Điểm báo ngày 26/7/2022

(CDC Hà Nam)
Không dễ giám sát bệnh đậu mùa khỉ; Phòng chống bệnh đậu mùa khỉ: Việt Nam đề nghị WHO, Nhật, Mỹ hỗ trợ; Ứng phó nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ; TPHCM tăng cường giám sát thân nhiệt người nhập cảnh; Thúc đẩy tiêm vắc xin phòng Covid-19, tránh nguy cơ bùng phát dịch

 

Không dễ giám sát bệnh đậu mùa khỉ

Ngoài việc ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ gây ra, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các nước cần có biện pháp ứng phó như chuẩn bị năng lực chẩn đoán, sàng lọc, cách ly, ngăn chặn sự lây nhiễm…
Nhiều nước (trong đó có Việt Nam) đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế, việc du nhập bệnh qua các cửa khẩu chỉ là vấn đề thời gian, chưa kể đã có sự lây truyền trong cộng đồng chưa được phát hiện.

Giả thiết nếu dịch bệnh đậu mùa khỉ du nhập vào Việt Nam, các chuyên gia đều cho rằng không dễ để chẩn đoán, cách ly và điều trị.

Đo thân nhiệt, giám sát triệu chứng người nhập cảnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – khẳng định đến thời điểm hiện tại địa bàn TP.HCM vẫn chưa phát hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nào.

Tuy vậy, căn cứ vào các yêu cầu của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, đơn vị đã chỉ đạo cơ sở y tế trực thuộc, yêu cầu các cơ sở y tế đóng trên địa bàn khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Sau nhiều cuộc họp với các đơn vị chuyên môn, ông Thượng nói TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp nhằm “đón lõng”, trong đó giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức giám sát thân nhiệt và triệu chứng người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải tại các cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trong trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin và lập phiếu điều tra dịch tễ.

“Nếu trường hợp có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ, kiểm dịch viên sẽ hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi. HCDC đồng thời chịu trách nhiệm xây dựng nội dung truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh nêu trên thông báo cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn” – ông Thượng nói.

Ngoài ra, ông còn khẳng định sẽ đề nghị các đơn vị tăng cường truyền thông cho người dân biết khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến bệnh viện quận, huyện gần nhất (ban đầu) để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán.

Các bệnh viện đóng trên địa bàn phải bố trí buồng khám dự phòng để khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc. Tất cả các đơn vị khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải báo cáo về HCDC trong vòng 24 giờ.

Các mẫu bệnh phẩm lấy được có thể gửi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.

Bên cạnh việc phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng – ĐH Oxford (OUCRU) nghiên cứu ca lâm sàng mắc bệnh đậu mùa khỉ (nếu có), Sở Y tế giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM làm tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp kèm triệu chứng nặng; không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện tuyến dưới và các trường hợp đã xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Cần nghiên cứu thêm về phương pháp lây truyền

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh, tuy vậy tại cuộc họp trực tuyến do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì với sự tham gia của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-7 đã thống nhất về nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và gây bệnh bất cứ lúc nào do dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, trong khi sự giao lưu đi lại ngày càng thuận tiện.

Bộ Y tế cho biết từ 1-1-2022 đến 23-7-2022, WHO đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực. Tại khu vực châu Á, các quốc gia cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.

Đây cũng chính là cơ sở để WHO chính thức ban bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu bởi tốc độ lây lan rộng “rất rõ ràng”. Tuy vậy, cơ quan này cũng thừa nhận “còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus”.

Với một loại dịch bệnh còn nhiều điểm chưa rõ, trước mắt Bộ Y tế đưa ra hàng loạt giải pháp “tạm thời”, trong đó đáng chú ý là chỉ đạo địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ; chuẩn bị sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, xác định ca bệnh, đồng thời tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu hoặc các cơ sở y tế. “Khuyến khích khai báo từ người dân vì bệnh thường biểu hiện nhẹ, ít phải vào cơ sở y tế, khó phát hiện qua giám sát chủ động” – báo cáo của Bộ Y tế nêu.

Không dễ giám sát

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Hữu Khanh – phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM – cho rằng các động thái của ngành y tế ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ là rất cần thiết, đặc biệt với TP.HCM nơi đông dân, có mật độ giao thương lớn. Tuy vậy, theo ông, bên cạnh các khuyến cáo được xem là “đương nhiên” thì việc chẩn đoán và giám sát các ca bệnh không dễ.

“Các nghiên cứu hiện nay cho thấy tỉ lệ lây nhiều nhất vẫn là thông qua quan hệ đồng tính, chứng tỏ phải tiếp xúc rất gần mới có thể lây bệnh. Điều này cũng là cơ sở đánh giá khả năng đột biến của con virus này chưa đáng kể, chưa thể tạo ra một loại dịch bệnh có thể lây ồ ạt như một số bệnh hô hấp khác. Nhưng đây là câu hỏi của 5-10 năm sau, rất cần được giám sát và giải mã” – ông Khanh đánh giá.

Để ứng phó với dịch bệnh này, theo ông, điều khó khăn nhất không phải nằm ở số ca mắc và tử vong mà ở năng lực xét nghiệm chẩn đoán bệnh chưa có sự thống nhất, rõ ràng ở các nước. Do đó cần phải có quy trình làm sao chẩn đoán đúng bằng xét nghiệm và việc xét nghiệm này phải nhanh, còn chậm sẽ không có giá trị.

Ông nói: “Nếu không xét nghiệm nhanh để xác định mà chỉ nhìn triệu chứng lâm sàng bên ngoài sẽ không thể phát hiện được chính xác đó có phải là đậu mùa khỉ hay không”.

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – trưởng khoa nhiễm D (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) – cho rằng bệnh đậu mùa khỉ cũng có nhiều nét tương đồng bệnh thủy đậu, khi trong nước chưa có ca mắc, biện pháp duy nhất để xác định là dựa vào các triệu chứng để xét nghiệm khoanh vùng khống chế nguồn lây.

Đặc biệt cũng giống như dịch COVID-19, cần có biện pháp bảo vệ nhóm nguy cơ như mắc bệnh nền và cơ địa suy giảm miễn dịch.

Trong khi đó, một chuyên gia dịch tễ khác tại TP.HCM cũng cho rằng việc giám sát triệu chứng lâm sàng hành khách ở sân bay sẽ không mang đến nhiều giá trị về dịch tễ. Theo vị này, thay vì đo thân nhiệt, giám sát triệu chứng ở cửa khẩu, ngành y tế nên tập trung vào xét nghiệm nhanh các ca bệnh “đi lạc” ở trong các bệnh viện hoặc được phát hiện trong cộng đồng (Tuổi trẻ, trang 14; Lao động, trang 7; Thanh niên, trang 4).

 

Phòng chống bệnh đậu mùa khỉ: Việt Nam đề nghị WHO, Nhật, Mỹ hỗ trợ

Trước nguy cơ rất cao bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh đậu mùa khỉ tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành phố thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh.

Sẽ tập huấn cho các cơ sở y tế về điều trị

Bộ Y tế thông tin, cần giám sát trong cộng đồng những trường hợp phát ban, nốt phỏng. Theo WHO, cơ bản các ca mắc là nam giới chiếm 98%, trong đó đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới tương đối cao. “Tuy nhiên, chúng tôi đang đề nghị WHO cập nhật thêm quy trình chẩn đoán vì chúng ta chưa có quy trình chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ trong phòng thí nghiệm. Chúng ta đang đợi nhận bộ mồi và trứng dương của WHO cung cấp”, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nói. PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, bày tỏ mong muốn WHO hỗ trợ một số đơn vị ở Việt Nam các hóa chất, sinh phẩm để dùng phát hiện trường hợp nghi ngờ và ca bệnh đầu mùa. “Chúng tôi mong muốn Bộ Y tế, WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) có khuyến cáo tạm thời dùng một số hóa chất, sinh phẩm dùng trong nghiên cứu, phòng xét nghiệm trong tình huống cần khẩn cấp, tạm thời để sàng lọc ca nhiễm”, ông Trung nói.

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, thông tin, ngay sau khi nhận thông tin bùng phát đậu mùa khỉ trên thế giới, Cục đã soạn thảo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. “Tuần tới, chúng tôi sẽ tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế. Đa số ca bệnh đều là những trường hợp nhẹ, một số trường hợp có biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não. Chúng tôi phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng”, ông Khoa thông tin.

TS Khoa đồng quan điểm với chuyên gia WHO về đường lây chính đậu mùa khỉ là do tiếp xúc trực tiếp và giọt bắn, nguy cơ lây ở cơ sở y tế khá cao, phải có phương án phòng hộ cho nhân viên y tế. “Về chẩn đoán, do Việt Nam chưa có bộ kít xét nghiệm đậu mùa khỉ, trước mắt dựa vào triệu chứng lâm sàng để sàng lọc. Sau này có các chẩn đoán cận lâm sàng đặc hiệu sẽ áp dụng”, ông cho hay.

Bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam, cho biết: “Hiện Nhật Bản đã sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam một số sinh phẩm nhất định, sẽ được chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM. Do khó trong việc chẩn đoán bệnh, ca bệnh lâm sàng không điển hình, vì vậy chúng ta cần truyền thông để các ca có triệu chứng chủ động đến cơ sở khám chữa bệnh sớm để bảo vệ mình và cộng đồng”.

Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh tại cửa khẩu

Phát biểu tại cuộc họp khẩn trực tuyến bàn về các biện pháp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định, bệnh đậu mùa khỉ khó lây, lây qua tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Thế giới chưa có thuốc đặc hiệu, vắc xin đặc biệt cho bệnh này. Việt Nam cũng không còn dự trữ vắc xin đậu mùa. Vì vậy, bà Hương đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành phố thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh, vậy ứng phó khi vào nhóm 2-3-4 thì như thế nào?

“Việt Nam chưa có ca bệnh song phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng… khi có kịch bản, xử lý nhanh và sẵn sàng ứng phó”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói. Về năng lực xét nghiệm, theo bà Hương, hiện đang chờ hỗ trợ về sinh phẩm xét nghiệm từ WHO, tuy nhiên theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, chúng ta có thể dùng sinh phẩm trong phòng thí nghiệm để có thể chẩn đoán bệnh trong trường hợp khẩn cấp. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị nhanh chóng hoàn thiện quy trình xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ vì không có hướng dẫn, không thể chẩn đoán ca mắc.

Bà Hương đề xuất WHO, CDC Mỹ hỗ trợ một lượng vắc xin nhất định để có thể tiêm cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện tại Việt Nam. Về thuốc kháng virus nếu có, Việt Nam cũng mong muốn nhận được hỗ trợ (Tiền phong, trang 12).

 

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ

Dù Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, nhưng việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu cho thấy nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất cao. Hơn nữa, dịch bệnh này đã xuất hiện ở một số quốc gia trong khu vực, trong khi sự giao lưu đi lại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đang tăng trở lại.

Tốc độ lây lan nhanh 

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, nên có tên là “bệnh đậu mùa khỉ”. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 tới ngày 23-7, WHO ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (trong đó có 5 trường hợp tử vong) tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực trên thế giới. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 1/3.000, nhưng số này chưa thực sự thống kê hết.

Mới đây, WHO đã quyết định công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng.

Lây nhiễm qua tiếp xúc

Đại diện của WHO cho biết, đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi, hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

Việt Nam hiện nay đang được WHO xếp vào nhóm 1 – nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng. “Chúng ta cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế, những người có nguy cơ cao”, bác sĩ Hiên khuyến cáo.

Lưu ý các biểu hiện, biến chứng

Theo WHO, biểu hiện triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban (có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn). Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0%-11%.

Bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần, nhưng cũng có biến chứng. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban, nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến phổi, nhiễm trùng máu, mất nước, viêm não. Vì vậy, theo bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý để khi có ca bệnh thì sẽ hạn chế tối đa tốc độ lây lan cũng như tử vong. Về sinh phẩm xét nghiệm, hiện nay, Nhật Bản sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam một số sinh phẩm nhất định và sẽ được chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM trong thời gian tới.

Chuẩn bị các kịch bản ứng phó

Trước các nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập nước ta rất cao, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam; các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương.

“Chúng ta cần tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu, đặc biệt là khách đến từ các quốc gia đang có dịch. Đồng thời cần xây dựng các kịch bản đối phó. Việt Nam chưa có ca bệnh nhưng phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng…”, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Về năng lực xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, đang chờ hỗ trợ về sinh phẩm xét nghiệm từ WHO, nhưng theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, có thể dùng sinh phẩm trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán bệnh trong trường hợp khẩn cấp. Do vậy, yêu cầu củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định tại các viện vệ sinh dịch tễ trong cả nước và đề nghị nhanh chóng hoàn thiện quy trình xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ. Về chẩn đoán, do Việt Nam chưa có bộ kit test đậu mùa khỉ, trước mắt dựa vào triệu chứng lâm sàng để sàng lọc. Sau này có các chẩn đoán cận lâm sàng đặc hiệu sẽ áp dụng.

Đối với công tác điều trị, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, đã có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. Ngay trong tuần này, cục sẽ tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế.

“Đa số ca bệnh đều là những trường hợp nhẹ, một số trường hợp có biến chứng như: nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não. Chúng tôi phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng”, TS Nguyễn Trọng Khoa thông tin (Sài Gòn giải phóng, trang 4; Tiền phong, trang 6).

 

TPHCM tăng cường giám sát thân nhiệt người nhập cảnh

Ngày 25-7, tại cuộc họp giao ban với các đơn vị chuyên môn, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng chỉ đạo tiếp tục có biện pháp giám sát, chẩn đoán, sàng lọc, cách ly, xét nghiệm, thu dung và điều trị khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ; xây dựng kế hoạch, chẩn đoán, tập huấn, phối hợp thu dung, điều trị… trình UBND TPHCM phê duyệt.

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sau khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế về bệnh đậu mùa khỉ, ngành y tế thành phố đã chỉ đạo các bộ phận liên quan về các giải pháp phòng ngừa. Trước mắt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân biết các triệu chứng ban đầu như phát ban bóng nước, mụn mủ…, từ đó kịp thời đến các cơ sở khám chữa bệnh thăm khám, xét nghiệm; thực hiện nghiêm công văn hướng dẫn giám sát phòng chống bệnh trên địa bàn.

Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các cửa khẩu trên địa bàn thành phố tăng cường giám sát thân nhiệt người nhập cảnh qua máy đo thân nhiệt nhằm phát hiện kịp thời các triệu chứng nghi ngờ. Đối với trường hợp chưa đủ yếu tố xác định là “trường hợp có thể” mà chỉ là “trường hợp nghi ngờ” mắc bệnh, bộ phận kiểm dịch y tế hoặc trạm y tế sẽ hướng dẫn đối tượng tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong thời gian theo dõi, nếu có các dấu hiệu nặng, người bệnh cần đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để thăm khám và theo dõi kịp thời (Sài Gòn giải phóng, trang 4). 

 

Thúc đẩy tiêm vắc xin phòng Covid-19, tránh nguy cơ bùng phát dịch

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 664/CĐ-TTg ngày 25/7 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về tăng cường công tác tiêm vaccine phòng Covid-19. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ Y tế

a) Tiếp tục bảo đảm cung ứng, phân bổ đầy đủ, phù hợp, kịp thời vaccine phòng Covid-19 theo nhu cầu của các địa phương, không để tình trạng thiếu vaccine. Đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các địa phương.

b) Xây dựng chiến lược truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trọng điểm, có bằng chứng khoa học, tập trung vào tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, các đối tượng có nguy cơ cao.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan, khoa học, bằng nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp thu về lợi ích, hiệu quả của vaccine, nhất là trong việc ngăn ngừa chuyển nặng, tử vong khi mắc Covid-19 để người dân nâng cao nhận thức và chủ động tích cực tiêm vaccine phòng Covid-19.

c) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh lợi ích của vaccine phòng Covid-19 nhằm tạo sự đồng thuận trong công tác tiêm chủng cho trẻ em, nhất là nhóm trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để bảo đảm điều kiện an toàn cho học sinh đến trường trong năm học mới.

d) Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và theo dõi hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 để có thông tin khoa học, chính xác cung cấp cho người dân; đẩy mạnh việc cấp hộ chiếu vaccine cho người dân.

Tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi, hoàn thành trong tháng 8/2022

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả tiêm vaccine trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ sau đây:

a) Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân.

b) Phát động chiến dịch tiêm chủng: tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi bảo đảm hoàn thành trong tháng 8/2022; hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vaccine cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện đến tận cấp xã.

c) Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine. Cảnh báo về các biến thể mới của Omicron và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau nhiễm Covid-19; tập trung truyền thông về tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền (bao gồm cả trẻ em), những người muốn lựa chọn vaccine, người sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp; xây dựng nội dung truyền thông trước, trong và sau chiến dịch tiêm chủng; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vaccine đến từng địa bàn dân cư.

Công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ) và thông tin đến người dân để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời.

d) Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng trên địa bàn, không để tình trạng vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên về kết quả tiêm vaccine trên địa bàn.

Tăng cường tuyên truyền cho cha mẹ học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng…(Nhân dân, trang 8).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 23 Giờ 20, ngày 01/02/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/11/2018

Ngọc Nga