Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Dồn lực chăm lo cho nhân dân, tận dụng “thời gian vàng” để đẩy lùi dịch bệnh
Sáng 26-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch theo tinh thần xuống tận nơi, mắt thấy tai nghe việc chống dịch và bảo đảm cuộc sống của nhân dân tại xã, phường. Thủ tướng cũng yêu cầu trong sáng 26-8, các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu các đoàn công tác kiểm tra tình hình trên một số địa bàn. Tuyệt đối không để bất cứ người dân nào thiếu đói
Không thông báo trước nơi đến, chỉ xuống vùng đỏ và những nơi khó khăn nhất để kiểm tra công tác chống dịch, hỗ trợ nhân dân, đây là lần thứ tư trong hơn 3 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP.HCM.
Cụ thể, Thủ tướng đã tới hàng loạt địa điểm tại TP Thủ Đức để kiểm tra tình hình thực hiện giãn cách, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất cho cuộc sống nhân dân; kiểm tra các điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại khu cách ly, khu điều trị F0 của Tổng Công ty Tân Cảng; thăm hỏi đời sống người dân tại khu nhà trọ phường Thạnh Mỹ Lợi; kiểm tra tình hình cung ứng thực phẩm cho người dân tại các siêu thị Coop Mart và Vinmart; thăm cơ sở tập trung những người lang thang, cơ nhỡ tại phường Hiệp Bình Chánh; thăm Bệnh viện Quân dân y miền Đông…
Tại phường Cát Lái – một trong những “vùng đỏ” về dịch bệnh – Thủ tướng đã tới thăm địa điểm tiếp nhận, cung ứng cho người dân các gói an sinh, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại đây.
Chia sẻ với những khó khăn mà nhân dân trên địa bàn TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, chính quyền các cấp phải tranh thủ “thời gian vàng” để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, thực hiện giãn cách xã hội thật nghiêm bởi đây là yếu tố quyết định. Đã tăng cường giãn cách xã hội thì phải thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, ưu tiên xét nghiệm trước cho những người có nguy cơ cao để phát hiện sớm F0, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả từ sớm.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, đồng thời lưu ý việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, tuyệt đối không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Sử dụng mọi nguồn lực của phường, của thành phố, sự đóng góp của người dân, sự chi viện, tăng cường của cấp trên, các nguồn ủng hộ…, vận dụng nhiều hình thức đa dạng như phát các túi an sinh, đi chợ giúp… để cân đối, chăm lo cho cuộc sống của người dân một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Thủ tướng lưu ý phải đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng như sữa cho trẻ em, thuốc và thức ăn cho người già, người bệnh…
Tới thăm Trạm Y tế lưu động tại phường Cát Lái, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc người dân ở khu vực tăng cường giãn cách phải được tiếp cận y tế sớm nhất, qua việc tăng cường lực lượng y tế, trang thiết bị y tế ở ngay xã, phường và phải khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động để bảo đảm hỗ trợ y tế cho người dân, không chỉ điều trị người nhiễm Covid-19 mà còn cả các bệnh khác. “Ở ngay tại xã, phường, không ai làm tốt hơn được các đồng chí. Chúng ta phải hết sức sáng tạo để đáp ứng mọi nhu cầu cho người dân, bám sát tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi, vận động để người dân hiểu, tích cực thực hiện các giải pháp, chia sẻ với những khó khăn, bất tiện, vất vả để đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường. Nếu người dân bức xúc phải giải thích ngay, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân, do nhân dân quyết định nên dân phải tham gia. Chúng ta vừa làm, vừa động viên nhân dân, muốn nhanh thì phải chấp hành nghiêm. Chịu khổ 5-10-20 ngày còn hơn chịu khổ cả năm, dịch bệnh dây dưa mãi thì không làm gì được” – Thủ tướng chia sẻ.
Tất cả vì nhân dân phục vụ
Tại cơ sở cách ly tạm thời các ca F1 của Tổng Công ty Tân Cảng đặt trên địa bàn phường Cát Lái, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác phòng chống dịch để bảo đảm hoạt động của cảng. Các cơ sở cách ly, điều trị của Tổng Công ty phải sẵn sàng hỗ trợ khi địa phương có nhu cầu. Cát Lái là địa bàn giáp ranh, có vai trò quan trọng về giao thông vận tải, do đó, phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt qua địa bàn, không được đặt ra các giấy phép con.
Tới thăm hỏi, động viên người dân tại khu nhà trọ ngõ 966 đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, Thủ tướng tự mình kiểm tra mọi điều kiện cần thiết nhất để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho nhân dân đang thực hiện tăng cường giãn cách phòng chống dịch. Qua kiểm tra, Người đứng đầu Chính phủ cho rằng công tác thông tin tới người dân còn có những lúng túng.
Thủ tướng chất vấn Chủ tịch phường Thạnh Mỹ Lợi tại sao chưa thông tin đầy đủ cho người dân, phê bình lãnh đạo địa phương “phổ biến chưa tới nơi tới chốn” và yêu cầu Chủ tịch phường phải làm ngay việc dán các tờ rơi lên từng khu trọ, nêu rõ 3 số điện thoại để người dân biết khi đói gọi ai, khi ốm gọi ai, khi bị tấn công thì gọi ai. Thủ tướng cũng biểu dương chủ khu trọ đã miễn giảm tiền trọ cho những người thuê nhà theo hoàn cảnh khác nhau, trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và khó khăn.
Quá trình Thủ tướng đi kiểm tra hệ thống cung ứng hàng hóa của các siêu thị CoopMart, Vinmart, lãnh đạo CoopMart khẳng định, với hệ thống có 400 cơ sở trên khắp thành phố, mỗi cơ sở có thể đáp ứng nhu cầu cho khoảng 10.000 hộ gia đình với lượng hàng dự trữ đầy đủ cho từ 15-21 ngày. CoopMart cũng đang liên tục cung ứng đầy đủ cho chương trình 1 triệu gói an sinh của thành phố, 1 triệu gói này đáp ứng đủ nhu cầu cho khoảng 4 triệu người. Mỗi gói có thể đủ cho 4 người sử dụng trong vòng 3 ngày. Đại diện các siêu thị Coop Mart và Vinmart đều khẳng định các chuỗi cung ứng hàng hóa vẫn được bảo đảm thông suốt, không thiếu hụt hàng hóa; đang phối hợp với mọi lực lượng như chính quyền địa phương, quân đội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… triển khai đa dạng các hình thức cung ứng hàng hóa cho người dân, đi chợ giúp người dân…
Gặp Thủ tướng tại siêu thị, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Thị Thùy Hương cho hay, phường có 35.000 hộ với khoảng 101.000 dân, trong hai ngày qua, phường tổ chức đi chợ giúp cho khoảng 2.000 hộ dân với khoảng 8.000 người. Do đó, người dân yên tâm ở nhà. Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết thêm, toàn bộ 312 xã, phường của thành phố đều phối hợp với các siêu thị để triển khai công tác này.
Tại Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM quản lý nay được chuyển thành nơi tập trung những người lang thang cơ nhỡ trước khi chuyển tới chăm sóc tại Bình Dương hoặc Bình Phước, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo với Thủ tướng, cơ sở này hiện tập trung cả các trường hợp mất việc làm, hết tiền thuê trọ nên cả nhà phải ra đường. Một số người nước ngoài sống lang thang cũng sẽ được tập trung lại. Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 500 người lang thang, cơ nhỡ đã được tập trung.
Thủ tướng động viên các lực lượng tại đây tiếp tục nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn, gian khổ, chăm sóc tốt cho những người được tiếp nhận, thực hiện quản lý, cách ly chặt chẽ. Thủ tướng cũng đề nghị thành phố xem xét tăng thêm mức hỗ trợ cho những người lang thang, cơ nhỡ được tập trung.
Tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Đại tá Trương Hoàng Việt – Giám đốc Bệnh viện báo cáo, bệnh viện hiện đang điều trị 495 bệnh nhân, việc điều trị bệnh nhân ngay tại xã phường là rất đúng, rất quan trọng, phát hiện sớm để hạn chế bệnh nhân nặng, giảm tải cho các tuyến trên. Tuy nhiên, bệnh viện còn thiếu oxy. Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ tại đây, đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, vì nhân dân phục vụ. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo ngay để khắc phục việc thiếu oxy tại bệnh viện (An ninh thủ đô, trang 3; Công an nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 1).
Dự kiến đến ngày 15-9 có thể “quét” được hết F0
Chiều 26-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo.
Tiêm vaccine đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả và miễn phí
Mở đầu buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, TPHCM đã bước vào ngày thứ 4 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Qua 4 ngày có thể khẳng định, TP đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Về công tác xét nghiệm, trong ngày 25-8, TP đã lấy 514.974 mẫu, trong đó có 8.452 mẫu đơn và 4.189 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 479.742 mẫu; ngày 24-8, TP đã lấy 317.389 mẫu, trong đó có 7.025 mẫu đơn và 5.235 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 265.478 mẫu. “Khi số mẫu lấy được không ngừng tăng do chúng ta tăng xét nghiệm, đồng nghĩa với đó là số ca F0 tăng theo. Cụ thể, ngày 24-8 có 4.634 F0, ngày 25-8 có 5.294 F0”, đồng chí Phạm Đức Hải thông tin.
Về công tác tiêm vaccine, tổng số mũi vaccine TP tiêm cho người dân đến ngày 25-8 là 5.627.728 liều, trong đó tổng số mũi 1 là 5.390.903, mũi 2 là 236.825, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 573.771. “TP đang thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng, nghiêm cấm thu tiền từ các tổ chức đơn vị với bất kỳ hình thức nào”, đồng chí Phạm Đức Hải nhấn mạnh và cho biết phải cơ bản tiêm mũi 1 cho tất cả đối tượng được tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước ngày 15-9.
Theo đồng chí Phạm Đức Hải, hiện TPHCM ước tính có khoảng 3-4 triệu người khó khăn do Covid-19, TP luôn đảm bảo an sinh cho những đối tượng này và chi từ nguồn ngân sách để giúp hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn bởi đại dịch, việc chi cố gắng phấn đấu trước ngày 30-8 với mức chi 1,5 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, TP có 2 triệu túi an sinh, mỗi túi trị giá 300.000 đồng hỗ trợ người lao động; TP cũng vừa ký văn bản quy định, trường hợp những hộ mà đã nhận được gói quà an sinh sẽ được nhận thêm 1,2 triệu đồng tiền mặt.
Liên quan đến việc tiếp nhận đối tượng lang thang cơ nhỡ, trong ngày 26-8, TP tiếp nhận 149 đối tượng đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH. Lũy kế từ ngày 11-7 đến 26-8, TP đã tiếp nhận 452 người. Cùng với đó, tiếp nhận 13 đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2. Lũy kế từ ngày 11-7 đến 26-8 đã tiếp nhận 140 người.
Ưu tiên giải quyết cấp QR code cho xe chở oxy, thiết bị y tế
Liên quan đến việc cấp giấy cho các phương tiện vận chuyển oxy, thiết bị y tế, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, việc cấp giấy đi đường cho phương tiện do Sở GT-VT cấp, hiện công an chỉ cấp giấy đi đường cho cá nhân, cá nhân được cấp giấy đi đường thuộc diện do TP cho phép lưu thông. Đối với các trường hợp vướng mắc liên quan đến trường hợp cung cấp thuốc men, vật tư y tế, Công an TP đã có văn bản chỉ đạo thống nhất các đối tượng phương tiện chở oxy, thuốc men, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, khi có các giấy tờ chứng minh như: giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận chuyên môn, hoạt động vận chuyển phù hợp chứng minh được cung cấp cho công tác phòng chống dịch thì được phép lưu thông. Đối với trường hợp đi tiêm vaccine, tái khám có bằng chứng thì được phép lưu thông.
Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT Phạm Công Bằng, lượng xe tham gia giao thông giảm 90% so với những ngày thường chưa có dịch. Thời gian qua, công tác cấp mã nhận diện cho các xe ưu tiên “luồng xanh” được Sở GT-VT phối hợp với các đơn vị thực hiện làm hồ sơ và trả hồ sơ qua các đầu mối sở-ngành, đơn vị. Việc giải quyết và trả hồ sơ sau 24 giờ, việc cấp QR code được triển khai nhanh, thuận lợi. “Đối với các xe chở oxy, thiết bị y tế. Việc làm hồ sơ cấp QR code vẫn phải qua đầu mối là Sở Y tế và Sở GT-VT cố gắng xử lý và cung cấp QR code tối đa trong vòng 4-8 tiếng để ưu tiên nhất cho những phương tiện vận chuyển này”, Phó Giám đốc Sở GT-VT nói.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đối với việc hướng dẫn sử dụng toa thuốc sử dụng tại nhà, trước đây có toa thuốc A và toa thuốc B (toa thuốc A gồm thuốc hạ sốt và vitamin; toa thuốc B gồm thuốc kháng viêm và kháng đông). Hiện nay theo cung cấp thuốc của Bộ Y tế, TP có toa thuốc C (thuốc kháng virus). Đối với thuốc kháng virus dạng uống Molnupiravir được chỉ định với F0 có triệu chứng nhẹ. Chiều 26-8, Sở Y tế đã nhận được 16.000 liều với 320.000 viên Molnupiravir. Trong sáng mai (27-8) sẽ cung cấp ngay vào các túi thuốc cho người F0 đang được điều trị tại nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, trong 3 ngày (từ 23-8 đến 25-8), tốc độ xét nghiệm test nhanh rất nhanh. Trong 3 ngày đạt xấp xỉ gần 1 triệu test. Thực tế con số 2 triệu test là số ước với 400.000 hộ dân trong “vùng đỏ” và “vùng cam” nhưng con số chính xác có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Tuy nhiên các quận, huyện đã nỗ lực hết sức để làm trong 3 ngày đạt được 1 triệu test. Về cơ bản, ngành y tế TP đã có thể đánh giá, xếp sắp lại một phần nào các “vùng đỏ”, “vùng cam”, trong 26-8 và ngày mai (27-8) sẽ tiếp tục quét và sau đó sẽ lặp lại lần 2.
“Qua số liệu đánh giá, ngày 23-8 khoảng 3,5% test dương tính, ngày 24-8 khoảng 3,2%, ngày 25-8 gần 3,8%. Tổng 3 ngày là khoảng 3,6%. Như vậy theo đánh giá dịch tễ học, dưới 5% chúng ta có thể quét được hết F0 từ nay đến ngày 15-9. Với tỷ lệ như vậy có niềm tin là hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thông tin (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Ngày 26-8, cả nước thêm 11.575 ca mắc Covid-19, Bình Dương vượt TPHCM
Chiều tối 26-8, Bộ Y tế cho biết, trong 24 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.575 ca mắc mới, 6 ca nhập cảnh và 11.569 ca ghi nhận trong nước. Trong đó có 5.603 ca trong cộng đồng. Đặc biệt, trong ngày có hơn 18.500 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, số ca tử vong vẫn ở mức trên 300 ca.
Trong số các tỉnh thành ghi nhận ca mắc mới, tỉnh Bình Dương có (4.868 ca), TPHCM (3.934 ca), Đồng Nai (743), Long An (449), Tiền Giang (354), Đà Nẵng (144), An Giang (131), Khánh Hòa (131), Đồng Tháp (116), Kiên Giang (112), Cần Thơ (72), Bến Tre (55), Hà Nội (50), Bình Thuận (48), Bà Rịa – Vũng Tàu (44), Nghệ An (43), Tây Ninh (42), Thừa Thiên – Huế (24), Phú Yên (24), Quảng Bình (23), Trà Vinh (20), Bình Định (15), Bình Phước (13), Vĩnh Long (12), Sơn La (10), Đắk Lắk (10), Hà Tĩnh (9), Thanh Hóa (9), Sóc Trăng (9), Gia Lai (8), Đắk Nông (8), Quảng Nam (8), Quảng Ngãi (7), Lạng Sơn (6), Ninh Thuận (5), Bạc Liêu (4), Quảng Trị (2), Bắc Giang (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Hưng Yên (1), Bắc Ninh (1) và Cà Mau (1).
Như vậy trong 24 giờ qua số ca mắc ghi nhận trong nước giảm 524 ca. Tại Bình Dương tăng 739 ca, TPHCM giảm 1.360 ca, Đồng Nai tăng 125 ca, Long An giảm 11 ca, Tiền Giang tăng 35 ca.
Tích lũy từ đầu dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam có 392.938 ca mắc, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.997 ca mắc).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 388.814 ca. Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang. Và 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
Về điều trị, trong ngày, cả nước có 18.567 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số điều trị khỏi lên 188.488 ca. Qua thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.184 ca, trong đó có 3.233 ca phải thở oxy qua mặt nạ, 1.082 ca thở oxy dòng cao HFNC, trên 800 ca phải thở máy và 29 ca dùng ECMO (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 5).
Thần tốc xét nghiệm, tầm soát F0 diện rộng
Từ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9, TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Tận dụng “thời gian vàng” này, các địa phương đang thần tốc thực hiện xét nghiệm trên diện rộng.
Xét nghiệm diện rộng được xem là khâu then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19.
Tận dụng “thời gian vàng”
Tân Phú là quận có dân số đông của TP Hồ Chí Minh. Trong 11 phường của quận, phường có dân số thấp nhất là 32 nghìn dân, phường có dân số đông nhất lên đến 69 nghìn người. Hiện, toàn bộ 11 phường của quận Tân Phú đã triển khai cho người dân tự lấy mẫu test nhanh kháng nguyên tại nhà. Các tổ Covid-19 cộng đồng được tập huấn và thực hiện hướng dẫn cho người dân. Đối với các “vùng cam”, “vùng đỏ”, quận cử nhân viên y tế đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Trong ba ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội triệt để vừa qua, người dân đã hợp tác và chấp hành tốt, an tâm hơn khi được hướng dẫn test nhanh tại nhà. Theo bác sĩ Nguyễn Mậu Nam (Trung tâm Y tế quận Tân Phú), với sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời từ Bộ Y tế; Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, quận đã hoàn tất việc phát bộ dụng cụ cũng như hướng dẫn người dân trên địa bàn tự thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Tỉnh Bình Dương hiện có tất cả bảy phòng xét nghiệm RT-PCR với năng lực từ 18.500 đến 25.000 mẫu đơn mỗi ngày. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 từ ngày 2/8 đến chiều 25/8, các địa phương trong tỉnh đã lấy mẫu test nhanh và RT-PCR cho 1.201.878 người, phát hiện 34.988 trường hợp dương tính. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh triển khai lấy mẫu RT-PCR cho 114.173 công nhân tại 130 công ty trong các khu công nghiệp, kết quả có 323 trường hợp dương tính.
Với 102 nghìn dân, việc xét nghiệm tại phường Thuận Giao, TP Thuận An (Bình Dương) diễn ra khẩn trương, nghiêm túc với hàng trăm thành viên tham gia. Từ ngày 22/8 đến nay, phường Thuận Giao đã tổ chức 160 tổ công tác xuống địa bàn thực hiện test nhanh kết hợp lấy mẫu RT-PCR gộp đối với người dân ở khu vực “khóa chặt, đông cứng” và đã “bóc tách” được một số F0 ra khỏi cộng đồng. Để việc xét nghiệm diễn ra bảo đảm an toàn, Ban Chỉ đạo bố trí mỗi đội sẽ gồm ba thành viên lấy mẫu, một thành viên giữ F0 trong trường hợp ghi nhận và một thành viên tham gia công tác điều phối giãn cách an toàn phòng, chống dịch bệnh trong quá trình tham gia lấy mẫu.
Tại thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên, Huỳnh Minh Chín cho biết, đến trưa 24/8, công tác lấy mẫu trên địa bàn bảy phường “khóa chặt, đông cứng” ở thị xã cơ bản đã hoàn thành. Tại tỉnh Đồng Nai, chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng trong cộng đồng với quy mô khoảng 2,1 triệu người được triển khai từ ngày 18 kéo dài đến 31/8. Tính đến sáng 26/8, ngành y tế Đồng Nai đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 1,2 triệu người, trong đó phát hiện 2.498 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, chiếm tỷ lệ 0,87%. Hiện, TP Long Khánh, huyện Nhơn Trạch và huyện Cẩm Mỹ đã hoàn thành đợt thứ 2 lấy mẫu xét nghiệm; tám huyện, thành phố còn lại của tỉnh đang triển khai.
Đến ngày 26/8, lực lượng y tế các địa phương ở Long An đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 1,2 triệu người. Năm địa phương “vùng đỏ” gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và TP Tân An đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc toàn dân đến cuối tháng 8. Mỗi người dân được xét nghiệm ít nhất hai lần để bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết nhanh F1 đưa đi cách ly tập trung để phòng, chống dịch… Chủ tịch UBND huyện Bến Lức (Long An), Trần Văn Tươi cho biết, do là “vùng đỏ” cho nên huyện đang áp dụng chiến lược xét nghiệm sàng lọc nhiều vòng để bóc F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết nhanh F1 đưa đi cách ly để làm sạch địa bàn, đồng thời tiến hành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân có kết quả âm tính.
Không chạy theo thành tích
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng thực tế cũng cho thấy, việc tập trung xét nghiệm diện rộng tại các địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, nhất là về nhân lực.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng trong cộng đồng tại tỉnh tổ chức song song với chiến dịch tiêm chủng nên ngành y tế địa phương rất thiếu nhân lực, dù đã được chi viện hơn 800 người từ các địa phương khác. Một số phường, xã chưa xây dựng kế hoạch lấy mẫu, chưa có danh sách đối tượng cụ thể cho từng ngày nên việc lấy mẫu không đạt tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, chưa có đội ngũ nhập danh sách và thống kê báo cáo tại các địa phương dẫn đến việc vận chuyển mẫu tới các phòng xét nghiệm còn chậm; số liệu lấy mẫu chưa khớp giữa các đơn vị, địa phương với nhau…
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Sơn, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai, lưu ý, đối với các huyện chưa hoàn thành cần tiếp tục thực hiện. Trong cùng một vùng có nhiều ca nhiễm mà chưa xét nghiệm hết số người cần xét nghiệm thì cần quản lý chặt chẽ theo từng nhóm giữa những người đã lấy mẫu xét nghiệm và chưa xét nghiệm để tránh lây chéo. Đối với TP Biên Hòa có dân số đông, tập trung nhiều khu nhà trọ, việc xét nghiệm cần nhân lực rất lớn, do đó, tỉnh Đồng Nai cần điều phối nhân lực để hỗ trợ nhằm lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng đạt yêu cầu. Trong thời gian Đồng Nai thực hiện xét nghiệm diện rộng số F0 sẽ tăng, các địa phương cần chủ động hơn trong triển khai các khu cách ly.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Hữu Hưng, lần này thành phố tập trung test nhanh tại “vùng đỏ”, “vùng cam” với số lượng khoảng 2 triệu mẫu, chậm nhất đến ngày 25/8 phải hoàn thành. Do triển khai khối lượng lớn nên ngành y tế thành phố để người dân tự thực hiện test nhanh với sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Đây là thời điểm hết sức quan trọng để tập trung xét nghiệm, nhất là “vùng đỏ”, “vùng cam” để bóc tách tất cả F0 ra khỏi cộng đồng. Trên cơ sở đó sẽ tập trung công tác điều trị với mục tiêu cao nhất là giảm tỷ lệ tử vong, số ca mắc mới. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đối với các “vùng đỏ” cần thực hiện lấy mẫu test nhanh 48 giờ 1 lần và test thường xuyên trong vòng 3 tuần. “Vùng cam” thực hiện lấy mẫu test nhanh 2 lần 1 tuần. Ở “vùng vàng” và “vùng xanh” thực hiện lấy mẫu gộp RT-PCR hoặc mẫu gộp hộ gia đình. Những trường hợp test nhanh dương tính cách ly tại nhà không lấy mẫu xác định PCR. Đối với những trường hợp chuyển viện, trước khi chuyển viện cần lấy mẫu PCR xác định lại… Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, Hồ Thanh Sơn, cho rằng, việc xét nghiệm diện rộng là để sớm bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng; các xã, phường không được chạy theo thành tích trong việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, không nóng vội trong chỉ đạo để tạo thêm áp lực cho lực lượng chống dịch ở cơ sở (Nhân dân, trang 4).
Ban hành danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm Covid-19 tại nhà
Ngày 26/8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh có buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá huyện Bình Chánh nói chung và xã Vĩnh Lộc B nói riêng đã có nhiều nỗ lực cùng nhân dân quyết tâm, chấp hành, có các giải pháp, sáng kiến, sáng tạo, góp phần cùng thành phố kiềm chế sự lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, qua ba ngày triển khai thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị 11 của UBND thành phố, xã Vĩnh Lộc B đã triển khai quán triệt và đúng theo tinh thần đề ra; tính chấp hành nghiêm của người dân tốt hơn; thực hiện các biện pháp an sinh xã hội, bảo đảm có đường dây nóng, sẵn sàng phân công các tổ tự quản, tiếp cận và khi cần sẽ vận chuyển đến hộ dân kịp thời…
Ngày 26/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại quận 6 và quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng yêu cầu các Trạm Y tế lưu động với sự chi viện của lực lượng quân y phải bám sát người dân, bảo đảm tiếp nhận, có phản hồi ngay tất cả những yêu cầu hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn. Thời gian tới, quận tiếp tục thực hiện tốt việc giãn cách thật nghiêm, bảo đảm an sinh cho 100% người dân, tiếp nhận, phản hồi hoặc qua thăm ngay trong thời gian sớm nhất khi người dân gọi điện yêu cầu trợ giúp về y tế. Lãnh đạo quận 6 cần quan tâm hơn nữa, từng bước nắm những yêu cầu cá biệt của người đang gặp vấn đề về sức khỏe hoặc điều trị bệnh khác để hỗ trợ cho nhân dân không chỉ là thuốc mà cả chế độ dinh dưỡng, nhất quyết không được để ai thiếu đói. Cùng với việc “rà đi, rà lại” “vùng đỏ đậm đặc”, quận cần triển khai thêm các tổ xét nghiệm ở vùng ít đậm đặc hơn và cả vùng tạm coi là an toàn để đánh giá sát tình hình, chuẩn bị thuốc, khu cách ly…
Sáng 26/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, trước khi đi vào sản xuất, các doanh nghiệp phải bảo đảm công nhân được xét nghiệm khẳng định âm tính với SARS-CoV-2. Dây chuyền sản xuất được sắp xếp phù hợp, bảo đảm giãn cách. Dứt khoát bảo đảm an toàn dịch bệnh mới được sản xuất và sản xuất phải an toàn. Đây là tiền đề cho việc duy trì, bảo đảm sản xuất trong điều kiện dịch bệnh… Sáng 26/8, tại buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phường 5 (quận 8, TP Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị chính quyền cơ sở phải thật sự bám sát từng tổ dân phố, từng ngõ, ngách, từng người để thực hiện triệt để bảo đảm ai cũng thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; vận hành trạm Y tế lưu động, đưa y tế xuống gần dân nhất. Đối với các nhân viên y tế mặc dù hướng dẫn người dân tự test nhanh nhưng phải kiểm soát, nếu người dân bị ho, cán bộ y tế phát gói thuốc ngay; người dân tự theo dõi sức khỏe. Nếu có vấn đề cần liên hệ với đội y tế phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng. Từ ngày 27/8, Bộ Y tế cùng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ đưa thuốc kháng vi-rút Molnupiravir vào cộng đồng điều trị cho F0. Hiện viên nang Molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất; sẽ cung cấp hơn 2,3 triệu viên để điều trị cho 116 nghìn F0 tại cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh.
Cùng ngày, Bộ Y tế có quyết định Ban hành hướng dẫn tạm thời “Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm Covid-19 tại nhà” được áp dụng tại các cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà và theo sự chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh, thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Bộ Y tế đã có quyết định ban hành tài liệu Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp ba tầng để các bộ, ngành, sở y tế các tỉnh, thành phố thiết lập, củng cố các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế và dự báo tình hình dịch tại địa phương.
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện quản lý, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm theo quy định, không làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài. UBND các cấp tỉnh chỉ định đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 và chất thải khác tại cơ sở cách ly, khu vực phong tỏa, nơi cách ly tại nhà, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn quản lý, không để tình trạng chất thải không được thu gom, xử lý kịp thời, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bộ Y tế cho biết, đến hết ngày 25/8, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã thiết lập được 403 trạm y tế lưu động.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 26/8 cả nước ghi nhận 11.575 ca mắc Covid-19, gồm sáu ca nhập cảnh và 11.569 ca ghi nhận trong nước (giảm 524 ca so với ngày 25/8) tại 43 tỉnh, thành phố, trong đó có 5.603 ca trong cộng đồng. Tỉnh Bình Dương là địa phương có số mắc Covid-19 cao nhất với 4.868 ca. Trong ngày, có 18.567 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 318 người chết tại 14 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế vừa phân bổ 103.680 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho 33 đơn vị. Đây là lần thứ tư thuốc Remdesivir được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ cho nhu cầu điều trị của 12 bệnh viện (trong đó có các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19) và 21 sở y tế các tỉnh, thành phố. Đến nay đã có 173 nghìn 680 lọ thuốc Remdesivir được xuất cấp để phục vụ điều trị người bệnh Covid – 19 nặng, có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi), người có bệnh nền và béo phì (Nhân dân, trang 4; Công an nhân dân, trang 1).
Nuôi con cho mẹ F0
Tình yêu thương con trẻ vượt lên nỗi sợ hãi trước hiểm nguy của dịch bệnh, những người phụ nữ với lòng nhân ái bao dung tình nguyện vào tâm dịch, chăm sóc cho các bé sơ sinh là con của những sản phụ F0 tại Trung tâm H.O.P.E (TPHCM). Có những bé đã không còn mẹ, mất liên lạc với gia đình…
Người mẹ thứ hai của bé
Lẫn trong tiếng mưa bất chợt trút xuống là tiếng khóc vọng lại của con trẻ và lời ru dịu ngọt của nữ tình nguyện viên: “Ầu ơi… ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Ầu ơi… khó đi mẹ dắt con đi…”. Tiếng ru bỗng nghẹn lại, bên nôi của bé gái chưa đầy một tháng tuổi. Người vừa cất lời ru là chị Nguyễn Thị Nghĩa (33 tuổi), một phụ tá nha khoa, ngụ tại quận Tân Phú.
Chị nghĩa tâm sự: “Mấy đêm liền em chẳng thể nào chợp mắt được bởi hình ảnh của những chị em mang thai mắc COVID-19 trong bệnh viện. Có người không qua khỏi để được nhìn mặt con, có những bé kém may mắn không có cơ hội được chào đời. Em là phụ nữ, từng mang nặng đẻ đau nên thấu hiểu nỗi khổ và sự khó khăn khi bầu bí.
Những gì mình đã trải qua khi sinh em bé 4 năm trước, trong giai đoạn cả xã hội đang bình an thì chẳng thấm vào đâu so với nỗi đau, sự sợ hãi mà những người mẹ giờ đây phải gánh chịu. Cảnh những cháu bé chào đời trong bệnh viện điều trị COVID-19, những người mẹ rơi vào nguy kịch làm tim em như thắt lại”.
Chính vì vậy, chị Nghĩa tình nguyện tham gia chăm sóc trẻ sơ sinh của những người mẹ F0 tại Trung tâm H.O.P.E. Trung tâm do UBND TPHCM phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương lập ra, đặt tại Trường mầm non Họa Mi 2 (số 11, Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5).
Khi Bệnh viện Hùng Vương kêu gọi tìm người tình nguyện làm bảo mẫu cho các bé có mẹ F0, được chồng ủng hộ, gửi con nhỏ về nhờ ông bà ngoại cùng em gái chăm sóc, chị Nghĩa bước vào tâm dịch với tất cả tấm lòng của một người mẹ để “nuôi con cho người dưng”. Chị mong muốn giúp các bé vượt qua giai đoạn khó khăn khi không có cha mẹ, người thân bên cạnh.
Trong căn phòng dã chiến hơn 10 chiếc nôi, nhiều bé chìm vào giấc ngủ nhưng cũng có những bé “oa oa” đòi bế. Nhẹ nhàng bồng một bé trai mới 23 ngày tuổi lên, chị Cao Thiên Trang (30 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh) phát hiện bé có biểu hiện bị hăm tã ở vùng bẹn. Chị liền đưa bé đến bàn y khoa chăm sóc, dùng tăm bông bôi lớp kem trị hăm tã lên làn da đang đỏ au, nổi mẩn. Được nâng niu, chăm sóc kịp thời, cậu bé nằm im và thôi khóc.
Chị Thiên Trang kể: “Em là giáo viên mầm non, chọn nghề vì yêu con trẻ. Nay dịch bệnh bùng lên dữ dội, mỗi ngày giãn cách xã hội trôi qua trong bốn bức tường em cảm thấy nhớ trẻ đến cồn cào. Khi hay tin bệnh viện cần bảo mẫu, em đăng ký ngay và may mắn được nhận. Ở đây, các bé đều khoảng trên dưới một tháng tuổi, khó chăm sóc hơn so với những trẻ mầm non nhưng được cái bé nào cũng ngoan, cứ bú no là lăn ra ngủ, nhìn thương lắm. Em hy vọng dịch bệnh qua nhanh để các con sớm được trở về với vòng tay yêu thương của gia đình”.
Sinh ra chịu kiếp mồ côi
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, từ tháng 4/2021 đến nay, bệnh viện tiếp nhận trên 1.000 thai phụ với gần 500 trẻ được sinh ra từ mẹ mắc COVID-19 và con số này ngày càng lớn. Trong gần 500 trẻ sinh ra từ mẹ mắc COVID-19, có những trẻ tử vong từ trong bụng mẹ, có những trẻ sinh ra non tháng vì buộc phải chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có những trẻ may mắn được sinh ra khi đã đủ tháng. Rất may mắn tỉ lệ trẻ nhiễm từ những người mẹ mắc COVID-19 rất thấp, dưới 1%.
Trong khi thành phố đang thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch, người mẹ mắc COVID-19 phải cách ly tập trung nên các trẻ bình thường đủ tháng được sinh ra không có người thân chăm sóc ngày càng tăng. Hiện bệnh viện đang chăm sóc trên 130 trẻ có mẹ mắc COVID-19 và 50 trẻ có đủ điều kiện xuất viện nhưng chưa có người thân đến đón, thậm chí có những trẻ gần đầy tháng nhưng vẫn chưa được về với gia đình. “Chúng tôi nỗ lực liên hệ với sản phụ và thân nhân theo số điện thoại được cung cấp khi họ đến bệnh viện sinh. Hầu hết các gia đình chưa nhận bé là vì cha, mẹ đang trong thời gian điều trị, người thân cũng mắc bệnh phải nhập viện hoặc đang bị cách ly, chăm sóc y tế tại nhà, nên chưa đến nhận con được. Đến nay, có khoảng 30 trường hợp mất liên lạc hoàn toàn với người thân, trong đó có những người mẹ đã tử vong” – BS Diễm Tuyến nghẹn ngào.
Để chăm sóc tốt hơn cho con trẻ trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các bé chưa có người thân đến đón, Bộ Y tế và UBND TPHCM chỉ đạo Bệnh viện Hùng Vương lập Trung tâm H.O.P.E. Trung tâm nhận được sự hưởng ứng và tham gia làm bảo mẫu chăm sóc trẻ của 25 tình nguyện viên tại nhiều quận huyện của thành phố. Tất cả tình nguyện viên đều có lòng yêu thương con trẻ, được bệnh viện tập huấn những kỹ năng cơ bản trong chăm sóc trẻ sơ sinh (Tiền phong, trang 5).
Phan Hạnh tổng hợp