Hệ thống xử lý nước thải trường học

(CDC Hà Nam)

Theo thời gian, nền kinh tế khoa học ở nước ta dần phát triển mạnh mẽ, trình độ tri thức của con người ngày càng được tăng lên giúp cho sự phát triển nghiên cứu khoa học mạnh mẽ. Để có thể đáp ứng được sự phát triển trình độ tri thức của đất nước thì việc hình thành các khu trường học cũng ngày càng tăng lên, số lượng học sinh, sinh viên ở các khu trường học cũng tăng nhiều hơn qua các năm.

Đồng thời, lượng nước cấp sử dụng cho các trường ngày một nhiều hơn và lượng nước thải bỏ cũng tương đương. Điều đáng nói ở đây là nước thải trường học này được thải bỏ trực tiếp ra ngoài môi trường mà chưa qua hệ thống xử lý nước thải  trường học trước khi xả thải.

Nước thải là loại nước đã qua sử dụng và bị thay đổi tính chất hóa học, lý học, sinh học và nước thải là những loại nước thường chứa các hợp chất hóa học cao hơn nước tự nhiên, có sự biến đổi màu sắc về bản chất vật lý và khu hệ sinh vật trong đó.

Hầu hết nước thải trên thế giới được chia thành:

Nước thải sinh hoạt

Nước thải công nghiệp

Nước ngầm thấm qua hệ thống ống dẫn trong mạng lưới cấp thoát nước

Nước mưa tràn qua những vùng ô nhiễm

Nước thải sinh hoạt là loại nước được hình thành từ một số hoạt động của con người như tắm, giặt, rửa… và một số hoạt động dịch vụ công cộng như trường học, nhà ăn, bệnh viện… cũng tạo ra nước thải có tính chất tương tự như nước thải sinh hoạt.

Xử lý nước thải trường học

Đặc trưng của nước thải trường học

Lượng nước thải trường học phụ thuộc vào quy mô của trường học và số lượng học sinh, sinh viên, cán bộ viên chức trong trường.

Nước thải chứa nhiều chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học, ngoài ra còn có các chất vô cơ, các vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm.

Chất hữu cơ trong nước thải sinh hoạt ở các trường học gồm: protein (40-50%), hydratcarbon (40-50%), chất béo (5-10%).

Nồng độ chất hữu cơ trong nước thải sinh hoạt thường dao động trong khoảng 150-450 mg/l

Lượng nước thải sinh hoạt phụ thuộc vào mức sống của người dân và có thể tính bằng 80% lượng nước cấp.

Nước thải trường học chủ yếu phát sinh từ các khu vực bếp núc, nhà ăn, nhà vệ sinh, phòng thí nghiệm…

Thành phần, tính chất của nước thải trường học

Thành phần và tính chất của nước thải sinh hoạt phụ thuộc vào các nguồn nước thải cũng như là lượng nước ít hay nhiều của từng khu vực. Thành phần nước thải sinh hoạt gồm 2 loại:

Nước nhiễm bẩn từ các phòng vệ sinh do chất bài tiết của con người

Nước nhiễm bẩn do các chất thài từ hoạt động của con người như: cặn bã, dầu mỡ từ các bếp ăn, chất tẩy rửa,…

Nước thải sinh hoạt ở các khu trường học thường chứa thành phần chất hữu cơ cao và các chất dễ phân hủy và các vi sinh vật có khả năng gây bệnh nguy hiểm cho con người.

Tác hại đến môi trường nước do những thành phần có trong nước thải trường học gây ra

COD, BOD: sự khoáng hóa, ổn định chất hữu cơ tiêu thụ một lượng lớn và gây thiếu hụt oxi của nguồn nước tiếp nhận dẫn đến ảnh hưởng hệ sinh thái môi trường nước. Nếu ô nhiễm quá mức, điều kiện yếm khí có thể hình thành và trong quá trình phân hủy yếm khí sinh ra các khí H2S, CH4,… sẽ làm cho nước có mùi hôi thối, môi trường pH giảm.

SS: lắng đọng ở nguồn tiếp nhận, dẫn đến điều kiện yếm khí hình thành.

Nhiệt độ: nhiệt độ của nước thải sinh hoạt thường không làm ảnh hưởng đến đời sống của sinh vật thủy sinh.

Vi sinh vật gây bệnh: các VSV có thể gây bệnh lan truyền bằng đường nước như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, vàng da,…

N,P: đây là những nguyên tố đa lượng. Nếu nồng độ trong nước quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng phú dưỡng hóa nguồn nước.

Màu: làm mất mỹ quan khu vực.

Dầu mỡ: gây mùi và ngăn cản khuếch tán oxi trên bề mặt.

Quy trình công nghệ xử lý nước thải trường học

Song chắn rác: có tác dụng giữ lại các tạp chất thô có kích thước lớn như giấy, rác, túi nilon,… trong nước thải để tránh làm tắc nghẽn các công trình xử lý sau.

Bể tách dầu: dùng để tách dầu mỡ có trong nước thải từ các khu nhà ăn, bếp núc để tránh làm tắc nghẽn bơm.

Hố thu gom: nước thải được bơm về hố thu gom tập trung để chuẩn bị đưa vào các công trình xử lý nước thải phía sau.

Bể điều hòa: dùng để ổn định lại lưu lượng và nồng độ chất thải có trong nước thải. Tại bể điều hòa có đặt thiết bị sục khí giúp xáo trộn đều nguồn nước, tránh quá trình lắng cặn và xảy ra hiện tượng phân hủy yếm khí trong bể.

Bể Oxic: nước thải trường học sau khi ra khỏi bể điều hòa được dẫn qua bể xử lý sinh học hiếu khí, hệ thống cấp khí cung cấp đầy đủ khí oxi cho các VSV hiếu khí hoạt động. Đồng thời quá trình sục khí giúp xáo trộn liên tục các vật liệu đệm, giúp các vật liệu đệm luôn trong trạng thái lơ lửng.

Đồng thời, trong bể cũng diễn ra hai quá trình là nitrate hóa và denitrate giúp loại bỏ N và P trong bể.

Bể lắng sinh học: lắng cặn sinh học do các vi sinh vật chết trôi ra theo nước thải được lắng xuống đáy bể. Phần bùn sau lắng được đưa qua bể chứa bùn để xử lý.

Khử trùng: phần nước trong sau bể lắng sẽ được đưa qua hệ thống khử trùng để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh còn xót lại trong bể. Nước thải đầu ra sau xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT.

Ưu điểm của công nghệ xử lý nước thải trường học

Tiết kiệm được diện tích xây dựng và hiệu quả xử lý cao.

Quá trình vận hành đơn giản

Chi phí bảo dưỡng và vận hành thấp

Hàm lượng bùn tạo ra thấp

Không phát sinh mùi trong quá trình vận hành

Thường được lắp đặt ở dạng hợp khối nên dễ di chuyển khi cần và dễ lắp đặt

Có tính tự động hóa cao.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

43 mẫu bệnh phẩm âm tính với SARS-CoV-2

Ngọc Nga

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị vaccine, thuốc điều trị và biện pháp phù hợp với biến chủng Omicron

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 05/01/2022

Ngọc Nga