Điểm báo ngày 30/6/2022

(CDC Hà Nam)
Tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế; Vi phạm trong mua sắm kit xét nghiệm Covid- 19: Kiểm điểm lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng; Dừng công bố số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày; Dấu hiệu tội phạm liên quan đến 33 gói thầu tại CDC Đà Nẵng; Yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo việc cán bộ y tế xin thôi việc; Biến thể phụ BA.5: Không quá lo lắng

Tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế

Ngày 29-6, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện trực thuộc và Sở Y tế các tỉnh thành về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương và giải pháp khắc phục.

Chậm đấu thầu, thiếu tích cực đàm phán

Theo Bộ Y tế, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai, chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ. Đặc biệt một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế có vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, tới công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh. Do đó, đề nghị các đơn vị chức năng và các địa phương quan tâm, nỗ lực giải quyết theo thẩm quyền vấn đề này; báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế phối hợp cùng các bộ ngành liên quan từng bước tháo gỡ vướng mắc những nội dung cần phối hợp. Nội dung nào vượt thẩm quyền, Bộ Y tế sẽ cùng các bộ ngành liên quan báo cáo cấp trên xem xét. Riêng về Thông tư 14 “Quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập” đang được các bệnh viện và địa phương quan tâm, đề nghị Vụ Trang thiết bị và công trình y tế tiếp thu, có văn bản hướng dẫn cụ thể, trao đổi lại với các đơn vị, các địa phương.

Thiếu nhiều loại thuốc và thiết bị y tế

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế, đến nay đã có 28 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương; 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Cùng với đó, có 26 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm. Đồng thời, có 14 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu: thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, để tăng cường năng lực, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác mua sắm, đấu thầu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hiện hành liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ kế hoạch.

Đặc biệt, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn đôn đốc các bệnh viện, địa phương mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đáp ứng việc khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Đồng thời, Bộ Y tế đã cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm chẩn đoán in vitro; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách, 856 số lưu hành đối với trang thiết bị y tế. Xây dựng Cổng thông tin điện tử để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế kê khai, công khai giá trang thiết bị y tế theo quy định.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc và mới đây Cục Quản lý dược đã công bố đợt 1 danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn hiệu lực số đăng ký với 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30-6. Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định.

Bộ Y tế đề nghị có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh và phòng chống bệnh dịch cho nhân dân trên địa bàn. Tăng cường nhân lực làm chuyên trách quản lý về trang thiết bị y tế tại Sở Y tế và các cơ sở y tế. Tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định về kê khai giá trang thiết bị y tế để phổ biến, tập huấn cho các đơn vị trên địa bàn; tổ chức thực hiện đúng quy định, tránh việc chậm trễ trong mua sắm, đầu thầu trang thiết bị y tế (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Vi phạm trong mua sắm kit xét nghiệm Covid- 19: Kiểm điểm lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng

Thanh tra tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiến hành kiểm điểm người đứng đầu Sở Y tế Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2021 vì để xảy ra vi phạm, thiếu sót trong đấu thầu mua sắm kit xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện và trung tâm y tế.

Thanh tra tỉnh Cao Bằng vừa ban hành kết luận thanh tra số 303/KL-TTr về việc thanh tra đột xuất mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, test kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR Covid-19 đối với các đơn vị: Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tĩnh Túc, Bệnh viện Đa khoa Trùng Khánh, Bệnh viện Đa khoa Hà Quảng; các Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang, Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình, Trung tâm Y tế huyện Trùng Khánh, Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng và Trung tâm Y tế huyện Quảng Hòa.

Qua thanh tra cho thấy, trong hai năm 2020 – 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các bệnh viện và trung tâm y tế đã thực hiện công tác hậu cần để chống dịch cơ bản đảm bảo, các hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế thực hiện kịp thời, sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng nêu một số tồn tại, hạn chế, điển hình như các trung tâm y tế nêu trên đã tổ chức thực hiện mua sắm các gói thầu có giá trị lớn hơn 500 triệu đồng theo các quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Sở Y tế nhưng chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND.

“Việc Sở Y tế tỉnh giao nhiệm vụ cho các Trung tâm y tế thực hiện gói thầu có giá trị hơn 500 triệu thể hiện Sở Y tế chưa thực hiện hết thẩm quyền”, kết luận thanh tra chỉ rõ.

Về việc thực hiện trình tự thủ tục mua sắm đối với các gói chỉ định thầu rút gọn, thanh tra tỉnh Cao Bằng cho biết, các cơ sở y tế còn tồn tại một số gói thầu thiếu quyết định mua sắm, một số gói thầu chưa thực hiện công khai kết quả chỉ định thầu; chưa kiểm tra, đánh giá, phân tích tính chính xác, hợp lý trong việc xây dựng giá gói thầu trước khi trình phê duyệt.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thu, nộp kinh phí dịch vụ xét nghiệm nhanh tại Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang, Trung tâm Y tế huyện Trùng Khánh, Bệnh viện Tĩnh Túc…bị thu vượt so với quy định Công văn số 5378/BYT-KHTC.

Kết luận thanh tra đánh giá, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bệnh viện và trung tâm y tế thiếu kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phòng chống dịch Covid-19; chưa hướng dẫn kịp thời việc thực hiện trình tự thủ tục mua sắm đối với gói thầu có tính chất cấp bách…

Việc tổ chức thực hiện nhu cầu mua sắm và quản lý sản phẩm mua sắm là trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm tại các cơ sở y tế chưa thực hiện tốt quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, dễ xảy ra thất thoát lãng phí trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Từ những vi phạm, thiếu sót đã nêu, thanh tra tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiến hành kiểm điểm người đứng đầu Sở Y tế Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2021, căn cứ mức độ vi phạm xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.

Yêu cầu Trung tâm y tế các huyện và bệnh viện bị thanh tra phải chấn chỉnh ngay công tác quản lý mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, thực hiện các quy định về thẩm định giá nhà nước theo quy định; tiến hành kiểm điểm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, căn cứ mức độ sai phạm để xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định (Tiền phong, trang 11).

 

Dừng công bố số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày

Chiều tối 29-6, Bộ Y tế cho biết, kể từ hôm nay 29-6, thông tin về tình hình dịch Covid-19 hàng ngày sẽ dừng công bố số ca mắc mới hàng ngày. Tuy nhiên, số ca khỏi bệnh, tử vong cũng như số mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 mỗi ngày vẫn sẽ được công bố.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.745.631 ca mắc Covid-19, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.457 ca mắc). Về điều trị, trong ngày, cả nước có thêm 9.387 người mắc Covid-19 khỏi bệnh, nâng số được điều trị khỏi lên hơn 9,67 triệu người. Hiện còn 49 bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở oxy và thở máy. Cùng với đó không ghi nhận thêm ca tử vong, số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 43.087 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc. Trong ngày 28-6 có 527.610 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là hơn 231,4 triệu mũi các loại (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Dấu hiệu tội phạm liên quan đến 33 gói thầu tại CDC Đà Nẵng

Ngày 29/6, Thanh tra TP Đà Nẵng đã có thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng).

Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại CDC từ 17/2-5/5, không kiểm tra, xác minh các gói thầu có liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á mà cơ quan công an đã có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu…

Hợp thức hoá báo giá, nhận hàng trước khi có kết quả chọn nhà thầu

Theo kết luận thanh tra, CDC không ban hành văn bản gửi các đơn vị cung cấp hàng hóa trên địa bàn đề nghị báo giá để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Có dấu hiệu hợp thức hóa các báo giá, ngày ghi trên báo giá sau thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, không đủ căn cứ để xây dựng giá gói thầu. Có gói thầu có tham khảo giá trúng thầu nhưng cao hơn giá được cơ quan thẩm quyền công bố trên cổng thông tin như: Bộ trang phục chống dịch cấp độ 2, khẩu trang y tế ba lớp, áo choàng y tế.

CDC Đà Nẵng còn tiếp nhận hàng trước thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là vi phạm Luật đấu thầu. Quá trình thanh tra còn phát hiện có chênh lệch hàng hóa giữa phiếu nhập kho và hợp đồng cung cấp hàng hóa phản ảnh việc nhập kho, theo dõi, quản lý tại trung tâm không đầy đủ, thiếu chặt chẽ.

Trung tâm thực hiện phân bổ vật tư y tế với giá trị hơn 1,3 tỉ đồng để thực hiện xét nghiệm COVID-19 có thu tiền đối với công dân nhập cảnh từ nguồn ngân sách nhà nước không đúng theo các quyết định của Sở Y tế nhưng chưa hoàn trả số tiền trên vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, trong tổ chức đấu thầu, CDC Đà Nẵng cũng bị xác định để sai sót trong việc thông báo chào giá, chào hàng cạnh tranh, thành phần báo giá, đăng tải thông báo mời chào, tiếp nhận báo giá, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, sử dụng báo giá của các nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ, nhà thầu trúng thầu không nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định.

Cơ quan thanh tra phát hiện trung tâm này phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn, chỉ định thầu rút gọn cho 1 nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ, vi phạm Luật đấu thầu.

Có dấu hiệu tội phạm

Đối với các nội dung có dấu hiệu tội phạm liên quan đến 33 gói thầu do Cửa hàng Đại Phát và Công ty Tam Lập Phát trúng thầu, Thanh tra thành phố đã chuyển cơ quan điều tra Công an thành phố điều tra, xử lý đối với các nội dung có dấu hiệu tội phạm theo quy định.

Cùng với kiến nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo cơ quan điều tra Công an thành phố tiến hành điều tra, xử lý đối với các nội dung có dấu hiệu tội phạm đã được thanh tra chuyển sang, Thanh tra thành phố cũng đề nghị Sở Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh về những vi phạm, hạn chế trong công tác hướng dẫn, thẩm định, phê duyệt mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, sinh phẩm…

Riêng CDC Đà Nẵng kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và có biện pháp xử lý về những vi phạm, hạn chế, thiếu sót trong mua sắm, đấu thầu, quyết toán kinh phí vật tư y tế, sinh phẩm. Đồng thời chỉ đạo tổ chức, rà soát và có biện pháp khắc phục thực hiện đúng quy định đối với công tác mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, sinh phẩm và nộp số tiền hơn 1,3 tỉ đồng vào Ngân sách nhà nước (Tiền phong, trang 11).

 

Yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo việc cán bộ y tế xin thôi việc

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có công văn gửi các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, viên chức, nhân viên y tế đang gặp nhiều khó khăn, vất vả; cường độ và áp lực công việc cao.

Cơ sở vật chất của các đơn vị y tế công lập còn hạn chế, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi, trong khi đó thu nhập lại bị giảm đáng kể, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong 2 năm vừa qua đã có nhiều viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Do đó, để có thông tin phục vụ công tác quản lý cũng như có biện pháp duy trì nhân lực y tế cần thiết làm việc tại các cơ sở y tế công lập nhằm bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc và nguyên nhân, thời điểm thống kê từ ngày 1-1-2022 đến ngày 15-6-2022.

Trước đó, tại nhiều địa phương trong cả nước có không ít y, bác sĩ đã xin nghỉ việc hoặc bỏ việc vì áp lực công việc (Sài Gòn giải phóng, trang 11; Công an nhân dân, trang 4).

 

Biến thể phụ BA.5: Không quá lo lắng

Biến thể phụ BA.5 của Omicron vừa xâm nhập vào Việt Nam được cho là lây lan nhanh hơn, nhưng chưa rõ có gây bệnh nặng hơn hay không. Tuy nhiên, một điểm khiến nhiều người quan tâm là BA.5 có thể gây bệnh ở người từng nhiễm các biến thể Omicron trước đó.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng biến thể phụ BA.5 thuộc biến thể Omicron nên chúng có một số đặc điểm tương tự các biến thể phụ khác của Omicron là có khả năng lây lan cao. Tuy nhiên, khả năng để BA.5 làm tăng số người mắc phải nhập viện và tử vong là ít hơn nhiều so với biến chủng Delta. Ông dự đoán, BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc COVID-19 và tạo ra một làn sóng dịch nhưng chưa phải là bùng phát dịch. Làn sóng dịch này cũng sẽ nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây. Do đó, người dân cần cảnh giác, nhưng không nên quá lo lắng với biến thể phụ này.

TS Sorroco Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết: “Khi virus tiếp tục lưu hành, chúng ta sẽ thấy xuất hiện nhiều biến thể mới. Các biến thể mới có thể dễ lây lan hơn và có thể gây ra bệnh nặng hơn. Các biến thể mới có thể dễ dàng lan truyền, đặc biệt là khi du lịch toàn cầu tăng lên. Các biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 tiếp tục có xu hướng tăng lên trên toàn cầu và đã được phát hiện lần lượt ở 62 và 58 quốc gia.

Ở một số quốc gia, sự gia tăng các trường hợp mắc cũng dẫn đến sự gia tăng nhập viện và cần chăm sóc tích cực. Một điều cần khẳng định là COVID-19 không phải là một bệnh nhẹ. Ngay cả khi bạn khỏe mạnh thì không có gì đảm bảo rằng khi mắc bệnh bạn sẽ bị nhẹ. Tiêm vắc xin, bao gồm cả liều nhắc lại, giúp ngăn ngừa việc mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện và tử vong”.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nói: “Chúng ta chưa biết được với ngưỡng kháng thể thế nào thì con người bảo vệ được khỏi COVID-19. Tuy nhiên, người đã mắc và đã tiêm vắc xin thì kháng thể tăng rất cao, thời gian bảo vệ lâu hơn”.

Ông Dũng cho rằng, tương tự các biến thể phụ Omicron trước, BA.5 có khả năng tránh vắc xin một phần. Tuy nhiên, vắc xin vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn biến nặng và tử vong đối với người nhiễm BA.5. Do đó, ông Dũng khuyến cáo người dân cần đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi có chỉ định. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại thứ 2) khi đã qua 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi 3.

Hiệu quả vắc xin giảm nhưng vẫn có hiệu lực bảo vệ

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, hiệu quả bảo vệ của vắc xin với biến thể Omicron có thể giảm nhưng vẫn có hiệu lực, vẫn tốt. So sánh 2 đợt bùng phát dịch vừa qua tại miền Nam và miền Bắc, chưa tiêm và đã tiêm, chúng ta có thể thấy năm ngoái số mắc rất cao, tử vong lớn, ca nặng nhập viện nhiều nhưng thời gian qua thì không. Điểm quan trọng của vắc xin là mắc bệnh không nặng, không tử vong. Dù biến thể phụ này lây lan nhanh nhưng thực tế, số ca mắc nặng không quá cao, không gây quá tải hệ thống y tế.

Các chuyên gia đều thống nhất ý kiến vắc xin phòng COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu lực đối với biến thể Omicron. Tuy nhiên, do hiệu lực bảo vệ của vắc xin không bền vững, sau một thời gian, miễn dịch giảm, nên sau khi tiêm hai mũi vắc xin liều cơ bản, người dân nên tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại để kích thích hệ thống miễn dịch. “Việc tiêm vắc xin, cần đặc biệt lưu ý đến đối tượng có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch… Những trường hợp trước chống chỉ định mà nay không chống chỉ định nữa thì cần rà soát để tiêm”, ông Phu nói (Tiền phong, trang 15).

 

Bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại

Các chuyên gia cho rằng, khi chưa khống chế được hoàn toàn dịch Covid-19 và trước nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới của vi-rút SARS-CoV-2, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều nhắc lại thật sự cần thiết, giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển bệnh nặng và tử vong do Covid-19.

Theo GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mặc dù số ca mắc, tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng ở một số khu vực, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện các biến chủng mới. Trước đây, lưu hành chủ yếu hai biến thể phụ của Omicron là BA.1, BA.2 thì đến nay một số nước ở khu vực châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số ca mắc. Thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá tính lây lan của hai biến thể phụ này; một số đánh giá nhỏ ban đầu cho thấy, hai biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định: Thế giới giới vẫn đang trong đại dịch, Omicron hiện là biến thể phổ biến, nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng. Vì vậy, các nước cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin, giám sát trọng điểm.

Tại Việt Nam, hiện vẫn duy trì đà giảm số ca mắc mới, tỷ lệ chết rất thấp, lưu hành chủ yếu là biến thể BA.2 của Omicron có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Có được điều này một phần do chúng ta đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, cũng như đã có những chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao. Tuy nhiên, hiện đã có sự xâm nhập biến thể phụ BA.5 của Omicron vào nước ta, và biến thể này có nguy cơ lấn át biến thể cũ.

PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết: Đến nay, gần 230 triệu mũi tiêm đã được tiêm cho người dân, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện, nặng và tử vong. Mặc dù số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên cả nước đã có xu hướng giảm rõ rệt, nhưng vẫn có các trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do chuyển nặng và ghi nhận các ca tử vong, nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu Covid-19. Đáng lo ngại, hiện nay xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối tiêm vắc-xin tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều nhắc lại.

Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc-xin phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng sáu tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến thể mới. Đối với biến thể Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi-rút ở mức cao hơn so với các biến chủng vi-rút SARS-CoV-2 trước đây, cho nên những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Đáng chú ý, theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần thứ 10 đến 19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi-rút SARS-CoV-2.

Hệ thống điều trị Covid-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19, có tới 52,8% số ca tử vong là chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19; 29,8% đã tiêm một mũi hoặc hai mũi vắc-xin và chỉ có 7,3% đã tiêm ba mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần một (mũi ba) cho những người đã hoàn thành tiêm hai mũi cơ bản. Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể sau tiêm mũi ba sẽ suy giảm đáng kể ở khoảng tuần thứ 15 sau tiêm, nhất là kháng thể biến thể Omicron. Do vậy, việc tiêm mũi bốn đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm với Covid-19 như: Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp…

PGS, TS Dương Thị Hồng khuyến cáo, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi ba, mũi bốn) vắc-xin Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người tiêm không bị mắc bệnh, nhất là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến thể mới. Để bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, người dân cần tích cực ủng hộ và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vắc-xin phòng Covid-19; những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch. Hãy chung tay đưa trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 an toàn, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ tiếp tục giám sát để điều chỉnh các biện pháp chống dịch an toàn, hiệu quả (Nhân dân, trang 7).

 

Tiêm vaccine COVID-19 mũi 4: Vận động người dân, tăng tốc tiêm chủng

Hôm nay (30.6) là ngày cuối trong đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid -19 ở TPHCM. Cùng với việc vận động, tuyên truyền, các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục triển khai đồng loạt các điểm tiêm hằng ngày trên địa bàn thành phố để tăng tốc tiêm chủng liều nhắc lại lần 2 (mũi 4), củng cố và tăng cường miễn dịch cho người dân. Yên tâm sau khi hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4

Thoải mái, vui vẻ và yên tâm là tâm trạng của bà Bùi Thị Kim Phương (72 tuổi, Q 1) sau khi tiêm ngừa vaccine COVID-19 liều nhắc lại lần 2. “Tôi thấy nên chích vaccine mũi 4 để phòng ngừa COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh đã xuất hiện các biến thể mới. Tiêm mũi nhắc vaccine sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, từ đó, tôi cũng yên tâm hơn, sức khỏe bản thân và gia đình cũng được đảm bảo” – bà Kim Phương chia sẻ.

Không chỉ bà Phương, hàng chục lượt người dân đến điểm tiêm tại Trạm y tế phường Nguyễn Cư Trinh (Q 1) đều cảm thấy yên tâm về sức khỏe sau khi hoàn thành vaccine COVID-19 mũi 4 trong bối cảnh dịch bệnh còn lưu hành. Theo bà Trương Kim Mỹ – Trưởng Trạm y tế phường Nguyễn Cư Trinh (Q. 1), điểm tiêm có thể phục vụ tối đa tiêm cho khoảng 160 – 180 người/ngày.

“Nhờ các đơn vị chức năng đã vận động, tuyên truyền, lượng người dân đến tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại tăng. Đây là tín hiệu khả quan” – bà Mỹ cho hay.

Hiện nay, TPHCM triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm đẩy mạnh công tác tiêm nhắc vaccine và hoàn tất trong quý II/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Thành phố tiếp tục triển khai đồng loạt các điểm tiêm hằng ngày trên địa bàn thành phố để phục vụ tiêm chủng cho người dân.

Ghi nhận tại Trạm y tế phường Cô Giang (Q 1), từ 8h sáng, hàng chục lượt người đến ghi phiếu, điền thông tin tiêm vaccine phòng COVID-19, đa số là người lớn tuổi. Nhân viên y tế cũng tất bật hỗ trợ người dân đến tiêm.

“3 ngày nay, số lượng người dân đến tiêm vaccine tăng khoảng 20%. Dự kiến đến cuối tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 ở TPHCM (30.6), lượng người đến tiêm tiếp tục tăng. Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới” – ông Trần Thanh Hải – Trưởng Trạm y tế phường Cô Giang (Q.1) cho biết.

Đại diện Trung tâm y tế quận 1 thông tin có 10 điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn quận. Tính đến nay, quận 1 đã triển khai tiêm 9.552 mũi bổ sung, 78.383 mũi nhắc lại lần 1 và 12.969 mũi nhắc lại 2.

Vận động người dân, tăng tiêm chủng

Tính đến cuối năm 2021, TPHCM cơ bản đã tạo được miễn dịch cộng đồng. Đây là một trong những yếu tố quyết định thành công khi tăng cường hoạt động kiểm soát dịch COVID-19. Trong thời gian qua, TPHCM cũng đã triển khai tiêm chủng an toàn. Ngành y tế thành phố cũng kêu gọi mỗi người dân, gia đình cùng hưởng ứng việc tiêm nhắc lại. Đặc biệt đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao gặp khó khăn trong việc đến điểm tiêm sẽ được địa phương tổ chức tiêm tại nhà.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn trình trạng một số người dân chủ quan với việc tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 do tình hình dịch đã lắng xuống, người dân cơ bản đã tiêm đủ 2 – 3 mũi và nhiều người đã từng mắc bệnh.

Trong thời điểm này, việc vận động người dân, đẩy mạnh truyền thông, cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh là điều cần thiết để người dân tự nguyện tiêm chủng, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng.

Chia sẻ về tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19, bà Đoàn Thị Thanh Điệp – Phó Chủ tịch UBND phường Linh Trung, TP.Thủ Đức cho hay: “Phường tổ chức 2 điểm vaccine. Mỗi điểm tiêm có thể phục vụ tối đa tiêm cho khoảng 400 người/ngày. Hiện mỗi ngày có khoảng 300 lượt người đến tiêm, tỉ lệ tiêm nhắc lại mũi 4 trên địa bàn phường chưa đạt như dự kiến.

Để tăng tốc tiêm chủng, công tác tuyên truyền về tiêm nhắc vaccine được đơn vị đẩy mạnh thông qua các mạng xã hội, trang thông tin điện tử của phường về thời gian, địa điểm, loại vaccine và đối tượng được tiêm. Đồng thời, tận dụng các nhóm nhỏ trong khu dân cư được lập từ lúc cao điểm dịch COVID-19 để thông tin được chia sẻ, tuyên truyền nhanh nhất”.

Vừa qua, UBND thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường công tác truyền thông về tiêm vaccine và phòng chống dịch, người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, đồng thời báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm ngay sau khi đợt cao điểm kết thúc. Về việc ký giấy cam kết, nhiều người dân cho rằng đơn vị chức năng, ngành y tế nên có hướng dẫn cụ thể.

“Dân số ở thành phố rất đông. Vì vậy, trong trường hợp phải ký cam kết nếu không tiêm vaccine mũi 3, 4 thì viết như thế nào, tính pháp lý ra sao? Những vấn đề này chưa rõ ràng, nếu triển khai sẽ gây khó khăn cho người dân” – chị Nguyễn Huyền (quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Về việc ký cam kết nếu không tiêm vaccine mũi 3, 4 và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND phường Linh Trung thông tin thêm, đơn vị đã triển khai văn bản này đến người dân trên địa bàn, nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của thành phố. Hiện, phường vẫn thực hiện công tác tuyên truyền là chính để người dân tự nguyện tiêm vaccine, cùng đồng hành với đơn vị, từ đó, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng (Lao động, trang 1).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo Ngày 25/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 29/6/2020

CDC Hà Nam