Điểm báo từ ngày 24-26/7/2018

(CDC Hà Nam)

ĐIỂM BÁO TỪ NGÀY 24 ĐẾN 26/7/2018
Truy tìm thực phẩm chức năng giảm béo chứa chất cấm; Bộ Y tế đề nghị xác minh sự việc bé trai 4 tháng tuổi tử vong bất thường ở Sơn La; Hà Nội: Tiếp tục ghi nhận các ca mắc sởi, sốt xuất huyết. Trên 90% thiết bị y tế tiêu thụ tại Việt Nam phải nhập khẩu; Tránh biến động giá khi thu hồi 23 thuốc điều trị tim mạch có nguy cơ gây ung thư; Thương lượng nhượng quyền sản xuất thuốc mới điều trị viêm gan C, giá rẻ tại Việt Nam; Thu hồi Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Hoàng Công Lương… là những nội dung có trên các báo từ ngày 24 đến 26/7/2018

Truy tìm thực phẩm chức năng giảm béo chứa chất cấm
Ngày 23/7, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, ông vừa ký ban hành công văn số 3811/ATTP-SP gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh đề nghị giám sát sản phẩm thực phẩm có chứa chất Sibutramine.
Công văn của Cục An toàn thực phẩm cho biết, Sibutramine là hoạt chất đã bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấm sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL ngày 14/4/2011 do có tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, thông qua chương trình giám sát chủ động, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số sản phẩm giảm cân có chứa chất Sibutramine, các sản phẩm này đã bị thu hồi và xử lý theo quy định. (Tiền phong, trang 2; Nhân dân, trang 5)

Bộ Y tế đề nghị xác minh sự việc bé trai 4 tháng tuổi tử vong bất thường ở Sơn La
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn số 825, ngày 23/7 gửi Sở Y tế Sơn La yêu cầu Sở Y tế Sơn La khẩn trương xác minh thông tin “4 năm chạy chữa hiếm muộn mới có con, bất lực nhìn bé tử vong do y bác sĩ tắc trách”, xảy ra tại BV đa khoa Mường La (Sơn La); tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định hiện hành (nếu có). Ngoài ra, Cục cũng yêu cầu Sở y tế Sơn la công khai thông tin về kết quả xác minh, xử lý và báo cáo về Bộ trước ngày 30/7/2018. (An ninh thủ đô, trang 8; Nhân dân, trang 5)

Hà Nội: Tiếp tục ghi nhận các ca mắc sởi, sốt xuất huyết
Báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội ngày 23-7 cho biết, trong tuần (từ ngày 16 đến 22-7), trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 13 trường hợp sởi, 44 trường hợp tay chân miệng và 3 trường hợp ho gà. (Hà Nội mới, trang 1)

“Huyền thoại sống” về ghép tạng thế giới phẫu thuật tại Đà Nẵng
Ngày 23.7, Giáo sư – bác sĩ Nhật Bản Masatoshi Makuuchi (73 tuổi), người được xem như một “huyền thoại sống” về ghép tạng trên thế giới, thực hiện thành công ca phẫu thuật miễn phí cắt khối tá tràng đầu tụy cho bệnh nhân N.T.T (61 tuổi, quê Bảo Lâm, Lâm Đồng) tại Bệnh viện (BV) Ung bướu Đà Nẵng. (Thanh niên, trang 4)
Công đoàn Y tế Việt Nam: Hỗ trợ đoàn viên vùng lũ và mất việc làm tại Lai Châu
Chủ tịch CĐ Y tế VN, PGS-TS Phạm Thanh Bình vừa dẫn đầu đoàn công tác làm việc với LĐLĐ, Sở Y tế, CĐ Y tế tỉnh Lai Châu về hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế bị thiệt hại tài sản do mưa lũ và hỗ trợ 28 đoàn viên bị chấm dứt HĐLĐ…(Lao động, trang 5)

Trên 90% thiết bị y tế tiêu thụ tại Việt Nam phải nhập khẩu
Thiết bị y tế nhập khẩu chủ yếu tập trung các thiết bị chẩn đoán hình ảnh (X-quang, siêu âm, MRI, CT scaner), thiết bị phòng mổ, theo dõi bệnh nhân, thiết bị khử khuẩn, nội soi, xét nghiệm, xử lý chất thải y tế…
Tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược lần thứ 18 tại TPHCM (Vietnam Medi – Pharm Expo), ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thiết bị Y tế TPHCM (HMEA) cho biết, hơn 90% tổng giá trị hàng hóa trang thiết bị y tế tiêu thụ của thị trường Việt Nam là nhập khẩu. Thị trường này đã vượt hơn 1,1 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái, so với con số khoảng 950 triệu USD của năm 2016.
5 nước có kim ngạch xuất khẩu thiết bị y tế vào thị trường Việt Nam chủ yếu là Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Singapore. Thiết bị y tế nhập khẩu chủ yếu tập trung các thiết bị chẩn đoán hình ảnh (X-quang, siêu âm, MRI, CT scaner), thiết bị phòng mổ, theo dõi bệnh nhân, thiết bị khử khuẩn, nội soi, xét nghiệm, xử lý chất thải y tế…
Việt Nam hiện chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế được Bộ Y tế cấp phép, phần lớn đều sản xuất những mặt hàng đơn giản, nên không đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Từ ngày 2 đến 4-8, hơn 350 doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế trong và ngoài nước tham gia triển lãm thiết bị y tế tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Sài Gòn (SECC) tại quận 7, TPHCM.  (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

Tránh biến động giá khi thu hồi 23 thuốc điều trị tim mạch có nguy cơ gây ung thư
Như Báo Hànộimới đã đưa tin về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi 23 thuốc được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan (chứa tạp chất có nguy cơ gây ung thư) do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceuticals của Trung Quốc sản xuất, chiều 25-7, theo thông tin Bộ Y tế cung cấp cho báo chí, hiện Bộ Y tế đã cấp số đăng ký lưu hành cho 111 thuốc có chứa hoạt chất Valsartan.
Tuy nhiên, việc đình chỉ lưu hành chỉ áp dụng với 23 thuốc có sử dụng nguyên liệu Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceuticals của Trung Quốc sản xuất. Nhằm bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ nhu cầu điều trị và tránh biến động về giá thuốc, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục nhập khẩu, sản xuất, lưu hành 88 thuốc còn lại chứa Valsartan không sử dụng nguyên liệu của Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceuticals.
Được biết, dược chất Valsartan được dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp và suy tim, ngăn ngừa đột quỵ cho người cao tuổi, nhồi máu cơ tim và các vấn đề về thận. Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), cơ quan Quản lý dược Canada và một số nước thông báo về việc thu hồi số thuốc chứa Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceuticals của Trung Quốc sản xuất, có chứa tạp chất nguy cơ gây ung thư.
* Cùng ngày, Bộ Y tế có thông cáo báo chí liên quan đến việc một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về vắc xin phòng bệnh dại ở người và vắc xin DPT (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván) do Công ty Changsheng Biotechnology, trụ sở ở TP Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc bị phát hiện vi phạm các tiêu chuẩn trong sản xuất vắc xin và đã bị cơ quan Quản lý dược phẩm Trung Quốc thu hồi giấy phép sản xuất, đồng thời tiến hành điều tra hình sự. Sau khi kiểm tra và rà soát việc cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu vắc xin, đến nay chưa có sản phẩm vắc xin phòng bệnh dại ở người và vắc xin DPT do Công ty Changsheng Biotechnology, Trung Quốc sản xuất hoặc cung cấp được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu để lưu hành tại Việt Nam. (Hà Nội mới, trang 1; Công an nhân dân, trang 5).

Thương lượng nhượng quyền sản xuất thuốc mới điều trị viêm gan C, giá rẻ tại Việt Nam
Tại lễ mít tinh kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống viêm gan vừa diễn ra ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, giống như viêm gan B, bệnh viêm gan C diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm Viêm gan C không biết về tình trạng nhiễm virus của mình.
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, ước tính Việt Nam có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong và gánh nặng bệnh tật của nhiễm viêm gan B và C rất lớn tại Việt Nam.
Với viêm gan C, hiện chưa có vaccine phòng bệnh nhưng gần đây đã có các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%). Tuy nhiên, chi phí cho điều trị rất cao và chưa được bảo hiểm y tế chi trả, do đó hầu hết bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị.
Trước thực trạng đó, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất Bộ Y tế sớm đưa loại thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả, với tỷ lệ chi trả hợp lý để hàng trăm nghìn người bệnh có cơ hội được chữa khỏi.
Được biết, vừa qua Bộ Y tế đã làm việc với hãng, công ty dược lớn trên thế giới để thương lượng nhượng quyền sản xuất thuốc mới điều trị viêm gan C với giá thành rẻ so với giá thành sản xuất tại các nước khác, nhằm tăng cơ hội cho người bệnh trong nước có thể tiếp cận được với thuốc mới để điều trị. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Thu hồi Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Hoàng Công Lương
Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa thu hồi Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương, hiện bác sĩ Lương vẫn làm việc bình thường tại bệnh viện nhưng không trực tiếp tham gia điều trị.
Ngày 25-7, xác nhận thông tin với phóng viên, bác sĩ Hoàng Công Lương, công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết, cách đây khoảng một tuần, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của ông.
Mặc dù sau khi bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề nhưng hàng ngày, bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm việc. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Công Lương không trực tiếp được tham gia công tác điều trị.
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình tạm thu hồi Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của bác sĩ Hoàng Công Lương bởi theo quy định, khi bác sĩ Lương bị khởi tố, Sở Y tế sẽ tạm thu hồi Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Như ANTĐ đưa tin, từ ngày 15-5 đến 5-6-2018, TAND – TP Hòa Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan đến sự cố y khoa khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khi chạy thận.
Theo đó, bác sĩ Hoàng Công Lương (bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (cựu nhân viên Phòng Vật tư – Thiết bị) đều thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, còn Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh), bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.
Tuy nhiên, tại phần tuyên án diễn ra vào chiều 5-6, căn cứ quá trình xét hỏi công khai tại tòa, đánh giá vụ án có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố; các chứng cứ buộc tội đối với bị cáo Hoàng Công Lương còn chưa được thu thập đầy đủ; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; có nhiều tình tiết, tài liệu mới xuất hiện chưa được kiểm chứng.
Để giải quyết vụ án, đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án cho VKSND – TP Hòa Bình để điều tra bổ sung 6 nội dung.
Sau khi điều tra bổ sung, ngày 4-7, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố thêm 2 bị can gồm: (Phó Giám đốc kiêm trưởng Khoa hồi sức) và ông Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng Phòng vật tư bệnh viện) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị can này đều có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cùng ngày, Viện KSND tỉnh Hòa Bình cũng ban hành 2 Lệnh cấm bác sĩ Hoàng Công Lương đi khỏi nơi cư trú (đều mang số hiệu số 04/LCCT-VKS-P2), do Phó viện trưởng VKSND tỉnh Hòa Bình – Đinh Thế Hệ ký.
Nội dung 2 lệnh cấm này gần hoàn toàn giống nhau, chỉ khác điểm: Một lệnh cấm ghi: “Bị can không được đi khỏi nơi cư trú tại: Xóm 9, xã Sử Ngòi, TP Hòa Bình, Hòa Bình kể từ ngày 4-7 đến ngày 2-8” và Lệnh cấm còn lại ghi: “Bị can không được đi khỏi nơi cư trú tại: TP Hòa Bình, Hòa Bình kể từ ngày 4-7 đến ngày 2-8”. (An ninh Thủ đô, trang 2; Thanh niên, trang 4).

Tiếp tục ưu tiên vùng khó khăn
Sau hơn 30 năm triển khai, chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Việt Nam luôn duy trì ba yêu cầu cơ bản: nâng cao tỷ lệ tiêm chủng; nâng cao chất lượng tiêm chủng; bảo đảm an toàn tiêm chủng. Chương trình TCMR được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, là mô hình điểm cho nhiều quốc gia khác học tập.

Nhờ thực hiện hiệu quả chương trình TCMR, Việt Nam đã đạt được những mục tiêu cam kết quốc tế: thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Ngoài ra, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đều giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần, như: bệnh sởi (giảm 319 lần); bệnh bạch hầu (giảm 104 lần); bệnh ho gà (giảm 80,9 lần)…
Ðến năm 2018, đã có 12 loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình TCMR. Công tác tiêm chủng được thực hiện tại tất cả các xã trên toàn quốc; số xã triển khai tiêm chủng thường xuyên trong năm 2017 là 11.148 xã, chỉ còn 63 xã có tổ chức tiêm chủng định kỳ. Những xã có tổ chức tiêm định kỳ thường ở khu vực miền núi, vùng xa, hải đảo tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang. Cả nước có tổng số 15.865 điểm tiêm chủng, trung bình có 1,4 điểm tiêm chủng/xã; tại những vùng khó khăn, tỷ lệ còn cao hơn, như: khu vực trung du miền núi phía bắc (2,2 điểm/xã); khu vực Tây Nguyên (2,4 điểm/xã). Tại những vùng khó tiếp cận, việc triển khai điểm tiêm chủng ngoài trạm để đưa dịch vụ tiêm chủng đến gần với cộng đồng là cần thiết.
Trên cơ sở thành quả đã đạt được của giai đoạn trước, từ năm 2016, chương trình TCMR phấn đấu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc-xin cho trẻ dưới một tuổi đạt hơn 95% trên quy mô toàn quốc. Ðồng thời tập trung các hoạt động để nâng cao chất lượng tiêm chủng như: tăng cường chất lượng công tác quản lý đối tượng tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng; công tác quản lý và bảo quản vắc-xin để bảo đảm vắc-xin luôn có chất lượng tốt, giảm hao phí vắc-xin và bảo đảm an toàn tiêm chủng. Giám sát, hỗ trợ đối với những vùng gặp nhiều khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Theo GS, TS Ðặng Ðức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Giám đốc Ban quản lý dự án TCMR quốc gia, hoạt động tăng cường chất lượng công tác tiêm chủng ở Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: tiếp tục xây dựng và ban hành các tài liệu thực hành chuẩn về TCMR, tập huấn về kỹ năng thực hành chuẩn thức cho cán bộ y tế. Xây dựng và phổ biến quy định, hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực TCMR. Thường xuyên tổ chức đào tạo, huấn luyện và huấn luyện lại cho cán bộ chuyên trách tại các tuyến, kể cả cán bộ làm tiêm chủng trong bệnh viện và các cơ sở y tế. Phát triển và hoàn thiện phần mềm trực tuyến để quản lý đối tượng tiêm chủng, vắc-xin, vật tư và tỷ lệ tiêm chủng, bảo đảm tính chính xác, cung cấp thông tin kịp thời.
Tăng cường kiểm tra giám sát, kể cả việc nâng cao năng lực của hệ thống giám sát các bệnh trong TCMR. Trong đó, tập trung giám sát bệnh liệt mềm cấp để phát hiện vi-rút bại liệt hoang dại xâm nhập (nếu có) sớm nhất. Luôn sẵn sàng ứng phó đối với sự xâm nhập của vi-rút bại liệt hoang dại để bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt. Phối hợp việc giám sát chết sơ sinh tại các bệnh viện cùng với giám sát liệt mềm cấp và theo dõi các bệnh khác trong TCMR. Ở những xã có trường hợp mắc uốn ván sơ sinh, tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ nếu cần thiết. Triển khai các hoạt động tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, như tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ca nghi sởi, lấy đủ mẫu huyết thanh gửi về phòng thí nghiệm của khu vực. Chủ động trong công tác phòng, chống dịch của địa phương, tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung cho các đối tượng nguy cơ trong vùng nguy cơ khi cần thiết.
Duy trì và củng cố hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng, thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế trong việc giám sát, phản ứng sau tiêm chủng. Tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản, vận chuyển vắc-xin an toàn, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch quốc gia, triển khai hoạt động về bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị trong hệ thống dây chuyền lạnh ở các tuyến để bảo đảm sự hoạt động ổn định, liên tục của hệ thống. Bổ sung trang thiết bị mới để hệ thống dây chuyền lạnh luôn hoạt động tốt, giúp bảo quản và vận chuyển phù hợp với các loại vắc-xin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
Tổ chức truyền thông cho cộng đồng, nhất là bậc cha, mẹ về lợi ích của TCMR. Có kế hoạch truyền thông cụ thể đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng như cộng đồng người dân tộc thiểu số để khuyến khích thực hiện tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhằm huy động nguồn viện trợ từ chính phủ các nước, tổ chức quốc tế cho công tác TCMR. Theo đó, vận động Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí, sinh phẩm, dụng cụ cho hoạt động bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, giám sát sởi, giám sát các bệnh khác trong TCMR (Viêm não Nhật Bản, hội chứng rubella bẩm sinh, viêm màng não, tiêu chảy cấp do vi-rút rota…). Vận động Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động để duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh và hỗ trợ nâng cao chất lượng, tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng khó khăn… (Nhân dân, trang 5).

Bộ trưởng Y tế dâng hương tại khu di tích Ngã 3 Đồng Lộc
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc (24-7-1968-24-7-2018), hướng tới 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947-27-7-2018), Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã đến dự chương trình khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho 500 người dân thuộc đối tượng chính sách, người già neo đơn, người dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết dù đã qua 50 năm nhưng ý nghĩa của chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn nguyên giá trị. Đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí, sức mạnh quật cường của quân và dân ta. Chiến thắng Đồng Lộc cũng tiếp nối truyền thống yêu nước, cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, của bà con nơi đây, khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ thêm bà rất xúc động trước tình cảm, tấm lòng và sự hy sinh của bà con nhân dân nơi đây. “Hôm nay trên vùng đất nhiều truyền thống cách mạng, tôi thật sự xúc động trước tình cảm, tấm lòng và sự hy sinh của bà con nhân dân nơi đây. Thay mặt cho hàng ngàn nhân viên ngành y tế, tôi xin gửi tới bà con lời tri ân và lòng biết ơn của thế hệ đi sau” – bà Tiến xúc động nói.
Bộ trưởng cũng cho biết trong thời gian qua ngành y tế đã không ngừng nỗ lực trong công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thay đổi phong cách thái độ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Cùng với đó, ngành tập trung phát triển mạng lưới y tế cơ sở giúp cho người dân tại tuyến cơ sở được hưởng các dịch vụ y tế và được chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách tốt nhất. Bộ trưởng cũng hoan nghênh tinh thần thiện nguyện, xung kích, lòng nhiệt huyết của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Cơ quan Bộ Y tế, các bác sĩ trẻ đến từ các bệnh viện Trung ương như BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV K Trung ương… đã có mặt để khám, tư vấn sức khỏe cho bà con nhân dân xã Đồng Lộc.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã trao tặng 10 suất quà cho 10 gia đình của 10 nữ liệt sĩ hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc. Tặng một máy điện tim cho Trạm y tế xã Đồng Lộc, một máy đông máu và một máy xét nghiệm nước tiểu cho BV Đa khoa huyện Can Lộc, tặng 10 máy lọc nước cho 10 trường mầm non tại Huyện Can Lộc.
Ngoài ra, bà Tiến cũng tới thăm và tặng quà cho các trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh. Dùng tiền riêng 5 triệu đồng dành tặng cho quỹ vì bệnh nhân nghèo BV đa khoa huyện Can Lộc.
Trước khi tham dự chương trình khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho thương binh, gia đình liệt sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo ngành y tế Hà Tĩnh đã đến dâng hương tưởng niệm tại khu di tích lịch sử ngã 3 Đồng Lộc.
Cùng ngày Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã tới dâng hương tại mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, đền thờ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Đình Liễn, thăm tặng quà cho đội thanh niên xung phong huyện Cẩm Xuyên. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 12).

Phẫu thuật cứu thai phụ bị hoại tử ruột
Ngày 25/7, tiến sỹ-bác sỹ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Bệnh viện Bình Dân cùng với Bệnh viện Từ Dũ vừa thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu loại bỏ một phần ruột bị hoại tử cho một thai phụ nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho cả người mẹ lẫn thai nhi.
Cụ thể, bệnh nhân L.T.K.H (32 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ trong tình trạng đau bụng dữ dội không rõ nguyên nhân, mạch trên 120 lần/phút, dọa sốc, nguy hiểm tính mạng của cả thai phụ và thai nhi.
Các bác sỹ Bệnh viện Từ Dũ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc toàn thể (nhiễm trùng ổ bụng) và đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bình Dân.
Tại Bệnh viện Bình Dân, các bác sỹ thực hiện nội soi thám sát ổ bụng cho người bệnh. Ngay khi camera nội soi tiến vào ổ bụng, các bác sỹ phát hiện có nhiều dịch màu đỏ và hình ảnh ruột non của thai phụ đã bị hoại tử tím đen. Ngay lập tức, các bác sỹ quyết định chuyển mổ mở ngay lập tức, chạy đua với thời gian để ngăn chặn nguy cơ độc tố do ruột hoại tử phóng thích vào máu gây sốc và tử vong cho cả người mẹ và thai nhi. (Tuổi trẻ, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 02/8/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/4/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận