Giám sát trọng điểm Covid-19 tại chung cư Phạm Viết Chánh, TP.HCM
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết xét nghiệm sàng lọc, giám sát trọng điểm Covid-19 tại chung cư Phạm Viết Chánh, TP.HCM.
Trước việc lan truyền trên mạng văn bản do P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM thông tin về việc lấy mẫu xét nghiệm phòng ngừa Covid-19 toàn bộ cư dân cư trú tại tầng 12 lô D, chung cư Phạm Viết Chánh trên địa bàn, tối 29.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) cho biết đây là xét nghiệm sàng lọc giám sát trọng điểm.
Theo đó, chung cư Phạm Viết Chánh có bệnh nhân (BN) 326 mới được ra viện sau đợt điều trị. Sau thời gian điều trị, BN 326 đã được công bố khỏi bệnh ngày 9.5. BN tiếp tục được cách ly 14 ngày tại khu cách ly của Q.Bình Thạnh sau khi khỏi bệnh và đã về nhà tại tầng 12 lô D, chung cư Phạm Viết Chánh được 6 ngày nay. Khi về chung cư tại Q.Bình Thạnh, BN tiếp tục được xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra.
Ngày 20.6 vừa qua, BN có kết quả dương tính yếu với virus SARS-CoV-2. Để bảo đảm an toàn và chủ động phòng ngừa dịch Covid-19, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM yêu cầu người dân sống cùng tầng với BN 326 tại chung cư Phạm Viết Chánh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để giám sát trọng điểm.
* Thêm 5 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh
Chiều 29.6, Ban chỉ đạo thông báo trong ngày, 5 BN Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) đã được công bố khỏi bệnh, là các BN thứ 344, 346, 348, 351 và 352. Đây là các BN từ nước ngoài về Việt Nam trong tháng 6, trong đó, ca mắc nhỏ tuổi nhất là BN 346 (nam, 6 tuổi, vào viện ngày 19.6). Đến nay, đã có 335/355 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam được điều trị khỏi.
Ban chỉ đạo cũng cho biết trong 2 ngày 28 – 29.6, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với các cơ quan chức năng đưa hơn 280 công dân Việt Nam từ Pháp và các nước lân cận về nước.
Tất cả hành khách được cách ly và kiểm tra y tế ngay khi đến sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Theo Ban chỉ đạo, để kiểm soát nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam, trong nước tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới. Việc kiểm soát người nhập cảnh phải được đặt lên hàng đầu, tất cả ca nhập cảnh phải được cách ly, thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định. (Thanh niên, trang 8; Nhân dân, trang 5).
Xóa khoảng cách y tế tuyến trên với tuyến dưới
Mô hình khám chữa bệnh từ xa đang mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao hiệu quả điều trị. Người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, đồng thời giảm bớt được sự vất vả, tốn kém mỗi khi bệnh tật, ốm đau.
Hình thức này đang dần tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn.
Kịp thời, hiệu quả
Tại TPHCM, trong thời gian dịch Covid-19 đã có nhiều cơ sở y tế triển khai phương án hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh tại nhà cho người dân. Điển hình là mô hình khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng ứng dụng (True Conf.) tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp. TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho biết, từ tháng 3-2020, trung tâm đã triển khai thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa, thông qua hệ thống telemedicine cho người dân trên địa bàn với các điểm cầu đặt tại Trạm y tế phường 16, phường 8, phường 12 và Phòng khám Đa khoa Nguyễn Thái Sơn. Theo đó, hàng ngày có 1-2 điều dưỡng đến tận nhà người bệnh, thực hiện kiểm tra huyết áp, đo đường huyết…
Sau đó dùng máy tính bảng kết nối với bác sĩ tại trạm y tế để được thăm khám và kê đơn thuốc. Là người được thụ hưởng trực tiếp loại hình khám chữa bệnh này, bà Lê Thị Yến (ngụ phường 16, quận Gò Vấp) cho biết khá hài lòng với loại hình dịch vụ khám chữa bệnh này khi thường xuyên có y bác sĩ đến tận nhà thăm khám cho mình. “Tôi bị tiểu đường nhiều năm nay, trước đây cứ 2 tuần một lần phải lên trạm y tế phường để khám bệnh, nhưng gần đây tôi bị viêm khớp, việc đi lại hơi khó khăn. Từ ngày trạm y tế mở dịch vụ khám tại nhà, tôi được các cô đến tận nhà đo huyết áp, thử đường huyết, sau đó bác sĩ ở trên trạm cho thuốc luôn mà không cần phải đến tận nơi”, bà Yến chia sẻ.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, mô hình khám chữa bệnh từ xa đã góp phần lấp đầy khoảng trống vốn khá phổ biến hiện nay trong công tác chăm sóc ban đầu cho người dân tại các trạm y tế. Trong đó, đáng chú ý là lấp được khoảng trống giữa nhu cầu chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi và nguồn nhân lực vốn còn hạn chế của các trạm y tế, nhất là bác sĩ. Khám bệnh từ xa cũng giúp đảm bảo tính liên tục trong điều trị tại bệnh viện (BV) và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng. Ngoài ra, việc hội chẩn trực tuyến cũng giúp bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, thu hẹp khoảng cách giữa các bác sĩ làm công tác khám chữa bệnh ban đầu. “Từ những tín hiệu lạc quan của mô hình thí điểm tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, chúng tôi sẽ xây dựng quy trình khám chữa bệnh từ xa một cách chặt chẽ và kiến nghị Bộ Y tế xem xét chi trả BHYT cho người dân đối với hình thức khám bệnh này”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay.
Vươn cao, vươn xa hơn
Trước hiệu quả của hình thức khám chữa bệnh từ xa, mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt và triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Đề án đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết thêm, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã áp dụng công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Qua đó, tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên tuyến dưới. “Qua dịch Covid-19 càng khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa mà bệnh nhân phi công người Anh (bệnh nhân thứ 91) là một ví dụ điển hình. Các chuyên gia đầu ngành đã thường xuyên hội chẩn trực tuyến, tìm ra các giải pháp tốt nhất điều trị người bệnh. Nhờ đó, nam phi công đã có những hồi phục kỳ diệu”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê dẫn chứng.
Nhận định về vai trò quan trọng của khám chữa bệnh từ xa, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, nêu rõ Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” hướng tới mục tiêu tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết và thường xuyên, góp phần giảm sự chênh lệch về chuyên môn giữa tuyến trung ương và địa phương. Mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết. “Việc thực hiện đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau”, Thứ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Thực hiện nghiêm luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 3368/BYT-BHYT về việc tăng cường truyền thông về chính sách, pháp luật BHYT và kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 1/7/2020 với chủ đề truyền thông năm 2020: “Thực hiện nghiêm Luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 1/7 hàng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”; nhằm tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật BHYT hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, BHXH các tỉnh, thành phố và các sở, ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các hoạt động sau:
Sở Y tế, BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông, tuyên truyền về BHYT, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT gắn với việc thực hiện chỉ tiêu phát triển BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020 nhằm duy trì tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh, thành phố đã đạt được và tiếp tục bao phủ phần dân số chưa tham gia BHYT; trong đó, đặc biệt tuyên truyền để 100% đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT, tăng tỷ lệ hộ gia đình tham gia BHYT với toàn bộ thành viên.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành có các biện pháp truyền thông, tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để người dân hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHYT và khám chữa bệnh BHYT.
Theo Bộ Y tế, đến hết năm 2019 có 85,945 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 89% dân số; ước tính đến tháng 6/2020 có 85,428 triệu người tham gia BHYT, tăng 828.000 người so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 517.000 người so với thời điểm hết năm 2019 (nguyên nhân là do dịch bệnh COVID, người lao động tại một số doanh nghiệp không có việc làm), đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số, hoàn thành chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao (Đảng, Quốc hội giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 là trên 80%), đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 (năm 2019 Thủ tướng giao 88,1%), trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.
Với kết quả này, mục tiêu đến hết năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là có khả năng thực hiện được và phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% dân số tham gia BHYT theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).
Về đích trước 5 năm, Bộ Y tế hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông có 4 mức độ DVCTT, trong đó DVCTT mức độ 4 cho phép người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính đối với cơ quan nhà nước hoàn toàn qua mạng internet, kể cả thanh toán lệ phí (nếu có)… Đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, kết nối với Cổng Dịch vụ Công Bộ Y tế. Thông tin được đưa ra tại Lễ công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức 4 do Bộ Y tế tổ chức sáng 30/6… (Sức khỏe & Đời sống, trang 9).
Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế
Hiện, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 30 cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng bảo hiểm y tế (BHYT) trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội, trong đó có 20 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập.
Tính đến hết tháng 5-2020, toàn tỉnh có hơn một triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 91,57% dân số. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân yên tâm tham gia BHYT, cùng với việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thay đổi thái độ phục vụ người bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách về BHYT để thu hút người dân tham gia. Theo đó, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi của BHYT, đồng thời thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ 100% số hộ cận nghèo tham gia BHYT từ năm 2013; hỗ trợ phần cùng chi trả khám, chữa bệnh BHYT, tiền ăn, tiền đi lại cho người nghèo, người bị ung thư, người chạy thận nhân tạo khi điều trị nội trú; cấp thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Tỉnh phấn đấu hết năm 2020, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93%. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm.
* Tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức, bộ máy; thực hiện giảm biên chế, giảm đầu mối nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tỉnh đã phê duyệt Ðề án sắp xếp tổ chức bộ máy Hội Chữ thập đỏ tỉnh; thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh; thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh.
Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy. Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án sáp nhập Phòng Quản lý khoa học và Phòng Quản lý khoa học cơ sở; sáp nhập hai phòng của Chi cục Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng tỉnh; đề xuất phương án sáp nhập Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn với Trung tâm Thông tin Khoa học công nghệ và Tin học. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện đề án thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn trên cơ sở sắp xếp lại các ban quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện giải thể Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sĩ, thẩm định đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của 16 đơn vị trực thuộc…
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua sát hạch công chức định kỳ. Vừa qua, Sở Tài chính tổ chức kỳ thi kiểm tra, sát hạch công chức năm 2020 cho 73 cán bộ, công chức. (Nhân dân, trang 1).
Vụ truyền thuốc hết hạn sử dụng cho bệnh nhi: Chuyển công an điều tra
Liên quan đến vụ truyền thuốc hết hạn sử dụng cho bệnh nhi, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra.
Ngày 29.6, bác sĩ CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Truyền máu huyết học (TMHH) TP.HCM, đã có thông tin báo chí về việc nhân viên y tế BV này sử dụng thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250 mg – gọi tắt là ATG) hết hạn sử dụng cho bệnh nhân (BN).
Theo ông Dũng, BV đã tổ chức họp khẩn để nghiêm túc rút kinh nghiệm và tạm đình chỉ công tác những cá nhân liên quan; xác minh, làm rõ về nguyên nhân vụ việc. Đồng thời, BV cũng chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra. Hiện BN vẫn sinh hoạt bình thường, sinh hiệu ổn định và đang được BV chăm sóc, theo dõi liên tục.
Như Thanh Niên thông tin, tối 24.6, BV TMHH nhận được phản ánh của thân nhân BN L.T.K.C (4 tuổi, chẩn đoán suy tủy) về việc BN được cấp phát và sử dụng thuốc ATG hết hạn sử dụng. Ngay khi nhận được phản ánh, BV đã cho dừng ngay lập tức y lệnh và kiểm tra lại hạn dùng của thuốc.
Qua kiểm tra phát hiện 2 lọ thuốc ATG được cấp phát cho BN L.T.K.C có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1.2020 (trong đó có 1 lọ đã sử dụng xong và 1 lọ đã sử dụng 4 ml/100 ml thuốc đã pha). Trong khi đó, kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc BV thì 2 lọ thuốc này lại có hạn sử dụng là 11.2021 (Thanh niên, trang 3).