Hà Nội gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết
Tích lũy từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 554 trường hợp mắc sởi, 150 trường hợp mắc SXH, 158 trường hợp mắc tay chân miệng và 46 trường hợp mắc ho gà, nhưng chưa có trường hợp tử vong. Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 18 đến 24/3) số ca mắc (SXH) và ho gà có xu hướng tăng. Theo đó, tích lũy từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 554 trường hợp mắc sởi, 150 trường hợp mắc SXH, 158 trường hợp mắc tay chân miệng và 46 trường hợp mắc ho gà, nhưng chưa có trường hợp tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, theo quy luật thông thường từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, dịch bệnh SXH mới xuất hiện và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, hiện nay mới tháng 3 nhưng dịch bệnh SXH đã gia tăng. Sở Y tế Hà Nội nhận định, tuần qua SXH có dấu hiệu tăng cao. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu cho chính quyền huy động lực lượng và nguồn lực triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh. Hiện các đơn vị đã tăng cường công tác giám sát côn trùng và giám sát véc-tơ truyền bệnh. Qua việc tiếp tục giám sát tại 24 điểm nguy cơ trong tuần qua cho thấy, hiện các chỉ số lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh còn ở ngưỡng thấp. (Tiền phong, trang 6).
Dồn dập nhập viện vì thời tiết bất thường
Cuối tháng 3, thời tiết tại miền Bắc có nhiều diễn biến thất thường với những ngày nóng nực như mùa hè, rồi mưa ẩm kéo dài, đan xen với những đợt không khí lạnh ngắn đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân. Trong khi đó, nắng nóng tại TPHCM và các tỉnh phía Nam luôn ở mức cao và dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, khiến số bệnh nhân cấp cứu tại các bệnh viện tăng vọt, đặc biệt là người già và trẻ em.
Hà Nội: Sốt xuất huyết gia tăng
PGS-TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.500 ca trong đó có khá nhiều trẻ bị viêm phế quản, ho, sốt, tiêu chảy do thời tiết biến động thất thường gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Cùng với đó, bệnh viện cũng ghi nhận khá nhiều ca mắc sởi, cúm và ho gà do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Với những trẻ nhỏ mắc bệnh sởi, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ bị các biến chứng nặng, nguy cơ gây tử vong cao.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, cùng với nhiều trẻ nhỏ được đưa tới khoa Nhi khám, điều trị các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm, sốt cao… các bác sĩ tại đây cũng tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân là người lớn mắc sởi bị biến chứng viêm não.
Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, ngoài biến chứng viêm não, bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù lòa. Trong những tháng đầu năm 2019, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một số trường hợp mắc cúm mùa thông thường H3N2, H1N1 nhưng biến chứng suy hô hấp rất nguy kịch.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện cả nước ghi nhận khoảng 42.000 người mắc SXH trong đó có 2 ca tử vong. Theo quy luật, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, dịch bệnh SXH mới xuất hiện và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, hiện nay mới tháng 3, dịch bệnh SXH đã gia tăng là rất đáng lo ngại và đòi hỏi người dân phải rất cảnh giác.
Miền Nam: Bùng phát các bệnh hô hấp, tiêu hóa
Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, những ngày qua BV tiếp nhận bình quân 5.500 bệnh nhi nhập viện mỗi ngày tập trung chủ yếu là bệnh tiêu hóa (chiếm 8%) và hô hấp (chiếm 10%-15%).
Còn theo bác sĩ Lê Công Thiên, Phó trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 2, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú, trong đó số bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa tăng 10% so với các tháng trước, số bệnh nhân nặng phải nhập viện cũng khá nhiều, khoa cũng đang trong tình trạng quá tải. Tại Bệnh viện Thống Nhất, lượng bệnh nhân cao tuổi điều trị cũng tăng lên rõ rệt so với tháng trước chủ yếu là tăng huyết áp, tim mạch, viêm phế quản, các bệnh lý về khớp.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết, các bệnh thường gặp trong thời tiết nắng nóng này là bệnh phù do nhiệt, phát ban do nhiệt, chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, kiệt sức do nhiệt, sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt)… Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao người dân cần chú ý mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng lâu. Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.
“Thời tiết nắng nóng mọi người có xu hướng ở trong các phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh hay có nước đá… gây khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp. Việc này sẽ làm cho các vi trùng có lợi cho cơ thể chết đi, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai dễ xâm nhập gây các bệnh lý như: nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp trên… Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián…dễ gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độ tập thể”- bác sĩ Nguyễn Viết Hậu lưu ý. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam: Khi nhà thuốc thay bác sĩ bốc thuốc, kê đơn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 90% số nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn, 87% người dân có thể dễ dàng đến nhà thuốc mua kháng sinh không theo đơn của bác sĩ. Điều này khiến cho vấn đề thuốc kháng sinh tại VN càng trở nên trầm trọng (chi tiết xem báo trang 1). (Lao động, trang 1).
Bình Định: Thêm 1 trẻ phản ứng rất nặng sau tiêm ComBE Five
Khoảng 20 trẻ phải nhập viện điều trị do phản ứng sau khi tiêm ComBE Five, trong đó có 1 ca phản ứng nặng phải thở máy.
Trưa 27-3, bác sĩ Hồ Việt Mỹ – giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định – cho biết bé trai 2 tháng tuổi do Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn chuyển đến ngày 26-3 vẫn phải thở máy, tình trạng bệnh nặng.
“Đây là bé đã được tiêm chủng văcxin ComBE Five tại địa phương, sau đó có phản ứng nên được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn, rồi tiếp tục được chuyển viện lên. Bé bị phù phổi cấp nên phải cho thở máy. Chúng tôi chỉ cấp cứu và điều trị, còn nguyên nhân vì sao bé rơi vào tình trạng như vậy thì Sở Y tế sẽ có kết luận” – ông Mỹ cho hay.
Theo ông Mỹ, trong hai ngày 25 và 26-3 có 20 trẻ phải nhập viện do có biểu hiện sốt sau khi tiêm chủng văcxin ComBE Five. Ngoại trừ trường hợp bé trai 2 tháng tuổi ở huyện Tây Sơn, các bệnh nhi còn lại chỉ bị phản ứng nhẹ, nhiều cháu đã được cho xuất viện.
Ông Lê Quang Hùng – giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định – cho biết đợt tiêm chủng văcxin 5 trong 1 ComBE Five tháng 3-2019 bắt đầu từ ngày 25-3 và kéo dài đến hết tháng. Trong 2 ngày đầu đã có hơn 2.000 trẻ được tiêm ngừa, 1 bé bị phản ứng nặng.
“Sau vụ 1 trẻ ở huyện Hoài Nhơn tử vong sau tiêm ComBE Five hồi tháng trước, Bộ Y tế đã cấp cho Bình Định lô văcxin ComBE Five mới, ngành cũng tổ chức tập huấn lại việc tiêm chủng và xử trí khi có sự cố phản ứng sau tiêm văcxin cho các cơ sở y tế toàn tỉnh. Tuy 2 ngày đầu của đợt tiêm này có xảy ra một số trường hợp phản ứng văcxin, nhưng đều nằm trong tỉ lệ cho phép. Do đó, việc tiêm ngừa văcxin này cho trẻ đúng độ tuổi vẫn được thực hiện” – ông Hùng khẳng định.
Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, Bình Định là một trong số ít tỉnh được Bộ Y tế chọn để thí điểm tiêm chủng văcxin ComBE Five thay thế cho văcxin Quinvaxem.
Từ tháng 10-2018, việc tiêm chủng ComBE Five được thực hiện ở Bình Định và cho đến đầu năm 2019 đã xảy ra hàng chục trường hợp trẻ bị phản ứng sốt cao, tím tái, khó thở sau tiêm văcxin.
Tháng 2-2019, 1 trẻ 2 tháng tuổi ở xã Hoài Châu (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã tử vong sau khi tiêm ngừa văcxin ComBE Five, nguyên nhân được xác định là do phản ứng nặng với loại văcxin này trên bệnh nhi nghi mắc bệnh tim bẩm sinh.
Ngay sau sự cố này, Sở Y tế Bình Định đã tạm đình chỉ việc tiêm phòng ComBE Five trên toàn tỉnh để chờ quyết định của Bộ Y tế. Sau đó, bộ cấp cho Bình Định lô thuốc mới và cuối tháng 3-2019, tỉnh này tổ chức tiêm phòng loại văcxin này trở lại. (Tuổi trẻ, trang 13).