Điểm báo ngày 29/9/2020

(CDC Hà Nam)
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia điều trị HIV/AIDS tốt nhất; Kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt đến 1.000.000 đồng; Có 3 ca mắc COVID-19 mới, được cách ly sau khi nhập cảnh; Thế giới ngợi ca Việt Nam thành công trong kiểm sóa dịch COVID-19…

Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia điều trị HIV/AIDS tốt nhất

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết điều này khi trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) tại phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, sáng 28/9… (Sức  khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt đến 1.000.000 đồng

Đây là một trong rất nhiều nội dung mới Nghị định 117 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký và ban hành có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế nghị định 176) .

Quy đinh rõ các vi phạm và mức xử phạt

Theo đó, Nghị định 117 đã quy định rất rõ vi phạm cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đặc biệt, tại điểm b, mục 2 Điều 30 của dự thảo nghị định quy định phạt từ 500.000-1.000.000 đồng với hành vi xúi giục, kích động lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng người quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng khi không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức; không thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức. Bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng khi không thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại của rượu bia.

Lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong địa điểm không uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý, điều hành; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người trong cơ quan thực hiện đúng quy định về không được uống, bán rượu, bia tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 117 mới được ban hành quy định rất rõ mức xử phạt đối với các quảng cáo rượu, bia vi phạm quy định. Những quảng cáo vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 15- 20 triệu đồng khi sử dụng người chưa 18 tuổi trực tiếp tham gia quảng cáo.

Cùng với đó, cũng sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo rượu có nồng độ cồn dưới 15 độ và quảng cáo bia có thông tin, hình h khuyến khích uống rượu, bia; thông tin có nội dung, hình ảnh thể hiện rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.

Đáng lưu ý, tại điều 33, dự thảo Nghị định quy định phạt tiển từ 20 triệu -30 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ với các hình thông tin, nội dung hình ảnh thể hiện rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, hấp dẫn về giới tính…Hoặc sử dụng những vật dụng, hình ảnh, biểu tượng âm nhạc trong phim nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên, sử dụng hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi để quảng cáo rượu bia.

Từng địa phương, bộ ngành phải quyết liệt phòng chống rượu, bia

Phát biểu tại Hội nghị  Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, các bằng chứng khoa học đã chỉ ra tác hại của rượu bia như: gây chấn thương do tai nạn giao thông, loạn thần… hay một số tác hại lâu dài về sau như ung thư, tim mạch, xơ gan, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng bia rượu.

Tổ chức y tế thế giới WHO cũng coi  rượu bia là nguyên nhân thứ 5 trong nhiều nguyên nhân gây ra các ca tử vong  trên toàn cầu.

Không dừng lại ở đó, rượu bia còn có tác hại lớn đối với mỗi gia đình khi có người sử dụng rượu bia, nó làm suy giảm chất lượng nhân lực phá vỡ mối quan hệ gia đình và xã hội.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh, do ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng, nên bia, rượu ở nước ngoài là loại hàng hoá ở hầu hết quốc gia kiểm soát chặt chẽ không khuyến khích tiêu dùng.

Các bằng chứng khoa học chứng minh: rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10, là một trong bốn yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới đối với công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để phòng, chống tác hại của rượu bia  có hiệu quả thì mỗi địa phương nên thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của rượu, bia; xây dựng kế hoạch triển khai Luật phòng, phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghi định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu quả. Từng bộ, ngành phải quyết liệt phòng, chống rượu, bia. Nếu để công chức, viên chức vi phạm quy định thì phải xử phạt nghiêm. Từ đó, làm tốt việc nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. (Sức  khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Có 3 ca mắc COVID-19 mới, được cách ly sau khi nhập cảnh

Chiều 28/9, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước ta lên 1.077 trường hợp. Các ca bệnh mới đều là chuyên gia, nhập cảnh từ Trung Quốc và Ấn Độ sang Việt Nam, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bộ Y tế cho biết, 3 ca mắc mới (BN1075-1077) đều là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Phú Thọ (2 ca) và Hà Nội (1 ca). Cụ thể:

Ca bệnh 1075 (BN1075): Nam, SN 1987, quốc tịch Đài Loan – Trung Quốc, là chuyên gia kỹ thuật.

Ca bệnh 1076 (BN1076): Nam, SN 1962, quốc tịch Đài Loan – Trung Quốc, là chuyên gia kỹ thuật.

Ngày 18/9/2020, cả 2 bệnh nhân trên từ Quảng Đông, Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn và được cách ly tập trung ngay sau nhập cảnh tại tỉnh Phú Thọ.

Ngày 19/9, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 27/9, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và kết quả ngày 28/9 là cả 2 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 2 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Ca bệnh 1077 (BN1077): Nam, SN 1972, quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia. Ngày 13/9, bệnh nhân nhập cảnh từ Ấn Độ trên chuyến bay số hiệu 6E8979 và được cách ly tập trung ngay tại Hà Nội. Kết quả xét nghiệm lần 1 vào ngày 15/9 là âm tính với SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm lần 2 vào ngày 28/9 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) đến chiều nay là 16.829 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện đã có 999 người được chữa khỏi COVID-19. Cả nước còn 43 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 19 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 đến 3 lần. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Thế giới ngợi ca Việt Nam thành công trong kiểm xóa dịch COVID-19

Truyền thông Indonesia những ngày gần đây liên tục đăng tải các bài viết ca ngợi sự thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 giúp cho nền kinh tế của Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng trước sự ngưỡng mộ của các quốc gia trên thế giới. Giới truyền thông Indonesia cho rằng để làm được điều này, Việt Nam thực sự đã có bí quyết mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Quyết sách chính xác, nhanh chóng và kịp thời

Truyền thông Indonesia dẫn lời ông Ibnu Hadi – Đại sứ Indonesia tại Việt Nam cho rằng, bí quyết thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch Covid-19 giúp tăng trưởng kinh tế chính là việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các quyết sách chính xác, nhanh chóng và kịp thời. Các quyết sách này đã được tất cả các tầng lớp trong xã hội Việt Nam ủng hộ và thực hiện rất nghiêm túc.

Truyền thông Indonesia cho rằng, đại dịch Covid-19 đã thực sự “tấn công” tất cả các nền kinh tế trên thế giới và nền kinh tế của Việt Nam cũng không thoát khỏi vòng xoáy này. Tuy nhiên, trong lúc các nền kinh tế đang bị “tổn thương” nghiêm trọng, thậm chí nhiều quốc gia chính thức bước vào giai đoạn suy thoái, nền kinh tế Việt Nam lại chứng tỏ khả năng phi thường khi có mức tăng trưởng tích cực.

Theo Đại sứ Ibnu Hadi, quý I-2020, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 3,82%. Trong khi đó, trong quý II-2020 là giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất tại Việt Nam, nhưng kinh tế nước này vẫn tăng trưởng ở mức dương, cụ thể là 0,36%. Vị Đại sứ này cho biết Việt Nam điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 xuống còn từ 2-2,5% do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.

Cũng theo Đại sứ Ibnu Hadi, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngành xuất khẩu. Nhưng nhờ có sự đánh giá và dự báo chính xác tình hình nên Chính phủ Việt Nam đã sớm đưa ra những quyết sách đúng đắn để giảm thiểu các tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra và giúp cho nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng tích cực, ấn tượng. Việt Nam đã sớm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hoạt động trong điều kiên tốt nhất, thoải mái nhất, phát huy tối đa thế mạnh của từng doanh nghiệp trong giai đoạn bệnh dịch.

Các mặt hàng thế mạnh như hàng may mặc, giầy dép và thiết bị y tế được Việt Nam tập trung thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, sức mạnh tổng thể đã được huy động, nền kinh tế của Việt Nam đã rất kiên cường, phát triển tích cực trươc sự ngưỡng mộ không chỉ của các quốc gia trong khu vực mà của tất cả các quốc gia khác trên thế giới.

Tất cả hệ thống chính trị đã vào cuộc

Tại đợt bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19, Việt Nam cũng đã thực hiện rất tốt và kiểm soát bệnh dịch một cách nhanh chóng, có hiệu quả khi phong tỏa khu vực lây nhiễm bệnh dịch cục bộ thay vì phong tỏa trên diện rộng như đã thực hiện tại đợt bùng phát dịch lần thứ nhất. Chính điều này đã giúp cho nền kinh tế của Việt Nam vẫn vận hành bình thường và không bị thiệt hại.

Trích lời Đại sứ Ibnu Hadi, truyền thông Indonesia cho rằng để làm tốt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, tất cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã vào cuộc, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương phối hợp thực hiện đồng bộ và nhịp nhàng. Bên cạnh đó, người dân có tính kỷ luật cao, chấp hành tốt mọi quy định của Chính phủ. Tất cả những yếu tố trên đã tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp cho Việt Nam thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Theo Đại sứ Ibnu Hadi, những bí quyết của Việt Nam cũng cần được nhanh chóng phổ biến rộng rãi để các quốc gia khác áp dụng với mục đích chung ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Lý giải về thành công của Việt Nam, Hãng tin ABC (Australia) cho biết ngay từ đầu của đại dịch, Việt Nam đã vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt để chống lại đại dịch. Tháng 6-2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá ngay từ giai đoạn đầu, Việt Nam đã thông tin rất minh bạch về dịch bệnh. Giáo sư Guy Thwaites – Giám đốc Cơ sở nghiên cứu lâm sàng trường Đại học Oxford, có trụ sở tại TP.HCM cho biết: “Cách ứng phó của Việt Nam với dịch Covid-19 không phải là cách ứng phó công nghệ cao, mà là cách ứng phó rất nhanh và được tổ chức rất tốt”.

Trong đợt dịch thứ hai này, theo Giáo sư Guy Thwaites, Việt Nam đã thực hiện tất cả những biện pháp đơn giản đã làm lần trước nhưng với quy mô lớn hơn và rất nhanh chóng. Điểm khác biệt là trong lần này, là việc lấy mẫu được tiến hành theo nhóm 5 hoặc 6 người để được xét nghiệm cùng một lúc. Nếu có kết quả dương tính, tất cả các mẫu sẽ được xét nghiệm riêng. Tất cả các thành viên trong mỗi gia đình tham gia một mẫu xét nghiệm.

Các cộng đồng hoặc các khu vực có các ca nhiễm được phát hiện sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước. Theo Giáo sư Guy Thwaites, bằng cách đó, họ có thể xét nghiệm tương đương với khoảng 100.000 người thông qua khoảng 20.000 xét nghiệm. Điều này cho phép tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc.

* Hãng tin ABC (Australia) nhận định, thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra cho Việt Nam không nghiêm trọng như các nước láng giềng trong khu vực.

* Công ty Tư vấn quốc tế PricewaterhouseCoopers cho biết, Việt Nam vẫn được dự đoán là một trong số ít quốc gia sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2020, trong khi phần còn lại của thế giới đang rơi vào suy thoái.

* Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay, trở thành một trong những nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất không bị tăng trưởng âm. (An ninh Thủ đô, trang 16).

Nhiều bệnh viện đẩy giá thiết bị y tế

Theo thông tin của Tuổi trẻ, tình trạng nâng giá thiết bị y tế xuất hiện ở nhiều bệnh viện, khiến giá thiết bị y tế bị đẩy lên rất cao so với thực tế, người bệnh bị “móc túi”  trong khi phần lợi nhuận trên giấy tờ mà bệnh viện nhận được rất ít ỏi … (Tuổi trẻ, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/8/2018

admin

Điểm báo ngày 17/2/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận