Điểm báo ngày 28/5/2021

(CDC Hà Nam)
Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các trường y dược hỗ trợ nhân lực phòng, chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang; Gia tăng ca mắc covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh: Chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” ngừng một số hoạt động

Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các trường y dược hỗ trợ nhân lực phòng, chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang

Sáng 27/5, GSTS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi lãnh đạo 125 trường đại học và cao đẳng y, dược trên toàn quốc hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

“Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành y phải hết sức nỗ lực thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch nhanh và hiệu quả. Tôi đề nghị các trường tập huấn ngay cho cán bộ, sinh viên các nội dung: tiêm chủng và an toàn tiêm chủng; lấy mẫu và xét nghiệm; chăm sóc điều trị, phòng lây nhiễm chéo. Bộ Y tế sẽ điều động nhân lực từ các trường để hỗ trợ các địa phương chống dịch, trước mắt là Bắc Giang và Bắc Ninh” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thông điệp trên đã được chuyển tới các vị Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng y trong cả nước. Lãnh đạo tất cả các đơn vị đã phúc đáp và bầy tỏ tinh thần sẵn sàng tham gia chống dịch ở bất cứ địa phương nào theo sự điều phối và phân công của lãnh đạo Bộ Y tế.

Từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trong toàn quốc chuẩn bị và sẵn sàng huy động cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 27/5, Bộ Y tế đã điều động các cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh với số lượng tình nguyện viên chi viện là 375 người, cụ thể như sau:

– Trường Đại học Y Hà Nội: 120 người

– Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên: 104 người

– Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam: 36

– Trường Đại học Y Dược Hải Phòng: 65

– Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định: 50

Các đoàn đều có mặt tại Bắc Giang trong ngày 27/5, riêng đoàn Đại học Điều dưỡng Nam Định sẽ có mặt trong ngày mai (28/5).

Hiện nay có 1.976 cán bộ, sinh viên thuộc 15 trường Đại học và Cao đẳng Y Dược đang tham gia các hoạt động phòng, chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên – Huế, Điện Biên, Bệnh viện K và trợ giúp Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế trong việc thực hiện theo dõi, đánh giá và báo cáo diễn biến dịch theo các tỉnh.

Tính đến 12 giờ ngày 27/5, 34 cơ sở đào tạo đã thông báo với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế số cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên đăng ký tình nguyện sẵn sàng tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 khi được huy động là 23.888 người. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Công an nhân dân, trang 1)

 

Gia tăng ca mắc covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh: Chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” ngừng một số hoạt động

Sau khi phát hiện chùm ca bệnh COVID-19 liên quan đến một tổ chức tôn giáo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết: Tình hình đang được kiểm soát. Các lực lượng đang khẩn trương truy vết, xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Những khu vực có nguy cơ cao sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg.

Sáng 27/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo TPHCM ngay sau khi phát hiện chùm ca dương tính với virus SARS-CoV-2 liên quan đến tổ chức tôn giáo có tên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Ngừng một số hoạt động, giảm quy mô tập trung xuống dưới 10 người

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, tính đến 10 giờ ngày 27/5, TPHCM ghi nhận thêm một số trường hợp dương tính lần 1 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (có 29 người sinh hoạt tại tại phường 3, quận Gò Vấp), nâng tổng số ca dương tính lên tới 25 trường hợp, bao gồm 3 trường hợp ghi nhận từ tối 26/5 (được phân luồng và phát hiện sớm do đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định).

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch mới, các lực lượng đã tiến hành cách ly, thống kê có 16 quận/huyện liên quan đến các thành viên của tổ chức tôn giáo này.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện nay, các lực lượng đã lấy mẫu xét nghiệm 70 trường hợp F1 và 336 trường hợp F2. Trong ngày 27/5, ngành Y tế tiếp tục tầm soát những người tiếp xúc gần các F2 và xét nghiệm tầm soát rộng ở khu vực phong tỏa.

“Hiện nay, tình hình đang được kiểm soát. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đang thực hiện truy vết và gom gộp các điểm; thông báo với người dân những điểm phong tỏa tạm thời; từ đó tiếp tục xác định thêm tình hình rõ hơn”, ông Dương Anh Đức cho biết.

Trước mắt, TPHCM sẽ ngừng một số hoạt động, giảm quy mô tập trung xuống dưới 10 người, dừng hết các hoạt động liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng; tạm ngừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để giảm lượng giao lưu và tăng cường các biện pháp kiểm soát.

“Tinh thần những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao TPHCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg”, ông Dương Anh Đức cho biết.

Chủ động chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều đã có văn bản quy định trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu, chịu trách nhiệm trực tiếp chống dịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều có các văn bản, chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Theo các quy định từ trước, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo đã thống nhất giao trách nhiệm của các cấp bên dưới là thực hiện chống dịch, thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly phù hợp để đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa phát triển kinh tế theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt yêu cầu phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cá nhân hoá trách nhiệm. Người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh/thành phố trực tiếp chỉ đạo và cũng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch ưu tiên hơn một bước”, Phó Thủ tướng nêu rõ, theo quy định, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ có sự chỉ đạo các bộ ngành, địa phương lân cận phối hợp đồng bộ để không “ngăn sông, cấm chợ” không cần thiết.

Trường hợp cần thiết phải giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc, trách nhiệm trước hết giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về mặt hành chính, còn trong chỉ đạo điều hành, chống dịch, trước hết báo cáo với Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, nếu thấy tỉnh nào cần thiết phải giãn cách xã hội trên quy mô toàn tỉnh nhưng lãnh đạo tỉnh đó không đề nghị thì Bộ Y tế có quyền đề nghị với Thủ tướng chỉ đạo thực hiện.

Vì vậy, việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn ở mức độ nào, quy mô ra sao là thuộc thẩm quyền của của cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo TPHCM theo quy định, khi cần thiết thì phải báo cáo rõ những điểm cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương lân cận hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa vì TPHCM là đô thị lớn, đầu mối giao thông đi nhiều tỉnh thành cả nước.

Để hỗ trợ công tác chống dịch tại TPHCM, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết trước mắt trong 1 tuần sẽ điều phối những chuyến bay đưa người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước không hạ cánh xuống TPHCM.

Về đề xuất của TPHCM liên quan đến việc đón những thuyền viên trên các chuyến tàu ở nước ngoài về cập bến tại Vũng Tàu, nhiều trường hợp nhiễm COVID-19, Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế thiết lập cơ sở điều trị sẵn sàng ở Vũng Tàu với sự hỗ trợ tăng cường của Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM.

Đáp ứng đầy đủ vật tư, thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm cho Bắc Ninh, Bắc Giang

Cũng tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận thêm về công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang, với thực tiễn rất đặc thù một số thôn, xóm nằm sát khu công nghiệp (KCN) có mật độ công nhân cư trú, ở trọ đậm đặc, nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Thời gian tới, tất cả các yêu cầu về vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm… phục vụ công tác phòng, chống dịch của Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang sẽ được đáp ứng đầy đủ. Lực lượng quân đội, công an cũng chuẩn bị lực lượng để chi viện theo yêu cầu của địa phương hoặc Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia lưu ý mặc dù Bộ Y tế đã ký được một số hợp đồng mua vắc xin có tính nguyên tắc (còn chờ hợp đồng cụ thể), nhưng do nguồn vắc xin khan hiếm nên nhiều nước dù đã ký hợp đồng cụ thể thì tiến độ giao vắc xin vẫn bị chậm. Do vậy, mỗi người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.

Ngoài những đối tượng ưu tiên tiêm vaccine trong Nghị quyết 21/NQ-CP, Ban Chỉ đạo cũng đã yêu cầu tất cả công nhân làm việc trong nhà máy, KCN phải khai báo y tế, đây là bước chuẩn bị để đưa vào danh sách tiêm vắc xin khi có, tới đây sẽ tiếp tục mở rộng cho những người làm việc trong các ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ có tiếp xúc với nhiều người. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Sự hoà quyện của “Ý Đảng- Lòng Dân” trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19

Sáng 27/5, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lễ phát động đợt cao điểm vận động nhân dân cả nước ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hình thức trực tuyến trong toàn quốc nhằm vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Báo Sức khoẻ & Đời sống trân trọng gửi đến bạn đọc toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ.

Thưa các vị đại diện thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh ủy, thành Ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, Thành phố trong cả nước;

– Thưa các vị đại biểu, đại diện các tôn giáo, các vị khách quốc tế;

– Thưa đồng bào, chiến sĩ, kiều bào ta ở nước ngoài!

Việt Nam của chúng ta luôn là một dân tộc có truyền thống đoàn kết sắt son, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức – chính nhờ vậy, không có khó khăn nào mà chúng ta không thể vượt qua. Tại thời điểm này, phẩm chất của dân tộc ta lại một lần nữa được củng cố và phát huy rất toàn diện. Đại dịch COVID-19 đã và đang đe dọa an toàn- sức khỏe nhân dân ta. Xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là với những người dân nghèo. Rất nhiều gia đình đã mất việc làm, hoặc thu nhập hết sức bấp bênh trong 1 năm rưỡi qua.

Tôi vô cùng cảm động, biết ơn và tin tưởng vào sức mạnh con người Việt Nam khi hàng chục ngàn cán bộ y tế của chúng ta đang ngày đêm bám sát Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng và các điểm nóng trên cả nước. Những hình ảnh gửi về cho thấy sự tận tụy, chấp nhận rủi ro cho bản thân của họ, để kiềm chế bệnh dịch, bảo vệ tính mạng nhân dân và mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Thưa các đồng chí,

Ở thời điểm này, khi mà thế giới đã có khả năng sản xuất vắc xin và tiến hành tiêm chủng rộng khắp, bình quân mỗi ngày vẫn có thêm trên dưới nửa triệu ca nhiễm mới trên toàn cầu. Việt Nam chúng ta, sau những thành công ở những giai đoạn đầu, trong những ngày vừa qua chúng ta ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Đợt bùng phát dịch bệnh lần này rất nguy hiểm do chủng virut mới đang lây lan rất nhanh, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải tập trung toàn bộ tâm trí và nguồn lực, đồng sức, đồng lòng đẩy lùi đại địch bằng những biện pháp và quyết tâm rất cụ thể.

Hôm nay, tôi rất xúc động được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Lễ phát động đợt cao điểm vận động Nhân dân cả nước ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì.

Trước hết, tôi xin chân thành gửi đến các đồng chí đại biểu, các vị khách quý tham dự ở điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lời thăm hỏi ân cần. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, ngày và đêm, của các cơ quan trong hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể nhân dân, các lực lượng trực tiếp tham gia như y tế, quân đội, công an, bộ đội biên phòng trong công tác phòng chống đại dịch.

Tôi vô cùng cảm động khi nhìn thấy những khóe mắt đỏ cay, những vành mắt quầng thâm và luôn thấu hiểu sự vất vả, nguy hiểm, sự hy sinh của những người làm công tác chống dịch ở tuyến đầu mặt trận. Tôi gửi lời thăm hỏi, chia sẻ khó khăn của các Bệnh viện, các Khu Công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp và hộ gia đình phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, đang phải điều trị bệnh, và nhất là những tình cảm đặc biệt đến các y bác sỹ và lực lượng chức năng đang vượt qua khó khăn bất kể ngày đêm, bất chấp mọi hiểm nguy để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Thưa các đồng chí, đồng bào và quý vị đại biểu!

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thách thức, đại dịch  COVID-19 đã nhiều lần tấn công chúng ta, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng, thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.

Thắng lợi bước đầu quan trọng này là kết quả của sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất trong hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước, kiều bào, bạn bè ta ở nước ngoài với một tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”.

Việt Nam đã trở thành điểm sáng của thế giới trong công tác phòng chống dịch COVID-19 về mặt hiệu quả và chi phí thấp, song trên hết vẫn là niềm tin sắt son, tinh thần đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của người dân, là sự hòa quyện của “Ý Đảng – Lòng Dân”. 

Tôi rất xúc động khi biết nhiều gương tốt, việc tốt trong phòng chống dịch bệnh thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Nhiều người đã sẵn lòng “nhường cơm sẻ áo”, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác, có những cháu bé đã dùng tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người. Có cụ ông, cụ bà trên 90 tuổi, trên 100 tuổi đã dành những đồng tiền tiết kiệm để ủng hộ nhiều tấn gạo; có người nông dân nghèo bán cả mảnh đất – tài sản lớn nhất của gia đình để đóng góp cho phòng chống dịch.

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp và nhiều bộ ngành và cán bộ khoa học đã tình nguyện đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực cho công tác phòng chống dịch.

Kiều bào ta ở nước ngoài, các chính phủ và bạn bè ta ở năm châu cũng đã “nhường cơm sẻ áo”, tài trợ tiền, vật tư y tế, vắc xin cho Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn, trân trọng và ghi nhận những đóng góp quý giá đó của các mạnh thường quân.

Đến nay, đợt I, năm 2020, kinh phí các tầng lớp nhân dân đóng góp về Mặt trận để tham gia phòng chống dịch trên cả nước gồm cả tiền và hiện vật quy đổi có giá trị lên tới hơn 2.400 tỉ đồng, nhờ đó đã góp phần bổ sung nguồn lực cùng chính quyền các cấp hỗ trợ kịp thời cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy dù “khó vạn lần dân liệu vẫn xong”, chúng ta đã cùng nhau đoàn kết, dựa vào dân, tạo nên sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch vừa qua.

Thưa các đồng chí, đồng bào và quý vị đại biểu,

Đến nay đã có 30 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh. Nhiều ca bệnh đã tử vong, số ca mắc COVID-19 hàng ngày tiếp tục tăng cao, có ngày mấy trăm ca, với hàng ngàn trường hợp F1, F2, trong đó đáng lo ngại là có nhiều ca F0 được phát hiện tại cộng đồng. Các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương… là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa đầy 1 tháng mà số ca mắc trong nước đã gấp 2 lần cả 3 đợt dịch cộng lại, có thể nói quy mô dịch tăng rất nhanh.

Lực lượng chức năng đang ngày đêm nỗ lực để kiểm soát, truy vết, điều tra dịch tễ để chặn đứng nguồn lây. Số người thực hiện cách ly tập trung đã lên đến hàng trăm nghìn lượt người, nhiều nơi phải huy động cả trường học, doanh trại quân đội để làm nơi cách ly. Tôi được biết, song song với ứng phó dịch bệnh, Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo ngành Y tế tích cực, khẩn trương khai thác nguồn cung ứng và tổ chức tiêm vắc xin cho nhân dân trên cả nước. Chính phủ đã lập Quỹ Vắc xin phòng chống COVID-19 từ NSNN và các nguồn khác.

Trước những khó khăn và cấp bách của tình hình dịch bệnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động, khẩn trương đề xuất với Đảng, Nhà nước tổ chức phát động để vận động nguồn lực xã hội, chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ và các ngành trong công tác phòng chống COVID-19.

Đất nước rất cần sự chủ động chung tay, góp sức của mỗi người dân. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện khí chất của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cùng hành động có trách nhiệm vì đất nước.

Hôm nay, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tôi kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tổ chức và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè và nhân dân các nước, tùy theo điều kiện và khả năng, tham gia đóng góp ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần để cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sớm chiến thắng dịch bệnh.

Nhân đây tôi cũng đề nghị các cấp, các ngành, đồng bào, đồng chí không được lơ là chủ quan, luôn đề cao ý thức với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tôi đề nghị Chính phủ dồn mọi nguồn lực, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong phòng chống đại dịch COVID-19, kiểm soát tốt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, dập dịch triệt để bên trong, “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa, giãn cách xã hội ở phạm vi và thời hạn cần thiết, chặn đứng nguồn lây”, đề cao chiến lược 5K + Vắc xin, thần tốc xét nghiệm và tiêm vắc xin cho nhân dân, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu dân cư đông người.

Đặc biệt, mục tiêu đảm bảo đủ vắc xin, triển khai nhanh, hiệu quả và an toàn kế hoạch tiêm vắc xin ở tại thời điểm này có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả chống dịch, đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường cũng như thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế cho năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tôi cũng xin nhấn mạnh, chúng ta cần luôn duy trì, làm tốt công tác truyền thông, thông tin tới người dân một cách chính xác, kịp thời, hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân trong phòng chống dịch.

Một lần nữa, tôi đánh giá cao quý vị có mặt tại Hội trường này và tại 63 điểu cầu cả nước, cảm ơn và biểu dương tinh thần trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước tổ chức phát động để vận động nguồn lực xã hội, chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ, các ngành, các địa phương trong công tác phòng chống COVID-19. Tôi đánh giá cao nghĩa cử của mọi doanh nghiệp, các tổ chức và các nhà hảo tâm đã hưởng ứng cuộc vận động.

Thưa các đồng chí, đồng bào và quý vị đại biểu!

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Chúng ta sẽ cùng nhau làm tất cả để Việt Nam có thể vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển, đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân.

Tôi tin tưởng, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tinh thần yêu nước, thương nòi và tinh thần vượt khó của người Việt Nam sẽ lại được phát huy cao độ, huy động được sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn phục vụ công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tất cả chúng ta đoàn kết, tin tưởng nhất định thắng lợi, chúng ta nhất định thành công.

Xin chúc quý vị đại biểu, đồng bào, đồng chí mạnh khỏe và hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn! (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân tại KCN Bắc Ninh và Bắc Giang

Chiều nay (27/5), Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang đã triển khai tiêm vắc xin cho khoảng 300 công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component, KCN Đình Trám.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân tại các khu công nghiệp, Bộ Y tế phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho khoảng 300 công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component, KCN Đình Trám. ƯỚc tính khoảng 150.000 công nhân sẽ được tiêm vắc-xin trong thời gian tới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 9)

 

Xuyên đêm khoanh chuỗi lây nhiễm mới tại TP.HCM

36 ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận tại TP.HCM đều liên quan ổ dịch tại cơ sở sinh hoạt tôn giáo của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng và ảnh hưởng tới nhiều quận, huyện.

Tối qua (27.5), theo công bố của Bộ Y tế, TP.HCM có 36 ca nhiễm mới là các bệnh nhân (BN) 6279 – 6314.

Bệnh viện phát hiện sớm

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), chuỗi lây nhiễm Covid-19 liên quan đến ổ dịch tại cơ sở sinh hoạt tôn giáo Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (hẻm 415 Nguyễn Văn Công, Q.Gò Vấp) được phát hiện từ 3 người đầu tiên đi khám bệnh.

Theo đó, ngày 26.5, nữ BN N.T.K.C (38 tuổi, ngụ xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn) đến Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định khám vì sốt, ho, mất vị giác. Sau khi khai báo y tế, BN được cách ly, khám ở khu sàng lọc, kết quả xét nghiệm nghi nhiễm Covid-19. Khu vực nhà BN ở H.Hóc Môn cũng đã được phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm. Công ty nơi BN làm việc (một tòa nhà cho thuê ở đường Đặng Văn Ngữ, P.10, Q.Phú Nhuận) được phong tỏa, lấy 72 mẫu xét nghiệm. Cùng ngày, hai vợ chồng trú tại đường Thạnh Lộc 19, P.Thạnh Lộc, Q.12 do có triệu chứng hô hấp nên đến BV Nhân dân Gia Định khám. Sau khai báo y tế, hai vợ chồng này được sàng lọc, cách ly, xét nghiệm nghi nhiễm Covid-19. Kết quả xét nghiệm khẳng định cả 3 BN này đều nhiễm Covid-19.

Sau khi khai thác dịch tễ và dấu chỉ điểm là 3 ca đều sinh hoạt tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ngay lập tức, HCDC báo động các quận, huyện. Các nơi có người sinh hoạt trong Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại Q.Gò Vấp đã kích hoạt đội đáp ứng nhanh để điều tra, truy vết ngay trong đêm. Trong đêm 26.5 và rạng sáng 27.5 đã điều tra, truy vết các trường hợp liên quan các ca nghi nhiễm, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan.

Từ 3 ca nhiễm ban đầu, tổng số địa điểm đang được phong tỏa để xử lý dịch trong đêm 25.6, gồm 10 điểm, trong đó: H.Hóc Môn (6 điểm), Q.Tân Phú (1 phần chung cư Sơn Kỳ 1, P.Sơn Kỳ), Q.Gò Vấp (hẻm 415 Nguyễn Văn Công, P.3), Q.12 (một đoạn đường Thạnh Lộc 19, P.Thạnh Lộc), Q.Phú Nhuận (tòa nhà cho thuê 30 Đặng Văn Ngữ, P.10).

Theo HCDC, qua kết quả truy vết ngày 27.5 đã xác định được tổng cộng 38 trường hợp sinh hoạt tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Kết quả xét nghiệm đã phát hiện 29 người dương tính Covid-19. Ngoài ra còn phát hiện 7 trường hợp dương tính khác là F1. Trong đó có 4 trường hợp làm việc chung tòa nhà tại số 30 Đặng Văn Ngữ, P.10, Q.Phú Nhuận và 3 trường hợp là tiếp xúc ở gần nơi các ca nghi nhiễm cư trú. 36 trường hợp nhiễm Covid-19 cư trú ở 8 quận, huyện, TP: Q.12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, H.Hóc Môn, Nhà Bè và TP.Thủ Đức.

Mầm bệnh đang lây lan trong cộng đồng

Ngay trong sáng 27.5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã họp đột xuất. Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết những tín đồ này hội họp trong môi trường chật hẹp nên hầu như những người tham gia sinh hoạt đều dương tính, trong đó có cả người ở Bình Dương, Đồng Nai. Ông Bỉnh nhận định ổ dịch này đã xuất hiện từ trước, có thể đã qua hai chu kỳ lây, mầm bệnh cũng đang lây lan trong cộng đồng. Ông Bỉnh cũng đề nghị công an điều tra hoạt động của điểm sinh hoạt tôn giáo này, số lượng người hoạt động…; đồng thời đề xuất tạm thời dừng các nghi lễ tôn giáo vì nhiều cơ sở, điểm sinh hoạt tôn giáo quá chật hẹp, không đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cũng nhận định mức độ lây nhiễm ở nhóm này rất cao, có khả năng bệnh đã có trước đây và “nhờ” những ca chỉ điểm tại BV Nhân dân Gia Định mới phát hiện được ổ dịch này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ TP.HCM), cho biết cơ sở sinh hoạt tôn giáo của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại địa chỉ 415 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp) được UBND P.3 cấp phép hoạt động từ năm 2006; số lượng đăng ký 60 người, đến nay giảm còn 28 người. Từ đầu tháng 5.2021 đến nay, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại điểm này sinh hoạt vào các ngày chủ nhật hằng tuần, số lượng người tham gia khoảng 20 người. Theo giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt do UBND P.3 cấp, mục sư Phương Văn Tân là người đại diện và bà Võ Xuân Loan (vợ ông Tân) là người phụ trách. Nội dung sinh hoạt chủ yếu là cầu nguyện, học kinh thánh… Ông Nguyễn Duy Tân cũng đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức nhắc nhở các điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 của TP.HCM. Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo TP.HCM đề xuất tạm ngưng toàn bộ hoạt động tôn giáo để tập trung phòng dịch.

Khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài

Tham dự cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định ổ dịch ở hẻm 415 Nguyễn Văn Công là ổ dịch lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng. Vì vậy, ngành y tế cần thực hiện các biện pháp tương xứng để ngăn chặn, dập dịch. Đến giờ này chưa thể nắm chắc được nguồn lây nhiễm ở đâu nên cần trừ hao rộng hơn rồi thu hẹp dần. Từ phạm vi rộng, ngành y tế kiểm tra, truy vết, xét nghiệm để thu hẹp dần trên tinh thần “chặn đầu trước”. Nhận định hiện vẫn chưa xác định hết các trường hợp F2, F1, F0, ông Nên kêu gọi người dân TP.HCM bình tĩnh, cảnh giác cao độ, không hoảng hốt để sẵn sàng hỗ trợ, tham gia với lực lượng phòng chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh, thực hiện nghiêm lệnh giãn cách với những nơi có dịch và vùng lân cận.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định dịch bệnh tại TP.HCM vẫn trong tầm kiểm soát nhưng không loại trừ khả năng xuất hiện F0 trong cộng đồng, bởi 2 chuỗi lây nhiễm tại Q.3 và Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại Q.Gò Vấp chưa xác định được nguồn lây. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ông Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức thực hiện chế độ trực phòng chống dịch 24/24 giờ tại cơ quan đơn vị, đảm bảo thông tin thông suốt giữa các cấp, sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp với HCDC huy động mọi nguồn lực truy vết thần tốc nhất, xét nghiệm cao nhất, không bỏ sót các trường hợp F1, F2. “Không để mất dấu trong quá trình truy vết đối với chuỗi lây nhiễm với Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại Q.Gò Vấp”, ông Phong yêu cầu.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu tạm dừng hoạt động nhà hàng trong khách sạn, các nhà hàng này chỉ phục vụ khách đang lưu trú trong khách sạn. TP.HCM cũng dừng hoạt động quán ăn uống, trà đá, cà phê vỉa hè, chỉ phục vụ mang về. Các nghi lễ tôn giáo phải dừng triệt để, các hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tập trung quá 10 người. Các dịch vụ làm đẹp, tiệm hớt tóc, gội đầu cũng phải tạm dừng. Ông Phong giao Sở Y tế xác định quy mô giãn cách xã hội ở những nơi có nguy cơ cao trình UBND TP.HCM quyết định.

TP.HCM cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài nếu thật sự không cần thiết; người trên 60 tuổi hạn chế ra khỏi nhà khi không có nhu cầu cấp bách; không tụ tập trên 10 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện.

Đối với chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ngành y tế xét nghiệm trên diện rộng đối với tất cả khu vực có ca nhiễm trên địa bàn, không để lây nhiễm dịch bệnh. Trong đó, cần tập trung lấy mẫu xét nghiệm tất cả thành viên tổ bầu cử, mà trước hết là 8 quận, huyện nơi thành viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (Q.Gò Vấp) cư trú. (Thanh niên, trang 2)

 

Việt Nam tiếp cận 150 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay

Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thành lập các tổ tiêm chủng và tổ cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng, huy động tối đa nhân lực, để khi tiếp nhận vắc xin Covid-19 có thể triển khai tiêm ngay.

Ngày 27.5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trong chiều cùng ngày, Bộ Y tế và UBND tỉnh Bắc Ninh triển khai tiêm vắc xin Covid-19. Sau đó rút kinh nghiệm để triển khai ở các tỉnh khác cho lực lượng công nhân trong các khu công nghiệp cùng với việc tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên khác.

Cũng theo ông Tuyên, sau 1,68 triệu liều vắc xin Covid-19 tiếp nhận đợt 2 từ COVAX Facility ngày 16.5 và đã được Bộ Y tế phân bổ cho các địa phương, tối 25.5 có thêm 288.000 liều vắc xin của AstraZeneca (Anh) về Việt Nam từ nguồn nhập khẩu, thông qua Công ty CP vắc xin Việt Nam (Việt NamVC) và đang được bảo quản tại TP.HCM.

Số vắc xin này sẽ tiếp tục được phân bổ cho các tỉnh, trong đó có Bắc Ninh và Bắc Giang. Như vậy, cùng với số vắc xin đã được phân bổ trước, mỗi tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ tiếp nhận 150.000 liều vắc xin Covid-19.

Ông Tuyên cho biết COVAX Facility cam kết viện trợ khoảng 39 triệu liều, Bộ Y tế đặt mua thêm từ COVAX 10 triệu liều. Ngoài ra, Bộ Y tế đặt mua và nhận được cam kết của AstraZeneca 30 triệu liều; tiếp cận của Pfizer (Mỹ) khoảng 30 triệu liều và đặt mua của Pfizer thêm 10 triệu liều nữa.

Như vậy có khoảng 110 triệu, thêm các nguồn tài trợ khác, dự kiến Việt Nam có thể đạt được 150 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay. Tuy nhiên, vắc xin về vào thời điểm nào, và số liệu thực tế tiếp nhận vẫn phụ thuộc nhà cung cấp.

Dự kiến, tháng 6 – 7, theo thông báo của các nhà cung cấp, có thể tiếp nhận khoảng 5 triệu liều vắc xin về Việt Nam, trong đó có vắc xin của Pfizer. Bộ Y tế cố gắng năm nay tiếp cận 150 triệu liều vắc xin và tất cả vắc xin về Việt Nam phải được tiêm hết. Trong nước sẽ tổng lực tiêm vắc xin phòng dịch, sử dụng hiệu quả.

Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thành lập các tổ tiêm chủng và tổ cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng, huy động tối đa nhân lực, để khi tiếp nhận vắc xin Covid-19 có thể triển khai tiêm ngay. Hiện tại, hệ thống y tế của Việt Nam tiêm vắc xin cho khoảng 1,2% dân số.

Về vắc xin “made in VN”, Công ty Nanogen (TP.HCM) đã sẵn sàng cho chuẩn bị nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Công ty IVAC (Bộ Y tế) chuẩn bị TNLS giai đoạn 2. Đặc biệt, Công ty Nanogen sau khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nano Covax đạt yêu cầu, được Hội đồng chuyên môn, Hội đồng y đức đánh giá đạt yêu cầu, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến Thủ tướng, Phó thủ tướng cho cấp phép sử dụng khẩn cấp như các vắc xin khác ở nước ngoài. Sớm nhất cuối năm nay hoặc đầu năm sau, vắc xin do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng tiêm rộng rãi. (Thanh niên, trang 3)

 

Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 27-5, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (UB T.Ư MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến trong toàn quốc nhằm vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Dự Lễ phát động tại điểm cầu T.Ư có các đồng chí: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam; các đồng chí ủy viên T.Ư Đảng: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn, các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận, các bộ, ban, ngành T.Ư, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp…

Thay mặt Đoàn Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã phát động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19″.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hành động quyết liệt, “chống dịch như chống giặc”, bước đầu đạt được kết quả rất quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là sức mạnh đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân, chúng ta vừa cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, vừa thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh và rất nguy hiểm, khó lường. Từ ngày 27-4-2021 đến nay, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, đã phát sinh trên địa bàn 30 tỉnh, TP, lây nhiễm vào khu công nghiệp, nhất là ở địa bàn các tỉnh, TP: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, TP Hà Nội…

Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, người nước ngoài đang làm việc, sinh sống ở Việt Nam nêu cao ý thức tự giác, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với cộng đồng, chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ, ngành y tế và của địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Toàn thể nhân dân đồng lòng, chung sức vì sức khỏe của mình và của cộng đồng, nỗ lực cao nhất để giữ được: khu dân cư an toàn, xã an toàn, huyện an toàn, tỉnh an toàn, cả nước an toàn.

Phát biểu tại Lễ phát động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Việt Nam là dân tộc có truyền thống đoàn kết sắt son, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức, không có khó khăn nào không thể vượt qua. Tại thời điểm này, phẩm chất của dân tộc Việt Nam lại một lần nữa được phát huy khi đương đầu với đại dịch Covid-19. Chủ tịch nước bày tỏ sự cảm động và biết ơn đối với đội ngũ cán bộ y tế đang ngày đêm bám sát các các điểm nóng như: Bắc Giang, Bắc Ninh…, chấp nhận rủi ro để kiềm chế đại dịch, bảo vệ tính mạng của nhân dân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực không ngừng nghỉ cả ngày và đêm của toàn bộ hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể nhân dân, các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, nhất là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng…

Nhắc lại năm 2020 là năm đầy khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, Chủ tịch nước nêu rõ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nước ta đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng; thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm sức khỏe của người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Với tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”, Việt Nam đã trở thành điểm sáng của thế giới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với hiệu quả cao và chi phí thấp. Theo Chủ tịch nước, những thắng lợi bước đầu này có được là nhờ niềm tin sắt son, tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng ủng hộ của người dân và sự hòa quyện của “ý Đảng, lòng dân”.

Chủ tịch nước bày tỏ xúc động trước nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Nhiều người đã sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác. Có những cháu bé đã dùng tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người. Các cụ ông, cụ bà trên 90 tuổi, trên 100 tuổi, đã dành những đồng tiền tiết kiệm để ủng hộ nhiều tấn gạo. Có những người nông dân nghèo bán cả mảnh đất, tài sản lớn nhất của gia đình, để đóng góp cho việc phòng, chống dịch. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp, bộ, ngành, cán bộ khoa học đã tình nguyện đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực cho công tác phòng, chống dịch. Kiều bào ở nước ngoài, các Chính phủ bạn bè năm châu cũng đã nhường cơm sẻ áo, tài trợ tiền, vật tư y tế, vaccine cho Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn, trân trọng, ghi nhận những đóng góp quý giá của các nhà hảo tâm và tất cả đồng chí, đồng bào, nhờ đó đã bổ sung nguồn lực, cùng chính quyền các cấp hỗ trợ kịp thời các cá nhân, hộ gia đình trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trước bối cảnh đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh trở lại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo ngành y tế khẩn trương khai thác nguồn cung ứng và tổ chức tiêm vaccine cho nhân dân trên cả nước. Chính phủ đã lập Quỹ Phòng chống Covid-19 từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước tổ chức phát động, vận động nguồn lực xã hội chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ và các ngành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời điểm này, đất nước rất cần sự chủ động chung tay góp sức của mỗi người dân. Những lúc khó khăn nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện khí chất, tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “bầu ơi, thương lấy bí cùng”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; cùng hành động và có trách nhiệm vì đất nước, vì nhân dân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tổ chức và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các tôn giáo, bạn bè và nhân dân các nước, tham gia đóng góp để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sớm chiến thắng dịch bệnh.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành và toàn dân quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; đề nghị Chính phủ dồn mọi nguồn lực, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong phòng, chống đại dịch Covid-19; kiểm soát nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, dập dịch triệt để từ bên trong, truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa và giãn cách xã hội ở phạm vi và thời hạn cần thiết, chặn đứng nguồn lây; đề cao chiến lược “5K + vaccine”; thần tốc xét nghiệm và tiêm vaccine cho nhân dân; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu dân cư đông người.

Chủ tịch nước nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm đủ vaccine phòng Covid-19 ở thời điểm này có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả chống dịch, đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường cũng như thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Chủ tịch nước cũng đề nghị tiếp tục duy trì thông tin đến người dân một cách chính xác, kịp thời, hiệu quả, góp phần tạo động lực xã hội, nâng cao nhận thức, chủ động của người dân trong cuộc chiến chống dịch.

17 giờ chiều ngày 27-5, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết: Tại điểm cầu T.Ư, theo thống kê sơ bộ, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ là trên 620 tỷ đồng và địa phương là 1.690 tỷ đồng. Tổng số tiền tại điểm cầu T.Ư và địa phương đã tiếp nhận và đăng ký ủng hộ tại Lễ phát động là trên 2.320 tỷ đồng… (Nhân dân, trang 1; Công an nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 1; Phụ nữ Việt Nam, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Anh Đức tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/9/2021

CDC Hà Nam

Người Việt sống thọ hơn nhưng lại lắm bệnh tật

Ngọc Nga

Để lại bình luận