Giữ bàn tay sạch để phòng bệnh tay- chân- miệng

(CDC Hà Nam)
Để tránh dịch bệnh tay- chân- miệng lây lan và bùng phát thành dịch trong trường học, cha mẹ cần biết các kiến thức về bệnh tay- chân- miệng cũng như các biện pháp giữ vệ sinh, phòng bệnh cho trẻ để phối hợp tốt với nhà trường trong công tác phòng chống bệnh tay- chân- miệng.

Bệnh tay- chân- miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh gặp rải rác quanh năm, mùa tựu trường là thời điểm cao điểm của dịch bệnh tay- chân- miệng, số ca bệnh thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Môi trường học đường là điều kiện dễ lây lan và bùng phát dịch. Để tránh dịch bệnh tay- chân- miệng lây lan và bùng phát thành dịch trong trường học thì nhà trường cần có biện pháp giữ vệ sinh chung, phát hiện sớm bệnh và cách ly đủ thời gian và đúng cách đối với trẻ bị bệnh.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần biết các kiến thức về bệnh tay- chân- miệng cũng như các biện pháp giữ vệ sinh, phòng bệnh cho trẻ để phối hợp tốt với nhà trường trong công tác phòng chống bệnh tay- chân- miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm nói chung. Cha mẹ cần nhớ:

Bệnh tay- chân- miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi người đều có thể cảm nhiễm với vi rút gây bệnh. Bệnh tay- chân- miệng lây truyền qua đường tiêu hóa: thức ăn, nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm vi rút từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp người – người qua các dịch tiết đường hô hấp, hạt nước bọt. Do đó người lớn khi chăm sóc trẻ vẫn bị nhiễm bệnh nếu không được chú ý phòng ngừa.

Nguyên tắc 3 sạch trong phòng bệnh tay- chân- miệng

Để phòng bệnh tay chân miệng cần thực hiện đủ 3 nguyên tắc đó là ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Cụ thể như sau:

– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

– Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ  ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

– Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

– Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Các biểu hiện khi trẻ bị mắc bệnh tay- chân- miệng:

Biểu hiện chính là loét miệng hoặc/và bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

– Vết loét trong niêm mạc miệng gây tăng tiết nước bọt, gây đau khiến trẻ bỏ ăn, bỏ bú.

– Sốt có thể có hoặc không.

Cha mẹ cần biết cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh tay- chân- miệng để không làm bệnh nặng hơn

Theo dõi trẻ sát sao, vệ sinh thân thể đúng cách, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.

– Theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh trở nặng để khám lại ngay: Giật mình chới với: Từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa. Run chi. Đi loạng choạng. Thở khác thường, co lõm lồng ngực. Sốt cao liên tục, không hạ bằng thuốc hạ sốt thông thường. Trẻ nôn ói nhiều.

Dùng thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ. Giữ vệ sinh răng miệng. Nghỉ ngơi, tránh kích thích. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8 ngày. Nghỉ học, tránh tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 10 ngày.

Bài viết liên quan

5 triệu chứng của ung thư phổi thường bị bỏ qua vì giống với cảm cúm thông thường

Ngọc Nga

Thuốc cảm nguy hiểm với người bệnh tăng huyết áp, vì sao?

Ngọc Nga

Mẹ bầu ăn đào có gây sảy thai, dị tật thai nhi?

CDC Hà Nam

Để lại bình luận