Điểm báo ngày 29/10/2021

(CDC Hà Nam)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Mở độ phủ, đảm bảo tính bền vững của BHYT là vấn đề hết sức quan trọng; Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; Hơn 813 nghìn người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; Địa phương có trên 10 hộ F0 kích hoạt trạm y tế lưu động; TPHCM công khai giá xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Mở độ phủ, đảm bảo tính bền vững của BHYT là vấn đề hết sức quan trọng

Về vấn đề thu, chi BHYT, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tới đây Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng Luật BHYT sửa đổi trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, chiều 27/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020. 

Sau khi lắng nghe các ý kiến của BĐQH thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Qua phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thay mặt cơ quan soạn thảo Báo cáo trân trọng cảm ơn những ý kiến của ĐBQH. Theo Bộ trưởng, những ý kiến đóng góp rất thẳng thắn, sâu sắc, toàn diện và chia sẻ những kinh nghiệm phong phú quý báu từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại các địa phương, đơn vị

Về vấn đề phát triển các đối tượng tham gia BHYT: Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai đồng bộ các giải pháp, cụ thể: Thông tin truyền thông về lợi ích của BHYT; mở rộng các dịch vụ của BHYT; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh… Đến thời điểm 2020, chúng ta đã đạt được 90.85% dân số tham gia BHYT. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, một số vấn đề cần quan tâm tới đây đó là làm sao để mở rộng độ phủ BHYT, đặc biệt là vấn đề đảm bảo tính bền vững của BHYT.

Về vấn đề y tế cơ sở: Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, y tế cơ sở được đánh giá là nền tảng, bệ đỡ cho vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân, đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. Hiện nay Bộ đang tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cho y tế cơ sở trên các lĩnh vực: tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; đổi mới về nhân lực cho y tế cơ sở; đảm bảo đổi mới cơ chế tài chính, đặc biệt hoạt động của y tế cơ sở để làm sao trong tương lai y tế cơ sở tiếp tục phát triển để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn, nơi sinh sống.

Về khám bệnh, chữa bệnh và chất lượng khám, chữa bệnh: Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian qua Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực triển khai được nhiều biện pháp vấn đề nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, về trang thiết bị cũng như việc triển khai mạnh hơn nữa các đề án mà Chính phủ đã triển khai trong thời gian qua như đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Nhấn mạnh về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: “Vừa qua Bộ Y tế có sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai việc khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho 1.500 các cơ sở y tế trên toàn quốc. Tất cả các trung tâm y tế đều được kết nối với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh tuyến Trung ương để tăng cường sự hỗ trợ từ tuyến Trung ương với địa phương”.

Vấn đề thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT: Bộ trưởng khẳng định, có thể nói rằng, về cơ bản hiện nay các cơ quan BHXH đã thực hiện mạng lưới thanh, quyết toán BHYT. Tới đây tiếp tục đổi mới phương thức thanh toán BHYT theo Luật BHYT.

Vấn đề về giám định BHYT và thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm: Trong thời gian qua Bộ Y tế đã chỉ đạo cũng như phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với BHYT. Tới đây Bộ tiếp tục làm sao để tăng cường hơn nữa công tác này, cũng như đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.

Về vấn đề thu, chi BHYT: Theo Bộ trưởng, tới đây Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng Luật BHYT sửa đổi trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách: tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, mở rộng quyền lợi chăm sóc sức khỏe đối với đối tượng tham gia BHYT như khám bệnh chữa bệnh, khám sàng lọc, y tế dự phòng; Quản lý sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả, công khai, minh bạch; Thực hiện BHYT bổ sung, xem xét đối tượng đa dạng mức đóng BHYT; Bổ sung quy định khám chữa bệnh BHYT trong trường hợp xảy ra dịch bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 gồm: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; Điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong.

Các giải pháp phòng, chống dịch đã triển khai là đúng đắn, kịp thời

Tại Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 27/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; sự nỗ lực vượt bậc của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo và Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp; sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ sự mất mát về người, sức khỏe, của cải của nhân dân, thiệt hại của các doanh nghiệp do dịch bệnh gây ra.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Số ca lây nhiễm trong cộng đồng, số người tử vong giảm mạnh, tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh. Tại các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, dịch bệnh cũng đã được kiểm soát. Cả nước đang từng bước triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua tiếp tục khẳng định các giải pháp phòng, chống dịch đã triển khai là đúng đắn, kịp thời, nhất là sự nỗ lực, phấn đấu, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, đóng góp của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo đã kế thừa các biện pháp phù hợp của các đợt dịch trước, đồng thời bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để điều chỉnh, đổi mới linh hoạt, phù hợp; đã thực hiện chuyển hướng có tính bước ngoặt trong phòng, chống dịch, đặc biệt là tổ chức huy động, điều động các lực lượng quân đội, công an, y tế và các lực lượng khác trong thời gian rất ngắn hỗ trợ các địa phương; chuyển hướng trong kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương với phân cấp, phân quyền tổ chức thực hiện tại các địa phương; chuyển hướng trong cách tiếp cận toàn dân với quan điểm chỉ đạo lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, đặc biệt thành lập một khối lượng lớn các trạm y tế lưu động trong một thời gian rất ngắn.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để có các giải pháp khắc phục triệt để như: Tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động, bất ngờ với chủng vi rút Delta, nhất là trong giai đoạn đầu; thiếu nguồn lực, hệ thống y tế còn nhiều khó khăn cả về con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị; y tế dự phòng tại các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; không chủ động được vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm… cho phòng, chống dịch do đều phải nhập khẩu dẫn đến tiến độ cung ứng không kịp thời, chịu nhiều rủi ro.

Thực hiện tốt 3 trụ cột chính

Một số kinh nghiệm bước đầu được đúc kết: Đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, “tình đồng chí, nghĩa đồng bào” rất quan trọng trong những thời khắc khó khăn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tập trung, nhất quán của Trung ương và linh hoạt, sáng tạo của cơ sở nhưng không vượt ra khỏi định hướng của Trung ương; kịp thời đề xuất Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.

Đồng thời, phân cấp phân quyền phải đi đôi với bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ và tăng cường kiểm tra, giám sát; linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; không lơ là, chủ quan mất cảnh giác khi dịch chưa đến hoặc dịch đi qua nhưng cũng không mất bình tĩnh, thiếu tỉnh táo, thiếu sáng suốt khi có dịch hoặc khi dịch bùng phát.

Đồng lòng, hưởng ứng, vào cuộc của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp; tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế. Việc triển khai các giải pháp mới cần bàn bạc kỹ lưỡng, thảo luận dân chủ, lắng nghe các ý kiến phản biện nhưng khi đã thống nhất, thực tế chứng minh có hiệu quả thì kiên trì, kiên định thực hiện các giải pháp đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả để sớm kết thúc cách ly, phong tỏa; Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm 5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, song cũng không hoang mang, mất bình tĩnh khi có dịch. Các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới cần bảo đảm toàn diện, hiệu quả, kịp thời, bám sát thực tiễn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, tuyệt đối không để xảy ra ách tắc trong cung ứng, lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế: Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh; Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch nhất là việc chuẩn bị cơ sở, năng lực điều trị. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội từng bước thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch COVID-19 để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, không để sót, lọt đối tượng; bảo đảm ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề xuất giải pháp, chính sách đối với trẻ mồ côi do COVID-19, bảo đảm căn cơ, chu đáo, hiệu quả. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chỉ đạo việc cho học sinh đi học tại trường, bảo đảm an toàn.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế bám sát tình hình, theo tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không quá cầu toàn; lắng nghe ý kiến chuyên gia, người làm thực tiễn và kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt (tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện…) của Trung ương và phát huy sự linh hoạt, sáng tạo của địa phương trong tổ chức thực hiện; bảo đảm mục tiêu kép nhưng không đặt thêm các quy định vượt quá khuôn khổ của Trung ương.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, cùng với thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Các địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine; tiếp tục truyền thông về việc vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. (Sức khỏe & Đời sống, trang 9).

Hơn 813 nghìn người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Ngày 28/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.892 ca nhiễm mới, trong đó 16 ca nhập cảnh và 4.876 ca ghi nhận trong nước (tăng 472 ca so với ngày 27/10) tại 49 tỉnh, thành phố.

Trong ngày có 1.649 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 54 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố. Như vậy, đến nay cả nước có 905.477 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 813.963 người được công bố khỏi bệnh và 21.910 ca tử vong. Về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, đến nay tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 77.145.612 liều, trong đó tiêm mũi một 54.520.772 liều, tiêm mũi hai 22.624.840 liều.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, ngày 28/10 trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 33 ca mắc Covid-19, trong đó có 11 ca tại cộng đồng, 11 ca khu cách ly và 11 ca khu phong tỏa.

Các ca mắc Covid-19 liên quan đến các ổ dịch tại xã Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai), thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh), Trần Quang Diệu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa), ho, sốt thứ phát và đến từ các tỉnh có dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội thông báo khẩn, tìm người đi xe khách Hoàng Long, từ Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) khoảng 17 giờ 30 phút ngày 22/10 đến Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) khoảng 7 giờ ngày 24/10. Đề nghị người đi trên xe khách nêu trên tự cách ly, hạn chế tiếp xúc và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội để được tư vấn và hướng dẫn.

Liên quan đến Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn TP Hà Nội thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, hiện ngành y tế Hà Nội đã lên danh sách khoảng 680 đến 840 nghìn trẻ thuộc đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19. Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, TP Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, cũng như điều kiện cần thiết tại các cơ sở tiêm cho đối tượng này. Ngành y tế Hà Nội sẽ tiến hành tiêm cho trẻ ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ lượng vắc-xin cần thiết. Nếu vắc-xin không đủ, thành phố sẽ tiêm từ độ tuổi cao đến thấp; còn nếu bảo đảm được nguồn vắc-xin, thành phố sẽ triển khai tiêm diện rộng cho trẻ…

Chiều 28/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, 24 giờ qua phát hiện thêm 22 người mắc Covid-19. Ngoài ra, có chín người là công dân từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về 5 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện cách ly tập trung được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả bệnh nhân được chuyển đến cách ly, điều trị tại hai cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Thanh Hóa.

 Ngày 28/10, Sở Y tế Đồng Tháp yêu cầu Trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tầm soát cho tất cả người ngoài tỉnh về cư trú tại địa phương; tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe và xử lý kịp thời các ổ dịch. Sở Y tế không yêu cầu xét nghiệm đối với người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ, người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng Covid-19 hơn 14 ngày. Đối với những người từ tỉnh khác đi ngang qua địa bàn tỉnh, người đến địa bàn tỉnh về trong ngày và người dân đi ra khỏi tỉnh về trong ngày cũng không cần xét nghiệm SARS-CoV-2.

Theo thông tin từ Bộ Y tế: Tính đến ngày 27/10, tại 63 tỉnh, thành phố thực hiện đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” có 7.264 xã, phường cấp độ một (68,5%); 3.126 xã, phường cấp độ hai (29,5%); 145 xã, phường cấp độ ba (1,4%); 67 xã, phường cấp độ bốn (0,6%). (Nhân dân, trang 8).

Địa phương có trên 10 hộ F0 kích hoạt trạm y tế lưu động

Chiều 28-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo định kỳ dưới sự chủ trì của các đồng chí: Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM. Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, sau gần 1,5 ngày thực hiện, thành phố đã tiêm vaccine Pfizer cho 39.756 cho trẻ 12-17 tuổi tại 20 quận huyện và TP Thủ Đức. Có 167 trường hợp hoãn tiêm, 1 học sinh chống chỉ định, 4 học sinh cần chuyển viện để tiêm. Các điểm tiêm tổ chức an toàn về y tế lẫn phòng chống dịch; chưa ghi nhận trường hợp có phản ứng phụ nặng sau tiêm.

Trong ngày, Sở Y tế TPHCM có văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các quận huyện, TP Thủ Đức về việc hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý F0 tại cộng đồng. Nơi ở của F0 được xem là “ổ dịch hộ gia đình” và phải được xử lý ngay khi xác định thông tin ca dương tính. F0 được khám và đánh giá sức khỏe. Nếu có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh, khó thở, SpO2 dưới 96%), tổ phản ứng nhanh đến cấp cứu và chuyển người bệnh vào viện. F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly điều trị tại nhà (nếu đủ điều kiện) và cấp túi thuốc A-B, C.

Địa bàn phường xã phát hiện trên 10 hộ có trường hợp F0 phải kích hoạt một trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc họ tại nhà. Nếu trên 50-100 hộ có F0 địa phương cần kích hoạt thêm trạm y tế lưu động. Tất cả thành viên sống cùng nhà với F0 được xét nghiệm nhanh kháng nguyên và cách ly 14 ngày. Khu vực dân cư có từ 2 hộ gia đình có F0 trở lên được gọi là “ổ dịch cộng đồng” và được phong tỏa tạm thời trong 24 giờ. Tất cả người dân trong ổ dịch được test nhanh trong 2-4 giờ.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú thông tin: Căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh, UBND TPHCM giao UBND quận 7 và TP Thủ Đức xem xét quyết định cụ thể địa bàn thuộc phạm vi quản lý được thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán đồ uống có cồn. Thời gian thực hiện thí điểm từ nay đến hết ngày 15-11. Như vậy, UBND 2 địa phương trên phải đánh giá theo yêu cầu phòng chống dịch thực tế của địa phương để chọn ra khu vực, địa điểm, phường được thí điểm bán đồ uống có cồn. Sau ngày 15-11, thành phố mới có quyết định cho phép các quận, huyện còn lại được mở bán tại chỗ có kinh doanh đồ uống có cồn, do đó việc đánh giá tổ chức thực hiện phải rất thận trọng.

Về hệ thống nhà hàng tổ chức tiệc cưới, ông Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, việc sử dụng đồ uống có cồn là được phép, kể cả sau 21 giờ. Tuy nhiên, số lượng người tham dự phải tuân thủ theo Chỉ thị 18. (Sài gòn giải phóng, trang 8).

TPHCM công khai giá xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế

Ngày 28-10, Sở Y tế TPHCM đã công khai danh sách các cơ sở y tế được cung ứng dịch vụ xét nghiệm và giá thu xét nghiệm Covid-19. Theo Sở Y tế, đến nay đã có 59 cơ sở y tế trên địa bàn đã được Bộ Y tế thẩm định cho phép thực hiện dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR.

Giá xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn) tại các cơ sở y tế công lập là 734.000 đồng/mẫu đơn và tại các cơ sở y tế tư nhân từ 734.000 đến 1.500.000 đồng/mẫu đơn.

Theo quy định, kỹ thuật này được chỉ định để chẩn đoán xác định các ca lâm sàng tại các cơ sở điều trị, ngoài ra có thể chỉ định để tầm soát các trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng và điều tra dịch tễ, các trường hợp này người bệnh không phải đóng phí (do BHYT hoặc ngân sách nhà nước chi trả).

Trường hợp các cơ sở y tế có thực hiện kỹ thuật này (hoặc có hợp đồng với cơ sở được phép thực hiện) nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân (không triệu chứng, xuất cảnh…) thì thu phí xét nghiệm đúng giá theo quy định nếu là cơ sở y tế công lập, theo giá kê khai nếu là cơ sở y tế tư nhân.

Đối với kỹ thuật xét nghiệm kháng nguyên nhanh, tính đến nay đã có 169 cơ sở y tế nộp hồ sơ và đã được Sở Y tế thẩm định cho phép cung ứng dịch vụ kỹ thuật này. Tại các cơ sở y tế công lập giá xét nghiệm kháng nguyên nhanh dao động từ 60.345 đến 198.000 đồng/mẫu và tại các cơ sở y tế tư nhân là 150.000 đến 500.000 đồng/mẫu.

Kỹ thuật xét nghiệm kháng nguyên nhanh không thay thế cho xét nghiệm RT-PCR mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19. Trường hợp cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho các đối tượng ngoài phạm vi chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước thì thu theo giá test mua vào.

Đối với các trường hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh theo yêu cầu, các cơ sở y tế tư nhân thu theo giá kê khai.

Thanh tra Sở Y tế tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cơ sở y tế cung ứng dịch vụ xét nghiệm Covid-19 không đúng theo quy định… (Sài gòn giải phóng, trang 8).

Hà Nội sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho khoảng 680.000- 840.000 trẻ với 2 phương án

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, ngay khi nhận được vaccine, thành phố sẽ tổ chức tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi, với số lượng khoảng 680.000- 840.000 trẻ… Sáng 28-10, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, ngành y tế đã lên danh sách khoảng 680.000- 840.000 trẻ thuộc đối tượng tiêm vaccine COVID-19.

Hiện nay, thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, cũng như điều kiện cần thiết tại các cơ sở tiêm chủng cho trẻ và triển khai tiêm chủng ngay sau khi được phân bổ lượng vaccine từ Bộ Y tế.

Về kế hoạch cụ thể tiêm vaccine cho nhóm đối tượng 12 – 17 tuổi, Hà Nội sẽ ưu tiên theo thứ tự nhóm tuổi cao đến thấp, trẻ trong độ tuổi từ 16 – 17 tuổi sẽ tiêm trước.

Còn về địa điểm tiêm, Hà Nội đã lên 2 phương án. Nếu học sinh đi học đầy đủ, sẽ tiêm tại trường học, bởi thời gian qua ngành Y tế và ngành Giáo dục đã phối hợp rất tốt trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Còn nếu dịch diễn biến phức tạp, sẽ tiêm tại cộng đồng.

Theo ông Tuấn, công tác chuẩn bị và triển khai tiêm chủng cho đối tượng này sẽ đặc biệt khó khăn hơn, do số lượng người nhà buộc phải đi cùng trẻ khi tiêm, cũng như những tâm lý lo sợ điển hình ở trẻ, như hiệu ứng dây chuyền, hiệu ứng blouse trắng…

“Nhìn chung, phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 ở trẻ 12 – 17 tuổi hầu như không có gì quá khác biệt so với người lớn”- Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết. (An ninh Thủ đô, trang 1).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/6/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 02/11/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/9/2021

CDC Hà Nam