Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 58/2022/QĐ-UBND ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh Hà Nam

(CDC Hà Nam)

Chiều 18/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 58/2022/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam (gọi tắt là QCĐP 01:2022/HN). Dự hội nghị có ông Trương Thanh Phòng – Phó giám đốc Sở Y tế, ông Phạm Văn Thắng – Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.

Ông Phạm Văn Thắng – Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phát biểu tại hội nghị

QCĐP 01:2022/HN do ban soạn thảo biên soạn trên cơ sở quy định giao quyền tại Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BYT ngày 06/6/2022 của Bộ Y tế – Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; Sở Tư pháp thẩm định, Sở Y tế trình duyệt; UBND tỉnh Hà Nam ban hành theo Quyết định số 58/2022/QĐ-UBND ngày 21tháng 12 năm 2022. Quy chuẩn này có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

Theo đó, QCĐP 01:2022/HN gồm 04 chương và 11 điều; quy định mức giới hạn các thông số chất lượng đối với nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Quy chuẩn quy định danh mục gồm 49 thông số chất lượng nước sạch và ngưỡng giới hạn cho phép, trong đó có 8 thông số nhóm A và 41 thông số thuộc nhóm B. Các thông số này phải được thực hiện tại phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận được công nhận phù hợp với TCVN/ISO/IEC 17025. Tất cả các đơn vị cấp nước phải tiến hành thử kiểm định kỳ các thông số chất lượng nước sạch với tần suất nhóm A là 1 tháng/ 1 lần, nhóm B là 6 tháng/1 lần.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trình bày Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Bên cạnh đó, đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm toàn bộ các thông số chất lượng nước sạch của nhóm A và nhóm B trong danh mục các thông số chất lượng nước sạch quy định tại Điều 4 trong quy chuẩn này trong các trường hợp sau: Trước khi đi vao vận hành lần đầu; Sau khi nâng cấp, sửa chữa lớn có tác động đến hệ thống sản xuất; Khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch; Khi xuất hiện rủi ro trong quá trình sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và định kỳ 03 năm một lần kể từ lần thử nghiệm toàn bộ các thông số gần nhất…

Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn, bán lẻ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh (gọi tắt là đơn vị cấp nước); các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch; các phòng thử nghiệm các thông số chất lượng nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Đơn vị cấp nước từ các tỉnh, thành lân cận (không được thành lập, không có trụ sở hoạt động tại tỉnh Hà Nam) có hoạt động cung cấp nước sạch cho tỉnh Hà Nam. Quy chuẩn này không áp dụng đối với nước uống trực tiếp tại vòi, nước đóng bình, đóng chai, nước khoáng thiên nhiên đóng bình, đóng chai, nước sản xuất ra từ các bình lọc nước, hệ thống lọc nước và các loại nước không dùng cho mục đích sinh hoạt.

Ông Trương Thanh Phòng – Phó giám đốc Sở Y tế phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Việc UBND tỉnh ban hành QCĐP 01:2022/HN có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc theo dõi, kiểm soát tốt nhất chất lượng nguồn nước trên cơ sở lựa chọn các thông số đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các cơ sở cung cấp nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhằm đảm bảo sức khỏe người dân.

Ngọc Nga

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 10/12/2021

Ngọc Nga

Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa đông năm 2020 và mùa xuân năm 2021

CDC Hà Nam

Biến thể Omicron không gây bệnh nặng hơn so với biến thể Delta và các biến thể khác

Ngọc Nga