Điểm báo ngày 26/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 26/10/2018

Công đoàn Y tế Việt Nam: Chủ động ngăn ngừa nạn hành hung cán bộ, nhân viên y tế; Không để thiếu thuốc tại trạm y tế mô hình điểm; Đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ tai biến sản khoa; 3 trường hợp bị cúm A/H1N1 ở Đồng Nai

 

Công đoàn Y tế Việt Nam: Chủ động ngăn ngừa nạn hành hung cán bộ, nhân viên y tế

Từ đầu năm 2018 tới nay, tại nhiều cơ sở khám – chữa bệnh trong cả nước liên tiếp xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tinh thần của nhân viên y tế bị hành hung cùng các đồng nghiệp của họ. Trước vấn nạn trên, CĐ Y tế VN đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ đoàn viên của mình.

Liên tiếp xảy ra việc hành hung nhân viên y tế

Theo Bệnh viện Đà Nẵng, ngày 3.10.2018, Phòng Cấp cứu – Khoa Khám bệnh tiếp nhận bệnh nhân Đặng Thế Duy bị tai nạn giao thông. Bệnh nhân Duy được thăm khám ngay, làm các xét nghiệm và được theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm tại phòng lưu bệnh. Khi điều dưỡng Trần Thị Thanh Thúy đến nơi bệnh nhân Duy nằm điều trị để sắp xếp lại giường bệnh thì người nhà bệnh nhân này tới gây gổ, chửi bới và hành hung điều dưỡng Thúy. Camera an ninh của bệnh viện đã ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc.

Trước đó, ngày 23.9.2018, tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời (Cà Mau), trong lúc điều dưỡng Phạm Văn Ấn (Khoa Nội) đang đo huyết áp cho bà Hường thì bị người nhà bệnh nhân đánh rách da đầu, phải đi cấp cứu. Một vụ việc khác, đêm 14.8.2018 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TPHCM), điều dưỡng Trần Thị Tố Quyên trong khi đang cấp cứu cho bệnh nhân thì một số đối tượng côn đồ dùng vật nhọn đâm vào vai, rách 5cm.

Các vụ hành hung trên không chỉ gây những tổn hại tới sức khỏe thể chất, tinh thần cho người bị hành hung mà còn tạo ra tâm lý bất an, lo lắng cho cán bộ, nhân viên y tế. Đặc biệt, tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khám-chữa bệnh tại cơ sở. Đáng chú ý, những vụ việc nêu trên chỉ là 3 trong số hàng chục vụ hành hung nhân viên y tế đã xảy ra trong những năm gần đây. Theo CĐ Y tế VN, số các vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế có chiều hướng gia tăng và đang trở thành vấn nạn khi từ năm 2012-2016 chỉ có 12 vụ, năm 2017 có 13 vụ, nhưng chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2018 có tới 18 vụ được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hướng dẫn CĐCS bảo vệ đoàn viên

Ngay sau khi xảy ra những vụ việc trên, PGS-TS Phạm Thanh Bình – Chủ tịch CĐ Y tế VN – đã kịp thời tới thăm hỏi, động viên nhân viên y tế bị hành hung, đồng thời chỉ đạo CĐ Y tế tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở Y tế kịp thời có báo cáo và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm với những đối tượng có liên quan.

Chủ tịch CĐ Y tế VN cho biết, hiện nay, CĐ Y tế VN đang phối hợp với Bộ Y tế triển khai tập huấn truyền thông về giao tiếp ứng xử cho cán bộ CĐ trong ngành y tế ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Việc tập huấn nhằm trang bị những kỹ năng giao tiếp cần thiết đối với nhân viên y tế tại các vị trí làm việc khác nhau, nhất là kiến thức, kỹ năng giúp nhân viên y tế chủ động nhận diện những người bệnh, thân nhân người bệnh có nguy cơ gây bạo hành cùng các biện pháp hóa giải nguy cơ.

Đặc biệt, tại các buổi tập huấn trên, CĐ Y tế VN xin ý kiến đại biểu về dự thảo “Hướng dẫn phòng và xử lý cho CĐCS khi có cán bộ y tế bị bạo hành”. Theo đó, dự thảo này hướng dẫn CĐCS chủ động tham mưu các cấp chính quyền, ngành chức năng thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn như: Bố trí hợp lý nhân lực y tế, bố trí xây dựng khu vực cách ly một số vị trí có nguy cơ bạo hành cao (phòng khám, cấp cứu, khoa ngoại, khoa sản…).

Ngoài ra, CĐ Y tế VN sẽ phối hợp với Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm an ninh trong bệnh viện quy định tại tiêu chí C1.1. của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện VN (Lao động, trang 5).

Không để thiếu thuốc tại trạm y tế mô hình điểm

Chiều 25-10, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai thực hiện trạm y tế (TYT) mô hình điểm về đổi mới hoạt động trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TPHCM có 3 mô hình TYT điểm, tuy nhiên, để triển khai sâu rộng hơn mô hình này, ngành y tế TP đã bổ sung thêm TYT ở các quận huyện, nâng tổng số TYT mô hình điểm lên 25 trạm.

Trong đó Phòng khám đa khoa DHA (quận 3) là đơn vị xã hội hóa đầu tiên của TPHCM. Các bác sĩ bệnh viện tuyến quận, huyện sẽ được luân phiên về làm việc tại TYT, đảm bảo mỗi TYT có ít nhất 2 bác sĩ.

Song song đó, khuyến khích TYT phát triển mở rộng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để có thể phân bổ chỉ tiêu thẻ bảo hiểm y tế ban đầu cho TYT; đảm bảo tất cả các TYT luôn có thuốc trong điều trị, dự phòng, nhất là thuốc bảo hiểm y tế. Dự kiến, 24 TYT điểm sẽ được nâng cấp, sửa chữa trước ngày 5-11 theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế với tiền phân bổ 1,7 tỷ đồng/trạm.

Tuy nhiên, theo đại diện các TYT điểm cho rằng, một trong những vướng mắc lớn hiện nay ngoài việc thiếu nguồn nhân lực bác sĩ thì việc các TYT luôn trong tình trạng thiếu thuốc, nhất là thuốc bảo hiểm y tế. Trước thực trạng này, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại các TYT mô hình điểm (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ tai biến sản khoa

GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà mẹ cũng như của thai nhi. Người mẹ có thể mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh lý võng mạc, bệnh lý mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu, tăng nguy cơ tiền sản giật – sản giật và nguy cơ bị ĐTĐ thực sự trong tương lai… Tăng huyết áp ở người mẹ sẽ đe dọa đến tính mạng cả người mẹ và thai nhi. Nghiên cứu ở một số cơ sở y tế VN cho thấy tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc ĐTĐ thai kỳ có xu hướng gia tăng.

Tại TP.HCM, tỷ lệ này là 2,1% vào năm 1997 đã tăng lên 4% năm 2008 và khoảng 20% trong năm 2017. Tại Hà Nội, từ 10 năm trước, tỷ lệ này đã ở mức 5,7%.

Theo khảo sát của các bệnh viện chuyên khoa sản trên toàn quốc, trong giai đoạn từ năm 2001 – 2004, tỷ lệ phát hiện ĐTĐ thai kỳ vào khoảng 3 – 4%. Tuy nhiên, đến năm 2017, tỷ lệ này đã tăng lên mức 20% trên tổng số thai phụ được khám tại các bệnh viện/cơ sở y tế chuyên khoa.

Các nghiên cứu cho thấy bất thường bẩm sinh tăng gấp 3 lần ở thai nhi có mẹ mắc ĐTĐ thai kỳ trước đó nếu không kiểm soát tốt (Thanh niên, trang 15).

3 trường hợp bị cúm A/H1N1 ở Đồng Nai

Ngày 25-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hoàng Nghĩa Đài, trưởng phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế Đồng Nai), xác nhận trên địa bàn vừa ghi nhận 3 trường hợp dương tính với bệnh cúm A/H1N1. Ngoài ra, Đồng Nai cũng ghi nhận 1 trường hợp khác dương tính với cúm A/H3.

Trước đó, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị với các triệu chứng của bệnh cúm, viêm phổi. Bệnh viện đã tiến hành làm test nhanh, đồng thời lấy mẫu gửi Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai và Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur xác định cả 3 bệnh nhân đều dương tính với cúm A/H1N1. Trong số 3 ca dương tính với cúm A/H1N1, bệnh nhân L.T.M. (53 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom)  xin về nhà và tử vong sau đó. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai khẳng định nguyên nhân tử vong của bệnh nhân trên không phải vì cúm mà do nhiều bệnh mãn tính khác. Quá trình điều tra cũng không phát hiện thêm trường hợp nào lây nhiễm cúm. Trong khi đó, hai bệnh nhân còn lại đã ổn định và có thể xuất viện. Theo bác sĩ Đài, ngay khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tiến hành điều tra, xử lý dịch tại khu vực xung quanh nơi ở của bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 nhưng không phát hiện thêm các trường hợp khác mắc bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cũng đã phối hợp với Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiến hành khử trùng tại bệnh viện, đồng thời thông báo toàn hệ thống y tế trên địa bàn cảnh giác, sớm phát hiện các trường hợp tương tự để có biện pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp(Tuổi trẻ, trang 14).

BV Việt Đức phản hồi về “hiện tượng cò máu”

Giám đốc BV Việt Đức , GS.TS Trần Bình Giang vừa có công văn trả lời về những thông tin đăng tải trên báo chí liên quan đến hiện tượng “cò máu” tại bệnh viện. Theo đó, bệnh viện khẳng định, không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu không có người nhà hiến máu tình nguyện. Tại BV Hữu nghị Việt Đức nguồn máu đến từ 3 nguồn chính: tiếp nhận máu từ những người hiến máu trong cộng đồng, tiếp nhận máu từ Viện huyết học truyền máu Trung ương và tiếp nhận máu tại điểm hiến máu cố định trong bệnh viện bao gồm từ cán bộ y tế, nhân dân quanh khu vực và từ người nhà bệnh nhân. Hàng ngày, BV mổ trung bình 150 ca mổ phiên, khoảng trên 30 ca mổ cấp cứu, hầu hết cần truyền máu. Có những loại máu và thời điểm không đủ cung cấp từ các nguồn trên, bệnh viện vận động người nhà người bệnh, người dân và cả cán bộ y tế của bệnh viện hiến máu để truyền cho người bệnh. Đây là một nghĩa cử cao đẹp giúp cứu sống người bệnh, nhiều người nhà người bệnh sẵn sàng hiến máu, thậm chí huy động người nhà hiến vượt số lượng theo yêu cầu truyền cho người nhà mình với một suy nghĩ đơn giản tại sao những người không quen biết trong xã hội còn tình nguyện hiến máu cứu người mà mình lại không thể hiến cho ngay người nhà mình? Tuy nhiên số lượng này chiếm tỷ trọng rất ít trong tổng số máu truyền tại bệnh viện, nhiều thời điểm khi lượng máu hiến nhân đạo đủ thì cũng không huy động từ nguồn này, đơn cử năm 2018, tháng 3, 4, 5, 6 hoàn toàn không lấy máu tại bệnh viện (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 15/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 6/8/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận