Điểm báo ngày 03/6/2022

(CDC Hà Nam)
Vụ Việt Á, lãng phí đất đai làm nóng nghị trường; TPHCM thả muỗi Wolbachia ra cộng đồng diệt mầm bệnh sốt xuất huyết; Cách phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết diễn biến thất thường; Cả nước có thêm 1.088 ca Covid-19 tại 46 tỉnh, thành phố; Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; Đã đến lúc chỉ cần 2K?

 

Vụ Việt Á, lãng phí đất đai làm nóng nghị trường

ĐB Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh, cho rằng vụ Việt Á không chỉ làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn thất thoát, lãng phí tài sản khác có giá trị quý giá hơn, quan trọng hơn, là “lãng phí niềm tin của nhân dân”.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng ách tắc trong đầu tư, mua sắm công, quy hoạch “treo” hay những vụ việc nổi cộm như Việt Á đã làm lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội, cơ hội, thời gian… Đặc biệt, lãng phí niềm tin là rất lớn và khó lượng hóa hết.

“Công ty Việt Á là ai mà quyền lực lớn đến vậy ?”

Ngày 2.6, thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (QH) Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng việc để xảy ra tình trạng kit xét nghiệm Covid-19 không đạt chuẩn được lưu hành và sử dụng gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đại biểu (ĐB) Sơn dẫn chứng, theo CQĐT, sau 17 tháng được Bộ Y tế cấp phép, từ tháng 4.2020 đến hết năm 2021, Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) chỉ bán kit test cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật và cơ sở y tế cũng đạt doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Theo ĐB Sơn, vào thời điểm cuối năm 2021, khi cả nước chuyển chiến lược chống dịch sang mô hình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, việc bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng, đưa ra yêu cầu về kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính là một trong những điều kiện để đi lại và trở lại hoạt động… là chưa thực sự thuyết phục. “Điều này tiêu tốn một nguồn lực rất lớn không chỉ cho nhà nước mà còn lãng phí nguồn lực cho xã hội, gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh”, ĐB Sơn nhấn mạnh. Trong khi đó, ĐB Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh, cho rằng vụ Việt Á không chỉ làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn thất thoát, lãng phí tài sản khác có giá trị quý giá hơn, quan trọng hơn, là “lãng phí niềm tin của nhân dân”.

ĐB Tuấn phân tích, đại dịch Covid-19 trong gần 3 năm qua đã gây ra thiệt hại nặng nề cho VN khi đã có hơn 43.000 người tử vong, gần 4.500 trẻ em chịu cảnh mồ côi. Tuy nhiên, ĐB Tuấn cho rằng nỗi đau lớn nhất là trong khi cả hệ thống chính trị – nhất là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, có cả những người hy sinh tính mạng để đổi lấy sức khỏe cho cộng đồng thì lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất đến cùng cực.

“Họ vô cảm trước nỗi mất mát của đồng bào mình. Họ biến mình thành con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền. Trong số đó có cả những người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ”, ĐB Tuấn cho biết và nói thêm, chỉ mới đây thôi chính họ là những người được tôn vinh, có người còn được trao tặng huân chương lao động nhưng trong chớp mắt, một cơn đại dịch Covid-19 đi qua, họ phải đối diện với luật pháp do những đồng tiền lót tay đầy tinh vi, đầy “mưu hèn, kế bẩn” của Việt Á. Theo ĐB Tuấn, chính những người này đã làm hoen ố chiếc áo blouse trắng đang khoác trên người, làm lãng phí niềm tin của nhân dân.

Từ thực tế này, ĐB Tuấn cho rằng cần phải làm rõ, liệu có phải quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng hay quy định pháp luật thiếu tính răn đe nên hàng loạt cán bộ ngành y sai phạm? Theo ông Tuấn, trong vụ Việt Á, những người sai phạm ở nhiều địa phương khác nhau, có cả ở bộ, ngành T.Ư nhưng cách thức sai phạm giống nhau. “Nếu thực sự như thế thì còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác?”, ĐB Tuấn nêu câu hỏi và đề nghị làm rõ: “Công ty Việt Á là ai? Tại sao họ lại có quyền lực chi phối lớn đến như vậy?” (Thanh niên, trang 2).

 

TPHCM thả muỗi Wolbachia ra cộng đồng diệt mầm bệnh sốt xuất huyết

Muỗi Wolbachia không phải những con muỗi đơn thuần, mà nó còn mang một sứ mệnh đặc biệt là tiêu diệt muỗi vằn mang mầm bệnh truyền sốt xuất huyết cho con người. Cơ chế đặc biệt của muỗi Wolbachia

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) hiện nay đang là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu và được Tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những bệnh do véctơ truyền bệnh sốt xuất huyết quan trọng nhất.

Để góp phần đạt hiệu quả cao hơn trong phòng chống muỗi truyền bệnh, nhiều biện pháp khác nhau đang được nghiên cứu, đánh giá. Một trong những biện pháp có nhiều triển vọng là nuôi muỗi Wolbachia hiện đang được thực hiện ở Viện Pasteur TPHCM.

Th.S BS Lương Chấn Quang – Phó Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM – cho biết, Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn,… và cả một số loài muỗi thường đốt người (nhưng muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thì lại không có vi khuẩn này).

Đáng lưu ý, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gen vì không có bất cứ sự can thiệp nào vào gen của muỗi. Vi khuẩn Wolbachia sống cộng sinh trong tế bào muỗi và duy trì ổn định qua các thế hệ một cách tự nhiên.

Sứ mệnh đặc biệt của muỗi Wolbachia

Chị Phạm Thị Thuý Ngọc là chuyên viên nghiên cứu và phụ trách phòng nuôi muỗi Wolbachia cùng 9 đồng nghiệp khác. Theo chị Thuý Ngọc chia sẻ, công việc của mọi người là thu muỗi từ ngoài môi trường tự nhiên sau đó mang về để lai tạo chủng muỗi có mang Wolbachia. Công đoạn khó nhất là thu trứng, vì phải bảo đảm cho muỗi ăn đủ máu, thu trứng đúng thời gian nhằm đạt đủ số lượng trứng mong muốn để thả tới các điểm thả muỗi.

Tại Việt Nam cũng đã thử nghiệm nghiên cứu ở Nha Trang. Nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã cùng các nhà khoa học Australia nhân nuôi thành công dòng muỗi Aedes aegypti của địa phương mang vi khuẩn Wolbachia (muỗi được bắt từ đảo Trí Nguyên, Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà). Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thu được qua các giai đoạn nghiên cứu từ năm 2006-2011 và đặc biệt qua đánh giá của các hội đồng khoa học về tính an toàn của phương pháp này.

Th.S BS Lương Chấn Quang – Phó trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM cho biết, chương trình thả muỗi Wolbachia hiện đang thực hiện tại 11 quốc gia. Tại Việt Nam, muỗi đã được thả tại Nha Trang (Khánh Hòa), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Mỹ Tho (Tiền Giang).

Theo liệu trình, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) được thả tổng số 30 triệu trứng muỗi trong suốt 5 tháng, bởi tỉnh Bình Dương là một trong những điểm nóng sốt xuất huyết đã nhiều năm qua (Lao động, trang 4). 

 

Cách phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết diễn biến thất thường

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày gần đây, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 lượt thăm khám liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp. Riêng tại Trung tâm Hô hấp của bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi nhập viện/ngày do mắc các bệnh đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện nhi Trung ương cho biết, thời tiết thay đổi ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, khiến cơ thể không kịp thích nghi, dẫn tới sự giãn nở không đều của phế quản….

“Nhiễm trùng đường hô hấp cấp là do virus, vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể mắc quanh năm, nhưng vào giai đoạn giao mùa tỷ lệ mắc tăng hơn cao hơn so với giai đoạn thời tiết khác” – TS Hanh nói.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, những ngày gần đây thời tiết thay đổi liên tục nên số trẻ vào khám, nhập viện cũng tăng lên. Trung bình mỗi ngày tại khoa Nhi của bệnh viện có khoảng 80 – 100 trẻ đến khám các mặt bệnh trên.

Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Phó trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Thời tiết thay đổi, nhiệt độ tăng, giảm đột ngột khiến các bệnh về đường hô hấp gia tăng, nhất là viêm tiểu phế quản chủ yếu do virus, nhất là virus RSV. Nhiều trẻ cũng gặp tình trạng về tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy… phải khám và nhập viện.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số lượng bệnh nhi phải nhập viện do các bệnh liên quan đến thời tiết như hô hấp, tiêu chảy, sốt virus… tăng cao. Các bệnh nhi chủ yếu vào viện với các triệu chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi; nôn, tiêu chảy…

Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, những ngày gần đây khoa Nhi tiếp nhận số lượng bệnh nhi nhập viện tăng mạnh, thậm chí gấp đôi so với tháng trước, trong đó viêm đường hô hấp chiếm tới 70%. Một số bệnh nhi được đưa đến thăm khám sớm nhưng cũng có những trường hợp đến viện muộn, thậm chí suy hô hấp…

Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, nguyên nhân của các trường hợp viêm phổi trẻ em chủ yếu do virus (tới 70%), thường gặp nhất là virus hợp bào đường hô hấp RSV; hoặc do vi khuẩn phế cầu gây ra viêm phổi ở trẻ. Virus thường phát sinh, phát triển ở nhiệt độ, độ ẩm cao; thời tiết như hiện nay đang rất thuận lợi cho các virus này phát triển, vì vậy đã khiến gia tăng tình trạng lây nhiễm ở trẻ.

Bên cạnh viêm phổi, viêm phế quản, số trẻ bị sốt và tiêu chảy, nôn cũng gia tăng; căn nguyên chủ yếu được xác định cũng là do virus. Với tình trạng này, trẻ thường đáp ứng tốt khi điều trị đúng, bù điện giải kịp thời cho trẻ; trẻ nhanh hồi phục.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh hô hấp và tiêu hóa trong giai đoạn thời tiết như hiện nay, cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh cho trẻ, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thông thoáng; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho bé để tăng sức đề kháng. Cùng đó, cần phát hiện sớm các dấu hiệu ở trẻ như ho, khò khè, viêm long đường hô hấp… để đưa con đến cơ sở y tế kịp thời, tránh diễn biến nặng.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, sai lầm phổ biến của nhiều cha mẹ là khi thấy trẻ ho, khò khè, sốt… thường tự ý mua thuốc kháng sinh cho con uống, chỉ khi vài ngày không đỡ mới đưa đi khám, điều này có thể làm nặng thêm tình trạng của trẻ. Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị các bệnh lý do virus gây ra.

Ngoài ra, một bệnh lý truyền nhiễm khác cũng đang có dấu hiệu gia tăng tại Hà Nội là tay chân miệng. Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, từ cuối tháng 5, số ca nhập viện do bệnh lý này tăng đột biến, mỗi ngày tiếp nhận tới vài chục bệnh nhân đến khám. Đa phần trẻ được cho về điều trị ngoại trú nhưng một số vẫn phải nhập viện điều trị nội trú vì có dấu hiệu nặng của bệnh (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Cả nước có thêm 1.088 ca Covid-19 tại 46 tỉnh, thành phố

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua (tính từ 16h ngày 1-6 đến 16h ngày 2-6), trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.088 ca nhiễm mới tại 46 tỉnh, thành phố (tăng 41 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (tăng 72 ca), Hải Phòng (tăng 21 ca), Tây Ninh (tăng 18 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Nghệ An (giảm 20 ca), Vĩnh Phúc (giảm 16 ca), Bình Định (giảm 16 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.072 ca/ngày.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (238), Bắc Ninh (116), Yên Bái (58), Vĩnh Phúc (45), Lào Cai (42), Quảng Ninh (40), Phú Thọ (39), Tuyên Quang (37), Nghệ An (36), Quảng Bình (31), Hải Dương (29), thành phố Hồ Chí Minh (26), Thái Nguyên (25), Hà Giang (23), Đà Nẵng (22), Sơn La (22), Hải Phòng (21), Nam Định (20), Lâm Đồng (18), Thái Bình (18), Tây Ninh (18), Điện Biên (15), Bắc Kạn (15), Quảng Trị (14), Hà Nam (13), Cao Bằng (11), Hòa Bình (10), Lai Châu (10), Thanh Hóa (9), Ninh Bình (8 ), Lạng Sơn (8), Bà Rịa – Vũng Tàu (7), Bình Dương (6), Bình Phước (6), Hưng Yên (6), Phú Yên (5), Bắc Giang (5), Cà Mau (3), Khánh Hòa (2), Đồng Nai (2), Quảng Ngãi (2), Thừa Thiên – Huế (2), Bình Định (2), Bến Tre (1), Vĩnh Long (1), Đồng Tháp (1).

Ngoài ra, ngày 2-6, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 1.120 ca trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung thông tin.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.722.634 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.311 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.714.876 ca, trong đó có 9.474.843 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.600.968), thành phố Hồ Chí Minh (609.452), Nghệ An (484.690), Bắc Giang (387.585), Bình Dương (383.781).

Về tình hình điều trị, có thêm 5.820 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.477.660. Ngoài ra, hiện có 55 bệnh nhân đang thở ôxy.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua ghi nhận 1 ca tử vong tại Quảng Ninh. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.080 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm (Hà Nội mới, trang 7).

 

Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Chiều 2-6, nguồn tin của PV Tuổi Trẻ cho hay C03 đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai cung cấp các hồ sơ liên quan đến việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và quy trình thực hiện xây dựng 2 giai đoạn ở bệnh viện này…

Hiện UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo các sở ngành liên quan cung cấp các hồ sơ theo thẩm quyền.

Việc yêu cầu cung cấp hồ sơ là diễn biến tiếp theo sau khi C03 khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Huy Anh Vũ, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và nhiều bị can khác.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khởi công xây dựng năm 2008 với hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có 15 tầng, 41 khoa với quy mô 700 giường bệnh (khu A), nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Tháng 12-2012, bệnh viện khởi công xây dựng giai đoạn 2 với quy mô 19 tầng, 700 giường bệnh (khu B, khu dịch vụ).

Khi làm lễ khởi công giai đoạn 2, lãnh đạo Sở Y tế cho hay chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Công ty này được thành lập với sự tham gia của 2 cổ đông khác.

Ngày 25-4-2015, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được khánh thành và đi vào hoạt động.

Tháng 4-2021, khu B Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tách thành Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 2.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 2 thuộc Công ty cổ phần Bệnh viện Đồng Nai 2, trong đó Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai giữ một phần vốn nhà nước (Tuổi trẻ, trang 5).

 

Đã đến lúc chỉ cần 2K?

Số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày trên cả nước đã giảm sâu, trên 1.000 ca/ngày. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy dịch bệnh đã vào giai đoạn ‘thoái trào’. Chính vì vậy quy tắc 5K vốn rất quen từ đầu dịch hiện gần như không còn được thực hiện đầy đủ, 5K hiện đã được tiết giảm còn 2K. Trong khi đó bệnh viện tuyến đầu điều trị COVID-19 ở Hà Nội chỉ còn 10 người bệnh.

Chỉ cần 2K?

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông hiện đang điều trị cho 7 bệnh nhân COVID-19. Ông Đào Thiện Tiến, giám đốc bệnh viện, đánh giá việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hiện không còn gặp quá nhiều khó khăn.

“Bệnh viện có khoa bệnh truyền nhiễm, các bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại đây. Bệnh viện cũng phân luồng bệnh nhân ngay từ cổng vào nên không gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, chúng ta hiện nay chỉ cần áp dụng 2K là đeo khẩu trang và khử khuẩn. Với biện pháp giữ khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế thì đã có thể tạm dừng”, ông Tiến nói.

Trong khi đó, BS Cao Đỗ Vân Anh – phó trưởng bộ môn nhiễm, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – cho rằng ở thời điểm hiện nay và trong thời gian tới, người dân chỉ cần thực hiện 2K là khẩu trang – khử khuẩn.

“Virus SARS-CoV-2 cũng như nhiều virus khác tồn tại ở hầu họng, việc đeo khẩu trang ở nơi đông người giúp phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cũng như những bệnh khác”, BS Vân Anh giải thích thêm.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng thời điểm hiện nay không bắt buộc áp dụng 5K như trước, nhưng tùy từng trường hợp nên khuyến khích áp dụng các “K” nếu cần thiết và phù hợp.

Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 1-6, cả nước ghi nhận 1.047 ca mắc COVID-19 mới trong vòng 24 giờ, số đang theo dõi, điều trị là gần 80.470 ca, chủ yếu là điều trị tại nhà. So với bình quân trong tháng 5, số mắc mới tuần qua thấp hơn 92,6%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 94,6% và số tử vong thấp hơn 94%.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Ngọc – chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM – cho rằng với tốc độ lưu hành và số ca nhiễm, tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện nay thì đã đến lúc xem dịch bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành, “bãi bỏ” biện pháp cách ly y tế người nhiễm, không bắt buộc tất cả đeo khẩu trang tại nơi công cộng đông người.

BS Nguyễn Thành Dũng – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới – chia sẻ ở Mỹ đã bỏ quy định người dân mang khẩu trang, còn tại Anh thì chỉ mang khẩu trang ở bệnh viện.

Bệnh viện chỉ còn 10 người bệnh

PGS.TS Hoàng Bùi Hải – phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Hoàng Mai (Hà Nội) – cho biết hiện bệnh viện đang điều trị cho 10 bệnh nhân COVID-19, gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì một bệnh viện lớn trong khi số bệnh nhân COVID-19 giảm nhiều.

PGS Hải cho rằng hiện bệnh nhân COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) theo quy định được khám, điều trị miễn phí. Tuy nhiên, bệnh nhân COVID-19 nhập viện chủ yếu có bệnh lý nền. Bệnh viện phải điều trị cả bệnh nền và COVID-19, trong khi đó không biết bệnh nền có từ bao giờ, có phải khi mắc COVID-19 mới mắc bệnh hay không…, điều này gây khó khăn cho việc chi trả phí điều trị.

Thêm vào đó, theo quy định với bệnh truyền nhiễm nhóm A, sẽ phải chi trả thêm chi phí phòng chống dịch cho lực lượng y tế. Trong khi đó, bệnh viện không có nguồn thu từ viện phí, việc chi trả phụ cấp chống dịch cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, hằng tháng bệnh viện vẫn phải chi trả những khoản chi phí phát sinh duy trì như điện, nước…

Ông Hải cho rằng cần thay đổi “uyển chuyển” để thích nghi với tình hình dịch. Chúng ta không công bố hết dịch, không chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tuy nhiên cần có thêm quy định để duy trì việc phòng, chống dịch phù hợp. Nên quy định rõ việc chi trả điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh hiện nay.

Nới lỏng, vừa làm vừa thăm dò

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện Bộ Y tế vẫn theo dõi những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tình hình dịch bệnh tại các quốc gia khác. Đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới công bố COVID-19 là bệnh lưu hành. Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu không được chủ quan, lơ là và nâng cao cảnh giác với dịch COVID-19.

Vị này cho hay bản thân virus luôn có những biến thể, có thể nặng hơn và lây lan nhanh hơn, không thể lường trước được diễn biến của dịch bệnh. Hiện Bộ Y tế đã và đang thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch nhưng “vừa làm vừa thăm dò”.

“Về bản chất chúng ta đã chuyển nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên không thể chuyển dịch COVID-19 sang nhóm B vì COVID-19 vẫn đang nằm trong nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây nhiễm cao.

Nếu chúng ta chuyển COVID-19 sang nhóm B có thể vô tình tạo ra sự chủ quan của người dân. Trường hợp có biến chủng COVID-19 mới, hay dịch bệnh bùng phát trở lại rất khó để người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như trước. Chúng ta cần cẩn trọng, theo dõi các khuyến cáo của WHO cũng như tình hình diễn biến dịch tại các quốc gia khác”, đại diện Cục Y tế dự phòng thông tin.

Vị này cũng đánh giá với những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như hiện nay không quá gây khó khăn cho người dân (Tuổi trẻ, trang 5).

 

Chuyển đổi công năng bệnh viện điều trị COVID-19?

“Nên chuyển đổi công năng bệnh viện điều trị COVID-19 thành cơ sở y tế thông thường để duy trì hoạt động và nguồn thu trong bối cảnh dịch đã được đẩy lùi. Nếu tình huống dịch bùng phát, chúng ta tiếp tục hoạt động mô hình cũ để ứng phó”, ông Hải nói.

Theo BS Nguyễn Thành Dũng, khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, kinh phí hỗ trợ cho lực lượng chống dịch “sẽ gặp rắc rối”.

“Lúc này không còn kinh phí hỗ trợ chống dịch vì đã là bệnh thông thường. Ngày công của lực lượng tham gia chống dịch có thể cũng không được tính nữa. Do đó cần có chính sách, cơ chế ở tầm vĩ mô phù hợp để đảm bảo lợi ích cho họ khi làm việc”, BS Dũng nêu ý kiến.

Được biết, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, được phân công là cơ sở y tế tuyến đầu trong điều trị người bệnh COVID-19 tại khu vực Hà Nội và lân cận. Bệnh viện có quy mô 500 giường bệnh, hoạt động từ cuối tháng 8-2021.

Trong giai đoạn cao điểm dịch COVID-19 tại Hà Nội từ cuối năm 2021 và các tháng đầu 2022, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân COVID-19 nặng (ngày cao nhất bệnh viện có đến 200 bệnh nhân nặng đang điều trị).

Hiện bệnh viện chỉ còn khoảng 10 bệnh nhân. Bệnh viện đã có đề nghị gửi Bộ Y tế để chuyển đổi công năng của bệnh viện, trở lại làm cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân như thông thường.

Hiện cơ sở chính của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội nằm trong khuôn viên ĐH Y Hà Nội rất đông bệnh nhân và nhiều thời điểm công suất sử dụng giường bệnh đã vượt công suất thiết kế (Tuổi trẻ, trang 14).

Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 17/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 05/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/3/2021

CDC Hà Nam