Hệ lụy sức khỏe khi trẻ dùng nhà vệ sinh học đường bẩn

(CDC Hà Nam)

Mắc các bệnh đường tiêu hóa là hệ lụy sức khỏe thấy rõ khi trẻ phải sử dụng nhà vệ sinh bẩn, không đảm bảo an toàn tại trường học.

Trẻ thường sẽ học được văn hóa và cách sử dụng toilet công cộng tại trường học.

Thiếu nhà vệ sinh cho trẻ, nhà vệ sinh bẩn là vấn đề đang tồn tại trong nhiều trường học, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi. Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh bẩn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.

Phần lớn thời gian của trẻ là ở trường với mọi sinh hoạt ăn uống, vui chơi, học tập và tất nhiên cả đi tiêu tiểu. Môi trường nhà vệ sinh không an toàn, không sạch sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Vì vậy, trẻ phải sử dụng nhà vệ sinh bẩn có nguy cơ cao mắc các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lỵ, nhiễm khuẩn đường ruột, đau quặn bụng.

Nhà vệ sinh ở trường học cần được chăm chút, nếu không được dọn dẹp, bị bẩn thì ảnh hưởng đến sức khỏe không chỉ 1-2 mà là cả trăm học sinh.

Tiêu chảy là bệnh nguy hiểm lây qua đường tiêu hóa mà trẻ dễ mắc phải nhất. Mầm bệnh lây lan khi học sinh sử dụng nhà vệ sinh thiếu nước, thiếu xà phòng, không được hướng dẫn vệ sinh đúng cách như đi vệ sinh không rửa tay rồi đưa lên miệng hoặc cầm nắm thức ăn ngay sau đó.

Học sinh cũng dễ bị mắc kiết lỵ qua tiếp xúc bồn cầu, chậu rửa tay bị nhiễm khuẩn, rác thải, nước đọng bẩn trong nhà vệ sinh, rồi vô tình đưa tay lên miệng, khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Bệnh do vi khuẩn shigella, salmonella gây ra. Các triệu chứng gồm nôn và tiêu chảy nghiêm trọng, mất nước, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Nhiễm trùng đường ruột lây chủ yếu qua ăn uống khi thực phẩm, nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh. Việc rửa tay không được thực hiện sau khi đi vệ sinh, sau đó cầm nắm thức ăn khiến vi khuẩn xâm nhập đường ruột dẫn đến mắc bệnh.

Bên cạnh đó, học sinh sợ bẩn, sợ mùi hôi cũng có thể nín nhịn tiêu tiểu trong thời gian dài ở trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như táo bón, bí tiểu, trướng bàng quang hoặc nhiễm trùng bàng quang.

Điều quan trọng hơn là lâu dần, trẻ sẽ không dám đi nhà vệ sinh công cộng nào nữa. Trẻ cũng không học văn hóa sử dụng toilet công cộng đúng cách. Vì từ nhỏ đã dùng chung nhà vệ sinh trường học nhưng không được đảm bào và không có điều kiện cho việc thực hành vệ sinh tốt tích.

Tư thế trẻ đi vệ sinh khác người lớn, khả năng tự mở nước, rửa tay… cũng phải được hướng dẫn. Do đó, ở trường giáo viên cần giám sát và tạo điều kiện để trẻ đi vệ sinh an toàn, sạch sẽ nhằm phòng lây nhiễm bệnh. Nhà trường cần thấy được nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn là rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe của trẻ. Từ đó chăm chút, giữ gìn để học sinh được hưởng điều kiện tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường và phòng bệnh chung.

Phan Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Hội nghị giới thiệu Dự án Hành trình đầu đời giai đoạn 03, năm 2022-2023

CDC Hà Nam

Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí mới xác định ca nghi mắc COVID-19

Ngọc Nga

Hà Nam căng mình xét nghiệm trước giờ bầu cử

admin