Hội nghị giới thiệu Dự án Hành trình đầu đời giai đoạn 03, năm 2022-2023

(CDC Hà Nam)
Ông Trương Mạnh Sức – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phát biểu khai mạc Hội nghị.

Sáng 24/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng tổ chức hội nghị giới thiệu Dự án Hành trình đầu đời giai đoạn 3 dành cho lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã và lãnh đạo các xã, phường, thị trấn của tỉnh Hà Nam, năm 2022-2023.

Dự án Hành trình đầu đời (giai đoạn tiếp nối của Dự án Câu lạc bộ 1000 ngày đầu đời) được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt từ năm 2018 “Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025”. Dự án được triển khai tại tỉnh Hà Nam từ năm 2017 đến nay, đã trải qua 02 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai mô hình câu lạc bộ 1000 ngày đầu đời tại 04 xã của tỉnh (2017-2018) do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì; giai đoạn 2 tại 42 xã (2018-2020) và giai đoạn 3 mở rộng triển khai tại 109 xã, có tên gọi mới là Hành trình đầu đời, do Sở Y tế chủ trì giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là cơ quan thường trực triển khai thực hiện.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Dự án triển khai tại Hà Nam với mong muốn đưa Hà Nam trở thành điểm sáng trong công tác vì sự phát triển toàn diện của trẻ. Với 02 chặng đường đi qua, Dự án đã cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành về chăm sóc phát triển toàn diện cho trẻ trong 1000 ngày đầu đời. Qua đó, góp phần tích cực, quan trọng đối với việc cải thiện các chỉ số phát triển trí thông minh của trẻ ở giai đoạn 24 tháng tuổi; thúc đẩy sự thay đổi hành vi của cha mẹ theo hướng thực hành tích cực kỹ năng chăm sóc trẻ: chăm sóc đáp ứng, dạy trẻ tương tác sớm, đảm bảo an toàn cho trẻ và chăm sóc dinh dưỡng đúng cách.

Ông Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng.

Giai đoạn 03 mở rộng của Dự án Hành trình đầu đời tập trung mục tiêu chính về: Đào tạo, hướng dẫn kỹ năng thực hành, chăm sóc đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ về sức khoẻ thực thể, ngôn ngữ, trí tuệ, nhận thức, cảm xúc, kỹ năng vận động, kỹ năng giao tiếp xã hội và chăm sóc sức khoẻ tâm trí cho bà mẹ. Giai đoạn này thực hiện xuyên suốt 02 nội dung chính, đó là: nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện, xã trong công tác chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ; cung cấp trang thiết bị, thiết kế, trang trí phòng tư vấn và hướng dẫn thực hành, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, thực hiện giám sát chất lượng: thực hiện khảo sát, đánh giá toàn diện và nhân rộng toàn quốc.

Thông qua Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp trao đổi, xây dựng, tháo gỡ khó khăn để khi triển khai dự án tại cơ sở sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Hầu hết các đại biểu đều mong muốn dự án nhanh chóng triển khai nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé ngay từ hành trình đầu đời. Việc dự án mở rộng triển khai mô hình tại 109 xã của tỉnh Hà Nam nhằm xây dựng mô hình chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ giai đoạn đầu trên phạm vi toàn tỉnh, là cơ sở để Bộ Y tế xem xét nhân rộng mô hình này trên toàn quốc.

Ngọc Nga – Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thông báo 99 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch ngày 15/9

Ngọc Nga

Thay đổi 8 thói quen dưới đây giúp bạn tránh xa sỏi thận

CDC Hà Nam