Điểm báo ngày 7/7/2022

(CDC Hà Nam)
Có cần tiêm vaccine mũi 3, 4 khi đã từng mắc COVID-19 và tiêm mũi 1, 2?; 3 nguy cơ lớn thách thức ngành y tế TP.HCM: Dịch chồng dịch, thiếu thuốc và nhân lực y tế công lập; Bệnh nhân mắc cúm A tăng bất thường tại Hà Nội, Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kháng cáo xin giảm án tù.

 

Có cần tiêm vaccine mũi 3, 4 khi đã từng mắc COVID-19 và tiêm mũi 1, 2?

Nhiều người cho rằng, đã tiêm vaccine mũi 1, 2 và cộng thêm việc từng nhiễm COVID-19 thì không cần tiêm vaccine mũi 3, 4 vì sợ bị phản ứng sau tiêm. Theo PGS.TS. Phạm Quang Thái, đây là suy nghĩ không đúng.
Việt Nam đã ghi nhận 3 ca nhiễm biến thể mới BA.5 thể nhẹ và đáng lo ngại khi biến chủng này ngày càng chiếm đa số. Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của việc tiêm vaccine phòng COVID-19, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

PV: Sau khi tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 thì bao lâu phải tiêm vaccine mũi 3 và mũi 4? Nếu sắp tới ngày tiêm vaccine theo lịch mà bị ốm hoặc bị COVID-19 thì có nên tiêm vaccine không và nên tiêm như thế nào thưa ông?

PGS.TS Phạm Quang Thái: Để tránh nhầm lẫn khi nhắc đến tiêm mũi nhắc lại, chúng ta tách ra mũi cơ bản (1, 2 hay 3 mũi tuỳ từng loại vaccine và tuỳ đối tượng tiêm) và mũi nhắc lại. Tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 được hiểu là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 1. Tiêm vaccine mũi 4 là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 2 cho thống nhất cách gọi.

Việc tiêm mũi nhắc lại thứ 1 và 2 vaccine COVID-19 (tương đương lần tiêm thứ 3 và 4 hay 4 và 5 tuỳ đối tượng) giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản.

Mũi nhắc 1 và nhắc 2 có thể sử dụng loại vaccine tiêm cùng loại với mũi tiêm liều cơ bản hoặc dùng vaccine mRNA hoặc vaccine Astrazeneca nếu tiêm phối hợp. Lưu ý khoảng cách tiêm mũi nhắc lần 1 này cách ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản và mũi nhắc lần 2 cách 4 tháng sau mũi nhắc lần 1. Riêng mũi nhắc lần 2 cần lưu ý cách thời gian xác định bị COVID-19 tối thiểu 3 tháng, điều này không đặt ra với mũi nhắc lần 1.

Liều lượng tiêm đối với vaccine Moderna tiêm liều 0,25ml (1/2 so với liều cơ bản), các vaccine khác giữ nguyên liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nếu sắp tới ngày tiêm vaccine theo lịch mà bị ốm hoặc bị COVID-19 thì nên tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định. Lưu ý với mũi nhắc lần 2 thì phải chờ đủ 3 tháng sau khỏi mới cần đi tiêm.

PV: Đối với những người cao tuổi, người có bệnh lý nên có lưu ý gì khác biệt khi tiêm vaccine COVID-19 không thưa ông?

PGS.TS Phạm Quang Thái: Với tình hình dịch COVID-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, trước nguy cơ làn sóng dịch mới, rất cần thiết tiêm nhắc lần 2 cho những đối tượng nguy cơ để có thể giảm nguy cơ tăng nặng, nhập viện và hạn chế đứt gãy các chuỗi sản xuất.

Hiện có nhiều người đang nhầm lẫn giữa tiêm vaccine COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1). Mũi vaccine bổ sung dành cho đối tượng suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các vaccine mà bằng chứng cho thấy cần phải tiêm thêm mới đạt miễn dịch cơ bản (ví dụ vaccine Vero Cell, Sputnik V).

Riêng với tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) sẽ đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

Hướng dẫn tại văn bản mới nhất của Bộ Y tế nêu rõ việc tiêm liều bổ sung (liều này không phải mũi 3) cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người đang điều trị ung thư tích cực đối với các khối u hoặc ung thư máu; Người cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; Người điều trị bằng liệu pháp thụ thể kháng thể tế bào T (một loại điều trị giúp hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư) hoặc được cấy ghép tế bào gốc (trong vòng 2 năm qua); Người suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (ví dụ hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich); Người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị; Người đang điều trị tích cực corticosteroid hoặc các loại thuốc ứng chế miễn dịch liều cao.

Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine Sinopharm (Vero cell) hoặc vaccine Sputnik V.

Vaccine tiêm là loại vaccine cùng với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA; hoặc vaccine Astrazeneca đối với người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine Sinopharm (Vero cell).

Khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.

PV: Nhiều người dân cho rằng, đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 1, mũi 2, mũi 3 và cộng thêm việc đã bị nhiễm COVID-19 thời gian vừa qua nên không cần tiêm vaccine mũi thứ 4 vì sợ sẽ bị phản ứng sau tiêm. Suy nghĩ này có đúng không thưa ông? Ông có lời khuyên gì cho người dân không thưa ông?

PGS.TS Phạm Quang Thái: Tại Việt Nam, thời gian qua hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế ghi nhận trên 40 ngàn trường hợp tử vong do COVID-19 trong đó phần lớn là chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Thậm chí, cũng có một phần nhỏ trong số người tử vong này đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine nhưng chưa tiêm mũi thứ 3. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 cho những người đã hoàn thành những mũi tiêm cơ bản.

Về lý thuyết thì sau khi khỏi bệnh COVID-19, cơ thể sẽ có kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng có được kháng thể đủ tốt bởi việc nhiễm virus là khác nhau tuỳ vào chủng, tình huống nhiễm, mức độ nhiễm và đặc điểm của cơ thể.

Có khá nhiều trường hợp nhiễm và tái nhiễm nhiều lần do kháng thể tạo ra không đủ tốt hoặc nhiễm lần đầu chỉ ở dạng thoáng qua sau đó lần nhiễm lại mới gặp tình trạng nặng.

Ngoài ra, các bằng chứng khoa học cho thấy khi đã nhiễm tự nhiên mà được tiêm vaccine thì kháng thể bảo vệ được tạo ra sẽ cao hơn rất nhiều và góp phần hạn chế tái nhiễm cũng như hạn chế các tình trạng hậu COVID. Đây chính là lý do dù đã khỏi bệnh nhưng người bệnh vẫn được khuyên tiếp tục tiêm chủng để hoàn thành phác đồ tiêm.

Việc tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine COVID-19 sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2 bởi những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm tức là khoảng 3-4 tháng sau tiêm.

Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy: những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.

Trong nước, tính tới ngày 4/7, trên toàn quốc đã có 45.533.296 người tiêm mũi nhắc thứ nhất (mũi 3) an toàn (đạt 67,9%), có 4.712.466 người được tiêm mũi nhắc thứ 2 (đạt 31,8%).

Việc tiêm các vaccine COVID-19 mũi nhắc lại là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

PV: Đối với trẻ em trên 12 tuổi có lưu ý gì khác biệt khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 không thưa ông?

PGS.TS Phạm Quang Thái: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi: Tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và Mũi 2) bằng vaccine Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, với liều 0,3 ml tương tự liều cơ bản của người từ 12 tuổi trở lên. Mũi nhắc (mũi 3) được tiêm ít nhất là 5 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi 2).

Nếu người trong độ tuổi từ 12-17 tuổi đã mắc COVID-19 thì sẽ tiêm mũi nhắc (mũi 3) sau khi mắc COVID-19 là 3 tháng và đảm bảo khoảng cách với mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 5 tháng.

Các địa phương đang xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai tiêm chủng mũi 3 (mũi nhắc lại) cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Một số địa phương đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm.

Tính tới ngày 4/7, trên toàn quốc đã có 8.648.920 trẻ từ 12 -17 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 an toàn (đạt 98,7%). Có 940.081 trẻ ở độ tuổi 12-17 tiêm mũi nhắc lại an toàn (đạt 10,7%).

Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này!

Triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3724/VPCPKGVX ngày 15/6/2022 về việc đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 và hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngày 23/6/2022, Bộ Y tế ban hành văn bản 3309/BYT-DP, trong đó hướng dẫn triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho các đối tượng người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng quân đội, công an, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ); công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp. (Sức  khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Bộ Y tế chỉ 9 yếu tố nguy cơ sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em

Theo Bộ Y tế việc chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em nhằm loại trừ biến chứng nặng ảnh hưởng tính mạng; hỗ trợ chẩn đoán phân biệt hội chứng sau nhiễm COVID-19 với các bệnh lý khác…
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em. Hướng dẫn này áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ đa số trẻ nhiễm COVID-19 sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Sau khi khỏi bệnh, một số trẻ có hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính – gọi là hội chứng sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em.

Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) đối với trẻ sau mắc COVID-19 khoảng 2-6 tuần khi có dấu hiệu sốt và có tăng các chỉ số viêm (CRP ≥ 5 mg/L, máu lắng, procalcitonin) và tổn thương ≥ 2 cơ quan (da niêm, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh). Đồng thời tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nhấn mạnh: Chỉ định các xét nghiệm/thăm dò cận lâm sàng tùy theo từng người bệnh, dựa trên các dấu hiệu/triệu chứng lâm sàng ở thời điểm thăm khám và định hướng chẩn đoán/chẩn đoán phân biệt. Mục tiêu chính là loại trừ biến chứng nặng ảnh hưởng tính mạng; hỗ trợ chẩn đoán phân biệt hội chứng sau nhiễm nhiễm COVID-19 với các bệnh lý khác.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ trẻ trong dịch bệnh COVID-19.

PGS.TS Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cho biết trong số 756 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hậu COVID-19 tại bệnh viện có đến 283 bệnh nhân bị mắc MIS-C, trong số này 50% phải nằm hồi sức. Các trẻ nhỏ này phải thở máy, lọc máu và làm ECMO.

Rất may mắn trong nhóm trẻ này, hầu hết đều được cứu sống được dựa trên phác đồ điều trị. Tuy nhiên, phác đồ điều trị này rất tốn kém. Ví dụ như phải dùng thuốc đường tĩnh mạch, với trẻ 30-40 kg tốn kém mấy trăm triệu đồng. Như vậy, nếu trẻ mắc COVID-19 thì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi TW, trong những bệnh nhân mắc MIS-C mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ, hầu như đều là các trẻ chưa tiêm vaccine COVID-19.

Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cũng cho hay: Chúng ta đã qua đỉnh dịch 3 – 4 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Những hoạt động xã hội thời gian qua, nhất là trong những tháng hè, các gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng và tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Do đó trẻ rất dễ mắc trong tình hình hiện nay, và với tỉ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các cháu có bệnh nền hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch.

Một nhóm yếu thế nữa trẻ sơ sinh, trẻ bú mẹ cũng có thể mắc COVID-19. Thực tế trong gia đình có trẻ sơ sinh mắc COVID-19, phụ huynh rất lo lắng và căng thẳng hơn rất nhiều so với người lớn hoặc người già.

“Đây chính là những lý do chúng ta cần bảo vệ cho nhóm chưa được tiêm vaccine này, bằng cách đưa trẻ ở nhóm từ 5 tuổi trở lên đi tiêm vaccine COVID-19 trong thời điểm này để tạo miễn dịch trong gia đình. Vấn đề này rất quan trọng, nếu trong gia đình tất cả đã tiêm vaccine rồi có nghĩa là trẻ sơ sinh cũng an toàn hơn rất nhiều”- PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh. (Sức  khỏe & Đời sống, trang 3).

 

3 nguy cơ lớn thách thức ngành y tế TP.HCM: Dịch chồng dịch, thiếu thuốc và nhân lực y tế công lập

Theo Sở Y tế TP.HCM, sau hơn 2 năm nỗ lực trong công tác phòng chống dịch và cơ bản đã kiểm soát được dịch COVID-19, ngành y tế thành phố đang đứng trước 3 nguy cơ lớn đó là: Nguy cơ dịch chồng dịch; thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập.
Ngày 6/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết, việc xác định 3 nguy cơ này để chủ động ứng phó, chuyển “nguy” thành “cơ”, hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân TP.HCM và người dân khu vực phía Nam.

Nguy cơ dịch chồng dịch

Đó là nguy cơ dịch sốt xuất huyết chồng dịch COVID -19. Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay, chưa có quốc gia nào chính thức công bố đã chấm dứt được dịch COVID-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc mới trong tuần qua tăng 18% so với tuần trước, số tử vong mới trong tuần tăng 3% so với tuần trước, sự gia tăng số ca mắc và tử vong này tương ứng với các biến thể phụ BA.4 tăng từ 9% lên 12%, và BA.5 tăng từ 28% lên 43%.

Mới đây, Bộ Y tế đã công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam và ghi nhận số ca mắc mới bắt đầu có dấu hiệu tăng và số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.

Ngày 4/7, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã công bố phát hiện 2 mẫu dương với biến thể phụ BA.4 (tại Phường Thạnh Mỹ Lợi – TP. Thủ Đức) và 1 mẫu dương với biến thể BA.5 (tại xã Tân Phú Trung – Củ Chi). Tất cả các mẫu dương này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố.

Hệ thống giám sát dịch của ngành y tế thành phố cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.

Như vậy, tuy đã được kiểm soát ổn định nhiều tháng qua, tuy nhiên do các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron vẫn tiếp tục xuất hiện và lan nhanh trên phạm vi toàn thế giới nên nguy cơ dịch COVID -19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe doạ đối với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.

Cùng đó, dịch bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và tại TP.HCM với type huyết thanh D1 như năm 2021 nhưng bắt đầu có sự gia tăng dần type huyết thanh D2 (theo công bố của Viện Pasteur TP. HCM), tương ứng với số ca mắc mới tăng cao, số ca nặng tăng, số tử vong tăng.

Tính đến nay, tại các tỉnh khu vực phía Nam, số ca mắc sốt xuất huyết đã lên đến 65.552 ca, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019 (năm có dịch lớn).

Riêng tại TP.HCM, số ca mắc đã là 21.993 ca, tăng 184% so với cùng kỳ. Số ca tử vong do sốt xuất huyết hiện là 11 trường hợp, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em. Những địa phương có số mắc cao nhất là: quận Bình Tân, Bình Chánh, Quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Tân Phú, Tân Bình.

Sở Y tế TP.HCM nhận định, với tình hình trên, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ bùng phát mạnh với số ca mắc tăng, số ca nặng tăng và số tử vong tăng nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng ngay từ bây giờ.

Nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế

Thiếu các thuốc và vật tư y tế thuộc danh mục thuốc hiếm không phải là vấn đề mới phát sinh đối với các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM và cả nước. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19, danh sách thuốc hiếm có nguy cơ bị kéo dài thêm, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị các bệnh lý chuyên khoa.

Theo Sở Y tế TP.HCM, triển khai giải pháp chủ động để ngăn chặn nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế thuộc danh mục thuốc hiếm là trách nhiệm của mỗi bệnh viện, của ngành y tế thành phố. Bởi lẽ, thiếu các thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh lý phổ biến là không thể chấp nhận được vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả và chất lượng điều trị, và nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Các nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc và vật tư y tế ở TP.HCM bao gồm nhiều nguyên do. Trong đó có nguyên nhân nằm ngoài khả năng của hệ thống y tế thành phố: Một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nay ngừng sản xuất hoặc chưa được sản xuất trong nước, như dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn,…; Một vài loại thuốc bị gián đoạn cung ứng do xung đột giữa Nga và Ukraina, như: Methotrexat (sản xuất tại Belarus); Một số thuốc do trung tâm mua sắm tập trung quốc gia chậm đấu thầu hoặc đàm phán; Một số thuốc mới phát sinh do triển khai kỹ thuật mới, hầu hết chưa có số đăng ký nên phải nhập khẩu; Một số thuốc hết thời hạn của số đăng ký.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân nội tại thuộc hệ thống y tế thành phố. Đó là, một số bệnh viện và trung tâm y tế tuyến quận, huyện không đủ năng lực đấu thầu theo quy định, thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống khi chưa chọn lựa được thuốc khi đấu thầu tập trung.

Trước tình hình thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại một số địa phương và thiếu cục bộ tại một vài bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, ngành y tế thành phố đang đứng trước thách thức không nhỏ đó là phải có giải pháp chủ động và sớm khắc phục, không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra.

Các giải pháp đưa ra cụ thể là: Kiến nghị như cho phép thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa; có giải pháp hỗ trợ ngân sách mua sắm và dự trữ một vài thuốc hiếm; thành lập tổ công tác chuyên trách tư vấn, hỗ trợ và điều phối giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại các đơn vị trực thuộc; hội đồng thuốc và điều trị tại các bệnh viện cập nhật phác đồ điều trị, danh mục thuốc cần mua sắm phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập

Hiện tượng một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại nhiều hệ thống y tế nhiều quốc gia. Tại nước ta, cũng không ngoại lệ, theo Bộ Y tế tính đến nay đã có hơn 9.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.

Tại TP.HCM, năm 2021 đã có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng; 6 tháng đầu năm 2022 đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1001 điều dưỡng (chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của TP.HCM).

Đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, TP.HCM hiện đang nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; kiến nghị sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện theo  Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, về lâu dài, cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập (Sức  khỏe & Đời sống, trang 8).

Bệnh nhân mắc cúm A tăng bất thường tại Hà Nội

Theo ThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), trong vài tuần qua, bệnh nhân nhập viện vì cúm A tăng vọt.

Thông thường, bệnh viện chỉ tiếp nhận lác đác một vài ca nhưng thời điểm này đã lên hơn 10 ca mỗi ngày. Các bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi vào viện đều trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, cá biệt có bệnh nhân bị viêm phổi, suy hô hấp.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhân cúm A vào nhập viện tăng đột biến. Tại Khoa Nhi của bệnh viện trong một vài tuần lại đây ghi nhận số ca vào nhập viện tăng bất thường so cùng thời điểm các năm trước, chiếm tỷ lệ 1/4 -1/5 trên tổng số ca nhi vào khám mỗi ngày.

Theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm này sẽ xuất hiện sốt xuất huyết trước, sau đó mới đến dịch cúm A, nhưng hiện nay lại đảo ngược. Đây được coi là hiện tượng bất thường so với mọi năm.

Cùng với sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở phía Nam và đang gia tăng ở phía Bắc, cộng thêm sự bất thường của bệnh cúm A và số ca COVID-19 phải nhập viện có chiều hướng gia tăng, nhiều người lo ngại “dịch chồng dịch” trong thời gian tới, gây khó khăn ở một số cơ sở điều trị khi tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang diễn ra. (Công an nhân dân, trang 1; Tuổi trẻ, trang 12).

 

Hàng ngàn điểm nguy cơ thành ổ dịch sốt xuất huyết

Những ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) liên tục tăng nhanh tại TPHCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Song ở nhiều nơi, một bộ phận người dân và chính quyền địa phương lại chủ quan, lơ là. đây là nguy cơ khiến dịch có thể bùng phát mạnh hơn.
Số ca mắc tăng nhanh
Với hơn 20.000 ca mắc SXH trong 6 tháng đầu năm, TPHCM đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, khi số ca mắc tiếp tục gia tăng nhanh trong những ngày gần đây. Tại nhiều địa phương, bên cạnh số ca mắc tăng cao thì vẫn còn hàng ngàn điểm nguy cơ khiến dịch tiếp tục bùng phát trên diện rộng. Cụ thể, tại quận Bình Tân dù đã có 1.771 ca mắc SXH nhưng hiện trong cộng đồng còn hơn 1.370 điểm nguy cơ. Quận 12 cũng ghi nhận 2.167 trường hợp mắc SXH, số ca bệnh nhập viện điều trị nội trú 1.447 (chiếm 66,77%).

Tính hết tháng 6, quận 8 có 659 ca SXH (tăng 81,04% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng vẫn còn 1.633 điểm nguy cơ. Huyện Củ Chi ghi nhận 969 ổ dịch với 1.011 ca SXH được điều trị ngoại trú, trong đó có 109 ca nhiễm được điều trị tại Bệnh viện Huyện Củ Chi, 656 ca được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Huyện Hóc Môn ghi nhận 107 ổ dịch SXH, 925 điểm nguy cơ tại các xã, thị trấn và 2.007 ca sốt xuất huyết, trong đó có 1.451 ca nhập viện và 556 ca điều trị ngoại trú.

Một trong những nguyên nhân khiến dịch SXH bùng phát mạnh, theo nhận định của Sở Y tế TPHCM, là do sự chủ quan, lơ là của nhiều người dân và chính quyền các địa phương. Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, tại nhiều khu đông dân cư, ghi nhận rất nhiều điểm chứa lăng quăng. Đó là các vật dụng, lu nước, vỏ chai nhựa… đựng đồ ăn cho gia súc, gia cầm đều có thể trở thành nơi cho muỗi đẻ trứng, chứa lăng quăng.

Ông Nguyễn Văn Tư (67 tuổi, ngụ khu phố 4, phường 7, quận 8) cho biết, nơi ông sống có nhiều ca mắc SXH. Một số dự án bỏ hoang, nước đọng gây phát sinh muỗi. Bên cạnh đó, người dân sử dụng vật chứa nước không cần thiết nhưng không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, từ đầu mùa dịch đến nay Sở Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác phòng chống SXH tại các quận huyện và TP Thủ Đức. Một số địa phương báo cáo đã thực hiện nhiều hoạt động để phòng chống dịch SXH, nhưng khi kiểm tra thực tế thì các vật chứa còn tồn tại rất nhiều điểm phát sinh lăng quăng.

Coi chừng dấu hiệu chuyển nặng
Các bác sĩ cảnh báo, bệnh SXH có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ nhẹ đến rất nặng và có thể gây tử vong. Đa số trường hợp bệnh nhân tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến thành thể SXH Dengue nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, SXH ở trẻ em có 2 mốc thời gian quan trọng, phụ huynh cần lưu ý. Thứ nhất, khi trẻ đột nhiên có dấu hiệu sốt cao liên tục, từ 38-400C, uống thuốc hạ sốt có bớt nhưng sau đó sốt trở lại, có thể kèm theo một số triệu chứng khác như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi… Lúc này, phụ huynh cần nghĩ đến SXH, đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị kịp thời.

Thứ hai, với trẻ điều trị ngoại trú, ở bệnh ngày thứ 3-6, nếu trẻ hết sốt nhưng có một trong các dấu hiệu trở nặng như ói mửa nhiều lần, đau bụng, bứt rứt quấy khóc, tay chân lạnh, vã mồ hôi, bỏ ăn bỏ bú, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen, chảy máu vùng kín ở bé gái… cần được nhập viện ngay. “Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của SXH. Trường hợp chậm trễ, trẻ có thể sốc sâu, điều trị khó khăn. Trẻ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nặng, thậm chí tử vong”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cảnh báo.
SXH đang dần vào cao điểm mùa dịch, số mắc liên tục tăng cao, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời.

Ngày 6-7, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Phước ghi nhận hơn 2.200 ca mắc SXH, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 3 ca tử vong đều là trẻ em dưới 15 tuổi ở huyện Phú Riềng, TP Đồng Xoài. Nguyên nhân bệnh SXH tăng mạnh do mưa dày, khí hậu ẩm thấp dễ phát sinh mầm bệnh, ý thức của người dân trong phòng chống bệnh chưa cao.
“SXH là bệnh có thể phòng ngừa. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt” – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Thanh niên, trang 1).

HÀ TĨNH: Loay hoay khắc phục thiếu thuốc, vật tư y tế

Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế ở Hà Tĩnh đang lo lắng khi xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, tình trạng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Tại Hà Tĩnh đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế, bệnh viện, cơ sở tư nhân. Trước tình trạng này, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đang loay hoay tìm phương án xử lý để đáp ứng chất lượng khám, chữa bệnh.Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), 500 loại vật tư y tế như: bông, băng, gạc, kim, chỉ, găng tay, bơm kim tiêm…. đang thiếu trầm trọng.

Theo đánh giá, nếu tình trạng này kéo dài đến tháng 8 , bệnh viện sẽ không còn những loại vật tư này để sử dụng. Lý giải về nguyên nhân thiếu vật tư, ông Phan Trường Sang – Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, do chưa có gói thầu nên bệnh viện không tự mua vật tư được.

“Đối với bệnh viện, muốn mua cũng không được vì không đủ điều kiện. Phía bệnh viện đã báo cáo với Sở Y tế để có phương án xử lý, khắc phục việc thiếu vật tư y tế kéo dài”, ông Sang thông tin.

Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cũng không chỉ thiếu thuốc mà thiếu nhiều thiết bị, vật tư y tế như: Bộ dây lọc máu thận nhân tạo, găng tay không tiệt trùng, găng tay tiệt trùng, dây chuyền dịch, dây ô xy. Hóa chất xét nghiệm điện giải, các sinh phẩm cũng bị thiếu. Vì thế, thời gian qua, bệnh viện phải loay hoay xử lý mặc dù gặp rất nhiều khó khăn.

“Vì thiếu thuốc nên bệnh viện đang cố gắng thay thế bằng một số loại thuốc khác. Có những bệnh nhân nặng, nếu dùng thuốc đúng theo tiêu chuẩn của bệnh thì sẽ tốt hơn. Việc phải dùng thuốc thay thế thì mức độ trị bệnh sẽ kém hơn. Dù khó khăn nhưng cũng phải cố gắng tìm hướng xử lý. Trong tình trạng cấp bách, Sở Y tế Hà Tĩnh có hướng dẫn cho phép các đơn vị mua không quá 50 triệu đồng tiền thuốc, nhưng chỉ được mua vài lần”, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cho hay.

Ông Lê Nhật Thành- GĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn cho biết, đơn vị này cũng thiếu vật tư y tế. Nguyên nhân là chưa có gói trúng đấu thầu nên phía bệnh viện đang chờ.

Không chỉ các bệnh viện tuyến huyện mà tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, nơi có số lượng bệnh nhân khám và điều trị nhất tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn -Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh văn bản gửi Chính phủ kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế.

“Việc khó khăn trong mua sắm khiến các loại thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm thiết yếu trong thời gian tới sẽ có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây khó khăn lớn cho công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho hay. (Tiền phong, trang 4).

 

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kháng cáo xin giảm án tù

Sau bản án sơ thẩm hồi trung tuần 5, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 9 bị cáo liên quan đã có đơn kháng cáo gửi tới Tòa án Hà Nội.

Trước đó, 14 bị cáo trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế” đã được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm với những hình phạt tương xứng.

Trong số 10 bị cáo có đơn kháng cáo, duy nhất có bị cáo Nguyễn Thị Quyết (SN 1983, nguyên nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) kháng cáo kêu oan. Bị cáo Quyết cho rằng mình không thực hiện hành vi phạm tội mà chỉ làm theo những gì cấp trên chỉ đạo và không ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Bị cáo Quyết bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Các bị cáo còn lại đều kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt gồm nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường; Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) xin được giảm nhẹ hình phạt; Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn); Nguyễn Việt Hùng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) và Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) cùng xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tiếp đến, Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) xin giảm nhẹ phần trách nhiệm bồi thường dân sự; Phan Cẩm Loan (nguyên Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma); Lê Thị Vũ Phương (nguyên Kế toán trưởng Công ty VN Pharma); Phạm Quỳnh Trang (nguyên nhân viên Công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C) xin được giảm nhẹ hình phạt và xin miễn trách nhiệm dân sự.

Trong bản án sơ thẩm, bị cáo Trương Quốc Cường bị tuyên phạt 4 năm tù, Nguyễn Việt Hùng 3 năm tù về cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hai bị cáo Phạm Hồng Châu và Nguyễn Thị Thu Thủy cùng bị phạt 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Năm bị cáo là Ngô Anh Quốc bị phạt 15 năm tù, tổng hợp với bản án 16 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 30 năm tù; Phan Cẩm Loan 8 năm tù, tổng hợp với bản án 7 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 15 năm tù.

Lê Thị Vũ Phương 8 năm tù, tổng hợp với bản án 5 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 13 năm tù; Phạm Anh Kiệt 14 năm tù, tổng hợp với bản án 3 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 17 năm tù; Phạm Quỳnh Trang 7 năm tù, tổng hợp với bản án 4 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 11 năm tù về cùng tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Tòa cấp sơ thẩm nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, hàng hóa bị làm giả trong vụ án là thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân, là mặt hàng đặc biệt do Nhà nước quản lý. Các bị cáo đều có nhận thức pháp luật và có trình độ chuyên môn, tuy nhiên các bị cáo cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây bất bình trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế.

Trong vụ án này, các bị cáo không được hưởng lợi, đóng vai trò tham gia giúp sức, làm theo chỉ đạo của lãnh đạo. Hầu hết các bị cáo đều thành khẩn khai nhận tội, ăn năn hối cải, mong muốn được giảm nhẹ hình phạt.

Riêng bị cáo Phạm Anh Kiệt quanh co, không thừa nhận hành vi cung cấp con dấu có nội dung “Austin Pharma Specialties Co.” của Công ty Austin Hong Kong và dấu chữ ký mang tên Luk Heung Tung cho các bị cáo khác sử dụng vào các hợp đồng nhằm hợp thức việc mua bán nhập khẩu lô thuốc H – Capital.

Đối với bị cáo Trương Quốc Cường, bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm cũng đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cường theo quy định của pháp luật. (An ninh Thủ đô, trang 9).

Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 28/6/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/3/2022

CDC Hà Nam