Đừng tẩm bổ sau điều trị ung thư vú

(CDC Hà Nam)

Các chuyên gia khuyến cáo chị em đừng tẩm bổ sau điều trị ung thư, bởi nhiều người cân nặng tăng vọt vì bồi bổ. Trong khi đó, có những nghiên cứu cho thấy tăng cân làm tăng nguy cơ tái phát ung thư vú.

Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Xu hướng mắc có chiều hướng gia tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ mắc ung thư vú chuẩn theo tuổi là khoảng 24.4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tăng lên tới 26.4. Ước tính trung bình mỗi năm trên toàn quốc có hơn 15.000 chị em mắc ung thư vú, trên 6.000 trường hợp tử vong, thường xuyên có 42.000 chị em mắc đang sống chung với bệnh.

Béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú, tái phát ung thư vú.

Đây là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa.

Điều đáng mừng ung thư vú là căn bệnh có khả năng phát hiện sớm, điều trị hiệu quả.

Các phương pháp điều trị ung thư vú ngày càng mang lại hiệu quả điều trị cao, nhất là khi bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Dựa trên các nghiên cứu và thực tế cho thấy, ung thư vú phát hiện ở giai đoạn 1 – 2, thời gian sống thêm 5 – 10 năm, thậm chí 20 năm sau vẫn khỏe mạnh. Rất nhiều bệnh nhân tại BV K phát hiện ung thư vú từ khi chưa kết hôn, sau điều trị đã lấy chồng, sinh con.

Với ung thư, sau 5 năm không tái phát được coi là khỏi. Và lúc này, nguy cơ bị ung thư trở lại của người từng bị ung thư vú cũng ngang bằng với người bình thường.

Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân ung thư vú được chữa khỏi ngày càng tăng lên, do nhận thức của người dân được tăng lên, đi viện khám sớm. Trong vòng 10 năm trở lại, tỉ lệ người dân ung thư vú đến viện sớm rất nhiều, đến ở giai đoạn 1 – 2, u dưới 3cm, chưa có hạch nách. Tuy nhiên, tỉ lệ phát hiện muộn cũng cao, cũng có một số không ít các trường trì hoãn khám, hoặc giấu gia đình, đến khi đau không thể chịu nổi mới đến viện thì đã ở giai đoạn muộn.

Vì thế, khi sờ thấy khối u ở vú, hạch ở nách, hay dịch máu bất thường ở đầu vú, hoặc cảm thấy bất thường cơ thể cần đi khám ngay. Đừng trì hoãn nay bận, mai bận để rồi không đến viện khám sớm.

Khuyến cáo chị em sau điều trị ung thư vú đừng vội tẩm bổ để ngăn ngừa nguy cơ tăng cân, béo phì.

Sau điều trị bệnh, cần duy trì chế độ sinh hoạt như bình thường nhất có thể, vận động thể dục thể thao, nếu có thể đi làm bình thường. Sau điều trị không để tăng cân, nhiều người vội bồi bổ tăng cân sau điều trị, trong khi đó có những nghiên cứu tăng cân làm tăng nguy cơ tái phát.

Lưu ý chị em phụ nữ từ tuổi trẻ đến trung niên hãy hình thành thói quen tự khám vú mỗi tháng. Sau kỳ kinh nguyệt 5 – 7 ngày là thời điểm tuyến vú mềm nhất, hãy đứng trước gương để tự kiểm tra vú. Hãy tạo thành thói quen tháng nào cũng kiểm tra.

Ngoài ra, 6 tháng một lần nên đi tầm soát ung thư vú, đặc biệt với chị em phụ nữ sau tuổi 40.

Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Những nguy cơ tai nạn rình rập khi trẻ nghỉ hè và cách phòng tránh

CDC Hà Nam

Khi nào bạn cần xét nghiệm đường huyết dù chưa có dấu hiệu tiểu đường

hanh phan

Thực phẩm tốt cho phụ nữ bị tiền kinh nguyệt

Ngọc Nga