Điểm báo ngày 30/9/2020

(CDC Hà Nam)
Kỳ tích chống Covid-19: Sức mạnh của ý Đảng lòng dân – Bài 3: Mỗi người dân là một chiến sĩ; Tiếp nhận lô vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ Trung Quốc trao tặng…

Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Thời gian qua trên thị trường, mặt hàng thức ăn chế biến sẵn ngày càng được nhiều bà nội trợ ưa chuộng và tìm mua về cho gia đình mình. Cách thức mua bán hiện nay cũng có nhiều thay đổi, tiện dụng hơn so với giai đoạn trước. Thay vì phải mất thời gian đến các chợ truyền thống hay siêu thị, giờ đây người tiêu dùng chỉ cần ngồi một chỗ lướt mạng, tìm đến các nhóm, địa chỉ bán đồ ăn sẵn và nhấp chuột. Thậm chí, có trang web còn lên sẵn thực đơn cả tuần để các bà nội trợ lựa chọn. Không chỉ có đồ ăn, thức uống hằng ngày, khi càng gần đến Tết Trung thu, một trong những mặt hàng được rao bán nhiều trên mạng là các loại bánh nướng, bánh dẻo. Các “nhà cung cấp” bánh trên mạng khá đa dạng: từ các gia đình “có nghề truyền thống” làm bánh đến những công nhân, viên chức tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần trổ tài, thậm chí một số sinh viên cũng muốn thử sức mình. Giá cả các loại bánh được chào bán khá chênh lệch, từ vài chục cho đến cả trăm nghìn đồng một chiếc bánh…

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm đối với sự nở rộ của sản phẩm đồ ăn sẵn nói chung và mặt hàng bánh nướng, bánh dẻo đang được bán tràn lan trên mạng nói riêng là chuyện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế cho thấy, dù những người bán các sản phẩm ăn uống chế biến sẵn luôn cam kết về nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, bảo quản nhưng không có ai hoặc cơ quan chức năng nào  giám sát việc thực hiện này. Người mua chỉ biết tin tưởng hoàn toàn vào lời quảng cáo cũng như sự trung thực của người bán. Song không phải người bán nào cũng giữ đúng cam kết của mình. Vì thế, không ít sản phẩm đến tay người tiêu dùng chất lượng không như quảng cáo, thậm chí một số thức ăn có dấu hiệu hư hỏng, bốc mùi. Chưa kể, người chế biến các món ăn dù tài năng đến đâu cũng buộc phải mua nguyên liệu ngoài thị trường chứ không thể tự làm hoàn toàn. Trước nguồn cung đa dạng về chủng loại cũng như giá cả, không ít người vì lợi nhuận hoặc để giảm giá thành sản phẩm đã mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hoặc dù nguyên liệu bảo đảm chất lượng nhưng quá trình chế biến cũng như bảo quản không thực hiện đúng quy trình hay bảo đảm tiêu chuẩn khiến sản phẩm làm ra bị nhiễm khuẩn, gây hại cho người sử dụng. Ngay cả với các cơ sở kinh doanh được cấp phép cũng đã để xảy ra không ít những vụ ngộ độc thực phẩm từ các đồ ăn chế biến sẵn, như hàng loạt vụ ngộ độc pate Minh Chay xảy ra vừa qua là một minh chứng đau xót cho điều này. Do đó ,vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cần được quản lý nghiêm ngặt không chỉ với các cơ sở kinh doanh có đăng ký mà còn cả với các cá nhân kinh doanh tự phát.

Để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng các sản phẩm là thức ăn chế biến sẵn nên là người tiêu dùng thông thái, kiên quyết chỉ lựa chọn những nhà cung cấp tin cậy, uy tín, có chứng nhận của cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong lĩnh vực này cũng cần tăng cường trách nhiệm, thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời khi phát hiện sai phạm. Thậm chí nếu người sản xuất để xảy ra hậu quả nghiêm trọng do không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm cần đưa ra truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với các cơ sở, cá nhân kinh doanh đồ ăn sẵn, cần tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn lúc nào hết, chữ tín cần được đặt lên hàng đầu, vì đó là điều kiện tiên quyết để hoạt động kinh doanh được duy trì lâu bền. Về phía cộng đồng, cần phát huy tính chủ động, sớm phát hiện, cảnh báo, tố cáo những cá nhân, hoặc cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh tâm lý ngại ngần, cho qua. Những trường hợp vi phạm gây thiệt hại cần kiên quyết yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm để kịp thời răn đe. (Nhân dân, trang 1).

 

Tiếp nhận lô vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ Trung Quốc trao tặng

Chiều 29-9, tại Hà Nội, diễn ra lễ bàn giao vật tư y tế do Chính phủ Trung Quốc trao tặng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba tham dự và ký biên bản bàn giao hạng mục viện trợ phòng, chống dịch. Phát biểu tại buổi lễ, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Trung Quốc đã viện trợ lô vật tư y tế này cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Đồng thời, bày tỏ Việt Nam và Trung Quốc vốn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực y tế, mang lại nhiều lợi ích cho công cuộc bảo vệ sức khỏe người dân hai nước. Hy vọng rằng sự hợp tác y tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ ngày càng được mở rộng và phát triển hơn trong thời gian tới…

Lô hàng vật tư y tế do Chính phủ Trung Quốc trao tặng Chính phủ Việt Nam gồm 300 nghìn chiếc khẩu trang phẫu thuật dùng trong y tế và 20 nghìn chiếc khẩu trang phòng hộ y tế.

* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 29-9, Việt Nam ghi nhận 17 người mắc Covid-19 (người bệnh thứ 1078 đến 1094), đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.  Trước đó, ngày 26-9, 17 người bệnh về từ Liên bang Nga trên chuyến bay QH9495 và nhập cảnh tại sân bay Cần Thơ. Sau đó được chuyển đến tỉnh Bạc Liêu cách ly tập trung tại khu A, B của Ký túc xá Sinh viên Bạc Liêu và được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu lấy mẫu bệnh phẩm. Như vậy, đến nay, Việt Nam có 1.094 người nhiễm Covid-19, trong đó có 1.007 người được công bố khỏi bệnh và 35 người chết.

Trong ngày, có tám người bệnh mắc Covid-19 điều trị tại các cơ sở y tế được công bố khỏi bệnh. (Nhân dân, trang 8).

 

Thành phố Hồ Chí Minh quy định xét nghiệm Covid-19 với người nước ngoài nhập cảnh

Để chuẩn bị cho việc các hãng hàng không nối lại các chuyến bay thương mại từ nước ngoài về thành phố Hồ Chí Minh từ đầu tháng 10-2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản tới trung tâm y tế các quận, huyện về giám sát, cách ly người nước ngoài vào Việt Nam.

Theo đó, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày, cần thực hiện cách ly nhưng được phép di chuyển theo lịch trình đã khai báo; xét nghiệm lần 1 ngay khi về nơi cách ly, sau đó cứ 2 ngày lấy mẫu xét nghiệm một lần… Trường hợp người nhập cảnh làm việc trên 14 ngày, phải cách ly tập trung 6 ngày tại khách sạn hoặc địa điểm được UBND thành phố Hồ Chí Minh cho phép.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tiếp tục tự cách ly tại nhà cho đủ 14 ngày. Xét nghiệm lần 1 ngay khi về nơi cách ly tập trung; lần 2 vào ngày thứ 6 tại nơi cách ly tập trung, lần 3 vào ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp người nhập cảnh khác 2 đối tượng trên cần cách ly tập trung; xét nghiệm ít nhất 2 lần, lần 1 ngay khi về nơi cách ly tập trung (ngày thứ 1), lần 2 trước khi hoàn thành thời gian cách ly (ngày thứ 14)… (Hà Nội mới, trang 6).

 

Việt Nam ghi nhận 1.094 ca mắc Covid-19

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h đến 18h ngày 29-9, nước ta ghi nhận thêm 17 ca mắc mới Covid-19, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Bạc Liêu, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.094 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước. Riêng từ ngày 25-7 đến nay, cả nước ghi nhận 551 trường hợp lây nhiễm trong nước; 15 tỉnh, thành phố có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng.

Như vậy, đã tròn 27 ngày liên tiếp (tính từ ngày 3-9 đến nay), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng.

Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.897, trong đó có 270 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 10.625 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam được công bố khỏi bệnh chiều nay là những bệnh nhân cuối cùng của tỉnh này. Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, tính đến nay, địa phương đã 41 ngày không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Với khu cách ly tập trung, tính đến nay đã 39 ngày không có ca mới.

Như vậy, tính đến 18h ngày 29-9, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.007 ca mắc Covid-19, ghi nhận 35 ca tử vong. Ngoài ra, trong số các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 17 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1-3 lần âm tính với SARS-CoV-2. (Hà Nội mới, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 3: “Thêm 17 ca mắc Covid-19 nhập cảnh trên cùng chuyến bay từ Nga”; Công an Nhân dân, trang 1: “Thêm 17 ca mắc Covid-19 nhập cảnh từ Nga vào Việt Nam”; Tiền phong, trang 2: “Thêm 17 ca mắc Covid-19 nhập cảnh”.

 

Cảnh giác với các loại hải sản có chứa độc tố

Hải sản là món ăn nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và được nhiều người ưa thích. Thế nhưng, trong một số loại hải sản lại chứa những chất khiến người sử dụng có nguy cơ bị ngộ độc. Do đó, người dân cần cảnh giác, không nên ăn những loại hải sản lạ, chỉ ăn các loại hải sản còn tươi, được nấu chín và chắc chắn không có độc tố.

Tử vong vì những loại hải sản lạ

Ngay trong tháng 9-2020, một nhóm 3 ngư dân ở huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã lặn bắt được một số ốc biển lạ, vỏ có màu nâu với những chấm trắng. Sau đó, 3 ngư dân cho số ốc bắt được luộc ăn. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 3 người xuất hiện triệu chứng tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn và đau đầu. Một người đã tử vong sau đó, 2 người còn lại được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và may mắn qua cơn nguy hiểm.

Sau sự việc trên, số mẫu ốc nói trên được chuyển đến Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để xác định tên loài ốc, độc tố. Kết quả, trong tổng số 30 mẫu được phân tích, có 29 mẫu được xác định là loài ốc bùn răng cưa Nassarius papillosus và 1 mẫu vật thuộc loài ốc bùn bóng Nassarius glans. Đặc biệt, kết quả phân tích đã xác định hàm lượng lớn chất tetrodotoxin xuất hiện trong tất cả các mẫu vật của 2 loài ốc nêu trên.

Theo Viện Hải dương học, tetrodotoxin được biết là độc tố thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao. Với độc tính cao gấp nhiều lần giới hạn an toàn thực phẩm biển trong mẫu phân tích, ước tính chỉ cần 5-10 cá thể ốc chứa lượng độc tố này có thể gây tử vong cho 1 người bình thường trong 30 phút cho đến vài giờ sau khi ăn. Do đặc tính bền nhiệt, bền axít, độc tố tetrodotoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi chế biến nên có thể tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.

Trước đó, vào tháng 7-2020, tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá hồng khiến 23 người nhập viện với các triệu chứng: Mệt, khó chịu, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mạch loạn nhịp, chậm nhịp tim. Kết quả mẫu xét nghiệm được gửi về Viện Hải dương học Nha Trang, nhằm định danh loài cá và định lượng độc tố ciguatera trên mẫu thử. Mẫu cá hồng nguyên con và cá hồng cắt lát chứa chất ciguatera, vượt ngưỡng an toàn. Cá hồng là loại thủy sản ăn tảo. Chỉ có những loại cá hồng ăn phải một số loài tảo có chứa độc tố, chất độc được tích tụ trong cơ thể và có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng. Ngộ độc ciguatera từ cá là một loại ngộ độc do ăn phải cá biển đã tích tụ độc tố ciguatoxins trong chế độ ăn của chúng.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), hầu hết các trường hợp ngộ độc hải sản nặng nhập viện là do ăn phải những loài chứa độc tố mạnh. Ngoài ra, cũng có một số người bị trúng độc do sờ hoặc vô tình chạm vào những loài rắn biển, cá mặt quỷ, mực đốm xanh, ốc cối… nên bị chúng cắn, chích hoặc phóng tên độc. Các độc tố của con vật sẽ theo răng hoặc phóng ra xâm nhập cơ thể người qua vết thương gây ngộ độc.

Tránh ăn hải sản lạ, chưa được nấu chín kỹ

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, trong trường hợp ngộ độc hải sản cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, trong đó nôn là biện pháp hiệu quả nhất. Người bị ngộ độc có thể dùng lông gà (rửa sạch bằng nước muối), sau đó đưa vào gần cuống họng sẽ có phản ứng nôn hoặc cũng có thể dùng ngón tay ngoáy họng. Sau khi đã nôn, người bệnh uống nước trà đường nóng, nước sắc lá sim, lá ổi… để bù nước rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe.

Để phòng ngừa ngộ độc hải sản, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, người dân cần lưu ý khi mua hải sản phải bảo đảm tươi sống. Tuyệt đối không ăn hải sản đã chết vì chúng có thể tiết ra chất độc. Đối với cá, phải làm ngay khi còn tươi và bỏ toàn bộ lòng ruột vì trong ruột cá có nhiều vi khuẩn, có thể thấm nhanh vào thịt cá gây ngộ độc. Ngoài ra, không nên mua các hải sản có màu sắc khác thường. Bởi vì những loài hải sản sống trong vùng ô nhiễm thường có màu sắc khác với bình thường. Khi chế biến phải nấu chín kỹ, hải sản để đông lạnh trước khi chế biến phải rã đông, tránh tình trạng nấu chín không kỹ bên trong do chưa rã đông hết. Những người có cơ địa dị ứng khi ăn hải sản cần ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng thì phải ngừng lại ngay.

Còn bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng đưa ra lưu ý, biện pháp phòng, tránh ngộ độc thực phẩm tốt nhất là thực hiện ăn chín, uống sôi. Bởi lẽ, nhiều thực khách khoái khẩu với món lẩu hải sản, nhưng cần phải nhúng cho hải sản chín kỹ rồi hãy ăn. Nếu ăn hải sản chín tái thì nguy cơ mắc bệnh vẫn còn nguyên. Ngoài ra, thực khách cũng không nên ăn hải sản đã chế biến từ lâu mà chỉ ăn món ăn mới nấu chín, còn nóng sốt. Đối với những hải sản lạ, chưa từng ăn thì mọi người phải rất thận trọng, vì trong đó có thể chứa chất độc nguy hiểm mà chúng ta không lường trước được. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Kỳ tích chống Covid-19: Sức mạnh của ý Đảng lòng dân – Bài 3: Mỗi người dân là một chiến sĩ

Nói về thành tựu chống Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Thành công này là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác. Nhưng đặc biệt là chúng ta có một nhân dân Việt Nam mà thế giới và nhiều bạn bè nói rằng rất tuyệt vời”. Ý thức của từng người dân và nỗ lực của từng địa phương, nhất là các địa bàn trọng yếu, đã cùng góp phần tạo nên thắng lợi trên mặt trận chống Covid-19.

 “Ở nhà là yêu nước”

Trước diễn biến vô cùng căng thẳng của dịch bệnh, ngày 31-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị 16 yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4. Thực hiện mệnh lệnh từ Chính phủ, khẩu hiệu “ở nhà là yêu nước” như một thông điệp thời chiến được lan truyền khắp hang cùng ngõ hẻm.

Cao điểm chống dịch đợt 1 là thời điểm cả miền Bắc tưng bừng bước vào các lễ hội mùa xuân, cao điểm chống dịch đợt 2 là mùa du lịch biển, nhưng để phòng dịch, mọi hoạt động cũng đã dừng lại. Các văn bản không cho phép tổ chức lễ hội, đóng cửa các khu du lịch được ban hành và có hiệu lực ngay lập tức nhờ sự đồng thuận của người dân. Giãn cách xã hội triệt để chính là điểm khác biệt so với các nước trên thế giới giúp Việt Nam kiểm soát thành công sự lây lan của dịch bệnh. Hình ảnh những con phố sầm uất ở TPHCM, Hà Nội hay như phố cổ Hội An, bãi biển Nha Trang, Phú Quốc… bỗng chốc vắng tanh, gần như không bóng người qua lại mãi mãi sẽ được nhắc đến như một biểu tượng của “ý Đảng lòng dân”, khi “mỗi người dân đều hóa thành chiến sĩ”, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng, để phòng chống dịch, thực hiện lệnh giãn cách xã hội, lần đầu tiên, những lễ hội tôn giáo, lễ hội tín ngưỡng có truyền thống hàng ngàn năm được dừng. Qua dịch đã khẳng định được tinh thần đại đoàn kết và sự đồng thuận của toàn xã hội, của từng người dân chung sức chung lòng cùng Chính phủ vượt qua khó khăn.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận người dân đã tuân thủ lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và những chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch. Toàn dân đã thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, đó là nguyên nhân quan trọng giúp chúng ta đạt được thành tựu chống Covid-19, không để lây lan trong cộng đồng.

Sự tận tâm cao cả

Việc cứu sống bệnh nhân 91 – phi công người Anh trong đợt 1 có thể nói là một kỳ tích của ngành y tế Việt Nam, thậm chí như giới chuyên gia đánh giá, là “chưa từng có trong y văn thế giới”.

“Tôi có tất cả 100% sự may mắn khi ở Việt Nam điều trị. Nếu ở đâu khác trên thế giới, hẳn tôi đã chết” – bệnh nhân 91 đã thốt lên khi tỉnh lại.

“Những nỗ lực cứu sống anh của các bác sĩ Việt Nam đã trở thành một biểu tượng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19” – Hãng CBC News của Canada viết.

Tờ New York Times của Mỹ cũng dành bài viết lớn với tựa đề “Một phi công người Scotland trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 của Việt Nam được xuất viện”.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng gửi thư chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thành công cho bệnh nhân 91.

Không dừng lại ở việc chữa trị trong nước, Việt Nam còn sẵn lòng chia sẻ, tương trợ các quốc gia hàng triệu chiếc khẩu trang, hàng chục tấn thiết bị y tế, máy thở đã được tặng hoặc cung cấp cho các quốc gia đang gồng mình chống dịch. Điều đó cũng khiến kỳ tích phòng chống dịch của Việt Nam càng thể hiện rõ tính nhân văn, tình người, lòng tương thân tương ái, khiến bạn bè quốc tế phải nể phục.

Ngày 25-7, sau gần 100 ngày không có ca mắc mới, ca mắc Covid-19 ở Đà Nẵng được công bố, đánh dấu làn sóng dịch đợt 2 bắt đầu. Ngày 30-7, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng được thành lập. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt – đã xin phép Thủ tướng được ở lại tâm dịch Đà Nẵng đến khi hết dịch Covid-19 mới về. Lời xin phép này đã gây xúc động mạnh mẽ trong bối cảnh cả nước căng mình chống lại đợt dịch mới.

Nhắc lại việc này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Không phải chỉ có tôi mà tất cả các anh em ở Bộ Y tế đều có nguyện vọng muốn ở lại Đà Nẵng tham gia công tác phòng chống dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của chúng tôi để đảm bảo giúp đẩy lùi dịch bệnh tại Đà Nẵng, mang đến bình yên cho đất nước”.

Dịch xảy ra đợt 2 ở TP Đà Nẵng, những ca tử vong đã làm nhiều người lo lắng. Dịch lần này đánh đúng vào Bệnh viện Đà Nẵng và lại vào khoa bệnh nhân rất nặng khiến “giọt nước làm tràn ly”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trong tình thế đó, hệ thống y tế của chúng ta vẫn trụ vững. Họ ngày đêm lăn xả để giữ lại những ngọn nến leo lắt đang chực tắt với phương châm “còn nước còn tát”. Chúng ta đã làm tất cả để giảm thiểu tổn thất về người.

Có một chi tiết rất xúc động được GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ, cứ mỗi một bệnh nhân tử vong, anh em đều nhắn tin về “xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được”. Ngày 21-8, sau 20 ngày bám trụ, sát cánh chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và một số cán bộ rời TP Đà Nẵng sau khi tình hình dịch Covid-19 tại đây đã được kiểm soát, dần ổn định.

Những bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa sẽ còn được nhắc mãi trong lịch sử ngành y tế Việt Nam. Đó là những câu chuyện rất cụ thể minh chứng cho sự tận tâm của lực lượng tuyến đầu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam. Các thầy thuốc đã trở thành người lính nơi tuyến đầu, bất kể ngày đêm, có những người xa vợ mới cưới, xa con mới sinh, có những trường hợp 2 vợ chồng cùng một bệnh viện nhưng cả tháng cũng không được gặp nhau… PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y tế Hà Nội – một trong những chuyên gia “tinh nhuệ” được Bộ Y tế điều vào chi viện cho Đà Nẵng cho rằng, cứu sống được bệnh nhân mắc Covid-19 là trách nhiệm và cũng là hạnh phúc của tất cả y bác sĩ.

Rồi còn hàng ngàn chiến sĩ nằm rừng canh đường mòn, lối mở, nhường doanh trại cho dân từ những ngày Tết gió rét, mưa dầm đến những tháng hè nắng nóng như thiêu dọc tuyến biên giới… Trong trận chiến với con virus SARS-CoV-2 quái ác “không màu không mùi” này, chúng ta chiến thắng không phải bằng khẩu hiệu mà bằng trình độ y học, khoa học; bằng sự tận tâm, đồng lòng của tất cả các lực lượng, của người dân cả nước. Ở đó, mỗi một người dân, dù ở tuyến đầu hay tuyến sau, đều là một chiến sĩ chống “giặc” Covid-19.

Tạp chí Counter Punch của Mỹ ngày 22-9 đăng bài phân tích về sự thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 với nhận định, Việt Nam đã nhanh chóng và dứt khoát ngăn chặn dịch Covid-19 bằng cách đóng cửa biên giới, ngừng các chuyến bay từ Việt Nam đi các nước, tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài, truy vết nguồn bệnh, kiểm dịch và giãn cách toàn xã hội trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các hành động của Chính phủ sẽ không thể hiệu quả nếu người dân không phối hợp bằng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách và chỉ rời khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Người dân Việt Nam đã đồng lòng coi dịch Covid-19 là kẻ thù vô hình mà cả nước phải đoàn kết chống lại. (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Vì sao Bệnh viện Nhân dân 115 trả robot mổ thần kinh sọ não và cột sống?

Là đơn vị sử dụng hệ thống robot trong phẫu thuật thần kinh sọ não và cột sống do Canada sản xuất đầu tiên ở châu Á, trị giá 54 tỉ đồng, nhưng đột ngột, Bệnh viện Nhân dân 115 trả máy cho công ty cho thuê.

Không đạt hiệu quả kinh tế

Ngày 29.9, TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết BV đã trả hệ thống robot trong phẫu thuật thần kinh sọ não và cột sống – robot Modus V Synaptive do Canada sản xuất cho đơn vị cho thuê. Nguyên nhân là do hoạt động không hiệu quả kinh tế, lỗ.

Theo TS-BS Phan Văn Báu, tính từ khi đưa vào sử dụng (tháng 2.2019) đến nay, BV chỉ thực hiện 32 ca, trong đó có 10 ca miễn phí.

Vì sao không hiệu quả?

TS-BS Báu cho rằng hệ thống robot này kén bệnh nhân. Do robot phẫu thuật trên bệnh nhân xuất huyết sâu, u não, ca khó mà lượng bệnh nhân này thì ít. Còn những tổn thương ngoài thì sẽ sử dụng những kỹ thuật khác để bệnh nhân đỡ tốn kém. Chính vì số ca phẫu thuật ít nên Công ty V.Đ (đơn vị cho thuê) bị thiệt hại kinh tế nên đã rút máy cách đây hơn 1 tháng. “Nếu có vốn đầu tư công đầu tư robot này để mổ nhiều cho bệnh nhân là tốt nhất. Vì ở Mỹ, một ca mổ bằng robot này là trên 120.000 USD”, TS-BS Báu nói. Nói về giá thuê là 54 tỉ đồng, TS-BS Báu cho hay robot này được thuê qua đấu thầu.

PV đặt vấn đề có phải công ty rút máy sau vụ lùm xùm tại BV Bạch Mai (Hà Nội)? “Trước đó, từ đầu năm, công ty này cũng đã có văn bản đòi rút máy dù BV đấu thầu thuê thời gian 4 năm, BV năn nỉ nhưng không được. Robot này kết hợp với trí tuệ nhân tạo, vượt xa các robot giải phẫu thần kinh khác chỉ đơn thuần là robot. Việt Nam là nước thứ 4 sử dụng robot này sau Mỹ, Canada, Thụy Sĩ”, TS-BS Báu cho biết thêm.

BS Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Nhân dân 115, được nhận kỷ lục châu Á là chuyên gia đầu tiên phẫu thuật u não cho bệnh nhân bằng robot Modus V Synaptive.

Bệnh viện từng báo cáo nhu cầu mổ rất cao

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 9.3.2018, BV Nhân dân 115 họp Đảng ủy, Ban giám đốc, công đoàn và khoa có liên quan thông qua đề án thuê hệ thống robot trong phẫu thuật thần kinh sọ não và cột sống. Kết luận là đồng ý thông qua đề án thuê hệ thống này.

Ngày 20.3.2018, BV Nhân dân 115 báo cáo thuê hệ thống robot cho Sở Y tế TP.HCM. Theo báo cáo này, BV Nhân dân 115 đánh giá số lượng bệnh nhân phải phẫu thuật thần kinh sọ não và cột sống khu vực phía nam rất lớn, hơn 10.000 ca/năm. Riêng BV Nhân dân 115 phẫu thuật thần kinh và sọ não năm 2016 lên đến 2.475 ca. Tuy nhiên, vẫn chưa BV nào tại phía nam được đầu tư trang bị hệ thống robot trong lĩnh vực này… Cũng theo báo cáo, BV Nhân dân 115 chủ trương thuê hệ thống robot trong phẫu thuật thần kinh sọ não và cột sống, máy mới 100%, thế hệ mới.

Theo phương án thuê, hệ thống robot gồm 4 thành phần: hệ thống cánh tay, hệ thống lập trình cuộc phẫu thuật, hệ thống định vị bằng hình ảnh 3D, hệ thống quan sát hình ảnh, trị giá gần 47 tỉ đồng. Thứ đến là chi phí vận chuyển, nhập khẩu, bảo hiểm trong quá trình nhập khẩu; chi phí lắp đặt hệ thống; chi phí đào tạo… hơn 5,4 tỉ đồng. Chi phí bảo hiểm máy móc, bảo hành, bảo trì trong quá trình vận hành hơn 1,5 tỉ đồng… Tổng chi phí là 54 tỉ đồng cho việc thuê hệ thống robot này.

Về phương án tài chính, BV Nhân dân 115 sẽ phẫu thuật 1.170 ca với thời gian 4 năm 4 tháng. Giá 1 ca mổ là 85 triệu đồng (công ty hưởng 50 triệu đồng). Như vậy, sau 4 năm 4 tháng, nếu BV Nhân dân 115 mổ đủ số lượng trên thì hệ thống máy sẽ thuộc về BV. Còn nếu mổ chưa đủ thì sẽ gia hạn thời gian để thực hiện cho đủ và hệ thống robot sau đó thuộc về BV. (Thanh niên, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 13/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/10/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/1/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận