Điểm báo ngày 28/9/2018
Hà Nội: Số người mắc sốt xuất huyết giảm gần 97%; Sưởi ấm những trái tim lỗi nhịp; Yêu cầu lập Hội đồng chuyên môn về trường hợp tai biến sản khoa ở Bệnh viện Thống Nhất; Có thêm một loại vaccine phòng bệnh “5 trong 1”; …
Sưởi ấm những trái tim lỗi nhịp
Ðoàn bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương gồm 25 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên phối hợp chương trình “Trái tim cho em” đã có những ngày cuối tuần thật ý nghĩa khi thực hiện chuyến hành trình lên Cao Bằng khám, sàng lọc bệnh tim miễn phí cho trẻ vùng cao.
Mặc dù thời tiết khá nắng nóng, oi bức, nhưng ngay từ sáng sớm, hàng trăm gia đình đã đưa con, em mình đến khám sàng lọc tại Bệnh viện (BV) Ða khoa tỉnh Cao Bằng. Có gia đình phải đi từ mờ sáng, vượt đường rừng quanh co, gập ghềnh để kịp giờ khám buổi sáng.
Bế con trai mới chín tháng tuổi trên tay, chị Nông Thị Tâm, ở xã Ðình Minh, huyện Trùng Khánh cho biết, chị đã vượt hơn 50 km về BV Ða khoa tỉnh để khám bệnh cho con. Từ khi sinh ra đến nay, con chị ốm triền miên, ho và viêm phổi kéo dài, đã từng nằm viện nhiều đợt, nhưng về được vài ngày bệnh lại tái phát. Lần này, nghe thông tin có đoàn bác sĩ của BV Nhi Trung ương đến khám miễn phí, chị khăn gói đi từ bốn giờ sáng, sau ba tiếng vượt đường rừng, chị có mặt tại BV lúc 7 giờ sáng để lấy phiếu khám. Tương tự, bé Hoàng Quỳnh Trâm, 3 tuổi, ở xã Ðồng Loan, huyện Hạ Lang cũng được mẹ đưa đi khám trong dịp này. Chị Mai, mẹ của bé cho biết, con chị có tiền sử viêm phổi nặng, từng nằm điều trị ở BV Nhi Trung ương hai lần. Bé gầy gò, ốm yếu, không chịu ăn, thường xuyên tức ngực, khó thở, cho nên chị đưa con đi khám miễn phí lần này.
Mang con đến khám lần này, mỗi người một tâm trạng, một số phận, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều chung nỗi lo khi con mình mắc bệnh tim. Bé Hoàng Anh Vũ mới 22 ngày tuổi, nhưng đã 22 ngày oằn mình chống chọi với bệnh tim phức tạp. Chị Hoàng Thùy Dung, mẹ bé cho biết, chị đã cho con đi khám nhiều bệnh viện, nhưng mãi mà sức khỏe của cháu chẳng khá lên. Người mẹ có đôi mắt thâm trũng không giấu nổi những giọt nước mắt: “Em chỉ sợ mất con thôi, không biết bác sĩ có cứu được con em?”, câu hỏi của chị như cứa vào ruột gan những bác sĩ trong đoàn. Trong chuyến đi khám sàng lọc tim bẩm sinh tình nguyện của đoàn bác sĩ Trung tâm Tim mạch lần này, bé Vũ được các bác sĩ phát hiện ra căn bệnh tim bẩm sinh vô cùng phức tạp gồm thất phải hai đường ra, đảo gốc động mạch, teo phổi. Ngay lập tức, bé được chỉ định chuyển gấp xuống BV Nhi Trung ương để can thiệp kịp thời, nếu không sẽ nguy kịch tính mạng.
