Điểm báo ngày 09/9/2019

(CDC Hà Nam)
BV Đại học Y Dược TP.HCM nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; Vị thuốc chứa chất độc bán tràn lan; Chưa phát hiện người nào có dấu hiệu ngộ độc cấp tính từ vụ cháy Công ty Rạng Đông…

 

Khám, phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em miền trung và Tây Nguyên

Ngày 8-9, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (TP Hồ Chí Minh), Tổ chức Operation Smile Việt Nam phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên tổ chức chương trình khám và phẫu thuật nhân đạo cho trẻ bị khe hở vòm miệng (dị tật sứt môi hở hàm ếch), răng – hàm – mặt ở các tỉnh miền trung, Tây Nguyên.

Có khoảng 200 trẻ ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Bình Định, Đác Lắc, Đác Nông được khám sàng lọc. Những trường hợp đủ điều kiện sẽ được phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên do các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tại TP Hồ Chí Minh tiến hành mổ.

Tổ chức Operation Smile, Công ty Sika Việt Nam tài trợ hoàn toàn chi phí phẫu thuật, hỗ trợ tiền ăn, ở và sinh hoạt trong quá trình điều trị tại bệnh viện cho các em. Đây hoạt động nhân văn trong hành trình tìm lại nụ cười cho trẻ thơ, nhất là đối với những gia đình hoàn cảnh khó khăn.

Tỉnh Phú Yên mong muốn Chương trình sẽ tiếp tục đồng hành, chuyển giao, hỗ trợ cho ngành y tế tỉnh những kỹ thuật phát hiện và can thiệp sớm toàn diện đối với những khuyết tật răng – hàm – mặt ở trẻ em.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã tặng bằng khen cho Công ty Sika Việt Nam, vì có thành tích triển khai chương trình điều trị nha khoa học đường, phẫu thuật nụ cười và các dị tật khác cho trẻ em. (Nhân dân, trang 5)

 

Vị thuốc chứa chất độc bán tràn lan

Một vị thuốc dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng, được sử dụng hạn chế tại các bệnh viện nhưng lại được bán tràn lan trên mạng.

Mới đây, anh N.V.T. (39 tuổi, ngụ ở Lâm Đồng) bị ngộ độc thạch tín. Anh được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn ói liên tục, yếu liệt tứ chi, suy kiệt… Các bác sĩ xác định anh T. bị ngộ độc thạch tín từ thuốc bắc xông nhà, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong.

Muốn mua bao nhiêu cũng có!

Theo TS Cao Thanh Ngọc – trưởng khoa nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trong gói thuốc xông nhà mà bệnh nhân thường mua về xông có hơn 10 vị thuốc, trong đó có hùng hoàng (có chứa thạch tín)… và bệnh nhân đã bị ngộ độc thạch tín từ vị thuốc này.

Vị thuốc hùng hoàng có chứa thạch tín, dễ gây ngộ độc. Tuy nhiên, hiện nay điều mà nhiều bác sĩ lo lắng là vị thuốc này không chỉ có trong thuốc bắc xông nhà mà còn được bán tràn lan trên mạng với quảng cáo chữa được rất nhiều bệnh. Chỉ cần gọi điện hoặc nhắn tin đặt mua trên những trang mạng này là có người giao vị thuốc đến tận nhà trên toàn quốc.

Hiện trên thị trường có ba loại hùng hoàng gồm loại đỏ như mồng gà lóng lánh trong suốt không hôi, loại màu vàng chất nhẹ hơn, trong suốt, loại có màu tương đối đen sẫm. Hùng hoàng chưa thấy khai thác ở Việt Nam mà thường nhập từ Trung Quốc.

Vị thuốc này được quảng cáo để trị: “mơ quỷ đánh mà sinh bệnh, trong bụng bức tức, xót xa, khao khát muốn chết”. Để chữa cần dùng bột hùng hoàng uống với rượu 3g, ngày ba lần. Ngoài ra, đột nhiên trúng phải ác khí, những chứng tà ma, quỷ mụ, dùng bột hùng hoàng thổi vào trong mũi. Bên cạnh đó, vị thuốc này được quảng cáo chữa trị rất nhiều bệnh khác như động kinh ở trẻ em, hen suyễn, bị thương hàn sinh ho, lở ngứa dưới hạ bộ, đau ngứa không rứt…

Trong vai một người cần mua hùng hoàng về để điều trị bệnh hen suyễn cho trẻ, tôi gọi theo số điện thoại trên mạng thì gặp một nam thanh niên cho biết bán hùng hoàng với giá 350.000 đồng/ký và chuyển hàng theo giá bưu điện, muốn mua bao nhiêu cũng có.

Tự ý mua và dùng sẽ rất nguy hiểm

Theo ThS.DS Huỳnh Trần Quốc Dũng – khoa dược Bệnh viện Y học cổ truyền, hùng hoàng là một dược liệu độc, nếu sử dụng phải có tiêu chuẩn, liều lượng rất khắt khe và cần sự theo dõi điều trị của thầy thuốc. Do đó, việc tự ý mua và sử dụng hùng hoàng là rất nguy hiểm vì có nhiều yếu tố nguy cơ như dược liệu không đạt chất lượng, dùng lượng không phù hợp gây độc, đang mang thai sử dụng vị thuốc này sẽ gây nguy hiểm, không nhận ra các triệu chứng nếu bị nhiễm độc từ arsen…

Hiện nay, ngay tại các cơ sở khám chữa bệnh lớn như Bệnh viện Y học cổ truyền cũng rất hạn chế sử dụng hùng hoàng, chỉ dùng trong một số trường hợp đặc biệt sau khi đã được các y bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng.DS Quốc Dũng cũng nhấn mạnh hiện nay các thông tin, quảng cáo trên mạng, báo đài cũng như các phương tiện truyền thông rất nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều thông tin chưa được chính xác hoặc chưa đầy đủ. Đặc biệt đối với các dược liệu hay thuốc cổ truyền, người nghe nên hết sức sáng suốt trước những thông tin này. Nếu có ý định sử dụng, tốt nhất nên tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được tư vấn và hướng dẫn cho đúng. (Tuổi trẻ, trang 13)

 

Hết ám ảnh ‘rồng rắn’ chờ khám bệnh

Tình trạng người tới khám bệnh ở nhiều bệnh viện phải chờ có khi cả buổi mới đến lượt sẽ không còn nếu bệnh nhân biết cách đặt lịch khám trước qua tổng đài, phần mềm của các bệnh viện.

Sáng 6.9, PV Thanh Niên đến khu khám theo yêu cầu Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM thấy không có cảnh chen lấn lấy số. Đây là khu khám bệnh đặt hẹn trước. Anh Nguyễn Ngọc An (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết anh đặt hẹn qua tổng đài cho con khám lúc 9 giờ. Đến 9 giờ 20 con anh được khám, không phải đi sớm xếp hàng lấy số.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tâm (ngụ Đồng Tháp) cho biết chị tải app có tên “Bệnh viện Nhi đồng 1 – đăng ký khám bệnh online” về điện thoại để đặt lịch khám trước. Một tuần trước, chị đặt hẹn thành công khám cho con lúc 9 giờ ngày 6.9 và thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng. “Tôi từ quê lên tới BV lúc 8 giờ sáng, mẹ con đi thẳng vào phòng khám (PK), chỉ đưa cho nhân viên tiếp nhận thông tin trên điện thoại đã đăng ký trước đó. Rất nhanh và thuận tiện. Tôi về sẽ tuyên truyền cho các đồng nghiệp biết”, chị Tâm nói.

Bác sĩ (BS) Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết BV có 3 đầu số đặt hẹn khám bệnh trước. Bệnh nhân (BN) có thể gọi qua tổng đài 1080, hoặc 19007289 khám hẹn theo yêu cầu; 19007299 đặt hẹn khám tâm lý, trả cước phí theo quy định của nhà mạng từ 3.000 đồng/phút. Mỗi ngày BV tiếp nhận từ 1.000 – 1.400 BN đặt hẹn trước.

Ngoài ra, từ 17.7 BV áp dụng app khám bệnh online, hiện ứng dụng mới chỉ được cài đặt trên hệ điều hành Android, sắp tới thực hiện trên hệ điều hành IOS. Trung bình mỗi ngày có 10 – 15 BN khám bệnh đặt hẹn qua app này. Theo BS Liên, BN cài đặt, đặt hẹn đều miễn phí nhưng đóng tiền khám trước qua tài khoản ngân hàng, phí khám bệnh từ 70.000 – 150.000 đồng tùy BN chọn. Tuy nhiên, hiện BV mới chỉ áp dụng đăng ký trước khám cho khu dịch vụ.

Không phân biệt bệnh nhân BHYT

Chiều 6.9, PV Thanh Niên đến Khoa nội 4, BV Ung bướu TP.HCM. BN vừa khám bệnh xong tập trung trước phòng hướng dẫn thông tin cài đặt app DR.OH. Người không có điện thoại thông minh thì nhờ nhân viên hướng dẫn lấy điện thoại đặt hẹn giúp cho lượt khám lần sau. Anh Long nhà ở Q.3, TP.HCM đưa mẹ đi khám cũng vừa cài app, đặt hẹn cho mẹ tái khám sáng 12.9. “Mấy bữa đi khám phải đến BV lúc 5 giờ sáng bốc số, nhưng chưa chắc đã khám được buổi sáng, có khi chờ cả buổi chiều. Còn giờ bốc được số 25, chọn được BS. Mỗi lần đặt hẹn tốn 10.000 đồng, nhưng khỏe”, anh Long nói.

BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết BV có 3 hình thức đặt hẹn khám trước. Lấy số qua gọi tổng đài 1080, gọi đầu số 8088 và app DR.OH. “Trước đây, với BN tái khám, đặt hẹn khám bệnh qua tổng đài 1080 (tốn 2.000 – 5.000 đồng/phút tùy nội hay ngoại tỉnh). BV chuẩn bị hồ sơ trước để tiếp BN. Nếu BN tái khám không hẹn trước, BV phải mất 2 giờ để lục hồ sơ cũ. Hiện mỗi tuần BV tiếp nhận 600 – 700 ca đặt hẹn qua 1080.

Sau đó, BV hợp tác với nhà mạng đặt tổng đài 8088 dành cho BN đăng ký mới khám bệnh. Khi BN đặt hẹn khám tổng đài tự động trả lời số thứ tự khám. Đặt qua 8088, BN có thể nhắn tin hỏi “hiện tại phòng khám A (mà BN đặt hẹn) đã khám tới số mấy?” sẽ được phản hồi. Khi gần đến số khám của BN, tổng đài tự động nhắn cho BN biết. Nếu BN nhắn tin thì tốn phí 1.000 đồng/tin, còn tổng đài phản hồi cho BN thì BN không mất phí. Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 200 ca qua đặt 8088”, BS Tuấn nói.

Cũng theo BS Tuấn, hiện BV Ung bướu TP đang triển khai ứng dụng app DR.OH cài đặt trên cả hệ điều hành IOS và Android. BN có thể tải app, khai thông tin BN và tự chọn khoa, BS, buổi khám, ngày khám (nếu còn số). App này dành cho cả BN có và không có BHYT. Khi đặt hẹn thành công, app sẽ nhắn tin qua sms. Trước 30 phút khám của ngày đặt hẹn app tự động báo nhắc BN. BV triển khai từ ngày 19.8 đến nay và đã có gần 3.000 BN đặt hẹn. BN đặt hẹn đóng tiền bằng thẻ do công ty phát triển app phát hành, thẻ ATM và thẻ tín dụng, mỗi lần là 10.000 đồng, nếu BN hủy hẹn thì được hoàn tiền – trừ vào lần đặt sau.

Tương tự, tại BV Chợ Rẫy, BN được đăng ký khám theo hẹn giờ trước qua tổng đài 1080, 1081, không phân biệt BN BHYT hay dịch vụ. “Trung bình mỗi ngày có 500 ca đăng ký trước”, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, nói. Trong khi đó, BV Nguyễn Tri Phương chấp nhận đăng ký trước khám bệnh qua tổng đài 1080 và cũng không phân biệt có hay không có BHYT.

Bệnh nhân, bệnh viện đều đỡ cực

Ngoài BV Ung bướu, Nhi đồng 1, Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương, hiện ở TP.HCM nhiều BV khác đã thực hiện cho BN đăng ký khám bệnh qua app, tổng đài như: Thống Nhất, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Phạm Ngọc Thạch, Chấn thương chỉnh hình, Mắt, Đa khoa khu vực Thủ Đức, BV Q.2, Q.4, Q.11… và rất nhiều BV tư, PK tư, thậm chí có cả phòng mạch tư của BS. Những thông tin liên quan đến dịch vụ này đều được hướng dẫn trên các trang web của BV, PK…

Tại Hà Nội, phương thức đặt lịch khám bệnh trước cũng đã được triển khai ở nhiều BV. Với BV Ung bướu (Hà Nội), khi đăng ký hẹn khám bệnh dịch vụ qua website của BV, BN có thể lựa chọn dịch vụ, ngày khám, giờ khám… Lịch làm việc, khung giờ khám từng PK của BV có thể thay đổi, nhưng được lên lịch trước 30 ngày. Bệnh nhân đặt trước lịch khám chỉ cần đến BV đúng giờ, đỡ mất thời gian chờ đợi. Nhờ vậy, số người đăng ký khám, tầm soát ung thư đã tăng lên rõ rệt.

Chị Tuyết Minh (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, đi khám tại BV Hữu nghị Việt Đức luôn là nỗi ám ảnh của chị và bạn bè, bởi lúc nào cũng rất đông người chờ khám. Vì vậy, việc đăng ký khám trước qua tổng đài khách hàng khá thuận lợi. “Người đến khám có thể biết lịch khám của các giáo sư, BS giỏi của từng chuyên khoa và đăng ký được đúng như mình mong muốn”, chị Tuyết Minh cho hay.

Cùng chung cái nhìn như BN, TS-BS Bùi Vinh Quang, Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội, cho biết việc triển khai khám chữa bệnh theo đăng ký trên web của BV tại mục “Đặt lịch hẹn” cho thấy kết quả rất tốt, số lượt đăng ký khám tăng lên, việc này giúp BS, BV sắp xếp, cung ứng dịch vụ chủ động nhất, với chất lượng tốt nhất cho BN. Còn BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, chia sẻ: “Khi BN đặt hẹn, BV có trước thông tin BN thì BV cũng rất khỏe, giảm áp lực hành chính và BV biết ngày đó có bao nhiêu BN để chuẩn bị, điều động thêm BS, dụng cụ nếu đông BN… BV Ung bướu TP sẽ nghiên cứu chia khung giờ cho BN, như: từ số thứ tự 1 – 10 thì BN đến giờ nào, từ số 11 – 20 đến giờ nào…”.

Một chia sẻ đáng lưu ý khác, theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, mặc dù BV khuyến khích BN đăng ký buổi chiều để đỡ quá tải, nhưng nhiều BN thích buổi sáng vì các BN ở tỉnh xa muốn khám buổi sáng kịp chiều về. Với thực tế này, những BN ở TP nếu đăng ký khám buổi chiều sẽ rất “dễ thở”. (Thanh niên, trang 1)

 

Chưa phát hiện người nào có dấu hiệu ngộ độc cấp tính từ vụ cháy Công ty Rạng Đông

Tính đến hết ngày hôm qua, 7-9, đã có tổng cộng 582 người dân sống gần Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (bán kính 500 m) được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, hơn 200 người được chỉ định đi viện xét nghiệm theo dõi thủy ngân…

Theo thông tin cập nhật từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 7-9, sau 2 ngày đầu tiên triển khai 2 điểm khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng bởi đám cháy tại Công ty Rạng Đông (sống, làm việc trong bán kính 500m tính từ hàng rào của công ty), tổng cộng đã có 582 người dân đến khám.

Hai điểm khám được tổ chức tại Trạm Y tế phường Hạ Đình và Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân). Những bệnh nhân qua khám phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ hoặc cần theo dõi chẩn đoán tình trạng ngộ độc thủy ngân sẽ được viết giấy chuyển tuyến đến các bệnh viện đầu ngành của thành phố để xét nghiệm máu, nước tiểu. Kết quả, sau 2 ngày đầu tiên, đã có 204 người dân đến khám sức khoẻ được chỉ định chuyển tới bệnh viện xét nghiệm, theo dõi chẩn đoán thủy ngân. Qua quá trình tư vấn, khám sức khoẻ cho người dân chưa phát hiện các biểu hiện cấp tính bất thường.

Tính từ 17h ngày 6-9 đến 17h ngày 7-9, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận 3 người bệnh tới theo dõi và điều trị, trong đó có 1 bệnh nhân đã xin về. Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận 6 người bệnh, trong đó có 3 bệnh nhân đã xin về. Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn thăm khám và làm xét nghiệm cho 3 người bệnh, cả 3 cũng đã xin về.Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, chương trình khám, tư vấn sức khỏe miễn phí này sẽ kéo dài đến hết ngày 12-9. Hiện tại, người dân trong khu vực chủ động đến khám đều hợp tác tốt với nhân viên y tế, không có ý kiến thắc mắc gì. Nhân viên y tế của các bệnh viện được huy động tham gia thường trực đầy đủ tại các trạm y tế theo đúng yêu cầu. (An ninh Thủ đô, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 4: “Vụ cháy ở Công ty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông: Thừa nhận dùng thủy ngân lỏng độc hại”; Cùng chủ đề báo Lao động, trang 1: “Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Cân công bố mức độ ô nhiễm cho dân”

 

Cứu sống thần kỳ cháu bé câm điếc bẩm sinh, mắc bệnh tim vô cùng hiếm gặp

Từ lúc chào đời đã thiếu máu, câm điếc bẩm sinh, mới đây bé Nguyễn Thế Vinh (6 tuổi) còn được chẩn đoán mắc một thể bệnh tim cực kỳ hiếm gặp. Tổng chi phí điều trị lên tới hơn 600 triệu đồng, trong khi gia đình vay mượn khắp nơi cũng chỉ được hơn 100 triệu đồng…

Chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ sáng nay, 4-9, TS.BS Phạm Như Hùng, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Tim mạch can thiệp – Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhi mắc thể bệnh tim vô cùng hiếm gặp.

Cháu bé là Nguyễn Thế Vinh, 6 tuổi, ở xã Tề Lễ (huyện Tam Nông, Phú Thọ), bị câm điếc bẩm sinh, được chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội khám ngày 6-8-2019, sau khi đã điều trị 2 tháng tại một bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô với chẩn đoán và áp dụng phác đồ điều trị cho bệnh nhân động kinh nhưng không tiến triển.

Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phát hiện, bé Vinh mắc hội chứng QT kéo dài, có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và có thể tử vong. Trước đó bé Vinh xuất hiện nhiều cơn ngất, khi nhập viện tiếp tục xuất hiện cơn rung thất, tình trạng nguy kịch, bác sĩ phải sốc điện rồi chuyển thẳng lên trung tâm cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ nhận định, để cứu sống bệnh nhân thì buộc phải áp dụng biện pháp cấy máy chống rung tự động (ICD) – một thiết bị hiện đại giúp tự phát hiện các cơn sốc điện tim và tự sốc điện cho trở về trạng thái bình thường.

Vấn đề đặt ra lúc này là tại Bệnh viện Tim Hà Nội cũng như ở Việt Nam trước nay chưa có ca bệnh nào được cấy máy chống rung tự động khi mới chỉ hơn 6 tuổi, tức nếu thực hiện kỹ thuật, bệnh nhi Nguyễn Thế Vinh chính là trường hợp nhỏ tuổi nhất được cấy máy chống rung tự động. Trên thế giới, những trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi được thực hiện kỹ thuật như vậy cũng rất hy hữu.

Theo TS Phạm Như Hùng, so với cấy máy chống rung tự động ở thanh niên, người lớn, thì kỹ thuật cấy ở trẻ em khác biệt rất nhiều, vì cơ thể đứa trẻ sẽ tiếp tục lớn lên nên khi đặt dây điện cực vào phải tính toán rất kỹ để không ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ. Đặc biệt là kinh nghiệm của các bác sĩ khi thực hiện với các trường hợp nhỏ tuổi rất ít, chưa kể những biến chứng tiềm ẩn khi đặt máy.

Một vấn đề nữa phải kể đến là chi phí cấy máy chống rung tự động rất lớn. Với ca bệnh của bệnh nhi Nguyễn Thế Vinh, tổng chi phí điều trị lên tới hơn 600 triệu đồng, trong khi hoàn cảnh kinh tế của gia đình bệnh nhân khó khăn, không thể nào xoay sở được.

Dù vậy, với quyết tâm phải thực hiện kỹ thuật hiện đại nhất để cứu sống bệnh nhi, bệnh viện đã quyết định trích quỹ phúc lợi, đồng thời kêu gọi các y bác sĩ đóng góp và kêu gọi nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm bên ngoài, qua đó đã có kinh phí để điều trị cho bé.

Đến nay, sau gần một tháng nằm điều trị tại Trung tâm Cấp cứu và Tim mạch can thiệp – Bệnh viện Tim Hà Nội, tình trạng sức khỏe của bé Vinh đã trở lại bình thường, vẫn đang được tiếp tục theo dõi và có thể xuất viện trong ít ngày tới.

Nằm bên giường bệnh chăm sóc con, chị Hán Thị Vân, mẹ bệnh nhi Nguyễn Thế Vinh xúc động chia sẻ với chúng tôi, chính nhờ lòng hảo tâm và tài năng của các bác sĩ mà con trai chị đã vượt qua cơn nguy kịch, được cứu sống thần kỳ và khỏe mạnh trở lại như lúc này.

Chị kể, Vinh là con thứ hai trong gia đình, ngay từ khi sinh ra đã thiếu máu, thiếu can xi nên phải nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ít lâu sau, bé lại bị phát hiện câm điếc bẩm sinh nên gia đình phải đưa xuống Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, rồi chuyển sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị.

“Các bác sĩ nói nếu bé được cấy điện cực ốc tai thì có hy vọng nghe được. Nhưng chi phí cấy điện cực ốc tai hai bên tới hơn 500 triệu đồng, gia đình tôi đều làm nông, không thể xoay sở được, nên đành đưa cháu về. Khi cháu lên 6 tuổi, vợ chồng tôi cũng đang cố gắng tiết kiệm để năm sau có thể đưa cháu xuống Việt Trì vào học ở trường dành cho trẻ câm điếc” – chị Vân kể.

Thế nhưng nguyện vọng đó chưa thực hiện được thì cách đây khoảng 3 tháng, bé Vinh xuất hiện các cơn ngất, tháng trước khi xuống Hà Nội nhập viện bé ngất xỉu tới 4 lần. Rất may là sau gần 3 tháng liền nằm viện, bé đã được chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị thành công. (An ninh Thủ đô, trang 8)

 

Mang lại ánh sáng cho 600.000 bệnh nhân nghèo

Ngày 8-9, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM tổ chức lễ chúc mừng ca phẫu thuật mắt miễn phí thứ 600.000 cho bệnh nhân nghèo. Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đã đến dự lễ.

Theo ông Trần Thành Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, từ năm 1997, hội thực hiện vận động kinh phí để phẫu thuật mắt cho bệnh nhân nghèo với 100 bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật miễn phí, đã thoát khỏi cảnh mù lòa. Từ đó đến nay, từ nguồn kinh phí vận động được, hội phối hợp với các bệnh viện lớn tại TPHCM: Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện STO Phương Đông… thường xuyên tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí, mang lại ánh sáng cho các bệnh nhân nghèo. Số lượng bệnh nhân được phẫu thuật không ngừng tăng lên, phạm vi cũng được mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác. Năm 2016, số ca phẫu thuật mắt miễn phí mà hội thực hiện đạt dấu mốc 500.000 người và đến năm 2019, đã có 600.000 người tìm lại được ánh sáng.

Ông Trần Quang Hùng (71 tuổi, trú tại TPHCM) là bệnh nhân thứ 600.000 được phẫu thuật mắt miễn phí, đã vô cùng vui mừng vì tìm lại được ánh sáng. Ông Trần Quang Hùng cho biết: Mắt có dấu hiệu đục thủy tinh thể từ 2 năm trước, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện đi phẫu thuật. Khi nghe tin Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM có chương trình phẫu thuật mắt miễn phí, tôi đã đăng ký và được xếp lịch phẫu thuật ngay.

Đặc biệt, trong tổng số nguồn kinh phí vận động được để thực hiện phẫu thuật miễn phí cho 600.000 bệnh nhân nghèo thời gian qua có công đóng góp rất lớn của em Phạm Thiên Tâm, học sinh Trường Quốc tế Nam Sài Gòn. Từ năm 2018, Tâm đã khởi xướng dự án “See again”, vận động mọi người ủng hộ kinh phí cho chương trình phẫu thuật mắt miễn phí của hội. Đến nay, dự án “See again” đã vận động kinh phí phẫu thuật cho 5.000 trường hợp. Phạm Thiên Tâm kỳ vọng sẽ vận động đủ kinh phí để phẫu thuật mắt miễn phí cho thêm 1.000 bệnh nhân nghèo trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Võ Thị Dung bày tỏ ấn tượng với con số 600.000 bệnh nhân nghèo tìm lại được ánh sáng nhờ sự trợ giúp của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của hội và ghi nhận tấm lòng cao quý của mạnh thường quân, đội ngũ y bác sĩ trong 22 năm qua đã hỗ trợ kinh phí, công sức để giúp những bệnh nhân nghèo tìm lại được ánh sáng.

Tại tỉnh Phú Yên, ngày 8-9, BV Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM phối hợp cùng BV Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, BV Hữu Nghị Việt Nam – Cuba tổ chức chương trình “Phẫu thuật nụ cười tại Phú Yên”, nhằm khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị dị tật hở môi, hàm ếch ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Chương trình kéo dài từ ngày 8 đến hết ngày 11-9-2019. Trên 40 y bác sĩ đến từ các bệnh viện này sẽ khám sàng lọc, tư vấn miễn phí cho 200 trẻ em đến từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Đắk Lắk… Sau khi khám, chương trình sẽ chọn ra một số trường hợp nặng, để phẫu thuật miễn phí. (An ninh Thủ đô, trang 8)

 

WHO theo dõi tình trạng ô nhiễm sau vụ cháy Công ty Rạng Đông

Ngày 8-9, liên quan tới tình trạng ô nhiễm môi trường sau vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội), TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng, về những mối nguy hại đối với sức khỏe con người sau vụ cháy này, WHO cần thêm thời gian để theo dõi.

Bởi, số liệu thu thập được tại Việt Nam mới tiến hành trong khoảng thời gian ngắn, hiện khó so sánh với mức khuyến cáo trung bình hàng năm của WHO. Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng bày tỏ sự tin tưởng các chuyên gia chống độc tại Bệnh viện Bạch Mai hoàn toàn có đủ năng lực để xử lý những vấn đề liên quan đến nhiễm độc. “Tại Nam Phi cũng vừa xảy ra một vụ cháy nhà kho tương tự và chúng tôi cũng đang theo dõi và quan sát. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành với các cơ quan y tế của Việt Nam và hỗ trợ các bạn xử lý những vấn đề cần thiết nếu có…”, TS Kidong Park nhấn mạnh.

Đề cập đến hướng dẫn của WHO về vấn đề ô nhiễm không khí do khí độc, bao gồm cả thủy ngân, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, mức ảnh hưởng bất lợi thấp nhất quan sát được của thủy ngân trong không khí, tức mức thấp nhất mà thủy ngân có thể gây ra những khác biệt đáng kể về mặt sinh học là từ 15-30 microgram/m³ trong 1 năm. WHO cũng đã xem xét đến một loạt yếu tố có thể ảnh hưởng ở nhóm người có nguy cơ cao và nhận định mức 1 microgram/m³ trong 1 năm là mức ô nhiễm trong giới hạn cho phép.

Trong khi đó, liên quan tới việc khám sức khỏe cho người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi vụ cháy, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, sau 3 ngày tổ chức khám bệnh đã có hơn 150 người được làm xét nghiệm. Qua quá trình tư vấn, khám sức khỏe cho người dân, chưa phát hiện các biểu hiện cấp tính bất thường. Đợt khám sức khỏe này sẽ kéo dài tới ngày 12-9. (Sài Gòn giải phóng, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Sau vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông: Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Không quá lo lắng về tác động của thủy ngân với sức khỏe”

 

Trả lại ước mơ đến trường cho cô bé bị u xâm lấn tủy sống, liệt 2 chân

Sau hai ca phẫu thuật, trong đó có một ca khá “cân não” và cách đây gần hai tuần trải qua tiếp tục ca phẫu thuật tháo nẹp vít cùng với kết quả giải phẫu bệnh u hạch thần kinh lành tính, nụ cười trên gương mặt cô bé 6 tuổi Lê Nhã U. vốn bị u xâm lấn mặt trước tủy sống, lan tỏa đã tươi tắn trở lại. Ước mơ được đến trường của bé đã trở thành hiện thực…

 Những câu hỏi lớn trước quyết định phẫu thuật “ca khó”

Nhớ lại ca phẫu thuật đầu tiên cho bệnh nhi Lê Nhã U. 5 tuổi quê tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa diễn ra cách đây một năm trước, tháng 9/2018, TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K – Trưởng kip phẫu thuật cho biết, bệnh nhi U. nhập viện với khối u phát triển từ vị trí cột sống ngực – thắt lưng, có khối u cả trong và ngoài ống sống và phát triển cả trong ổ bụng.

“Bệnh nhi không thể đi lại được, với cháu bé nhỏ tuổi như vậy bị yếu 2 chân là thiệt thòi và mất mát rất lớn nên chúng tôi đã hội chẩn toàn bệnh viện, xem xét kỹ lượng quyết định phẫu thuật cho bé U. Vấn đề đặt ra cho các bác sĩ lúc bấy giờ là thực hiện phẫu thuật như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Việc lựa chọn đường mổ, số lần mổ được ekip cân nhắc cẩn trọng”- TS Nguyễn Đức Liên nhớ lại

Kể thêm về những trăn trở của các bác sĩ ở thời điểm đó, TS Nguyễn Đức Liên nhớ lại: “Bệnh nhân U. mới 5 tuổi, nếu mổ cùng lúc lấy cả khối u ở trong ống sống và cả khối u ở ổ bụng thì cuộc mổ chắc chắn sẽ kéo dài thời gian, nguy cơ thiếu máu, biến chứng cũng như những rủi ro khác có thể xảy đến. Sau khi hội chẩn cùng các chuyên gia chuyên khoa thần kinh, ổ bụng thì ekip phẫu thuật quyết định mổ 2 thì”.

Vào thời điểm nhập viện lúc đó, bệnh nhi Lê Nhã U. ở trong tình trạng hai chân yếu, đau nhiều, chỉ ngồi không thể đi lại được nên cuộc sống của U. và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. U. được chẩn đoán u xâm lấn mặt trước tủy sống, lan tỏa 3 đốt sống và phát triển trong ổ bụng, mặc dù đã được phẫu thuật 1 lần tại Bệnh viện ở Hà Nội nhưng chỉ sinh thiết được u, u chèn ép lên nhiều bộ phận, cơ quan khác nên rất khó để phẫu thuật loại bỏ u.

Chị N.(mẹ của bệnh nhân U.) nhớ lại: “Lúc bấy giờ tôi chỉ có mong ước lớn nhất là chữa khỏi bệnh cho con, để con được đến trường học cái chữ, vui chơi cùng các bạn. Thấy các bạn cùng làng chạy nhảy nô đùa được mà chân con bé đau, U. rất buồn, tôi thương con mà không còn cách nào khác. Đúng lúc gia đình tôi bi quan, tuyệt vọng nhất thì phép màu xuất hiện, con tôi được các bác sĩ Bệnh viện K điều trị. Khi các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho bé U. tôi vừa mừng vừa lo vì con nhỏ quá nhưng tôi luôn động viên con và có niềm tin rằng sẽ có ngày con được đến trường, được bước đi bằng chính đôi chân của mình”.

“Chân con đau quá, con không đi được, các bạn đi học còn con ở nhà một mình buồn lắm. Khi nào con khỏi bệnh con có được đến lớp cùng các bạn không hả mẹ?” – câu hỏi của U. vẫn hay hỏi mẹ và các bác sĩ khi thăm khám cho U mà chính chị N. và ekip phẫu thuật cho con không ai có thể khẳng định chỉ biết mỉm cười động viên con và cùng đưa ra những phương án, những quyết tâm, cân nhắc chuẩn xác để làm sao ca phẫu thuật này phải thành công. Có như vậy bé U. mới được viết tiếp ước mơ đến trường của mình.

Sự cân nhắc cẩn trọng, lựa chọn cách “hoá giải” chính xác đã mang lại sức khoẻ cho bệnh nhi

Ngày 12/09/2018, ekip phẫu thuật gồm các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, do TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa – Trưởng kip đã tiến hành phẫu thuật cho U. Đầu tiên bệnh nhân sẽ được các bác sĩ phẫu thuật lấy khối u ở mặt trước tủy sống và cạnh cột sống, làm vững cột sống

Mặc dù đã có phương án phẫu thuật tốt nhất cho bệnh nhân U. nhưng trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn. Khối u ở vị trí rất khó thực hiện, để vào được mặt trước tủy sống các bác sĩ phải cắt bỏ diện khớp phía bên để lựa chọn đường vào và cắt bỏ toàn bộ khối u phía trước tủy sống và cạnh cột sống, chỉ để lại u phía sau phúc mạc.

“Khi phẫu thuật như vậy cột sống sẽ mất vững nên thông thường phải nẹp vít cột sống. Tuy nhiên với cháu bé dưới 7 tuổi thì việc nẹp vít là thách thức lớn, nếu để nguyên nẹp vít thì tương lai bệnh nhân có thể bị gù, vẹo gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, do vậy ekip phẫu thuật đã cân nhắc lựa chọn nẹp vít và ghép xương sau bên và chờ đợi khi xương đó ổn định thì tháo nẹp vít hỗ trợ trong thời gian ngắn” – TS.BS Nguyễn Đức Liên cho biết.

Sau ca phẫu thuật đầu tiên 1 tháng bệnh nhân U. đã đi lại được và tiếp tục được  bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện K thực hiện phẫu thuật lấy khối u sau phúc mạc và trong ổ bụng. Sau 2 ca phẫu thuật bệnh nhân U.đã hồi phục, đi lại bình thường.

Sau mổ 8 tháng, bệnh nhân U. được chụp chiếu lại, đánh giá ban đầu tại vị trí ghép xương hiện đã ổn định, bệnh nhân vận động, đi lại bình thường, không có u tái phát. Và, gần một năm sau hai ca phẫu thuật đó, mới đây, ngày 23/8, bệnh nhi Lê Nhã U. được các bác sĩ phẫu thuật tháo nẹp vít, kết quả giải phẫu bệnh u hạch thần kinh lành tính, bệnh nhân đã ra viện và sẽ được theo dõi định kỳ chặt chẽ để nếu có tái phát thì can thiệp sớm đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh.

Trước ngày khai giảng năm học mới 2019-2020, bé Lê Nhã U. đã được mẹ đưa về nhà sau lần phẫu thuật tháo nẹp vít. “Trước đây con đau lắm, không được như bây giờ đâu ạ. Giờ con đi được bình thường rồi lưng chỗ mổ thì hơi mỏi thôi, bác sĩ dặn con không chạy nhiều để khỏe hẳn đã. Con được đi học rồi ạ”- giọng nói lanh lảnh, niềm vui của bé U. trước lúc tạm biệt Bệnh viện K chính là lời cảm ơn ý nghĩa nhất mà người thầy thuốc, y bác sĩ Bệnh viện K mong đợi, bởi chính họ bằng những quyết định cẩn trọng, chính xác của mình đã giúp cô bé U. thực hiện được ước mơ đến trường… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình. Thông tư hướng dẫn thí điểm về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y học gia đình; nhiệm vụ của bác sĩ gia đình; văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình.

Các cơ sở y học gia đình được quy định tại thông tư là trạm y tế bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức; phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân; phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám chuyên khoa thuộc Trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám quân y; khoa khám bệnh thuộc bệnh viện quận, huyện hoặc Trung tâm y tế quận, huyện, hoặc bệnh viện của trường đại học y.

Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình

Theo quy định tại Thông tư 21, để trở thành bác sĩ gia đình cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

Bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và đã thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình trước ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 15/10/2019) thì tiếp tục được hoạt động và có trách nhiệm tham gia đào tạo lại, đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.

Bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước và sau ngày Thông tư này có hiệu lực được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình ngay sau khi đáp ứng một trong các trường hợp sau đây:

– Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình;

– Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng;

– Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 3 tháng.

Bác sĩ y học dự phòng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước và sau ngày Thông tư này có hiệu lực, có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng được tham gia khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình tại trạm y tế xã, phường, thị trấn (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

BV Đại học Y Dược TP.HCM nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Sáng nay (6/9), BV ĐH Y Dược TP.HCM đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng 1 – Dấu ấn vàng son cho chặng đường 25 năm hình thành và phát triển từ một phòng khám đa khoa có giường lưu đến một bệnh viện hiện đại hàng đầu cả nước.

Phát biểu chúc mừng bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích, cống hiến lớn lao của tập thể nhiều thế hệ thầy thuốc của bệnh viện trong việc xây dựng bệnh viện trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Bước vào thời kỳ mới, Thứ trưởng cho rằng bên cạnh những thời cơ và thuận lọi nhưng cũng không ít khó khăn thách thức. “Tôi tin tưởng rằng với bề dày truyền thống và giá trị thương hiệu không ngừng được nâng cao, tập thể cán bộ viên chức bệnh viện sẽ tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức với quyết tâm chính trị cao, nhằm hoàn thiệt chất lượng khám, chữa bệnh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đào tạo thực hành để triển khai các kỹ thuật y học cao cấp ngang tầm khu vực và thế giới”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).09

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 24/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 06/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/12/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận