Điểm báo ngày 28/8/2019

(CDC Hà Nam)
  Dành cả tuổi trẻ tìm cách chữa bệnh; Yêu cầu làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm tại BV Trưng Vương; Sau mổ 4 năm, nữ bệnh nhân quay lại tố bệnh viện tự ý cắt thận của mình.

Dành cả tuổi trẻ tìm cách chữa bệnh

Bác sĩ trẻ Đào Văn Tú đã dành trọn 10 năm thanh xuân của mình để nghiên cứu các phương pháp mới chữa bệnh ung thư và đạt được những kết quả đầy triển vọng.

Tôi tìm gặp tiến sĩ, bác sĩ Đào Văn Tú (34 tuổi), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Phó trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K T.Ư, vào giờ nghỉ trưa, đơn giản vì công việc của anh lúc nào cũng kín lịch.

Bác sĩ Tú đã làm được rất nhiều việc có giá trị cho y học và cộng đồng. Anh là đồng chủ nhiệm 1 đề tài cấp bộ, chủ nhiệm 3 đề tài thử nghiệm lâm sàng, 5 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài sau khi nghiên cứu thành công đều được áp dụng vào thực hành lâm sàng.

Đặc biệt, anh có tới 8 công trình khoa học được công bố, trong đó có 2 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, 1 bài báo đang gửi đăng và 4 báo cáo khoa học tại các hội nghị chuyên ngành ung thư…

Tìm ra cách mới để điều trị ung thư

Trong những công trình nghiên cứu của mình và các cộng sự, Đào Văn Tú rất tâm huyết với công trình nghiên cứu phát hiện ra ANGPTL4, là một protein khi xuất hiện trong máu sẽ dự báo tình trạng di căn não. Anh Tú chia sẻ hầu hết các bệnh nhân ung thư sẽ đến giai đoạn xuất hiện di căn não. Tình trạng tổn thương di căn não phải điều trị vô cùng khó khăn, các phương pháp điều trị tốn kém. Xuất phát từ thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đã quyết tâm cố gắng để tìm phương pháp chẩn đoán sớm ung thư di căn não.

“Chúng tôi đã tìm ra cơ chế để có thể chẩn đoán sớm được di căn não và có biện pháp can thiệp điều trị hiệu quả, triệt để hơn. Nghiên cứu này cũng có thể giúp tìm ra cơ chế mới điều trị cho bệnh nhân di căn não, phối hợp với các phương pháp cũ. Chúng tôi đang hy vọng các nghiên cứu này sẽ tiếp tục được triển khai và có kết quả cụ thể trong thời gian tiếp theo”, anh Tú cho hay.

Không chỉ nghiên cứu chuyên sâu để tìm ra phương pháp điều trị mới, bác sĩ Tú còn quan tâm đến nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để bệnh nhân được điều trị phương pháp mới mà không mất chi phí. Anh cho biết: “Phần lớn bệnh nhân VN không có điều kiện và không có khả năng tiếp cận với phương pháp điều trị tốt nhất có thể. Tình trạng quá tải bệnh viện và chi phí điều trị lớn cũng gây ra gánh nặng cho bệnh nhân. Việc nghiên cứu lâm sàng sẽ giải quyết được cả hai vấn đề đó, bằng cách cố gắng mang phương pháp điều trị tiên tiến đến cho bệnh nhân VN; đặc biệt là những phương pháp điều trị này sẽ không mất chi phí do có các tổ chức nước ngoài tài trợ, sẽ giúp cho bệnh nhân VN giảm bớt gánh nặng kinh tế”.

Anh Tú cũng cho biết đây là một vấn đề thực tế giúp giải quyết ngay những khó khăn đang gặp phải của bệnh nhân và cũng là hướng đi mà thế hệ trẻ Bệnh viện K tâm đắc, để có thể sớm đưa trình độ y tế của VN bắt nhịp với thế giới trong khoảng 10 – 15 năm tới.

“Tôi học 5 điều Bác Hồ dạy”

Chia sẻ về con đường đến với việc nghiên cứu khoa học của mình, anh Tú cho biết: “Ngay từ khi còn là học sinh, tôi đã luôn đam mê tìm tòi, tiếp cận với những nhận thức mới, đặc biệt là ứng dụng những kiến thức này vào thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội, về công tác tại Bệnh viện K, tôi dần nhận ra định hướng của mình và mong muốn trở thành một bác sĩ lâm sàng, một nhà nghiên cứu về ung thư, góp phần trong công tác dự phòng, chẩn đoán và điều trị ung thư”.

Đặc biệt, nhà nghiêu cứu trẻ này cho hay trong cuộc sống và công việc, anh đã luôn học tập 5 điều Bác Hồ dạy từ thời thiếu niên, nhi đồng. “Những lời dạy của Bác thấm nhuần vào công việc của mình. Đó là những lời dạy rất kinh điển mà bây giờ tôi vẫn áp dụng trong công việc hằng ngày như: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; học tập tốt, lao động tốt… Bác Hồ dạy lúc nào cũng đúng, từ khi mình nhỏ đến lúc lớn lên, từ khi học trong nước đến khi ra nước ngoài. Khi tôi được tiếp xúc với đồng bào, những bệnh nhân hay đồng nghiệp ở nước ngoài mới thấy những lời dạy ấy luôn luôn đúng và cảm thấy tự hào khi làm được những việc như lời Bác dạy”, anh Tú chia sẻ.

Là một trong những đảng viên trẻ được T.Ư Đoàn tuyên dương dịp 2.9 năm nay, anh Tú cho rằng việc thấm nhuần tư tưởng và đạo đức HCM đã giúp anh có được thành công ngay hôm nay.

“Bác Hồ là tấm gương sáng cho mọi thế hệ, những lời Bác dạy cho thế hệ trẻ đều vô cùng có ý nghĩa. Mỗi bạn trẻ hãy làm việc tốt với trái tim tâm huyết của mình và lấy lời dạy của Bác làm kim chỉ nam giúp trưởng thành từng bước trong cuộc đời và sự nghiệp”, anh Tú nói.

Truyền thông điệp tới các bạn trẻ, bác sĩ Tú trải lòng: “Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ làm trong ngành y rằng mỗi một sự giúp đỡ của mình dù rất nhỏ cũng giúp cho bệnh nhân thêm động lực và đặc biệt bệnh nhân có cơ hội chữa trị để khỏi bệnh. Phải giúp họ sống phần đời còn lại với gia đình một cách có ý nghĩa. Trong mọi hoàn cảnh, các bạn trẻ hãy phát huy việc giúp đỡ người khác. Tuổi trẻ cần đóng góp sức mình cho người dân, cộng đồng và đóng góp cho đất nước, thậm chí là cho thế giới”. (Thanh niên, trang 10).

 

Yêu cầu làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm tại BV Trưng Vương

Liên quan đến hàng loạt sai phạm tại Bệnh viện (BV) Trưng Vương thuộc Sở Y tế TP.HCM (Thanh Niên đã phản ánh trên 2 số báo ra ngày 26, 27.8) Văn phòng UBND TP vừa có thông báo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu. Theo đó, Phó chủ tịch TP yêu cầu Giám đốc BV Trưng Vương có biện pháp chấn chỉnh tổ chức thu tiền khám, chữa bệnh đúng quy định; thực hiện công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, quản lý, sử dụng đúng theo quy định; lập đề án sử dụng tài sản nhà, đất trong việc sử dụng mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. BV chấn chỉnh công tác kế toán, trích lập khấu hao tài sản theo quy định; đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm theo kết luận thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP, Sở Y tế và Thanh tra TP.

Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở tăng cường kiểm tra các hoạt động thu chi tài chính của các BV và trung tâm không giường bệnh trực thuộc Sở Y tế quản lý. Chỉ đạo các BV thực hiện xây dựng cơ cấu chi phí khám, chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu và kê khai khám,  chữa bệnh đúng qui định theo các thông tư của Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành.

Sở Y tế rà soát việc thẩm tra quyết toán và xuất toán khoản tiền công phẫu thuật, thủ thuật trong giờ, ngoài giờ của các hoạt động khám, chữa bệnh với số tiền gần 3,7 tỉ đồng; chi tiền hoa hồng giới thiệu bệnh nhân tổng cộng trên 158 triệu đồng theo kết luận thanh tra. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm theo kết luận thanh tra; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP, Thanh tra TP.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; thực hiện thẩm tra, báo cáo trình UBND TP xem xét, quyết định. Giám đốc Sở Tài chính có ý kiến đối với các khoản thu cho thuê mặt bằng, nhà đất mà BV Trưng Vương đã bổ sung nguồn kinh phí hoạt động với số tiền hơn 4,1 tỉ đồng (sau khi trừ nộp thuế, trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp), báo cáo, đề xuất UBND TP xem xét, quyết định. Giám đốc Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và Cục Thuế TP hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện thủ tục nộp tiền thuế đất theo đúng quy định.

Chánh thanh tra TP chủ trì, phối hợp Sở Y tế thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra việc thực hiện thu, chi tại Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ BV Trưng Vương trong quý 4/2019 (thanh tra thời kỳ trước năm 2018 – PV). Thanh tra TP theo dõi, đôn đốc, giám sát việc xử lý sau thanh tra… (Thanh niên, trang 10).

 

Sau mổ 4 năm, nữ bệnh nhân quay lại tố bệnh viện tự ý cắt thận của mình

Trở lại Bệnh viện Việt Đức tái khám vì nghi bị sỏi thận sau khi đã mổ lấy sỏi thận tại bệnh viện này cách đây 4 năm, bệnh nhân Lê Thị Nga (Thanh Hóa) được chỉ định chụp Xquang thì tá hỏa khi thấy mình bị mất thận trái.

Gửi đơn phản ánh đến báo chí và các cơ quan chức năng, bà Lê Thị Nga (sinh năm 1964, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đề nghị làm rõ vụ việc bà bị cắt thận trái mà gia đình không hề được thông báo trong ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức năm 2015.

Theo bà Nga, cuối tháng 7-2019, bà đi tiểu buốt, tiểu ra máu, nghi bị sỏi thận nên ra Bệnh viện Việt Đức thăm khám. Bệnh nhân cũng đã phẫu thuật lấy sỏi thận cách đây 4 năm tại Bệnh viện này.

Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được chỉ định siêu âm, kết quả: Thận phải: Kích thước bình thường, nhu mô dày bình thường, nhóm đài bể thận trên giãn khu trú, không thấy sỏi. Có nang cực dưới, kích thước 21mm. Thận trái: kích thước bình thường, nhu mô dày mỏng không đều, đài bể thận giãn. Đài bể thận có vài sỏi, các sỏi nhỏ nhất kích thước lớn nhất là 23mm.

Tiếp đó, bà được chỉ định chụp Xquang và chụp cắt lớp. Tuy nhiên, kết quả khiến gia đình bà tá hỏa: “Hình ảnh chụp chiếu cho thấy, ngoài việc đài bể thận giãn không đều, có sỏi… thì không thấy thận trái”. Ngày 25-7, gia đình bệnh nhân N. đã tới Bệnh viện Việt Đức để thắc mắc và được bác sĩ siêu âm lại, kết quả không quan sát thấy thận trái.

Trong đơn, bà Nga cho biết thêm, cách đây 4 năm, vào tháng 12-2015, bà được mổ để lấy sỏi tại Bệnh viện Việt Đức. Gia đình được bác sĩ bệnh viện giải thích là mổ để lấy sỏi và gia đình ký cam kết theo đúng quy trình, nhưng không hề hay biết mình đã bị cắt mất một quả thận.

Trước vụ việc này, chiều 26-8, đại diện Bệnh viện Việt Đức đã có buổi làm việc, thông tin đến các cơ quan báo chí. Tại đây, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, qua xem lại hồ sơ lưu của bệnh nhân Nga thì quả thận trái của bệnh nhân đúng là đã được các bác sĩ cắt bỏ trong lần phẫu thuật lấy sỏi 4 năm trước.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng khẳng định, việc cắt bỏ quả thận của bệnh nhân là việc bắt buộc phải làm vì trong quá trình mổ phát hiện thận đã mất chức năng, không thể cứu được, có nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân.

“Đặc biệt, bác sĩ đã có giải thích với gia đình bệnh nhân và chúng tôi khẳng định bệnh nhân cũng biết rất rõ về việc mình bị cắt bỏ thận trái ngay từ ca mổ, chứ không có chuyện bây giờ mới biết” – GS.TS Trịnh Hồng Sơn khẳng định.

Trao đổi cụ thể hơn về ca bệnh này, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, hồ sơ bệnh viện lưu lại của trường hợp bệnh nhân này đều rất rõ ràng. Theo đó, trường hợp của bà Nga có chỉ định mổ và đánh giá thận đã mất chức năng.

Các bác sĩ trước khi thực hiện phẫu thuật đã giải thích với người bệnh và gia đình về những biến chứng trong phẫu thuật. Anh trai của bệnh nhân thay mặt gia đình đã ký cam kết. Trong đó, biến chứng chính là phải cắt thận hay biến chứng nặng nhất là tử vong.

Bên cạnh đó, trong giấy ra viện của bệnh nhân cách đây 4 năm đã ghi rõ việc phải cắt bỏ thận. Giấy hẹn khám lại; Đơn thuốc đều ghi rõ điều này và những giấy tờ này đều giao bệnh nhân giữ.

“Giấy ra viện này bệnh nhân được cầm về, nhưng tại buổi làm việc với gia đình bệnh nhân mới đây, khi chúng tôi hỏi thì gia đình bệnh nhân lại nói đã làm mất giấy ra viện” – đại diện Bệnh viện Việt Đức thông tin.

Loại giấy tờ nữa chứng minh bệnh nhân có biết về việc bị cắt thận là trong Giấy chứng nhận cách thức phẫu thuật có ghi rõ về việc cắt thận. Quả thận bị cắt cũng phải gửi xuống Khoa Giải phẫu bệnh để đánh giá quả thận có đáng bị cắt hay không… và như vậy trong Giấy giải phẫu bệnh cũng chứng minh được bệnh nhân được cắt thận.

Thêm một giấy tờ nữa được GS.TS Trịnh Hồng Sơn viện dẫn là Bản mạch của điều dưỡng theo dõi ở đầu giường của bệnh nhân trong quá trình chăm sóc tại viện sau ca mổ đều thể hiện rất rõ việc cắt thận, hồ sơ này bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều được xem công khai.

“Tôi khẳng định lại là không có chuyện bệnh nhân không biết mình bị cắt thận ở ca mổ cách đây 4 năm. Bác sĩ mổ cho bệnh nhân cũng khẳng định là có giải thích với bệnh nhân và gia đình rồi” – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh. (An ninh Thủ đô, trang 8).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 29/11/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận