Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

(CDC Hà Nam)

Lây truyền HIV từ mẹ sang con một trong ba đường lây truyền của HIV thường gặp cần được kiểm soát tốt. Người mẹ nhiễm HIV thể lây truyền vi rút HIV sang con trong thời kỳ mang thai, khi sinh và khi cho con bú. Nếu được can thiệp sớm, chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp thì mỗi năm tại Việt Nam sẽ có hàng ngàn trẻ được cứu thoát khỏi HIV, phòng ngừa được lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam, trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi năm có khoảng 05 phụ nữ nhiễm HIV. Tất cả phụ nữ nhiễm HIV mang thai và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều được tư vấn, chuyển tiếp, theo dõi, quản lý, điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV là ARV (Antiretroviral drug) trong chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xét nghiệm HIV cho 3395 phụ nữ mang thai, phát hiện mới 02 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 02 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; 02 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và 100% trẻ đều được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV.

Lợi ích của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình nhằm mục tiêu góp phần giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nhiễm HIV cũng như giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Theo các chuyên gia, nếu không có bất kỳ can thiệp nào nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV từ người mẹ nhiễm HIV sang con của mình là từ 30-40%. Tuy nhiên, nếu được can thiệp kịp thời và toàn diện thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 5% thậm trí dưới 2%.

Để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con thì việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm ARV là yếu tố có tính chất quyết định. Vì những đứa con khỏe mạnh, không nhiễm HIV, mọi phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai, hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ để được điều trị ARV càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV.

Mẹ nhiễm HIV có thể truyền cho con như thế nào?

Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua nhau thai vào cơ thể thai nhi.

Trong khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo, máu tại đường sinh sản… của mẹ xâm nhập vào trẻ.

Khi cho con bú: HIV có thể lây sang con do HIV có trong sữa hoặc máu, dịch tiết từ các vết nứt ở núm vú người mẹ.

Phụ nữ nhiễm HIV có kế hoạch sinh con: Cần gặp bác sĩ để được tư vấn, xem xét kỹ thời điểm có thai, đó là khi tải lượng HIV của mình thấp, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện dưới 200 bản sao HIV/ mml máu (bản sao: là đơn vị tính theo số bản copy của vi rút HIV trong máu người nhiễm HIV) để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV sang con. Đồng thời khám, quản lý thai nghén tại các cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS

Dự phòng khi mang thai: Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị trong thai kỳ. Đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV sớm nhất với phác đồ tối ưu. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng điều trị ngay cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV mà không phụ thuộc vào tuổi thai.

Chăm sóc và hỗ trợ sau sinh

Trao đổi với thầy thuốc về cách nuôi dưỡng trẻ, điều trị ARV, chăm sóc sức khỏe cho mẹ và con sau sinh để bà mẹ lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình. Tiếp tục điều trị ARV cho mẹ theo phác đồ và điều trị dự phòng cho con bằng thuốc ARV liên tục trong 6 tuần tuổi đầu tiên.

Với nuôi bằng sữa mẹ: Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Mẹ cần tuân thủ điều trị tốt để tải lượng dưới ngưỡng ức chế (<1.000 bản sao/mml máu), tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện. Đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định khi tải lượng vi rút dưới 200 bản sao HIV/ml máu sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, nếu một phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV mà đạt được và duy trì được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi mang thai, khi sinh hoặc khi cho con bú bằng sữa mẹ.

Với nuôi con bằng sữa công thức: Người mẹ chỉ nên nuôi con bằng sữa công thức khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Đảm bảo đáp ứng đủ sữa công thức hoàn toàn trong 6 tháng đầu; Có nước sạch và chuẩn bị được sữa thay thế đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh và đủ số lượng phù hợp với tuổi của trẻ; Có sự hỗ trợ của gia đình.

Các trường hợp nguy cơ cao làm lây truyền HIV sang con khi: Mẹ nhiễm HIV nhưng chưa điều trị ARV hoặc mẹ đang điều trị ARV và có kết quả tải lượng HIV trước khi sinh 4 tuần >1.000 bản sao/ mml máu hoặc mẹ nhiễm HIV và điều trị ARV dưới 4 tuần trước khi sinh hoặc mẹ được chẩn đoán nhiễm HIV trong vòng 72 giờ trước sinh.

Điều quan trọng nhất trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là giúp phụ nữ mang thai chủ động tìm hiểu, để hiểu rõ nguy cơ lây nhiễm và đường lây truyền HIV để họ biết cách tự phòng bệnh cho mình và tránh lây nhiễm cho con.

Để được biết thêm thông tin về Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đề nghị bạn đọc liên hệ Phòng khám Đa khoa – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, SĐT 02263.883.444, 0985.248.619.

(HIV là chữ viết tắt từ các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh “Human Immuno- deficiency Virus” là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh).

ThSBS. Nguyễn Hữu Tuấn

Phụ trách Khoa Phòng chống HIV/AIDS

Bài viết liên quan

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 23 Giờ 20, ngày 01/02/2020

CDC Hà Nam

Ngành Y tế tỉnh Hà Nam tiến hành các biện pháp khoanh vùng, dập dịch ngay khi phát hiện ca nhiễm SARS-Cov-2 thứ 4

Ngọc Nga

Cuối tháng 12/2021 cơ bản hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; thúc đẩy sản xuất thuốc, vaccine điều trị COVID-19

Ngọc Nga