Tiêm vắc xin Covid-19 nên tự nguyện hay bắt buộc?: Đề xuất V2K thay thế 5K
Liên quan thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế, không tập trung đông người, khoảng cách), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ Y tế đang cùng các đơn vị liên quan xem xét vấn đề này.
5K được Bộ Y tế khuyến cáo trong phòng chống dịch COVID -19. Mới đây, khi dịch Covid-19 được kiểm soát với số ca nhiễm mới liên tục giảm, ca tử vong hầu như không ghi nhận, để đảm bảo thích ứng linh hoạt, từ tháng 3 – 4 vừa qua, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tạm dừng thực hiện 3K (khai báo y tế, khoảng cách, không tập trung đông người). Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay: “Từ khi bùng phát dịch Covid-19, thông điệp 5K đã được sử dụng rất hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Nhưng với 3K đang tạm dừng, hiện thực chất chỉ còn thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn)”.
Chia sẻ về “cắt giảm” 3 tiêu chí trong khuyến cáo 5K và việc áp dụng các biện pháp phòng dịch cần thực hiện, một lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Cùng với khuyến cáo 5K đầu vụ dịch và hiện đang là 2K, thì việc bao phủ vắc xin Covid-19, việc tiêm vắc xin Covid-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh và duy trì thành quả kiểm soát dịch. Do đó, tại thời điểm này, khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát trên cả nước, Bộ Y tế đã đề xuất thực hiện: vắc xin, khẩu trang, khử khuẩn, viết tắt là V2K, và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, sớm trình Chính phủ”.
“Tuy nhiên, việc thực hiện các khuyến cáo mới này sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19. Thông điệp 5K và vắc xin vẫn được khuyến cáo áp dụng trở lại nếu xuất hiện biến chủng mới, dịch bùng phát trở lại”, vị lãnh đạo này lưu ý.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng khẩu trang không hề tốn kém nhưng đó là thói quen giúp ngăn ngừa lây lan các bệnh lây qua đường hô hấp gây dịch như cúm, sởi chứ không chỉ riêng Covid-19; hoặc trong đời sống, đeo khẩu trang cũng giúp người dân giảm bớt tiếp xúc khói bụi từ môi trường. Ngoài ra, khử khuẩn (tay, bề mặt, các vật dụng…) rất hiệu quả trong phòng chống các bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc, các bệnh qua đường tiêu hóa do vệ sinh không đảm bảo, ví dụ như tay chân miệng; chống nhiễm khuẩn chéo…
Cùng quan điểm với PGS-TS Trần Đắc Phu, một chuyên gia dịch tễ cho rằng: “2K nên được khuyến cáo lâu dài, bảo vệ sức khỏe cộng đồng với nhiều bệnh khác chứ không chỉ với riêng Covid-19. Tại thời điểm hiện nay, với riêng Covid-19, khuyến cáo thực hiện V2K như Bộ Y tế đang đề xuất là hợp lý”. Đồng thời chuyên gia này nói thêm: “Cơ quan y tế khuyến cáo và đưa ra hướng dẫn chuyên môn, nhưng thành công và hiệu quả thì phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người dân. Như vừa qua, khi dịch bùng phát, 5K và vắc xin đã được người dân đồng lòng. Với diễn biến mới của dịch, mỗi người vẫn cần thực hiện đầy đủ để bảo vệ mình và người thân, cộng đồng, không nên lơ là, chủ quan”.
Lợi ích của 5K
Nói về việc có nên giữ 5K hay không, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, 5K là tốt, giúp bảo vệ cá nhân nhưng không nên bắt buộc, vì sẽ gây ảnh hưởng đến việc lưu thông đang bình thường của người dân.
“Nhưng ở góc độ y tế công cộng, chúng tôi vẫn khuyên người dân thực hiện 5K. Nhờ 5K mà thời gian qua giúp giảm nhiều loại bệnh như hen suyễn, cúm, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Nếu cá nhân không tự bảo vệ mình thì sẽ bị bệnh. Nếu khuyên không được, thì mới tính đến việc cấm đoán, nhưng chỉ nên cấm đoán khi nó ảnh hưởng đến người khác”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói. (Thanh niên, trang 2; An ninh Thủ đô, trang 6; Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Dấu hiệu nhiễm độc thần kinh ở trẻ mắc tay chân miệng
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), số trẻ mắc bệnh tay chân miệng được gia đình đưa đến khám gia tăng trong các tuần gần đây. Trong tháng 4 và tháng 5, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận 776 trường hợp mắc tay chân miệng đến khám (tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó). Trong số đến khám, 114 trẻ phải nhập viện điều trị.
TS-BS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, nhưng khi giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho vi rút gây bệnh phát triển. Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao), tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.
Theo BS Đỗ Thiện Hải, đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để trẻ được điều trị kịp thời. Không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.
Quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, cần lưu ý 3 dấu hiệu cảnh báo bệnh diễn biến nặng:
Trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị: sốt trên 38,5 độ C, kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
Giật mình: dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Quấy khóc dai dẳng kéo dài: trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15 – 20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 – 20 phút rồi lại ngủ tiếp.
“Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm”, BS Hải đặc biệt lưu ý. (Thanh niên, trang 2).
Ngày 5/6, cả nước ghi nhận 685 ca Covid-19 mới, chỉ còn 35 F0 nặng
Ngày 5/6, Bộ Y tế cho biết có 685 ca mắc mới Covid-19 tại 36 tỉnh, thành phố trên cả nước, chỉ còn 35 F0 nặng. Số ca khỏi bệnh cao gấp gần 14 lần số ca mắc mới.
Tính từ 16 giờ ngày 4/6 đến 16 giờ ngày 5/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 685 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (giảm 196 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 505 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (207), Yên Bái (79), Vĩnh Phúc (46), Quảng Ninh (36), Tuyên Quang (31), Thái Nguyên (25), Phú Thọ (22), Quảng Bình (21), Lào Cai (21), Thái Bình (20), Quảng Trị (18), Sơn La (14), Nghệ An (13), Hà Nam (13), TP Hồ Chí Minh (10), Đà Nẵng (9), Cao Bằng (8 ), Nam Định (8 ), Thanh Hóa (8 ), Lai Châu (8 ), Hưng Yên (7), Hà Tĩnh (7), Thừa Thiên Huế (6), Hà Giang (6), Lạng Sơn (6), Hải Phòng (5), Lâm Đồng (4), Bắc Kạn (4), Điện Biên (4), Hòa Bình (4), Ninh Bình (3), Bình Định (3), Khánh Hòa (3), Bà Rịa-Vũng Tàu (3), Bình Phước (2), Bình Thuận (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (-36), Hải Dương (-21), Hải Phòng (-21).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+7), Yên Bái (+7), Thừa Thiên Huế (+6).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 981 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.725.239 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.337 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.717.481 ca, trong đó có 9.502.138 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.601.623), TP Hồ Chí Minh (609.506), Nghệ An (484.803), Bắc Giang (387.587), Bình Dương (383.781).
Trong ngày có 8.548 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.504.955 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô-xy là 35 ca, trong đó: Thở ô-xy qua mặt nạ: 29 ca; Thở ô-xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca; không có ca ECMO nào.
Từ 17 giờ 30 ngày 4/6 đến 17 giờ 30 ngày 5/6 không ghi nhận ca F0 tử vong. Theo đó liên tiếp 7 ngày qua không có ca tử vong nào.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.080 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.510.100 mẫu tương đương 85.818.376 lượt người.
Trong ngày 4/6 có 138.755 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 222.023.219 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 199.737.606 liều: Mũi 1 là 71.480.483 liều; Mũi 2 là 68.794.984 liều; Mũi 3 là 1.507.118 liều; Mũi bổ sung là 15.055.526 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 42.503.174 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 396.321 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.480.482 liều: Mũi 1 là 8.939.713 liều; Mũi 2 là 8.540.769 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 4.805.131 liều: Mũi 1 là 4.240.666 liều; Mũi 2 là 564.465 liều. (Nhân dân, trang 5).
Ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng
Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển. Bên cạnh đó, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội bắt đầu gia tăng. Chủ động ngăn chặn, không để dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng lây lan và bùng phát là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Y tế Thủ đô trong thời điểm này.
Cảnh giác với biến chứng nặng của bệnh
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng 4, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 5-10 ca tay chân miệng/tuần; đến cuối tháng 5, số ca mắc đã tăng lên 80-100 ca/tuần. Cộng dồn trong 5 tháng đầu năm 2022, Hà Nội ghi nhận 273 ca mắc tay chân miệng (tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm 2021).
Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương trong tháng 4 và tháng 5 tiếp nhận 776 bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám (tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó), trong đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị. Điển hình là bé H.N. (15 tháng tuổi ở Hà Nội) nhập viện do sốt cao 39-40 độ C không hạ, quấy khóc, đau miệng, không ăn được. Ban đầu do trên da bé H.N. chưa nổi các nốt mụn nước, nên mẹ bé chỉ nghĩ con bị sốt, nhiệt miệng…
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện: Sốt nhẹ (hoặc sốt cao), tổn thương ở da (mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối…). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
Cũng theo CDC Hà Nội, tại thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội trung bình 10-15 ca/tuần. 5 tháng đầu năm 2022, thành phố có 55 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 42% so với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, hiện các bệnh viện tại Hà Nội đã tiếp nhận những ca nhập viện trong tình trạng nặng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) thông tin về trường hợp một nam bệnh nhân đang điều trị tại viện. Vì chủ quan nghĩ mình mắc Covid-19, nên sau khi sốt 3 ngày, người đàn ông này mới đến bệnh viện trong tình trạng rất mệt mỏi, tiểu cầu giảm, nhưng may mắn chưa xuất hiện tình trạng xuất huyết nội tạng, xuất huyết dưới da…
Từ trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường cảnh báo, biến chứng nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu, từ đó dẫn tới tình trạng xuất huyết não, xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng… Riêng với xuất huyết nội tạng rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nên người dân cần phải cảnh giác.
Chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị
Thông thường cứ 5 năm, sốt xuất huyết lại bùng lên thành dịch một lần. Dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017. Theo chu kỳ thì năm 2022, sốt xuất huyết có thể gây ra trận dịch lớn. Tại miền Nam, số người bị mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng. Còn tại miền Bắc, thời tiết năm nay thay đổi thất thường, do đó, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội có thể bùng muộn hơn, vào khoảng tháng 7, tháng 8. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các quận, huyện, thị xã đã có kế hoạch tổ chức những chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi, chủ động phòng bệnh.
Tại quận Hoàng Mai sẽ triển khai 3 đợt cao điểm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong năm nay: Đợt 1 hoàn thành trước ngày 25-6; đợt 2 từ tháng 7 đến tháng 10; đợt 3 trong tháng 11 và 12. Còn tại huyện Chương Mỹ hiện đã ghi nhận 7 ca mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ Dương Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn duy trì, phát huy vai trò của đội xung kích, tổ giám sát trong việc tuyên truyền để người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường; hướng dẫn họ biết cách tự phát hiện ổ bọ gậy, tự xử lý các dụng cụ chứa nước…
Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết hiện đều chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu. Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Do đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, với 4 type vi rút khác nhau. Tương tự, mỗi lần trẻ mắc tay chân miệng chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, nên trẻ có thể tái mắc nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm Enterovirus.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, để hạn chế tối đa số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng và tử vong, ngành Y tế Thủ đô đã chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị; đồng thời điều trị, chuyển tuyến kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh cần củng cố, duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” để thường xuyên tư vấn, trao đổi chuyên môn và hỗ trợ người dân khi cần thiết. (Hà Nội mới, trang 5; Tiền phong, trang 6).
Sốt rét có nguy cơ lây lan tại Việt Nam?
Liên tiếp những ngày qua ở TP.HCM và Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp nhập cảnh từ châu Phi bị sốt rét…
Dễ bỏ sót
Gần đây Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã ghi nhận hai trường hợp bệnh nhân mắc sốt rét.
Theo PGS Đỗ Duy Cường – giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới bệnh viện này – cho biết nhiều năm nay Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hầu như không còn bệnh nhân sốt rét. Vì vậy việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét từ nước ngoài trở về ở nhiều cơ sở y tế tuyến dưới còn khó khăn và dễ bị bỏ sót.
Ông Cường cho biết sau khi khai thác yếu tố dịch tễ, cả hai bệnh nhân đều có đi Angola (châu Phi) về. Khi kết hợp xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện ra ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum trong máu. Những bệnh nhân sốt rét do đi từ châu Phi về nên được gọi là sốt rét “nhập khẩu”.
“Cả hai bệnh nhân hiện đang điều trị tại trung tâm bị sốt ngay sau khi về Việt Nam nhưng y tế ở địa phương không phát hiện ra, không để ý yếu tố dịch tễ là đi từ châu Phi về nên dễ bỏ sót. Do các triệu chứng sốt rét không điển hình rầm rộ, dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, COVID-19, sốt xuất huyết hay nhiễm trùng tiết niệu…”, ông Cường nói.
Tương tự tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng đang điều trị hai bệnh nhân nhập cảnh từ châu Phi (một nữ, 24 tuổi, du học sinh, sống tại quận Bình Thạnh, trở về từ Cameroon và một nam, 63 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, nhập cảnh từ Bờ Biển Ngà) bị sốt rét ác tính.
TS Hồ Đặng Trung Nghĩa – trưởng khoa nhiễm Việt – Anh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới – cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy mật độ ký sinh trùng sốt rét ở hai bệnh nhân đều rất cao. Các bệnh nhân được điều trị tích cực với thuốc đặc trị sốt rét và phối hợp nhiều phương tiện điều trị hỗ trợ.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đến hết năm 2021 cả nước đã có 36 tỉnh thành được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Theo kế hoạch, Việt Nam đang phấn đấu để đạt loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Riêng tại TP.HCM, từ năm 2011 đến nay không phát hiện ca bệnh sốt rét nội tại, đã được công nhận loại trừ sốt rét từ năm 2020. Hiện TP đang trong giai đoạn phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ.
Có nguy cơ lây lan hay không?
Bác sĩ Trần Thanh Long, trưởng khối điều trị phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TP.HCM, cho biết “thủ phạm” gây bệnh sốt rét là muỗi Anopheles.
Điều kiện để lây truyền bệnh này là phải có muỗi Anopheles, trong khi hiện ở TP.HCM đã loại trừ bệnh này nên nguy cơ bệnh sốt rét “hiện diện” tại TP.HCM là không có.
Bác sĩ Long cho biết thêm, từ lâu nước ta từng ghi nhận nhiều ca sốt rét, còn hiện nay rất ít. Tuy nhiên, nếu những ai đi vào rừng sâu đang lưu hành bệnh sốt rét thì vẫn có khả năng bị sốt rét khi có muỗi Anopheles đốt như một số địa phương như Bù Gia Mập, Đắk Ơ, Đắk Nhau tỉnh Bình Phước
“Người dân không có gì quá lo lắng. Hai ca sốt rét vừa phát hiện ở TP.HCM đều nhập cảnh từ châu Phi, trong khi đó chỉ bị sốt rét khi tồn tại vật trung gian truyền bệnh (muỗi Anopheles).
Nếu nghi ngờ và không biết bản thân bị muỗi thông thường hay Anopheles đốt, cần xem lại mình có đi qua vùng bệnh lưu hành không và nhanh đến cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị thích hợp”, bác sĩ Long nói.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng cho biết do TP.HCM là nơi có biến động dân cư rất lớn, cũng là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến cuối nên hằng năm vẫn ghi nhận một số trường hợp sốt rét đến từ vùng đang có dịch sốt rét lưu hành trong và ngoài nước.
Kết quả giám sát trung gian truyền bệnh sốt rét tại TP.HCM hiện nay không phát hiện muỗi truyền bệnh. Vì vậy nguy cơ lây lan bệnh sốt rét tại TP là rất thấp.
Trên cả nước đã tổ chức các đợt giám sát vectơ (vật trung gian truyền bệnh – PV) sốt rét tại 14 tỉnh thành và giám sát vectơ sốt xuất huyết tại 5 tỉnh thành để kiểm soát, khống chế và phòng ngừa bệnh do các loài côn trùng gây ra.
Theo PGS Cường, ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum là loại gây bệnh chủ yếu, chiếm khoảng 70 – 80% số ca mắc sốt rét tại Việt Nam. Ký sinh trùng sốt rét này hầu như chỉ sinh trưởng tốt tại vùng khí hậu nóng ẩm.
Theo đó, quá trình truyền bệnh bắt đầu khi muỗi cái Anopheles hút phải máu có chứa bào tử từ một người bị sốt rét. Các giao tử bên trong muỗi bắt đầu sinh sản và tạo ra các thoa trùng sau khoảng 1 – 2 tuần.
Thời gian ủ bệnh kể từ khi bị muỗi nhiễm ký sinh trùng sốt rét đốt đến khi có các biểu hiện lâm sàng tùy thuộc loại ký sinh trùng, thông thường từ 9 – 20 ngày. Nhiễm sốt rét do truyền máu thì thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng ký sinh trùng trong máu truyền vào nhưng nói chung thời gian ủ bệnh ngắn vài ba ngày.
“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp sốt rét trở thành ác tính với triệu chứng sốt cao liên tục, có thể đi vào hôn mê sau 3 – 5 ngày, nguy hiểm đến tính mạng. Kèm theo hôn mê là suy đa phủ tạng (gan, thận, phổi…) hoặc thiếu máu, co giật, hạ đường huyết.
Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục. Các thuốc sốt rét hiện nay có sẵn (Artesunate, Arterakin) được Bộ Y tế cung cấp theo chương trình”, ông Cường thông tin.
Biến chứng nguy hiểm của sốt rét
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt rét biến chứng hay sốt rét ác tính có biểu hiện ác tính nổi bật là xuất hiện rối loạn ý thức (li bì hoặc vật vã, cuồng sảng, nói lảm nhảm), sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều, thể trạng nặng.
Sốt rét còn gây tắc nghẽn mao mạch bởi hồng cầu nhiễm ký sinh trùng dính kết vào nội mạc. Thiếu máu cục bộ có thể xảy ra với tình trạng thiếu oxy máu mô, não, thận, phổi và đường tiêu hóa. Hạ đường huyết và toan lactic là các biến chứng tiềm ẩn khác.
Đối với phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ bị biến chứng hoặc sẩy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Với trẻ trên 6 tháng tuổi dễ mắc sốt rét do hết miễn dịch của mẹ và huyết sắc tố F. Trẻ mắc sốt rét thường sốt cao liên tục hoặc dao động, nôn, tiêu chảy, bụng trướng, gan lách to, có dấu hiệu màng não và co giật, tỉ lệ tử vong cao. (Tuổi trẻ, trang 14).
TPHCM: Hơn 5.500 người đã tiêm vaccine mũi 4
Ngày 4-6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HDCD) cho biết, đến nay thành phố đã tiêm vaccine Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho hơn 5.500 người đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn 22 quận huyện, TP Thủ Đức. Vaccine sử dụng để tiêm mũi 4 là vaccine mRNA (Pfizer hoặc Moderna), vaccine AstraZeneca, vaccine cùng loại với mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3).
Người đủ điều kiện tiêm mũi 4 bao gồm: người từ 50 tuổi trở lên (khoảng 1.873.428 người do UBND TP Thủ Đức và các quận huyện cập nhật); người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19; cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
Khoảng cách tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3). Người lao động đang làm việc hoặc đang điều trị nội trú tại bệnh viện (kể cả người có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác) sẽ được tiêm tại bệnh viện, cơ sở tiêm chủng.
Đối với những người đủ điều kiện khác sẽ được tiêm tại các điểm tiêm lưu động trên địa bàn theo quyết định của UBND quận huyện và TP Thủ Đức. Trong trường hợp người đủ điều kiện tiêm chủng di chuyển khó khăn hoặc không thể di chuyển đến các điểm tiêm sẽ được tiêm tại nhà.
Người dân đủ điều kiện tiêm mũi 4 mà chưa tiêm, liên hệ UBND hoặc trạm y tế địa phương để được hỗ trợ đăng ký tiêm chủng. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Ngọc Nga