Cảnh báo bệnh lạ, gây tử vong ở trẻ; Mua thuốc dễ như mau rau; Làm gì để hết cảnh “trị bệnh tại hiệu thuốc” ? ; Trực cấp cứu 24/24 giờ, phục vụ người dân khám chữa bệnh dịp 2/9
Cảnh báo bệnh lạ, gây tử vong ở trẻ
Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi Trung ương vừa mổ cấp cứu cho nhiều trường hợp trẻ bị chứng “ruột quay cố định bất thường”. Điều đáng nói đây là bệnh lý bẩm sinh, có trẻ biểu hiện rõ nét, có trẻ bệnh không rõ dẫn tới bệnh không được phát hiện kịp thời, gây nguy hiểm đến tính mạng … (Công an nhân dân, trang 2).
Mua thuốc dễ như mau rau
Tại HN ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bán lẻ thuốc cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quản lý mua bán thuốc ở VN lỏng lẻo bậc nhất thế giới và các nhà thuốc cần tham gia chương trình quản lý bằng công nghệ. Hiện mới có 4 tỉnh đầu tiên thí điểm ứng dụng chương trình này, nên việc mua bán thuốc vẫn đang diễn ra khắp nơi … (Tuổi trẻ, trang 2).
Làm gì để hết cảnh “trị bệnh tại hiệu thuốc”?
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc diễn ra cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý việc quản lý thuốc tại Việt Nam còn lỏng lẻo, ở đâu người dân cũng có thể tự mua thuốc mà không cần đơn của bác sĩ, nhất là kháng sinh.
Tình trạng này không chỉ gây hại cho sức khỏe người bệnh mà còn làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Vậy, phải làm gì để ngăn chặn tình trạng “trị bệnh tại hiệu thuốc”, chấm dứt việc “mua thuốc dễ như mua rau”?
Rước họa vì tự bốc thuốc
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã ghi nhận 4 ca tử vong do tự ý mua thuốc điều trị bệnh thủy đậu. Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.T.M. (28 tuổi, ở Sơn La) nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Theo người nhà bệnh nhân, do bị sốt, đau họng, trên cơ thể xuất hiện mụn nước nên M. đã tự ý mua thuốc điều trị, trong đó có loại thuốc Medrol 16mg – thuộc nhóm Gluco Corticoid. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, các thuốc chứa thành phần Corticoid giúp giảm viêm nhiễm nhưng có thể gây giảm miễn dịch, khiến vi rút gây bệnh bùng phát mạnh hơn…
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai từng ghi nhận một bệnh nhân (sinh năm 1995 ở Sơn La) có tiền sử bệnh viêm gan B, đã tử vong sau khi tự ý uống liên tục 19 viên thuốc Paracetamol trong 2 ngày để hạ sốt. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc nhìn nhận, bệnh nhân này đã dùng quá liều thuốc hạ sốt, dẫn đến ngộ độc. “Thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc là rất nguy hiểm”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo. Theo dược sĩ Trần Thanh Cảnh, người có hơn 30 năm công tác trong ngành Dược – nhiều loại thuốc tưởng chừng vô hại nhưng nếu lạm dụng, sử dụng không đúng hướng dẫn sẽ tác động xấu tới sức khỏe con người. Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt, được dùng phổ biến và lành tính. Tuy nhiên, người cao tuổi, người bị suy gan hoặc xơ gan cần thận trọng khi sử dụng loại thuốc này.
Theo dược điển, liều tối đa Paracetamol với người bình thường là 4gram trong 24 giờ, nghĩa là trong 1 ngày chỉ được dùng tối đa 8 viên (hàm lượng 500mg/viên). Bệnh nhân dùng tới 19 viên Paracetamol trong 2 ngày, tức cao gấp hơn 2 lần so với khuyến cáo, rất nguy hiểm.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, nhiều nhà thuốc vì lợi nhuận mà bỏ qua sức khỏe của con người, cốt sao bán được càng nhiều thuốc càng tốt. Hậu quả của việc này là rất lớn, bởi trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một số loại siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh.
Chấm dứt việc “mua thuốc dễ như mua rau”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong đề án tăng cường kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 mà Bộ Y tế đã xây dựng, mục tiêu đặt ra là ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các nhà thuốc, trạm y tế xã trong năm 2018 và đối với các quầy thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên phạm vi cả nước là vào năm 2019.
Từ kết quả triển khai thí điểm tại 4 tỉnh (Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định), hiện đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. “Việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mua thuốc dễ như mua rau”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Hà Nội hiện có 1.160 cơ sở bán buôn thuốc, 3.470 nhà thuốc và 2.250 quầy thuốc. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc chưa được thực hiện rộng khắp, bài bản. Cụ thể, hiện mới chỉ có 22,5% số nhà thuốc và 5% số quầy thuốc có kết nối internet; 18,3% nhà thuốc và 0,9% quầy thuốc có sử dụng phần mềm quản lý thuốc.
Trước thực tế trên, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng TP Hà Nội đang cố gắng triển khai đúng lộ trình ứng dụng phần mềm quản lý việc mua bán, sử dụng thuốc tại các quầy thuốc, nhà thuốc để thực hiện bán thuốc theo đơn, bảo đảm nguồn thuốc chất lượng và công khai, minh bạch về giá cả.
Trong kế hoạch triển khai đề án tăng cường kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020 vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, thành phố sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, đó là tăng cường công tác truyền thông, tổ chức tập huấn và đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Theo Bộ Y tế, bán lẻ thuốc mà không có đơn là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng nhà thuốc quá lớn trong khi nhân lực quản lý còn mỏng. Thêm vào đó, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; đối với hành vi kê đơn thuốc không đầy đủ, không rõ ràng, không chính xác bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. (Hà Nội mới, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Trực cấp cứu 24/24 giờ, phục vụ người dân khám chữa bệnh dịp 2/9
Để đảm bảo công tác y tế trong dịp lễ Quốc khánh 2/9, vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo giám đốc các đơn vị y tế trong ngành tăng cường các giải pháp đảm bảo công tác y tế phục vụ người dân.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị duy trì thường trực cấp cứu 24/24 giờ để phục vụ người dân đến khám chữa bệnh. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để dự phòng, sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Các đội cấp cứu cơ động tổ chức trực tại đơn vị và sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có lệnh. Từng đơn vị xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan công an, các lực lượng có liên quan trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và phòng chống cháy nổ tại đơn vị. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện quy chế chuyên môn.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tổ chức thường trực chống dịch, chủ động cung ứng hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh, không để dịch bệnh lây lan rộng. Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, Sở Y tế yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các đơn vị tăng cường thanh kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau ngày nghỉ lễ tại các địa điểm vui chơi và lễ hội, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).