Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS

(CDC Hà Nam)

Sáng ngày 01/12/2020, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

​Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trần Xuân Dưỡng – Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và một số đơn vị trực thuộc ngành Y tế.

Hiện nay, đại dịch HIV/AIDS vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các quốc gia, dân tộc. Theo báo cáo Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS năm 2020, thế giới hiện có 38 triệu người nhiễm HIV đang sống chung với HIV và khoảng hơn 35 triệu người đã tử vong vì AIDS. Mỗi ngày qua đi, thế giới có khoảng 5.000 người nhiễm mới HIV và mỗi năm thế giới có khoảng 1,7 triệu người nhiễm mới và khoảng 700.000 người tử vong do AIDS. Ở Việt Nam, kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến nay, nước ta đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Trong 30 năm qua, công tác chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, coi trọng. Nước ta đã từng bước kiểm soát được đại dịch.

Năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục giảm trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Nếu thời điểm cách đây 13 năm, mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV thì hiện nay chỉ có khoảng 10.000 trường hợp. Cũng những năm đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS thì vài ba năm trở lại đây mỗi năm chỉ có khoảng 2.000 trường hợp tử vong. Theo ước tính của các chuyên gia, chỉ tính riêng trong vòng 15 năm qua Việt Nam đã tránh cho khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV và cứu được khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS.

Từ kết quả đạt được, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 4 quốc gia hàng đầu trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS. Với mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đa dạng hóa xét nghiệm sàng lọc, nâng cao chất lượng điều trị; tăng cường giám sát theo dõi dịch HIV/AIDS. Theo lộ trình, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ cơ bản chấm dứt dịch bệnh HIV/AISD.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS 30 năm qua. Dù số người nhiễm đã giảm qua mỗi năm nhưng đến nay, dịch HIV/AIDS chưa chấm dứt, vẫn làm ảnh hưởng tới đời sống, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Nếu không nỗ lực, quyết liệt sẽ khó đạt được mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Do đó, đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch HIV/AIDS; chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch đến năm 2030; tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách phòng, chống HIV/AIDS. Ngành Y tế cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật thực hiện tốt các hoạt động can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS. Các tổ chức xã hội cộng đồng cần tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS. Đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và mỗi người dân, Việt Nam sẽ sớm đẩy lùi dịch HIV/AIDS.

Nhân dịp này, đồng chí Trương Hòa Bình đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Bản tin công tác phòng, chống dịch ngày 17/9

Ngọc Nga

Những điều cần biết về bệnh do virus Adeno và cách phòng tránh

Ngọc Nga

Ngày 1-2 tháng 6, hãy đưa trẻ trong độ tuổi – đi uống Vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường.

CDC Hà Nam

Để lại bình luận