Hà Nam triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4

(CDC Hà Nam)

Sáng nay (3/6), Ngành Y tế bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng Ngành Y tế, trong hôm nay ra quân tổ chức tiêm cho cán bộ tại 03 điểm tiêm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Đa khoa Hà Nội – Đồng Văn.

Theo đó, đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, tổ COVID cộng đồng); công nhân, người lao động tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, đợt này có trên 68 nghìn đối tượng đủ điều kiện tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2. Hà Nam phấn đấu trên 90% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 01 liều nhắc lại (mũi 3) vắc xin phòng COVID-19 thuộc nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong sáng nay (3/6) tại điểm tiêm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền

Loại vắc xin sử dụng là vắc xin mRNA (vắc xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất; vắc xin do Astrazeneca sản xuất; vắc xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1). Khoảng cách tiêm: ít nhất là 04 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1); riêng những người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: tiêm sau mắc COVID-19 ít nhất 03 tháng và vẫn phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 4 tháng so với mũi 3.

Việc tiêm chủng được thực hiện tại các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng ở tất cả các tuyến, bao gồm cả điểm tiêm cố định và điểm tiêm lưu động; đảm bảo an toàn, hiệu quả  theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngành Y tế đã phối hợp tốt với các địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai các bước chuẩn bị kỹ lưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia tiêm chủng, đảm bảo từ trang thiết bị y tế đến theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra trong quá trình triển khai tiêm chủng.

Trước đó, các đơn vị đã chủ động rà soát các đối tượng đã thực hiện tiêm liều nhắc lại lần 1 tại địa phương/đơn vị, tổng hợp danh sách các đối tượng ưu tiên cần tiêm liệu nhắc lại lần 2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4). Từ đó, dự trù cụ thể số lượng từng loại vắc xin, vật tư để được cấp phát kịp thời, đảm bảo an toàn, đúng đối tượng và tránh tình trạng dư thừa vắc xin. Việc tiếp nhận, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng được thực hiện theo đúng các quy định của Chính phủ, của Bộ Y tế.

Ngành Y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi, trách nhiệm đối với cộng đồng”. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền thông tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại trong phòng, chống dịch COVID-19; các khuyến cáo về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; cách tự theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng…

Việc triển khai tiêm lần này nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản và 01 liều nhắc lại (mũi 3) để chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng sử dụng vắc xin.

Ngọc Nga – Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Việt Nam nghiên cứu liệu pháp sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19

Ngọc Nga

Công ty Cổ phần sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân Nam Dương trao tặng CDC Hà Nam 700 bộ quần áo phòng dịch COVID-19

Ngọc Nga

Nguyên tắc cơ bản phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học

hanh phan