Cùng với bé Vũ, đợt khám này, trong số 2.843 trẻ được sàng lọc (số lượng gấp đôi so với dự kiến), có 36 trường hợp được chỉ định xuống BV Nhi Trung ương phẫu thuật. Sẽ còn những vất vả, âu lo mà các em cùng gia đình phải tiếp tục chiến đấu bằng cả tình thương yêu và nghị lực. Nhưng may mắn, trong cuộc hành trình ấy, chương trình “Trái tim cho em” sẽ hỗ trợ kinh phí cho từng hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm nghị lực để các gia đình cùng những trái tim nhỏ miền sơn cước này có được niềm vui trọn vẹn.
Nhiều điều ước của gia đình các bé đã thành hiện thực, sáng 15-9, bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Nhi Trung ương thông báo, các bác sĩ đang nỗ lực cứu các bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Trong số đó có nhiều trường hợp được chuyển từ Cao Bằng xuống trong đợt khám tình nguyên vừa qua. Cháu Hoàng Anh Vũ hiện đã được các bác sĩ can thiệp đặt stent ống động mạch, tình trạng đã tạm ổn định. Dự kiến, bé Vũ sẽ được phẫu thuật sửa chữa triệt để các tổn thương trong tim, giúp cho quả tim có thể hoạt động như người bình thường sau sáu đến chín tháng nữa.
Ðã có rất nhiều chuyến đi khám sàng lọc tim bẩm sinh tình nguyện, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nhưng chưa lần nào số lượng khám thực tế lại vượt gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Chỉ trong gần hai ngày 8 và 9-9, đoàn bác sĩ đã khám cho 2.483 trẻ và phát hiện 53 trường hợp có dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh. Nhờ quá trình siêu âm và điện tim chi tiết, 36 bé đã được chỉ định chuyển xuống BV Nhi Trung ương để phẫu thuật tim.
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng, trưởng đoàn khám tình nguyện cho hay, lần đầu tiên đoàn bác sĩ Trung tâm Tim mạch về với vùng cao tại Cao Bằng, mô hình bệnh tật không khác nhau với tỷ lệ 1% số ca mới phát hiện, nhưng lứa tuổi thì có sự khác biệt. Có không ít trường hợp phát hiện tim bẩm sinh ở lứa tuổi muộn. “Ở những địa phương khác, khi chúng tôi khám phát hiện các cháu bệnh tim và có hỏi gia đình thì được biết các cháu đã từng đi khám và không được chẩn đoán đúng bệnh, còn tại Cao Bằng, phần lớn người dân không rõ bệnh con mình vì không có điều kiện kinh tế cho con đi khám. Ðây là một thiệt thòi cho trẻ em ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa mà chúng tôi cố gắng tìm tới, để hỗ trợ tầm soát, giúp các em được phát hiện và điều trị sớm bệnh tim bẩm sinh”, bác sĩ Tùng chia sẻ. (Nhân dân, Chuyên trang Hà Nội)
Yêu cầu lập Hội đồng chuyên môn về trường hợp tai biến sản khoa ở Bệnh viện Thống Nhất
ngày 27-9, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai báo cáo trường hợp tai biến sản khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thống Nhất vào ngày 21-9.
Theo đó, những ngày qua, báo chí đã phản ánh về vụ tai biến sản khoa tại BVĐK Thống Nhất dẫn đến tử vong trẻ sơ sinh và tình trạng nguy kịch của sản phụ Phạm Thị Thanh H. Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai chỉ đạo BVĐK Thống Nhất rà soát lại toàn bộ quy trình.
Ngoài ra BVĐK Thống Nhất cần thành lập Hội đồng chuyên môn theo quy định để đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí của BV với trường hợp sản phụ H. Nếu có sai phạm trong vụ việc, cần xử lý nghiêm theo qui định.
Trong khi chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, diễn biến của ca đẻ cũng như qui trình chăm sóc và xử trí trong trường hợp cụ thể này trước ngày 28-9.
Trước sự quan tâm của dư luận, Sở Y tế Đồng Nai đã chủ động thông tin chính thức về vụ việc. Theo ông Lê Văn Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, vụ tai biến sản khoa đã xảy ra tại BVĐK Thống Nhất trong ngày 21-9.
Vụ việc được gia đình sản phụ thông tin lên mạng xã hội nhưng đến trưa ngày 25-9, Sở Y tế mới nhận được đơn về vụ việc với nội dung phản ánh về tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế, liên quan đến trường hợp cháu bé sơ sinh tử vong, còn sản phụ nguy kịch.
Người đứng đơn là ông Phạm Chí Thiện (33 tuổi), là anh ruột của sản phụ Phạm Thị Thanh Hương (28 tuổi, trú tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Theo đơn, sản phụ nhập viện vào lúc 17h ngày 20-9. Trong khi chờ đợi, người nhà hỏi y bác sĩ thì nhận được thái độ gắt gỏng và quát tháo “cứ chờ đi khi nào sinh rồi gọi”…
Đến 7h ngày 21-9 gia đình mới nhận được tin sản phụ sinh em bé nhưng rất nguy kịch. Sau đó, bé được chuyển lên BV Nhi Đồng Nai rồi chuyển tiếp lên BV Nhi Đồng 2 và khoảng 13h thì em bé tử vong.
Trong khi đó, tình trạng của sản phụ sau sinh cũng rất nguy kịch, bị co giật nên gia đình đề nghị chuyển lên TP. Hồ Chí Minh nhưng BV không đồng ý. Sau khi bệnh nhân ổn định BV mới cho chuyển lên BV Chợ Rẫy với chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết, phổi phù… Khi chuyển đến BV Chợ Rẫy, các bác sĩ ở đây còn hỏi gia đình “Sao để bệnh nghiêm trọng mới chuyển đến”?
Vì thế, gia đình sản phụ bức xúc và làm đơn gửi Sở Y tế Đồng Nai đề nghị điều tra làm rõ việc em bé tử vong và sản phụ bị nguy kịch.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Loan – Phó Giám đốc BVĐK Thống Nhất, cũng là người trực tiếp cấp cứu sản phụ, thì sản phụ H. có người quen là hộ sinh trưởng nên đã được gửi gắm chu đáo và nhân viên cũng đã có sự quan tâm đặc biệt, chứ không có thái độ gắt gỏng.
Song do thai phụ được chẩn đoán tiền sản giật, bẩm sinh lại chỉ có một quả thận, khi vào viện đã bị sốt 38 độ, chứng tỏ đã bị nhiễm trùng. Sau khi sinh, do tình trạng nặng nên em bé sơ sinh đã được chuyển lên BV nhi Đồng Nai, BV Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh, còn sản phụ chỉ sau khoảng 1 tiếng đã bị co giật và sốc bất thường, nên được chẩn đoán là bị sốc nhiễm trùng mà khi chụp mới biết là bị viêm phổi. Trước đó sản phụ không chụp vì sợ ảnh hưởng thai nhi.
Về việc không cho bệnh nhân chuyển sớm, theo BS. Loan, do bệnh nhân đang thở máy hỗ trợ nên bác sĩ đã hội chẩn với gia đình và gia đình cũng đã có cam đoan để bệnh nhân ở lại khi nào ổn mới chuyển viện. (Công an Nhân dân, trang 2)
Có thêm một loại vaccine phòng bệnh “5 trong 1”
Để đủ nguồn vaccine kết hợp phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván cho người dân, ngày 27-9, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng vaccine phòng bệnh kết hợp DPT-HepB-Hib.
Theo ông Vũ Tuấn Cường Cục trưởng Cục quản lý Dược, hiện nay, đã có thêm một loại vaccine phòng bệnh kết hợp “5 trong 1” (phòng 5 bện là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b, Hib) được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Đó là vaccine Diptheria, TetanuSy Pertussis, Hepatitis B and Haemophilus influenza type b Conjugate Vaccine Adsorbed (số Giấy đăng ký lưu hành: QLVX-1109-18), do Công ty Serum Institute of India. Pvt.Ltd – Ấn Độ sản xuất và Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 — Vabiotech đăng ký và nhập khẩu.
Để đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vaccine phòng bệnh kết hợp cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở khám, chữa bệnh; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang cập nhật thông tin, đưa vào kế hoạch dự trù, sử dụng và chủ động đặt hàng vaccine trên, để đa dạng hóa các nguồn cung ứng vaccine.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện đề nghị tại Công văn số 13266/QLD-KD ngày 12-7 nhằm chủ động thay thế nguồn vaccine trong trường hợp nguồn cung hiện tại có nguy cơ bị thiếu hụt đột ngột. (Công an Nhân dân, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 6: “Thêm 1 loại vắc-xin 5 trong 1 nhập vào Việt Nam”
Kiểm tra, xử lý hành vi “xả” chất thải y tế ra môi trường
Chiều 25-9-2018, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND Thành phố Thanh Hóa gồm: Phòng y tế, phòng tài nguyên, đội Cảnh sát môi trường công an Thành phố và UBND phường Ba Đình đã có buổi làm việc và kiểm tra, xác minh thông tin phòng khám 360 Lê Hoàn đóng trên địa bàn phường Ba Đình, TP.Thanh Hóa xả chất thải y tế ra môi trường…
Trước đó, vào lúc 11h15 phút ngày 18-9-2018, Đội kiểm tra môi trường thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa phát hiện nhân viên của Phòng khám Đa khoa 360 Lê Hoàn xách 2 túi nilon màu đen đem ra bãi thu gom rác thải sinh hoạt trước cổng Công ty.
Qua kiểm tra, Đội kiểm tra môi trường phát hiện bên trong túi nilon có chứa: gang tay cao su, ống đựng bệnh phẩm, que test xét nghiệm bằng ống thủy tinh, lam kính soi bệnh phẩm cùng các túi bóng giấy lau các loại…
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của UBND Thành phố Thanh Hóa, ông Lê Lệnh Lương, người đại diện của phòng khám 360 Lê Hoàn đã thừa nhận việc nhân viên của phòng khám mang chất thải y tế vứt ra môi trường trưa ngày 18-9 là có thật. Tuy nhiên, ông Lương cho rằng đấy chỉ là do lỗi sơ suất của cô hộ lý mới vào làm việc của phòng khám.
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra về thực trạng qui trình xử lý chất thải y tế của phòng khám 360 Lê Hoàn thì hàng năm, phòng khám 360 Lê Hoàn có hợp đồng với bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa để thu gom rác thải y tế với tần suất 2 lần/tuần.
Tuy nhiên, qua kiểm tra sổ sách thì qui trình này vẫn chưa thực hiện đúng, có thời điểm 9-10 ngày mới thu gom/1 lần. Có khu tập kết rác thải y tế nhưng vẫn chưa đúng qui cách, không có biển báo. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và báo cáo với Củ tịch UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Theo qui định, rác thải y tế phải được phân loại để có qui trình xử lý đúng cách và hạn chế tối thiểu những tác động đến môi trường. Tuy nhên, hành vi vô tình hoặc cố ý của phòng khám 360 Lê Hoàn có thể sẽ làm các mầm bệnh phát tán gây nguy hại đến sức khỏa người dân.
Theo ông Hồ Viết Lân, Giám đốc Công ty cổ phần môi trường đô thị Thanh Hóa thì tình trạng này không những xảy ra ở phòng khám 360 Lê Hoàn mà còn xảy ra ở rất nhiều phòng khám trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa. Đã đến lúc các cơ quuan chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm túc tình trạng “vứt bừa” rác thải y tế ra môi trường. (Công an Nhân dân, trang 7)
Việt Nam sẽ tự sản xuất được vaccine “5 trong 1” vào năm 2020
Nếu như năm 2017, Việt Nam mới lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công vaccine “2 trong 1” (vaccine sởi – rubella) thì dự kiến tới 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine “5 trong 1” để không còn phụ thuộc vào nguồn vaccine nhập khẩu…
Như Báo ANTĐ đã đưa tin, hiện tại, một số địa phương trên cả nước đang thiếu, không có vaccine “5 trong 1” (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib) do đang ở giai đoạn chuyển đổi vaccine 5 trong 1 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ Quinvaxem (Hàn Quốc) sang ComBE Five (Ấn Độ).
Việc phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp vaccine từ nước ngoài khiến Việt Nam có lúc rơi vào tình huống thiếu chủ động. Vì thế, Việt Nam vẫn đang tìm con đường đi riêng của mình, bằng việc nghiên cứu sản xuất vaccine 5 trong 1 vừa an toàn, vừa có giá thành rẻ hơn vaccine nhập khẩu.
Mới đây, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, 2 năm nữa, Việt Nam sẽ tự sản xuất được vaccine 5 trong 1. Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu vaccine này trên động vật.
Theo ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1, sản xuất vaccine phối hợp là một công nghệ khó và các công ty sản xuất vaccine lớn trên thế giới không dễ dàng chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất nhỏ. Do đó, những nước có nền sản xuất vaccine nhỏ như Việt Nam phải tự mày mò trên các nghiên cứu và ứng dụng của nước mình để ra vaccine phối hợp.
Cơ sở để Việt Nam tự tin sản xuất được vaccine 5 trong 1 là thời gian vừa qua, Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phức tạp Hib bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh về đường hô hấp, viêm màng não mủ do vi khuẩn hib. Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong số ít nước ở khu vực có khả năng sản xuất vaccine phòng bệnh cho người.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tự sản xuất được 10 loại vaccine phòng bệnh lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella… trong đó có 8 vaccine đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Dự kiến trong năm 2019, sẽ có thêm 3 loại vaccine mới là vaccine phòng cúm mùa, vaccine viêm não Nhật Bản tế bào và vaccine bại liệt bất hoạt của Việt Nam được đưa vào sử dụng. Hiện 3 loại vaccine này đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép lưu hành.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, mục tiêu đề ra của Chính phủ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được 12 loại vaccine và đến năm 2030 sẽ sản xuất được 14 loại vaccine để sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. (An ninh Thủ đô, trang 8)
Hà Nội: Số người mắc sốt xuất huyết giảm gần 97%
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 23-9, toàn thành phố có 955 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), phân bố rải rác tại 261 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã, giảm 96,8% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng từ ngày 17 đến 23-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 136 trường hợp mắc SXH.
Theo chu kỳ, số ca mắc SXH thường gia tăng từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Vì vậy, các địa phương, đặc biệt là các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và các huyện ven đô như: Thanh Trì, Thanh Oai, Hoài Đức… cần tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, chủ động phòng chống bệnh SXH.
Ngoài ra, trong tuần từ ngày 17 đến 23-9, Hà Nội cũng ghi nhận 12 trường hợp mắc sởi, 46 trường hợp mắc tay chân miệng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 389 trường hợp mắc sởi, 1.586 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã, nhưng không ghi nhận ổ dịch lớn.
Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường phòng, chống SXH, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch tăng cường tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế; huy động lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch…
Đặc biệt, ngành chức năng của thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống SXH; những nơi có ổ dịch SXH tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để thông báo tình hình dịch bệnh và hướng dẫn cho người dân biết cách chủ động phòng chống; kiểm tra, giám sát công tác phòng chống SXH của các xã, phường, thị trấn… (An ninh Thủ đô, trang 4)
Giả người nhà bệnh nhân, trộm cắp hàng chục xe máy
Lợi dụng sự mất cảnh giác của nhân viên bảo vệ ở các bệnh viện, đối tượng Nguyễn Trọng Đạo giả làm người nhà bệnh nhân lẻn vào các bãi xe trộm cắp hàng loạt xe máy.
Ngày 27-9, Công an thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết đã điều tra, làm rõ và bắt giữ đối tượng Nguyễn Trọng Đạo (SN 1994, trú tại xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc) về hành vi trộm cắp tài sản…
Theo tài liệu của CQĐT, từ đầu tháng 7-2018 đến khi bị bắt, Nguyễn Trọng Đạo đã liên tiếp gây ra hàng chục vụ trộm cắp xe máy tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa và các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa.
Với thủ đoạn lợi dụng sự mất cảnh giác, sơ hở của nhân viên bảo vệ bệnh viện, Đạo đã trà trộn vào các bãi gửi xe trộm cắp xe máy. Sau khi thực hiện trót lọt các “phi vụ” trộm cắp, Đạo mang xe trộm được đi bán lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Ngay sau khi bắt giữ Nguyễn Trọng Đạo, lực lượng công an đã thu hồi được 3 xe máy trả cho người mất.
Hiện, Công an thành phố Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. (An ninh Thủ đô, trang 13)
Bệnh tay chân miệng có sự thay đổi gien
Ngày 27.9, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết hiện nay bệnh tay chân miệng (TCM) đang vào mùa cao điểm (từ tháng 8 – 11).
Theo đó, giai đoạn 2012 – 2017 ghi nhận sự lưu hành ưu thế thứ nhóm gien B5 và tăng dần thứ nhóm gien C4 (của chủng Enterovirus 71 – EV71). Sự dịch chuyển thứ nhóm gien khiến cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn.
Trong 2 tháng qua, dữ liệu giám sát vi rút của Viện cho thấy tỷ lệ vi rút EV71 chiếm 25% số bệnh phẩm TCM, đặc biệt ghi nhận nhiễm thứ nhóm gien C4 đang lưu hành ưu thế hiện nay – đây là chủng dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của EV71. Các biến chứng có thể gây tổn thương hệ thần kinh, hô hấp, tuần hoàn và có thể dẫn đến tử vong.
* Ngày 27.9, bác sĩ Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế Bến Tre, cho biết bé Huỳnh Thiên Di (2 tuổi, ngụ xã Bình Phú, TP.Bến Tre) vừa tử vong do mắc bệnh TCM tại Bệnh viện (BV) Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre). Đây là ca bệnh TCM tử vong đầu tiên trong năm nay ở địa phương này. (Thanh niên, trang 3)
Trả hồ sơ vụ nữ y sĩ làm lây sùi mào gà cho hơn 100 trẻ
Sáng 27.9, TAND tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm, tuyên trả hồ sơ và đề nghị điều tra bổ sung vụ y sĩ Hoàng Thị Hiền (49 tuổi, trú H.Khoái Châu) làm 103 trẻ bị sùi mào gà.
Nữ y sĩ này bị xét xử về tội “vi phạm quy định khám chữa bệnh” theo khoản 3 điều 242 bộ luật Hình sự 1999.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, đã có thêm 6 gia đình nạn nhân khác cho rằng con mình đã cắt bao quy đầu tại cơ sở của y sĩ Hiền và mắc sùi mào gà, nhưng do đi làm ăn xa nên nghe tin vụ án muộn, giờ mới bổ sung hồ sơ. Bản thân nữ y sĩ không nhớ mình có điều trị cho 6 cháu bé này không. Do phát sinh tình tiết mới, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung…
Theo cáo trạng trước đó của Viện KSND tỉnh Hưng Yên, từ năm 2016 – 7.2017, bà Hoàng Thị Hiền làm thủ thuật nong giãn bao quy đầu cho 103 trẻ trên địa bàn các huyện Khoái Châu và Yên Mỹ, làm lây nhiễm sùi mào gà cho các trẻ này, gây tổn hại sức khỏe cho 100 trẻ (3 trẻ từ chối xác định tổn thương cơ thể) với tỷ lệ tổn thương tổng cộng là 924%. Bệnh viện Da liễu T.Ư đã miễn phí điều trị cho 103 trẻ này với số tiền hơn 394 triệu đồng; đồng thời xác định tổng số tiền của gia đình 103 trẻ bị mắc bệnh sùi mào gà đã thanh toán cho các bệnh viện khác hơn 552 triệu đồng. (Thanh niên, trang 5)