Giảm nhiễm SARS-CoV-2 ở bệnh nhân ung thư tiêm vaccine COVID-19

(CDC Hà Nam)
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí JAMA Oncology cho biết, vaccine COVID-19 có hiệu quả hơn 55% trong việc giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 ở bệnh nhân ung thư.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại chưa từng có đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, với hơn 265 triệu trường hợp được xác nhận và 5,25 triệu trường hợp tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới. Kết quả là, một số loại vaccine đã được phát triển với thời gian và tốc độ kỷ lục để đối phó với virus.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 8,17 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu tính đến tháng 12 năm 2021.

Giảm nhiễm SARS-CoV-2 ở bệnh nhân ung thư tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Hiệu quả của vaccine cao nhất ở những người không nhận bất kỳ phương pháp điều trị nào liên quan đến ung thư trong vòng sáu tháng trước khi tiêm chủng.

Các thử nghiệm lâm sàng điều tra tính hiệu quả của vaccine đã chứng minh rằng phần lớn vaccine hiện có, có hiệu quả cao trong việc chống lại nhiễm trùng SARS-CoV-2, COVID-19 có triệu chứng, nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, hiệu quả của các loại vaccine này ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bao gồm cả bệnh nhân ung thư, vẫn chưa được biết đầy đủ vì chưa được đưa vào thử nghiệm lâm sàng nào trước đây. Một số bằng chứng gần đây cũng cho thấy bệnh nhân ung thư ít đáp ứng với vaccine COVID-19 hơn về khả năng tạo miễn dịch mạnh mẽ.

Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà khoa học đã đánh giá hiệu quả của vaccine COVID-19 trong việc giảm nhiễm SARS-CoV-2 và tỷ lệ tử vong liên quan ở bệnh nhân ung thư.

Nghiên cứu được thực hiện trên những bệnh nhân trưởng thành có khối u hoặc ung thư huyết học đã được điều trị các liệu pháp liên quan đến ung thư. Trong thời gian nghiên cứu, bệnh nhân được tiêm chủng so khớp với các đối chứng chưa được tiêm chủng.

Kết quả, SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở 161 bệnh nhân ung thư đã được tiêm chủng và 275 bệnh nhân đối chứng chưa được tiêm chủng. Số ca tử vong ở bệnh nhân được tiêm chủng và đối chứng không được tiêm chủng lần lượt là 17 và 27.

Hiệu quả của vaccine được ước tính là 42% sau liều đầu tiên. Không có sự khác biệt về tỷ lệ lây nhiễm giữa bệnh nhân được tiêm chủng và không được tiêm chủng trong vòng 2 tuần sau khi tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vaccine thứ hai, hiệu quả chung của vaccine được ước tính là 58%. Hiệu quả cao hơn đáng kể ở bệnh nhân khối u rắn (66%) so với bệnh nhân ung thư huyết học (19%).

Hiệu quả của vaccine cao nhất là 85% đã được quan sát thấy ở những bệnh nhân đã được điều trị ung thư hơn sáu tháng trước khi tiêm mũi vaccine thứ hai. Tuy nhiên, hiệu quả giảm xuống lần lượt là 63% và 54% ở những bệnh nhân đã được điều trị ung thư trong vòng 3 – 6 tháng hoặc trong vòng 3 tháng trước khi tiêm chủng.

Xem xét các loại liệu pháp điều trị ung thư, hiệu quả cao nhất (76%) được quan sát thấy ở những bệnh nhân đã được điều trị nội tiết trong vòng ba tháng trước khi tiêm mũi vaccine thứ hai. Tuy nhiên, hiệu quả giảm xuống còn 57% đối với những bệnh nhân đã được hóa trị trong cùng thời gian.

Kết quả nghiên cứu nêu bật hiệu quả của vaccine COVID-19 mRNA trong việc giảm nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong liên quan đến COVID-19 ở bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine có thể khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư, loại liệu pháp điều trị và khoảng thời gian giữa liệu pháp và tiêm chủng.

Như các nhà khoa học đã đề cập, cần có nhiều nghiên cứu liên quan đến các loại bệnh nhân ung thư khác nhau và thời gian theo dõi kéo dài hơn để đánh giá hiệu quả tính mạnh mẽ và độ bền của miễn dịch vaccine và xác định nhu cầu sử dụng liều nhắc lại thứ ba ở những bệnh nhân này.

Minh Anh (suckhoedoisong.vn)

Bài viết liên quan

Đường có hại cho da thế nào?

Ngọc Nga

Hơn 400 người được xét nghiệm phát hiện bệnh giun sán và tư vấn cách phòng chống

Mậu Ngọ

Các bước rửa tay bàng xà phòng và nước sạch

admin