dường như, hàng loạt các quy định về nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính cũng không thể làm khó được các nhà đầu tư giáo dục. Theo ghi nhận, khá nhiều trường trung cấp đã sử dụng giải pháp thuê tài chính để đảm bảo trong tài khoản nhà trường có số dư là 100 tỷ (vốn pháp định) khi bảo vệ đề án thành lập. Nhưng sau khi có quyết định nâng cấp, việc theo dõi, giám sát, quản lý số tiền này không hề rõ ràng.

Theo Quyết định 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, đội ngũ giảng viên của trường cao đẳng cần đạt tỷ lệ 30% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, cán bộ quản lý như hiệu trưởng cũng phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Để thực hiện được việc nâng cấp từ Trường Trung cấp Y dược lên Trường Cao đẳng Y dược thì các trường phải cử cán bộ đi đào tạo sau đại học để tăng tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ Thạc sĩ – chuyên khoa I.

Điều đáng bàn là, danh sách cán bộ giảng viên thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện không liên thông với hệ thống giáo dục. Do vậy, không thể đảm bảo rằng, giảng viên quản lý thuộc hệ thống giáo dục không trùng tên với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Nói cách khác là hiện chưa có cách khống chế việc các trường “mượn” tên giảng viên trong hồ sơ nâng cấp.

Thuê đất, giấy tờ chứng minh tài sản hình thành trong tương lai là cách lách khác để đảm bảo đủ diện tích tại… hồ sơ trình các cơ quan quản lý, để nâng cấp trường. Hiện, nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học vẫn đang chưa có đất, trong khi qũy đất dành cho giáo dục của Hà Nội còn không nhiều. Hà Nội lại là địa phương tập trung số lượng lớn các cơ sở đào tạo nói chung và đào tạo mã ngành chăm sóc sức khỏe nói riêng.

Vậy thì đâu là cơ sở để các trường ngoại tỉnh đáp ứng điều kiện “nhập khẩu” vào Hà Nội, nếu không phải nhờ vào sự “không biết” của cơ quan quản lý? (Khoa học & Đời sống, trang 1).25

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 04/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/3/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận