Điểm báo ngày 27/01/2021

(CDC Hà Nam)
Thanh Hóa: Chưa có chứng chỉ hành nghề vẫn khám, chẩn đoán bệnh; Trẻ nhập học được kiểm tra tiền sử tiêm chủng; Ghi nhận 2 ca nhập cảnh TP.HCM dương tính Covid-19

Thanh Hóa: Chưa có chứng chỉ hành nghề vẫn khám, chẩn đoán bệnh

Mặc dù chưa có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng một nhân viên của Phòng Khám Đa khoa Lam Kinh (địa chỉ tại 213 đường Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn, Thành phố Thanh Hoá) vẫn thực hiện khám bệnh, đưa ra chẩn đoán và tư vấn các gói dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân. Ngày 25/1, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hồng Quang, Chánh Thanh tra Sở Y tế Thanh Hoá cho biết: Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với cá nhân bà Hoàng Thị Hồng (SN 1983, ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, Thanh Hoá) là nhân viên hành chính Phòng khám Đa khoa Lam Kinh vì vi phạm các quy định trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Ông Lê Hồng Quang cho biết: Sau khi nhận được phản ánh về những dấu hiệu bất thường trong quá trình khám chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa Lam Kinh, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Phòng khám Đa khoa Lam Kinh có địa chỉ tại 213 đường Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp một bệnh nhân tên Q tại phòng khám này.
Theo đó Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa đã tiến hành các bước: kiểm tra hồ sơ khám bệnh, kiểm tra quá trình khám bệnh của phòng khám cho bệnh nhân, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên y tế và nhân viên làm việc, kiểm tra phạm vi hoạt động chuyên môn và kiểm tra giá dịch vụ kỹ thuật đã thu của bệnh nhân. Kết quả xác minh cho thấy: Việc thực hiện khám bệnh cho bệnh nhân Q, nhân viên của phòng khám là bà Hoàng Thị Hồng đã không đeo biển tên, đã hỏi bệnh, đưa ra chẩn đoán và tư vấn các gói dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân; bà Hoàng Thị Hồng chưa có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, theo biên bản kiểm tra, Phòng khám Đa khoa Lam Kinh có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định; điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực đảm bảo thực hiện phạm vi chuyên môn đã được phê duyệt.

Ngày 18/1/2021, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa ra Quyết định số 03/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân bà Hoàng Thị Hồng vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Không đeo biển tên, khám bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Bị áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả: Cảnh cáo với hành vi không đeo biển tên; phạt tiền với hành vi khám bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với mức phạt là 35 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Nộp Kho bạc Nhà nước số tiền 200.000 đồng do thực hiện hành vi vi phạm.
“Ngay sau sự việc, Phòng khám Đa khoa Lam Kinh đã họp xem xét kỷ luật, buộc thôi việc đối với bà Hoàng Thị Hồng do vi phạm quy chế hoạt động của phòng khám” – ông Lê Hồng Quan cho biết thêm. Trước đó, Báo Tiền Phong đã nhận được phản ánh của bạn đọc về việc có dấu hiệu bất thường trong việc khám, chẩn đoán bệnh, tư vấn các gói dịch vụ tại Phòng khám Đa khoa Lam Kinh (Tiền phong, trang 11).

 

Trẻ nhập học được kiểm tra tiền sử tiêm chủng

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, năm nay chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng của trẻ.

Trong năm 2021, dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại 6 tỉnh thành của 4 khu vực trên cả nước. Để triển khai hoạt động này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành gd. Lịch sử tiêm chủng được căn cứ trên dữ liệu tiêm chủng lưu giữ trong 5 năm của trẻ, là giai đoạn các trẻ được tiêm chủng miễn phí theo chương trình Tiêm chủng mở rộng. Theo các chuyên gia dịch tễ, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ cao (từ 95%), tạo được miễn dịch chủ động trong môi trường học đường.

Theo PGS Dương Thị Hồng, tình hình dịch bệnh trong các năm gần đây cho thấy nhóm trẻ dưới 6 tuổi là nhóm nguy cơ cao dễ mắc bệnh và gây dịch, do còn một số lượng đáng kể trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc xin. Vì vậy, trước khi nhập học mẫu giáo, mầm non và tiểu học, những trẻ này cần được kiểm tra tiền sử tiêm chủng. Nếu phát hiện trẻ bị sót mũi, các trạm y tế sẽ tổ chức tiêm bù kịp thời. Đây là bước đi chủ động hơn nữa nhằm giảm số lượng trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi, vừa bảo vệ sk của trẻ, vừa chủ động phòng ngừa trước khi dịch bệnh xảy ra.

* Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện nay BYT đang trình các bộ ngành liên quan lộ trình triển khai các vắc xin mới trong Tiêm chủng mở rộng giai đoạn tới.

Trong đó, dự kiến vắc xin Rota sản xuất trong nước sẽ được đưa vào chương trình từ năm 2022 theo phương án mở rộng dần phạm vi triển khai cho trẻ em dưới 1 tuổi nhằm phòng bệnh tiêu chảy cấp do vi rút Rota. Sau hơn 30 năm triển khai, mỗi năm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cung cấp hàng triệu mũi vắc xin phòng 10 bệnh truyền nhiễm cho trẻ nhỏ, giúp trẻ tránh được nguy cơ nhiễm bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng như: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm não Nhật Bản, bại liệt, lao (Thanh niên, trang 15). 

 

Ghi nhận 2 ca nhập cảnh TP.HCM dương tính Covid-19

Ghi nhận 2 ca mắc Covdi- 19 mới, là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại TP.HCM, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 1.550 và 1.551 tại Việt Nam. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo, ngày 26.1 đã ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 mới, là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại TP.HCM, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 1.550 và 1.551 tại Việt Nam. Trong đó, BN 1550 (nữ, 49 tuổi, quốc tịch Việt Nam) có địa chỉ ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. BN từ Mỹ quá cảnh Hồng Kông, sau đó nhập cảnh tại SB Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ngày 22.1 trên chuyến bay CX799. Kết quả xét nghiệm ngày 23.1 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM xác định dương tính với vi rút. BN 1551 (nam, 58 tuổi, quốc tịch Mỹ), là chuyên gia, từ Dubai nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 9.1 trên chuyến bay EK392. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 10.1 âm tính; BN được lấy mẫu lần 2 ngày 23.1, kết quả xét nghiệm ngày 24.1 xác định dương tính với Covid- 19. Cả 2 BN trên hiện được cách ly, điều trị tại BV dã chiến Củ Chi.

Theo báo cáo của Tiểu ban điều trị thuộc BCĐ, trong ngày 26.1, thêm 5 ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, là các BN có mã số 1481, 1508, 1511, 1456 và 1515. Trong số 1.551 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đến nay, 1.430 ca đã được điều trị khỏi. Ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện nhiễm biến chủng mới của vi rút là BN 1435 (nữ, 45 tuổi, quê Trà Vinh) hiện đã có 4 lần xét nghiệm âm tính. Trước đó, BN này từ Anh về VN hôm 22.12.2020, được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Trà Vinh. Biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, do đó việc điều trị cách ly ca bệnh càng cần được thực hiện nghiêm ngặt.

Theo BCĐ, 21.994 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi  sk, phòng dịch Covid-19. Số được cách ly đã tăng thêm 1.104 người so với 1 ngày trước đó (Thanh niên, trang 22).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/8/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/3/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận