Điểm báo ngày 29/10/2020

(CDC Hà Nam)
Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo 12 việc phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới; Người thầy thuốc và tấm lòng thiện nguyện; TPHCM: Tất cả những trường hợp tiếp xúc gần với người Hàn Quốc mắc Covid-19 đều âm tính…

 

Không chủ quan với COVID-19

Trong lúc miền Trung tang thương vì bão chồng lũ, thì ở TP.Hồ Chí Minh, COVID-19 bất ngờ trở lại sau một thời gian tạm lắng.

Tuy mới chỉ một trường hợp được phát hiện từ xa nhưng cũng đủ khiến mọi người dân thành phố lo lắng, còn các nhà chức trách đau đầu vì phải tìm cách chống đỡ.

Nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn tiềm ẩn đâu đó và không dễ đoán định, truy xét, dù chính quyền, với sự chung tay của người dân, đã rất nỗ lực trong việc dập dịch và ngăn chặn dịch lan rộng. Trong khi bảo bối để chống dịch là Vắc-xin vẫn chưa có.

Dịch kéo dài suốt gần một năm qua khiến nguồn lực của Nhà nước lẫn nhân dân dần cạn kiệt. Bão lũ miền Trung và sự tái phát của dịch COVID-19 sẽ như một cú “đánh bồi” khiến nền kinh tế chịu thêm gánh nặng và người dân vốn khốn khó lại thêm phần khốn khó.

Để chặn đà suy giảm, cứu vãn nền kinh tế, Chính phủ đã phải đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới. Các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục hoạt động, các cửa hàng tiếp tục mở cửa và bầu trời cũng mở cửa trở lại để thông thương với thế giới bên ngoài sau một thời gian tạm đóng.

Người đàn ông đến TP.Hồ Chí Minh từ Hàn Quốc và bị phát hiện dương tính với virus SARS COV 2 đã mang virus trong người đi nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người, nhưng không ai hay biết.

Mỗi ngày TP.Hồ Chí Minh thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng và nguồn thu từ thành phố này chiếm một phần ba cả nước. Vì vậy, bất cứ sự “sụt sùi” nào của thành phố cũng đều ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả nền kinh tế.

Ý thức được vai trò đầu tàu của mình, chính quyền thành phố đã từng ban bố các lệnh cấm, đưa ra các quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch, trong đó có những việc sát trùng khử khuẩn, cấm người dân ra đường, đến các nơi công cộng khi không đeo khẩu trang.

Lệnh cấm đến nay chưa được dỡ bỏ nhưng phần lớn người dân đã tự dỡ bỏ khẩu trang khi đến nơi công cộng. Việc xử lý người vi phạm gần như đánh trống bỏ dùi, chỉ “khuấy” lên thời gian đầu rồi đâu lại hoàn đó. Sự chủ quan của người dân cộng với sự lơ là, buông lỏng kiểm soát của cơ quan chức năng là con đường thênh thang cho dịch bệnh lan truyền.

Những nỗ lực của cả bộ máy chính trị sẽ trở nên vô nghĩa nếu một vài mắt xích nào đó bị đứt rời hay chưa thực sự thể hiện đúng vai trò và bổn phận của mình. Sinh mệnh của mỗi người dân phụ thuộc rất nhiều vào những mắt xích ấy.

Chính quyền cần phải tiếp tục mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19. Đừng để số phận người dân mong manh trước đại dịch như chiếc lá mong manh trước mắt bão. (Tiền phong, trang 6).

 

Người thầy thuốc và tấm lòng thiện nguyện

Suốt nhiều năm qua, bác sĩ Nguyễn Minh Giao và những thành viên trong ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn trong ngõ 32, phố Phan Văn Trường, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) luôn dành thời gian, vật chất và công sức cho những việc làm từ thiện ở Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác. Hơn 45 năm tuổi Đảng, 73 năm tuổi đời, ông vẫn ngày ngày mang y đức của người thầy thuốc và tấm lòng thiện nguyện lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng và xã hội.

Cho đi là hạnh phúc…

Hơn 40 năm gắn bó với Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, ngay từ khi đang công tác, bác sĩ Nguyễn Minh Giao đã thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, các đoàn công tác khám chữa bệnh cho người dân tại Hà Nội cũng như các tỉnh vùng cao, vùng bão lũ… Ngay tại phường Dịch Vọng Hậu, nơi ông cư trú, năm 2004, nhận thấy kiến thức về bệnh tim mạch, huyết áp của người dân còn nhiều hạn chế, bác sĩ Giao cùng vợ đã thành lập Câu lạc bộ Chăm sóc sức khỏe miễn phí. Sinh hoạt định kỳ một tháng/lần, đến nay, 60 thành viên trong câu lạc bộ đã được trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh tim mạch, huyết áp và đều có thể tư vấn cho người khác cách phòng, chữa bệnh.

Điều đáng quý là người dân sinh sống gần nơi ông Giao cư trú đã thường xuyên được ông khám, chữa bệnh miễn phí. Ông Bùi Thái Hữu, hàng xóm của bác sĩ Giao cho biết, ông Giao thường xuyên đo huyết áp, chữa trị bệnh miễn phí cho rất nhiều người dân trong và ngoài tổ dân phố. “Nhờ ông Giao mà chúng tôi được thăm khám sức khỏe thường xuyên. Tấm lòng của ông thật đáng quý”, ông Bùi Thái Hữu bộc bạch.

Còn bà Nguyễn Thị Lợi, vừa là bệnh nhân, vừa là hội viên Câu lạc bộ Chăm sóc sức khỏe miễn phí cảm động chia sẻ: “Gia đình tôi và rất nhiều gia đình khác trong khu phố đều được sự quan tâm giúp đỡ của bác sĩ Giao. Có lần, chồng tôi đột ngột bị cảm nặng, trong lúc nguy cấp, tôi điện thoại ngay cho bác sĩ Giao để “cầu cứu”. Dù khi đó chưa quen biết nhưng ông Giao đã đến cứu chữa cho chồng tôi kịp thời…”.

Luôn tâm niệm “cho đi là hạnh phúc”, dù đã bước sang tuổi 73, bác sĩ Giao vẫn giữ thói quen “trực” điện thoại, sẵn sàng phục vụ bệnh nhân miễn phí bất cứ lúc nào. Chỉ cần nghe tin ở đâu có người ốm đau hay khó khăn cần giúp đỡ, bác sĩ Giao lại tìm mọi cách giúp đỡ họ.

Tấm gương sáng ở tổ dân phố

Không chỉ là người thầy thuốc được người dân tin tưởng, liên tục hơn 10 năm nay, năm nào gia đình bác sĩ Giao cũng ủng hộ cho quỹ của Hội Chữ thập đỏ phường Dịch Vọng Hậu 6 triệu đồng/năm để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. 5 năm qua, ông Giao còn ủng hộ 5 suất học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó. Đặc biệt, đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, gia đình ông Giao lại chuẩn bị 10 phần quà dành tặng trẻ mồ côi. Dịp tháng 4-2020, ông bà đã đóng góp 15 triệu đồng cho UBND phường Dịch Vọng Hậu để trợ giúp những người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19…

Chia sẻ về những lần đi làm thiện nguyện, ông Giao nhớ nhất chuyến đi trao tặng quà cho đồng bào người Dao ở thôn Bến Thân, xã Đông Sơn, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) vào thời điểm đầu năm 2010. “Ngay khi nghe tin qua báo chí, tôi đã huy động người thân trong gia đình, bà con lối xóm cùng chung tay đóng góp, chuẩn bị đủ 41 suất quà để trao tận tay những người gặp khó khăn ở thôn Bến Thân”, ông Nguyễn Minh Giao chia sẻ.

Bác sĩ Giao nói: “Hiện tôi vẫn đi làm thêm ở phòng khám để lấy tiền làm thiện nguyện. Đặc biệt, các con tôi luôn ý thức tiết kiệm chi tiêu trong gia đình nhằm trợ giúp thêm tài chính cho những công việc của tôi đang làm”. Cũng để làm việc từ thiện, ông Giao đã sẵn sàng bớt những khoản chi tiêu trong gia đình. Học bố mẹ, từ nhiều năm nay, con trai cả của bác sĩ Giao là anh Nguyễn Minh Long cùng vợ cũng tự tay đồ xôi, gói bánh chưng, mua giò chả để chuẩn bị từng suất quà dành tặng những người lang thang, cơ nhỡ trong dịp Tết… Không những thế, anh còn theo dõi báo, đài, âm thầm trợ giúp những người hoạn nạn, có hoàn cảnh khó khăn…

Nói về những cống hiến vì cộng đồng của gia đình ông Nguyễn Minh Giao, ông Nguyễn Chiếm Sơn, Bí thư Chi bộ số 5, phường Dịch Vọng Hậu chia sẻ: “Ở tổ dân phố chúng tôi, người dân vẫn quen gọi ông Giao là người thầy thuốc của nhân dân. Mỗi việc làm của gia đình ông đều có giá trị giáo dục, nêu gương sáng cho bà con trong tổ dân phố”. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu không giấu được tự hào: “Hiếm có trường hợp nào cả gia đình cùng đồng lòng làm việc thiện như gia đình ông Giao. Gia đình bác sĩ Giao là một điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn phường”.

Với những việc làm thiện nguyện vì cộng đồng và xã hội, năm 2020, gia đình ông Nguyễn Minh Giao đón nhận cùng lúc hai tin vui khi ông vinh dự đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố và con trai ông, anh Nguyễn Minh Long đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do UBND quận Cầu Giấy trao tặng. (Hà Nội mới, trang 8).

 

TPHCM: Tất cả những trường hợp tiếp xúc gần với người Hàn Quốc mắc Covid-19 đều âm tính

Liên quan đến trường hợp một chuyên gia quốc tịch Hàn Quốc nhập cảnh tại Nhật Bản được xác định dương tính với SARS-CoV-2 bằng test nhanh, chiều 28-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) phối hợp với Trung tâm báo chí tổ chức họp báo cung cấp thông tin về trường hợp này.

Bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc HCDC cho biết, tính đến chiều 28-10, các trung tâm y tế quận, huyện có liên quan đã khoanh vùng những khu vực nguy cơ, truy vết và xác minh những người từng tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Những địa bàn liên quan gồm có quận 1, 2, 4, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức.

Hiện các đơn vị y tế tiến hành điều tra ghi nhận được 48 trường hợp tiếp xúc gần, tiếp cận được 47 người để cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm (do có 1 người rời khỏi thành phố đi cứu trợ ở tỉnh Quảng Bình), tất cả những trường hợp tiếp xúc gần đều âm tính.

Ngoài ra để tăng cường kiểm soát nguy cơ, TPHCM cũng cho điều tra và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng với những trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần, ghi nhận được 296 trường hợp, lẫy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà, đến nay tất cả đều âm tính.

Do chuyên gia trên từng đến nhiều địa điểm trong thời gian lưu trú tại TPHCM, HCDC và các trung tâm y tế quận, huyện vẫn tiếp tục phối hợp lực lượng công an, chính quyền địa phương xác minh, tìm kiếm những người có tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh để giám sát y tế đúng quy định.

Như tin đã đưa, ngày 24-10, HCDC tiếp nhận thông tin từ cơ quan IHR Nhật Bản về 1 trường hợp đi từ TPHCM đến Tokyo, được xét nghiệm nhanh kiểm tra Covid-19 bằng phương pháp CLEIA (chemiluminescence enzyme immunoassay) tại sân bay Narita theo quy định của quốc gia này và cho kết quả dương tính.

Đây là kết quả sàng lọc bằng test nhanh kháng nguyên, trường hợp này sẽ được cơ quan y tế Nhật Bản tiến hành cách ly và sau 6 ngày sẽ thực hiện thêm xét nghiệm chẩn đoán RT-PCR để khẳng định có thật sự mắc Covid-19 hay không (hiện HCDC chưa nhận được kết quả khẳng định từ phía Nhật Bản). Ngay khi nhận thông tin từ phía Nhật Bản, HCDC đã khẩn trương kích hoạt ngay quy trình điều tra và xử lý dịch bệnh theo quy định.

Bệnh nhân là ông J.H. (48 tuổi), chuyên gia của 1 doanh nghiệp Nhật Bản về lĩnh vực hợp tác đầu tư có văn phòng đại diện tại Hà Nội, nhập cảnh Việt Nam ngày 29-7, được cách ly tập trung tại Hà Nội, xét nghiệm kiểm tra Covid-19 theo quy định. Bệnh nhân không có yếu tố tiếp xúc trường hợp nào xác định nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.

Sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung, bệnh nhân đến làm việc ở một số tỉnh thành của Việt Nam, trong đó có sống và làm việc tại TPHCM từ ngày 16-8 đến ngày 24-10. Đến ngày 24-10, bệnh nhân rời Việt Nam đến Nhật Bản trên chuyến bay NH834 (trước khi rời khỏi Việt Nam, bệnh nhân không thực hiện xét nghiệm Covid-19).  (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 6: “Chuyên gia Hàn Quốc nghi mắc Covid-19: Chỉ truy vết trong 14 ngày”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “343 người tiếp xúc chuyên gia Hàn Quốc dương tính với SARS-CoV-2 đều xét nghiệm âm tính”.

 

Yêu cầu đeo khẩu trang nơi đông người

Ngày 28/10, Bộ Y tế cho biết vừa phát hiện thêm một ca mắc mới COVID-19 nhập cảnh, được cách ly ngay tại Bắc Ninh. Bệnh nhân 1173 là nam giới, 43 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 20/10, bệnh nhân từ Angola nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN8, được cách ly tập trung ngay tại Trung đoàn 833, Đại Phúc, Bắc Ninh. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 13 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Bắc Giang (11) và Bắc Ninh (2).

Như vậy, tính đến 18h ngày 27/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Hiện có gần 15.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).

Trước tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm thực hiện chung sống an toàn với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới, Bộ Y tế dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, những nơi tập trung đông người. Hướng dẫn này được xây dựng dựa trên cơ chế lây truyền trực tiếp từ người sang người theo đường hô hấp chủ yếu qua giọt bắn và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Trong đó hướng dẫn áp dụng đối với các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người. Cụ thể: Nơi có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh như cơ sở y tế, khu cách ly y tế tập trung, hộ gia đình có người cách ly y tế tại nhà, nơi có người đi từ vùng dịch trở về; nơi có không gian kín như quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), làm đẹp, phòng tập thể dục, thể hình; trụ sở làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ, cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn; nơi tập trung đông người như chung cư, trường học, nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, đám tang, đám cưới, địa điểm tham quan, du lịch.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai việc thực hiện, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên phạm vi địa bàn; đồng thời quyết định các khu vực, địa điểm công cộng mà người dân phải thực hiện đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. (Tiền phong, trang 6).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Tập chung nhắc nhở, xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang”.

 

84 đơn vị đủ năng lực xét nghiệm khẳng định Covid-19

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 84 đơn vị đủ năng lực xét nhiệm xác định Covid-19.

Ngày 28.10, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo ghi nhận ca nhập cảnh dương tính với virus gây bệnh Covid-19, là bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 1.173 tại Việt Nam.

BN 1173 (nam, 43 tuổi, quốc tịch Việt Nam) có địa chỉ tại xã Kỳ Hà, TX.Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 20.10, BN từ Angola nhập cảnh sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) trên chuyến bay VN8, được chuyển cách ly tập trung tại Trung đoàn 833 (Bắc Ninh). Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 27.10 xác định BN dương tính với SARS-CoV-2.

Trước đó, trên chuyến bay này đã ghi nhận 13 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Bắc Giang (11 ca) và Bắc Ninh (2 ca). Đến chiều 28.10, trong số 1.173 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch, có 691 ca do lây nhiễm trong nước; 1.062 ca đã được điều trị khỏi.

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 84 đơn vị đủ năng lực xét nhiệm xác định Covid-19. (Thanh niên, trang 4).

 

Hội nghị khoa học và đào tạo thường niên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Từ ngày 30.10 – 7.11, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức Hội nghị khoa học và đào tạo năm 2020 dành cho các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên y tế.

Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm nhằm công bố những công trình nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng cũng như cập nhật các tiến bộ mới nhất trong y khoa từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Năm nay, quy mô hội nghị được mở rộng với sự tham gia của 190 báo cáo viên từ gần 40 chuyên khoa, với 3 phiên báo cáo khoa học, 1 hội thảo chuyên đề, 39 chương trình đào tạo y khoa, hơn 200 bài báo cáo trực tiếp thu hút hơn 3.000 đại biểu tham dự.

Điểm nhấn của hội nghị năm nay chính là các phiên đào tạo về Quản trị bệnh viện và Chăm sóc người bệnh như: Quản lý chất lượng – An toàn người bệnh, Chăm sóc theo mô hình lấy người bệnh làm trung tâm, Vai trò của thư ký trong hệ thống vận hành bệnh viện… và đặc biệt là các phiên đào tạo về đại dịch Covid-19.

Những đề tài báo cáo, công trình nghiên cứu và kinh nghiệm được chia sẻ trong hội nghị lần này có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hành lâm sàng trên quy mô toàn quốc. (Thanh niên, trang 4).

 

Che giấu bệnh truyền nhiễm sẽ bị xem xét truy cứu hình sự

Theo Nghị định 117/2020 của Chính phủ ngày 28.9.2020, nhiều hành vi vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, như: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân…

Nghị định 117/2020 của Chính phủ ngày 28.9.2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 15.11, thay thế Nghị định 176/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế ban hành năm 2013.

Nghị định 117 có nhiều quy định xử lý hành chính, hình sự mang tính răn đe đối với một số vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh (KCB), y tế dự phòng, dược, trang thiết bị, mỹ phẩm… Theo đó, nhiều hành vi vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, như: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch về thông tin KCB; đưa, nhận, môi giới hối lộ trong KCB; gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng người hành nghề trong khi đang KCB; giả mạo một trong các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN); làm giả, sửa chữa hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; lập hồ sơ bệnh án, kê khống thuốc BHYT mà thực tế không có người bệnh, giá trị từ 10 triệu đồng trở lên…

Ngoài ra, theo Nghị định 117, hành vi KCB khi đang bị thu hồi CCHN hoặc bị đình chỉ hành nghề; KCB vượt phạm vi chuyên môn ghi trong CCHN; thuê, mượn CCHN KCB để hành nghề; cho thuê, mượn CCHN KCB thì ngoài phạt tiền 30 – 40 triệu đồng (như cũ) còn bị tước quyền sử dụng CCHN KCB 22 – 24 tháng (trước đây tối đa 12 tháng)… (Thanh niên, trang 16).

 

Thông tin về trường hợp người nước ngoài nghi ngờ nhiễm Covid-19​

Ngày 28/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin thêm về trường hợp người nước ngoài nghi ngờ nhiễm COVID-19 sau khi rời khỏi TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 24/10/2020, HCDC tiếp nhận thông tin từ cơ quan IHR Nhật Bản về 1 trường hợp đi từ TP Hồ Chí Minh đến Tokyo, được xét nghiệm nhanh kiểm tra COVID-19 bằng phương pháp CLEIA (chemiluminescence enzyme immunoassay) tại sân bay Narita theo quy định của quốc gia này và cho kết quả dương tính.

Đây là kết quả sàng lọc bằng test nhanh kháng nguyên, trường hợp này sẽ được cơ quan y tế Nhật Bản thực hiện thêm xét nghiệm chẩn đoán RT-PCR để khẳng định có thật sự mắc bệnh COVID-19 hay không (hiện HCDC chưa nhận được kết quả khẳng định từ phía Nhật Bản).

Ngay khi nhận thông tin từ phía Nhật Bản, HCDC kích hoạt ngay quy trình điều tra và xử lý dịch bệnh theo quy định. Người nghi ngờ mắc bệnh là một chuyên gia quốc tịch Hàn Quốc, làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản có văn phòng đại diện tại Hà Nội, nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 29/7/2020. Chuyên gia này không có yếu tố từng tiếp xúc với người bệnh COVID-19, đồng thời đã được cách ly y tế đủ 14 ngày và xét nghiệm kiểm tra theo quy định đều cho kết quả âm tính.

Sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung, chuyên gia đến làm việc ở một số tỉnh thành của Việt Nam, trong đó có sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 16/8 đến ngày 24/10/2020.

HCDC đã liên lạc với người nghi ngờ mắc bệnh nêu trên để khai thác thông tin di chuyển, tiếp xúc trong thời gian người này cư trú tại TP Hồ Chí Minh, từ đó phối hợp trung tâm y tế các quận, huyện có liên quan khoanh vùng những khu vực nguy cơ, truy vết và xác minh những người từng tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Tính đến sáng 28/10 đã cách ly và lấy mẫu xét nghiệm 47 người tiếp xúc gần, 259 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần tất cả đều đã được làm xét nghiệm kiểm tra và được cách ly y tế để theo dõi sức khỏe. Chưa phát hiện trường hợp nhiễm mới.

Ngoài ra, để tăng cường kiểm soát nguy cơ, thành phố cũng cho điều tra và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng với những trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần; kết quả đến nay chưa phát hiện một trường hợp nào mắc bệnh.

Do chuyên gia trên từng đến nhiều địa điểm trong thời gian lưu trú tại TP Hồ Chí Minh, HCDC và các trung tâm y tế quận, huyện vẫn tiếp tục phối hợp lực lượng công an, chính quyền địa phương xác minh, tìm kiếm những người có tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh để giám sát y tế đúng quy định. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Bộ Y tế tiếp nhận ủng hộ 10.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19 của VFF

Cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19, chiều 28/10, tại Bộ Y tế, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã trao tặng Bộ Y tế 10.000 bộ kit Rt-PCR cho công tác phòng, chống dịch COVID-19

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính tiếp nhận ủng hộ từ ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam   Ảnh:Trần Minh

Ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết trên tinh thần bóng đá luôn đồng hành và gắn kết trách nhiệm với các hoạt động cộng đồng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đề xuất Liên đoàn Bóng đá Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) hỗ trợ 10.000 bộ kit Real-Time Fluorescent RT-PCR Kit for Detecting SARS-CoV-2 do công ty BGI Genomics Co. Ltd. sản xuất, để góp sức cùng Bộ Y tế thực hiện công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Hoạt động này xuất phát từ sáng kiến của Liên đoàn Bóng đá Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) với mong muốn cùng góp sức để bóng đá có thể trở lại sớm nhất và an toàn nhất, thông qua việc cung cấp cho các Liên đoàn bóng đá quốc gia những bộ dụng cụ xét nghiệm Rt-PCR nhanh và chính xác nhất.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp tại châu Á nói riêng, thế giới nói chung, dẫn đến những hạn chế về di chuyển và xuất nhập hàng hóa, nhưng được sự hợp tác tích cực và trách nhiệm của các Bộ, Ban ngành, cũng như sự hỗ trợ tích cực từ phía Liên đoàn Bóng đá Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), 10.000 bộ kit Rt-PCR trị giá gần 100.000 USD đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiếp nhận trong thời gian nhanh nhất, nhằm kịp thời chuyển tới Bộ Y tế để chung tay cùng cả nước thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Qua đó cũng giúp cho các hoạt động tổ chức bóng đá được diễn ra một cách an toàn, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đến sân vận động thưởng thức và cổ vũ các trận đấu của đông đảo khán giả hâm mộ trong điều kiện bình thường mới.

Việc trao tặng những bộ kit Rt-PCR xét nghiệm COVID-19 là một trong rất nhiều hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các tổ chức thành viên, các Câu lạc bộ chung tay cùng cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19 kể từ giai đoạn đầu tiên của dịch cho đến nay.

Bóng đá luôn đồng hành cùng xã hội với rất nhiều các hoạt động tích cực từ phía Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các Câu lạc bộ, các Huấn luyện viên và các cầu thủ, nhằm truyền tải những thông điệp tốt đẹp mà bóng đá có thể làm được trong việc gắn kết, giúp đỡ mọi người trong cuộc chiến chống lại COVID-19.

Trong thời gian qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam luôn phối hợp hiệu quả với FIFA, AFC và các Tổ chức bóng đá quốc tế để nhân rộng những ảnh hưởng tích cực của bóng đá trên bình diện quốc tế.

Các tuyển thủ luôn tích cực tham gia các chiến dịch tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 như chiến dịch “Niềm tin chiến thắng” của Bộ Y tế, chiến dịch “Break the Chain” của AFC hay chiến dịch “Be Active” của FIFA và WHO…

Thông qua những hoạt động mang tính cộng đồng như vậy, Bóng đá muốn truyền đi thông điệp về tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chia sẻ suy nghĩ và hành động thiết thực để cùng nắm tay nhau vượt qua thử thách trước mắt, hướng đến kết quả, giá trị tốt đẹp.

Phát biểu tại Lễ tiếp nhận, Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế hoan nghênh sự ủng hộ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cùng chung tay với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế đồng ý tiếp nhận 10.000 bộ kit xét nghiệm Real-Time Fluorescent RT-PCR Kit for Detecting SARS-CoV-2 do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trao tặng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận, lưu trữ và bảo quản 10.000 kit xét nghiệm nói trên; giao Cục Y tế dự phòng phối hợp các đơn vị có liên quan của Bộ Y tế thực hiện đánh giá, phân bổ và sử dụng hiệu quả số kit xét nghiệm được trao tặng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Tiếp nhận 10 nghìn bộ kit xét nghiệm Covid-19”.

 

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo 12 việc phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới

Ngày 28-10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký văn bản hỏa tốc số 5151 gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo đó, TP Hà Nội, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, từ ngày 17/8 đến nay không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dịch bệnh hoàn toàn có thể quay trở lại.

Chính vì vậy, để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép của Chính phủ, UBND TP yêu cầu các cấp, các ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn tuyệt đối không chủ quan trong mọi trường hợp, phải nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, kiên quyết không để xảy ra lây lan dịch trong cộng đồng.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc, quyết liệt 12 công việc cụ thể.

Trong đó, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt thông điệp 5K. Bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, tại nơi công cộng (công viên, vườn hoa, phố đi bộ, quảng trường, nhà ga, bến tàu, bến xe, siêu thị, chợ, Trung tâm thương mại, các sự kiện văn hóathể thao tại nơi công cộng/sân vận động…); quản lý tốt các cơ sở cách ly, người nhập cảnh cách ly nhất là tại các cơ sở lưu trú có thu phí.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở cách ly; tiếp tục lựa chọn các cơ sở cách ly dân sự có thu phí.

UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, giám sát, kiểm tra thực hiện nghiêm các quy định tại cơ sở cách ly trên địa bàn không để lây chéo và lây lan ra cộng đồng, hướng dẫn giám sát đủ 14 ngày đối với người nhập cảnh sau khi hoàn thành cách li tập trung, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh dưới 14 ngày theo quy định.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu CATP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép; Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong công công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Phối hợp các đơn vị liên quan đảm bảo công tác an ninh trật tự tại các cơ sở cách ly.

Sở Y tế, thường xuyên kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố, đảm bảo các tiêu chí bệnh viện an toàn theo Hướng dẫn của Bộ Y tế; nâng cao năng lực xét nghiệm phù hợp với khả năng, xét nghiệm trên diện rộng, truy vết các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh;

Bảo đảm đủ cơ số vật tư, trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch tại các bệnh viện vàhệ thống y tế dự phòng; Tiếp tục thực hiện công tác phòng chống các dịch bệnh khác, nhất là sốt xuất huyết và các bệnh dịch trongmùa đông xuân, không để dịch chồng dịch.

Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tổ chức cách ly tập trung tại các cơ sở do mình quản lý theo đúng quy định và phối hợp chuyển cách ly tập trung tại khách sạn; tiếp tục chuẩn bị tốt, sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng, chống dịch của BCĐ quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, UBND và BCĐ phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố.

Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid – 19 tại các bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông công cộng; Sở Giáo dục đào tạo chỉ đạo các trường học, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức chính trị-xã hội chỉ đạo các đoàn thể, quần chúng vận động các hội viên, đoàn viên tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không được chủ quan, lơ là.

“UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch…”, văn bản nêu rõ. (An ninh Thủ đô, trang 2) .

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 14/9/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/7/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận